PHẦN TÁM *
VĂN HÓA
PHỤC HƯNG
Trần Đức Thảo Lịch sử Tư tưởng trước Marx
Cuối thế kỷ XV và thế kỷ XVI là một giai đoạn vĩ đại trong lịch sử nhân loại, nó đánh dấu cuộc thất bại của chế độ phong kiến và bước tiến đầu tiên của chế độ tư bản, trong bước tiến ấy (của tư bản) có bước tiến của nhân dân, và bước tiến của nhân dân này biểu hiện trong phong trào tư tưởng vĩ đại: phát triển văn hóa phục hưng (bao gồm khoa học phục hưng). Những người bấy giờ có chủ trương thoát khỏi «đêm trường Trung Cổ» tối tăm mù mịt, chế độ áp bức, hẹp hòi của Giáo hội và phong kiến, và lần đầu tiên mở ra những triển vọng phát triển mọi khả năng con người. Phong trào này là phong trào đề cao nhân loại chống Thượng đế, đề cao khoa học chống tín ngưỡng, đề cao văn hóa chống kinh viện. Không những khách quan đây là 2 thời kỳ giải phóng xã hội mà chính chủ quan những người bấy giờ cũng tưởng tượng thời đại mình là một thời đại giải phóng, những lý tưởng lớn của thời cận đại xuất hiện trong giai đoạn đó. Mục đích bài này là hiểu ý nghĩa của giai đoạn đó, tức là hiểu nguồn gốc văn hóa cận đại với những ưu và khuyết điểm của nó. I - Tình hình xã hội II - Phong trào cải cách tôn giáo III - Phong trào văn hóa, khoa học phục hưng - Trong thời Trung Cổ ở Tây phương, phong kiến bóc lột trực tiếp chứ không nặng hình thức cho vay lãi như ở Đông phương, nên ở Đông phương hình thức bức lột này thể hiện trong tư tưởng luân hồi, nghiệp chướng, tiền oan. - Giáo hội Tây phương bảo tồn di tích Cổ đại (tư sản) nên cung cấp toàn bộ bộ máy quan liêu phong kiến trong buổi đầu - bao trùm phong kiến. - Phong kiến Tây phương lúc đầu xây dựng có sự tham gia của các thị tộc Germains còn nhiều dấu vết mẫu quyền (ở Pháp tới thế kỷ XIV, ở Anh ngày nay). Lúc đầu các kỵ sĩ phong kiến làm giàu bằng cách lấy chồng, lấy vợ để làm chúa. Nhưng về sau này tinh vi hơn phức tạp hơn - đề cao phụ nữ trong văn thơ. - Đề cao phụ nữ của phong kiến căn bản là để lấy của (của riêng phụ nữ và quyền thế tập), và nữ chúa phong kiến nuôi và bồi dưỡng các văn nghệ sĩ để họ đề cao mình. Những phát minh có điều kiện xuất hiện nhưng không có điều kiện phát triển. - Địa bàn không phát triển, vì không có nghề đi biển. - Sở dĩ thuốc súng không phát triển ở Đông phương vì chiến tranh phát triển có mục đích cướp phá nhân dân rồi bỏ về chứ không cần phá hoại thành trì, khác với chiến tranh xây dựng chế độ tập quyền nhằm phá tan và xây dựng một chế độ mới. - Bàn in ở Trung Quốc cũng không phát triển vì có ít người đọc – tư sản chưa mạnh nên yêu cầu đấu tranh tư tưởng chưa có. I - TÌNH HÌNH XÃ HỘI Cuối Trung Cổ, cuối thế kỷ XIV và nhất là thế kỷ XV, do sự phát triển của những nghề thủ công thành thị, do phát triển của những hình thái của tiền tư bản chủ nghĩa (tư bản thương mại và tài phiệt) - kỹ thuật - thủ công - đã đạt được một mức khá tinh vi và một tổ chức bước đầu tập trung (nghề làm đồng hồ - máy dệt vải khá tinh vi - dệt len dạ tinh vi - ngành đúc, rèn sắt thép đạt mức cao), đặc biệt có 3 phát minh lớn: kỹ thuật dùng thuốc súng, kỹ thuật in và địa bàn (sự thực ở phương Đông đã có từ lâu và có thể là nó chuyển từ phương Đông sang, cái chính là nó khai thác được sáng kiến đó). Sự phát triển của sức sản xuất không những đòi hỏi quan hệ sản xuất mới (nói chung), mà cụ thể có ảnh hưởng trực tiếp trong thời cuộc: ví dụ thuốc súng làm mất tính chất độc lập của những thái ấp phong kiến vì thành lũy phong kiến bảo đảm độc lập của chúa phong kiến không chống lại đại bác mới. Áo giáp của kỵ binh phong kiến không còn đủ bảo vệ chủ nó như trước kia đối với gươm giáo được nữa. Kỹ thuật chế súng đã trực tiếp phá tan chế độ phong kiến. Kỹ thuật in đã trực tiếp phá tan chế độ mê muội của bọn Giáo hội phong kiến (Trung Cổ chỉ viết nên một số sách rất nhỏ). Địa bàn và kỹ thuật làm thuyền mới (thuyền buồm cao) khiến thương nhân có thể đi ra xa, ngoài đại dương (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương) và tìm ra những «đất mới». Nghĩa là gây cơ sở thực tiễn và khoa học để thoát khỏi thế giới quan hẹp hòi Trung Cổ, thế giới quan tập trung vào Giáo hội (Âu châu và Địa Trung Hải) và do Giáo hội thống trị. Với những phát minh mới đó, một mặt, phạm vi hoạt động của giai cấp tư sản mở rộng từ nội bộ Âu châu ra toàn thế giới («thị trường thế giới»), một mặt khác, những tổ chức tiền tư bản cũng cố tiến lên tổ chức tư bản, chủ yếu là công trường thủ công, trong đó phương tiện được tập trung, kỹ thuật sản xuất hợp lý hóa, người thợ thủ công biến thành thợ vô sản. Song song với sự phát triển của giai cấp tư sản và sự xuất hiện của giai cấp công nhân thì giai cấp phong kiến càng ngày càng phải bóc lột nặng nề giai cấp nông dân, vì đời sống càng đắt đỏ, nhu cầu ngày càng lớn do tư sản sản xuất nhiều hàng – phong kiến phải mua, nếu không thì mất uy thế trong xã hội. Do đó, cuối thời phong kiến nông dân khởi nghĩa liên tục. Thế kỷ XV và XVI là 2 thế kỷ cách mạng, phối hợp 2 phong trào: phong trào tư sản và phong trào nông dân, kết hợp với phong trào tư sản còn có phong trào tiểu phong kiến chống đại phong kiến (vì bọn này bị tan rã trước nhất trong quá trình tan rã của giai cấp phong kiến). Cuộc đấu tranh giai cấp này được thể hiện trong phạm vi xã hội, chính trị, và tư tưởng bằng phong trào cải cách tôn giáo và văn hóa phục hưng. II - PHONG TRÀO CẢI CÁCH TÔN GIÁO Phong trào cải cách tôn giáo - tức là Luther [01] và Calvin [02] - tiếp tục những phong trào Dị giáo đời Trung Cổ, nhưng trên một cơ sở cao hơn, vì giai cấp tư sản cận đại ở đây đã thành hình, và chế độ phong kiến đang tan rã - do đó phong trào Dị giáo Trung Cổ chỉ là phong trào của những phái Dị giáo và dần dần bị tiêu diệt. Trái lại, phong trào cải cách tôn giáo thế kỷ XVI đưa đến những tổ chức giáo hội mới, tổ chức này sẽ được phát triển ở Đức, Hà Lan, Anh; ở Pháp thì bị tiêu diệt; Ý và Y-pha-nho là thành trì của Giáo hội cũ (ở Pháp bắt đầu Henri IV thì phong trào yếu, và Louis XIV thì bị thủ tiêu hoàn toàn). Cải cách tôn giáo nhằm chủ yếu: kết án Giáo hội La Mã, cho là chúng chỉ biết ăn tiền và bán Chúa, đề cao tín ngưỡng chủ quan trong lòng đối lập với những hành động lễ giáo nói chung (làm phúc), cho hành động lễ giáo chỉ là giả dối bề ngoài (và giáo hội đặt ra nhiều lễ giáo và lợi dụng để bóc lột). Cải cách tôn giáo cho cái cứu thế là lòng kính Chúa thành thực bên trong chứ không phải hành động bên ngoài. Có một câu trong bức thư của St Paul (Épitre au Corynthien): «Người nghĩa sĩ là được cứu thế do lòng tin» được Luther bình luận nhiều vì nó đề cao lòng tin, và từ đó Luther đòi cải cách cả tổ chức ngôi thứ từ dưới lên, và những hình thức lễ giáo đắt đỏ mà Giáo hội lợi dụng bóc lột nhân dân (lịch sử ghi lại rằng bấy giờ Giáo hội cũng rất trụy lạc, Giáo hoàng có nhân tình). Cái mà họ đòi hỏi vẫn là Đạo Gia Tô, nhưng bỏ bớt hình thức tổ chức, lễ nghi (bớt tốn kém). Giai cấp tư sản Đức chỉ đi đến đấy. Giai cấp tư sản Pháp tiến cao hơn, Calvin là đại diện, tiến lên một mức nữa đến tiền định chủ nghĩa - lòng tín ngưỡng do Chúa quy định trước, đó là một sự ban ơn của Chúa (Chúa không quy định ai sẽ được cứu thế, nhưng quy định ai sẽ tin, và tin sẽ được cứu thế). Kết luận đó do Calvin suy ra là «Chúa Trời đã quy định những người nào được cứu thế, và quy định đó đã thể hiện trong những thành tích của người đó». Cụ thể những người có thành tích, được phúc của Trời là những người làm giàu (không phải thừa hưởng và tự tay làm ra) - người đó được cứu thế. Thế là lý tưởng của giai cấp tư bản được biện chính: tư bản được làm giàu vì Chúa trời tiền định. Do sự làm giàu của nó dựa vào tiền định, nên giai cấp tư sản được biện chính quyền thống trị (cũng do Chúa tiền định) (Luther không đi đến thế, vì tư sản Đức chưa đi đến đòi hỏi thống trị xã hội, mới chỉ yêu cầu một giáo hội rẻ tiền). [- Giai cấp tư sản chia rẽ - một số bị phong kiến lôi cuốn. - Tư sản Pháp trong thời Trung Cổ đã mạnh - phong kiến liên kết và kiềm chế giáo hội phần nào - dễ chịu hơn, Giáo hội tương đối phụ thuộc vua Pháp độc lập – áp bức dân tộc ít hơn - thu hút được giai cấp tư sản, rửa tội, đi nhà thờ đều phải mất tiền. - Tôn giáo Luther căn bản dựa vào tín ngưỡng chứ không vào lễ nghi, nhưng có tính chất phụ thuộc Thượng đế. Tuy chưa đi vào tiền định như của Calvin, nhưng đã phủ nhận phần tự do trong tôn giáo chính thống cũ. - Xét nội dung thì Luther và Calvin chỉ khác nhau ở tiền định chủ nghĩa thôi]. Nhưng ở Đức cải cách tôn giáo lại phát triển ở các tầng lớp dưới vì nhiều tầng bóc lột: Giáo hội La Mã - đế vương Đức – hoàng thân chư hầu - Phong kiến kỵ binh dưới quyền hoàng thân – và giai cấp tư sản - phong trào nông dân và dân nghèo thành thị Đức rất mạnh mẽ. Lúc Luther đề xướng chống Giáo hội, thì đằng sau nổi lên cả một số phong trào đòi đi xa hơn lý tưởng tín ngưỡng thuần túy của Luther, đòi thực hiện chế độ cộng đồng của cải (cái đã có trong những tư tưởng của giáo hội nguyên thủy). Đại biểu cho phong trào là Thomas Münzer [03], lãnh tụ phong trào nông dân và dân nghèo thành thị, nói rằng lý tưởng Gia Tô lả lý tưởng của nhân loại thì với lý tính của nhân loại cũng đạt được, không cần giáo hội và lý tính là ở ngôi thứ 3; sách Thánh cũng tốt nhưng không có cũng được; lý tưởng Gia Tô ở Đức là của nhân loại, là đánh đổ mọi áp bức tài sản - bằng vũ lực - lập cộng đồng tài sản. Nhất thiết đánh đổ bằng vũ lực bọn hoàng thân đế vương. Trong giai đoạn đầu, 1520 về trước, Luther đi với Münzer, cũng chủ trương dùng vũ lực đánh đổ giáo hội và bọn liên minh của giáo hội (đế vương và hoàng thân), để chống chúng thì thực hiện đoàn kết rộng rãi tư sản, tiểu tư sản, tiểu phong kiến, nông dân và dân nghèo. Nhưng khi một số quân đánh đổ được quyền giáo hội, phong trào nông dân muốn đi xa hơn nhưng bọn tư sản và tiểu phong kiến muốn ngừng lại - Luther quật lại đề cao uy quyền phong kiến, kêu gọi nghĩa sĩ đi tiêu diệt nông dân (1525, Münzer bị tiêu diệt). [- Luther căn bản chống giáo hội La Mã. - Cải cách tôn giáo phủ nhận các thánh: đa thần thánh v. v... - Chống tất cà cái gì tốn tiền: rút tổ chức - tối thiểu. - Sau khi Luther quật lại Münzer thì phong trào Luther vẫn tồn tại với cơ sở tư sản và tiểu tư sản, còn dựa cả vào phong kiến. Tình trạng Đức bấy giờ chưa ra tập quyền, nhưng có những tổ chức quận, có chính phủ. Phong trào Luther biến thành công cụ của các chính phủ quận, hoàng thân ở quận nắm mọi quyền tôn giáo. Phong trào Luther bắt đầu từ 1517 lãnh đạm với phong trào nông dân, từ 1520 tới 1524 thì quật lại nông dân rõ ràng, trước tư sản và tiểu tư sản, dựa vào nông dân, từ 1524 móc vào quý tộc hoàng thân]. Đứng về mặt tư tưởng thì thành tích của Luther là có đề cao con người chống tổ chức áp bức của giáo hội, đề cao ý thức chủ quan nhưng ý thức này cũng là yếu tố tôn giáo - nghĩa là giải phóng con người khỏi tôn giáo khách quan, tức tổ chức khách quan của tôn giáo, đưa về lòng tín ngưỡng tôn giáo chủ quan, đưa hình thức cưỡng bách từ ngoài vào trong. Do đó gây ra truyền thống phân tích tư tưởng, ý thức, đời sống tinh thần sẽ phát triển nhiều trong triết học duy tâm Đức. Luther có thể xem là nguồn gốc của phong trào tư tưởng duy tâm vĩ đại nhất sau thời kỳ Hy Lạp, một thành tích lớn của nó là tư tưởng Hégel. Giai cấp tư sản Đức đi đến lý tưởng tự do trong tinh thần bằng tín ngưỡng chủ quan; giai cấp tư sản Pháp và tư sản Anh không những đề cao tự do bên trong mà còn đề cao quan niệm tự do đó thể hiện ra ngoài dựa vào quan niệm tiền định của Thượng đế (Thượng đế tiền định giai cấp tư sản làm giàu và thống trị - giai cấp này được làm giàu và thống trị). [- Có 2 thứ vận mệnh: chống mình và đề cao - dùng trong cà hai giai cấp thống trị và bị trị. - Giáo hội chân chính cho là mình do Thương đế ban và cầu nguyện. - Cải cách phủ nhận kết quả của cầu nguyện (tốn tôn): tiến hành liên minh phong kiến, tư sản - cửa mở cho tư sản lên phong kiến - nếu cố gắng được cứu thế - lên phong kiến. Khi tư sản mạnh nên không cần yếu tố sau mà cho rằng nó lên thống trị do tiền định - So sánh với nhận định «thắng thiên» trong Kiều. Tư sản hay phong kiến cũng có nghĩa là tiến bộ hay phản động. III - VĂN HÓA PHỤC HƯNG 1 - Quan hệ giữa cải cách tôn giáo và văn hóa phục hưng 2 - Phong trào nhân văn chủ nghĩa. 3 - Sự phát triển khoa học thực nghiệm và nhân sinh quan mới. 1 - Căn bản thì cải cách tôn giáo và văn hóa phục hưng là cùng một phong trào. Nó đại diện cho sự phát triển của giai cấp tư sản mới đánh đổ truyền thống Giáo hội, hoặc đứng ngay về phương diện Công giáo, hoặc đứng về phương diện lý tính. Cải cách tôn giáo đứng về phương diện tôn giáo bảo rằng tôn giáo của Giáo hội không phải tôn giáo chân chính, mà cái chính là tôn giáo mà người ta cảm thấy trong lòng lúc đọc sách Thánh chứ không phải cái phải thông qua lễ giáo, và ngôi thứ nặng nề của Giáo hội. Văn hóa phục hưng cũng đánh đổ tôn giáo. Nhưng đứng về lý tính, cho rằng trong người ta có năng lực đạt tới phần lý - đạo đức, mỹ thuật, nghệ thuật. Tại sao nó lại phát triển dưới 2 hình thức, và phát triển khác nhau từng nước? (ở Ý: văn hóa phục hưng phát triển sớm, nhanh và lâu mà lại không có cải cách tôn giáo; ở Đức: cải cách tôn giáo mạnh và hầu như không có văn hóa phục hưng; Pháp, Hà Lan và Anh thì 2 phong trào đi đôi). Do cơ sở xã hội khác nhau trong chi tiết: - Phong kiến Ý yếu thế nhiều, công trường phát triển nhiều, Ý là trung tâm buôn bán giữa Đông Phương (A Rập, sau này là Thổ) và Tây phương. Những tàu buôn từ Syrie về Tiểu Á mang những hàng của Đông Phương (hạt tiêu, gia vị, lụa, đồ quý...) sang Tây phương thông qua Venise, rồi Florence, và sau qua các thành thị lớn Bắc Ý. Công nghiệp phát triển đến trình độ hầu như tư bản công nghiệp, công trường thủ công lớn - có quan hệ giữa tư bản và công nhân vô sản tự do. Phong kiến yếu, một phần tư bản hóa, Giáo hội mạnh nhưng cũng một phần lớn tư sản hóa - truyền thống chống Giáo hội thiếu bên trong Giáo hội. Nó không hay ít phủ định khái niệm Thượng đế và tổ chức tôn giáo, nhưng nó lại đi vào trong thí dụ những họa thuật (hội họa BT), phát triển nhanh và mạnh nhất ở Ý. Họa thuật đã phát triển trong phạm vi Giáo hội (nhà tu) và có tính cách nhân văn chủ nghĩa; họa ra những hình thức con người sinh động và yêu đời sống chứ không phủ định đời sống như con người Trung Cổ (sống đời sống tinh thần). Con người của các họa phẩm phục hưng yêu cuộc sống thực tế bên ngoài, cái đẹp của vật thể, những tranh Đức Mẹ và Gia Tô đều khỏe mạnh say sưa cuộc sống. Những họa sĩ đó là Michel Ange [04], nhất là Raphael [05], một số các họa sĩ làm việc cho tư sản, nhưng có cả một số làm việc cho nhà thờ (như Michel Ange, Raphael vẽ fresque cho nhà thờ Rome). Chính Giáo hoàng cũng tham gia và khuyến khích bồi dưỡng văn nghệ sĩ nên vấn đề cải cách tôn giáo không đặt ra, hoặc chỉ ở các thành phần dưới: dân nghèo thành thị nhất là vô sản công nhân chủ trương đánh đổ Giáo hội, nhưng bị cô lập vì tư sản đã đi với Giáo hội. - Ở Đức, phong kiến rất mạnh với những tầng lớp của nó (đại phong kiến, tiểu phong kiến). Đồng thời phong trào chống Giáo hội và đại phong kiến lại dựa vào phong trào quốc gia chống Giáo hoàng, vì Giáo hoàng thu hút tiền của dân Đức và cả bọn phong kiến nữa nên phong trào chống Giáo hội bao gồm cả tiểu phong kiến và cả trung phong kiến (bọn hoàng thân muốn tịch thu đất nhà Chung). Cải cách tôn giáo mạnh. Nó không đi tới khẳng định quyền sống con người trong đời sống thực tại, nhưng nó khẳng định quyền sống ấy trong tinh thần: tín ngưỡng là vấn đề cá nhân, không cần phải thông qua tổ chức Giáo hội. Nó giải phóng con người trong phạm vi tín ngưỡng, đối với tổ chức Giáo hội, trong phạm vi quan niệm do đó nó mâu thuẫn với nhân văn. [- Phong kiến chống Giáo hội và đại phong kiến có tiểu phong kiến phá sản, trung phong kiến lôi cuốn một số hoàng thân (đại phong kiến). - Nó giải phóng con người nhưng đồng thời chủ trương con người đối với Thượng đế không có quyền gì, tư tưởng là hoàn toàn nô lệ trước Thượng đế]. - Trong những nước tư sản mạnh hơn Đức nhưng chưa bằng Ý, phong kiến tan rã chưa bằng Ý (Pháp, Anh. Hà Lan) thì 2 phong trào đi song song nhau. Do đó cải cách tôn giáo – phong trào Calvin - mất tính chất tiến bộ của nó, vì tính chất tiến bộ thể hiện vào văn hóa phục hưng. Cải cách tôn giáo có tính chất tiến bộ dù nó đại diện cho tư sản vì cạnh một phong trào tiến bộ hơn (ở Đức hầu như không có văn hóa phục hưng nên tiến bộ trút cả cho cải cách tôn giáo). Đứng về phương diện tĩnh thì 2 phong trào Luther và Calvin đều là cải cách tôn giáo và chỉ khác nhau có tiền định luận, nhưng sự thực có những khác nhau căn bản. Về bên Luther, trọng tâm là có phần giải phóng (không phụ thuộc Giáo hội mà tin ở mình). Đến Calvin thì nó biến thành Thượng đế tiền định hoàn toàn, tiền định vận mệnh mỗi người. Những tổ chức cải cách tôn giáo theo Calvin biến thành tổ chức rất chặt chẽ (mọi sự việc đều do tiền định nhưng phải theo triệt để), nghiêm khắc, thành một tổ chức áp bức mới rất nặng nề, cưỡng bách người ta dưới quyền tiền định của Thượng đế. Trái lại, trong tôn giáo Luther lại đặt trọng tâm vào phát triển tín ngưỡng cá nhân tự phát - có phần giải phóng. Sự khác nhau vài điểm nhỏ có thể khiến phong trào tư tường có những hướng khác hẳn, vì những hướng xã hội và giai cấp khác nhau (ở Đức chỉ có một con đường thôi; ở Pháp có 2 hướng: có lực lượng tiến bộ cấu kết với Giáo hội, văn hóa phục hưng lại chống Giáo hội, nhưng phát triển trong khuôn khổ Giáo hội, có đấu tranh bên trong nhưng ít thôi chứ không ghê gớm như giữa 2 tôn giáo). [- Cuộc đấu tranh tôn giáo ở Pháp chẳng có kết quả gì tiến bộ. Cải cách tôn giáo thắng lợi cũng chỉ đưa tới cát cứ, và bọn đại phong kiến, đại quí tộc lợi dụng. Sở dĩ như thế vì ở nước Pháp tư sản đã đưa tới thống nhất, tập quyền (François I), dù chưa đến quân chủ độc đoán, nên tư sản có đường lối phát triển và văn hóa phục hưng đấu tranh với Giáo hội ở bên trong. Cho nên cải cách tôn giáo xuất hiện chỉ đưa tới cát cứ (Henri de Navarre, Duc de Langon), chia rẽ, nên không có tác dụng tiến bộ, không có tính chất đấu tranh thống nhất và đấu tranh dân tộc. - Ở Anh và Ha Lan, tác dụng của cải cách tôn giáo có phần tiến bộ, ở Hà Lan chống đế quốc Y Pha Nho, đứng về phe nhân dân. Nhưng xét về nội dung và sự triển của nó, thì không đóng vai trò giải phóng mà chỉ tổ chức thành những Giáo hội nhỏ, đồng thời nó nhấn mạnh phần tiền định hơn là phần tự nhận xét, nên tính chất tiến bộ không rõ và mất đi. Khác với đạo Luther có xây dựng tinh thần dân tộc Đức, đạo Calvin ở Anh không xây dựng được, vì ngoài một số giáo hội nhỏ mà sau này tôn giáo chính thống của Anh (Anglicanisme) là sự dung hòa giữa cựu giáo và tân giáo. - Lý thần luận hay phiếm thần luận chủ trương tất cả là Thượng đế. Thượng đế không phải cái gì ngoài thế giới mà bản thân Thế giới là Thượng đế. Thế giới này do phái Stoicisme đề ra thời Cổ đại: toàn bộ thế giới với tính chất thống nhất, biến chuyển và phát sinh vô hạn của nó là Thượng đế - nó dung hòa thuyết Thượng đế đứng ngoài tạo tác ra thế giới và thuyết duy vật chủ trương chỉ có thế giới thôi. Đạo Gia tô cho trần gian là một nhà tù, mọi giá trị tinh thần đều ở ngoài trần gian. Lúc văn hóa phục hưng bắt đầu xây dựng, nó khẳng định giá trị của trần gian, nhưng chưa đủ năng lực xây dựng một hệ thống đạo đức và lý tính, nên nó lại sử dụng phiếm thần để giải thích cho sự khẳng định đó. Giá trị thần bí trước kia được chuyển về vật chất. Có tác dụng giải phóng. Trước kia Gia tô bảo: «Hãy yêu nhau trong Thượng Đế», bây giờ «Yêu nhau trong vũ trụ», mâu thuẫn là hiện tượng bề ngoài, chân lý của vũ trụ là thống nhất và vô hạn) - có yếu tố biện chứng pháp: mâu thuẫn thống nhất trong thực chất. Do đó, về mặt đạo đức nó thể hiện bằng cảm giác luận (đạo đức lên cảm tính) (Vũ trụ hóa Thần thánh và thần thánh hóa Vũ trụ]. 2 - Phân biệt: phong trào nhân văn chủ nghĩa khôi phục văn nghệ và tư tưởng Hy La có một phần nào khác với phong trào khoa học tự nhiên. Cái mới của nó cũng có nhưng chỉ là đi tìm những sách vở cũ chứ không đi vào thực tế, còn tinh thần nhân sinh quan mới thì dựa vào khoa học mới nhưng cũng có di tích cổ đại (Bruno [06]). Phong trào Nhân văn chủ nghĩa là sự trở lại văn học nghệ thuật Hy La. Nó phát triển đầu tiên và vĩ đại nhất ở Ý. Căn bản là sự phát triển nhanh chóng của cơ sở tư bản ở những thành thị Ý và ở những vùng đất Ý tiếp được các nhà văn và bác học Hy Lạp từ trước và trong lúc Constantinople bị tiêu diệt. Từ thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, xuất hiện phong trào khôi phục tư tưởng văn học, nghệ thuật theo kiểu Hy La. Đặc điểm là nó đề cao quyền sống, sức sống con người và trực tiếp là của vật thể, trái với truyền thống Trung Cổ, và nó say sưa với cái Đẹp (Hy Lạp - nó lấy tiêu chuẩn là cái Đẹp khác với Ấn Độ, Ai Cập và thời Trung Cổ. Sở dĩ trong 2 giai đoạn rất đặc biệt và ngắn ngủi của lịch sử nhân loại hình thức đẹp được chuộng vì có giải phóng con người thực sự - trong phạm vi một giai cấp nào thôi). Tại sao trở lại cái cũ lại là xây dựng cái mới? Vì cái cũ - đó là một giai đoạn văn học nghệ thuật phát triển trên cơ sở nhân đạo chủ nghĩa, chủ yếu dựa vào lý tính con người mà phát triển văn hóa, nghệ thuật -, cái mà người ta tôn trọng văn hóa Hy La là sự dựa vào con người mà xây dựng đời sống con người. Về tư tưởng, người ta xây dựng lại chủ nghĩa Platon hay cả Néo-Platon thần bí nữa, nhưng lúc ấy có tác dụng tiến bộ, vì nó chứng tỏ rằng, trên cơ sở lực lượng chúng ta, ta có thể đạt tới cùng một mục đích của sự linh báo của tôn giáo. Tuy nó duy tâm nhưng nó dựa vào lý tính, không cần kêu gọi linh báo mà vẫn đi đến cùng một mục đích: sự tồn tại của Thượng đế và sự bất diệt của linh hồn. Mức yêu cầu lúc ấy chưa phải là đánh đổ Thượng đế và linh hồn bất diệt, mà là dung hòa linh báo của Giáo hội và lý tính của nhân loại và giai cấp tư sản. Mục tiêu nó là cách mạng, không cần tổ chức nặng nề Giáo hội mà vẫn đạt được cái tồn tại của Thượng đế và bất diệt của linh hồn. Vì bây giờ phong kiến còn thống trị, tư sản đang lên không đặt vấn đề thủ tiêu những tư tưởng đó nhưng thu hút nó vào mình: không giữ nó trên cơ sở linh báo của Giáo hội truyền đạt mà trên cơ sở lý tính - nó đánh đỗ ở bên trong. Ở Đức, mục tiêu lại thấp nữa: nó đi đến ông Thượng đế của Công giáo nhưng không qua Giáo hội. Vì thế những chủ nghĩa duy tâm và thậm chí thần bí cũng đóng vai trò tiến bộ và giải phóng phần nào. Bruno lấy lại một số ý kiến của Néo-Platon, nhưng với ý nghĩa vũ trụ hóa Thần thánh. Những đại biểu của phong trào ấy là Nicolas de Cuse [07], Morcile Micius [08] ở Hà Lan, phía Bắc là Erasme, các đại biểu này cho rằng với lý tính, đạo đức Hy La, chúng ta cũng có thể trở nên những người công giáo tốt, không qua giáo hội. Nhưng phong trào này cũng chỉ tiêu biểu cho giai cấp tư sản lớp trên, đối lập nhưng phát triển trong phong kiến (đối lập nhưng dung hòa). 3 - Những tầng lớp dưới gần sản xuất hơn nên tính chất cao hơn: phong trào khoa học thực nghiệm nhưng chưa có phương pháp, phải chờ tới văn hóa phục hưng thì khoa học được thực nghiệm mới phát triển: 2 hướng chủ yếu của nó là vạn vật và vật lý. - Vạn vật phát triển vào hướng giải phẫu: vĩ đại nhất là Vésale [09] và Servet [10]. Vésale lần đầu tiên giải phẫu cơ thể con người, in một cuốn giải phẫu học mô tả những bộ phận trong cơ thể một cách chính xác, đối lập với những sách giải phẫu cũ không căn cứ vào thực nghiệm giải phẫu mà căn cứ vào sách của cổ đại của Gallen [11] và Hippocrate [12] (ở Trung Cổ cấm giải phẫu thực sự). Servet đi gần đến chỗ tìm ra hiện tượng tuần hoàn của máu, ông đã biết rằng máu từ tim qua phổi lại về tim mới thành máu đỏ. Đứng về mặt tư tưởng, vấn đề này rất quan trọng vì lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, có người dám giải phẫu thân thể con người, trước kia cấm vì cho là đụng vào cơ sở của linh hồn, nên công trình giải phẫu có một ý nghĩa giải phóng tư tưởng đi đến quan niệm rằng cơ thể người ta cũng là một vật thể, một thực tế khách quan mà có thể phân tích bằng thí nghiệm, không có gì thần bí - một bước tiến bộ thực sự từ duy tâm sang duy vật, lần đầu tiên dám quan niệm con người là một vật. Cả 2 người đều bị xử tử. Servet bị Calvin thiêu (một sự giải phóng có hy sinh, dám đụng đến một ý căn bản của thần linh). - Một nhà tư tưởng vĩ đại nhất của phong trào văn hóa phục hưng là Leonardo da Vinci [13], kiêm cả 2 xu hướng vạn vật, vật lý. Là một nhà giải phẫu và một kỹ sư, từ thế kỷ XV, đã nghiên cứu vấn đề tàu ngầm và tàu bay. Ông giải phẫu và nghiên cứu những vấn đề vật lý trong con người: quy luật đòn bẩy (gân kéo xương) – quan niệm được: con người ta như một bộ máy - tư tưởng cơ học. Chính tư tưởng cơ học này đã có vai trò giải phóng tư tưởng người ta, làm họ còn có thể quan niệm được mình như là vật thể trong tự nhiên. Ông còn là một họa sĩ thiên tài. - Hướng vật lý rất nhiều nhưng chủ yếu là Copernic [14] và Galilée [15]. Copernic tìm ra 2 lối vận động của quả đất: quanh mình và quanh mặt trời. Nó có một ý nghĩa cách mạng. Trước kia quan niệm quả đất là trung tâm của vũ trụ và con người là trung tâm quả đất - chủ quan con người là trung tâm vũ trụ. Giá trị con người là ở linh hồn bất diệt. Thượng đế cứu thế. Cái ý tưởng mặt trời quay quanh quả đất là một trong những cơ sở tư tưởng của duy tâm thần bí. Thượng đế cứu thế nên con người có một giá trị tuyệt đối, trung tâm vũ trụ. Nếu quả đất quay quanh mặt trời thì con người chỉ là một thực tế khách quan nhỏ trong một thực tế lớn, chứ không phải là một giá trị gì tuyệt đối, huyền bí. Đó là một bước tiến thực sự từ duy tâm qua duy vật, từ chủ quan qua khách quan - có một giá trị tư tưởng quan trọng có hy sinh (Bruno). [- Phát kiến của Copernic về phương diện cũng chỉ hữu hạn, vì cho nó đi đường tròn, mãi sau với Képler [16] mới hoàn thành được toàn bộ giá trị của nó, tiên kiến được các hành tinh... Giá trị căn bản của nó chỉ là đánh đổ nhân sinh quan căn bản của đạo Gia Tô. - Thuyết nhân tố như thuyết ngũ hành ở Đông Phương. - Cái mà khoa học tìm hiểu là những quy luật chung. - Theo truyền thống Cổ Đại gọi là hình thức - nội dung phổ cập. Cả thời Trung Cổ thì quan niệm hình thức này một cách cảm giác thôi, nắm lấy cái nội dung cảm tính có tính chất phổ cập làm chân lý (cây xanh vì có tính xanh, v. v...) Từ văn hóa phục hưng thì người ta nắm nội dung có tính chất khoa học (phổ cập lý tính) có thể tính đoán được. Từ hình thức chung chung của Cổ Đại và Trung Cổ qua lý tính có đi qua Bacon [17]: chưa đến mức toán lý - mới thực nghiệm thuần túy (đặt bảng có mặt, không có mặt và thay đổi), do quy nạp nên Bacon đạt đến những kết luận gần với chân lý (ánh sáng là một vận động tinh vi của vật chất) - chưa đi đến toán lý nhưng đã đi vào hướng toán lý. Ưu điểm của Bacon là nắm tương đối vững lập trường duy vật: quy luật ở vật chất chứ không do lý trí suy diễn. Khuyết điểm là còn thiếu lý tính. Đó là 2 đặc biệt của Bacon, phản ánh tư sản Anh đã vững mạnh, đang lên cầm quyền những khoa học còn kém. (So sánh với Descartes [18] thì ông này nhiều lý tính hơn nhưng kém duy vật - tư sản Pháp)]. Trần Đức Thảo (Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 327-341)
[01] Martin Luther (1483-1546), tu sĩ dòng thánh Augustin và nhà thần học Đức. PTL. [02] Jean Calvin hay Jehan Cauvin (1509-1564), nhà luật học và thần học Pháp. PTL. [03] Thomas Münzer hay Müntzer hay Muncerus (1489-1525), nhà thần học và thầy tu giáo phái Rửa tội lại người Đức. PTL. [04] Michel Ange (Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni, 1475-1564), họa sĩ, thi sĩ, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc người Ý. PTL. [05] Raphael (Raffaello Sanzio hay Raffaello Sanzio di Urbano, 1483-1520), họa sĩ, và kiến trúc sư người Ý. PTL. [06] Giordano Bruno (1548-1600), triết gia, nhà thần học và thiên văn Ý. PTL. [07] Nicolas de Cuse, Nicolas de Cues hay Nicolas de Cusa (1401-1464), nhà triết học, luật học, toán học, thiên văn, đồng thời là giám mục rồi hồng y Đức. PTL. [08] Có thể in nhầm từ Marcile Ficin, nhưng Ficin là người Florence (Marsilio Ficino, 1433-1499, thi sĩ và triết gia Ý). PTL. [09] André Vésale hay Andreas Vesalius hay Andreas Van Wesel (1514-1564), nhà y học và giải phẫu gốc ở Bruxelles. PTL. [10] Michel Servet hay Miguel Servet y Reves (1511-1553), nhà thần học và y học gốc Y-pha-nho. PTL. [11] In nhầm từ Galien (Claude Galien, Galênós hay Claudius Galenus, khoảng 129-216 sau CN), y sĩ gốc Hy Lạp, được xem là ông tổ của ngành dược. PTL. [12] Hippocrate xứ Cos (460-370 tr. CN), y sĩ cổ Hy Lạp, được xem là ông tổ của ngành y khoa. PTL. [13] Leonardo da Vinci hay Leonard de Vinci (1452-1519), nhà nghệ sĩ, nhà tư tưởng, nhà khoa học Ý. PTL. [14] Copernic (Nicolas Copernic, Mikolaj Kopernik, Nicolaus Copernicus, 1473-1543), linh mục, nhà toán học và thiên văn Ba Lan. PTL. [15] Galilée (Galileo Galilei, 1564-1642), nhà toán học, vật lý học và thiên văn Ý. PTL. [16] Kepler (Johannes Kepler hay Keppler (1571-1630), nhà toán học và thiên văn Đức. PTL. [17] Francis Bacon (1561-1626), nhà chính trị và triết gia Anh khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa. PTL. [18] René Descartes (1596-1650), nhà toán học và triết gia Pháp, thường được xem là cha đẻ của triết học hiện đại. PTL.
13-12-09
|