thời gian Trần Hữu Nghiệp (nxb Văn Nghệ - 1993)
5
TÔI LÀM THẦY
THUỐC
Xuất thân là một thầy thuốc làm tư, có phòng khám bệnh và một bệnh viện riêng nhỏ ở tỉnh, tôi đã thoát ly đi theo kháng chiến từ 1945. Thế là đã mười lăm năm rồi, sau mỗi lần kê đơn và tiêm thuốc, tôi không còn, với nụ cười mua lòng trên môi, chìa tay ra đếm số tiền của thân chủ hoàn công. Và cũng ngoài năm ngàn buổi chiều đã qua, tôi không còn giở cuốn sổ con ra ghi số thu nhập trong ngày. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại cái thời buổi riêng tư, bạc tiền ra vào như nước ấy, tôi có một cái cảm giác khó chịu đến phát rùng mình được. Không biết cái phản ứng lành mạnh này đến với tôi từ dạo nào, nhưng nhất định là đã đến từ từ, trải qua một thời gian khá dài. Quả thật không phải là việc giản đơn khi muốn hiểu một chân lý mà Mác đã nêu ra trong bản Tuyên ngôn cộng sản ngoài một trăm mười năm về trước: "Trong chế đô tư bản, những nghề vinh quang và thiêng liêng nhất, nghề luật sư, bác sĩ, giáo sư bị coi là nghề làm thuê; và cái hiểu biết của người trí thức được xem như một món hàng "tiền trao, cháo múc". Giờ đây, cái bắt tay, cái nụ cười của tôi không phải là vật quảng cáo cho khách hàng trở lại lần sau, mà là để làm yên lòng gia đình, ổn định tư tưởng, cho người bệnh chóng khỏi. Cái cười đã có giá trị nhân văn. Kể ra trong sáu năm hành nghề ở thành, đặc biệt lúc mới khởi đầu mở phòng khám bệnh, nhiều lúc tôi cũng có ý nghĩ tương đối khá: làm chỉ cho vừa đủ ăn, dùng thì giờ đọc thêm và viết sách báo khoa học. Tôi rất tâm đắc câu nói của một bạn trí thức đã đăng trên báo Phụ nữ tân văn: Cũng như thầy Tam Tạng ngày xưa đi thỉnh kinh, anh em trí thức chúng ta đã vượt nhiều khó khăn mới đem về một số kiến thức. Nếu thỉnh kinh về mà không truyền bá ra thì có ích gì?". Bởi vậy, tôi đã vận động để được nói chuyện về y học một số buổi ở câu lạc bộ công chức tỉnh, nhưng lơ thơ chỉ có vài ba chục người nghe. Tôi có viết nhiều bài báo đăng trên tờ Khoa học phổ thông ở Sài Gòn. Nhưng khi biết rằng có một số đồng nghiệp cho rằng tôi làm như thế là để quảng cáo làm mồi câu khách hàng, cạnh tranh bất chính, thì tôi chùn lại. Từ ngày đi kháng chiến, các việc làm như thế luôn luôn được các bạn đồng nghiệp khuyến khích và ủng hộ đầy nhiệt tình. Bây giờ, mỗi lần nói chuyện vệ sinh ở đâu là do công đoàn tổ chức và mời diễn giả có hàng trăm, hàng nghìn người chăm chú nghe tôi . Về sau, như một câu phương ngôn thường nói : "Cảm giác thèm ăn đến khi ta bắt đầu xơi". Khi có thân chủ khá đông rồi, tôi muốn càng có đông hơn nữa. Và bắt đầu mở thêm bệnh viện bên phòng khám bệnh. Quyền lợi ghi trong Hiến pháp vừa rồi ban bố, tôi không hề được hưởng: "Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền làm việc, nghỉ ngơi và học tập". Sáng chủ nhật, tôi cũng làm. Tết cũng làm. Và suốt mấy năm trời, chỉ có một lần nghỉ mát ba ngày ở bờ biển Long Hải tại biệt thự một người bạn. Không phải do tận tụy với nghiệp vụ, vì trong thị xã còn ba anh em khác làm tư như tôi, có lo gì bệnh nhân không thầy thuốc. Mà thật ra là sợ vắng mặt hay đi lâu thì mất khách. Trong lúc kháng chiến, tôi vắng mặt ở Quân y viện hàng tháng để đi hội nghị các tỉnh là chuyện thường; và thừa dịp trên đường công tác ghé thăm bạn bè, bà con. Từ lúc hòa bình lập lại, hàng năm tôi yên ổn nghỉ hè ở bãi bể mà bên tai không hề bị tiếng ma cám dỗ: Coi chừng mất khách!. Chưa kể những lần nghỉ, được đi tham quan ở các nước ngoài hay đi học tập, giã từ vĩnh viễn lời rù quến của bạc tiền. Về học tập, thời gian trước kháng chiến, tôi cũng có đọc sách. Hình như chính Mác đã có lần nói: đọc sách dắt con người đi đến hai con đường trái ngược nhau: sách làm cho ta sáng tỏ ra hoặc làm cho ta ngu muội lại. Tôi có cảm tưởng rằng mình đã đi vào con đường thứ hai sâu hơn. Ví dụ, khi trong nước và trên thế giới, đã có những vần thơ lành mạnh, đẹp như phượng hoàng cất cánh lên mây, thấm nhuần màu sắc nhân văn chủ nghĩa mới của Louis Aragon, Paul Eluard... thì tôi không hề nghe thấy, mà lại gật gù ngâm thơ Hàn Mặc Tử, thơ Say của Vũ Hoàng Chương, thơ ca ngợi sự buồn thảm và trụy lạc của Verlaine và Baudelaire, lại thích thú với cái chật hẹp, nông nổi ấy nữa. Hơn mười lăm năm về trước, có lúc tôi cũng tự hào thầm về cái nghề làm bác sĩ tư của tôi, không khép mình vào khung quan lại, công chức của thực dân bày ra, không dính dấp gì với đế quốc. Nhưng trong mấy năm chiến tranh, thế giới thuốc men từ Pháp quá khan hiếm, việc hành nghề của tôi cũng bị ảnh hưởng. Tôi cần dùng biệt dược của các công ty tư bản đế quốc để sinh sống, các công ty này cũng cần dùng hàng trăm thầy thuốc như tôi để bán thuốc ở thuộc địa cho được nhiều. Khách hàng mà hàng ngày tôi nai lưng ra phục vụ, đa số không phải là người trực tiếp đổ mồ hôi để sản xuất ra của cải, mà chỉ là người phục vụ cho chế độ thực dân hoặc thừa hưởng những của cải ấy vì chỉ họ mới có tiền. Bá Di, Thúc Tề thời cổ ghét vua nhà Chu nên rủ nhau lên núi Thu Dương hái rau vi mà ăn để tránh ăn thóc gặt trên đất nhà Chu. Không may gặp một người vạch ra rằng rau vi cũng mọc trên đất vua Chu, nên hai ông đành nhịn đói mà chết. Tôi thì không thể làm ẩn sĩ, cũng không nhịn đói được lại cũng chưa gặp ai nói mình hiểu rằng y tế thuộc thượng tầng kiến trúc, nằm trên cơ sở kinh tế của xã hội. Trong xã hội thuộc địa đế quốc, phong kiến, thì tôi, như Dimitrốp đã nói, chỉ là đứa trẻ con bú nhờ sữa của đế quốc và giai cấp có tiền. Tôi không phải là thầy thuốc tự do hành nghề lành mạnh, bởi vì tôi phải lấy tiền thân chủ theo giá nghiệp đoàn bác sĩ tự định, bằng không sẽ bị đồng nghiệp khinh cạnh tranh bất chính, có khi cả bệnh nhân giàu có. Nghĩ ra cho cùng, chữ "nghề tự do" lấy gốc từ cái xã hội nô lệ thời La Mã. Sau khi xâm chiếm lãnh thổ Hi Lạp, bọn chiến thắng bắt được hàng chục vạn công dân Hy Lạp đem về làm nô lệ trong đó có thầy thuốc, thầy giáo, văn nghệ sĩ, luật sư. Xét rằng nếu sử dụng bọn "thượng lưu trí thức" này chung với đồng bào họ vào việc lao động chân tay suốt ngày, xiềng chung một dây xích thì không có lợi bằng tách riêng họ ra, cho làm một "nghề tự do" như chữa bệnh, nặn tượng, dạy học hay biên chép theo ý của chủ nó. Bởi vậy, cái tự do của hạng người trung gian có tri thức này thời La Mã chỉ là cái tự do trong ngục tù, nếu đem so với đồng bào cùng số kiếp. Còn đối với bọn thống trị nắm vững bộ máy cai trị, áp bức, chung quy vẫn là nô lệ, không được nói, viết, vẽ, dạy cái gì trái với ý muốn của chủ nó. Ở xã hội tư sản, chúng tôi cũng mất tự do trước quyền lực cửa ý thức phải hái ra tiền, giữ ta-ríp. Tôi hành nghề theo lương tri của tôi, không bởi bạc tiền ràng buộc sau ngày đi theo cách mạng. Nên triết học đúng đắn nào cũng phải đi đến nhìn nhận rằng không thể nói là có tự do khi còn phải lo ăn, lo mặc, lo cho ngày mai. Khi không học tập được để thấy rõ các quy luật thiên nhiên và xã hội đang chi phối chúng ta rồi uốn mình theo các quy luật tất yếu ấy để làm chủ và cải tạo lại thiên nhiên và xã hội... Theo kháng chiến, so với lúc ở thành, tôi ăn không ngon bằng, mặc giản dị hơn, nhưng luôn luôn được xếp vào hạng được ưu tiên hưởng sự bảo vệ và chăm sóc của đồng bào, ăn mâm trên, ngồi ghế hàng đầu trong lòng chân thành không chút màu mè. Nhiều ngừơi trí thức trong "thế giới tự do" xem nghèo đói chiến tranh như là định mệnh, "thiên số nan đào". Họ còn có tự do hay không khi họ không hiểu nguyên nhân tại sao nghèo đói, có chiến tranh và cúi đầu đi theo "định mệnh" . Trái lại, chúng ta tin rằng hòa bình có thể giữ vững lâu dài nếu có sự hiệp sức của mọi người. Do đó mà chúng ta xuống đường biểu tình để làm một phần tử "trong cái mọi người" ấy. Tự do là một hành động tự giác, có ý thức, vì tầm hiểu biết được rộng ra. Chính Lênin đã trả lại tự do cho người trí thức khi đặt cho họ việc học tập chính trị (tức là tìm hiểu các quy luật xã hội) lên hàng đầu, để lãnh lấy sứ mạng lịch sử vinh quang của mình là chiến thắng nghèo đói cho dân tộc và thúc đẩy khoa học tiến tới. Người nói : "Chúng ta đã bắt đầu một cuộc chiến đấu vĩ đại và không thể kết thúc nhanh chóng được, chiến đấu cho nước Nga trở thành có học vấn, khỏe mạnh, no ấm và phồn vinh rực rỡ. Tôi nghĩ rằng trong cuộc chiến đấu này, ngừơi thầy thuốc, nhà giáo, nhà nông học bắt tay với nhau, sẽ đứng ở hàng đầu của trận tuyến". Tôi đã nhắc lại lời Mác và Lênin. Thế phải chăng tôi đang tuyên truyền cho cộng sản, tôi là một đảng viên cuồng tín? Không! Nhưng qua một thời gian dài công tác, tôi có thể khẳng định một cách dứt khoát rằng: Đảng của giai cấp công nhân quả là kim chỉ nam, là ánh đèn soi đường cho mọi hành động của anh chị em trí thức ta. Không theo phương pháp mácxit thì ta trở thành người bán thân bất toại . Dù có nhiệt tình và thiện chí đến đâu, cũng không thành công trọn vẹn, lắm khi lại đi ngược với mục tiêu muốn đến. Tự do chỉ có khi tuân theo quy luật. Trong ngành y tế tôi đã được trao cho làm một số việc. Nhưng địa hạt mà tôi có chút ít kinh nghiệm là đào tạo cán bộ sơ cấp và trung cấp cho ngành, lúc còn kháng chiến ở Nam Bộ và từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. Cụ thể là trực tiếp hay gián tiếp, tôi có đóng góp vào việc huấn luyện hàng ngàn cứu thương y tá, hộ sinh hay y sĩ, dược sĩ trong gần mười lăm năm nay. Trên khía cạnh đó, tôi có vài kỷ niệm. Đảng của giai cấp công nhân có nói: phải lấy công tác chính trị làm đầu. Nhưng trong một thời gian khá dài, tôi không tin lắm. Tôi cho rằng bản chất của mỗi người tốt hay xấu là do trời định sẵn và sự giáo dục của gia đình. Bây giờ xét lại, đó là một ý nghĩ hoàn toàn không khoa học, đặc biệt là phản sinh lý học mà một thầy thuốc như tôi đáng lẽ phải biết. Tôi đã duy tâm, tin tưởng vào huyền bí và không khác nào một người tin quỉ, tin ma mà tôi từng chế giễu. Tư tưởng, học thức, giáo dục... chỉ là một khối hỗn hợp và phức tạp gồm những phản xạ có điều kiện dần dần hình thành và tích trữ ở mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta thường xuyên bồi dưỡng nó bằng sự học tập và suy nghĩ thì các phản xạ ấy sẽ được củng cố và hoàn chỉnh thêm mãi, bằng không thì nó sẽ mất đi dần dần theo hiện tượng sinh lý "ức chế phản xạ có điều kiện, bằng cách không cho tái diễn điều kiện kích thích". Đó là nói về các phản xạ tốt, hình thành trong môi trường đáng lẽ phải có, vì phù hợp với thiên nhiên. Ấy là môi trường "vô sản". Trái lại, chúng ta đã sống trong môi trường phong kiến, tư sản, tự tư tự lợi thì lại càng phải lo tự ức chế mạnh những phản xạ điều kiện cũ, tạo ra phản xạ điều kiện cũ, tạo ra phản xạ mới trong môi trường công nông: phải cần tu thân. Những kẻ tưởng rằng mình "tự do tư tưởng ", thật ra họ không có tư tưởng gì, của riêng họ hay mới mẻ cả, mà họ chỉ lập lại những ý đã rút ra ở đó hay ở đây, trong sách vở, trong thủ tục hay tập quán sống, những ý đó dần dà được nhét vào tiềm thức họ. Tư tưởng mới sáng tạo hoàn toàn xuất hiện lần đầu ở một cá nhân là việc cực kỳ hiếm. Đó là những tia sáng nảy ra từ một số nhỏ thiên tài trong lịch sử loài người. Thế thì khi tôi nghĩ rằng "mình là bác sĩ, có đọc vài ba quyển chính trị" hoặc giả "tôi là nhà chuyên môn, không cần biết chính trị" thì quả là tôi vừa mất hết tự do, vừa dại dột. Bởi vì tôi vô tình đã bị ràng buộc bởi loại phản xạ "tự cao tự mãn" hay "chuyên môn tách rời chính trị" mà giai cấp phong kiến và tư sản đã dần dần nhét vào vỏ óc của tôi. Dại dột vì học tập thời sự, chính trị , tức là để hiểu và thích nghi với môi trường lịch sử và xã hội mà mình đang sống, mà môi trường ấy lại luôn luôn biến đổi. Cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa phải dựa trên nền tảng công nông liên minh. Đó là một qui luật khoa học, một tất yếu khách quan . Vì công nông chiếm tuyệt dại đa số, căm thù sâu sắc đế quốc và ghét áp bức, lại là động lực sản xuất mọi của cải, chịu đựng nổi mọi khó khăn, gian khổ. Nhưng lúc đầu nghe qua, tôi cảm thấy có cái gì tủi thân vì mình vốn là tiểu tư sản trí thức mà quên rằng trí thức là từ kinh nghiệm "lao động" mà tổng kết thành. Cái "tình cảm giai cầp" kỳ quái ấy đã đưa tôi đến một số hành vi tai hại. Tháng Chín 1945, sau khi Sài Gòn bị giặc Pháp chiếm, chúng tôi được phép ủy ban tỉnh mở lớp "cứu thương" đầu tiên dạy ba tháng trong huyện An Hóa (tỉnh Mỹ Tho) để cung cấp người chăm sóc thương binh, bệnh binh. Gần bốn mươi học sinh của lớp ấy hầu hết là con nhà khá giả. Tôi còn nhớ đã có lần tích cực can thiệp với chính quyền xã cho họ lúc đi học được mang guốc dép, mặc quần áo trắng. Tôi viện lý do "vì vệ sinh của bệnh viện". Khi giặc tấn công tới và gặp lúc khó khăn, số "đệ tử' tan như bọt xà phòng, chỉ còn ba người đi theo kháng chiến cho đến ngày nay (đang là y sĩ), chưa kể một số anh về sau trở thành mật thám cho giặc. Tuy thế, tôi vẫn chưa chịu mở mắt ra mà thừa nhận rằng có quy luật đấu tranh giai cấp trong xã hội, tính chất dao động của tầng lớp trung gian. Tôi lấy một câu trong sách xưa đã quá lỗi thời "Tam thiên đồ đê, thất thập nhi hiền" (Khổng Tử dạy ba nghìn học trò, chỉ có bảy mươi hai anh khá) để tự bào chữa và an ủi mình. Những khóa y tá sau, mở ra nhiều nơi theo chủ trương chung, chúng tôi cũng chưa hề có ý thức gì dựa vào công nông, đặc biệt chú trọng tư tưởng chính trị lúc lấy vào học, mà lại quá nặng về trình độ văn hóa, kiểm tra ngặt nghèo, bắt dịch cho được một bài tiếng Pháp ngắn mới cho vào học, vì tôi cho rằng cần biết chút ít Pháp văn mới có thể thuộc được tên thuốc . Kết quả chỉ trong hai năm rưỡi (từ 1951 đến giữa năm 1953) khi giặc đánh lại ta rất mạnh, chiếm các vùng phì nhiêu và kinh tế dồi dào, sơ kết, chúng tôi đã mất trong một khu hai mươi tám phần trăm cán bộ y tế bỏ việc về thành hoặc về nhà làm ăn . Và lạ thay, hầu hết là học trò "cưng" của tôi, vì có học ban thành chung hoặc có "díp-lôm". Hoảng hốt trước tình hình, từ năm 1952, trong các lớp y tá và bổ túc y tá trưởng lên y sĩ, chúng tôi bắt đầu chú ý tới tư tưởng chính trị. Khi đã tổ chức cho anh chị em nhận thức rõ đối tượng phục vụ, các khó khăn mà Kháng chiến đặt ra về phòng bệnh, sử dụng nguyên liệu của địa phương và đề ra học tập Liên Xô trong việc áp dụng phương pháp Filatôp và Bôgômôlết, tình hình bỗng trở nên sáng sủa. Có nơi đã "sửa sai" bằng cách tổ chức khóa "y tá danh dự" dành cho anh chị em cứu thương tận tụy theo Kháng chiến. nhưng vì kém văn hóa nên trước kia bị đánh trượt không vào học các lớp y tá được. Ngày nay chúng tôi dạy y học toàn bằng tiếng Việt, kết quả vẫn rất tốt. Đảng lúc nào cũng nêu ra tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thiếu học tập chính trị, cho nên đã mất một thời gian dài, thật ra tôi không hiểu nhiệm vụ của mình là gì. Mặc dù đã lâu rồi, Lênin đề ra cho người thầy thuốc cách mạng hai nhiệm vụ: phục vụ quân đội công nông và phòng bệnh cho quảng đại quần chúng. Do đó, trong hành động hàng ngày, đối với những anh em cán bộ lãnh đạo cách mạng, tôi dường như "đồng sàng mà dị mộng". Quen tay, quen thói, chỉ dạy cho học trò tên biệt dược của nhiều công ty tư bản Pháp, có khi ca tụng chỉ có chúng là hay nữa. Thật ra nhiều món có thể thay thế được bằng thuốc ta. Đối với nhân dân đến chữa bệnh, cây viết kê đơn quen tay như lúc ở thành, không nhìn vào khả năng tài chính thật là hoàn toàn không khoa học: Kỹ thuật như thế là thấp kém. Vì cái kỹ thuật cao nhất là phải chiều theo được cái tất yếu khách quan, khắc phục được khó khăn bên ngoài để đạt được ý muốn của mình. Tách mình ra khỏi hoàn cảnh xung quanh, đòi hỏi những điều kiện không thể có được để rồi thắc mắc khi nó thiếu thốn, thì quả là con người máy. Trên nhận thức mới ấy, chúng tôi dần dần hiểu ra rằng ở nông thôn, sử dụng đông y trị bệnh là thái độ khoa học nhất, vì thuốc có sẵn bên tay, và không đòi hỏi gì nhiều tiền bạc ở người vốn ít tiền. Kê đơn mà người ta mua không được, bệnh nhân sẽ thắc mắc. Tôi đã chống lại tôi, bởi lẽ an tâm tin tưởng là điều kiện trước tiên cho bệnh chóng lành, mà tôi đã làm cho người bệnh không an tâm vì mua không ra thuốc đã kê đơn, nên bi quan về bệnh mình. Trong chế độ cũ, người thầy thuốc dần dần bị đẩy vào con đường điều trị thuần túy. Đó là bị động, không thể làm khác hơn . Ta bất lực trước các nguyên nhân sâu xa của bệnh tật như nguyên nhân làm phát triển bệnh lao, bệnh phong tình, bệnh mắt hột, bệnh tinh thần v.v... Y học của giai cấp công nhân, trái lại, đặt công tác phòng bệnh lên hàng đầu, kêu gọi nhân dân tự đứng lên bảo vệ sức khỏe cho mình dưới sự chỉ đạo của nhà chuyên môn. Ấy là Đảng vạch ra cho người thầy thuốc con đường chủ động về chiến thắng bệnh tật từ gốc và làm thầy thuốc "bậc thượng" (thầy thuốc bậc hạ trị bệnh đã phát, thầy thuốc bậc thượng phòng.bệnh lúc nó chưa phát) - (trích Nội kinh). Khả năng của chúng tôi trong công tác y tế tăng lên gấp bội vì bảo vệ được sức khỏe cho rất đông đảo người. Giống như Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du có phép mầu biến thành trăm nghìn Hành Giả. Đảng dạy chúng ta tin tưởng vào nhân dân, vì quần chúng là một lực lượng sáng tạo vô biên. Trong những năm đầu kháng chiến ở Nam Bộ, không thấm nhuần đường lối chiến lược, chiến thuật du kích của Đảng, dựa vào nông dân, nên tổ chức y tế rườm rà, qui mô và hình thức. Khi giặc Pháp đánh tới, nhiều nơi chúng tôi không đối phó kịp, bỏ cả thuốc men, dụng cụ và có khi cả thương binh, bệnh binh. Nhưng nhờ nhân dân cất giấu, nuôi dưỡng, nên nguy chuyển thành yên. Dựa vào sáng kiến của đông đảo cứu thương y tá, chúng tôi đã khắc phục được nhiều khó khăn mà những lúc ở thành khó tưởng tượng được, như dùng ấm nước, ống tre thay cho "bốc", dùng bẹ chuối, bông nấu xà phòng thay băng, dùng mật ong rừng U Minh thay glyxêrin v v . Năm 1956, khi sang nước Cộng hòa dân chủ Đức, tôi có thuật cho một đông nghiệp nghe tình hình làm việc ở một bệnh viện lưu động Nam Bộ thời Kháng chiến. Mấy hôm sau, đồng nghiệp ấy gặp lại tôi, cho biết rằng ông ta trong một buổi họp với các bác sĩ ở Berlin có thuật lại những điều tôi nói cho ông ta nghe. Ai cũng cho là lạ lùng và phi thường. Chính nhân dân ta đã sáng tạo ra bao nhiêu cái phi thường trong cái thường mà chúng tôi không chú ý. Còn biết bao sự việc nữa có thể nêu ra để chứng thực rằng khi có ánh sáng mác-xít người trí thức mới thu hồi lại được cái tự do chân chính, cái phẩm chất của mình. Chúng ta được tăng cường sức mạnh khi hòa mình trong tổ chức và tập thể. Có duy vật biện chứng, óc chúng ta mới được giải phóng mà gần khoa học hơn, hiểu khoa học một cách chính xác và toàn diện. Có thể, hiện nay, cũng còn có người không bằng lòng khi nghe hay đọc câu "Dưới sự lãnh đạo của Đảng". Họ muốn được thấy chữ Chính phủ là chữ duy nhất, hoặc ít ra cũng đứng trước chữ Đảng. Tôi cũng có lần nghĩ như thế. Nhưng phân tích cho tới nơi tới chốn, tôi thấy cách dùng như trên mới phản ánh đúng thực tế khách quan. Bởi vì Đảng của giai cấp công nhân không phải chỉ thu hẹp phạm vi hành động trong việc có chính quyền, mà đã dựng lên một nền triết học, một con đường lý tưởng cho toàn thể nhân loại (chứ không riêng gì một nước) phấn đấu tiến lên. Đảng vạch ra một phương pháp tư tưởng đúng đắn, đặt tình cảm loài người vào một hướng mới đẹp đẽ và bao la... Các mục tiêu ấy vượt ra ngoài phạm vi hoạt động thông thường của một chính phủ. Và tôi đã tự giải quyết thắc mắc cho tôi. Trên đây là một số cảm tưởng của một thầy thuốc đã hành nghề dưới hai chế độ. Với tấm lòng mến nhớ bao nhiêu anh em bạn cũ ở miền Nam mà một số trong ngày giờ này đây, có thể còn bãn khoăn trước ngã ba đường, tôi thật thà viết ra đây để làm chút quà tinh thần tặng nhau trong ngày kỷ niệm mười lăm năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những bước đừơng tư tưởng mà chúng tôi phải mất khá nhiều thì giờ để đi qua chậm rãi, tôi tin chắc rằng anh em sẽ vượt khỏi nhanh chóng, khỏi mất quá nhìêu năm mò mẫm như tôi . Đã đăng Báo Tổ Quốc (Hà Nôi) |