thời gian Trần Hữu Nghiệp (nxb Văn Nghệ - 1993)
13
Thăm lại một người bạn cũ
Tìm được tên gia đình trong danh bạ, tôi quay số điện thoại báo tin cùng chị rằng mình đã về, và hẹn ngày giờ đến thăm.
Tôi nhận chuông reo vang. Một cô gái giúp việc ra mở cổng. Nhìn bộ đồ xanh lá cây và đôi dép râu của tôi, mặt cô thất sắc run lập cập. Cũng may là từ nhiều năm rồi, tôi không bao giờ mang súng. Kinh nghiệm dạy tôi rằng khi sống giữa lòng dân, vũ khí tự vệ tốt nhất là cái ống nghe, nhẹ hơn súng nhiều, và khi quên bà con đem trả lại; nếu rủi mất, khỏi cần báo cáo lên trên và bị đem ra kiểm điểm.
Tôi xưng tên. Cô gái hết run, mỉm cười, chấp tay xá xá, rồi đưa tôi vào nhà. Trên thềm phòng khách, bên chiếc thảm hoa lau chân, có vài ba đôi dép. Sẵn có thói quen là, nếu chưa gặp đất sét ướt, chẳng bao giờ tôi chịu mắc quai vào gót, nên chỉ dũi chân ra là dép tôi ngoan ngoãn, xếp mình vào nề nếp gia phong, nằm bên các đồng nghiệp của nó hiền hiền, ngồ ngộ.
Bà chủ nhà trên lầu vừa xuống tới, khom lưng xá tôi luôn mấy lượt, miệng nói: “Ấy chết, “ông” cứ tự nhiên, đừng có bỏ giày ra!” Tôi cười lớn: “Không phải sợ “Bà” mà chân tôi tự lột khăn ra. Nó đang đòi tắm mát trên gạch, bởi vỏ xe hơi mau nóng quá khi được tái ngộ với bạn đường nhựa. Cái cần ngăn làm, là “Chị” đừng vái tôi lia lịa. Bấy nhiêu năm trước, mỗi lần gặp tôi, chị có như thế bao giờ!” Chị cũng cười: “Ừ đúng thật! Nhưng từ dạo “Anh” đi, đã quên mất rồi, anh ơi!”.
Gạch bông nhà chị mát và sạch ghê. Trong nhà, vật nào cũng lộn bóng, dù nhỏ hay lớn: dĩa gạt tàn thuốc lá bằng đồng, khung tranh nhoang nhoáng, cái vặn tay cửa mạ kền… Áo dài đen, quần lãnh đen, chị mặc chờ tiếp tôi cũng óng ánh! Đây là sự sắp xếp để mừng một “chính khách” từ bưng biền về cho trang nhã, hay là vướng víu niềm luyến tiếc người chồng… (một bạn thân cũ của tôi) đã mất được ba năm? Vì tôi nhớ rõ ngày xưa chị rất ghét màu đen.
Chuyện hàn huyên diễn ra như bắp rang. Tháng năm, trời Sài Gòn nóng thật. Tôi vô tình vớ lấy tờ báo cầm lên quạt quạt, Chị đứng dậy, đóng hết cửa kiếng lại và mở máy điều hòa chạy ồ ồ. Cùng lúc, mọi âm thanh ngoài đường phố hết vọng vào. Toàn thân tôi tiếp xúc một thứ không khí mới cứ mát dịu dần, chẳng còn dính dấp gì với cát bụi đô thành. Lưỡi tôi nếm một thứ nước mát lấy ra từ tủ lạnh, từ nơi nhiệt độ không hề thay đổi. Mắt, tai, miệng, mũi, da tôi đang được đặt trong “điều kiện sống” mới, dễ chịu, thoải mái. Tôi bị cách ly hẳn với cuộc sống thực tế, tự nhiên. Giống như con búp bê Nhật nhỏ vô ý thức đang mỉm cười mãi mãi trong chiếc lồng kiếng trên bàn, như những cánh hoa cứ úa dần trong nước lã nhạt của bình pha lê. Tất cả đều được “điều kiện hóa”.
Tôi khen nhà chị tươm tất, sạch sẽ. Với giọng tự hào chị nói: “Nhà đơn chiếc lắm, có đứa con gái thì nó đi học suốt ngày, hiện nó đang theo sinh viên gác đường, canh xe. Chị giúp việc phải đi chợ, nấu cơm, tưới kiểng. Từ sáng đến chiều, tôi phải toát mồ hôi ra lau nhà, cọ cửa, chùi ghế, đánh bàn, cực lắm anh ơi! Nhưng bữa nào đây rồi tôi cũng đưa anh về dưới nhà quê một lần. Ba tôi già lắm rồi, nhưng tội nghiệp, ổng vẫn hay hỏi tin anh!” Như để chọn ngày, chị lần tay lên lịch lốc treo ở tường. Tấm lịch to tôi chưa bao giờ thấy, rộng gần nửa thước vuông. Trên giấy, in rõ ngày hung, ngày kiết, giờ xấu, giờ lành, để làm một việc gì cụ thể. Hồi trước, vớ được vài tờ thế này, có nơi ở khu giải phóng xem như một sự phát tài: anh em rọc nhỏ ra quấn thuốc rê, hoặc đóng thành cạt nê ghi chép.
Cánh cửa vào bật mở. Một cô gái mặc quần ống loe, áo sơ mi bông bước vào. Chị nói: “Bác mà má nói với con hồi hôm đó, chào bác đi con!”. Tôi chìa tay ra cho cháu bắt. Cháu lờ đi, cứ chấp hai tay lại xá xá tôi. Quầng mắt cháu thâm đen, mấy ngón tay cháu đỏ. Nếu còn ở ngòai khu giải phóng, do cái “méo nhà nghề”, tôi đã nghĩ ngay đến một bệnh hoạn: vẻ mặt của người bệnh u nang buồng trứng, và mười ngón tay phỏng nước sôi được phết thuốc đỏ thủy ngân. Nhưng không, tôi đang ở giữa Sài Gòn hoa lệ!
Chị khoe: “Sinh viên Đại học Luật sắp ra trường rồi đó! Hồi ba nó còn, muốn nó đi theo nghề ổng, trở thành bác sĩ hay dược sĩ. Nhưng ổng mất rồi, muốn vào Y dược phải đút lót, chạy chọt nhiều, vượt quá khả năng tôi. Phần con nhỏ cũng có “tinh thần yêu nước”, thương người nghèo, nên muốn học thành “thầy kiện”, ra tòa bênh vực họ, như cô luật sư trong phim “Biển động” của cô Kim Cương”. Tôi đùa: “Nguy rồi cháu ơi, bây giờ chắc không còn ai vì nghèo khổ mà bị hiếp đáp! Và theo chỗ bác hiểu, từ nay “yêu nước” là lao động chân tay, sản xuất ra thật nhiều của cải”. Cháu hỏi: “Thế là bác khuyên cháu nên về quê làm ruộng?” Tôi cười: “Chớ vội lo, cô nữ Đông-ki-sốt ơi (Don Quichotte), sản xuất trực tiếp hay phục vụ cho sản xuất thì cũng thế! Bác nghe mấy ông đang bàn gấp rút đổi tên trường Luật thành Trường Kinh tế thống kê”.
Gần hai năm trôi qua kể từ buổi chiều tái kiến ấy. Cô sinh viên luật khoa sắp trở thành một cán bộ kinh tài trong chế độ mới. Nó có đến thăm tôi mấy lần, và cũng như trăm ngàn cô gái Sài Gòn khác, luôn luôn hồn nhiên hoạt bát, không mang chút dấu vết gì của ẩn hình giả tạo, chua ngoa. Tất nhiên là nó không còn chắp tay xá xá, mà chỉ cúi đầu chào.
Cô ở giúp việc nhà từ lâu đã trở về quê, sống trên mảnh vườn cũ. Hôm kia, cháu đến thăm tôi, báo tin chị vừa vào tổ đan mây xuất khẩu của Ngoại thương.
Thưa chị! Nếu tình cờ chị đọc bài này thì xin nói với chị là tôi vui mừng lắm. Quen chị từ thuở nhỏ, tôi rõ là chị rất khéo tay, lại thêm cái “gu” rất “chắc” khi chị trang sức hay trình bày một cái gì. Chị biết kết hợp dân tộc tính cổ truyền với quan điểm Âu châu trong thẩm mỹ. Tài hoa của chị rồi đây sẽ được nhiều người biết; sáng kiến của chị sẽ phục vụ cho xây dựng nước nhà, không còn thu hẹp trong phạm vi nhà cửa, chồng con và một ít bạn thân.
Lao động hằng ngày của chị đang sáng tạo ra của cải, chớ không phải để gạch bông luôn luôn sạch bụi và mạ kền cửa kiếng lấp lánh hào quang, phục vụ cho một ý thức giai cấp lỗi thời, muốn làm sang, làm đỏm, khi mà mình còn quá ít khả năng. Tất nhiên đánh bàn cho bóng, giữ sạch láng gạch bông, vẫn là điều tốt, nhưng sau khi lao động của mình đã đáp ứng xong cái tất yếu của cuộc đời. Không có cái lao động nào hoàn toàn tự do, và “tự do chân chính” luôn luôn chiều theo cái “tất yếu”.
Đã có lần tôi muốn nói “huỵch toẹt” cái ý nghĩa đó cùng chị, bảo cần mở một con đường thoải mái mới trong lao động, thấy các tiêu chuẩn mới của sự kính nể. Nhưng do xa chị một thời gian lâu quá, tôi phải ngập ngừng. Không phải tôi nhút nhát hay còn mang tính “nịnh đầm”, “ga lăng” của thời thanh niên. Lúc còn ở rừng, chúng tôi đã thẳng tay chụp mũ “giữ nếp sống tư sản hay tiểu tư sản thành thị” một số bà mẹ trẻ, về những việc thật ra quá thông thường. Lúc ấy, phải “làm dữ” như vậy họ mới chịu tuân theo nếp sống mới cần thiết. Tiếng đài vặn to, một mảnh vải trắng thoáng qua giữa lá xanh, một vết phản chiếu ánh trăng khi hành quân trong đêm mờ.. quá đầy đủ cho “cá rô - Mỹ” xơi mình toi mạng!
Lối sống cũ của chị có cái gì đối với tôi – bây giờ, hơi cầu kỳ, lộn xộn. Cái chắp tay xá dài của thời phong kiến cũ, lối trang sức như tư sản, tờ lịch in đầy mê tín dị đoan. Cũng như bữa cơm đầy tình cảm nhiệt thành của chị thết tôi sau bao nhiêu năm xa cách: măng tây Mỹ, nấm Đài Loan, rượu chát Pháp và thuốc Craven A… Cũng lộn xốt nốt cái món “cù lao” bưng lên sau chót: trong nồi sáng ngời soi mặt cũng được, là nước sôi sùng sục quanh một đống than đen. Tôi không phân biệt được cái nào của ta (như thịt nạc, tôm tươi), cái nào của “người” (như măng tây, nấm hộp); cái nào là mới (như rau tươi), cái nào đã cũ quá rồi (như khô mực, bong bóng cá) để gắp ra theo ý muốn của mình. Cũng bữa ấy tôi cầm cuốn “Lịch sách Đời xuân Quý Sửu” (1973) ở nhà chị đem về đọc. Trong đó có nêu ra thói quen và sở thích của nhiều diễn viên sân khấu hay màn ảnh trứ danh. Về sau, tôi phát hiện những ai còn dính dấp ít nhiều với thói quen, sở thích chung của dân tộc, nhất là của nhân dân lao động bình thường, đều đã ở lại trong nước, và đang hát ca thoải mái hơn bao giờ hết. Ví dụ: đã cương quyết ở lại nghệ sĩ Hoàng Giang rất thích mắm kho, canh chua; Ngọc Giàu thích ăn khô, Phượng Liên với “món ăn khóai khẩu” là cá kho tộ, và Thanh Nga luôn luôn thèm cốc, ổi và trái cây chua. Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh đã ra đi, vì món ăn khoái khẩu của chị là bít tết và rau salat, cũng như vài người khác vì quá thích quần jean áo pull…. Nhìn vào sinh hoạt, khẩu vị hiện tại của một người, ta có thể đoán được tương lai của họ, chính xác hơn nhiều so với giở số tử vi.
Tôi thành thật mừng cho tương lai của chị.
Chị đã nói: dù sống tại Sài Gòn này đã gần 30 năm trường, lòng chị vẫn lâng lâng lên một niềm vui khó tả, khi nhìn lúa vàng trĩu nặng bông đang rượt đuổi nhau thành những làn sóng trên cánh đồng bát ngát mênh mông; hay “nhớ tới ba đời ông”, chạnh nỗi băn khoăn lúc nghe, từ rặng tre, từ xóm dừa vọng ra tiếng gà gáy trưa, tiếng chày giã gạo. Tôi có lý do để tin chắc rằng chị sẽ sớm được hòa mình yên vui trong “lao động” mới, sống hồn nhiên với bao nhiêu tâm hồn ít nhiều giống tâm hồn chị, những người phụ nữ Việt Nam siêng năng, đảm đang và biết lo xa.
(Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh – Xuân 1980).
|