Trần Đức Thảo Lịch sử Tư tưởng trước Marx
PHẦN HAI * BIỆN CHỨNG PHÁP CỦA TIỀN SỬ TƯ TƯỞNG[1]
Phạm vi bài này là nghiên cứu tiền sử tư tưởng tức là giai đoạn ý thức trước khi thành tư tưởng. Nói đến tư tưởng thì đã có nhận thức theo một đường lối nào đấy, do đấy toàn bộ ý thức theo một hệ thống thường gọi là ý thức hệ. Nhưng trước khi có ý thức hệ đã có ý thức rồi, ý thức ở trình độ thấp tức là ý thức cảm tính. Phải nghiên cứu ý thức cảm tính mới hiểu được ý thức tư tưởng. Lên đến ý thức tư tưởng thì ý thức hình như độc lập tự túc với thế giới khách quan, hình thức độc lập và tự túc ấy xét đến thực chất là ảo tưởng vì thực ra ý thức tư tưởng không là độc lập tự túc mà bắt nguồn từ lối sống thực tiễn. Trong bản chất cũng như trong ý muốn của nó, nó bắt nguồn từ đời sống thực tiễn, nhưng ở trình độ ý thức tư tưởng thì điểm ấy không được rõ. Ví dụ: đối với tôn giáo, triết học duy tâm, hay ngay mọi phương pháp tư tưởng duy vật máy móc, dù có duy vật chăng nữa thì hình như ý thức tư tưởng cũng là độc lập, tách rời đời sống thực tiễn. Duy vật máy móc thực tế không nêu ra được nguồn gốc chân chính của ý thức tư tưởng thành ra trong duy vật máy móc, phần nào nghiên cứu ý thức tư tưởng thì vẫn có hướng duy tâm, vẫn đặt ý thức tư tưởng ngoài đời sống thực tiễn. Có thể trong lời nói nó là duy vật nhưng trong thực tế nó vẫn đặt ý thức tư tưởng ngoài biện chứng pháp duy vật của lịch sử. Muốn nêu rõ thực chất ý thức tư tưởng, phải đi sâu vào nguồn gốc của nó ở giai đoạn đã có ý thức nhưng chưa thành nhận thức, tư tưởng. Chúng ta đã qua giai đoạn ấy rồi, nhưng qua những kinh nghiệm cử động của động vật thì ta thấy nó đã có một hình thái ý thức nào đấy, chứ không thể nói động vật là hoàn toàn máy móc, mà phần nào đấy ta cũng thông cảm được cử động của động vật. Cử động ấy biểu lộ ý thức cảm tính chứ chưa phải là tư tưởng. Nhưng nghiên cứu bằng cách thông cảm thì rất nguy hại; ở đây do đề tài bắt buộc, ta phải nghiên cứu một cách khách quan để bảo đảm giá trị khách quan của công việc nghiên cứu.
Nghiên cứu khách quan là như thế nào?
Nghiên cứu khách quan là nghiên cứu qua những cử động và thái độ của động vật; ta không đi sâu vào tất cả cử động của động vật, ta chỉ phác qua những giai đoạn chính của quá trình phát triển và lý do biến chuyển của hình thái cử động để tìm hiểu về mặt khách quan và một phần nào chủ quan trong con vật nếu có thể được. Ta cũng không đi sâu vào tất cả động vật mà chỉ nghiên cứu những trường hợp điển hình. Những giai đoạn chính của những hình thái cử động cũng có thể coi là những giai đoạn chính của sự tiến triển động vật; nó là những giai đoạn chính của cuộc tiến hóa của hệ thần kinh mà hệ thần kinh là bộ phận qui định ý nghĩa đặc biệt, chính yếu của động vật. Hệ thần kinh bao trùm các bộ phận khác, nó là cơ quan chỉ huy của toàn bộ cơ thể; cuộc tiến triển của hệ thần kinh là kim chỉ nam của cuộc tiến triển sinh vật. Ta chỉ theo con đường chính, càng ngày càng tiến, đó là con đường đi đến nhân loại. I - NHỮNG GIAI ĐOẠN CHÍNH TRONG CUỘC TIẾN TRIỂN CỦA HỆ THẦN KINH VÀ CỦA NHỮNG HÌNH THÁI CỬ ĐỘNG Trên con đường chính, xuất phát từ những tế bào đầu tiên, ta đã thấy những cử động đầu tiên là những cử động đáp lại kích thích, nó là những phản ứng thuần túy của những vật đơn bào; những phản ứng ấy không phải là những hiện tượng máy móc, hay thuần túy lý hóa. Nó là hiện tượng sinh lý hóa. Xét hình thức thì nó đánh dấu một bước tiến triển cao hơn trình độ sinh lý thông thường tức là trình độ trao đổi bằng cách đồng hóa và dị hóa giữa cơ thể và vật chất xung quanh. Những quan hệ tiêu hóa ấy là những quan hệ trực tiếp, cơ thể chưa đặt thành một đơn vị toàn bộ đối với hoàn cảnh. Những phản ứng đầu tiên đã tiến lên một trình độ cao hơn: đơn vị toàn bộ tương đối độc lập với hoàn cảnh. Trình độ ấy là trình độ tâm sinh lý tuy chưa nói được rằng đã có ý thức. Nó chỉ là bước cuối cùng của sinh lý và mở đầu cho trình độ tâm lý. Đến trình độ xoang tràng thì có thể nói đã đến trình độ tâm sinh lý.
Xoang tràng. - Xoang tràng là động vật đầu tiên có một tổ chức thần kinh. Những tế bào được sắp xếp thành mạng: đây là một tổ chức chưa thống nhất nhưng bắt đầu đã là một tổ chức. Với mạng thần kinh thì có cái gọi là cảm giác. Ví dụ: trước một chất có thể tiêu hóa được như một mảng tế bào thì xoang tràng có cử động hấp thụ thức ăn bằng cách mở miệng và nuốt. Ở trình độ xoang tràng đã có những vận chuyển di động, không theo hướng nào nhưng là do một kích thích gây nên. Ví dụ: chiếu một tia sáng vào con xoang tràng thì nó vận chuyển theo kiểu di động (tức là cử động theo bất cứ hướng nào) cho đến lúc ra ngoài tia sáng ấy. Tia sáng là một kích thích, con vật đã cảm thấy kích thích ấy mà cử động, tức là tổ chức thần kinh tiếp thu kích thích và qui định cử động di chuyển ấy.
Giun. - Đến trình độ giun thì hình thái di động tiến lên một trình độ tổ chức cao hơn là vận động có hướng. Giun biển hướng theo ánh sáng, giun đất hướng theo hướng đối lập tức là theo bóng tối. Tổ chức thần kinh của nó đạt tới mức qui định vận động có hướng, tức là bộ phận tiếp thu có khả năng phân tích (phân biệt kích thích) và qui định những cử động đáp lại một cách tương ứng với những kích thích ấy. Giun đã có mắt đơn giản, phân biệt được sáng tối, có tổ chức thần kinh bắt đầu tập trung, với một bộ não đơn giản có hai hạch thần kinh và một dây thần kinh ở bụng. Do tổ chức ấy, những cử động đáp lại kích thích đã phân biệt kích thích nọ với kích thích kia và đáp ứng kích thích khác nhau.
Cá. - Đến trình độ cao hơn là cá thì hệ thần kinh được tập trung hơn nữa. Lần đầu tiên, xuất hiện bộ óc với ba cơ cẩu múi (tất cả động vật có xương sống đến người sau này đều có tổ chức óc năm múi). Sau óc có dây thần kinh ở lưng, trong xương sống. Với tổ chức thần kinh tương đối cao như thế thì quan hệ giữa cơ thể và hoàn cảnh được tổ chức hơn, tức là cá có cử động đi thẳng tới đối tượng, đớp vật làm mồi, gặp loại cá dữ thì nó biết chạy. Cử động ở đây đã có đối tượng (trước kia thì mới có hướng).
Các loài thông thường trong lớp có vú. - Cũng trong ngành xương sống, nhưng ở một trình độ cao hơn là trình độ những loài thông thường trong lớp có vú thì quan hệ thích ứng giữa cơ thể và hoàn cảnh phức tạp hơn: con vật đã biết đi quanh để đạt tới một đối tượng mà nó không trông thấy. Ví dụ các vật có vú trong rừng biết đi quanh để tìm mồi. Đi quanh đã bắt đầu xuất hiện ở lớp bò sát, nhưng mới chỉ là bắt đầu thôi: như rắn có tổ đã biết về tổ nhưng chưa có cử động đi quanh rô rệt như loài có vú thông thường.
Khỉ. - Trong lớp có vú có một trình độ cao là trình độ bộ khỉ: đặc điểm tổ chức của lớp có vú nói chung là sự phát triển của bộ óc. Từ cá lên đến lớp bò sát và lớp có vú thì múi đầu tiên của bộ óc chia làm hai và phần cao nhất là vỏ óc. Trong lớp có vú có bộ khỉ là phát triển đặc biệt vỏ óc. Ở khỉ thông thường, hình thái cử động đạt tới trình độ cao hơn hình thái đi quanh. Đó là hình thái dùng trung gian. Ví dụ kéo một cành cây và hái quả ở đầu cành, kéo một sợi dây và lấy mồi buộc ở đầu dây. Hành động trên chứng tỏ một trình độ tổ chức cao hơn của hệ thần kinh, vì như con chó cũng có thể bắt một đầu dây, nhưng nó thông biết dùng dây làm vật trung gian, nó chưa đến trình độ dùng trung gian.
Khỉ nhân hình. - Trình độ tối cao của tiến hóa động vật là khỉ nhân hình. Hình thái cử động rút dây tiến lên một bước nữa, chuyển thành hình thái cử động dùng dụng cụ (chứ chưa phải là công cụ). Dụng cụ là vật dùng được nhưng một cách ngẫu nhiên. Công cụ là vật ta làm ra, bảo vệ để dùng trong những trường hợp cần thiết. Khỉ nhân hình biết dùng gậy để kều thức ăn nếu gậy để cạnh nó. Nó chưa biết làm ra cái gậy ấy và giữ để dùng về sau. Đấy chỉ là trường hợp lợi dụng vật có sẵn trước mắt để đạt một mục đích nhất thời, sau đó thì vứt đi. Ở trình độ khỉ nhân hình, ý thức đạt tới một mức khá cao nhưng chưa thể nói là nhận thức mà hãy còn là ý thức cảm tính. Ý thức nhất thời phát sinh trong hoàn cảnh trước mắt, chứ chưa bao quát được một hoàn cảnh rộng rãi. Đấy là trình độ cao nhất của ý thức cảm tính tiến gần đến nhận thức. II - TẠI SAO CÓ CUỘC TIẾN HÓA ẤY? NHỮNG BƯỚC TIẾN BỘ ẤY BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU? Rõ ràng những bước tiến bộ ấy theo quy luật tự nhiên. Ở đây, quan điểm duy tâm không thể nào áp dụng được. Đây là chỗ thử thách quyết định giữa duy tâm và duy vật. Ở giai đoạn cao thì còn phải tranh luận, duy tâm còn có hình thức duy lý nào đấy. Ở đây quan điểm duy tâm không còn một ngoại diên duy lý nào hết. Đây cũng là chỗ có thể chứng minh một cách quyết định quan điểm duy vật trong vấn đề ý thức. Nếu chứng minh được bước tiến triển từ ý thức cảm tính lên nhận thức cũng là do nguyên nhân vật chất thì ta sẽ chứng minh được bằng khoa học vấn đề ý thức tư tưởng nói chung. Hãy đóng khung vấn đề trong phạm vi khách quan là tổ chức thần kinh và hình thái cử động. Vậy nguyên nhân nào phát sinh những diễn biến ấy? Tại sao những động vật càng ngày càng tiến hóa thì lại có tổ chức thần kinh càng thích ứng với hoàn cảnh, càng khắc phục được hoàn cảnh? Từ đâu xuất phát những tiến bộ ấy?
Tất nhiên chỉ có thể giải thích cái sau bằng cái trước. Phải có cử động đã. Những cử động đó xuất hiện từ những quan hệ tự phát giữa cơ thể và hoàn cảnh - cụ thể: từ những vật đơn bào có những phản ứng đơn giản đầu tiên như đi tới đi lui trước một kích thích, đồng hóa đối tượng có lợi cho cơ thể của nó. Ví dụ: một vi trùng hấp thụ một vi trùng khác, trước một giọt acide thì vi trùng đó đi lui theo một hướng khác. Từ hình thái đơn giản nhất đó, động vật tiến lên hình thái di động với những loại xoang tràng. Ta thấy những cử động của xoang tràng xuất hiện từ trong cử động tự phát của những con vật đầu tiên. Từ đơn bào đầu tiên lên đến xoang tràng (đa bào) tất phải có giai đoạn trung gian là giai đoạn tập đoàn đơn bào, sống cùng nhau nhưng vô tổ chức. Do quan hệ giữa những đơn bào với nhau và quan hệ giữa những tập đoàn đơn bào ấy và ngoại cảnh mà tập đoàn ấy phải có một hình thái nào ấy cụ thể là hình túi. Những đơn bào bên ngoài có thức ăn, trái lại những đơn bào phía trong không có thức ăn nên phải chết và do đó có lỗ hổng. Lúc ấy có những cử động tự phát như co lại dãn ra vì mỗi một tế bào đã có những cử động ấy. Do những cử động ấy con vật co lại dãn ra. Những phản ứng đơn thuần của mỗi tế bào cộng lại biến thành phản ứng của cái túi là co lại, mở ra. Những phản ứng ấy xuất phát một cách tự động từ những kích thích bên ngoài và bên trong. Kích thích bên trong là do hoạt động của từng tế bào, tế bào có thức ăn phấn khích hơn tế bào không có thức ăn. Do cử động co vào và dãn ra mà xuất hiện cử động di chuyển xuất hiện theo nguyên tắc phản lực - ở đây là phun nước - phun nước về phía này thì con vật tất chuyển đi về phía kia, do đó tự nhiên con vật di chuyển.
Đến trình độ cao hơn là xoang tràng, ta thấy phát triển những hình thái cử động đã thể hiện trong những hình thái tự phát. Rồi từ đấy lại phát sinh một hình thái mới. Ví dụ: xoang tràng gặp một tia sáng mạnh thì di động vì tia sáng ấy kích thích con vật, làm cho con vật có cử động co vào dãn ra (phun nước hoặc quằn quại). Đối với ngoại cảnh, trong phạm vi tia sáng, con vật di động đến một mức nào đó thì tất nó sẽ đi ra ngoài phạm vi ánh sáng. Nếu vào một chỗ thật tối thì con vật cũng bị kích thích và cũng di chuyển. Chỉ có chỗ ánh sáng tương đối hợp với đòi hỏi của cơ thể thì con vật ngừng lại. Lý do: trong khu vực ánh sáng vừa thì có điều kiện sống thích hợp nhất, nhiều thức ăn nhất. Tổ chức thần kinh là theo những quan hệ tự phát (sau này gọi là kinh nghiệm) dẫn con vật tới những khu vực hợp với cơ thế: sáng vừa, tối vừa. Lúc đầu thì chuyển động chưa có hướng, nhưng khách quan nó hướng về khu vực sáng đều. Nó chưa có một tổ chức hướng nó vào chỗ ấy. Hướng khách quan này do những quan hệ khách quan tạo ra.
Đến trình độ sau là trình độ giun thì hình thái tự phát trong những quan hệ khách quan ở trình độ trước biến thành những tổ chức nhất định, tức là tổ chức thần kinh của giun đã tiếp thu và tổng kết hình thái tự phát ở trình độ trước. Con giun hướng về chỗ có điều kiện sinh sống tốt nhất. Ở biển, chỗ có ánh sáng đều thì có nhiều giun biển nhất vì ở đó có nhiều thức ăn. Giun đất thì ở chỗ tối. Ở đây một quan hệ thích ứng đã được tổ chức trong hệ thần kinh nhưng không phải do một lý do siêu hình nào, mà do những quan hệ tự phát trước ở xoang tràng. Hướng tự phát khách quan đến một lúc nào đó biến thành tổ chức thần kinh. Tổ chức của tế bào thần kinh là giữ lại những đường lối chuyển động cũ. Một kích thích đã được liên kết với một cử động thì đến một lúc nào đó, kích thích đó được hệ thần kinh tiếp thu dễ hơn và gây một phản ứng nhất định.
Bây giờ xét đến những quan hệ tự phát ở giun, thì ta thấy: giun chưa nhằm một đối tượng - chỉ mới có một hướng chung chung - mắt giun mới biết phân biệt ánh sáng và bóng tối, chưa biết phân biệt đối tượng. Nhưng trong đời sống của con giun, nó có những cử động tự phát đạt tới đối tượng. Cụ thể: giun biển hướng về phía ánh sáng đều. Hướng về phía ánh sáng ấy thì gặp đối tượng là mồi. Đây là cử động đi tới vật làm mồi, là cử động tự phát trong tổ chức cử động có hướng. Trong cử động có hướng tự nhiên có đường đi tới mồi. Đến trình độ sau (cá), hình thái tự phát biến thành hình thái chủ quan: hình thái được tổ chức. Ở đây, tổ chức của hệ thần kinh chỉ là tiếp thu, tổng kết hình thái đã có ở giai đoạn trước.
Ở lớp cá, hình thái cử động mới có đối tượng, chưa biết đi quanh. Nhưng những loài cá lên mặt đất sau này thành bò sát ở địa kỳ thứ 2 (và sau nữa thành loài có vú ở địa kỳ 3, và phát triển thành loài khỉ ở cuối địa kỳ 3). Qua những cử động tự phát của lớp bò sát, ta thấy: con vật lúc đầu chưa có tổ chức đi quanh, nhưng hoàn cảnh xung quanh (sống trên đất) bắt buộc nó phải đi vòng vì gặp vật cản trở. Hình thái tự phát ấy do quan hệ khách quan giữa cơ thể và hoàn cảnh gây ra, đến loài có vú đã có tổ chức trong thần kinh. Tổ chức của hệ thần kinh rõ ràng là lặp lại những con đường trước đã đi, nhưng một cách tự phát. Thực tế khách quan này được phản ánh trong hệ thần kinh, thích ứng với hoàn cảnh khách quan vì trước kia đã có những cử động tự phát. Trong những điều kiện đặc biệt của một số loài có vú, đặc biệt là loài sống trên cây thì những hình thái cử động phát triển hơn vì phạm vi cử động lớn hơn. Vật sống trên cây trông thấy nhiều vật hơn, phải đáp lại nhiều cản trở phức tạp hơn; nhưng do những quan hệ tự phát ấy, tất nhiên phải xuất hiện những hình thái phức tạp hơn tức là hình thái dùng trung gian. Không phải con vật tự nó biết dùng cành để lôi quả, nhưng trong hoàn cảnh sống trên cây có những cử động tự phát: lôi cành lấy quả.
Đến giai đoạn khỉ hạ tầng, hình thái đó đã được tổng kết, thể hiện trong tổ chức thần kinh quy định hình thái cử động đặc biệt của bộ khỉ: dùng trung gian. Ở giai đoạn trước đã có cử động dùng trung gian, nhưng tự phát, đến giai đoạn sau nó biến thành hình thái có tổ chức. Đời sống trên cây phát triển, kết hợp với đời sống dưới mặt đất, khi chuyển xuống mặt đất, con khỉ tự nó dùng dụng cụ. Với tố chức cũ là dùng trung gian, nó có thể bắt một cành gần mồi, dùng cành ấy cũng giống như dùng một vật trung gian, nhưng trong điều kiện khách quan cành đó không phải là vật trung gian, không trực tiếp dính với mồi, chỉ ở bên cạnh mồi. Trên thực tế khách quan, cử động ấy có hình thức mới; dùng dụng cụ (nhưng một cách tự phát). Đấy chính là quá trình phát triển của những hình thái từ thấp lên cao, do những điều kiện tự phát ở trình độ cũ mà được tổ chức ở một trình độ cao hơn. Đó là biện chứng pháp của tự nhiên. Trong biện chứng pháp tự nhiên chưa có ý thức tư tưởng, nhưng đã có những đặc tính của biện chứng pháp, tức là sự phát triển mâu thuẫn ở mỗi trình độ nhất định, và do sự phát triển mâu thuẫn ấy, do những điều kiện khách quan xây dựng những hình thức mới một cách tự phát trong những mâu thuẫn ấy, thì xuất hiện một hình thái tổ chức mới, một trình độ mới, trong đó những mâu thuẫn cũ được giải quyết. Mâu thuẫn căn bản ở đây là mâu thuẫn giữa cơ thể và hoàn cảnh thể hiện trong cử động đi tìm thức ăn. Tổ chức của con vật là tổ chức khắc phục hoàn cảnh đến một mức nhất định, nhưng trong phạm vi hình thái tổ chức ấy, ở trình độ ấy lại xuất hiện những hình thức mới do diều kiện khách quan gây lên. Do những điều kiện ấy, tự nhiên xuất hiện những hình thức mới trong phạm vi hình thái cũ, và đến một giai đoạn nào đấy thì chuyển thành tổ chức mới. Biện chứng pháp tự nhiên một mặt dựa hoàn toàn trên nguyên nhân tự nhiên (không có một nguyên nhân siêu hình nào) mà tổ chức hệ thần kinh, do đấy con vật thích ứng với hoàn cảnh. Nhưng do cách xuất hiện tự phát của những điều kiện sinh sống thì những mâu thuẫn ở mỗi trình độ phát triển theo một đường lối nào đấy, gây lên những tổ chức mới. Trong biện chứng pháp tự nhiên có những bước nhảy vọt, có hiện tượng biến chất từ trình độ này sang trình độ khác, nhưng cái mới cũng xuất phát từ cái cũ. Mâu thuẫn phát triển theo điều kiện khách quan mà ta có thể quy định được chứ không phải là siêu hình.
Đến đây, ta đã phác qua biện chứng pháp tự nhiên trên mặt khách quan tức là qua hình thái cử động và tổ chức thần kinh. Nhưng cái chính là quá trình phát triển ý thức trong hình thái cử động và tổ chức thần kinh. III - NHỮNG HÌNH THÁI Ý THỨC CẢM TÍNH TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI NHỮNG HÌNH THÁI CỬ ĐỘNG VÀ TRÌNH ĐỘ TỔ CHỨC Đến đây ta bắt đầu đi vào lĩnh vực chủ quan nhưng một cách khách quan. Đối tượng của ta là chủ quan, do đó vấn đề cũng phức tạp vì không có bằng chứng cụ thế như trong phần khách quan, nhưng đề tài bắt buộc thế, không thể làm khác được.
Ở trình độ phản ứng đầu tiên trong những phản ứng của những vật đơn bào, tất nhiên không có gì gọi là ý thức, là cảm giác.
Đến trình độ xoang tràng, với tổ chức thần kinh đầu tiên, với phản ứng đầu tiên có tổ chức - tuy tổ chức còn rất rời rạc lỏng lẻo ta đã có quyền nói là có cảm giác. Cảm giác chính là hoạt động của tổ chức tế bào thần kinh, tiếp thu kích thích và đáp lại bằng một phản ứng đơn giản, chưa có hướng, chưa nhằm một cái gì ngoài nó. Nếu xét theo kinh nghiệm bên trong, đó cũng là đặc tính của cảm giác. Nhưng không thể dựa vào kinh nghiệm bên trong để quy định khái niệm cảm giác. Đến trình độ vận động có hướng của giun, nếu chúng ta phân tích cử động của con vật, thì nói chung nó chưa thoát khỏi phạm vi cảm giác nhưng đã có cảm giác có hướng, phức tạp hơn vì biết phân biệt những khu vực khác nhau: khu vực có ánh sáng và khu vực bóng tối. Đây chưa có đối tượng nhưng đã có khu vực cảm giác.
Đến trình độ cao hơn là cá, ta đã thấy con vật thoát khỏi trình độ cảm giác, đã nhằm đối tượng bên ngoài tức là cảm giác đã chuyển lên tri giác (biết được một cái gì bằng cảm giác). Ở trình độ cảm giác, không thể nói cảm giác một cái gì, nó chỉ là một trạng thái phấn khích. Đến trình độ cá cũng chỉ mới là một cái hình bên ngoài, nhưng cái hình đó cũng đã là một đối tượng. Đối với con cá, mồi là đối tượng tuy chưa vững chắc. Tri giác chỉ có tính chất hình thức, chưa có nội dung vững chắc vì chưa nắm được cái gì tồn tại ngoài nó một cách tương đối độc lập.
Có thể so sánh trình độ tương đương của trẻ em: trẻ em 2 tháng biết trông nhưng chưa biết giơ tay bắt. Vào khoảng 5, 6 tháng, nó đã biết bắt đối tượng, nhưng đối tượng chưa có tính chất vật tồn tại độc lập, vì nếu che đối tượng bằng một tờ giấy, đứa bé bỏ tay xuống, hình như quên hẳn đối tượng ấy. Trong ý thức thông thường, nó tương đương với ý nghĩa “con ma”(ma chỉ có khi ta trông thấy, lúc ta không thấy nữa thì nó cũng mất – đó là chỗ khác nhau giữa con ma và một vật có thật), tức là nó chỉ nắm được đối tượng trong lúc trông thấy. Đến 8, 9 tháng, nếu đặt một tờ giấy trước đối tượng, đứa bé biết gạt tờ giấy ra để lấy vật, chứng tỏ đối tượng còn tồn tại trong lúc không thấy nữa. Ở đây đối tượng đã có tính chất tồn tại độc lập với ý thức. Tri giác nắm được đối tượng với tính chất vật tồn tại. Rõ ràng xuất hiện sau trình độ cá là trình độ có cử động đi quanh (đi tìm một vật không trông thấy - vật đó đã có tính chất độc lập với ý thức, tương đối ngoài chủ quan). Đối tượng ấy là vật khách quan, nhưng mọi vật còn rời rạc chưa liên hệ với nhau. Một con chó buộc vào một cái cột, trông thấy ở xa miếng thịt, từ miếng thịt đến nó có một sợi dây, nhưng nó không nắm được tính chất trung gian của cái dây. Có thể rằng nó bắt đầu dây, nhưng không biết dùng dây để kéo miếng thịt.
Đến trình độ cao hơn hay ngay ở trình độ ấy, nhưng với điều kiện thích hợp hơn, một con mèo (trình độ không cao hơn chó) biết bắt dây, vì trong điều kiện đặc biệt của đời sống trong nhà, mèo quen chơi với cuộn dây (trái lại chó thì không) nên mèo biết kéo dây.
Trong tự nhiên, phải đến trình độ cao hơn là khỉ hạ tầng mới có trình độ ý thức tri giác, không những về vật tồn tại bên ngoài mà còn về quan hệ giữa các vật bên ngoài. Cụ thể là quan hệ trung gian. Nhưng những quan hệ ấy chỉ là những quan hệ sẵn có trước mất, chưa thoát khỏi trạng thái sẵn có trước mắt – vì nếu đặt một cái gậy bên cạnh con khỉ hạ tầng thỉ nó chưa biết dùng.
Nhưng đến khỉ thượng tầng thì đã biết dùng gậy. Giữa gậy và dây, về ý thức dùng ở chỗ khác nhau: vật trung gian có quan hệ liên tục với mồi; trái lại gậy tuy cũng ở trong một thị dã nhưng không có quan hệ liên tục với mồi. Đây, con mắt khỉ thượng tầng đã đi xa hơn trạng thái trực tiếp trước mắt, đã tưởng tượng được quan hệ liên tục giữa gậy và mồi trong khi nó dùng gậy để kều. Trí tưởng tượng đã xuất hiện bằng cách bắt đầu vượt qua trạng thái trước mắt, tưởng tượng một quan hệ không có trước mắt, tuy cũng đã có trong kinh nghiệm trước. Với óc tưởng tượng, chúng ta đã đạt tới trình độ cuối cùng của ý thức cảm tính (tức là ý thức trong phạm vi trạng thái trước mắt). Điều kiện để cho khỉ lấy gậy để kều là gậy phải đặt bên cạnh quả chuối (mồi), nếu không thì nó không biết đi tìm gậy - dù chỉ phải quay đầu một tý. Nếu nó quay lại, thì nó lại quên mất quả chuối. Nó chưa thực sự thoát khỏi hoàn cảnh trực tiếp trước mắt. Khỉ thượng tầng chưa có nhận thức nhưng đã tiến đến bước cuối cùng của ý thức cảm tính thuần túy: bước vượt qua trình độ cảm tính thuần túy. IV – NỘI DUNG VÀ THỰC CHẤT CỦA NHỮNG HÌNH THÁI CẢM TÍNH Ta đã phân tích những hình thái ý thức cảm tính tương đương với những bước tiến của hình thái cử động. Bây giờ ta đi sâu vào nội dung của nó để xem nó xuất phát từ đâu, thực chất nó là gì? Ta tìm hiểu tại sao xuất hiện những hình thái cử động của động vật. Đi từ hình thái thấp nhất: cảm giác đơn thuần, phân tích nội dung của nó trên cơ sở hình thái cử động ở trình độ ấy, ta thấy mức tương ứng của hình thái đó là một quan hệ tương ứng chung giữa kích thích và cử động đơn thuần: vận chuyển và tiếp thu. Như thế quan hệ tương ứng ở đây đơn giản nhất: đáp lại kích thích, con vật chuyển theo bất kỳ hướng nào; tiếp thu cũng có tính cách đơn giản. Đây mới có quan hệ sinh lý có lợi hay có hại, giữa kích thích và vật thể. Cảm giác, trong phần nào mà ta hiểu được (chỉ là đứng bên ngoài thôi, vì ta không có kinh nghiệm trực tiếp về nó) là hoạt động tiếp thu kích thích và đáp lại bằng một cử động đơn thuần (chưa có hướng). Nội dung ý nghĩa của nó chỉ là quan hệ đáp lại ấy, vì cái cho ta biết rằng có cảm giác chỉ là một cử động đơn thuần đáp lại kích thích. Nội dung ấy thế nào? Nó là một rung động đơn thuần, chính cái rung động chủ quan ấy là cái rung động thực sự của tổ chức thần kinh xuất hiện ở trình độ xoang tràng. Cái rung động ấy cũng chỉ là tổng kết những quan hệ tự phát ở giai đoạn trước. Ví dụ trong tập đoàn tế bào đầu tiên chưa có tổ chức thần kinh, nhưng đã có quan hệ kích thích và đáp ứng do quan hệ giữa tế bào trong tập đoàn tế bào với nhau và giữa chúng với ngoại cảnh. Rồi từ đấy lại xuất hiện một hình thái mới. Ví dụ xoang tràng thì ở trình độ cảm giác, nhưng quan hệ giữa nó và hoàn cảnh là một quan hệ thực tế đương chuyển lên một trình độ cao hơn: xoang tràng chưa có hướng nhưng nó vận chuyển cho đến lúc gặp điều kiện sinh sống dồi dào nhất. Chỗ thích ứng nhất chính là ở chỗ ánh sáng điều hòa nhất, như thế thực tế nó đã đạt được một hướng nào đấy xét về quan hệ khách quan giữa con vật và ngoại cảnh. Nhưng hướng này chỉ là kết quả, con vật chưa nắm được. Đến trình độ sau, tức là trình độ giun, thì con vật đã biết đi theo hướng có lợi cho cơ thể, tức là đã khắc phục được thêm một quan hệ với hoàn cảnh, bằng cách tổng kết hình thái tự phát ở giai đoạn trước. Mà chính đấy là nội dung ý nghĩa của hình thái cảm thức của trinh độ này.
Giun lại có hình thái cử động tự phát là đạt đến đối tượng. Lên đến trình độ cá thì cử động ấy được quy định trong tổ chức thần kinh, với con mắt phân biệt được hình. Phân tích hình thái ý thức ở trình độ cá, thì ta thấy đã bắt đầu có tri giác (thấy hình nhưng chưa nắm được vật). Nội dung của nó chính là nắm được quan hệ đường thẳng từ mình đến hình và chuyển đến hình, tức là một quan hệ mới, xuất hiện trong những cử động tự phát ở trình độ trước, đã được khắc phục trong tổ chức thần kinh.
Từ cá qua lớp bò sát lên lớp có vú, trong đời sống thực tế của con vật đã xuất hiện những hình thái cử động mới: khác với đời sống trong nước, con vật phải vòng quanh các cản trở trên mặt đất, con vật chưa có tổ chức đi quanh, nhưng đến một lúc nào đấy, tổ chức thần kinh nắm được quan hệ này. Phân tích nội dung ý nghĩa của tri giác thì chúng ta cũng thấy rằng tri giác đã nắm được đối tượng với những đường lối quanh co đưa tới, tức là nội dung của cái hình thái cảm thức ấy chính là cái quan hệ đường vòng đã được khắc phục trong tổ chức thần kinh.
Lên đến khi hạ tầng, tổ chức cử động khắc phục được một quan hệ cao hơn tức là quan hệ tiếp trí trong không gian giữa những vật liên tục với nhau. Phân tích hình thái ý thức, ở đây trong ý thức con vật đã nắm được quan hệ tiếp trí ấy, nó thấy một vật trung gian có thể lôi kéo một vật khác (nó kéo dây lấy mồi). Quan hệ trung gian giữa dây và mồi, tức là cái quan hệ mới được khắc phục trong tổ chức cử động rút dây (dùng trung gian).
Đến trình độ dùng dụng cụ (khỉ nhân hình), ta thấy hình thái ý thức có một nội dung cao hơn, là tưởng tượng gậy để cạnh quả chuối trong cùng một thị dã nhưng không liên tục, khi dùng gậy để kều, con vật đã tưởng tượng được đầu gậy trên quả chuối, một quan hệ thực tế chưa có trước mắt. Ở đây bắt đầu có hình tượng, nhưng nội dung ý nghĩa của nó cũng chỉ là một quan hệ thực tế đã khắc phục được trong tổ chức thần kinh, là quan hệ liên tục có thể có được giữa dụng cụ và mồi. Đấy là quan hệ sử dụng, tuy chưa phải là tính chất dụng cụ của dụng cụ ấy (vì sau khi dùng thì nó vứt đi). Quan hệ này đã được quy định trong tố chức thần kinh, và chính đây là nội dung ý nghĩa của hình thái cảm thức hình tượng.
Tóm lại phân tích nội dung ý nghĩa của ý thức cảm tính, chúng ta không thấy gì khác những quan hệ thực tế đã được khắc phục trong tổ chức thần kinh và đã xuất hiện trong hình thái cử động tự phát ở trình độ trước.
Khi nói đến ý thức, bề ngoài ta tưởng đấy là mật cái gì khác hẳn thực tế và không thể định nghĩa được bằng những thuộc tính thực tế (độ dài, trọng lượng v. v...), ví dụ khi ta cần một cái bàn, ý thức cần không có trọng lượng; ta thấy mặt trời tròn, nhưng tri giác của ta không tròn. Ý thức nắm được thực tế khách quan nhưng nó có vẻ không có tính chất của thực tế khách quan. Thực ra, nó là cái hoạt động nắm được thực tế. Nhưng nói như vậy có phải là bản chất của nó khác thực tế không? Nếu phân tích nội dung ý nghĩa, ta thấy nội dung ý nghĩa ấy chỉ là nội dung thực tế khách quan đã được khắc phục trong tồ chức cử động. Hoạt động ý thức nắm được một đối tượng nào đấy chính là hoạt động của hệ thần kinh quy định một cử động nào đấy trong đó đã nắm được một số quan hệ thực tế. Ví dụ như lúc ta hình dung một vật ở xa, thì ta đã nắm được con đường đi tới: chính con đường ấy đã được phản ánh trong đường lối hoạt động của hệ thần kinh quy định cử động đi quanh. Hoạt động ý thức không có gì khác hoạt động của luồng thần kinh, ta không thể tách rời ý thức chủ quan khỏi thực tế khách quan vì hoạt động chủ quan chính là hoạt động của một bộ phận của vật thể khách quan: tức là hệ thần kinh.
Đi sâu vào điều ấy, chúng ta có thể xét lại những lập luận của chủ nghĩa duy tâm dựa vào tính chất đặc biệt của hoạt động ý thức mà tách rời ý thức chủ quan với thực tế khách quan. V- Ý NGHĨA CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP CỦA HỆ THẦN KINH TRONG VẤN ĐỀ DUY TÂM VÀ DUY VẬT Truyền thống duy tâm từ nguồn gốc nhân loại đã tạo nhiều lập luận để biện chính tư tưởng tách rời ý thức khỏi thực tại, đề cao ý thức là thực tại cao hơn thực tại vật chất và có khi xem ý thức là độc nhất, phủ định thực tại vật chất. Qua mấy nghìn nãm, lịch sử tư tưởng quy lại có 3 ý kiến chính (kể theo thứ tự luận lý):
l) Lập luận của Descartes: “Tôi ý thức tức là tôi tồn tại” Như thế sự tồn tại của ý thức là độc lập với tất cả cái gì ở bên ngoài. Giả sử mọi vật đều không tồn tại thì như thế vẫn có ý thức giả sử đó. Tồn tại của ý thức là tuyệt đối, không thể phủ định được. Vì giả sử tôi không có thì vẫn phải có tôi giả sử như thế.
2) Lập luận của Kant và sau này được phát triển với nhà triết học duy tâm cuối cùng là Husserl: lập luận tiên nghiệm chủ nghĩa. Ý thức không phải thực tại, nó là một cái gì nhằm thực tại. Ví dụ: tôi trông thấy cái bàn, thì tôi không phải cái bàn. Ý thức cảm thấy tư tưởng thực tại, nhưng nếu đặt ý thức là thực tại thì lại phải có một cái gì (một ý thức khác) quan niệm cái ý thức đã được xem là thực tại đó. Vậy ý thức nắm được thực tại nhưng không phải là thực tại.
Trên đây là hai lập luận phổ biến trong triết học duy tâm.
3) Có một tư tưởng xuất hiện với tôn giáo và kéo dài trong triết học cổ đại và cả trong triết học duy tâm cận đại nữa. Đấy là tư tưởng ý thức chiếm hữu thực tại: cái gì là chân lý thì không phải là xuất hiện tự nhiên mà là cái có ý nghĩa tư tưởng. Ví dụ: từ đời nguyên thủy công cụ và kỹ thuật còn đơn giản nhưng dùng một cách tinh vi (cung tên thời nguyên thủy là thô sơ, nhưng người ta sử dụng nó rất khéo léo và thực tế). Nhưng quan niệm của người nguyên thủy đối với công cụ ấy lại rất duy tâm. Ví dụ như nếu họ săn được vật gì vì bắn khéo, thì họ không quan niệm rằng đấy là vì mình khéo, mà lại cho là do bỏ bùa hoặc làm lễ nào đó nên cung tên có một hiệu lực thiêng liêng. Vì thế mà có cúng lễ trước khi đi sản. Một ví dụ khác: một người chết vì một lý do nào đó dù rất rõ ràng như bị đá rơi vào đầu, thì họ cũng cho rằng do bọn thầy mo làm bùa. Như thế thực tại không được quan niệm với tính chất là thực tại mà chỉ được quan niệm trong phạm vi ý thức với ý nghĩa mà ý thức gán cho nó: ý thức nắm thực tại một cách duy tâm chiếm hữu thực tại trong mình. Đây là tư tưởng chung trong xã hội nguyên thủy mà đến xã hội văn minh thì thành lập luận. Các nhà triết học duy tâm và các nhà tôn giáo cho rằng chân lý của thực tại khác thực tại mà lại thực hơn là thực tại. Chân lý ấy chỉ có trong tư tưởng, trong đời sống chân lý ở trên trời, còn đời sống ở thế gian chỉ là ảo tưởng thôi. Tư tưởng của Thượng đế xây dựng trong ý thức của Thượng đế mới là chân lý.
Ở đây không trình bày lý luận chống lại những lập luận ấy (phần này thuộc phạm vi lý luận duy vật biện chứng đã được học rồi). Ta chỉ đặt vấn đề trong phạm vi lịch sử tư tưởng: tại sao có những lập luận đó? Trong hình thái cảm thức ta chưa đặt được toàn bộ vấn đề, vì còn phải xét tới hoàn cảnh lịch sử và xã hội thì mới giải quyết được vấn đề nguồn gốc của tư tưởng duy tâm; nhưng chính trong giai đoạn ý thức động vật có gốc rễ sâu nhất của những ảo tưởng đó mà sau này phát triển trên cơ sở xã hội. Gốc rễ đó là thế nào?
1) Xét lập 1uận 1. - “Tôi ý thức tức là tôi tồn tại”. Tính chất độc lập của ý thức do đâu? Ngay lúc xuất hiện hình thái ý thức đầu tiên, hình thái cảm giác, ta thấy nó đã có một cái ảo tưởng độc lập. Cảm giác là rung động của luồng thần kinh tiếp thu, truyền kích thích, gây phản ứng. Lúc đầu, trong những tập đoàn tế bào đầu tiên có chuyển động của toàn bộ cơ thể, nhưng đến một lúc nào đó cái chuyển động ấy được tập trung, do đấy những tế bào thần kinh thành hình. Không thể phân biệt rung động chủ quan với rung động thực tế của tế bào thần kinh. Nếu xét cái rung động ấy trong phạm vi chủ quan của nó thì hình như nó tách rời thực tế bên ngoài. Trong phạm vi cảm giác thì chỉ có rung động thuần túy thôi, nó không biết gì ngoài nó. Cảm giác chỉ là cảm thôi, không có đối tượng. Thực ra rung động chủ quan ấy là rung động của các tế bào thần kinh, nó không thể tách rời nguyên nhân kích thích và cử động thực tế. Đứng về mặt triết học, nếu cảm giác có triết lý tính thì nó có thể nói: “Tôi chỉ là cảm giác mà thôi, tôi rung động mà không cần đến gì ngoài tôi”. Thực ra nó là một bộ phận của hoạt động cơ thể, nó có ý thức vì nó là rung động của một thứ tế bào đặc biệt, tế bào than kinh. Tính chất độc lập hình như là tuyệt đối của cảm giác do ở tính chất đặc biệt của hoạt động thần kinh. Thực ra thì nó cũng thuộc về thế giới khách quan. Cảm giác với tính chất là rung động của tế bào thần kinh là cơ sở của mọi hình thái tư tưởng: ta có thể nắm được toàn bộ thế giới khách quan trong tư tưởng, nhưng căn bản hình ảnh thế giới khách quan đó cũng là xây dựng trên cảm giác - tức là rung động của tế bào thần kinh. Vì là thực tế khách quan nên tất cả hình ảnh ấy cũng hình như là thuộc một thế giới riêng không liên quan gì đến thế giới khách quan. Hoạt động của hệ thần kinh, khách quan là hoạt động của một bộ phận của thế giới vật chất, nhưng nó có một phạm vi riêng mà xét trong phạm vi hoạt động riêng ấy nó gây ảo tưởng độc lập, nhưng thực ra thì không như thế. Sở dĩ ta phải xuống tới trình độ thấp nhất để chứng minh điểm này là vì lập luận của Descartes được đề ra cho mọi hình thái ý thức kể cả hình thái thấp nhất (chỉ có cảm giác thôi cũng là “có”).
2) Xét tập luận 2. - Có ý thức tức là có ý thức về một cái gì, tất nhiên ý thức khác cái nó nhằm. Lập luận này thực ra có gốc rễ trong ý thức cảm tính bắt đầu từ một trình độ nhất định trong lịch sử biện chứng của hệ thần kinh, lúc con vật bắt đầu có tri giác: ý thức nhằm một cái gì. Chính quan hệ “ý thức nhằm đối tượng” là quan hệ hoạt động của hệ thần kinh ở trình độ đã nắm được đối tượng, nắm được quan hệ giữa cơ thể và hoàn cảnh đến mức đạt tới đối tượng. Ví dụ: con cá đớp mồi. Khách quan, ta thấy tri giác của nó không có ý nghĩa gì khác là nội dung, đạt được do tổ chức thần kinh đã khắc phục quan hệ xuất hiện trong những cử động tự phát ở trình độ trước (giun). Đến lớp có vú thông thường thì đã biết đi quanh, tức là đã nắm được đối tượng một cách tương đối vững hơn, vì tổ chức thần kinh đã tổng kết những đường lối quanh co xuất hiện trong kinh nghiệm của những loài bò sát. Tức là lấy quan hệ duy tâm (ý thức nhằm đối tượng) và quan hệ duy vật - giữa cơ thể và đối tương, trong đó một quan hệ không gian nào đấy đã được tổ chức thần kinh khắc phục, là giống nhau và quan hệ duy tâm thực chất là quan hệ duy vật. Điểm này rõ ràng ở trình độ cảm tính mà trở nên vô cùng phong phú và phức tạp ở trình độ lý tính. Nói ý thức là ý thức nhằm đối tượng không đúng, vì quan hệ ý thức nhằm đối tượng chỉ là quan hệ giữa cơ thể và hoàn cảnh, đã được quy định trong hệ thần kinh.
3) Lập luận thứ 3. - Căn bản dựa vào quan hệ sản xuất hẹp hòi của xã hội nguyên thủy và các xã hội có giai cấp nhưng cũng có nguồn gốc trong lịch sử ý thức cảm tính. Hình thái ý thức chiếm hữu đối tượng xuất hiện rõ ràng trong hoạt động đi tìm đối tượng và hấp thụ đối tượng. Ví dụ một con chó đi tìm một miếng thịt, trong lúc đi tìm thì cũng đã nắm được đối tượng ấy: nó có trong ý thức của con chó dù không xuất hiện trước mắt, và nó tồn tại trong ý thức một cách tương đối vững chắc (không trông thấy miếng thịt, con chó vẫn đi tìm và có thể rất lâu nếu nó đói. Vậy nó chiếm hữu một cách lâu dài và tượng trưng những vật không có trước mắt). Như thế, từ lúc có hình thái đi tìm mồi một cách có tổ chức (về mặt khách quan) và đi tìm có ý thức (về mặt chủ quan), ý thức không những là nắm đối tượng, mà về mặt chủ quan nó chiếm hữu lâu dài đối tượng trong ý thức: bằng chứng là nó đi tìm. Nhưng quan hệ này ở đâu ra? Nó xuất phát từ trình độ trước: trước khi biết đi tìm thì nó đã phải có «kinh nghiệm» bắt được đối tượng đó, quan hệ chiếm hữu chủ quan đó phải xuất phát từ quan hệ chiếm hữu khách quan, nhưng đến một trình độ nào đó mới được tổ chức trong hệ thần kinh và chủ quan con vật mới nắm được đối tượng. Nếu nó có tư tưởng triết học thì nó có thế nói là chân lý chỉ là “cái tôi” nằm trong chủ quan, vì trước khi đó nó trong thực tế khách quan thì tôi đã có nó trong chủ quan và đi tìm nó thì tôi sẽ gặp. Thực ra đó là một ảo tưởng vì rõ ràng là nó kết tinh những hình thái cử động tự phát ở trình độ trước. Lậpluận này còn có những nguyên nhân xã hội, nhưng những nguyên nhân này phải dựa vào một cơ sở sâu hơn tức là giai đoạn cảm tính.
PHỤ LỤC
1 - Trong động vật, phát triển ý thức cảm tính không phải là nhận thức. Nhận thức đi sâu cảm tính, ở trình độ động vật chưa nắm được tính chất của đối tượng nghĩa là chưa có nhận thức. Mới chỉ có một sự quen thuộc cảm tính đối với hoàn cảnh xung quanh và chỉ những đối tượng trực tiếp trước mắt. Trong phạm vi sự quen thuộc đó, tất nhiên cũng có trình độ từ thấp đến cao, từ cảm giác đơn thuần đến bước đầu của năng lực tưởng tượng - hiện tượng mà ta đã thấy trong con khỉ biết dùng dụng cụ. Và trong quá trình biến chuyển từ thấp đến cao đó con vật ngày càng quen thuộc với hoàn cảnh.
Trẻ con lúc mới đẻ đã có toàn bộ tế bào thần kinh. Vậy tại sao lại phải trải qua những giai đoạn chính trong quá trình phát triển của động vật? - Vì những tế bào thần kinh phải chín muồi rồi mới hoạt động được. Lúc trẻ con mới đẻ, thì những bộ phận cấp thấp đã chín muồi, còn bộ phận cấp cao dần dần mới thành thục. Quá trình sinh lý hóa đó chứng minh rằng những bộ phận phức tạp xuất hiện sau trong quá trình tiến hóa của động vật, nên trong quá trình thành thục của trẻ con, những cử động tương đương cũng xuất hiện sau.
Bộ óc của ngành có xương sống có 5 múi. Trong con người thì múi đầu là to nhất. Múi thứ tư gọi là tiểu não (cervelet). Trẻ con mới đẻ chưa mở mắt, chưa có hướng theo hướng nào, mới chỉ có phản ứng đơn giản nhất như bú, dãy... Trình độ chín muồi mới đến múi thứ năm. Bộ phận quy định những hoạt động có hướng đầu tiên là múi thứ tư (tiểu não). (Nếu cắt tiểu não của một con chim, thì nó mất hướng không đứng được). Đến một lúc nào đấy, quá trình thành thục tiến lên thì trẻ con có hướng, rồi tiến từng bước đến trình độ thông minh. Điểm này chứng minh rằng hệ thần kinh được xây dựng từ dưới lên trên, những lớp tế bào tích lũy từ dưới lên trên và thành lập những bộ phận càng ngày càng phức tạp. Bộ phận gần đây nhất là vỏ não và múi trán trong vỏ não. Đó là bộ phận cao nhất trong hệ thần kinh. Vậy cơ cấu của hệ thần kinh lặp lại đại khái quá trình tiến hóa của động vật đã xây dựng loài người, cũng giống như khi đào một khu đất, ta thấy có những lớp đất khác nhau trong đó lớp ở dưới là lớp xa nhất, lớp ở trên là lớp gần đây nhất. Đi từ dưới lên, ta sẽ lặp lại được quá trình tiến hóa của mặt đất. Vì thế, bây giờ ta biết được dĩ vãng.
2 - Phân biệt giữa tư tưởng và những hiện tượng khéo léo của một số động vật như ong, kiến, khỉ.
Cử động của động vật có nhiều hình thái phức tạp nhưng tính chất phức tạp ấy là cố định. Ví dụ: cử động làm tổ, tích lũy mật của ong là do nhiều cử động được phối hợp với nhau mà thành. Và tất nhiên, hình như nó có một tổ chức rất phức tạp, nhưng tổ chức đó là cố định. Đấy không phải là một hình thái phức tạp tìm ra trước một hoàn cảnh mới để đáp lại hoàn cảnh ấy. Đấy là một tổ chức sẵn có (bản năng) trong cơ cấu của giống loài. Trong giống loài ấy, từ lứa nọ đến lứa kia, tổ chức sẵn có ấy cứ được lặp đi lặp lại mà thôi. Ví dụ: con ong làm mật một cách rất phức tạp -hình như nó rất thông minh - nhưng khi người ta lấy mật đi thì nó vẫn làm lại, chứng tỏ nó không thông minh. Vì nếu nó thông minh thì đã không làm lại, nghĩa là nó không đáp lại những hoàn cành mới. Từ đâu có những bản năng ấy?
Bản năng ấy cũng có lý do, có quá trình xây dựng của nó. Nó không phải do một Thượng đế nào sản sinh ra. Nó là do quá trình tiếp thu kinh nghiệm quen thuộc, cũng giống như những quá trình quen thuộc mà ta đã thấy ở tất cả những loại động vật khác. Nhưng trong trường hợp này, thói quen đã tiến tới một mức độ rất phức tạp do những điều kiện nào đấy. Ví dụ trong trường hợp con ong hay nhiều loài bọ khác có bản năng rất phức tạp, ta không hiểu tại sao trong một đời sống tương đối ngắn ngủi (ong sống có mấy tháng) mà đã xây dựng được kinh nghiệm phong phú như thế, lâu dài như thế.
Có thể, những ong ở những giai đoạn trước sống lâu hơn bây giờ (hàng mấy năm chẳng hạn), nhưng từ địa kỳ thứ tư, khi qua những thời kỳ băng đá thì những loài ong không sống lâu được nữa. Tuy thế, cơ cấu hệ thần kinh của nó vẫn giữ lại được tổ chức quen thuộc đã được xây dựng trước kia. Đó cũng là một giả thuyết thôi. Nhưng nói chung, điểm quan trọng ở đây là thói quen, không phải là tư tưởng. Vậy tiêu chuẩn của tư tưởng là gì? Bắt đầu từ bao giờ thì có tư tưởng? Tại sao nói động vật chưa có tư tưởng?
Phạm vi hoạt động của tư tưởng là đại thể. Đại thể tức là tính chất của vật thể, của đối tượng mà chúng ta tượng trưng bằng ý tưởng và bằng khái niệm. Ví dụ: trong khái niệm cây thì chúng ta tượng trưng một số đặc tính nào đấy của một số vật thể (cây). Do hệ thống đặc tính ấy, được qui định một loài vật thể là loài cây. Những đặc tính trong khái niệm là những hình thái tượng trưng, nhưng tượng trưng cho những tính chất có thực trong đối tượng. Những tính chất ấy là những khía cạnh nào đấy của qui luật phát triển của đối tượng. Ví dụ: cây mọc từ hột, tiến lên có rễ, thân cây, lá. Tất cả những vật thể phát triển theo quy luật này là cây.
Nói chung, đã nói đến tư tưởng thì tất nhiên nói tư tưởng với khái niệm. Tư tưởng tức là hiểu biết vật thể, hiểu biết thực tế trong những tính chất của nó. Tính chất ấy là những khía cạnh của qui luật phát triển của nó. Ở một trình độ thấp, chỉ nắm được những tính chất đơn giản, chưa nắm được qui luật, nhưng những tính chất ấy căn bản cũng là những khía cạnh của qui luật. Nói chung, chúng ta có thể nói tư tưởng là ý thức hiểu biết thực tế trong qui luật phát triển của thực tế ấy; nhưng muốn hiểu biết thực tế trong quy luật thực tế của nó, tất nhiên phải nắm được qui luật trong tính phổ cập của nó. Vì thế, tư tưởng là thuộc phạm vi đại thể. Tư tưởng hiểu biết cá thể qua đại thể, trong đại thể. Cá thể là thuộc phạm vi cảm tính, ý thức quen thuộc với hoàn cảnh xung quanh. Ý thức cảm tính không phản ứng theo tính chất trừu tượng, theo qui luật phát triển của đối tượng. Nếu nắm được qui luật, tất nhiên đã phải có ngôn ngữ, vì một tiếng nói là tượng trưng cho một khía cạnh nào đấy của qui luật phát triển đối tượng. Ví dụ: nói bàn có 4 chân là qui định rằng muốn làm một cái bàn thì phải đặt 4 chân. Đó là qui luật xây dựng cái bàn. Ta thấy rõ những động vật nhất định chưa có tư tưởng được. Vậy bao giờ thì có tư tưởng? Có phải hễ có tiếng nói thì có tư tưởng ngay không? Có thể như thế, nhưng tiếng nói đã là đại thể ở trình độ khái niệm chưa.
Những tài liệu về các dân tộc lạc hậu, còn ở trình độ thị tộc, chứng minh rằng: ý thức ở trình độ đó tuy đã đạt được một trình độ đại thể nào đấy nhưng chưa qui định đại thể được bằng qui luật khách quan nhất định - chỉ mới qui định một cách chung chung, nó còn là một thứ hình ảnh đại cương. Bằng chứng rằng ở đây cái đại thể chưa phân biệt với cái cá thể là: trong những ý kiến mê tín của những xã hội lạc hậu ở trình độ thị tộc, ta thấy rõ ràng là bất kỳ một vật nào cũng có thể chuyển loài được. Người biền thành chim, chim biến thành người - hoặc trong phép phù thủy thì biến người này thành người kia, đứng đây mà làm điều gì ở chỗ khác. Có được những y kiến như thế cũng đã là tiến bộ rồi, vì ở động vật thì chưa được như thế. Đó đã là một cách vượt qua được không gian thời gian trực tiếp trước mắt, nhưng nắm một cách thô sơ, lệch lạc. Ví dụ: người lạc - là thị tộc ngày xưa lấy chim lạc làm vật tổ - tức là người thị tộc ấy tự nhận mình là chim. Như vậy họ cũng đã có một ý niệm về chim rồi, vì phải nắm được giống loài mới xếp qui định một cách mơ màng. Nó là ý tưởng còn có tính chất cảm tính. Do đó, trong phạm vi cảm tính có sự lẫn lộn một tập thể người với một loài chim; hay trong phép thù thủy mà bỏ bùa, hoặc làm chài thì nhất định người ta lẫn lộn những cá thể trong cùng một loài. Ví dụ: một người trong thị tộc này giết một người trong thị tộc kia; thị tộc kia báo thù, quí hồ giết được một người nào khác của thị tộc ấy thì cũng đã thỏa mãn rồi, chứng tỏ là họ lẫn lộn cá thể này với cá thể kia trong cùng một thị tộc. Họ chưa phân biệt được cá thể và đại thể, chưa phân biệt được những cá thể trong đại thể ấy. Trình độ này là trình độ trung gian giữa cảm tính và lý tình. Có thể nói nó có một phần tư tưởng, một phần chưa. Ngôn ngữ cũng còn lung tung, mới là ngôn ngữ hình ảnh, chưa phải là ngôn ngữ khoa học. Do đó mà có nhiều chuyện mê tín. Hình ảnh nọ lẫn lộn với hình ảnh kia, nhưng dù sao cũng có thể nói đã có một hệ thống tư tưởng nhưng là hệ thống tôn giáo, lẫn lộn có qui luật, có trật tự không phải lung tung (chứng cớ là khi họ đã coi mình là chim lạc thì không coi mình là hổ). Trật tự xây dựng trên cơ sở lẫn lộn nhưng vẫn có trật tự. Ví dụ: phép phù thủy có tính chất cố định, có qui luật (đọc một bài chú thì không được phép trật một chữ nào).
3 - Quá trình tiến triển của quan hệ sản xuất trong xã hội nguyên thủy.
l) Giai đoạn từ 1 triệu đến 50 vạn năm gần đây là giai đoạn đã có công cụ nhưng chưa theo điền hình. Tức là sản xuất chưa được tổ chức. Đứng về mặt sinh vật lúc bấy giờ, những động vật sản xuất những công cụ ấy đã thoát khỏi trình độ khỉ nhưng chưa tiến hóa lên người. Những bộ xương tìm được ở trình độ ấy có tính chất trung gian giữa khỉ và người. Nó là vượn người (Pithécantropus), khối óc vào độ 900 – 1.000 cm3) - trung gian giữa óc khỉ (600 cm3) và óc người (1.300 – 1.700 cm3). Về tổ chức xã hội của nó, ta không nắm được gì hết, chỉ biết có sản xuất, nhưng sản xuất chưa được tổ chức. Và xét theo một xương hàm ở giai đoạn ấy thì hình như người lúc đó chưa biết nói vì lưỡi còn nhỏ và chưa được mềm dẻo. Bấy giờ chưa phải là hạ kỳ đồ đá cũ. Nó là giai đoạn tiền cổ thạch.
2) Đến hạ kỳ đồ đá cũ (50 - 20 vạn năm gần đây), đã có công cụ điển hình: quả đấm. Tức là những người sản xuất ra quả đấm ấy có tổ chức xã hội, nhưng về trình độ xã hội ta cũng không nắm được gì hết; chỉ biết trình độ hiểu biết thì cao hơn, vì bộ óc và đầu lâu ở giai đoạn này to hơn. Do đó có thể ước đoán rằng đã có ngôn ngữ.
*
Trở lại vấn đề nguyên do tiến hóa động vật, và do đó vấn đề nguyên do tiến hóa của hệ thần kinh Cụ thể là câu hỏi: cơ năng và khí quan và cử động của cơ thể, cái nào đi trước. Vấn đề đặt ra như thế là đặt dưới hình thức cũ, dưới danh từ cũ nên không chính xác và không giải quyết được. Cơ năng và khí quan bao giờ cũng đi đôi với nhau, cùng nhau xây dựng. Không có vấn đề trước sau, cũng như không thể hỏi gà và trứng cái nào đi trước. Ta giải quyết vấn đề này bằng cách vượt ra ngoài nó và danh từ trừu tượng ấy. Phải quan niệm một hoạt động khác chưa phụ thuộc khí quan nhưng xuất phát từ hoàn cảnh khách quan, và xây dựng theo lối biến lượng trở thành chất. Vì thế vấn đề là trước giai đoạn ấy có những hoạt động tự phát nào đấy (do quan hệ giữa hoàn cảnh mới và tổ chức cũ), rồi do biến lượng trở thành biến chất mà xây dựng khí quan và cơ năng cùng đi với nhau. Ví dụ khi có một số biển cạn thành mặt đất, phần lớn cá bị chết nhưng một vài loài nào đấy có điều kiện đặc biệt (chẳng hạn có bong bóng thở được, như một giống cá gần đây hay còn) nên sống được trên mặt đất. Nhưng tất nhiên nó phải thay đổi vì hoàn cảnh mới (mặt đất khác nước biển), do đó không đi thẳng mà bắt buộc phải đi vòng. Điều kiện ấy qui định sự xuất hiện tổ chức đi quanh, bắt đầu bằng đi cong (bò sát), sau mới đi quanh hẳn (có vú). Vậy vấn đề là do hoàn cảnh mới có một số hoạt động tự phát, có một hình thái cử động mới, lâu dần xây dựng và đến một lúc nào đấy tạo nên khí quan và cơ năng.
GHI CHÚ[2] 1 - KẾT LUẬN VỀ NGUỒN GỐC Ý THỨC TRONG TIẾN HÓA ĐỘNG VẬT - Ý thức là sản phẩm của hệ thần kinh.
- Sự tiến triển từ cơ thể lên ý thức là một biến chất theo qui luật biện chứng.
Mục đích
Hiểu rõ ý thức không ở ngoài nhập vào mà do sự phát triển của cơ thể, là sản phẩm của thần kinh dưới ảnh hưởng của khách quan.
Nghiên cứu sự tiến hóa của động vật, ta thấy mỗi trình độ có một trạng thái ý thức nào - khái niệm, ý thức cũng như tri giác hoàn toàn là cơ cấu của cử động. Cử động là nội dung khách quan của ý thức, tri giác, nhất là trong động vật. Do đó ta phải hoàn toàn căn cứ vào hình thức và nội dung khách quan - cơ động - của tri giác và ý thức để phân tích nó - để tránh sai làm chủ quan.
[Nếu trình độ sau là một hình thái chủ động hoàn cảnh hơn của trình độ trước, và cũng nắm được khách quan hơn]
Thần kinh là tổ chức của cử động, một tổ chức để tạo nên những kích thích dắt tới một cử động. Những cử động ở một trình độ cao hơn đòi hỏi một tổ chức cao hơn. Tuy nhiên mỗi một trình độ của cử động trên đều bao gồm cử dụng của trình độ dưới và phản ánh điều kiện khách quan - con khỉ hạ tầng rút dây nhưng chưa nắm được hiện tượng đó, vì thế khi không có dây nó chịu - trái lại khỉ thượng tầng đã nắm vững được quan hệ trung gian đó nên dùng gậy để kều. Ý thức là một sản phẩm chủ quan nhưng nó mang tính chất của khách quan (của hiểu biết), vì ý thức xây dựng trên cơ sở cử động mà cử động là phản ứng của sự vật với hoàn cảnh khách quan.
[Luồng thần kinh qui định một tổ chức nào đấy của cử động]
Sự tiến triển của ý thức có liên tục và gián đoạn.
Khi một cử động tiến triển đến trạng thái ý thức, nó đã qua một biến chất, do đó nó gián đoạn (ý thức bắt các cử động, bắt ở chỗ nó có thể không dẫn tới sự bắt thực sự). Nhưng nó không hoàn toàn mới và khác hẳn mà xuất phát từ cơ sở của cử động, nên xét cho cùng nó vẫn mang tính liên tục.
Ý thức là nguồn gốc của tư tưởng. Mà nội dung của ý thức chỉ là phản ánh của thế giới vật chất khách quan quanh ta, nên dù tư tưởng có cao xa đến đâu cũng chỉ là phản ảnh khách quan.
2 - SỰ TIẾN TRIỂN TỪ KHỈ LÊN NGUỜI Mục đích - Yêu cầu
Giải thích vì đâu phát hiện những đặc tính của loài người. Làm nổi bật vai trò lao động - góp phần xây dựng quan điểm lao động.
1 - Đặc tính của người đối với loài vật.
Căn cứ vào vai trò tinh thần, tư tưởng của loài người, tôn giáo cho rằng loài người là một hiện tượng vô cùng đặc biệt của thiên nhiên, khác hẳn, không liên lạc gì với loài vật và do một Đấng Thượng đế tạo ra. Nhưng ý thức tư tưởng, tinh thần là những đặc tính nhiều tính chất chủ quan. Ta phải xét theo phương diện khách quan.
Về phương diện thể chất các nhà khoa học xét rằng có tới hơn 2000 đặc điểm sinh lý học của loài người đối với loài vật.
Nhưng qui lại có 4 đặc điểm chính:
- bàn tay - dẻo hơn
- đi trên hai chân - (có một tư thế) dáng đi cao và đứng
- hệ thần kinh phức tạp hơn
- tổ chức cổ họng có thể nói được.
Về sinh hoạt có đặc tính:
- lao động sản xuất
- ngôn ngữ
- đời sống xã hội có tổ chức.
[Đặc điểm căn bản là đặc điểm về xã hội - lao động]
- Có những loài vật có hành động như lao động, nhưng sự thực không lao động sản xuất vì nó không sử dụng công cụ (khác dụng cụ nhất thời), và không kết tinh sáng kiến - để sản xuất. Yếu tố sử dụng công cụ sản xuất chứng tỏ sự chinh phục được hoàn cảnh thiên nhiên, biến thế giới thiên nhiên thành thế giới của con người, khác với loài vật cao nhất cũng chỉ lợi dụng hoàn cảnh thiên nhiên để thích ứng với thiên nhiên.
- Nhiều giống vật có thể nói được (vẹt, quạ...) nhưng không có ngôn ngữ. Ngôn ngữ đã tạo ra thế giới mới của loài người, một thế giới vô hạn có thể hoàn toàn khác với thế giới mà loài người xúc tiếp.
- Xã hội của động vật chỉ là những đàn chung sống có tính chất cá thể, còn xã hội loài người dù từ khi nguyên thủy đã có tính chất một tập thể xã hội.
2. Mầm mống những đặc tính trong loài khỉ.
Lý luận duy tâm căn cứ vào những đặc tính trên để cho rằng loài người không liên quan gì với loài vật và phải do một đấng Thượng đế tạo nên. Nhưng chúng ta dùng khoa học để xét, ta thấy những đặc tính ấy không tuyệt đối:
- Bàn tay người dẻo hơn nhưng không hoàn toàn khác tay khỉ nhân hình, và có dạy dỗ khỉ có thể làm được rất nhiều việc gần như người.
- Khỉ đi còng nhưng có những lúc đi thẳng - con gibbon gần như thường xuyên đi bằng 2 chi sau.
- Sự phát triển của hệ thần kinh loài người là kết quả của sự phát triển thành động vật một mức cao, không có sự phân cách tuyệt đối
- Tổ chức phát âm không đối lập với loài khỉ nhân hình - nhiều loài vật có thể biết nói.
[Người ta tìm được những bộ xương trung gian giữa khỉ và người (trán ít vẹt, hốc mắt ít gồ...) vào khoảng 1.000.000 năm trước đây]
Vê phương diện sinh hoạt:
- Khỉ dùng dụng cụ nhất thời rồi vứt đi, nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt và thường xuyên nào nó biết giữ dụng cụ trong thời gian ngắn
Vài nhà bác học, nhất là giáo sư Koehler (Đức), nghiên cứu khỉ nhân hình đã thấy những cử động chuẩn bị cho việc làm dụng cụ và trong hoàn cảnh bình thường - không luyện tập - đã có những cử động đặc biệt chứng minh những trình độ cao: «một con khỉ lắp một cái gậy nhỏ vào một ống gỗ rỗng to hơn để làm một cái gậy dài hơn kều chuối, hoặc cao hơn, đã gậm đầu một mảnh gỗ cho nhỏ hơn để lắp vừa ống» hay đã «biết chồng những hộp gỗ lên nhau - dù một cách không hệ thống - để vở lấy nải chuối» (Koehler).
- Nghiên cứu tiếng kêu của khỉ, người ta nhận thấy chúng có mấy chục tiếng kêu khác nhau và mỗi loại tiếng tương đối đã tương ứng với những hoàn cảnh khác nhau nhất định. Và đôi khi hình như đã phát biểu những hiện tượng khách quan - kêu con khác lại cùng khiêng hộp nặng chứ không thuần biểu hiện chủ quan.
- Khỉ chưa có tổ chức tập thể nhưng đã có những hành động có thể làm cơ sở cho tổ chức xã hội: thái độ cộng tác (gọi nhau cùng khiêng đồ vật, bày vẽ cho nhau cách lắp gậy dài hơn).
[Kêu là sự phát biểu cảm động chủ quan của động vật thành âm thanh]. Sự phân biệt căn bản là những đặc điểm xã hội. Nếu cần tìm nguồn gốc loài người, người ta kể từ lúc có công cụ - Loài người xuất hiện từ khi có lao động.
Người ta tìm ra công cụ trong tứ địa kỳ. Nghĩa là bắt đầu từ lúc ấy, một loài khỉ biết lao động. Cái gì thúc đẩy sự chuyển biến ấy?
[Nhất kỳ: phát triển cá Nhị kỳ: phát triển bò sát Tam kỳ: phát triển có vú Cuối tam kỳ: phát triển khỉ Đầu tứ kỳ: phát triển người]
Đầu tứ kỳ có một trận lạnh làm nhiều rừng bị mất đi. Một số khỉ phải xuống đất và thức ăn hiếm hoi hơn trước. Loài khỉ bắt buộc phải phát triển một khả năng có sẵn từ trước nhưng không vận dụng đến lắm: như năng dùng dụng cụ. Trong điều kiện mới, những dụng cụ không phải chỉ dùng xong vứt đi mà đã được giữ lại và cũng vì hoàn cảnh phải cải tiến dụng cụ - làm thành công cụ.
[Khoảng 1.000.000 - 20.000 năm trước đây, có những lúc cả một bể đá từ bắc cực tràn xuống miền ôn đới: nghiên cứu các địa tầng và vào núi hiện tại còn mang những vết rạch của đường đi của những bể đá ấy].
Trong sự chuyển biến này có gián đoạn và liên tục: sự chuyển đổi về lượng (thường xuyên tính của sử dụng dụng cụ) chuyển thành biến đổi về chất: dụng cụ tiến lên công cụ; cử chỉ tự nhiên thành động tác lao động, sự biến chuyển của hoàn cảnh tự nhiên thành hoàn cảnh của mình. Do đó có những chuyển biến về cơ thể, và những chuyển biến ấy là kết quả của sự xây dựng động tác lao động:
- Hai bàn tay trước ngày càng dùng càng dẻo; tay sau để đi - chân
- Hai tay sử dụng không dùng để dựa nên người phải thẳng lên để dựa vào chân sau.
Đời sống xã hội phức tạp hơn - bộ máy phát âm ngày càng phức tạp và phát triển hơn.
[Giá trị căn bản đời sống con người là sống tự do, nghĩa là tạo ra hoàn cảnh của mình và đó là kết quả lao động]
[Phổ biến kinh nghiệm và chuyển dụng cụ. Dù lạc hậu hay văn minh nhưng một số loài có lao động đầu là người và khác hẳn loài vật ở lao động. Nhưng chênh lệch về trình độ chỉ là kết quả của hoàn cảnh, điều kiện cơ thể tương đối giống nhau nếu đặt vào một hoàn cảnh lịch sử nào có thể văn minh được - lịch sử kháng chiến - căn bản phương pháp tư tưởng. Sự phân chia tuyệt đối là phương pháp của thống trị để tách ra, kìm hãm phát triển để bóc lột mãi] .
Trong đời sống, khỉ đã có mầm mống của ngôn ngữ và đời sống tập thể (tiếng kêu có vẻ yêu cầu giúp đỡ). Với sự phát triển, đời sống lao động dần dần tiến lên đời sống chung, cùng sử dụng dụng cụ, cùng lao động. Cuộc sống tập thể tiến triển trên cơ sở của sự phát triển của dụng cụ lên công cụ, theo những qui luật của sự phát triển ấy.
Trong cuộc sống tập thể lao động, ngôn ngữ xuất hiện. Sự phát âm có tính chất khách quan phần nào đã có mầm mống trong loài khỉ ngày càng được qui định chính xác hơn, và nảy sinh những ngôn ngữ mới phát xuất từ cơ cấu lao động (tiếng kêu thành tiếng hô, nhịp ngôn ngữ là nhịp lao động - dần dần được phân tích tỉ mỉ...). Cấu tạo của bộ máy phát âm theo sự biến chuyển của ngôn ngữ ngày càng phát triển, tổ chức cao hơn theo đời sống tập thể và lao động. Tổ chức tập thể ngày càng được qui định chính xác phản ánh sự đòi hỏi của động tác lao động - nảy sinh kỷ luật. Có 2 kỷ luật chủ yếu:
- Bảo vệ công cụ.
- Cùng nhau sản xuất công cụ.
Ta thấy rằng những mầm mống có sẵn trong loài khỉ thượng tầng đã biến lượng qua biến chất lên trình độ người nhờ lao động. Như thế, lao động không chỉ xây dựng đời sống hiện tại của chúng ta mà đã xây dựng nên chúng ta trong dĩ vãng nửa, nó đã xây dựng nên giá trị căn bản của loài người.
Trần Đức Thảo (Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 35-68)
Trở về trang gốc
"Trần Đức Thảo"
31-12-07 |