thời gian

TRONG MẮT TÔI

Trần Hữu Nghiệp

(nxb Văn Nghệ - 1993)

 


 

10  

Binh chủng đặc biệt
trong đội quân tóc dài trước ngày
miền Nam hoàn toàn giải phóng

 

 

Mùa xuân 1955, miền Tây Nam Bộ, khu tập kết cuối cùng của quân đội cách mạng và cán bộ dân chính, được chuyển giao cho chính quyền Ngô Đình Diệm quản lý. Đồng bào bâng khuâng lưu luyến tiễn người thân xuống tàu ra Bắc, đưa hai ngón tay lên làm dấu hứa hẹn sau hai năm rồi ta sẽ gặp ta. Nhưng lòng nhủ lòng rằng Đảng, mấy năm qua đã trao cho mình ruộng đất và áo ấm, cơm no, Đảng vẫn còn ở lại miền này, với hàng chục trạm y tế hộ sinh tư và dân lập, để chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dựng lên rải rác khắp xã ấp, tiếp cận nhiều thị trấn, như Cái Răng, Giá Rai, Bến Lức, Lái Thiêu. Thậm chí nữ hộ sinh cách mạng còn hoạt động ngay trong một số thị xã, như Nguyễn Thị Hiền ở Thủ Dầu Một, Phùng Thị Vân ở Châu Đốc, chị Sáu Triệu ở Sa Đéc v.v…

 

Với tinh thần phục vụ tận tuỵ bà con lao động và ngay cả gia đình binh lính ngụy, cộng với phương châm y tế kháng chiến là triệt để khai thác đông y, sử dụng Philatốp, binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài ngầm có ảnh hưởng to lớn trong quần chúng, xói mòn dần uy quyền của Mỹ - Diệm. Vì vậy, sau khi đã thẳng tay đàn áp đối thủ có võ trang là nhóm Bình Xuyên, Hoà Hảo còn cứng đầu, Diệm - Nhu  chĩa mũi nhọn tấn công vào Đảng ta, bắt bớ tra tấn, thủ tiêu cán bộ đảng viên ở khắp các nơi, triệt hạ mọi cơ sở mà chúng nghi là nhuộm màu hồng. Mộ phần bác sĩ Văn Thuỳ, y sĩ Nguyễn Văn Ba, chôn ở nghĩa trang Huyện Sử bị đào lên đem xương thả trôi sông.

 

Một số chị em y tá, cô đỡ, hộ sinh trốn tránh được, rồi giải nghệ, trở về đời sống gia đình. Một số khác bị bắt và hành hạ dã man. Ai đã bị bắt với bằng cớ không thể chối cãi là cộng sản, được ngụy sắp xếp hồ sơ vào nhóm QP (quân pháp) đưa toà án, rồi đem đày Côn Đảo. Như nữ hộ sinh Võ Thị Minh Ngoạn hoạt động ở nông thôn rồi chuyển về thị trấn Giá Rai (Bạc Liêu) sau khi chồng bị Mỹ - Diệm giết. Chị được trao trả năm 1973 sau hiệp định Paris ở Lộc Ninh, sống không khuất phục hơn 14 năm dài, trong tang chồng và nhớ con thơ gởi lại đất liền. Cũng ở địa ngục Côn Sơn này, đồng lúc hoặc sau chị Minh Ngoạn, còn có chị dược sĩ cao cấp Phạm Thị Yên (hy sinh do sốt rét đái huyết sắc tố sau khi trao trả); bác sĩ Chín Hạnh, chị Thanh (đã hy sinh), Tư Tươi quê ở Đồng Tháp, chị Mười Bái y sĩ, và Hương y tá (Bến Súc), chị Trang (An Nhơn Tây), chị Ba Miền, chị Hiền. Cái danh sách chúng tôi có chắc còn chờ phải bổ sung, vì có người chắc đã bỏ mình ngoài đảo.

 

Số chị em bị bắt thiếu bằng chứng hiển nhiên là cộng sản, tra tấn họ không khai, tù đày họ không sợ, được xếp vào loại HC (huấn chính) hay gọi là “tù mù”, địch giam giữ ở đất liền, tại các trại giam Biên Hoà, Thủ Đức, Phú Lợi, như nữ hộ sinh Minh Hai, Sáu Kiền, Thu Ba, Phụng (hy sinh ở Vĩnh Long) hoặc ở các khám đường tỉnh như cô đỡ Trần Bạch Hường (Cần Thơ), Lưu Thị Bạch, Tạ Thị Chung (khám Mỹ Tho) v.v…

 

Chính những gương chị em anh hùng, bất khuất đó và thực tế không hề có một ai co lại hoặc bỏ cuộc trước sự khủng bố ác liệt của địch, hoặc ra đầu hàng, hay khai báo với địch, đã dắt tới sự kiện đồng chí Nguyễn Văn Linh trao cờ Binh chủng đặc biệt cho nữ hộ sinh Sáu Xoa ngày Mặt trận giải phóng chính thức ra đời.

 

Tác dụng chính trị của binh chủng rất rõ, hỗ trợ rất nhiều cho đội quân tóc dài miền Nam ở mọi hình thức đấu tranh. Vì vậy, những chị em đã “điều lắng” lánh né được từ 1955 đến 1960, và các chị em “tù mù” được thả ra, từ 1961 lại hăng hái tổ chức nhiều lớp cô đỡ khác ở khắp nơi, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận tỉnh hay huyện. Chẳng hạn như chị Phạm Liên Nguyệt, sau một thời gian lánh né ở nhà hộ tư Duy Tân của một bác sĩ Sài Gòn trở về Mỹ Tho mở lớp cô đỡ năm 1961; chị Võ Thị Minh Hai vừa thoát khỏi trại giam Biên Hoà về liên tục mở lớp ở Đức Huệ (Long An) dù có lần ngụy tràn vào, bắn chết tám học sinh cô đỡ (1964); chị Sáu Triệu nữ hộ sinh đại học, từ Sa Đéc vào khu giải phóng ở Bạc Liêu, mở trường nữ hộ sinh cho cả miền Tây Nam Bộ (từ 1963). Kế tiếp theo có những bác sĩ đi tập kết trở về từ 1964 tiếp tay. Rồi hàng chục khoá cô đỡ, y tá, hộ sinh, y sĩ sản khoa và y sĩ thường, nối nhau khai giảng và bế giảng dưới bom đạn Mỹ - ngụy, từ địa điểm này chuyển sang nơi khác trong sự đùm bọc của nhân dân.

 

Kết quả là binh chủng đặc biệt của quân đội tóc dài bị sứt mẻ vào thời kỳ đầu lại được nhanh chóng tăng lên theo cấp số nhân với những gương mặt mới, liệt sĩ anh dũng hy sinh, hoặc anh hùng y tế, được tuyên dương như Huỳnh Thị E, y tá Bến Tre, Lê Thị Hiếu Tâm, y sĩ ở Mỹ Tho. Số đông là chị em bám dân phục vụ, kiên cường, mưu trí, trong vùng địch cũng như trong lòng giải phóng, phá ấp chiến lược, binh vận, tình báo, gánh gian lao để nuôi dưỡng và chăm sóc cán bộ, chiến sĩ bị bệnh, bị thương.

 

Dưới đây, xin kể chuyện một đoạn đường ngắn, và một thung lũng hẹp để minh hoạ cho toàn bộ bức tranh lớn mô tả cuộc đấu tranh của binh chủng ở khắp nơi miền Nam, vào các năm cuối cùng.

 

MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG ANH HÙNG, ĐẪM MÁU VÀ NƯỚC MẮT

 

Thời kỳ chống Mỹ - ngụy, nhất là từ sau Tết Mậu Thân 1968 đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, chỉ riêng ở tỉnh Tiền Giang, đã có 169 chị em của binh chủng đặc biệt ngã xuống hai bên vệ đường, và bom đạn, do lính Mỹ - ngụy càn đến xả súng vào hầm vì các chị không chịu lên, trong số này có 16 nữ y sĩ và hàng chục nữ hộ sinh, cô đỡ kiêm cứu thương hay y tá. Có trường hợp cực kỳ anh dũng, như y sĩ sản khoa Lê Thị Lệ Chi ở Bình Minh, đẹp người ngoan nết, bám đất để phục vụ dân, địch bắt đầu hàng, chị kiên cường chống lại, nên bị ngụy mổ bụng moi ruột, móc gan vứt ra ngoài đất khi miệng chị còn chửi mắng lại chúng nó. Năm 1967, chị Ba Vân, nữ hộ sinh của Long An, chống cự lại sự hãm hiếp, bị mổ bụng gần chùa Phật đá, xã Hưng Thạnh (Mỹ Tho).

 

Ai đi từ thành phố Hồ Chí Minh xuống miền Tây Nam Bộ tất phải dùng quốc lộ số 4, đoạn từ Trung Lương tới bến phà Mỹ Thuận, trải qua ba huyện Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang. Ở đoạn đường ngắn ngủi này, hai bên là ruộng vườn trù phú, binh chủng đặt biệt đã hy sinh 108 đứa con, đổ đồng trên mối cây số có, riêng ở ngành y tế, hai chị em ngã xuống, hiến máu đào để cứu quê hương.

 

Nhằm bảo vệ cái gì?

 

Để cho ở các ấp và xã nằm hai bên đoạn đường này luôn luôn có trạm y tế hộ sinh, đa số là nửa công khai, chính thức làm nơi đỡ đẻ và trị bệnh sản khoa cho nhân dân địa phương, nhưng thật ra cũng là nơi chăm sóc du kích thương binh giấu ở các hầm bí mật, hoặc gởi ở các nhà bà má. Hỗ trợ đắc lực cho ngành quân y, địa phương quân cũng như chủ lực, linh động di chuyển trên chiến trường giữa sông Tiền và Đồng Tháp, nơi bất cứ xã nào cũng đồn bót ngụy bủa giăng, có nơi ấp nào cũng có địch đóng và khoảng cách giữa ta và địch chỉ lấy vài trăm mét làm đơn vị.

 

Y tế có trạm A ở nơi tương đối xa đồn bót, có thể gọi là hậu cứ. Còn đứng tại trạm B sát địch, chỉ có thể là một vài chị em hành nghề đỡ đẻ dễ nghi trang. Hơn nữa, nam thanh niên tòng quân hay gia nhập du kích, trực tiếp cầm súng giết giặc vây bốt, để cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện có thể hằng tháng vừa làm việc và hội họp, vừa nghe lính ngụy chửi nhau hay ca hát trong đồn.

 

Trạm y tế hộ sinh B, dù bán công khai, không phải là nơi ở an toàn. Áo của cô mụ dù trắng, có màu hay có hoa không hề được thêu chữ “thọ”. Ở nhiều xã, như Nhị Bình, Long Định, trạm y tế bị lột xác ba lần, và dĩ nhiên là có nhiều chị đã hy sinh. Kể làm sao cho hết danh sách chưa chắc đã đầy đủ, của hằng trăm chị em đã ngã xuống. Tại trạm Hữu Đạo, cô đỡ Nguyễn Thị Vui bị sát hại bằng bom, khi đang đỡ đẻ. Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hồng bị địch giết ở xã Mỹ Thiện. Tại Hậu Mỹ, y sĩ Nguyễn Kim Hường bị ngụy lôi từ hầm trú ẩn ra, rồi đâm chết bằng cả chục nhát lưỡi lê, xã Cẩm Sơn có nữ hộ sinh Phan Thị Kim Oanh, ở Mỹ Hạnh Đông có Lê Thị Hồng Trinh, y sĩ phó ty Lê Thị Thuỳ Châu bị bắn chết từ trực thăng khi bơi xuồng ở xã Long Trung v.v… Máu của các nữ chiến sĩ trong binh chủng đặc biệt khai mạch cho dòng suối nước mắt căm thù của bà con thôn xóm.

 

Đoạn đường ngắn 50 cây số, chạy song song với sông Tiền chảy cách đó dưới hai giờ đi bộ, băng vườn lội ruộng, có thể làm điển hình tượng trưng cho nhiều con đường quốc lộ, tỉnh lộ của miền Nam.

 

Ngày nay, hai bên đường ấy, ruộng vườn bát ngát đang đón nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền về với thành tựu của “cách mạng xanh”, đẻ ra hạt quả bội thu và tăng vụ. Ban đêm không nghe tiếng súng, mà là tiếng cười của nông dân. Tất nhiên, bà con phải đổ nhiều mồ hôi lao động mới có tiếng cười. Nhưng mồ hôi hiện tại nếu không hoà cùng máu và nước mắt của một dĩ vãng chưa mấy xa xăm, sẽ không có cái thiêng liêng vĩnh cửu. Cũng như đoạn đường anh hùng chỉ tiếp nối chiến công oanh liệt của Nguyễn Huệ gần 200 năm xưa đại phá quân Xiêm trên sông Tiền.

 

CHUYỆN THUNG LŨNG “TRUNG DŨNG KIÊN CƯỜNG, TOÀN DÂN ĐÁNH GIẶC’ (TỈNH LONG AN)

 

Đó là tỉnh Kiến Tường của Mỹ - ngụy xưa, với thị xã Mộc Hoá. Hôm nay chỉ là ba huyện phía bắc tỉnh Long An, vùng trũng nhất của Đồng Tháp Mười, mùa lũ nước dâng lên cao trên bốn mét, mùa nắng mênh mông cỏ úa, đồng chua, dân cư thưa thớt. Nhưng Mỹ - ngụy hiểu rõ đây là một nơi chiến lược quan trọng, tiếp cận Campuchia, con đường chuyển quân giải phóng từ miền Bắc và miền Đông Nam Bộ tràn xuống đồng bằng sông Cửu Long, đường giao liên mà cán bộ dân chánh hàng ngày phải dùng để tới lui cơ quan đầu não ở Trung Ương cục, đường tiến công của bộ đội cách mạng vào Sài Gòn từ phía Nam nếu được chi viện đầy đủ vũ khí theo Trường Sơn vào Nam Bộ.

 

Vì lẽ ấy, nhất là từ sau Tết Mậu Thân 1968, Kiến Tường là trọng điểm bình định tát dân, triệt hạ mọi cơ sở cách mạng nghi ngờ, dù bé nhỏ nhất, như ta đã thấy trong phim Cánh đồng hoang. Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành dân y Kiến Tường đã hy sinh lô cán bộ gồm sáu nữ hộ sinh xã, chín cô đỡ y tá và ba y sĩ. Nữ hộ sinh Tư Hậu cũng bị giặc bắn chết ở Bến Thủ trước đó ít lâu.

 

Đồng thời Mỹ - Thiệu cũng lợi dụng công tác y tế để lừa mị dân, tổ chức tề điệp, thám báo bất cứ ở chỗ nào có dân sống tập trung.

 

Ở một tỉnh nhỏ lối 60.000 dân, mà có bác sĩ trưởng ty y tế, thực tế là đại uý gián điệp, bảy bác sĩ cấp bậc từ trung uý trở lên và đều đã học qua chương trình bình định ở Vũng Tàu. Bệnh viện Mộc Hoá có 250 giường và hàng chục y tá, phòng thực nghiệm lâm sàng do một bác sĩ Mỹ trực tiếp chỉ đạo, hằng tháng cưa cắt cả chục tay chân, dù em nhỏ gãy xương kín, hay vết thương nhẹ bên ngoài, chỉ cần thám báo ghi mật hiệu báo bệnh nhân nghi ít nhiều dính dấp với Việt Cộng. Bắt chước y tế cách mạng, ngụy cũng mở ra nhiều lớp y tá ngắn hạn: hai lớp gồm 96 học viên, sau khi tốt nghiệp lập thành đoàn “y tế về làng” thực chất là bình định, thám báo.

 

Muốn chống địch, phải dùng phương pháp của địch. Trong những trận càn quét, đồng bào chạy vào thị xã, thị trấn, ấp chiến lược. Nữ hộ sinh, cô đỡ, y tá của ta cũng chạy theo, chỉ giữ lại ở vùng giải phóng với muôn vàn nguy hiểm khó khăn anh chị em nào tình nguyện ở lại. Cuối 1972, trong số 72 cán bộ y tế xã chỉ còn lại có 20. Chui vào vùng địch dĩ nhiên là những chị em có điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động, tránh nghi ngờ.

 

Chính nhờ các chị em này, móc ráp với tổ chức y tế “không lộ” có trước, vận động đồng bào ở các ấp chiến lược đưa gạo và thức ăn vào vùng du kích, dưới hình thức đi thăm chồng con là lính ngụy. Gạo trắng phải đổ xuống đáy xuồng lát ván, đổ nước lên nhằm che mắt quân thù. Đầu năm 1973, y tế ta còn phải chữa cho 113 thương binh bệnh binh, nằm trong công sự, cứ 20 thương binh thì một chị em phục vụ bên rừng tràm thưa thớt. Ban đêm phải đi tải nước từ các hố bom về, đựng trong túi nilông vì mùa nắng, nước đầy phèn không uống được. Có lần, tìm vào ấp chiến lược gần nhất lúc chiều tối để mua dầu, được tin mới có hai thành viên biết chỗ chứa bệnh binh vừa đầu hàng, chị em bươn bả về cứ, ba gái với hai trai, cõng suốt đêm từ bảy giờ tối đến năm giờ sáng, 60 thương binh đi tới điểm mới, cách xa nơi cũ hai cây số. Nhờ vậy tránh được cuộc tàn sát sáng hôm sau, không bị tổn thất (theo lời thuật của chị Út Háp, phó ty y tế Long An).

 

Ở vùng này của Đồng Tháp Mười những năm ấy, đi đâu cũng không thể xa địch được. Cho nên khẩu hiệu là “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Bạc tiền không có, bởi bà con trong ấp chiến lược cũng nghèo xơ xác như mình, nên ban đêm phải phân công người đi nhổ bàng (một loại cói) hoặc tìm mật ong trên cây chàm, nhờ đồng bào bán đi, rồi mua gạo cho mình. Đến mùa nước về, giường bệnh là những mô đất đắp cao dần trải nilông và bàng. Để nghi trang dưới sự kiểm tra thường xuyên của trực thăng, không thể cất chòi xây nóc, khi trời mưa, phủ nilông lên người mà chịu trận, còn nắng trưa thiêu đốt, thì vẫn quen rồi.

 

Tuy nhiên, vẫn được tiếp tế thuốc men, nhờ bàn tay khôn khéo của những đội viên binh chủng đặc biệt về ở khu vực hợp pháp phía bên kia. Một nữ hộ sinh của ta làm mụ đi đỡ đẻ, trị bệnh cho nhiều vợ con lính ngụy, có uy tín rất lớn. Tháng Mười năm 1973, ta đang thiếu thuốc trầm trọng, chị nhờ bọn lính bảo an nhân dịp đi càn quét, mang vào và “bỏ quên” ở cứ cho ta hàng trăm lọ kháng sinh, dịch truyền ngoại nhập, bông băng. Tháng Ba 1974, chị em y tế không lộ trong thị trấn Tuyên Nhơn, vận động bà con cung cấp gạo cho bộ đội bên ngoài đang đói. Tháng Mười 1972, chiến sĩ ta bị thương chạy lạc vào ấp Vĩnh Châu, được chị em chữa trị và hơn một tháng sau mới gởi trả vào đơn vị. Tại xã Nhơn Hoà Lập, một cô đỡ “hợp pháp” theo dõi hoạt động của tên Trung, sếp đồn ác ôn, đặt kế hoạch cho ta khử gọn nó. Cũng tại xã này, một nữ hộ sinh khác, khi được lính rước đi đỡ đẻ đã lập bản đồ, làm tín hiệu cho ta biết chỗ gài mìn, hoặc nơi lính ngụy phục kích, nhờ các chị mà ta biết hai cô gái lịch sự lễ phép bán thuốc trên kinh Dương Văn Dương là “thiên nga” trá hình.

 

Đây chỉ là một số chuyện trong hàng chục chuyện bầy Chim hạc trắng cách mạng chống lại bọn “thiên nga, phượng hoàng” của Mỹ - Diệm. Các chị em không muốn nhắc đến và có khi không nhớ đến “chuyện lặt vặt có gì đâu anh”. Nhưng có chuyện này là phải kể tên ra vì nhân vật là một “trí thức có bằng đại học”. Một nữ hộ sinh của ta đã vận động và nói khích bác sĩ Hiệp, làm tại bệnh viện Kiến Tường. Anh này lấy hiểu biết chuyên môn, dùng tiếng Anh đấu tranh lý lẽ với Mỹ giảm số chân tay cưa cắt trên 50 cái, năm 1972, xuống còn sáu cái, năm 1973, dù năm này số bị thương chở đến đông hơn. Cũng một chị em “không lộ” của ta, tự nguyện mang con của một y tá ngụy thường nói xấu cách mạng, vào khu giải phóng trị một bệnh theo phương pháp của ta, mà chị từng thấy là có kết quả. Em bé khỏi bệnh trở về thị trấn, mang theo một số thuốc độc đáo của y tế cách mạng tặng cho. Từ ấy, anh y tá ngụy kia thay đổi thái độ, và để tạ ơn, gửi ra khu tặng ra một bộ tiểu phẫu và phân nửa “tủ thuốc bình định” mà ngụy giao cho quản lý.

 

Các chị em “không lộ” của binh chủng đặc biệt, khi nghe tôi hỏi, đều lảng tránh nhắc chuyện xưa, dù tôi đã có trên tay báo cáo của địa phưonưg gởi về cho Bộ y tế Chính phủ cách mạng lâm thời ngoài mười năm về trước, khi miền Nam chưa giải phóng. Chị em chỉ nói lên nỗi phiền muộn của mình, khi có ai đấy lỡ miệng vô duyên cho rằng các chị là “bọn ngụy quyền để lại”.

 

Kỷ niệm mười năm giải phóng miền Nam, sự nghiệp tập thể vĩ đại của nhân dân cả nước, tại sao lại chỉ nói về một binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài? Lý do đơn giản: Bởi người viết bài là một bác sĩ, mà trong hai cuộc kháng chiền vừa qua ở miền Nam, từng có nhiều chị em trong đấy ngoài mối thâm tình còn thêm niềm mến phục sự hy sinh phải chịu đựng, tổn thương mất mát trong cuộc sống riêng tư. Chị Phạm Liên Nguyệt, từng là cô đỡ xinh đẹp nhất của Mỹ Tho, sau lễ kết hôn, chị sống với chồng vừa đúng một tháng, trước khi anh đi tập kết ra Bắc. Ở lại miền Nam, chị vào tù, ra khám, trở thành y sĩ phó ty rồi quyền trưởng ty, lao lách với bom đạn, tổ chức đi, tổ chức lại các trạm y tế hai bên đường số 4 với đứa con thơ. Khi hoà bình lập lại, chồng từ Hà Nội trở về sau 22 năm, tóc người hiền phụ đã điểm sương. Chị Võ Minh Ngoạn chứng kiến cảnh chồng bị sát hại ở Giá Rai, nối chí chồng kiên trì bám đất, trước khi đi tù 14 năm trời, gởi con ở lại đất liền, chị Nguyễn Thị Nhàn, người nữ hộ sinh nổi tiếng “hoa khôi” của bệnh viện Đồn Đất hồi năm 1954-1960 đã thành lập nghiệp đoàn, tổ chức chị em đấu tranh chống Mỹ - Thiệu, che giấu, chăm sóc cán bộ (như liệt sĩ Lê Thị Riêng). Đúng là bệnh viện tuy có treo cờ Pháp thật, nhưng không hề vắng bóng kẻ thù. Đến sau ngày Sài Gòn giải phóng năm 1975, đồng nghiệp ở bệnh viện mới biết chị thư ký nghiệp đoàn dễ mến của mình, từng bị bắt và tra tấn vì nhiều lần cãi lại lệnh tên “lãnh tụ” Trần Quốc Bửu tay sai C.I.A, là một đảng viên cộng sản “điều lắng”, tần tảo nuôi hai hòn máu đỏ lớn khôn sau khi chồng đã anh dũng hy sinh ngoài Côn Đảo trước đó 16 năm, khôn khéo đấu tranh chống Mỹ.

 

Sở dĩ kẻ viết bài kể tên ba chị em này là chỉ để làm thí dụ, nêu lên vài hình ảnh của hàng chục chị em khác cũng có chồng hy sinh, cũng dũng cảm nuôi con, có hoàn cảnh tương tự. Lý do vì đã có dịp trực tiếp nghe các chị kể chuyện riêng tư. Vô số mang tâm tình rải rác khắp nơi, đang nhờ các nhà văn khai thác giống như Anh Đức viết về chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất (mà tên ở lớp học cô đỡ Long Châu Hà là Tư Phùng). Trong lòng của  mỗi chị em cất giấu bao nhiêu Bức thư không gửi (tên một chuyện ngắn Liên Xô của Nhà xuất bản Lao động, 1983) như lòng đất giấu mỏ kim cương, chỉ lên tiếng cho kỹ sư địa chất nào trong lĩnh vực văn học muốn đóng góp trung thực vào công việc xây dựng phẩm chất của con người phụ nữ mai sau.

 

Trên mặt đất trải dài nhiều con đường, dòng kinh, làng ấp, cụm dừa nước hay lùm cây, đang ấp ủ bao nhiêu thổn thức, tiếng thở dài và niềm kiêu hãnh, chưa chịu hở môi. Nếu tôi là nhà sử học trẻ tuổi, tôi sẽ tìm đến đó, nhặt đề tài cho các luận án phó tiến sĩ hay tiến sĩ. Đề tài được minh hoạ bằng vô vàn sự thật vẽ bằng máu và nước mắt của quá khứ, có thể gây bâng khuâng, xúc động cho các vị giáo sư, viện sĩ chấm thi, những nhà khoa học thường ngày nhìn xem sự vật với đôi mắt bình thản.

 

Thành phố Hồ Chí Minh “Xuân 1985”.

 Trở lại mục lục