thời
gian Trần Hữu Nghiệp (nxb Văn Nghệ - 1993)
16
Nghĩ về một người anh đã khuất:
Sáng sớm ngày 3 tháng 4 năm 1986, tôi đến trụ sở II Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, thắp nhang nghiêng mình vĩnh biệt cụ luật sư Trịnh Đình Thảo, người mà thời còn ở rừng cũng như từ khi về thành, chúng tôi quen gọi là “Anh cả” lúc xưng hô.
Tôi chống gậy ra về, lòng bâng khuâng nhớ tiếc một nhà yêu nước mà tôi nghĩ có lẽ phải là giới trí thức cũ thuộc thế hệ những người từ lâu đã đầu bạc như chúng tôi mới đánh giá hết lòng can đảm và tinh thần “Khinh tài trọng nghĩa” như ngày trước người ta hay nói. Mặc niệm anh rồi, tôi đã để cả buổi chiều đọc lại kỹ cuốn “Suy nghĩ và hành động”, tập hồi ký mà Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh cho ra đời gần đây “ngoài kế hoạch”, theo chỉ thị của đồng chí Bí thư Thành ủy, khi đồng chí biết tin rằng sức khỏe luật sư cứ tụt dần, nếu chờ đợi in ấn theo kế hoạch, e rằng sẽ quá muộn!
Lòng ưu ái của Thành ủy quả có tác dụng như một liều thuốc đem lại niềm vui, có nhiệm mầu kéo dài đời sống cụ Trịnh Đình Thảo thêm mấy tháng, khi mà dưới con mắt thầy thuốc, cần phải sẵn sang lo toan đám tang cho cụ vào cuối 1985.
Vào một lần tôi đến thăm cụ ở nhà riêng, đường Tú Xương, đầu mùa thu năm ngoái, cụ đã không còn ngồi dậy được nữa. Cụ bảo người nhà lấy tặng tôi một cuốn “Suy nghĩ và hành động” vừa in xong. Từ gương mặt xanh xao, ánh mắt cụ lóe lên một niềm vui. Đôi môi mệt nhọc, suốt gần 20 năm trường trước Cách mạng tháng Tám, tại tòa án thực dân Pháp, đã lắm phen đem hết nhiệt tình thốt lên những lời bảo vệ cho nhiều chiến sĩ yêu nước Việt Nam mà không nhận thù lao, giờ đây chỉ còn yếu ớt, chậm rãi nói với bạn bè: “Tôi viết tiếng Việt không thông thạo lắm. Nhưng anh em hãy giữ làm kỷ niệm, bởi đây là tóm tắt ý nghĩ và bước đi của đời tôi, có sao cứ nói ra y như thế”.
Tập hồi ký dài trên trăm trang. Nhà xuất bản đã chọn màu xanh dương làm bìa, cái màu biểu tượng cho hòa bình và thanh khiết, cái màu của nước biển rộng mênh mông. Lời văn mộc mạc, thật thà. Cộng thêm với những gì tôi hiểu biết về cụ Trịnh Đình Thảo qua nhiều đồng chí khác hay qua tiếp xúc cá nhân từ ngày cụ vào khu giải phóng miền Nam sau Tết Mậu Thân (1968), chúng tôi khẳng định dứt khoát rằng đó là một người trí thức rất “honnête”. Phần đóng góp của cụ cho cách mạng và quê hương thì xin nhường cho lời phán xét có thẩm quyền của những ai từng có vị trí góp làm nên lịch sử 40 năm qua, bằng cái nhìn biện chứng thời gian và toàn diện.
Rất khó tìm ra một từ ngữ Việt Nam nào chứa đựng được cái gì tôi muốn nói qua chữ “Honnête” của Pháp, hàm súc các ý chính trực, thật thà, liêm khiết và phục thiện.
Từ làng Mộc ra đi, sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, xuống tàu sang Pháp du học, cậu tú tài trẻ tuổi đất Thăng Long đã sớm hiểu cái nhục mất nước, và tự cách ly mình ra khỏi chế độ phong kiến vua quan và đẳng cấp của gia đình. Vào thập niên 20 của thế kỷ này, với bằng Tiến sĩ luật khoa mà trở về Hà Nội, ông nghè luật học, ông cống văn chương, chắc chắn tiến thênh thang trên đường hoan lộ: án sát, tuần vũ rồi tổng đốc, nếu ông chịu mặc lên mình chiếc áo gấm có đính bài ngà. Nhưng ông đã lựa chọn chiếc áo đen nghề luật sư, về sống ở một miền đất nước mà nhân dân không có thói quen gọi luật sư là “quan Trạng” (trạng sư) mà nói hơi ngang ngang: “mướn ông thầy kiện”.
Và ông “thầy kiện” Trịnh Đình Thảo lại vui thích trong môi trường ấy, nơi mà thỉnh thoảng ông có thể viết vài bài báo, không bị kiểm duyệt bởi in tiếng Pháp, cho tờ “Tribune Indegène” hay “Echo Annamite” của Sài Gòn. Ngày còn ở Pháp, sau đám tang cụ Phan Chu Trinh (1926), cậu cử Trịnh Đình Thảo còn có ảo tưởng đòi độc lập cho dân tộc bằng biện pháp tranh đấu hòa bình, nên đã tập hợp hơn 300 sinh viên Việt Nam ở thành phố Aix trong ba ngày, dưới các ô che chở của nhiều nghị sĩ quốc hội Pháp trong vùng, vốn thuộc đảng xã hội, đối lập với chính phủ. Trở về nước hoạt đống suốt 15 năm dài trước toà án Sài Gòn và các tỉnh, cụ thấm thía rằng dù Nam Kỳ là đất thuộc địa thì luật pháp vẫn không có ý nghĩa gì cả đối với những người bị ghép vào tội chính trị. Bao nhiêu thân chủ mà luật sư đã tận tâm bào chữa đều nối nhau đi tù, cũng như ảo tưởng của cụ về công lý, dù là công lý tư sản, cũng dần dần mất hết.
Nhật lật đổ Pháp ngày 9/3 năm 1945. Vua Bảo Đại đánh điện mời cụ ra Huế nhận chức Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Cụ nói: “Tôi đã suy nghĩ luôn hai ngày, tham khảo ý kiến vài ba anh em thân, mới điện ra trả lời “chấp thuận”! Dạo ấy, Hồng quân đã vượt qua biên giới Tây Ba Lan, tiến tới Béclin. Ở Thái Bình Dương, quân đội Nhật Hoàng bị đánh xiểng liểng. Tôi lẽ nào không biết điều ấy. Nhưng tôi nghĩ: “May ra nhân dịp nhậm chức này, mình có thể trả lại tự do cho anh chị em làm chính trị bị tù”. Đó có lẽ là lời tha thiết nhất mà cụ muốn nói ra trước khi nhắm mắt.
Trên con đường lai kinh nhậm chức, cụ đã thực hiện đúng ý định ấy. Hằng trăm anh chị em tù chính trị ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định đã được thả ngay và tặng tiền đường để mau sớm về nhà. Tới Qui Nhơn, có cuộc đụng độ với sĩ quan hiến binh Nhật để đòi thả 48 tù cộng sản lớn từ Đắc Tô chuyển về và bị bí mật giam riêng. Những anh chị em này về sau, đã đóng góp một phần quan trọng vào Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra năm tháng sau ở Trung Bộ.
Vậy nhận chức “thượng thư” cho Bảo Đại là có xuất phát từ một suy nghĩ. Năm 1949, trước khi gọi nhà báo Nguyễn Phan Long, tên trí thức cơ hội, ra lập chính phủ theo gợi ý của Pháp, Bảo Đại cũng mời cụ đứng ra làm Thủ tướng. Song lần này, cụ đã từ chối phắt, cũng xuất phát từ một suy nghĩ. Suy nghĩ đã có sẵn từ khi bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tự vẫn chết, tên trùm thực dân đô đốc d’Argenlieu muốn mời cụ đứng ra làm Chủ tịch “nước Nam Kỳ quốc” do nó dựng lên. Suy nghĩ ấy là: khi nhận làm Bộ trưởng Tư pháp tháng 3 năm 1945, cụ xem như nước nhà đã thống nhất và người Pháp không còn ở đây nữa. Cũng từ ý nghĩ đó, mà kể từ dạo ấy, với nhiều luật sư khác, cụ không bao giờ chịu khoác trở lại áo luật sư tòa thượng thẩm Sài Gòn dù sống trong khó khăn dồn dập. Cụ nói:
“Trở lại làm nghề bào chữa thì tất nhiên có tiền, nhưng lại phải dựa vào luật pháp cũ mà dân tộc mình không thừa nhận nữa” từ khi có bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ. Cụ lại ngang nhiên gắn bảng ghi tên Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh tên hai con đường đi lớn nằm trong trang trại của cụ ở Gò Vấp. Cụ đã bị bắt năm lần từ ngày Mỹ đến, trong đó có hai lần phải ngồi tù hai tháng và sáu tháng. Lần đầu, cụ được thả ra sau khi anh em Diệm Nhu bị giết chết, do cụ ủng hộ phong trào Phật tử. Lần sau là dưới thời Phan Khắc Sửu – Phan Huy Quát, vì cụ đã ký tên vào kiến nghị đòi hòa bình của phong trào tự quyết. Điều kiện cảnh sát ngụy nêu ra để thả cụ ngay thật đơn giản: nhận lời xin lỗi Ngô Tổng thống, từng “rất mến” Luật sư vì đã từng làm thượng thư như ngài ở Huế(!). Lần thứ hai còn dễ hơn nữa: “đã ký tên vào kiến nghị hòa bình vì nể anh em đến nhà tìm, chưa kịp đọc kỹ”.
Cụ Trịnh Đình Thảo từ chối, và tuyên bố: “Tôi đã ký tên vào kiến nghị bởi nội dung trong đó cũng là suy nghĩ của tôi”. Sự từ chối ấy đem lại cho cụ sáu tháng tù giam ở khám Chí Hòa. Còn lần thứ ba dài 10 ngày, tại bót Ngô Quyền vào năm 1967.
Đầu năm 1968, cụ Trịnh Đình Thảo đi theo liên lạc của Mặt trận ra khu giải phóng, bỏ lại ở Thành tất cả nhà cửa, tài sản, kết quả của cả một đời lao động cần cù. Đã lâu rồi, nhiều năm, hàng ngày cụ đều nghe tiếng bom rơi, đạn nổ. Cửa kính nhà riêng ở Gò Vấp từng rung rinh trước các chuỗi bom của B52 nổ xa. Ông già 67 tuổi ấy vẫn vui vẻ, dứt khoát ra đi vào rừng, góp sức tinh thần vào một cuộc đấu tranh mà chưa thấy được ngày nào mới chấm dứt, còn gian khổ thì hẳn ai cũng biết rồi. Đó là một quyết định rất can đảm, nhằm một mục tiêu duy nhất: “Suy nghĩ và hành động” của người trí thức chân chính phải nhất quán; như đã làm bạn đời chân thực với nhau thì phải cùng nhau chung thủy dù bão táp, phong ba.
Gần 60 năm trước đây, tôi còn là một học sinh ở Ban Tú tại Pháp, trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay). Trên con đường cắp sách đến lớp để nghe Tây giảng bài, nhiều phen tôi gặp vị luật sư trẻ tuổi từ văn phòng ở đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) đi về tòa án. Mỗi lần gặp, anh học sinh ham học từ xa lại nhìn trộm vị luật sư, lòng tràn đầy niềm khâm phục pha lẫn chút thèm thuồng. Con người hiên ngang trước mặt Tây kia đã đạt được những bằng cấp đại học cao nhất mà chúng tôi mong muốn, chiếm một vị trí xã hội “trí thức tự do” mà chúng tôi ao ước sẽ được vươn tới…
Nhiều thập niên trôi qua kể từ thuở ấy. Dân tộc ta, cả nước ta đã chịu bao nhiêu hy sinh mất mát để đi đến đỉnh vinh quang của một thời đại anh hùng. Sự khâm phục, kính trọng của tôi đối với nhiều bậc trí thức ngày nào cũng thay đổi. Rất may mắn cho tôi, từng quen biết nhiều người trong số họ, nhờ đã học qua đại học Hà Nội và Paris, ra hành nghề “trí thức tự do” nhiều năm, trước khi đi theo tiếng gọi của cụ Hồ vào bưng biền công tác.
Rồi tôi học đánh giá con người qua việc làm hơn là lời nói, không còn mù quáng tin nghe bất cứ ai, dù người đó học hành cao đến đâu, mà “ngôn hành bất nhất”, xu thời tiến thân. Tôi hiểu thế nào là chủ nghĩa cơ hội, mà cơ địa của giới chúng tôi dễ cảm nhiều hơn ở giai cấp công nông, mà biểu hiện bệnh lý tâm thần thông thường nhất là chèn ép để vượt lên, học vấn uyên thâm không nhằm phục vụ cho vô tư và sự thật mà chỉ nhằm tạo ra êm ấm cho cuộc đời thường bằng nịnh hót, mánh lới. Hôm nay, nhìn qua nắp quan tài có lắp kinh, gương mặt bình thản của cụ Trịnh Đình Thảo, với đôi mắt vĩnh viễn khép kín, tôi muốn thưa từ tận đáy lòng: Anh Cả ơi! Anh là một trong số có ít trí thức Việt Nam mà lòng khâm phục và sự kính mến của tôi, qua bao nhiêu thời gian dài, vẫn nguyên vẹn như lần tôi nhìn trộm anh từ xa vào lứa tuổi choai choai của cậu học trò trung học, chưa lăn lóc vào đời.
Con người, tư tưởng, tình cảm của tôi tất nhiên trong 60 năm ấy đã biến chuyển và đổi thay nhiều để nhận xét về một con người được thích hợp hơn với chủ nghĩa nhân văn, chớ nào phải chỉ với lý do có được kinh nghiệm hơn về con người là nhờ đã đến tuổi răng long, đầu bạc.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/1986. |