thời gian Trần Hữu Nghiệp (nxb Văn Nghệ - 1993)
23
Bài học của Cách mạng Pháp 1789 (Kỷ niệm 200 năm Cách mạng)
Thời đại nào cũng vậy, đứng lọt vào hàng ngũ Cách mạng ngay từ đầu, đã có lắm người trí thức cơ hội với bề ngoài có vẻ lập trường cấp tiến nhất, hăng hái theo nhân dân nhất. Quốc hội lật đổ phong kiến đầu tiên ở Pháp, bầu ra năm 1789, sớm chia làm ba nhóm: Tả, gọi là Phái núi (Montagnards) bởi ngồi trên cao nhất trong phòng họp, đại biểu cho nhân dân lao động nghèo, Hữu do giai cấp tư sản công thương đưa vào, là phái Girondins. Nhóm giữa, đông đảo nhất chiếm gần ¾ tổng số nghị sĩ là Đồng bằng, nhân dân gọi là Bùn lầy (le marais) không có lập trường gì dứt khoát, thấy ai đang có thế lực thì theo. Lịch sử lưu lại cho ta chuỗi hành vi chống lại Cách mạng của những người theo “Phái núi” lúc trong tay họ đã có quyền hành rồi, sau một thời gian mị dân. Điểm qua vài tên:
Đọc tác phẩm “Thao thức” của AX Krôn, ta thấy 200 năm sau, trong một câu chuyện được trao đổi vào khuya tại một quán rượu ở Paris, những nhà khoa học trí thức Xô Viết, đảng viên cộng sản, căm ghét và khinh bỉ Fouche (1750-1820) đến nhường nào! Sau một thời gian vỗ ngực tự xưng mình là chiến sĩ cộng hòa ưu tú, Fouche lần lần phản lại cách mạng, trở thành trùm mật thám (bộ trưởng Bộ Nội vụ). Do Đệ Nhất đế chế bắt đi đày, anh ta lại nhảy sang bảo hoàng cầm đầu hiến binh cho chế độ nhà vua Louis XVIII vừa được thiết lập lại. Mục đích của Fouche là có địa vị cao để hái ra tiền, đối phó bằng những mánh khóe xảo quyệt tinh vi, bán đứng các “đồng chí” mình. Ở phe tả với một tên “núi” khác, lãnh tụ vào hàng đầu Tallien, con đường dắt đến phản bội là gái. Bá tước Therese de Cabarruss, đẹp đẽ và tinh khôn lúc bị cách mạng bắt giam, kích động y bằng lời lẽ trong thư như sau:
“Chỉ vài giờ nữa thôi, em sẽ bị đưa ra tòa và chắc chắn phải chết. Trong những giờ cuối cùng này, nỗi đau khổ của em là đã hiến thân cho anh mà em tưởng là một bậc anh hùng; bây giờ rõ lại chỉ là tên hèn nhát, không dám ngẩng mặt lên đối đầu cùng Robespierre”.
Ngày 28-7-1794, mà lịch sử Cách mạng đổi tên thành ngày Mùng chin tháng nóng (9 Thermidor) chính Tallien tay cầm dao găm, bên cạnh có Fouche, bằng những chứng cớ giả tạo, đứng lên vu cáo nhóm Robespierre, Saint-Juste, Couthon, lợi dụng cả mụ đồng bóng Theot, làm khiếp sợ cái đa số “đồng bằng” rồi cùng họ biểu quyết đưa nhóm Robespierre lên máy chém. Và chỉ mấy giờ sau là hành quyết. Nhân dân biểu tình phản đối. Bọn tham tiền, ăn cắp của công, giao dịch mờ ám, đám nhà giàu và đầu cơ, làm sao còn có thể chịu nổi sự có mặt của Robespierre! Người đứng đầu Ủy ban cứu quốc ấy có đời sống thanh liêm và trong sạch không ai mua chuộc được, lại không ưa kẻ tâng bốc, hay xu nịnh mình. Robespierre ăn ở nhờ tại nhà của anh thợ mộc Duplay, giữ lối sống giản dị nghiêm chỉnh bên cạnh các cô gái xinh xắn vào tuổi cặp kê của chủ nhà rất mến mình. Kết luận rút ra là: Vì lợi ích lâu dài của Cách mạng, phải chặt chân, đốn ngã sớm những kẻ nào muốn đi con đường chính trị mà còn tham tiền, chớ để họ ngoi lên được. Bởi họ sẽ đưa đất nước đến tai họa dù họ có tài năng và công lao đến mấy cũng vậy.
* * *
Thực vậy, người đẹp Cabarrus về sau khi được đứng vào hàng đệ nhất phu nhân của chế độ Cộng hòa, đã tạo ra trong xã hội Cách mạng Pháp lối sống xa hoa, bày ra cho phụ nữ Paris đương thời lối trang phục theo “cổ Hy Lạp” mặc quần áo nhẹ và mỏng manh, khêu gợi. Nàng được nhân dân tặng danh hiệu “Lệnh bà tháng nóng” (Notre Dame de Thermidor). Để đánh dấu bước ngoặt của Cách mạng Pháp đi theo giai cấp tư sản mới “phất”, thanh niên cũng không kém đua đòi ăn chơi. Họ theo mốt “Muscadins”, cạo sạch ót, để tóc dài xõa hai bên trán, áo cắt ngắn, quần chẽn. Họ ăn ở nhà hàng sang, nhảy đầm, tán tỉnh tranh gái thâu canh khắp nơi. Đạo đức, phong hóa suy đồi như chưa bao giờ thấy. Vợ chồng ly dị nhau rất dễ dàng. Ai còn nhắc đến những gương anh hùng và ca ngợi lòng hy sinh của đoàn chiến sĩ Cách mạng đi chân đất, chịu đói lạnh để hăng hái đi ra tiền tuyến bảo vệ nền Cộng hòa? Phải đợi đến thế kỷ sau, văn hào Victor Hugo mới có dịp nhắc đến trang anh hùng ca “chiến sĩ năm II” (Les Soldats de L’An II).
Nhằm bảo vệ chế độ Cộng hòa tham nhũng, thối nát mà y đứng đầu, Barras kéo tướng Bonaparte, có tài quân sự vào làm phó giúp mình, dùng vũ lực đàn áp thẳng tay. Dân chúng Paris căm phẫn kéo đi biểu tình, nổi loạn. Chính tên Barras, ăn hối lộ, tham lam và tìm mọi cách bám quyền bính lâu dài đã tạo mọi điều kiện cho tướng quân phiệt Bonaparte tiến thân trên vũ đài chính trị từ năm 1795. Để rồi, chỉ 4 năm sau, trong cuộc đảo chính giải tán viện dân biểu ngày 18 Sương Mù (18 Brumaire), nền Cộng hòa Pháp đầu tiên chấm dứt, xóa bỏ bởi tay y. Rõ ràng, bài học thứ hai là khi phong hóa xã hội suy đồi (ví dụ thời ấy có kẻ cưới luôn một lượt hai chị em ruột, rồi sau đó lại xin cưới luôn bà mẹ vợ còn trẻ!), cuộc sống ăn chơi sa đọa phè phỡn không còn ai ngăn chặn, luôn báo trước một ngày tàn không xa của lý tưởng Cộng hòa. Mọi sự thờ ơ trước hiện tình ấy là tội ác đối với tương lai của đất nước. Mọi lời lẽ phụ họa, a tùng là khạc nhổ trên máu nhân dân đã đổ.
(Báo Công An TP., số ngày 14.7.1989) |