PHẦN BẢY

*

TƯ TƯỞNG TRUNG CỔ

 

 

 

 

XÃ HỘI TRUNG CỔ

 

I - Phương thức sản xuất
II - Cuộc đấu tranh giai cấp

III - Phong trào tư tưởng

 

I – PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT

1) Cuối thời Cổ đại, sức sản xuất đã phát triển đến mức bắt buộc phải tổ chức sản xuất theo lối tiểu quy mô: với cái cày sắt đã được phổ biến, với nghề thủ công đã được tổ chức ở thôn quê (quan trọng) + đã có những điều kiện để phát triển phương thức sản xuất tìểu quy mô: phương thức sản xuất gia đình độc lập tự do hay một phần tự do. Cuối công xã đầu nô lệ, phương thức sản xuất trung quy mô cũng phát triển, kinh tế gia đình phát triển với sự lao động của nô lệ, cày đồng thủ công bắt đầu phát triển, kinh tế gia đình phát triển với sự lao động của nô lệ. Hình thức bóc lột nô lệ đầu tiên là bóc lột trong gia tộc, dễ dàng và coi sóc luôn - nô lệ phải làm việc. Với sự phát triển, phương thức này bị lấn át từ cuối nô lệ. Kinh doanh nô lệ xuất hiện. Công trường thủ công mua nô lệ ở tỉnh: làm bát đĩa, tàu biển... dần dần bị lấn át vì sự phát triển của chế độ nô lệ - nông nô (nhiều nô lệ quá, trung gian phá sản, chủ nô cô lập, không coi sóc được, sinh ra chây lười). Sự phát triển này tạo điều kiện chuyển biến sang chế độ nông nô (giải phóng phần nào: cho ruộng, nhà, v .v...),

 

[- Tiểu chủ nô bị đại chủ nô lấn át.

- Đại chủ nô mang mâu thuẫn - tự thủ tiêu phát triển:

- 1 người làm việc nuôi được 1 người nữa - công xã qua nô lệ.

- 1 người làm nuôi nhiều người và nuôi mình một cách khá giả hơn nô lệ: nô lệ - nông nô.

- Một mặt biến thành đại điền trang tự túc ở trong Chúa phong kiến nắm tư liệu - nắm nông nô (căn bản) - bóc lột siêu kinh tế là phụ]

 

Căn bản sự chuyển biến từ nô lệ qua nông nô là do sự phát triển của lục lượng sản xuất - hình thức tiểu quy mô của người lao động có thể duy trì và phát triển được: bấy giờ một người làm có thể nuôi nhiều người và tự nuôi mình một cách khả quan hơn nô lệ. Bóc lột trở nên tinh vi hơn. Nhường cho nông nô một phần nào quyền lợi để bóc lột được nhiều hơn - năng suất cao. Đó là lý luận chung, nhưng không phải chủ nô sáng suốt tự động giải phóng nô lệ, mà nhờ cuộc đấu tranh của nô lệ và dân nghèo làm bọn chủ nô tan rã, phải nhượng bộ.

 

[- Gia đình lao động: nông nghiệp hay thủ công tự do, khác tiểu chủ nô và đại chủ nô.

- Gia đình lao động làm tế bào cho xã hội].

 

Chế độ phong kiến phát triển trên cơ sở lao động tự do tiểu quy mô (Gia đình lao động: nông hay thủ công).

 

Nhưng đồng thời chế độ phong kiến tuy đối với nô lệ có giải phóng phần nào buổi đầu, nhưng căn bản nó kìm hãm phương thức sản xuất tiểu nông và thủ công và những đại điền trang phong kiến. Vì trong đại điền trang các gia đình không được phát triển được vì Chúa phong kiến chiếm mất mà chỉ để cho một số tối thiểu thôi. Tổ chức thủ công trong điền trang kìm hãm thị trường thủ công tự do.

 

- Đặc điểm: lao động tự do hay tự do một phần.

 - Bước đầu chế độ phong kiến còn phù hợp với sự phát triển của sức sản xuất, nhưng càng ngày phương thức bóc lột tô càng mâu thuẫn với sự phát triển đó.

 

2) Tổ chức lao động gia đình trong phong kiến rất quan trọng vì có ý nghĩa rằng giá trị của lao động phần nào được công nhận (khác người lao động trước kia là nô lệ không có tự do). Nhưng lao động tự do này có tính chất cá thể chưa tổ chức. Họ vẫn bị phong kiến đàn áp vì phần quan trọng của phương tiện sản xuất ở trong tay chúng. Đó là mẫu thuẫn căn bản: phương thức sản xuất cá thể tự do phần nào và quan hệ sở hữu phong kiến.

 

[Trước kia, lao động là phần của người nô lệ. Bây giờ người lao động được công nhận phần sở hữu về phương diện sản xuất].

 

Mâu thuẫn này diễn biến qua 3 giai đoạn:

II - CUỘC ĐẤU TRANH GIAI CẤP

3 giai đoạn:

 

l) Từ thế kỷ V - thế kỷ X: là thời gian tan tành của những di tích của chế độ Cổ đại, phát triển chế độ đại điền trang và xây dựng quan hệ xã hội phong kiến. Di tích của xã hội cổ đại (căn bản là tổ chức văn minh thành thị: kinh tế thành thị, chính trị, hành chính, v.v.. tập trung ở thành thị) dần dần tan rã, tới thế kỷ X có thể xem là tan tành, những tổ chức này dần chuyển hẳn về thôn quê lấy đơn vị là điền trang phong kiến.

 

Những quan hệ xã hội phong kiến được xây dựng.

- Giữa chúa phong kiến và nông nô.

- Giữa chúa và chư hầu (từ kỵ binh cho đến ông vua hay Hoàng đế).

Về mặt tư tưởng, được xây dựng trên quan niệm ban ơn giữa chúa phong kiến và nông nô hoặc giữa chúa và chư hầu).

[- Thành thị suy đồi vì bị sự cạnh tranh của nông nghiệp điền trang phát triển, không bán cho ai - kinh tế tự túc.

- Giáo hội cũng suy đồi: hoặc phụ thuộc chúa phong kiến hoặc biến thành phong kiến.

- Tuy nhiên vẫn có liên quan lỏng lẻo (Giáo hội bao trùm), trên cơ sở mới hoàn toàn đó, công thương nghiệp lại phát triển từ dưới lên trên. Một nguồn gốc nữa là nông nô trốn đại điền trang ra tỉnh.

- Căn bản sự khôi phục thành thị là sự phát triển lao động và đấu tranh của nông nô và nông dân.

- Thế kỷ XIV ở Anh đã có nhiều nông dân tự do, nhưng tới thế kỳ XV một số lớn lại bị phá sản vì phong kiến cạnh tranh với tư bản. Trên cơ sở đó, một số nông dân lại vô sản hóa ra thành thị trở thành vô sản.

- Marx: «Chế độ tư bản xây dựng trên sự vô sản hóa nông dân và thợ thủ công».

- Quá trình này song song với sự phát triển yếu tố tiểu tư sản. Tiểu tư sản - phong kiến nhưng lại lợi dụng, bóc lột phong kiến - phong kiến tăng cường bóc lột nông dân, nó phản ánh vào tư tưởng dưới hình thức lý tính và tín ngưỡng.]

 

2) Từ thế kỷ XI - XIII: những thành thị lại được khôi phục, công thương được phát triển - gây điều kiện giải phóng cho nông nô? Uy quyền của bọn chúa phong kiến bị hạn chế, đã có những quốc gia phong kiến lớn nhưng chưa tập trung. Thời này là sự phát triển của công thương nghiệp thành thị điều hòa với đại điền trang (có mâu thuẫn nhưng điều hòa) dưới uy quyền nhà vua.

 

3) Thế kỷ XIV - XV: yếu tố tiền tư bản cách mạng phát triển, căn bản là tư bản thương mại và tư bản tài phiệt (có những hãng lớn). Do đó khuôn khổ của chế độ phong kiến bị phá vỡ. Phát triển công thương nghiệp đi đến đối kháng với chế độ điền trang. Những cuộc nông dân khởi nghĩa rất mạnh. Những quốc gia phong kiến dần dần được tập trung và đi đến tổ chức Nhà nước phong kiến tập quyền trên cơ sở tư bản - hình thức quá độ tiến tới cách mạng tư sản.

III - PHONG TRÀO TƯ TƯỞNG

Sự diễn biến của phong trào tư tưởng cũng diễn biến những đấu tranh giai cấp xã hội: l) những tư tưởng tiến bộ nổi dậy đấu tranh phản đối uy quyền phong kiến và Giáo hội; 2) những cố gắng để thỏa hiệp giữa uy quyền phong kiến, giáo hội và những sức sản xuất mới.

 

[- Gia Tô chứa nhiều mâu thuẫn, chủ yếu là 3 ngôi. Nên khi công thương khôi phục (thế kỷ XI), có một luồng tư tưởng đặt vấn đề «3 và l», đó là một trong những nguồn gốc của... Thần học phải duy trì kinh nghiệm phổ cập, vì đó là cơ sở lý luận của nó, nó không đếm xỉa cá thể - kinh nghiệm 3 ngôi: chất thần không cần đến cá thể - quan trọng.

- Theo truyền thống Cổ đại: thần chất là kiểu mẫu, tốt, đẹp, đúng. Mà tốt đẹp là tiêu chuẩn tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất. Toàn bộ tổ chức xã hội nằm trong chất thần, tức giai cấp thống trị tiêu biểu là vua. Trong nô lệ, ông thần hoàn toàn siêu nhiên (vì chủ nô không xem nô lệ là người), tạo tác thế gian bằng lời (chủ nô sai khiến nô lệ làm mọi việc) - mọi việc trong trần gian thực hiện bằng lý, tức là lời - phản ánh hoàn toàn chế độ nô lệ].

 

Có 3 giai đoạn:

 

l) Chế độ phong kiến xây dựng tiêu diệt di tích cũ: không có sáng tạo và căn bàn không thể sáng tạo được, vì sức sản xuất mới còn phát triển hoàn toàn trong khuôn khổ phong kiến (khuôn khổ xã hội phong kiến tương đối còn phù hợp với tính chất sản xuất), nó chỉ duy trì (trong Giáo hội và nhà tu) một phần nào thành tích văn hóa Cổ đại. Căn bản là triết học của những ông Cha (của nhà thờ) cuối Cổ đại, đã xây dựng (lớn là St Augustin [01]) một nền triết học phục tùng tôn giáo, cho rằng thế giới lý tưởng của các triết gia - nhất là thế giới ý niệm của Platon - tức là cái lý (lời, verbum [02] hay logos), cái sáng tạo của Thượng đế (Thượng đế đẻ ra lý tức là những ý niệm), ý niệm là lời nói, là lý của Thượng đế, nó biến thành vật thể bằng cuộc Giáng thế của Gia Tô (Gia Tô là lý đó biến thành người). Người sinh ra từ quá trình vật thể hóa đó (Thượng đế - lý - vật thể), và lý tưởng của người là được cứu thế, trở lại Thượng đế qua các lý tức Gia Tô: cái tốt, đẹp, lý tưởng thực hiện trong Chúa Gia Tô. Khi người ta nói một cái gì đúng, làm một cái gì đẹp, làm việc tốt, là ta thực hiện được một giá trị của Thượng đế thông qua Gia Tô.

[- Ý niệm là kiều mẫu và nguồn gốc của vật thể cá thể.

- Gia Tô là lý thể hiện thành chất.

- Verbum: những câu nói của Chúa phong kiến ban thái ấp cho chư hầu

- Verbum = lời + lý

- Thượng đế nói lời, tức là lý, tức ý niệm

- Tính chất trung gian của Chúa (vừa là thần vừa là người)].

 

Cuối thời Cổ đại, các Cha Giáo hội đã thống nhất được câu chuyện thần thoại với thần học duy tâm Cổ đại trong một hệ thống phản ánh những đòi hỏi của xã hội bấy giờ, và những đòi hỏi này được thực hiện trong xã hội phong kiến. Hệ thống Chúa qua chư hầu tới kỵ binh - nông nô là một hệ thống từ trên xuống và từ dưới lên: trên ban ơn xuống, dưới trả ơn bằng sự thực hiện những giá trị thiết thực (nộp tô, cống nạp...) (ban ơn: phong tước cho chư hầu này là chúa của những chư hầu nhỏ hơn, và cứ thế ban ơn xuống mãi).

 

[- Lúc chủ nô cách mạng biến thành chúa phong kiến, nông nô được tự do phần nào, được công nhận là người. Ông Thần siêu nhiên không thể chỉ cứu thế cho chủ nô, mà cả cho lực lượng lao động tức nông nô. Thượng đế phải thành người - vừa ở trên trời vừa ở dưới đất (vừa nắm quyền thống trị, vừa đi đôi với nhân dân). Giới ý niệm, một mặt là chúa Gia Tô, một mặt vẫn là lý giới, phản ánh và bảo đảm phương thức bóc lột phong kiến. Đến lúc mâu thuẫn xuất hiện, nông dân và công thương vùng dậy, thì hệ thống kích thước tổ chức xã hội bắt buộc phải dứt khoát. Không lý do gì đi tìm tiêu chuẩn tổ chức trong ý niệm mà phải trong những cá thể xuất hiện trong kinh nghiệm. Duy thể duy trì 3 ngôi để duy trì trật tự xã hội vì nó là theo tiêu chuẩn của Thượng đế.

- Đấu tranh duy danh và duy thể là đấu tranh triết lý tính và tín ngưỡng. Những trường hợp này xuất hiện dưới hình thức kinh nghiệm cá tính với cái tổ chức ra lý tính (lý tính của Thần học).

- Duy danh chưa đủ sức thể hiện dưới lý tính và chưa hệ thống – mang hình thức kinh nghiệm cá thể vụn vặt. Trong lúc Thần học căn bản là tín ngưỡng, nhưng nó được tổ chức thành hệ thống phản ánh hệ thống xã hội nên tự nhận là lý tinh - với nhu cầu, nó cải tiến để phục vụ lý tính mới (Anselme [03]: «tín ngưỡng phải đi tìm lý tính») - hình thức thì lý tính về Thần học, nhưng về thực chất lý tính về duy danh, cá thể, kinh nghiệm].

 

2) Tới thế kỷ IX và X thì hệ thống này hoàn thành, nhưng đồng thời xây dựng những yếu tố mâu thuẫn với nó (nhờ uy quyền Giáo hội, ví dụ: chỉ đánh nhau với những người nào thôi, nên có thể đi lại được), nên công thương nghiệp có điều kiện phát triển - mâu thuẫn: nông nô và tá điền có điều kiện giải phóng (tiếp xúc với công thương nhân có điều kiện có công cụ mà không phải thông qua chúa phong kiến hoặc ép dầu, xay lúa v.v..., trước kia phải phụ thuộc chúa phong kiến .

 

[Giáo hội duy trì được trật tự tối thiểu trong và giữa các hệ thống chư hầu - công thương có thể phát triển được].

 

 Công thương nghiệp trong chế độ phong kiến chỉ có ý nghĩa ở ảnh hưởng của nó đối với nông nô và nông dân, chứ bản thân nó so với phong kiến thì không có nghĩa gì. Do đó có những cuộc nổi dậy của nông dân và của các thành thị đòi tự do buôn bán (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII). Phong trào nổi dậy này làm cho những tư tưởng thống trị cũ bị lung lay. Nó đối kháng với giáo điều (cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII) tư tưởng duy danh (duy danh cho rằng những khái niệm phổ cập định nghĩa các loài giống chỉ là những danh từ, mỗi danh từ biểu thị một số vật thể, nhưng thực tại thực chỉ có vật thể cá thể thôi). Tư tưởng này đối lập với tư tưởng Giáo hội (Thượng đế sáng tạo qua lý - lý là ý niệm và đối với chúng ta là khái niệm phổ cập) .

 

[Duy danh chưa đụng tới Chúa nhưng làm lung lay khái niệm phổ cập].

 

Thực ra, những nhà duy danh chưa dám đấu tranh trực tiếp đối với giáo điều của Giáo hội, nhưng ý nghĩa thực sự của nó lay chuyển những giáo điều (quan niệm 3 ngôi trở nên vô lý). Luồng tư tưởng Gia Tô biểu hiện là phái duy thể (còn gọi là duy thực - BT) cho rằng những khái niệm phổ cập có thực thể phổ cập ngoài cá thể.

 

Ý nghĩa: duy danh đề cao cá thể - đề cao quyền lợi thực tế chống lại những quyền lợi héréditaire của hệ thống phong kiến, những khuôn  khổ cố định của hệ thống phong kiến. Khái niệm đề cao thực thể có thể thay đổi được thực tế xã hội.

 

Cuộc đấu tranh giữa duy danh và duy thể là hiện tượng căn bản trong triết học kinh viện thế kỷ X (trong các trường đại học và dựa vào kinh điển của Giáo hội và một ít triết học Cổ đại – schola [04]: nhà trường), phương pháp là cãi nhau bằng danh từ kinh viện nhiều hơn là phân tích và kinh nghiệm (kinh viện sau này có nghĩa là giáo điều, xa thực tế). Tính chất này do uy quyền Giáo hội tạo nên chứ không phải do phái duy danh hay duy thể.

 

Duy thể tìm cách xây dựng một hệ thống tư tưởng theo lý tính để củng cố tôn giáo.

 

Duy danh không trực tiếp phản đối tôn giáo, nhưng đề ra những điểm mới giải phóng tư tưởng ngoài truyền thống cũ - điểm mới là quyền của cá thể.

 

Phong trào củng cố tư tưởng Giáo hội là xây dựng một hệ thống thần học dùng lý tính phục vụ tôn giáo, phục vụ cái linh báo (révélation): quan trọng có St Anselme, St Thomas d’Aquin [05]... tìm đủ mọi lý tính - về mặt lý tính - để chứng minh sự tồn tại của Thượng đế.

 

Anselme (thế kỷ XI - XII) tìm ra dẫn chứng thực chất: không đặt vấn đề tin Thượng đế hay không, mà đi từ khái niệm Thượng đế trong đầu óc. Nó là một thực thể không gì to hơn, giả thử khái niệm đó chỉ có trong đầu óc ta thôi thì ta có thể quan niệm một thực thể vừa trong vừa ngoài vậy to hơn - chứng tỏ có một Thượng đế ở ngoài. Đây là một lập luận theo đường vòng, và tương đối có tính chất tiến bộ vì nó đặt sự tồn tại của Thượng đế dưới lý tính (có suy luận chứ không ngu muội) lý luận bề ngoài.

 

Thomas d’Aquin chứng minh sự tồn tại của Thượng đế bằng sự thiếu lý tính của Thế giới. Nếu không quan niệm có Thượng đế thì thế giới cũng không có lý tính - đặt vấn đề lý tính - (dẫn chứng vật lý Thần học mục đích)

 

Trước thế kỷ XII, XIII, phong trào duy danh được sự ủng hộ của Triết học Aristote, nhưng triết học Aristote là nhị nguyên nên sau Thomas lợi dụng (vì nó đề cao cả cá thể và đề cao cả ý niệm nên nó lợi dụng đề cao khái niệm phổ cập). Từ đó triết học kinh viện hoàn toàn lạm dụng Aristote. Thomas d’Aquin từ đó và mãi đến ngày nay vẫn được xem là một nhà thông thái nhất của Giáo hội (Somme [06] théologique - Giáo điều tổng luận)

 

3) Cuối thể kỷ XIII, XIV, phong kiến tan rã: duy danh đi thêm một bước, chẳng những nó đề cao cá thể mà còn đề cao kinh nghiệm (còn thô sơ dưới hình thức kinh nghiệm chủ nghĩa). Hai triết gia vĩ đại là Roger Bacon [07] (thế kỷ XIII) và Guillaume d’Occam [08] cho rằng chúng ta chỉ biết cá thể qua kinh nghiệm – đó là tiền bối của cách mạng khoa học.

[- Nhiều khi những nhà tư tưởng tiến bộ dựa vào tính chất tuyệt đối của Thượng đế để đánh đổ St Thomas. Ví dụ Duns Scot [09] đưa ra một phản đề với lý luận và những đặc tính (trí tuệ, đạo đức, vô hạn), các nhà tiến bộ cho như thế là đã lý luận được Thượng đế, vậy không thể chỉ có lòng tin mà giải phóng được lý tính. Ta nhận thấy, những tư tưởng lý tính có thể xuất hiện dưới hình thức phản lý.

- Với trình độ sản xuất Trung Cổ: gia đình cá thể (chưa quy mô lý tính) chưa có thể xây dựng một hệ thống lý tính có thể giải thích được các sự việc. Và dù toán pháp mà môn này chưa cần và chưa có hệ thống trong sản xuất cá thể, chỉ khi sản xuất quy mô mới phát triển, yêu cầu lý tính ở đây chỉ là một yêu cầu kinh nghiệm chủ nghĩa, nhưng sở dĩ đạt được là nhờ một cuộc đấu tranh gay go của nông nô và thị dân chống phong kiến. Đặc biệt, trong thị dân địa chủ cũ và mới (thần học và đòi hỏi của đời sống thực tế), lý tính, đạo đức, chân thực xuất hiện một cách rất cảm động trong những thành thị bấy giờ, nhất là trong những chuyển biến lớn (thế kỷ XII, XIII hay thế kỷ XIV, XV - thời phong kiến sơ kỳ xuất hiện những phong trào thần bí mạnh mẽ: nhóm tự đánh mình, cấm dục, tự phạt...) để đi vào đường gọi dị giáo.

- Chỗ nào dựa được vào một cơ sở tư sản mạnh thì tổ chức thành phái (như Cathares [10] ở Nam Pháp), nói chung trở lại tôn giáo thuần túy mà Giáo hội đã bỏ rơi, trở lại cái thành thực, thuần túy nguyên thủy bằng hình thức tự đánh và đồng thời khinh người không làm thế, vì cho là không cao quý bằng mình.

(Ta thấy Gia Tô có rất nhiều yếu tố phức tạp, nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn đều có 2 mặt biến chất).

- Cho tới khi phong trào sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, hình thức tương đối đại quy mô hợp lý hóa sản xuất nên xã hội đủ yếu tố để xây dựng một hệ thống lý tính hay một phương thức giải thích bằng lý tính trong phạm vi những tư tưởng - đó là lý toán (kết quả lớn nhất của tư tưởng nhân loại trước giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa). Lý tính máy móc, tiêu biểu là Galilée [11]. Cách mạng tư bản phát triển đầu tiên ở Ý chưa thành công, Ý giàu có - có Giáo hoàng - nên là một trung tâm tư bản tài phiệt, trung tâm thương mại giữa Đông Tây, nên đến thế kỷ XV - công trường sản xuất vải và linh tinh – lý toán phát triển - Galilée: luật rơi 1/2 chứng tỏ ông nhìn sự vật bằng con mắt lý toán, khác với trước, người ta chỉ nhìn vớí khía cạnh cảm tính chất lượng chứ chưa đến số lượng, vì trong sản xuất sự đo lường chưa quan trọng. Thế giới quan thay đổi (từ lý tính cảm tính đến lý tính máy móc). Sự thay đổi này khiến tư tưởng được xây dựng theo một hướng mới: lý tính máy móc nhưng lại tiêu diệt cảm tính; trong xưởng thợ tư bản, con người chỉ là số: giờ, lương, không có tình người, nên nó cũng tiêu diệt quan hệ nhân đạo giữa người với người. Quá trình này được xây dựng và phản ánh trong phong trào xây dựng một hệ thống lý tính toàn bộ và máy móc. Tư tưởng này thống trị Âu Tây (mâu thuẫn giữa cảm tính và lý tính, giữa chủ quan và khách quan, giữa khoa học và nghệ thuật, giữa nhân loại và tự nhiên...), xuất phát từ phong trào sản xuất tư bản chủ nghĩa cho tới Marx mới hết. Mâu thuẫn này có 2 mặt. Tiến bộ: giải phóng tư tưởng và con người khỏi cảm tính cũ có áp bức bóc lột của phong kiến - đó là phần nhân đạo và chân chính. Nhưng mặt khác, nó giải phóng tiêu cực, vì tiêu diệt quan hệ cũ, không đặt được quan hệ mới thỏa mãn con người. Phần tiêu cực này sẽ mở cửa một lần nữa cho Gia Tô.

- Tư tưởng Âu Tây mới, khi vấp phải mâu thuẫn này, lại về Gia Tô. Phần nhân đạo sống nên phải khôi phục quan hệ cảm tính «dễ chịu» của Gia Tô - phản ánh vị trí và tính chất của tư sản, khi vấp váp lại về phong kiến (sự phát triển tự nhiên của nó tiêu diệt). Gia Tô thống trị trong Trung cổ (cả phe thống trị, cả phe đối lập). Lý tính cũng chỉ thành hình trong đạo Gia Tô thôi, chỉ có kinh nghiệm. Đến tư sản, Gia Tô đóng một phần vai trò thống trị, một phần nó đóng vai trò dự trữ khi khoa học thực nghiệm và cách mạng tư sản vấp váp hoặc đi lên.

PHỤ LỤC

 

 

1 - Tất cả trào lưu tư tưởng nào chống Giáo hội đều bị xem là dị giáo - rất nhiều phái khác nhau, cơ sở khác nhau, thường có 2 nguồn gốc chính: 1) tư sản, tiểu tư sản: tiểu phong kiến; 2) dân nghèo thành thị.

 

Phái đầu chống phong kiến trên cơ sở quyền lợi giai cấp trung gian trong xã hội phong kiến: bảo vệ quyền lợi chống áp bức bóc lột của Giáo hội, nhưng nó có tính cách tư hữu (đòi cố đạo thầy tu đừng ăn tiền nữa, không đòi cộng đồng quyền lợi;

 

Phái 2: đặt cao vấn đề quyền lợi vật chất – thăng bằng tài sản.

 

Cấm dục: Trong Gia Tô có nhiều nguồn gốc: phong kiến, tư sản, nhưng ý nghĩa khác nhau. Bọn phong kiến ở thời Trung Cổ thì cấm dục ít thôi, nhà tu đã có những ảnh hưởng trụy lạc, nhưng mỗi giai đoạn lại xây dựng lại nhà tu để đề cao cấm dục, khôi phục uy tín Giáo hội chống Dị giáo – tính chất cấm dục là bảo vệ quyền lợi phong kiến. Sau này, những giáo hội mới ngày càng phản động. Ngoài ra có cấm dục của trung gian phản ánh tiết kiệm - tầng lớp dưới cấm dục có tính chất cách mạng, đề cao gian khổ để phản đối tất cả những gì mà xã hội phong kiến dùng để mua chuộc (phong trào cách mạng nào cũng qua giai đoạn gian khổ này, cách mạng vô sản thế kỷ 19 chống mua chuộc, tuy nhiên nó vẫn xuất hiện dưới hình thức tôn giáo)

 

Tự phạt là một biến thái cao - thành thực.

 

2 - Thalès và Pythagore mới ở toán pháp. Archimède có thể xem là trình độ toán lý (phát triển về phần tĩnh của cơ học), nhưng về nội dung nó chỉ là phần tĩnh (statique); Galilée phát triển về động học (dynamique). Khác nhau căn bản: cơ tĩnh học chỉ là bước cuối cùng của toán pháp, nhưng sau không tiến nữa: cuối Cổ Đại Hy La có nhiều máy móc, nhưng chỉ là bước cuối cùng. Còn động học Galilée là bước đầu của cơ học và toán lý cận đại (xét về phương diện tư tưởng phát triển sử) - khác nhau ở chỗ nó chứng tỏ một chuyển biến căn bản trong quan niệm vật lý: khía cạnh số lượng (trước kia chỉ thấy khía cạnh chất lượng nên không đi đến lý toán mà chỉ tới chỗ sắp xếp các hiện tượng. Từ Galilée mới tính toán được những biến chuyển trong vũ trụ. Nguyên lý Archimède có tính chất toán lý, nhưng không nhằm số lượng của hiện tượng vật lý mà chủ yếu nhằm sự thăng bằng tĩnh, nên không thể mở đường cho khoa học cận đại, và không thể mở đường được vì Archimède là đại diện cuối cùng của khoa học Cổ đại; kết thúc toán pháp hình thức của Hy Lạp. Sự kết thúc này có tính chất vĩ đại, và cuối Cổ đại kinh tế phát triển, thủ công đã tới trình độ máy móc, trong khuôn khô nô lệ

 

3 - Duy danh và Gia Tô đều ở trong Thần học. Duy danh chống Thần học nhưng vẫn nằm trong quan hệ Thần học.

 

4 - Cathares đặt 2 thần chủ yếu chống Gia Tô: đặt quỷ bằng thần - giảm uy tín Gia Tô. Muốn trở lại nguyên thủy Gia Tô có nhiều nghĩa, nhưng 2 là chính: đơn giản đỡ tốn tiền (tư sản - cộng đồng tài sản - dân nghèo). Sự thực họ cũng hiểu Gia Tô nguyên thủy theo quan niệm chủ quan mỗi giai cấp thôi.

 

5 - Aristote của Giáo hội - lý tính phục vụ tín ngưỡng phản ánh phần nào sự liên minh nhưng lợi cho phong kiến.

 

 

Trần Đức Thảo

(Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 314-326)


 

[01] St Augustin d’Hippone (Aurelius Augustinus Hipponensis, 354-430), triết gia và nhà thần học, giám mục giáo xứ Hippone. PTL.

[02] In nhầm là verbrun, đã sửa lại trong toàn bài. PTL.

[03] St Anselme (1033-1109), triết gia, nhà thần học và tổng giám mục giáo xứ Cantorbéry (Canterbury). Đừng nhầm với St Anselme, chuyên gia luật giáo hội, giám mục giáo xứ Lucques, 1036-1086). PTL 

[04] In nhầm là Achola. Đã sửa lại trong bài. PTL

[05] St Thomas d’Aquin (Tommaso d’Aquino, 1225 -1274), triết gia, tu sĩ và nhà thần học Ý. PTL

[06] In nhầm là Soman. Đã sửa lại trong bài. PTL

[07] Roger Bacon (khoảng 1214-1292), tu sĩ, triết gia và nhà khoa học Anh. PTL.

[08] Guillaume d’Occam (William of Ockham, khoảng 1285-1349), triết gia và nhà thần học Anh. PTL

[09] John Duns Scot hay Scotus (khoảng 1266-1308), triết gia và nhà thần học Anh. In nhầm là Dunoscot. Đã sửa lại trong bài. PTL.

[10] Catharisme. Một phong trào dị giáo xuất hiện ở miền Nam nước Pháp khoảng thế kỷ XI-XIII, công nhận 2 nguyên tắc vĩnh cửu, đối kháng: một bên là Thượng Đế (đồng hoá với tinh thần và cái thiện), một bên là Satan (đồng hoá với vật chất, cái ác), do đó, không công nhận tinh thần có thể đầu thai vào thân người, hoặc do thân người sinh ra; về sau người cathares bị Giáo hội đàn áp (1209-1229) và tiêu diệt bằng tòa án dị giáo thành lập năm 1231. PTL.

[11] Galilée (Galileo Galilei, 1564-1642), nhà toán học, vật lý học và thiên văn Ý. PTL.

 

27-6-09