thời gian Trần Hữu Nghiệp (nxb Văn Nghệ - 1993)
12
Nhớ lại một ngày cuối năm bận rộn
I. Từ I. Từ biệt những người nằm lại Đó là ngày cuối cùng của năm Nhâm Tý, cuối tháng giêng 1973 theo lịch Tây. Tôi bận rộn không phải để chuẩn bị ra đi, từ giã khu rừng già từng làm nơi nương náu cho bệnh viện trên hai năm trời, bởi việc ấy có anh em lo. Hành trang cũng đã gọn gàng trong vài cái bồng đựng quần áo và sách vở, võng thì để riêng ra đeo theo sau lưng để tranh thủ nghỉ ngơi khi có dịp. Nhưng bận rộn về suy tư tình cảm. Bởi suốt thời gian chống Mỹ, chưa bao giờ tôi được ở yên một chỗ quá lâu như tại vùng Sóc Chùa này, lại có quan hệ tốt với nhiều cơ quan bạn: đọc sách báo Sài Gòn của Ban Binh Vận cho mượn, ăn thịt ngon tươi khi bên An ninh vừa săn được nai tơ… Chiều 30 Tết năm nay, chúng tôi phải lên ô tô hậu cần, để kịp ngày hôm sau sẽ được mừng năm mới ở vùng Lò Gò, nơi chúng tôi từng sống dạo năm 1965-1966; rồi phải bỏ ra đi sau bhữbg trận bom ác liệt -- mỗi trận đếm đúng chín đợt B.52, mỗi đợt ba chiếc, vị chi là 27 máy bay trong gần một giờ đồng hồ. Từ sau Tết Mậu Thân 1968 số đợt máy bay B.52 có giảm đi, đến đầu năm 1973 này, chỉ còn vài ba đợt mỗi lần, tức là 6 hay 9 lượt “pháo đài bay”. Nhưng vẫn không kém phần ác liệt! Mười bảy giờ đồng hồ trước khi Mỹ ký tắt vào hiệp định Paris, gần Sóc Chùa này, Trường cán bộ y tế còn bị B.52 ném bom làm bốn y sĩ với một cháu nhỏ hy sinh, mà mẹ cháu vẫn còn, do núp ở hầm khác. Một nữ y sĩ hy sinh, ngược lại, để mấy con cho chồng công tác ở Campuchia.
Đo trên bản đồ theo đường chim bay, khu rừng này chỉ cách biên giới lối 20 cây số. Thế mà tháng 5-1970, trên đường hành quân vất vả dưới bom đạn để lên đây, ấn tượng chúng tôi là vừa vượt qua ngàn dặm quan san. Cơ quan nào trên mình cũng phải mang ít nhiều tang tóc: trường Nguyễn Văn Trỗi mất đi mấy học sinh và cô giáo Lệ Chi; trường cán bộ y tế hy sinh hai nhân viên và một bác sĩ hiệu phó v.v… Rồi từ dạo ấy, trong khu rừng già hoặc trên các đường đi, nhiều anh chị em đã tiếp tục ngã xuống, yên nghỉ khắp nơi. Tôi muốn từ giã họ trước khi vĩnh biệt rừng xanh, để cùng đất nước và những kẻ sống còn bước sang trang sử mới, sau hiệp định Paris.
* * *
Đi trên đất nước Xô Viết, ở những nơi từng có bóng quân phát-xít Đức, người du khách luôn luôn gặp những nghĩa trang và bia đài kỷ niệm mang câu thơ của một nữ sĩ: “Ở đây không có ai bị lãng quên và không có gì bị lãng quên”. Trước lúc lên đường trở về chốn cũ để đón ánh bình minh của những ngày có thể đưa đến hoà bình trong vinh quang, ngày trở lại khu rừng Sóc Chùa ắt là không có. Tôi cần đi thăm lại mộ của các đồng chí đã từng quen với chúng tôi, cán bộ của bệnh viện, trong một thời gian dài vì mắc bệnh ung thư - Hoặc năm ba ngày, có khi chỉ một vài giờ, bởi sốt rét ác tính hay đái ra huyết cầu tố. Cũng như hồi trước Cách mạng tháng Tám 1945, mỗi lần Tết đến, tôi lại về quê tảo mộ người thân ở Ba Tri (Bến Tre).
Nghĩa trang của bệnh viện là một khoảnh đất tương đối thoáng giữa rừng dày. Có hơn vài mươi ngôi mộ chôn tập trung, cỏ phủ lơ thơ vì thiếu mặt trời; bia là những mảnh gỗ rừng vạt trắng kẻ chữ đen. Thời còn trẻ tuổi, tôi từng đọc thơ ca và tuỳ bút của nhiều nhà văn lớn, viết ra suy tư của họ trước những nấm mồ. Mỗi câu, mỗi trang mang rõ nét ý thức giai cấp và nhân sinh quan của người viết. Ví dụ: bá tước Chateaubriand, đại văn hào Pháp, khi bỏ Tổ quốc ra đi tị nạn chính trị sau Cách mạng tư sản 1789 lật đổ giai cấp phong kiến, đã đứng trước lăng tẩm, bực bội về nỗi bất lực của giai cấp mình: “Những bụi cỏ kia sao lại chui lên được mà mọc xanh tươi trên các tảng đá mà dưới đó bao nhiêu người có uy quyền đành chịu nằm khuất phục”. Cũng như Bà Huyện Thanh Quan đã thấy “hồn thu thảo” trên “dấu xe ngựa cũ” của nhà vua Lê ở đất Thăng Long. Một nhà văn vô sản lại ví những đồng chí mình đã nằm xuống như những chiếc lá rơi, lìa khỏi cây cổ thụ sum xuê là Tổ quốc vĩnh cửu, để biến thành phân bón cho vô số chồi non khác sẽ tiếp tục ló ra.
Suy tư của người xưa không có cái nào phù hợp với cảm nghĩ của tôi. Có lẽ vì họ là nhà văn, đứng bàng quan nhìn về cái chết như một thực thể trừu tượng. Còn tôi là thầy thuốc, thường xuyên thấy cái chết như một sự vật hữu hình, một hiện tượng cụ thể, đang đi và đang đến, có lúc sát bên tôi như bóng với hình.
Ờ, mà tại sao người Việt Nam chúng ta lại kiêng cữ bàn đền cái chết trong mấy ngày Tết nhứt? Khi mà theo tục lệ rước ông bà chiều ba mươi Tết để cúng tiễn đi sáng mồng bốn, rõ ràng chúng ta đã đón người chết về nhà. Lại còn có câu “sinh dữ tử lành" lưu truyền không biết từ đời nào ở miền Bắc, nên cách đây chưa lâu bà con ngoài đấy sẵn sàng nhận một khách lạ đến chết trong nhà, nhưng lại không thể vui vẻ chứa dù trong một đêm đôi vợ chồng cán bộ trẻ tình cờ gặp lại nhau trên đường công tác đã chia ly họ một thời gian. Trong văn học Việt Nam, hình như cũng ít ai bàn sâu về cái chết, về tâm tư của người chiến sĩ cách mạng xa gia đình, xa nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi hết sức lo ngại rằng, đối với các thế hệ lớn lên sau này, cuộc kháng chiến gian lao vừa qua rồi sẽ tái hiện như một cách du lịch cho cuộc đời, thậm chí chỉ để lại những kỷ niệm độc đáo hay vui vui, như trong một số truyện ngắn mà tôi có dịp đọc qua. Đành rằng đã có cái chết của chị Sứ trong Hòn Đất của Anh Đức; nhưng cũng như bao nhiêu cái chết đã nhắc đến đó đây, đấy là một cái chết đột ngột “chết dữ dội” (Mort violente) theo định nghĩa của Pháp – Y học. Nó có thể tạo ra cảm xúc mạnh, căm thù hoặc thương tiếc, nhưng không gợi ra được một sự sôi nổi trong tư duy về cái chết tự nhiên, rồi sẽ đến với mình vào một lúc nào đó, không ai tránh khỏi được. Loài người là động vật duy nhất, trong khi đang sống hiểu rằng một ngày kia mình sẽ chết. Chính xác hơn về khoa học, là kể từ khi trẻ em tám tuổi trở lên, khái niệm “chết” mới được nhận thức như là sự vĩnh viễn không còn ở trên đời. Ngoài con người ra, những loài có vú cao cấp khác, sống mà không hề biết rằng có cái chết rối sẽ tất yếu xảy ra. Con vật gần loài người nhất trên bực thang tiến hoá, như con vượn cái, khi vượn con chết rồi, nó vẫn tiếp tục chăm sóc, cho đến lúc cái xác bay mùi thối và rã dần nó mới bắt buộc phải bỏ đi.
Rõ ràng nhắc đến cái chết trong những ngày đẹp nhất của đời, chưa hẳn là điều nên kiêng, nên tránh. Trái lại, việc ấy có thể làm cho những năm tháng còn lại để sống được dành một phần cho suy tư có thể nâng cao lên phẩm chất con người “vạn vật chi linh”.
* * *
Trong ký ức của mình, bà Anna Dostoievsky kể lại rằng, thuở còn là thỉếu nữ ngây thơ, bà đã bao phen rơi lệ khi đọc tập “Ký sự từ ngôi nhà những người đã chết” của đại văn hào Nga về sau trở thành chồng bà. Do đó, sau khi ông mất, bà đã cống hiến suốt cuộc đời để sưu tầm cho nhân dân biết rõ cái gì ông đã viết, đã làm, và trở thành một phụ nữ Nga được mọi người mến thương kính trọng. Tôi muốn ta sau này có nhiều em thiếu nữ lớn lên như vậy. Nên đứng trước nghĩa trang của bệnh viện kháng chiến buổi sáng cuối năm này, tôi thầm mong rằng văn học ta rồi có nhiều nhà văn như thế, nói lên được cho thế hệ trẻ nghe suy tư và ý nghĩ của lớp người đang dần đến cái chết tự nhiên, chết do bệnh tật, khi họ đi trên đường cứu quốc với một niềm tin! Trên đời, cái quý nhất cho con người là cuộc sống bởi chúng ta chỉ sống có một lần. Vậy phải làm sao cho đến khi nhắm mắt, ta khỏi hối tiếc rằng đã phí thời gian không làm được một tí gì có ích cho Tổ quốc, cho xứ sở. Câu nói sâu sắc ấy trích ra từ cuốn Thép đã tôi thế đấy, tôi đã được đọc lại trong nhật ký của nhiều em thanh niên nam nữ đang yên giấc tại khu rừng này sau khi họ đã vượt qua ngàn dặm Trường Sơn, để rồi ngã xuống do bệnh sốt rét ác tính, bởi cơ thể đã mất sức đề kháng, do vừa thiếu ăn, vừa mệt nhọc, cộng thêm cái ba lô ba mươi cân nặng trĩu trên vai.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai - Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa, vui gì hơn làm người lính đi đầu! Những câu này cũng thường gặp thấy trên những trang ghi chú riêng tư, mà chúng tôi đọc được khi “kiểm kê tài sản cá nhân” của bệnh nhân xấu số, để lập biên bản giao lại cho Tổ chức, chờ một dịp nào đó gởi trả cho gia đình đang mong chờ tin con ở tận đâu đâu.
Một xế mùa hè, trên bờ Hắc Hải, tại thành phố nghỉ mát Sotchi, tôi đến thăm ngôi nhà cũ của nhà văn Nicolas Ostrovski, nay trở thành viện bảo tàng. Tôi trầm ngâm giữa căn buồng im lặng, nơi mà khi nhận thấy mình không thể thoát được tay tử thần với thân hình lụn bại, tác giả Thép đã tôi thế đấy đã đọc cho người nữ thư ký viết ra câu nói ấy kể trên. Tôi hiểu rằng một thể xác đang chết dần, chỉ còn có tư duy là sáng suốt, không thể tự lừa mình bằng ý nghĩ nói ra cho kêu, cho hợp thời hoặc để tuyên truyền. Ý nghĩ “phải làm một cái gì đóng góp cho quê hương” chỉ có thể xuất phát từ đáy lòng, chân thành muốn nhắn nhủ lại. Nhờ đó mà hàng hàng lớp lớp thanh niên Xô Viết đã cam chịu hy sinh trong thế giới chiến tranh chống xâm lược phát xít, để cho bây giờ và mãi mãi, dưới kia, trên bãi biển dài trên 60 cây số của Sotchi, tiếp nối nhau vạn vạn con người đến chơi, đến tắm, và nô đùa, chung một niềm tin vào hạnh phúc vĩnh cửu của quê hương, của con người. Sự đóng góp của mỗi cá nhân vào đường đi lên của toàn dân tộc mình có thể thật bé nhỏ, không có máy móc công cụ nào đo thấy được, dù tinh vi đến mấy.
Nhà toán học khô khan chỉ đánh dấu nó bằng công thức cộng ép-si-lôn (+E) trong cái đại lượng vô tận của lịch sử dân tộc. Chỉ có văn học, nghệ thuật, mới biến được cái tối vi lượng ấy ra rộng hơn, sâu hơn, tăng theo cấp số nhân, trong tâm hồn của lứa thanh niên đang sôi sục yêu đời, yêu người và muốn hiểu rõ ý nghĩa của cuộc sống. Sứ mệnh cao cả của văn nghệ là như vậy.
Tôi nhớ, lúc còn nằm trên giường bệnh, một số em mắc bệnh đái huyết cầu tố, than thở: “Em mới học xong, là đi vào đây ngay, chưa cống hiến được gì!” Dù biết rõ căn bệnh thật trầm trọng, chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ động viên, an ủi: “Rồi đây đời còn dài, lo gì!” Bây giờ, đến nghĩa trang từ biệt các em, tôi muốn nói: “Mất sớm là điều đau đớn, nhưng không phải vì thế mà đóng góp của các em vào sự nghiệp dân tộc là một “con số không”, chẳng có giá trị số học nào để bù vào những “con số trừ” tai hại của những kẻ cầm vũ khí vật chất hay vũ khí tinh thần bên kia đối phương trong con đường tiến lên của dân tộc”.
Ý nghĩa thành thực đó không phải rút ra từ thi phẩm của Nguyễn Du “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Mà bởi tôi nhớ đến một câu bất hủ trong kịch thơ của Corneille: “Đánh bại không nguy hiểm thì chiến thắng không vẻ vang (à vaincre sans peril, on triomphe sans gloire). Cái nguy hiểm đó, những ai đã ngã xuốgn tại rừng xanh, nơi đồng ruộng, dưới hầm trú ẩn hoặc trong lao tù, đều đã lãnh hết giùm cho ai còn sống, để một ngày kia có những chiến hữu ngồi xe cơ giới vào thành giữa tiếng reo hò của quần chúng, có những người ngồi trên ghế bành, dưới quạt máy, trang nghiêm trước xấp giấy tờ.
Sau này, khi bệnh sốt rét được thanh toán xong trong cả nước, và biết đâu ngay cả bây giờ ở vùng thành thị, người ta quên rằng vũ khí của Mỹ không hề nguy hiểm bằng sốt rét. Ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, ai ai cũng thuộc một câu truyền miệng, nhại theo sấm Trạng Trình: “Mã Đà, Sông Bé anh hùng tận”. Ngã xuống khi chưa tham chiến do sốt rét ác tính, nhưng vẫn là những “anh hùng” để cho đội ngũ cách mạng còn lại, rồi sẽ “niên lai kiến thái bình”.
Làm cán bộ y tế cách mạng, anh chị em chúng tôi hiểu sâu sắc là phải giành lại cho Tổ quốc từng đứa con nằm trên giường bệnh. Nhưng khả năng và phương tiện thật là có hạn, dù biết rằng nếu có thứ này thứ nọ thì tình thế sẽ tốt hơn nhiều. Hiểu rằng gia đình bặt tin con sẽ đau buồn lắm; bởi bất cứ ai, trong tiếng nói của nước nào, Pháp, Anh, Nga, Đức, đều có một tính từ riêng để nói lên tình trạng mất người thân nhất, như “mồ côi” cha mẹ, “goá” vợ, “goá” chồng. Nhưng lại không có tính từ nào để chỉ định cha mẹ mất con, bởi cái đó là sai qui luật tạo hoá, là bất ngờ; trong xã hội không ai đợi chờ nó có.
Đến nghĩa trang bệnh viện để vĩnh biệt, tôi cũng muốn nói lên điều ấy. Rồi nếu sẵn có thì cũng như mọi lần đi tảo mộ ngày Tết hơn 28 năm về trước, thời chưa đi vào kháng chiến chống Pháp, tôi sẽ đốt lên mấy nén hương… và ít giấy tiền bạc. Không phải tôi tin rằng có một thế giới nào đó cho người đã mất, nơi ấy ba cái giấy lộn xấu đốt đi lại trở thành có giá trị tiêu dùng. Mà tôi nhớ đến một truyện ngắn của nhà văn Pháp Balzac, chuyện tôi cho là hay và cảm động nhất, nhan đề “Lễ misa của một kẻ vô thần” (La messe de l’Athée). Tóm tắt như sau: bác sĩ giáo sư phẫu thuật Desplein không hề tin có thần thánh gì cả, luôn luôn nói ra quan điểm ấy với mọi người. Một hôm, học trò bắt gặp ông đến nhà thờ làm lễ mi sa do chính ông bỏ tiền ra tổ chức. Ra khỏi nhà thờ, tình cờ ông gặp họ, ông giải thích: “Quan điểm vô thần tôi vẫn giữ vững. Nhưng lễ mi sa này là tổ chức cho một anh công nhân nghèo và lương thiện, nặng đức tin. Anh ta đã đi xách nước mướn giúp tôi ăn học. Trước tượng Chúa, tôi muốn phân bua với mọi người là nếu quả có Thiên đàng, có Chúa thì chỉ nên mở cửa rước những người lao động như người bạn vừa chết của tôi mà thôi”.
Cũng như ông bác sĩ già trong truyện ngắn, tôi muốn thắp hương và đốt giấy, phân bua rằng ngày kháng chiến thành công, mỗi lần phát bằng kỹ sư bác sĩ, phát giấy khen hay đề bạt các thanh niên nam nữ, nên nhớ qua một chút những kẻ đã nằm đây. Họ vĩnh viễn mang theo hoài bão và giấc mơ không bao giờ được thực hiện. Giấc mơ vào lứa tuổi 20, chắc chắn trong sạch hơn ở những kẻ sống còn mà những cái Tết sau này chồng chất thêm tuổi đời cũng sẽ làm nẩy mầm ra nhiểu tính toán không hay!
Nhưng nằm tại nghĩa trang đâu chỉ có những bạn trẻ. Còn có những người cao tuổi hơn, hay đã già, mất đi vì bệnh ung thư. Như ung thư gan của một cán bộ binh vận đi tập kết vừa về tới, tin chưa được tới gia đình; như ung thư bao tử của một bác sĩ tóc đã nhuộm tro, mang bệnh loét bờ cong dạ dày mà cũng đòi nằng nặc về Nam, dù anh đã rõ khả năng ung thư hoá rất dễ gặp. Cũng ở khu rừng này, nhưng chôn biệt lập, có một đồng chí Bộ trưởng trong chính phủ cách mạng lâm thời, một uỷ viên Mặt trận liên minh đang yên nghỉ vì bệnh ung thư phổi, đã mấy lần hội chuẩn và xác minh bằng điện quang cũng như trên triệu chứng lâm sàng. Bổn phận của chúng tôi là phải giấu kín không cho anh biết, nên gần hai tháng trời mỗi lần gặp anh tôi cũng nở nụ cười động viên an ủi; nhắc lại một nơi nào đó ở Vĩnh Long quê anh, kể một chuyện vui cũ ở Pháp mà cả hai chúng tôi đề đã sống thời du học – anh cũng mỉm cười lại, gương mặt bình thản tự nhiên. Sau khi anh mất, tôi mới rõ là anh đã đoán biết tất cả sự thật về bệnh mình, hiểu rằng anh đang chết. Trong di chúc viết sẵn, cả tháng trước để lại cho người bạn thân nhất, đáng tin cậy nhất, anh dặn dò kỹ lưỡng: đồ đạc của anh đừng có chôn theo mà hãy trao món cho người này, món cho người nọ. “Còn cái đồng hồ Thụy Sĩ tôi đeo gần hai chục năm nay, tôi gửi biếu anh Chín Nghiệp để mỗi lần bắt mạch bệnh nhân ảnh khỏi chạy đi mượn ở người khác”.
Anh ơi! Không phải là tôi hành nghề không sắm đồng hồ, nhưng nó hư rồi, mà tổ chức lo mua chưa kịp.
Tôi bâng khuâng tự hỏi: tại sao một trí thức biết mình sắp chết vì bệnh ung thư mà lại có tâm hồn thanh thản vô tư, dồi dào tình cảm như thế? Hồi còn ở thành, tôi có đọc qua bản dịch Pháp văn một cuốn truyện chắc có ít nhiều ảnh hưởng tới cái việc tôi đi theo kháng chiến. Nhà soạn nhạc vĩ đại Tchikovsky ghi trong Nhật ký về cuốn sách đó: “Tôi mới đọc xong chuyện “Cái chết của Ivan Ilitch”. Hơn bao giờ cả, tôi tin rằng nhà văn, hoạ sĩ lớn nhất thế giới bất cứ vào thời đại nào chỉ có thể là Lep Tolstoi”.
Sách tả lại diễn biến tư tưởng và tình cảm ở một trí thức Nga tư sản suốt ba tháng trời nằm trên giường bệnh vì bệnh ung thư bao tử, mà triệu chứng lâm sàng đã được tác giả Chiến tranh và Hoà bình tả lại chính xác đến nỗi làm ngạc nhiên các thầy thuốc ngày nay, dù sách viết từ 1886.
Nhớ lại chuyện Ivan Ilitch, trong xã hội tư sản Nga ngày xưa và gương mặt bình thản, có khi nở nụ cười khi gặp chúng tôi của người chiến sĩ cách mạng già, cũng mắc bệnh ung thư, cũng biết rằng mình sẽ chết, tôi hiểu rằng giữa hai dòng tình cảm và tư duy có sự cách biệt nhau như đất với trời. Đồng chí bệnh nhân Bộ trưởng, khi nhìn lại quãng đời anh đã sống, không hề có gì phải hối tiếc ân hận. Từ cảnh sống đủ tiện nghi ở Sài Gòn, anh đã đi vào khu năm 1968 theo yêu cầu của cách mạng, “mưa bom bão đạn lòng thanh thản, nhạt muối vơi cơm miệng vẫn cười” chấp nhận sự phân công của Đảng vào một giai đoạn lịch sử khó khăn. Anh cũng hiểu: anh chị em bác sĩ, y tá chúng tôi, cái gì chúng tôi đã làm, không phải là muốn được ngưỡng vọng, được lấy tiền, mà là vì tình thương đồng chí, ngay cả khi chúng tôi đóng kịch và giả dối với anh.
Trong bài giảng Pháp-Y học (médecine légale) có nói tới diễn biến xảy ra ở người lớn chết chậm, theo lời kể của một số bệnh nhân sau khi chết rồi được cứu sống trở lại. Vào giây phút cuối cùng trước khi lìa đời vĩnh viễn, cuốn phim của cả cuộc đời dài như được quay lại trước mắt chúng ta đang cơn hấp hối. Trong khoảnh khắc, tri giác làm chúng ta sống lại quãng đời dài hàng chục năm, và nhận sự phán xét cuối cùng về mình: tự hào về việc đã làm, hay hối tiếc. Khoa tâm thần học gọi đó là thời gian siêu thực (temps autitique) giống như cảm thụ vui buồn, vinh nhục xảy ra cho người xưa trong giấc mộng Nam kha, khi tỉnh dậy rồi thấy nồi cơm bắc trên bếp lửa vẫn chưa sôi. Tất nhiên là mọi người đều còn hai loại thời gian khác nữa: thời gian khách quan đo được bằng đồng hồ, bằng số lần mặt trời lặn, mọc; và thời gian chủ quan, thay đổi tuỳ ta: “Ngày vui ngắn tựa gang tay, ngày buồn đọng lại như dài ba thu”.
Vì lẽ ấy, với quan điểm khoa học của một thầy thuốc, tôi đau xót nghĩ đến ngày cuối cùng của những trí thức đã từ chối phục vụ quê hương khi họ còn rộng thì giờ. Tâm hồn sẽ được thanh thản hay không? Và vào đoạn “thời gian siêu thực” trước khi họ bước sang thế giới của tổ tiên tri giác họ sẽ thấy gì?
Trước khi vĩnh viễn ra đi, bệnh nhân Bộ trưởng chắc phải là vừa ý. Suốt thời gian anh bệnh, chúng tôi đã dành cho anh túp lều sang trọng nhất: cột kèo đều làm bằng gỗ lột sạch vỏ ngoài, trắng tinh và thẳng tắp, trơn tru. Nóc lợp là trung quân kết chùm lại, tránh được cái thuộc tính hút nóng của ni lông hay để làm nơi nuôi dưỡng con mò gây ngứa của nóc lợp cỏ tranh. Hầm núp máy bay kề bên vừa chắc, vừa sạch, dễ làm an lòng người ở trong lều.
Từ chiều ngày 4 tháng 4 năm 1972, bệnh tình anh trở nên nguy kịch. Thuốc men như hết tác dụng. Y tá và y sĩ thay phiên nhau túc trực, ngồi bên anh. Họ quạt, quạt mãi không ngừng. Về phương diện chuyên môn, tôi hiểu rõ cái động tác ấy không bao giờ níu lại được một cơn truỵ mạch. Ở các bệnh viện bên Âu châu, nơi tôi từng làm việc, dù đang mùa hè có ngày nóng bức, không có ai đi ngồi quạt cho một bệnh nhân. Người thân đến thăm chỉ mang hoa tươi ngào ngạt hương thơm. Nhưng ở xứ sở của ta thì cứ giữ động tác ấy lại, để biểu lộ tình người và lòng thương mến. Quạt và quạt, ở nhiều trường hợp, có thể là một cách trị liệu tâm thần.
Người bệnh đi vào hấp hối. Tôi cho tập trung lại nhiều đèn bão và đốt hết lên, sáng rực một góc rừng. Người ta đã nói với tôi rằng những tấm lòng cao cả, những tâm hồn tuyệt vời, đến phút lâm chung đều muốn hưởng nhiều ánh sáng. Khối óc vĩ đại của châu Âu vào đầu thế kỷ 19 là Goethe khi hấp hối cứ kêu lên: “Cho thêm ánh sáng” (Der Light). Cách đây hơi lâu, một chiều mưa đông ở thành phố Weimar miền Nam nước Đức, đồng chí hướng dẫn chúng tôi đến viếng mộ Goethe và Shiller đã nhắc lại điều ấy, khi chỉ đèn trên mồ, trong phòng, ánh sáng chan hoà bất kể ngày đêm, năm tháng. Bên ngoài, trời âm u và tuyết rơi; nhưng ở đây ấm cúng và sáng đến nỗi có thể quên đi rằng ta đương đứng giữa những người đã mất. Anh bạn Đức nói: “Ánh sáng mà tư duy sắc sảo của người trí thức cần, Đảng của giai cấp công nhân không bao giờ để cho tắt”.
Ngày 30 Tết này, đến từ biệt anh còn nằm lại rừng để lên đường trở lại đất Tây Ninh, tôi ao ước có một cây đèn sáp để thắp lên thật sáng cặm trước mộ anh trước lúc ra đi.
II. Những nụ cười và nước mắt mang theo
Một vài thế kỷ nữa, khi cháu chắt, chút chit của chúng ta đi vào chủ nghĩa xã hội, dĩ nhiên nhiều người ham muốn nghiên cứu lịch sử. Bởi ngay từ bây giờ, không thể quan niệm một con người thật sự văn minh mà không biết rõ lịch sử tổ tiên mình, kể cả chi tiết trong đời sống của họ.
Nói tới sử, tức là nói tới dĩ vãng, nhưng thông thường lại theo tình cảm và suy luận của những người đang sống. Bởi vậy, một nhà sử học lớn kiêm triết gia Ý đã chua chát thốt rằng: “Viết sử của một thời đại dù xa xưa đến đâu ta cũng chỉ là viết sử hiện kim”.
Cháu chắt, chút chít ta sẽ vào thư viện, lục tìm đọc các bài hồi ký của tổ tiên để hiểu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở hậu bán thế kỷ 20. Một cuộc chiến tranh kỳ lạ đối với đế quốc Mỹ, vượt mọi quy luật, vì kéo dài tới tám năm (từ 1965 đến đầu năm 1973) khi mà từ ngày có nước Hoa Kỳ, chưa bao giờ Mỹ lại phải đánh ai lâu hơn bốn năm, kể cả hai cuộc đại chiến thế giới và chiến tranh Triều Tiên.
Chúng ta ngày nay hiểu cụ Nguyễn Du khá rõ, mặc dù cụ từng than: “Ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như này chăng?” Nhưng vài ba thế kỷ nữa, cháu chắt, chút chít ta, nghiên cứu sử với tâm hồn và nhãn quan của thời đại chúng nó, còn thông cảm được hết không với bao nhiêu nước mắt xen lẫn nụ cười từng nảy ra giữa cảnh rừng xanh trùng điệp thời chống Mỹ, vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ này? Hay chúng nó sẽ chỉ có một khái niệm lờ mờ về chết chóc do bom đạn, chất độc hoá học, sốt rét rừng, tê phù, hay rắn độc cắn?
Khi ngồi cả giờ dưới hầm để chờ dứt một chuỗi dài máy bay B.52 ném bom rải thảm, cái đáng sợ không phải là bom, bởi đối với cái vũ khí ấy không có gì bí ẩn, cần tranh cãi, bàn luận: một là trúng hầm ta ẩn núp, hai là trật! Mà kỳ thật, hơn cả “huyện đề” ngàn lần, khả năng “trật” gần như chắc chắn! Điều đáng sợ là những cơn giông tố thầm kín đang đồng thời xảy ra trong lòng người: thái độ gắt gỏng hách dịch của thủ trưởng, lời lẽ đểu cáng của bạn bè, với bao nhiêu hình ảnh tạo ra tình cảm “âm tính” khác… Như bị máy bay tưới nước bỗng nhiên nó trở lại và mọc lên mầm, theo quy luật chung ở thần kinh hệ. Tôi đã từng thử đo nhiệt độ và đếm nhịp tim cho bản thân mình, khi có đợt máy bay B52 đầu tiên xuất hiện, đến khi chấm dứt, thân nhiệt luôn luôn nhích lên cao hơn gần một độ và mạch cũng tăng vài chục nhịp, mặc dù suốt thời gian ngồi hầm tôi luôn luôn tự nhủ: “Ta bình tĩnh lắm, ta không hề biết sợ! Bởi số ta không bao giờ bị bom đạn”.
Phương thuốc ngăn ngừa cho các cơn giông gió trong tâm tư đó chóng lặng êm à không đem đến hậu quả gì, là tình người, tình thương yêu chân thành. Nhưng vẫn không tránh khỏi một số va chạm đánh vào cái tình cảm thiêng liêng nhất của con người, tình mẹ con, tình nam nữ rất trong sáng, tình chồng vợ mà phải dũng cảm mới vượt qua được để vững vàng bước trên đường cách mạng.
Từ biệt khu rừng già một chiều 30 Tết khi đón chờ lịch sử sang trang, tôi mang theo và ghi làm kỷ niệm những giọt nước mắt và nụ cười ấy, mong rằng những thế hệ sau từ xa sẽ nhìn vào cái “vĩ đại” chung của dân tộc, sẽ hiểu rằng đã có vô số “hy sinh” thầm kín từng xảy ra trong trăm nỗi lòng người ngổn ngang. III. Chuyện mẹ và con
Tháng 5-1970, giặc Mỹ từ hàng chục máy bay trực thăng, nhảy dù xuống cánh đồng hẹp Tà Súa, cách cơ quan chưa đầy một cây số. Chiều hôm ấy, chúng tôi hành quân gấp rút di chuyển theo những con đường rừng dưới ánh sao mờ mờ. Bước trước mặt tôi là một chị cấp dưỡng, chồng làm bộ đội ở xa, tay bế con, lưng đeo bồng. Bỗng xa xa có tiếng máy bay vi vu. Từ phía sau, một tiếng thét vang lên, tức giận: “Ai đi trước đó mà chiếu ánh sáng lên trời, bộ muốn giết hết tụi này sao?” Tôi vội vã cởi tấm khăn xanh bằng vải dù choàng cổ phủ lên trên, đậy kín lưng bà mẹ bế con đi trước, rổi trả lời: “Cái thau nhôm tắm em mà! Đậy rồi!” Lại một giọng khác, không biết của ai, phê phán: “Đi đâu cũng tắm con bằng thau nhôm, cái thói tiểu tư sản đó không chịu bỏ!”
Đôi ba phút lặng lẽ trôi qua. Trước tôi có tiếng khịt mũi và bóng tay bà mẹ đưa lên mặt chùi nước mắt. Nhất định là chị đang tức lắm. Lòng tôi bỗng dưng có cảm giác buồn buồn, một thứ buồn man mác mông lung như khi vừa đọc qua một bài thơ xưa vừa hay, vừa gợi buồn. Hồi còn nhỏ, tôi đã đọc ở đâu một chuyện thơ như vậy. À, nhớ ra rồi! Đó là kịch thơ Andromaque, của thi sĩ Pháp Racine. Một bà mẹ hiền muốn bảo vệ cho con là Astyanax mà phải chịu đắng cay, nhịn nhục. Nhưng đấy là trước kẻ địch, còn ở đây là ta với ta. Tôi chỉ an ủi bằng một câu nói nói nhỏ vừa cho bà mẹ đủ nghe: “Đừng thèm để ý; đang đi mệt và khát nước thì họ dễ nổi nóng, hay nói bậy!”.
Nhưng cái án “bà mẹ tiểu tư sản” lại xảy ra một lần khác, lần này không có hành quân mệt nhọc gì cả, mà trong một buổi kiểm điểm sinh hoạt cơ quan. Tính chất “tiểu tư sản” chuyến này biểu lộ ở mấy cái tã lót đít cho con mới đẻ của một bà mẹ khác, toàn là vải phin trắng nõn, dưới mặt trời óng ánh lúc đem phơi. Bà mẹ bị “chụp mũ tiểu tư sản” đã quên phứt là cơ quan cần tuyệt đối không để lộ mục tiêu. Như vậy tã cho con phải dùng màu xanh lá cây, hoặc vải khăn rằn xé ra nhiều mảnh.
Trước lời phê phán, bà mẹ đó lại khóc! Tôi bâng khuâng cảm thấy mình nếu không phải “đồng loã tiểu tư sản” thì cũng là kẻ đã chủ mưu! Số là: trước Cách mạng tháng 8-1945, có một cuốn sách của tôi viết và cho in ra ở thành (Nhà xuất bản Khoa học phổ thông – 1943) tựa là Phép nuôi con, trong đấy tôi bày vẽ cách tắm con trong thau nhôm (thời ấy chưa có chất nhựa) may tã con bằng vải trắng để giữ vệ sinh! Rồi thời kháng chiến chống Pháp, loại sách như vậy (thai nghén – 1953) lại ra đời ở khu giải phóng miền Tây Nam Bộ, in rô-nê-ô. Khi tôi ở rừng, có nhà xuất bản ở Sài Gòn, đã cho in sách lại bán lấy tiền (nói rõ thêm, không hề hỏi ý kiến gì tác giả, rồi từ ngày hoà bình tới nay cũng không thèm tới tìm tôi đưa tiền nhuận bút!). Có thể các bà mẹ trẻ này đã chịu ảnh hưởng gián tiếp hay trực tiếp của tôi, mà trở thành “tiểu tư sản” với thau nhôm và vải trắng làm tã lót. Lúc tôi viết sách chưa có Mỹ, thời mà việc giữ bí mật cơ quan không khắc nghiệt như bây giờ. Bác Hồ dạy “chúng ta sẽ đánh Mỹ 5 năm – 10 năm – 20 năm hoặc lâu hơn nữa”. Lời dạy ấy bao hàm ý nghĩa: cứ tìm hiểu nhau, rồi nếu thành thực yêu nhau thì có thể xây dựng gia đình. Tôi nhớ đến câu nói của Paven Cócsaghin, trong “Thép đã tôi thế đấy”, khi gặp lại người yêu cũ nay đã có chồng con rồi: “Đời tôi đã phạm nhiều sai lầm, nhưng cái sai lầm lớn nhất có lẽ là đã nghĩ rằng hễ đi làm Cách mạng thì không nên tính việc xây dựng gia đình.
Đánh Mỹ 20 năm, là phải có chồng. Chị em có chồng, là chấp nhận việc sinh con. Thầy thuốc nào cũng bảo: “Sữa tốt nhất cho con là sữa mẹ”. Vậy, đem con theo bên cha mẹ, tức là tính toán đánh Mỹ lâu dài. Tính chất “mẹ thương con” độc đáo ở bà mẹ Việt Nam, đồng thời nặng tính nhân văn của thời đại là ở chỗ đó. Phim Cánh đồng hoang của Nguyễn Quang Sán và Hồng Sến đoạt giải thưởng lớn nhất trong cuộc thi quốc tế ở Matxcơva cũng là ở chỗ đó.
Khi phim vừa ra đời và chiếu ở Việt Nam có người phê phán: Phim này đã “vi phạm chính sách của ta” về bảo vệ hài ấu nhi, bêu riếu ta trước thế giới văn minh. Tôi sực nhớ tới những bức tranh đã nuôi sống các hoạ sĩ lúc ấy chỉ là Nhà Thờ và Vua chúa cho nên hoạ sĩ phải đưa cái tình cao cảo này trao gởi vào tranh “Đức Mẹ và Chúa hài đồng”. Mặc dù vậy, tình và ý, tính chân thực và khoa học vẫn ở mỗi người mỗi vẻ: Leonard de Vinci, Michel Ange…. Một mình Raphael đã vẽ hơn bốn mươi bức hoạ “mẹ - con” khác nhau còn rải rác ngày nay khắp châu Âu, mà kẻ viết hồi ký này may mắn đã được ngắm qua một số. Nhưng hiện nay, hơn 400 năm sau thời kỳ ấy, gương mặt “Mẹ và Con” được khen là “mang tính người, tính nhân đạo nhất”, lại là của hoạ sĩ Corrège (thành Perme ở Ý) mặc dù thời ấy có một số thầy tu mách, hót với Giáo hội là Corrège không “ngoan đạo”, nên vẻ mặt Đức Mẹ không “trang nghiêm thiếu thiêng liêng”, cho “mẹ cười với con”! Nói theo bây giờ là không “phù hợp chính sách"! Về bản chất, trong lịch sử, có chuyện lập đi lập lại. Bây giờ thầy dùi rỉ tai thủ trưởng là “mất lập trường” ở một ai đó để dâng công.
Tôi nhớ tới thời kháng chiến chống Pháp, có bà mẹ bít mồm con làm cho đứa bé đến phải chết ngạt để cả tiểu đội đang ẩn núp dưới hầm khỏi bị lộ do tiếng khóc trẻ em.
Sau khi tiểu đoàn Lê dương đi qua rồi, chị đã nức nở khóc giữa bao nhiêu dòng nước mắt của đồng đội anh em. Tình nhân đạo cao cả nhất phải phủ trùm lên một thứ tình cảm riêng lẻ, dù có thiêng liêng sâu sắc đến đâu. Đó là chủ nghĩa nhân văn ngày nay ở bà mẹ Việt Nam.
Từ biệt rừng già, tôi bùi ngùi nhớ đến cuộc sinh nở xảy ra, cũng giữa rừng này, tháng 5-1970, của một nữ bác sĩ, lừng lẫy tiếng tăm ở Sài Gòn, chuyên khoa bệnh đàn bà và bệnh trẻ em, bỏ biệt thự lộng lẫy vào khu vài năm nay với Cách mạng. Giặc Mỹ đang càn quét, suốt ngày máy bay ngang dọc trên đầu. Chị đã sinh cháu trong một cái hầm, gấp rút sơ sơ mới đào, rất cạn dưới lùm cây. Rồi vài giờ sau khi sanh, chị lại lên xe đạp cho anh em đèo đi, tiếp tục lên đường đến địa điểm mới. Vệ sinh khi lâm bồn, biện pháp bảo vệ trẻ sơ sinh, tránh bệnh nhiễm trùng, nhất định là chị biết hết cả, và đã chỉ vẽ cho hàng trăm bà mẹ khác lúc còn ở thành bảo phải theo.
Nhưng đối với bản thân chị, trong gian khổ của kháng chiến, hơn cả sự bình tĩnh, trên môi chị vẫn giữa nụ cười trước mọi lo lắng của anh em. Nụ cười một bà mẹ, hồn nhiên như nụ cười của mọi bà mẹ trẻ khác mới sinh con so trong phòng ấm gối êm. Nhưng vào thời điểm này, giữa cảnh rừng xanh, nụ cười có giá trị động viên lòng người rất lớn – gây ra sự tin tưởng và vững tâm. Nụ cười mang chất lượng nhân văn. Chị còn sống và đang công tác nên tôi không tiện nêu tên.
IV. Vài chuyện kể về tình yêu
Giữa cảnh tĩnh mịch trong rừng thông phủ đầy tuyết trắng và bạch dương trụi lá trong một làng nhỏ ngoại ô Matxcơva, Lênin vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, phải vĩnh viễn ra đi lúc câu chuyện Tình yêu cuộc sống của nhà văn Mỹ Jack London còn đang nghe dở, do bà vợ đọc. Nếu Người có thể trở lại đúng 50 năm sau (1973) - tại khu rừng già nhiệt đới mãi mãi xanh tươi của miền Nam Việt Nam này vào thời chống Mỹ, có bao nhiêu câu chuyện yêu đương khác, mà màn chót là một cuộc tuyên hôn. Chúng tôi sẽ kể lại cho mọi người nghe để phong phú thêm cái luyến ái quan cách mạng theo người cộng sản. Ví dụ chuyện sau đây:
Cô dâu hôm ấy là một dược tá, từ cuộc đấu tranh rực lửa của vùng đồng bằng, được đưa về R cho chúng tôi dạy học thêm, chuyển lên dược sĩ trung cấp. Chàng rể là một cán bộ ngành An ninh, tập kết ra Bắc mới trở về với quả tim nguyên vẹn lời thề, và gặp lại vị hôn thê sau 15 năm xa cách. Nàng ở lại thuỷ chung chờ đợi người xa và lăn vào cuộc đấu tranh gian khổ. Tôi làm chủ hôn.
Kỷ niệm có gì? Một chiếc hôn thôi! Cũng là vũ khí mười năm ta đánh giặc
Xin lỗi anh Chế Lan Viên, tác giả câu thơ trên! “Chiếc hôn thôi” ấy không chắc gì đã có, bởi tôi nắm khá vững lý lịch của từng nữ học viên trường cán bộ y tế miền Nam, đa số là thẹn thùng giữ khoảng cách.
Ngoài những “đám cưới” theo đúng thể thức ông bà như vậy, còn những đám “hâm hôn” vui nhộn cũng không kém. Hâm tức là đã có lần nấu xong rồi, nhưng để quá lâu - mười hai, mười lăm năm – nên xem như “nguội”, cần “hâm” lại. Đấy là trường hợp của những đám cưới tổ chức vội vã vào cuối năm 1954 để chàng lên đường đi tập kết mấy hôm sau, đinh ninh rằng hai năm sau sẽ lại trùng phùng. Nhưng rồi biền biệt tin sương, may mắn lắm mới nhận được vài hàng ghi trên bưu thiếp. Nàng lại đi vào cuộc kháng chiến, hoạt động hăng say. Rồi một hôm được tin chàng vừa về đến, và “rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao” - Chuyện ấy xảy ra cho một nữ học sinh khác ở trường tôi, y sĩ hộ sinh từ miền Tây Nam bộ đưa về học bổ túc tại R. Và nơi đây chị đã gặp lại chồng, một cán bộ văn nghệ từ Bắc mới về. Không hiểu tại làm sao mỗi lần được mời dự những đám cưới như thế lòng tôi vui mừng như trẻ con, dù không có rượu sâm banh, rồi tiếp theo là tiếng nhạc du dương, có khiêu vũ dưới ánh đèn mờ ảo như ở bao nhiêu hôn lễ mà tôi cũng là khách mời trước ngày Cách mạng tháng Tám. Ở rừng chỉ có trà, kẹo, bánh, tiếp theo là “hò lờ” tập thể; may mắn lắm mới thêm mấy câu vọng cổ của một nữ tài tử kiêm nấu bếp hoặc kiêm liên lạc văn thư.
Vào thời buổi còn ở thành mới như hôm qua đây mà nay đã trở thành xa xăm trong tình cảm. Mỗi lần nhận được thiệp mời đám cưới, tôi phải bận tâm tính toán, xem cần chọn quà gì đây cho phù hợp với nề nếp gia phong của cô dâu, chú rể. Lắm khi cái cađô (cadeau) đó phải mua tận Sài Gòn, mang nhãn hiệu của một tiệm buôn danh tiếng đường Catinat (nay là Đồng Khởi). Lời chúc mừng không có ý nghĩa gì nếu như quà tặng không đạt tính giai cấp mà tính đó ở giới chúng tôi thời ấy cần dán nhãn “sản xuất tại Paris”.
Bây giờ dự lễ cưới ở rừng xanh thì khỏi bận tâm việc quà cáp, hay lo sửa sang quần áo cho bảnh bao. “Hai họ” biết trước rằng mình chả có “cái khỉ khô” gì mà biếu! Tuy vậy, có khi cũng cực, khi mà hai họ, xét ra mình cũng vào “tuổi chú anh” và có ít nhiều kinh nghiệm đời, yêu cầu trong hôn lễ phải đứng lên phát biểu đôi lời cảm tưởng nghe cho được.
Công việc ấy coi lơ mơ vậy mà khó! Lời chúc “sớm sinh con nối dõi tông đường” vừa lố bịch, vừa nhuộm màu phong kiến hạng nặng. Câu đã trở thành quá sáo, như “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” chắc chắn lại rất vô duyên, bởi trong nhiệm vụ cứu nước, người ta đã chờ đợi nhau cả chục năm rồi!
Kể ra lúc đi vào kháng chiến tôi có đem theo bụng một mớ xà ngầu chuyện xưa về tình thuỷ chung đợi chờ nhau của trai gái. Chuyện Tàu: đã có Tái Sinh Duyên - Mạnh Lệ Quân và Phụng Kiều Lý Đáng. Thơ ta thì có Phan Trần, Nhị Độ Mai và Lục Vân Tiên. Nhưng tinh thần Cách mạng tháng Tám đã dần dần đi sâu vào nhận thức của mỗi chúng ta, và bây giờ nhắc lại mấy tuồng cũ tích xưa ấy không tránh khỏi bị phê là “nho chùm”, lỗi thời lạc điệu. Cô dâu của chúng ta đâu phải là Kiều Liên trong thơ Phan Trần của Vô danh thị:
Cửa nhà binh lửa đâu đâu Tuyết sương quảy một gánh sầu ra đi
Cũng chẳng hề bắt chước Hạnh Nguyên và Nguyệt Nga đối phó một cách tiêu cực với nghịch cảnh, với kẻ thù, để giữ vẹn tình yêu bằng cách nhảy sông tự tử:
Tấc lòng cả quyết khôn cầm Tấm thân phó mặc dưới đầm sâu sâu (Trích Nhị Độ Mai)
Tình yêu của chị em đã được thăng hoà mấy bậc, lồng vào tình cảm chung của dân tộc, đồng bào. Khái niệm “trung hậu đảm đang” đã quyện chặt vào tinh thần “anh hùng bất khuất”, đúng như lời khen của Bác Hồ tóm tắt trong tám chữ khi nói đến phụ nữ Việt Nam.
Tôi không thể dựa vào các chuyện xưa của ta mà phát biểu ở hôn lễ, thì đành phải dựa vào Tây. Từ thời thượng cổ dưới gốc cây, ông Nguyệt lão trên Thiên đình, luôn luôn đầy thiện ý khi dùng sợi chỉ đỏ buộc chân cậu này vào chân cô kia. Nhưng tệ hại thay, dưới trần thế loài người lại phân chia thành giai cấp. Xích thằng trở thành xích sắt, mạ bạc, sơn vàng. Rồi, như nhà văn Alexandre Dumas đã hóm hỉnh nhận xét, “ở xã hội tư sản, sợi lòi tói mạ vàng trói buộc hai người trong lễ cưới đã trở nên quá nặng nề, thành cho muốn lê nó đi cho đến cuối đường đời thì phải cần thêm người thứ ba (ông hoặc bà có ngoại tình) hoặc người thứ tư phụ sức vào (ông ăn chả bà ăn nem!). Tin tức tôi biết được ở một số cuộc hôn nhân ở thành mà tôi từng dự khi xưa ngày nay quả là đúng như vậy! Cái gọi là hạnh phúc cũng chỉ là điều mà nhà sử học kiêm triết gia Pháp H. Taine khái quát trong một câu khá sâu sắc, dù có phần bi quan: “Họ tìm hiểu nhau trong 3 tuần, yêu nhau trong 3 tháng, cãi lộn nhau trong 3 năm, chịu đựng nhau trong 30 năm; để rồi đám con cháu sinh ra cũng sẽ làm trở lại cảnh đời y nguyên như vậy”.
Mượn lại những lời phê phán như thế của các nhà văn tên tuổi về hôn nhân dưới chế độ tư sản, tôi chỉ lật ngược trở lại, và phát biểu: “Cách mạng đã tạo điều kiện cho anh chị hiểu rõ nhau không phải trong ba tuần, mà trong 10 năm - mười lăm năm … thì chắc chắn rằng anh chị sẽ thắm thiết yêu nhau mãi mãi”.
Phải là nhà văn có lương tâm, biết ca ngợi cuộc sống có lý tưởng và lòng dũng cảm, dù là nhà văn của chế độ tư sản, như văn sĩ phi công hiện đại Saint-Exupéry, mới nghĩ ra một câu chính đáng: “Trong mọi tình yêu vững bền không phải là hai người ngồi nhìn mặt nhau, mà là hai mặt cùng có cái nhìn hướng về chung một phía”. Cái hướng đó Cách mạng Tháng tám rồi tiếp theo là hai cuộc kháng chiến trường kỳ càng vẽ thêm đậm nét, qua thử thách và nhớ nhung. Chúng tôi vui mừng thật sự, bởi qua các đám cưới trong rừng thấy lộ rõ khả năng tự vệ của một dân tộc ngoan cường, khi mà ở vùng văn hoá Mỹ ngụy của miền Nam, có nhà văn bán rẻ lương tâm đang muốn kéo tình yêu của con người thoát khỏi yếu tố tư duy lành mạnh của vỏ não để lệ thuộc vào yếu tố bản năng tình dục của thú cầm.
Tôi nhớ có một lần, sau khi dự tiệc cưới, tôi bỏ túi mấy cục kẹo đem về đưa cho cậu bảo vệ, một thanh niên độ 18 tuổi, vừa từ đồng bằng lên. Miệng nhai kẹo nhóp nhép, cậu ta hỏi tôi: “Cháu đọc tờ báo thành mà ban Binh vận cho chú mượn, thấy họ tả một đám cưới của ông Bộ trưởng ở Sài Gòn làm cái bánh to tới nỗi cô dâu phải dùng thang trèo lên mà cắt chia. Như vậy chắc bánh phải lớn bằng cây cà lan lúa bó dưới quê cháu, họ làm sao nướng trong xửng được hả chú?” Tôi trả lời bừa: “Thì cái xửng to bằng cái nhà lầu, chừng về thành chú chỉ cháu coi!”
Từ dạo về thành, cậu bảo vệ của tôi được đi học bổ túc công nông, rồi vào trường trung cấp kỹ thuật, nên có lẽ quên chuyện cũ không đến đòi tôi dắt đi xem cái xửng to bằng cái nhà lầu. Nhưng tôi thì vẫn nhớ cái thắc mắc của cậu ta lúc đó: tại sao họ không làm bánh nhỏ hơn nhưng thật nhiều, rồi đem chia cho khách ăn thì cũng vậy thôi. Và câu giải đáp của tôi lúc bấy giờ, bất kể cậu ta có hiểu hay không: “Hình thức trình bày món ăn lắm khi cũng trở thành vũ khí tư tưởng của giai cấp thống trị, dùng để áp đảo tinh thần hay để khoe khoang quyền thế, giàu sang. Cháu chẳng thấy rằng ông Thần thờ trong đình, có sắc vua phong, ăn không nhiều hơn ông Táo, ông Địa, nhưng ông ta thì phải có mâm xôi, thật lớn, heo quay chở tới nguyên con mới xem là có giá trị”.
Hồi ký về câu chuyện tình yêu ở rừng của tôi sẽ thiếu sót, nếu tôi quên kể lại chuyện sau đây mà tôi được nghe đúng vào ngày 30 tháng chạp ta năm Tý (1973) trước khi từ giã Sóc Chùa. Một nữ y sĩ, mẹ của hai con, đẹp người tốt nết, công tác ven đô Sài Gòn, vùng cài răng lược với địch. Chị được giới thiệu về R học thêm để chuyển cấp; nhưng về khu căn cứ chưa được bao lâu thì mất do bệnh nặng. Người chồng hay tin, về đem chôn vợ giữa rừng xanh. Khi có tin hiệp định Paris được ký kết và mọi cơ quan đều phải di chuyển xa về gần vùng đồng bằng, anh thuê người đến bốc mộ vợ, cỏ mọc chưa xanh. Rồi tận tay anh hoả thiêu xác vợ, bọc trọn tro tàn vào bao nilông, để trong ba lô mang theo.
Vào những cái Tết sau đó, bọc tro tàn kia chắc đã yên nơi, không còn lưu động trên vai chồng. Nhưng thú thật, khi nghe anh chị em nói cho biết chuyện ấy, lòng dạ tôi khôn xiết bùi ngùi.
Trong thơ Phạm Công Cúc Hoa – thơ này ông bà ta đã ngâm rồi trước khi khai sinh ra nước Huê Kỳ - Phạm Công cũng có hai con với người vợ hiền mất sớm. Trong lúc loạn ly chàng ra quân đánh giặc, vai mang hài cốt vợ thân yêu, khiến cho tướng giặc phải động lòng mà bãi binh. Đời này, rõ ràng rất ngây thơ ai còn tin rằng những chuyện về tình thương và đạo đức truyền thống của dân tộc ta sẽ làm chuyển được lòng những kẻ bị nuôi dưỡng bằng văn hoá phản động và triết lý thực dụng của Mỹ. Nhưng có đêm, nằm tòn ten trên võng và thao thức nhớ đến mối hương thề bị đứt đoạn nửa chừng này, các chuyện Truyền kỳ mạn lục trong văn học dân gian cổ bỗng trở lại trong ký ức tôi. Ngày xưa, tổ tiên ta có lẽ muốn dạy lại đạo lý làm người cho cháu con, nên mới kể lại chuyện những người vợ hiền đã qua đời rồi, khi cảm kích tấm lòng chung thuỷ và nỗi đau khổ của chồng, có thể xuất hiện trở lại lúc đêm khuya.
Lẽ dĩ nhiên, sống vào thế kỷ 20 này, chẳng còn ai tin vào chuyện ma đến với người, như trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Tuy vậy, tôi có quyền ước mong rằng chị y sĩ, học trò xấu số của tôi, có thể lại trở lại sống cùng chồng trong mộng khi anh gối đầu lên ba lô có tro vợ vào lúc đêm xuân. Ước mong ấy có gì là phản khoa học, theo tâm sinh lý về sự hình thành của các giấc mơ!
(Báo Văn nghệ TP. HCM 1979 số 206, 208)
|