thời gian
TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)


 
21

Rượu trong sử và văn học Việt Nam

 

Rượu trong sử

 

Đáng lẽ nhân dân Việt Nam ta, hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, hiểu thấm thía tai hại của tệ nạn rượu chè. Không phải bởi đã từng nghe các chuyện kể vòng vo tam quốc như chuyện Trương Phi vì say sưa mà để thành Từ Châu lọt vào tay Lữ Bố; rồi cũng do một cơn say mà để cho một kẻ yếu hơn mình cả chục lần đến cắt mất đầu. Ta chỉ cần đọc lại sử nước mình, từ ngày có nền độc lập vững bền hơn một ngàn năm nay. Chỉ cần người lớn nói lại cho trẻ em nghe và người có trách nhiệm trong chính quyền dựa vào đó mà nói với dân.

 

Này đây:

 

Khởi đầu là nhà Đinh, trong một cơn say, vua Đinh Tiên Hoàng và trưởng nam là Đinh Liển bị tên nội thị Đỗ Thích giết chết. Một triều đại chấm dứt sau chưa đầy 12 năm (968-979).

 

Nối tiếp theo là đời Tiền Lê, kéo dài cũng chỉ 30 năm, và tới khi Lê Long Đỉnh lên làm vua, lúc lâm triều chỉ nằm, nên được gọi là Lê Ngọa Triều, do chân bị tê liệt và mang bệnh trĩ. Điều ghi lại trong sử sách mà ai cũng biết là những cơn tàn ác lạ lùng, làm mất cả lòng dân. Ví dụ: lấy rơm quấn vào tội nhân rồi châm lửa đốt; nhốt tù vào thủy lao đem ra treo ở bờ sông cho nước thủy triều lên giết dần. Long Đỉnh vui cười khi cho róc mía trên đầu nhà sư, rồi giả lỡ tay hạ dao vào sọ. Dưới mắt nhà y học hiện nay, bệnh trĩ kia là do đau gan, chân bị tê liệt là do viêm các dây thần kinh, nguồn gốc của hành vi tàn ác, cũng do tác hại của rượu. Chúng ta lưu ý một điều là lúc đọc sử có lẽ chỉ lướt qua: Lê Ngọa Triều chết năm 24 tuổi là người say mê tửu sắc.

 

Đời nhà Lý, chấm dứt với Lý Huệ Tôn năm 1225 khi nghe lời vợ là Trần Hậu và em họ vợ là Trần Thủ Độ, vua truyền ngôi cho công chúa mới lên bảy tuổi; rồi bà vua Lý Chiêu Hoàng nhanh chóng nhường lại ngôi cho ông chồng là Trần Cảnh, mới tám tuổi. Sử ghi rõ: Huệ Tôn say rượu liên miên suốt ngày, lúc ốm đau, lúc điên dại. Đau ốm thế nào, điên dại ra sao? Chuyên môn có đề cập đến, khi nêu bệnh Cảnh nghiện rượu kinh niên.

 

Nhà Trần để lại cho dân tộc ta những trang sử vẻ vang, đánh bại quân xâm lược từ phương Bắc xuống, đông hơn ta cả chục lần. Công lao lớn thuộc về hàng chục vạn người, đã nghe theo lời hịch của Trần Hưng Đạo, trong vấn đề bỏ rượu được nhắc đến: “Chén rượu ngon không làm cho giặc say chết: tiếng hát hay không làm cho giặc điếc tai… Bấy giờ chẳng những ta chịu nhục mà trăm nằm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi”. Những người đứng đầu Nhà nước trong thời kỳ hiển hách ấy tự mình nêu gương sáng cho dân; không uống rượu. Sử chép: Một hôm, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông từ Thiên Trường về kinh, các quan đều có mặt ở nơi giáng tiếp, chỉ thiếu có vua Anh Tông đang say nằm ngủ không ai dám đánh thức. Thượng Hoàng giận lắm, truyền xa giá lập tức trở về Thiên Trường. Vua Anh Tông tỉnh dậy, sợ quá, vội vàng chạy theo và nhờ Đoàn Nhữ Hài, còn là học trò, làm bài tạ tội, hứa hẹn sẽ không uống rượu nữa. Nước nhà kéo dài thêm được 48 năm thịnh trị (1293-1341).

 

 Nhà Trần bắt đầu sụp đổ từ đời Trần Dụ Tông (1341) khi Triều đường trở thành một quán rượu thường trực, một sòng bạc, một sân khấu. Vua quan thi nhau uống rượu; ai uống nổi trăm thăng được thưởng hai trật quan. Có khác gì ngày nay người ta khen nhau là “chịu chơi” ở một số vùng nông thôn miền Nam.

 

Sử chép: Vua Dụ Tông vì tửu sắc quá độ nên không có con, khi ông qua đời năm 1369, nhà Trần suýt chấm dứt. Những ông vua cuối cùng của nhà Trần, trước khi ngai vàng lọt vào tay Hồ Quý Ly, suốt ngày rượu chè, cứ yến ẩm với các quan trong khi nhân dân đói khổ.

 

Đời nhà Lê[i], ở Bắc Hà, chấm dứt với chúa Trịnh, kẻ thực sự nắm hết quyền hành, cứ suy đồi trong tệ nạn say sưa. Đặng Mậu Lân, em ruột bà chúa Chè Đặng Thị Huệ, là điển hình của bao nhiêu vụ tàn bạo: hiếp dâm công khai, đánh giết người vô tội sau những cơn say với đồng lũ. Bản thân Tĩnh đô Vương Trịnh Sâm là một bệnh nhân mắc bệnh xơ gan do nhiễm độc rượu nên sợ lạnh, liệt dương, theo sự phân tích bệnh án của Hải Thượng Lãn Ông để lại trong quyển Thượng Kinh ký sự. Đứa con duy nhất của Trịnh Sâm đã có với bà chúa Chè, thế tử Trịnh Cán, chết yểu, chắc chắn bởi bị lao màng bụng trên cơ sở y là sản phẩm của một người cha ghiền rượu say sưa.

 

Rượu trong văn học

 

Tai họa do lạm dụng rượu gây ra, ông bà ta từ xưa cũng đã thấy. Đã từng có những câu hát dân gian như:

 

Ở đời chẳng biết sợ ai

Sợ người say rượu nói dai nói khùng

 

Đã có lời khuyên răn của những bậc ưu thời, mẫn thế.

 

Đua chi chén rượu câu thơ

Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao

(Nguyễn Trãi, Gia huấn ca).

 

Sâu sắc nhất là sự phân tích cách đây hơn 200 năm của vị đại y tông dân tộc, người đã từng được mời ra Thăng Long để chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh Sâm và ngày nay được toàn thế giới đông y xem là y tổ. Trong quyển sách ngắn Vệ sinh yêu quyết, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dành 40 câu để nói về rượu, có đoạn như sau:

 

Ngà ngà mượn dịp hành hung

Say nhiều nôn mửa, bỗng dưng mê trầm

Hơi men nung nấu can tâm

Đau đầu thổ huyết họng sưng mắt mù

Biến sinh cước khí[ii] ung thư

Phế suy[iii] tâm hoãn[iv] gan khô da vàng

Lâu ngày thấp nhiệt huân chưng

Biến nên vi thống[v] trường phong[vi] gân mềm

Rượu làm khí lực hao mòn

Chi bằng nhịn rượu để còn gạo ăn

Chẳng những phòng bệnh phải răn

Cũng là giáo phú hưng dân đồng thời

Nên dùng làm thuốc mà thôi

Già thì uống ít, trẻ thì cấm ngăn.

 

Nào cần phải có con mắt người làm nghề trị bệnh mới thấy rõ tai hại của nạn rượu chè. Nhiều nhà tư tưởng lớn, nhiều nhà cách mạng sôi nổi tình thương lao động, đều đã phát biểu dứt khoát. Gớt (Goethe), người Đức, đại văn hào của thế giới vào thế kỷ 19 nhận xét: “Nhân loại có thể đạt tới những thành tựu vô song nếu tỉnh táo hơn, không uống rượu”. Gớt đã sống y như lời ông, tới 83 tuổi, và theo người đương thời, sau khi mất, thân thể ông trông như của một chàng trai trẻ.

 

Nhà văn Nga Lép Tônxtôi, sống tới 82 tuổi, nói:

 

Rượu làm tối tăm ý thức và mê muội lương tri, làm cho con người dễ mắc những mưu đồ, hành động xấu xa. Thói quen dùng chất kích thích này với liều lượng ít hay nhiều, thỉnh thoảng hay thường xuyên, trong tầng lớp xã hội thượng lưu hay hạ đẳng, bao giờ cũng có một nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, và nhất là thấy cần phải dập tắt tiếng nói của lương tri. Người đứng đắn lấy làm hổ thẹn làm các việc mà kẻ say sưa làm không do dự. Chính phần mười các tội lỗi làm ô nhục nhân loại đã phạm phải dưới ảnh hưởng của rượu.

 

Giác Lônđôn (Jack London), nhà văn tiến bộ Mỹ, cũng đã viết:

 

Thật khủng khiếp, rượu lại thọc bàn tay vào những đôi bạn tốt, vào những người có lửa, có khí thế, vào những ai rộng tầm nhìn, giàu nhiệt huyết… Nếu nó không giết được ngay nạn nhân, không lấy được của họ lương tri, thì nó làm cho lầm lẫn trở nên thô lỗ, thấp hèn, hư đốn: nó tha hóa tâm hồn họ, không còn sót lại một chút gì cao thượng, tinh hoa trước đây cả.

 

Vì lẽ ấy mà Lênin, sau khi Cách mạng tháng 10 thành công, đã trả lời dứt khoát với Clara Zetkin: “Giai cấp vô sản là giai cấp đang lên; nó không cần say rượu để bị ù tai và mê đắm”.

 

Nhà thơ lớn Xô viết của thời kỳ đầu cách mạng, thi sĩ Miacopxki, đã có một bài kịch liệt chống kẻ say rượu:

 

Để anh khỏi phá sản vì rượu đế

Thuốc độc khỏi đẩy anh xuống mồ

Thì bọn nấu rượu phải cút khỏi xã

Cút khỏi nông trang, cút khỏi thành phố

Kẻ nào uống rượu: đuổi cổ!

Đứa nào say rượu: tống cổ!

 

Người ta vẫn đem hoa tươi đặt trước tượng Maiacopxki tại Matxcova, thán phục thiên tài của tác giả Chiến tranh và hòa bình, và dịch văn thơ của Gớt ra đủ thứ tiếng, nhưng vẫn tiếp tục nhậu nhẹt. Vì sao? Vì rượu đã xuất hiện trong lịch sử loài người từ thời đồ đá, cách đây ít nhất cũng 5.000 năm, dính liền với lễ giáo, tập quán. Cách đây 6.000 năm, ở Babylon, con người đã biết uống bia. Thói dùng rượu nho từ Cổ Ai Cập đã nhanh chóng tràn lan sang châu Âu thời đế chế La Mã. Sau cuộc thập tự chinh thời Trung Cổ, người châu Âu đã học được của dân Ả Rập cách cất rượu cồn nguyên chất từ rượu trái cây. Danh từ “cồn” (alcool của Pháp, alcohol của Anh) đều xuất phát từ Alkchol, có nghĩa là làm “êm dịu” theo ngôn ngữ Ả Rập.

 

Sang châu Âu, rượu cất cao chữ được xem là “nước của sự sống” (eau de vie), vì nhân dân lao động cần nó để quên đi trong chốc lát cái khổ nhục của cuộc đời, giới cầm quyền ăn bám cần nó để kéo dài ngày vô vị hoang dâm.

 

Đối với dân tộc ta, con người đã biết nấu rượu từ buổi bình minh của đất nước. Sách Lĩnh nam chích quái viết:

 

Buổi mới dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ. Lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm gạo làm rượu, lấy bột quan lang (cây dao) làm bánh, lấy thịt chim muông làm mắm, lấy gừng làm muối, cấy bằng dao, đốt cỏ làm lửa, lấy ống tre để nấu cơm, gác gỗ làm nhà để tránh khỏi hổ lang làm hại.

 

Nhưng ở xã hội Việt Nam ta thời trước, nhân dân lao động nói chung không hề lạm dụng rượu. Trong quyển sách in năm 1898, một nhà bác học đáng tin cậy là bác sĩ Canmet (A. Calmette) ước lượng anh em “cu-li” nghèo ở Sài Gòn tiêu thụ mỗi tháng từ 2,5 lít tới 3 lít rượu đế 36 chữ, tức là cứ 3 ngày uống hết một xị.

 

Chúng ta đã bị thực dân, phong kiến tha hóa.

 

Ngày 1-6-1897, tên toàn quyền Đume (P.Doumer) ra nghị định thiết lập hệ thống độc quyền rượu của Nhà nước bảo hộ Bắc kỳ và Trung kỳ. Công ty tư bản Phôngten được giao cho quyền nấu “rượu ty” thay thế cho “rượu lậu” bị Nhà nước cấm. Tệ nạn say sưa mà bao nhiêu bậc tiền bối đã cố gắng ngăn chặn từ nay được khuyến khích công khai, cùng với các thói hư tật xấu khác, chôn vùi nhân cách và suy nghĩ con người trong sự làm thỏa mãn những bản năng thấp kém. Tú Xương hát:

 

Nghiện chè, nghiện rượu, nghiện cả cao lâu

Hay hát, hay chơi, hay nghề xuống lõng

………………………….

 

Quốc sách của thực dân Pháp ngày trước và Mỹ ngụy sau này là cổ động cho cái say sưa, để với một mũi tên bắn trúng ba đích: mê dân và ngu dân bản xứ để bắt họ dễ dàng làm tay sai cho chế độ, củng cố nền thống trị và vơ vét làm giàu. Trong Bản án chế độ thực dân, Nguyễn Ái Quốc vạch rõ: “Nhà nước bảo hộ định mức mỗi đầu người là 7 lít rượu ty một năm; trẻ em còn bồng bế chưa uống được thì cha mẹ phải uống thay”. Định mức tiêu thụ này phân bổ xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống tổng, xuống xã. Ở một ngàn làng, có hơn 1.500 đại lý rượu “bài nhì”, “bài ba” trong khi chỉ có 10 trường học chưa hết cấp 1. Xã nào bán không đủ và vượt định suất rượu ty, tức là có chứa rượu lậu, lý trưởng, chánh tổng bị quở phạt, tri huyện lâu lên chức thậm chí bị trừng phạt. Bọn “tào cáo” (lính thương chánh) dọ dẫm, lục soát và đây là những dịp tốt để phao rượu lậu mà hại nhau, cướp vườn, giựt vợ, mua con kẻ đi tù làm thiếp hầu hay tôi tớ. Trong báo cáo ngày 14-1-1941, tên Thống sứ Bắc kỳ là Tholanxo (Tholance) cho biết: “Nửa số phạm nhân bị giam giữ là tù rượu, ưng hay oan, gồm toàn đàn bà, người già, kẻ tàn tật”.

 

Nhờ vậy mà nếu năm 1931, sản xuất được tính ra rượu nguyên chất là 18.046.224 lít (tức gần 50 triệu lít rượu ty) đem lại cho Nhà nước thực dân 4.838.850 đồng tiền thuế thì đến năm 1942, thuế quan do rượu ty đem lại là 13.571.688 đồng, với số lượng rượu nguyên chất bán ra là 49.329.786 lít, tức gần 120 triệu lít rượu phải uống.

 

Suốt ngàn năm dưới ảnh hưởng bóng hình của phong kiến Đại Hán, thế hệ này sang thế hệ khác, cụ đồ gật gù ngâm bài “Xuân Nhật Túy”.

 

Ở đời như giấc chiêm bao

Làm chi mà phải lao đao cho đời

Vậy nên say suốt hôm say

(Ngô Tất Tố dịch)

 

Hoặc ngâm khúc Tương Tiến Tửu, giảng giải lại bạn bè nghe:

 

Vui cho đẫy khi ta đắc ý

Dưới vừng trăng đừng để chén không!

Sinh ta… trời có chỗ dung

Nghìn vàng tiêu hết lại trông thấy về

 

Cái triết lý rẻ tiền ấy của Lý Bạch đời Đường, hơn nghìn năm sau, vẫn cứ vang lên trong những vần thơ của những thi sĩ, dưới chiêu bài nghệ thuật vị nghệ thuật, lao mình vào hưởng lạc, ăn chơi, say sưa.

 

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết trong Thơ say:

 

Đất say đất cũng lăn quay,

Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?

… Say túy lúy nhỏ to đều bất kể

Trời đất nhỉ! Cái say là sướng thế!

Vợ khuyên chồng, ai dễ đã chừa ngay

Muốn say, lại cứ mà say!

 

Tản Đà lại viết trong “Sông khúc” sau lúc say:

 

Thú chi hơn chén rượu đầy,

Bạn thân ta hỡi, sum vầy chớ xa.

Thuốc tiên, sống mãi họa là,

Cõi trần, cái chết dễ mà tha ai!

Khi say ta mở miệng cười.

Ngoài ra, bao ná việc đời sướng chi.

 

Rõ ràng đó là những vần thơ rất hợp với khẩu vị của những ai tuyệt vọng, không còn nhìn thấy tiền đồ cho mình và cho dân tộc. Chúng đã phục vụ đắc lực cho chế độ thực dân cũ. Chế độ thực dân mới của Mỹ ngụy đã dựng cái xác không hồn của Vũ Hoàng Chương lên làm thi sĩ số một của quốc gia Diệm – Thiệu; đưa nó đi “đấu xảo” tận châu Âu. Vì anh ta đã “cố gợi những giác quan lười biếng, để ghi cho hậu thế phút mơ màng” trong những vần thơ đáng nguyền rủa cho ai còn có lương tri.

 

Cạn đi và lại cạn đi,

Say rồi gắng thêm say;

Rượu, rượu nữa! Và quên, quên hết!

                                           (Chén rượu đôi đường)

 

Thả chiếc bách không chèo trên bể khói

Mặc trôi về đâu đó nước non say

 

Bởi vì như thế là tự hủy diệt mình, đồng thời cũng hủy diệt gia đình và đắc tội với dân tộc.

 

Có những bằng chứng khoa học để khẳng định như vậy, và chúng ta cần phổ biến để góp phần lau sạch vết xấu trong tiềm thức nhiều người.


 

[i] Xem Hoàng Lê Nhất Thống Chí.

[ii] Cước khí: chân đau sưng, tê lạnh.

[iii] Phế suy: phổi kém.

[iv] Tâm hoãn: Tim đập chậm hay giãn ra.

[v] Vị thống: đau bao tử.

[vi] Trường phong hạ huyết: đi tiêu ra máu.

 Trở lại mục lục