thời gian Trần Hữu Nghiệp (nxb Văn Nghệ - 1993)
24
Nghĩ về lời thề người Đảng viên
Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp lần thứ ba đặt ra vấn đề bức xúc trước mắt là CHỈNH ĐỐN ĐẢNG.
Chỉnh đốn theo Hán Việt từ điển là sửa sang, sắp xếp lại cho chỉnh tề. Sách lại giải thích: “Chỉnh là ngay ngắn” tức là đúng với LỜI THỀ khi xin kết nạp vào Đảng; “Tề là gọn gàng, cắt xén cho đều bằng, như người làm vườn tề cành lá mọc “xịa”, giúp cho chồi non nụ tốt mới đâm ra”. Vậy khi thi hành nghiêm chỉnh Nghị Quyết 3 của Đảng, phải có một số đảng viên được đưa ra khỏi hàng ngũ mà họ đã nương tựa từ nhiều năm rồi. Đấy cũng là bón nhựa lành cho số đảng viên trẻ sẽ kết nạp. Theo tôi, đây không chỉ là một yêu cầu chính trị để giữ nước và dựng nước, mà còn làm “Đạo lý làm người muôn thuở”, vào ở bất cứ nơi nào và thời nào. Vì ở đời, bao giờ kẻ trung thành cũng được kính trọng và kẻ phản bội bị khinh ghét. Từ lúc trẻ ta rất phục Dự Nhượng. Y biết rõ việc báo thù cho chúa là việc khó thành, nhưng vẫn kiên trì nuốt than, giả điên, tranh thủ cầm thanh gươm sắc chờ từng cơ hội thích khách mỏng manh. Vua nước Triệu cảm kích cái lòng “trung thành” ấy nên cho phép kẻ thù “đả long bào” hòng được hả dạ trước khi chết. Tào Tháo đáng ca tụng ở chỗ hết sức kính nể Lời Thề Vườn Đào của Quan Công, dù y đã từng thốt ra cái triết lý là “thà ta phụ người chứ đừng chờ người phụ ta” trong nhân sinh quan ích kỷ tranh giành quyền lực.
Chúng ta hẳn biết chuyện Lênin, vài giờ trước khi lìa đời, còn bảo vợ đọc cho nghe chuyện Tình yêu cuộc sống của Jack London. Cụ đã nghĩ gì về anh chàng sắp chết đói trên con đường đi tìm vàng khi anh được cứu vớt đưa lên tàu? Quên hết cảnh đói khổ vừa qua, anh đã bòn rút trong bữa ăn hàng ngày của thuỷ thủ cùng tàu một ít thức ăn chung đem về buồng riêng mình. Lênin chắc đã nghĩ về cái bản chất con người dưới chế độ tư bản mà không khinh miệt cái anh chàng ăn cắp của chung ấy. Bởi trước khi lên tàu, anh ta không có hứa hẹn thề thốt gì cả!
Người Đảng viên thì khác. Bởi anh ta đã có LỜI THỀ. Và biết rõ rằng dù có thề thốt hay không, mình vẫn ung dung được sống chung trên tàu như mọi người suốt cuộc hành trình lịch sử của dân tộc.
Hơn hai ngàn năm trước, Khổng Tử đã đưa ra nguyên tắc chính trị “Chính Danh”, nếu muốn có quốc thái, dân an. Nghĩa là quan phải đúng đạo quan, biết tu thân, tề gia trước rồi mới mong trị nước; dân phải đúng đạo dân, không vi phạm luật pháp Nhà nước. Và đã là Đảng viên của Đảng Bác Hồ, không được có ý nghĩ chứ đừng nói tới hành vi “bất liêm bất chính”.
Khi tuyên thệ trước Đảng kỳ và ảnh Bác, người thề quả quyết giữ vững một điều gì, bất chấp áp lực của thời gian và sự thay đổi hoàn cảnh. Thông thường trong cuộc sống người ta thề trước Trời Đất là vật bất biến khi còn loài người. Ít ai đứng trước núi sông, bởi sông có thể cạn, núi có thể mòn (như sông Ba Lai, núi Châu Thới).
Dù cho sông cạn núi mòn Lòng ta vẫn giữ sắt son lời thề!
Quả quyết như thế, bởi người thề dựa vào hai yếu tố:
Một là: Ta nắm chắc rằng điều ta thề là mãi mãi đúng, không thể sai lầm được. Cuộc đời ta cứ theo lời thề ấy mà đi.
Hai là: Ta tự xét có khả năng và điều kiện thực hiện lời thề ấy.
Vậy về mặt chủ quan và mặt khách quan, lời thề trung thành với Đảng không phải là vì tổ chức hay vì những người khác, mà là trung thành với chính bản thân mình. Nay tự nhận xét hai yếu tố trên kia nơi ta không còn đứng vững nữa - tức là ta không còn “tin” rằng hướng đi tới đã chọn cho cuộc đời là đúng – và khả năng tu thân của ta giảm sút nặng trước hiện tại của cuộc sống xa hoa, điều kiện cho ta thực hiện lời thề không còn (ví dụ: vợ ta muốn có nhà lầu, ô tô bằng mọi cách, mà ta không nỡ chống lại) thì sự tiếp tục ở lại của ta trong tổ chức chỉ là sự “ta tự lừa dối mình” và “lừa dối người khác” còn tin vào “nhân vị” của ta trong Đảng. Như trên đã nói, bất cứ sự “lừa dối” nào cũng đáng khinh ghét, ngay cả khi chỉ ta lừa dối bản thân ta. Nhà văn Anh Oscar Wilde từng viết một câu bất hủ: “Không bao giờ ta trung thành với ta hơn khi ta thay đổi” (We are never true to ourselves than are inconsistent). Vậy sự “thay đổi” chỗ đứng của ta từ Đảng viên trở thành quần chúng tức là sự giúp đỡ cho ta trở lại trung thành luôn luôn với chính bản thân mình. Mà sự trung thành luôn luôn được coi trọng, ta thấy dễ chịu vì ta trung thành với chính ta. Đối với tổ chức đã cho ta chỗ đứng, nơi nương tựa, từ bao lâu nay, đấy cũng là sự tỏ lòng biết ơn. Đúng như lời cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
“Chữ Trinh còn một chút này” và “Đạo tòng phu lấy chữ Trinh làm đầu”
Đúng vậy! Nàng Kiều không nên trao thân mình từng ở trong vòng tay của kẻ khác vào con người mà nàng suốt đời kính trọng và tha thiết yêu đương.
(Báo Pháp Luật số kỷ niệm tháng 8 – 1992).
|