thời gian Trần Hữu Nghiệp (nxb Văn Nghệ - 1993)
14
Một ngày đối thoại với quê hương sau 40 năm
Vừa qua, cùng nhiều đồng chí lão thành khác, tôi được Tỉnh ủy Bến Tre mời về dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trung đoàn 99 mà tôi từng là chiến sĩ quân y.
Trên đất nước xưa, trước những gương mặt quen cũ nhưng nay đều đã bạc đầu, răng long, lòng tôi bồi hồi xúc động. Bóng vang của một thuở, âm thanh của một thời, bỗng nhiên trỗi dậy từ ký ức của bao năm tháng không thể nào quên.
Đã trên 40 năm rồi kể từ lúc thực dân Pháp, chọn ngày mùng năm Tết 1946 xua quân viễn chinh ồ ạt chiếm đánh Bến Tre, một trong những địa phương cuối cùng còn hoàn toàn tự do của Nam Bộ cũ.
Từ trạm y tế tiền phương đóng tại Phú An Hòa (lúc ấy còn thuộc tỉnh Mỹ Tho), nhanh chóng rút về Phong Nẫm. Tôi đạp xe về Mỹ Lồng mà theo tin biết là nơi có trụ sở của Ủy ban tỉnh. Chánh quyền không được gặp, nhưng quang cảnh trước nhà lồng, bên bờ sông, trông mà não ruột. Xác mấy anh chiến sĩ từ đâu chở về nằm trên chiếu. Các bà mẹ nước mắt ròng ròng, không ngớt tay phe phẩy khăn rằn đuổi ruồi chỉ chờ dịp được bu.
Lòng nặng trĩu, tôi đáp ghe về Hương Điểm, rồi lại lên xe đạp về Cái Mít, tìm cách sang sông, tránh các đường lớn có khả năng gặp giặc. Tôi biết rõ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa được phong làm Bộ trưởng Y tế trong chính phủ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Sài Gòn chạy xuống, đang ăn Tết tại gia đình bác sĩ Thủ ở xã Minh Đức.
Nhà bác sĩ Thủ rộng, bên trong có hơn 1 tá bác sĩ, dược sư theo anh Thạch từ Sài Gòn xuống, trong đó có Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ, bác sĩ Nguyễn Văn Tân mà tên đã công bố trên báo từ lâu.
Sáng hôm sau, Bộ trưởng tiễn tôi ra chợ Tân Hương, dặn dò: “Mình chắc rằng mọi việc rồi sẽ đổi thay, bởi chống Pháp lần này là trọn cả nước. Đây là quê hương của cậu, hãy tìm chỗ tránh né và theo dõi tình hình. Lúc cần, chắc anh em biết mà tìm đến mình. Muốn tránh những trường hợp gây rắc rối cho cậu sau này khi muốn đi đâu, mình quyết định phong cho cậu làm phó Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ, tùy cơ sử dụng. Nhưng đi đâu, dù có về thành đi nữa, cố gắng liên lạc với mình.
Bộ trưởng không có máy đánh chữ, cũng không có con dấu. Văn bản quyết định chỉ là một danh thiếp, mặt sau giới thiệu tôi và chức tước mới phong, đề ngày tháng và ký tên dưới chữ “Bộ trưởng Y tế chính phủ lâm thời”. Mặt trước danh thiếp là chữ in nổi: Docteur Phạm Ngọc Thạch – chuyên trị bệnh phổi và lao. Phòng khám đường Chasseloup Laubat, số… (nay là 196 Nguyễn Thị Minh Khai).
May mắn là suốt mấy năm dài sau đó trôi dạt từ xã này sang xã khác trong tỉnh Bến Tre, tôi chưa bao giờ phải sử dụng “Lá bùa hộ mạng” ấy. Đến đâu, bà con cũng cho ăn, cho ở, khi cần thì che giấu, đùm bọc. Vì tôi là đứa con của tỉnh.
Tôi đã tiễn đưa người Bộ trưởng kính mến của mình ngoài 22 năm sau, nhưng đau đớn thay đến nơi an nghỉ cuối cùng, trong đêm tối lặng lẽ dưới trời mưa lâm râm của tháng mười âm lịch 1968. Anh đã từ Hà Nội vào ba tháng trước đó để thăm chúng tôi sau cuộc phản công Tết Mậu Thân và đã hy sinh sau một cơn bệnh rất nặng giữa rừng sâu bên ngọn sông Vàm Cỏ. Trong số bạn bè quay quần quanh anh dạo Tết 1946 đông hơn một tá, giờ đây chỉ còn có bác sĩ Thủ và tôi cùng khiêng linh cữu với độ mươi người tín cẩn. Sau hiệp định sơ bộ với Pháp ngày 6.3.1946, anh em đã lần lượt trở về Sài Gòn. Nhưng có lẽ gần 3 tháng nương náu ở Bến Tre đã giúp cho họ hiểu thấu lòng dân, nên không hề có một người nào trong số ấy ra làm tay sai cho giặc. Thậm chí có anh suốt cả cuộc đời, trong thời gian chống Mỹ trở thành cơ sở của cách mạng ở thành.
* * *
Đúng như sự tiên đoán của anh Thạch, nhân dân đã đứng lên chống Pháp, dữ dội nhất chính là ở nơi tôi đã đạp xe qua: Hương Điểm, Tân Hào. Và hơn một năm sau, tháng 10-1947, lớp y tá chính quy đầu tiên của Nam Bộ cho các tỉnh miền Trung khai giảng tại Cổ Cò, xã Hương Mỹ, cách nơi bác sĩ Thạch ở độ nọ chỉ một con rạch. Sau lễ bế giảng tại đình làng An Định, tiếp theo là Hội nghị Quân dân y Nam Bộ mở ra tại Ngãi Đăng với đại diện của cả ba khu Đông-Trung-Tây, dưới sự chủ trì của tân Giám đốc Sở là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng.
Bốn khóa y tá tiếp nối nhau ở Bến Tre đến cuối năm 1950, khi toàn tỉnh bị giặc chiếm đóng, đã tung ra các nơi gần 150 cán bộ y tế. Một số đã hy sinh qua hai thời kỳ kháng chiến. Số còn lại, sau này trở thành trung tá, đại tá quân y, giám đốc bệnh viện lớn, hiệu trưởng trường y tế thuộc cấp Trung ương, thậm chí Thứ trưởng. Khi có dịp gặp nhau, lại bâng khuâng nhắc những ngày mới vào nghề trong sự đùm bọc chân tình của bao nhiêu gia đình trong tỉnh.
Quê cũ hôm nay đã quá đổi thay. Ngày xưa, mỗi lần bế giảng một khóa, đều có tuyên truyền cổ động vệ sinh ở đình An Định, đình An Thới, có mô hình xóm nhà kiểu mẫu cho tương lai, với cầu tiêu, giếng nước, nhà tắm, chuồng chăn nuôi gia súc. Đối chiếu hiện tại, mô hình ấy quả là không thích hợp bởi xã nào dân số cũng tăng lên gấp đôi, nhà ở khít nhau tại các nơi mà xưa còn là đồng trống. Hồi đó chưa có ai nghĩ tới máy thu thanh, máy cày, chớ nói chi là máy ti vi.
Tuy nhiên trên đường đi, vẫn còn nhiều bóng đen ám ảnh.
Xe hơi đưa khách vừa ra khỏi Mỏ Cày một đoạn đã bị một anh say lúy túy, đòi phải đưa anh ta về Chợ Xép. Được đỡ lên xe, anh hô hố cười teo toét cùng phụ nữ, mùi rượu nồng nặc khiến chị em phải quay mặt. Tôi bỗng nhớ lại: chính nơi đây, cũng dạo này 18 năm trước (năm 1969), nữ y tá Nguyễn Thị Thu Anh của Huyện đội Mỏ Cày đã anh dũng cam chịu hy sinh trước quân thù để bảo vệ đồng đội và phẩm chất người con gái. Khi ăn đói, nằm sình, trong giấc mơ hoa của Anh về tương lai của quê hương em có bao giờ thấy xuất hiện hình ảnh này không, dù chỉ trong chốc lát?
Rồi cũng trên đường về, xe lại ngừng ở bến đò Rạch Miễu đợi phà. Nhiều em nhỏ tranh nhau chạy đến mời khách mua hàng: trái cây, bánh kẹo. Giá nói thách đặt ra quá cao, ai cũng lắc đầu. Tiếng nổ của đò máy nghe càng gần thì giá đặt ra từ đầu lúc rao hàng càng hạ. Khi xe từ từ lăn bánh, có một em may mắn bán được, tức thì hứng ngay lời xỉ vả: “Tao đã đến bà ấy trước, chính mày giựt mối của tao!” Nhìn đồng hồ, tôi thấy lẽ ra giờ này các em bé kia phải ngồi nhà mà học tập. Tôi nhớ đến cái cười bàng quang của các em bữa trước với người “say” đòi lên xe. Tôi hiểu gia đình các em bán dạo nghèo và chắc đông con. Nhưng hỡi các em: Chế độ mà Đảng đang xây dựng cho thế hệ đòi hỏi phải có thật nhiều người trung thực, thật thà, biết thương yêu nhau trên tình giai cấp. Ai dạy em thách giá quá cao, để mong gạt gẫm? Ai xúi các em mắng mỏ lẫn nhau để tranh mối lợi nhỏ nhen?
Xây dựng kinh tế quả là điều hệ trọng. Nhưng xây dựng nhân cách con người và nếp sống xã hội, cũng chẳng kém phần bức thiết (phải bớt đẻ và chấm dứt tệ nạn say sưa).
Trước hết, cho xứng đáng “Dáng đứng Bến Tre”, bài hát mà cả nước đều thuộc. Và ngay cả người Việt sống ở nước ngoài, khi quá nhớ quê hương, họ mở máy ghi âm để nghe và tưởng tượng ra những người con gái tóc dài đang đứng dưới gốc dừa. Tôi đã từng chứng kiến cảnh ấy gần đây ở Âu châu tại ký túc xá thanh niên Việt Nam.
Sau đó, là để xứng đáng với người xưa, môn đệ cụ Võ Trường Toản đã xem Bến Tre là đất lành nhất nên đem ký thác nắm xương tàn của vị thầy đức cả đạo cao. Rồi tới cụ Đồ Chiểu, cụ Huấn Quyền, lãnh tụ Đông kinh nghĩa thục, cũng chọn nơi đây sống cho tới chết và hành nghề hốt thuốc, dạy học trò.
(Báo Đồng Khởi Xuân 1989).
|