Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo, Phần 2
Tiến sỹ Triết học Cù Huy Chử Giới thiệu và phân tích chương 2 của tác phẩm Recherches Dialectiques (Những nghiên cứu về biện chứng học): Vấn đề con người. Trước khi phân tích nội dung chương 2, Le Problème de l’Homme (Vấn đề con người) của tác phẩm Recherches Dialectiques (Những nghiên cứu về biện chứng học), tôi muốn nhắc lại sau đây một sự việc, một kỷ niệm của Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo đã tặng Huy Cận tác phẩm La logique du present vivant (Logic sống động của thời hiện tại), có kèm theo Chương 1 của Recherches Dialectiques. Khi tặng Huy Cận tác phẩm ấy, Trần Đức Thảo dặn: “Nhờ anh nói với anh Cù Huy Chử photo lại văn bản này và lưu vào hồ sơ các tài liệu về tác phẩm của tôi”. Khi trao lại cho tôi văn bản về hai tác phẩm đó (bản photo), Huy Cận nói với tôi: “Về vấn đề con người, Trần Đức Thảo đã bị cuốn hút trong hoạt động sáng tạo của ông ngay từ đầu, và nó theo đuổi ông suốt cả cuộc đời”. Tôi nói với Huy Cận: “Công trình của Trần Đức Thảo nghiên cứu về vấn đề con người và lịch sử loài người, nếu tập hợp lại là rất đồ sộ”. Huy Cận nói tiếp với tôi: “Năm 1952, khi Trần Đức Thảo về nước, với tư cách là Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ lúc đó, tôi đã dẫn Trần Đức Thảo đến chào Bác Hồ. Bác Hồ đã mời cơm thân mật Trần Đức Thảo và tôi. Trong bữa cơm thân mật ấy, Trần Đức Thảo đã nói với Bác Hồ như sau: “Khi đọc các văn bản của Đảng Cộng sản Pháp, tôi rất chú ý đến sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Pháp mà Chủ tịch là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Trong Đại hội Tours (1920), khi có đại biểu hỏi: “Nguyễn Ái Quốc, anh đại diện cho ai?”, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời: “Nhân danh toàn thể loài người, tôi kêu gọi các đồng chí hãy ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa”.” Khi Trần Đức Thảo nhắc lại sự kiện lịch sử ấy, Bác Hồ nói: “Đúng rồi, nhân dân các nước thuộc địa muốn giải phóng khỏi chủ nghĩa đế quốc thì phải được toàn thể loài người ủng hộ và nhân dân các nước thuộc địa phải đoàn kết với toàn thể loài người. Nhưng điều quan trọng hơn là nhân dân thuộc địa đấu tranh để giải phóng nhằm mục đích gì? Là để làm người. Trong các tác phẩm tôi viết trước Cách mạng tháng Tám, tôi luôn luôn khẳng định con người ở các thuộc địa không thua kém con người ở bất kỳ đâu trên thế giới, vậy tại sao lại bị các nước đế quốc áp bức, bóc lột? Trớ trêu thay, khi tiến hành những chính sách dã man đối với nhân dân các nước thuộc địa, họ lại giương ngọn cờ khai hóa văn minh. Đã có lần khi đi thăm Viện Khảo cổ về loài người tại Paris, tôi có nói: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”.”[2] Khi nghe Bác Hồ nói như vậy, Trần Đức Thảo hỏi: “Thưa Bác, như vậy thì để được giải phóng, trước hết phải giải phóng về ý thức?”. Bác Hồ trả lời: “Đúng thế. Các bài viết của tôi vận động cách mạng, chính là trả lời câu hỏi của chú. Kêu gọi lòng yêu nước, như một giá trị tinh thần cao quý của dân tộc ta, cần hiểu lòng yêu nước cũng là giá trị cao quý của tất cả các dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Pháp. Chính cái giá trị tinh thần ấy làm cho các dân tộc xích lại gần nhau. Nói rằng vật chất có trước, vật chất quyết định tinh thần là rất đúng. Nhưng khi có tinh thần rồi, ở đây tôi muốn nói là lòng yêu nước, thì cái tinh thần ấy tạo ra sức mạnh để đưa đến những hành động yêu nước của nhân dân ta, mà các anh hùng Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… và các chiến sĩ cộng sản là sự thật tiêu biểu”. Trên đường từ nhà Bác ra về, Trần Đức Thảo tâm sự với Huy Cận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính nhân văn sâu sắc”. Huy Cận kể tiếp với tôi, lúc trao cho ông hai tác phẩm này, Trần Đức Thảo lấy từ túi áo ra tấm thiệp chúc Tết mà Bác Hồ gửi Trần Đức Thảo năm 1968. Trần Đức Thảo bọc giấy cẩn thận và bỏ trong một túi nilon, rồi trao cho Huy Cận, và nói với Huy Cận: “Anh dặn anh Cù Huy Chử giữ cẩn thận cho tôi bản gốc của tấm thiệp chúc Tết này. Tôi đã có ảnh chụp lưu lại. Tôi thầm cảm ơn Ông Cụ[3] đã luôn luôn nhớ đến tôi”. Như trên đã nói, Huy Cận đã trao lại cho tôi hai tác phẩm này và tấm thiệp chúc Tết ấy, khi đó Huy Cận nói với tôi: “Tôi đã đọc kỹ hai tác phẩm này, tôi thấy ở chương 2 của tác phẩm Recherches Dialectique là phát hiện sâu sắc đầy sáng tạo của Trần Đức Thảo”. Và Huy Cận nói tiếp: “Nói thật với chú, khi tôi viết những tác phẩm đầu tay (Lửa thiêng) thì tôi có hiểu bao nhiêu lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp đâu, tôi chỉ suy ngẫm về con người và con người nằm trong vũ trụ để sáng tác thôi. Ấy thế mà ngày nay nhiều bạn đọc trong nước và ngoài nước vẫn khen hay. Có lẽ nghệ sĩ muốn sáng tạo, trước hết tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ phải không ngừng mở rộng kích thước nhân văn”. ♦ Nghiên cứu về con người, về lịch sử loài người, các tác phẩm của Trần Đức Thảo là phong phú, đa dạng, từ các giai đoạn phát triển của lịch sử loài người, tiền sử đến cổ đại, đến hiện đại, đến cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, đến đời sống tâm thần… Trần Đức Thảo đã khái quát toàn bộ nội dung phong phú, đa dạng ấy, và khẳng định vấn đề quan trọng nhất của con người là có con người nói chung. Tại sao? Đặt vấn đề nghiên cứu con người nói chung, Trần Đức Thảo đã khẳng định chủ nghĩa duy vật biện chứng của triết học Mác và phát triển nó lên một tầm cao mới. Chủ nghĩa duy vật của Mác khẳng định hai vấn đề cơ bản của triết học: một là, giữa vật chất và ý thức, cái nào có trước, cái nào có sau và cái nào quyết định; hai là, ý thức của chúng ta có thể phản ánh trung thực thế giới khách quan không, nói cách khác, con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không. Thông qua sự sáng tạo lý thuyết về con người nói chung, Trần Đức Thảo đã phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác và Ăng-ghen lên một tầm cao mới, bởi vì Trần Đức Thảo với chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản thật sự đặt con người ở vị trí trung tâm của triết học, của nhận thức. Con người mà ông trình bày trong các tác phẩm của mình luôn luôn quán triệt rằng nó là kết quả của sự phát triển của lịch sử tự nhiên đưa đến lịch sử xã hội, con người. Như vậy thì luôn luôn phải hiểu con người như là một phần của tự nhiên, của vũ trụ, của xã hội. Như thế, đời sống tinh thần, đời sống ý thức của con người tất yếu phải gắn với toàn bộ sự vận động của vũ trụ, sự sống của con người không chỉ giới hạn hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động sáng tạo ra các giá trị trong quan hệ xã hội, mà đời sống tinh thần của con người gắn bó mật thiết với vũ trụ. Chỉ có như thế thì mới có đời sống tâm linh. Cũng chỉ có như thế thì con người mới có ý thức về cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ một cách đầy đủ, toàn diện, không ngừng phát triển. Tư tưởng trên đây của Trần Đức Thảo có phần nào hài hòa với tư tưởng của phương Đông về vấn đề con người. Nhưng tại sao Trần Đức Thảo lại có tư tưởng như vậy? Trong thư trả lời A. Kojève, khi tranh luận với Kojève về việc nhận thức, triển khai hiện tượng học tinh thần của Hegel, Trần Đức Thảo nói, do Trần Đức Thảo thấm nhuần và trung thành với triết học duy lý, cho nên nếu Kojève chỉ công nhận tự do và phủ định tất yếu, thì Trần Đức Thảo công nhận cả tự do và cả tất yếu. Trong lúc tranh luận với Kojève, Trần Đức Thảo đã nhắc đến nhà triết học vĩ đại nghiên cứu về cảm giác, đó là Spinoza. Chính cái vùng mờ-ảo-người là sự giao thoa, sự tranh chấp giữa cảm tính và lý tính. Tất yếu cái mờ-ảo-người ấy cũng là một yếu tố góp phần hình thành con người nói chung trong mỗi cá thể, cá nhân-nhân cách sống để hoạt động làm nên lịch sử. Hãy đọc cuộc đời của Lomonosov, của Einstein thì sẽ rõ điều ấy. Vấn đề đặt ra ở đây: con người nhận thức thế giới thì đồng thời con người cũng phải nhận thức được chính mình. Có con người nói chung và bản chất con người nói chung là cái gì, nó tồn tại và hiện hữu ở đâu? Để làm ra lịch sử của chính mình và lịch sử của đồng loại, con người cá thể, cá nhân-nhân cách phải xuất phát từ nền tảng giá trị nào? Về vấn đề này, Mác nói, con người làm ra lịch sử thì dĩ nhiên phải là những cá nhân sống. Như vậy có nghĩa là các cá nhân sống hành động làm ra lịch sử thì nó phải mang trong nó những giá trị chung của giống loài, của dân tộc và biến những giá trị ấy thành giá trị của cá nhân-nhân cách. Trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học, Mác đã khẳng định: “Tất cả lịch sử chỉ là một sự biến đổi không ngừng của cái bản tính con người”.[4] Cho nên đi đến tận cùng để giải đáp câu hỏi: ý thức, nhận thức của con người có phản ánh được thế giới hay không, và con người có thể hành động cải tạo thế giới hay không, chính là phải nhận thức rằng có con người nói chung tồn tại, thống nhất trong con người cá thể, cá nhân-nhân cách. Tuy nhiên đây là vấn đề nan giải trong triết học từ trước tới nay. Con người cá thể, cá nhân-nhân cách thì rõ ràng ai cũng nhận thấy, nhưng tìm đâu ra ý nghĩa trong con người nói chung? Mặc dù khi mỗi một ai đó trong khó khăn và bế tắc thì đều kêu gọi đồng loại, nhân loại như một con người nói chung. Từ đó đưa đến hệ quả: có khẳng định có con người nói chung thì mới bảo tồn di sản của văn hóa loài người và dân tộc, và kế thừa, phát triển những giá trị văn hóa ấy. Thực tiễn của lịch sử loài người, của dân tộc đã chứng minh như vậy. Mác đã trình bày rõ ràng nhận thức đó khi phân tích các giá trị nghệ thuật của Hy Lạp-La Mã thời cổ đại. Mác nói, đại ý: cứ coi như nghệ thuật Hy Lạp-La Mã thời cổ đại là phản ánh một thời đại ấu thơ của lịch sử loài người, nhưng chẳng lẽ khi loài người, tức chúng ta, đã trưởng thành thì những giá trị của thời ấu thơ của loài người lại không hấp dẫn chúng ta sao? Người lớn, mặc dù đã vượt qua tuổi ấu thơ, nhưng trở lại những tình cảm của tuổi ấu thơ vẫn giúp cho người lớn phát triển, trưởng thành. Hệ quả tiếp theo: nhận thức có con người nói chung thì trong quá trình xây dựng xã hội mới, phát triển lịch sử, mới không rơi vào quan điểm siêu hình: hoặc là những cái gì của xã hội cũ thì vứt bỏ, hoặc là xã hội mới chỉ xây dựng trên cái mà xã hội mới sản sinh ra. Chính tư tưởng của phái Cách mạng văn hóa vô sản tại Nga là như thế. Họ chủ trương vứt bỏ Lev Tolstoy, F. Dostoyevsky… để xây dựng một nền văn hóa vô sản thuần túy, đã sản sinh ra trong cuộc cách mạng vô sản. Lê-nin đã kịch liệt phản đối tư tưởng siêu hình của phái Cách mạng văn hóa vô sản. Nhưng tiếc rằng cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản ở Trung Quốc do Mao Trạch Đông phát động lại tái bản tư tưởng của phái Cách mạng văn hóa vô sản. Mao Trạch Đông nói Khổng Giáo là “nghiết phân chi đạo”[5]. Và Mao Trạch Đông phủ định rất nhiều những giá trị của các trí thức giai đoạn trước đem lại. Từ đó, Mao Trạch Đông đã đi đến giết hại, hãm hại hàng loạt trí thức và bức hại hàng mấy chục triệu người. Ở đây có điều cần nói rõ, Trần Đức Thảo dưới giác độ chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản đã khái quát các tác phẩm của Stalin và của Mao Trạch Đông là thể hiện tư tưởng siêu hình và tư tưởng duy tâm, và cũng khái quát hoạt động chính trị của họ là thể hiện tư tưởng siêu hình và duy tâm. Nhưng thực ra Stalin và Mao Trạch Đông không phải là nhà triết học. Dĩ nhiên họ phải chịu trách nhiệm trước công chúng về các tác phẩm mà họ đứng tên. Nhưng thực chất những tác phẩm ấy là do các thư ký, các chuyên gia viết cho họ. Tác phẩm của Stalin chủ yếu là do Phedosiev viết hoặc chỉ đạo các chuyên gia viết. Các tác phẩm của Mao Trạch Đông là do Trần Bá Đạt (thư ký của Mao Trạch Đông) viết, hoặc Trần Bá Đạt chỉ đạo cho các chuyên gia viết. Thật trớ trêu, trong Đại cách mạng văn hóa, khi Trần Bá Đạt bị đưa ra đấu tố, thì Trần Bá Đạt đã viết thư hỏi Mao Trạch Đông: “Thưa đồng chí Mao Trạch Đông, có phải tôi là người giúp đồng chí viết Mâu thuẫn luận và Thực tiễn luận không?”. Dĩ nhiên Mao Trạch Đông không trả lời. Nói điều này trên đây để thấy tác hại của tư duy siêu hình và tư tưởng duy tâm đã làm cho hoạt động sáng tạo Mác-xít đi sai hướng. Trách nhiệm trước lịch sử của Stalin và Mao Trạch Đông là đã tạo ra sự sùng bái cá nhân, làm cho quyền lực chính trị bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội, làm cho hoạt động sáng tạo bị thui chột, đi vào ngõ cụt, làm cho đội ngũ trí thức trở thành tay sai, bồi bút cho chính trị và quyền lực chính trị. Chính vì vậy, phải nghiên cứu và nắm vững con người nói chung và khẳng định nó để xây dựng xã hội mới thành công trên cái nền móng của những giá trị quá khứ mà loài người, mà dân tộc đã đạt được. Một hệ quả rất quan trọng khác là: cần nhận thức về con người nói chung được hình thành và phát triển gắn liền với sự hình thành và phát triển của con người cụ thể, cá nhân-nhân cách. Nhất thiết phải thông qua sự phát triển của ý thức xã hội và ý thức cá nhân, cho nên khẳng định như thế chính là khẳng định vai trò tích cực của ý thức và tính độc lập tương đối của ý thức. Nói như vậy có nghĩa là khẳng định có con người nói chung tức là khẳng định vai trò của văn hóa nói chung và vai trò của các thế hệ trí thức nói riêng. Tóm lại, đặt vấn đề có con người nói chung và nghiên cứu để thấu hiểu, làm sáng tỏ cái gọi là con người nói chung, Trần Đức Thảo đã đứng vững trên quan điểm duy vật biện chứng nhân bản để nhận thức về lịch sử giống loài, lịch sử loài người, về mối quan hệ biện chứng giữa cộng đồng và cá nhân trong trường kỳ lịch sử, từ đó, để nhận thức được bản chất con người. Để giải quyết vấn đề đã đặt ra: có con người nói chung, Trần Đức Thảo đã đứng vững trên quan điểm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Trong lịch sử triết học, vấn đề cái chung và cái riêng đã được Aristotle đặt ra. Ông nói: chỉ có từng cái nhà nói riêng, không có cái nhà nói chung. Cũng như vậy, có từng con người cá thể cụ thể nói riêng, chứ không có con người nói chung. Nhưng ông lại nói, phải nhận thức rằng có cái nhà nói chung, con người nói chung trong sự trừu tượng hóa thì mới nhận thức được cái nhà nói riêng, con người cá thể nói riêng. Sự thần tình của Aristotle là ở chỗ đó, bởi vì trong quá trình nhận thức, phải có sự trừu tượng hóa thì mới nhận thức được thế giới. Nhưng Aristotle vẫn giới hạn trong tư tưởng siêu hình, bởi vì ông tách biệt cái chung với cái riêng có trong hiện thực và có trong nhận thức. Lê-nin đã khắc phục nhược điểm của Aristotle khi ông nêu lên định nghĩa về cái chung và cái riêng như sau: “Như vậy, các mặt đối lập (cái riêng đối lập với cái chung) là đồng nhất: cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến cái chung. Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng. Bất cứ cái riêng (nào cũng) là cái chung. Bất cứ cái chung nào cũng là (một bộ phận, một khía cạnh, hay một bản chất) của cái riêng. Bất cứ cái chung nào cũng chỉ bao quát một cách đại khái tất cả mọi vật riêng lẻ. Bất cứ cái riêng nào cũng không gia nhập đầy đủ vào cái chung v.v… và v.v... Bất cứ cái riêng nào cũng thông qua hàng nghìn sự chuyển hóa mà liên hệ với những cái riêng thuộc loại khác (sự vật, hiện tượng, quá trình), v.v...”[6] Khi giải thích luận điểm trên của Lê-nin về cái chung và cái riêng, trong chương 2, Vấn đề con người (Những nghiên cứu về biện chứng học), Trần Đức Thảo chỉ rõ, Lê-nin đã khắc phục quan điểm siêu hình của Aristotle về cái chung và cái riêng. Aristotle nói: Sự nói chung như là nói chung không thể có sự thật ở ngoài cái cá thể, vì ngoài các căn nhà cá thể không thể có căn nhà nói chung. Với quan điểm siêu hình như vậy, thì không đâu có sự tồn tại thật sự, và đây là một bức tường mà cho đến ngày nay vẫn làm bế tắc trong sự nhận thức vấn đề con người, dù có những tiến bộ vượt bậc của khoa học nhân văn, trong ý nghĩa nguyên thủy, trong hiện tại hay tương lai và bài toán về con đường đi đến đời sống thật sự của con người về phương diện ý thức và sự hiện hữu của sự sống. Lê-nin chỉ rõ: cái chung chỉ tồn tại trong và xuyên qua cái riêng. Chính nhận thức như vậy cho phép chúng ta hiểu cái chung không chỉ là sự trừu tượng hóa mà còn có cái chung cụ thể. Cũng vậy, cái riêng không chỉ là cái cụ thể mà còn có cái riêng trong sự trừu tượng hóa. Ví dụ, giống loài của động vật và thực vật là cái riêng trong sự trừu tượng hóa của cái chung là giống loài. Như vậy sự giao thoa giữa cái chung cụ thể và cái riêng cụ thể sẽ tạo ra các hoàn cảnh lịch sử cụ thể để cho sự vật hình thành, ra đời và phát triển. Con người cá thể, cá nhân-nhân cách như là một sự vật, một hiện tượng ra đời và phát triển trong sự giao thoa giữa con người nói chung và con người cá thể, cá nhân-nhân cách. Ở đây, đời sống toàn diện của con người cá thể, cá nhân-nhân cách, trong đó có đời sống tâm linh, sẽ tạo ra cái mờ-ảo-người để con người nói chung tồn tại và hiện hữu trong nó, thiên biến vạn hóa vô cùng tận. Trần Đức Thảo đã phát triển luận đề trên của Lê-nin như sau: chính vì cái chung chỉ tồn tại trong và xuyên qua cái riêng, ngược lại, cái riêng trong mối liên hệ với cái riêng khác để đưa đến cái chung, cho nên, điều quan trọng trong nhận thức là, như vậy đặt trong hệ thống thì cái chung cũng chính là cái cụ thể, cũng như cái riêng luôn luôn là cái cụ thể, nhưng đến lượt nó cái riêng cũng có thể trở thành cái chung, là một bộ phận không thể tách rời của cái chung. Chẳng hạn, trong mối liên hệ giữa Trái Đất và các hành tinh khác xung quanh Mặt Trời, tạo ra Thái Dương hệ, thì Thái Dương hệ là cái chung. Nhưng đặt trong Ngân hà hệ, thì Thái Dương hệ lại là cái riêng. Cũng vậy, đặt trong Thái Dương hệ, thì Trái Đất là cái riêng, nhưng đến lượt nó, Trái Đất trở thành cái chung, bao gồm các tầng lớp địa chất, địa quyển, thủy quyển, sinh quyển, v.v… Bởi vậy, khi đặt vấn đề nghiên cứu cái gọi là con người nói chung, phải đứng vững trên quan điểm duy vật biện chứng để nhận thức được mối liên hệ giữa cái chung, tức cái vận động của lịch sử tự nhiên đưa đến lịch sử con người, cái toàn loài, cái dân tộc, với cái riêng, tức cái cá thể, cá nhân-nhân cách cụ thể. Mối liên hệ ấy mang tính duy vật và biện chứng. Cũng từ đó, nhận thức cá nhân-nhân cách cụ thể như là cái riêng, phải đặt nó trong vận động biện chứng của lịch sử tự nhiên và trong vận động biện chứng của lịch sử xã hội. Lịch sử tự nhiên phát triển đưa đến con người, như Ăng-ghen nói: “Cũng giống như lịch sử của phôi thai con người trong bụng mẹ chỉ biểu hiện một sự lắp lại thu ngắn của lịch sử hàng triệu năm phát triển về thể chất các động vật tổ tiên chúng ta bắt đầu từ con giun, thì sự phát triển trí tuệ của đứa trẻ cũng là một sự lắp lại, duy chỉ còn thâu tóm hơn ở các bậc tổ tiên ấy, ít nhất là các vị gần đây nhất”.[7] Trần Đức Thảo phân tích: “Từ khi sinh ra đến 1 tháng tuổi, trẻ sơ sinh mở mắt ra với cái nhìn không rõ và mơ hồ, điều này gợi lại sự xuất hiện các mắt đơn bào ở loài Ruột khoang. Đến 2 tháng tuổi, cái nhìn của nó thẳng và rõ ràng, điều này đặt nó vào trình độ của loài Giun. Từ 2 đến 4 tháng tuổi, nó chăm chú nhìn vào mọi đối tượng đi qua trước nó. Khi có ai cúi xuống với nó và lắc đầu, nó cười mỉm và động đậy từ đỉnh đầu đến mũi bàn chân, điều này gợi nhớ đến động tác quẫy của loài Cá khi chúng bơi thành đàn. Đến 5 tháng tuổi, nó học ngồi lên, và đến 7 tháng tuổi, nằm sấp phần bụng, nó ngóc đầu cao, điều này đặt nó vào trình độ của loài lưỡng cư và loài bò sát. Kể từ đây nó không còn là trẻ sơ sinh mà là một em bé. Đến 10 tháng tuổi, nó biết ngồi không cần phải tựa. Áp bụng xuống dưới, nó có thể bắt đầu chống bàn tay và đấu gồi, bò toài về phía trước. Giữ hai tay, nó có thể đứng lên, điều này gợi nhớ đến hành vi của loài Động vật có vú. Đến 12 tháng tuổi, nó đạt tới độ tuổi của loài tinh tinh. Nó ngồi ở tư thế rất thẳng. Nó cho một khối vuông đổi lấy một khối khác, nó lấy đồ chơi đập vào một đồ chơi khác, nắm một đầu sợi chỉ và kéo về phía mình một đồ vật buộc vào đầu dây kia. Nó biết cười với hình ảnh của mình trong gương. Nó có thể dắt tay đi, học vỗ tay Hoan hô và vẫy tay Tạm biệt. Tất cả những điều kỳ tích này thuộc về trình độ loài tinh tinh. Đến 14 tháng tuổi, nó biết làm động tác chỉ, hành vi này là đặc điểm thuộc về trình độ loài Vượn phương Nam phát triển, điều này được khẳng định bằng khả năng của đứa bé có thể tự nó đi trên đôi chân của mình. Từ 12 đến 14 tháng tuổi, việc sử dụng các tín hiệu tiền ngôn ngữ của đứa trẻ cho phép ta coi hoạt động thần kinh của nó là tiền sống trải và tiền tâm lý, điều xác định một trình độ cao nhất của động vật. Đến 15 tháng tuổi xuất hiện bước nhẩy vọt cơ bản về chất chuyển từ tính động vật sang tính người dưới hình thức khởi nguyên của Con người khéo léo (Homo habilis). Từ 15 tháng đến 5 tuổi, việc hình thành ngôn ngữ và ý hoạt động tâm lý (bao gồm cái sống trải, ý thức, tiềm thức và vô thức), được nhịp độ chín muồi của vỏ não tạo điều kiện, và được các truyền thống giáo dục của cộng đồng gia đình thúc đẩy, lấy lại các ý nghĩa và giá trị xã hội về tâm lý thuộc loại con người trong phép biện chứng về sự phát triển lịch sử của nó, từ cộng đồng địa phương các Con người khéo léo đến bộ lạc đang phát triển của Người thời đại đồ đá giữa và Người thời đại đồ đá mới đầu tiên”.[8] Từ 5 tuổi đến 15 tuổi, đứa trẻ phát triển trong mối liên hệ với văn hóa dân tộc thông qua giáo dục, gia đình và trường học. Từ 15 tuổi cho đến lúc trưởng thành, đứa trẻ phát triển trong mối liên hệ với xã hội rộng lớn hơn, xã hội dân tộc-giai cấp và nhân loại, thông qua việc tiếp thu và mở rộng những giá trị văn hóa của dân tộc và của loài người. Cần lưu ý, sự phát triển và trưởng thành của đứa trẻ từ bào thai cho đến lúc trưởng thành phải đặt trên nền móng sinh học. Đó chính là sự phát triển cơ thể của đứa trẻ, đặc biệt là sự phát triển của quả cầu não và vỏ óc. Từ cơ sở triết học về mối liên hệ giữa cái chung và cái riêng của chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản ấy, Trần Đức Thảo đã tập trung giải quyết một vấn đề rất căn bản, đó là bản chất con người. Cái bản chất con người là gì? Câu trả lời đó chính là: cái con người nói chung tồn tại, hiện hữu trong con người cá nhân-nhân cách cụ thể, vận động trong lịch sử giống loài, lịch sử dân tộc. Muốn giải quyết vấn đề này, phải vận dụng quan điểm hệ thống. Thống nhất nhận thức luận và bản thể luận, theo quan điểm hệ thống, thì bản chất của sự vật cần được nhận thức theo quan điểm của Lê-nin: “Quá trình nhận thức của con người về các sự vật, các hiện tượng, các quá trình… là đào sâu vô hạn từ hiện tượng đến bản chất, từ cái bản chất ít sâu đến cái bản chất sâu hơn. Tư duy con người đào sâu vô hạn, từ hiện tượng đến bản chất, từ cái bản chất có thể gọi là hàng một đến cái bản chất hàng hai v.v… và cứ như thế vô hạn”[9]. Trong tác phẩm Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Ăng-ghen đã chỉ rõ: chủ nghĩa duy vật của thế kỷ trước chủ yếu là cơ học, nó chỉ biết áp đặt cái mẫu hình cơ học vào những hiện tượng mà bản tính là hóa học và hữu cơ, và trong ấy tất nhiên quy luật cơ học vẫn hoạt động, nhưng bị đẩy lùi về phía sau do những quy luật khác cao hơn. Cụ thể thì đứng trước những hiện tượng sinh học của một con vật đang sống, nếu chúng ta đi vào bản chất của chúng, thì thấy những quy luật liên hệ, vận động sinh học, và hệ thống của những quy luật ấy là cái bản chất sinh học. Nhưng đấy chỉ là cái bản chất hàng một của sinh vật. Vì nếu đi sâu hơn, thì thấy những liên hệ, chuyển biến hóa học. Chất sống đồng thời cũng là hóa chất, tức là một khối những phân tử, mỗi phân tử là một tổ hợp những nguyên tử, liên hệ, chuyển biến theo quy luật hóa học. Hệ thống của những quy luật này là cái bản chất hóa học. Đấy là cái bản chất hàng hai của sinh vật. Nếu đi sâu hơn nữa thì lại thấy rằng mỗi nguyên tử là một tổ hợp những hạt nhỏ, liên hệ, chuyển biến theo quy luật vật lý mà hệ thống là cái bản chất vật lý. Đấy là cái bản chất hàng ba của sinh vật. Và cứ như thế mãi. Lê-nin nói: “Cũng như nguyên tử, thì điện tử là vô cùng tận”.[10] Trên cơ sở phương pháp luận triết học của Ăng-ghen và Lê-nin, Trần Đức Thảo đã khái quát các hàng bản chất của con người nói chung như sau: nếu tính từ hiện tại đến quá khứ, thì bản chất hàng một là con người giai cấp, bản chất hàng hai là con người dân tộc-giai cấp, bản chất hàng ba là con người thời khởi nguyên, tương đương với tuổi ấu thơ của con người hiện đại, bản chất hàng bốn là con người sinh học, từ cấu tạo cơ lý hóa sinh đến sự phát triển của giống loài đến khỉ tinh tinh. Nhưng các hàng bản chất nói trên phải hiểu luôn luôn được vận động theo quy luật biện chứng, phủ định của phủ định. Hàng bản chất sinh học của con người đã bị phủ định bởi sự ra đời của xã hội loài người thời khởi nguyên. Xã hội thời khởi nguyên, chưa có giai cấp, đã bị phủ định bởi xã hội có giai cấp và hình thành xã hội dân tộc-giai cấp. Xã hội dân tộc-giai cấp bị phủ định để đưa đến sự tồn tại của giai cấp trong mỗi một cá nhân-nhân cách. Nhưng suốt quá trình phủ định ấy của lịch sử, thì những giá trị của thời khởi nguyên đưa đến bản chất xã hội của con người mang tính hữu ái của đồng loại, con người luôn luôn sống với quan hệ công bằng, tự do, bình đẳng, bác ái. Lớp giá trị ấy của con người khởi nguyên mãi mãi tồn tại trong trường kỳ phát triển của lịch sử loài người, bởi nó tạo ra động lực cho con người luôn luôn khẳng định mình và hướng tới tương lai. Quan hệ xã hội đó được xây dựng trên sở hữu thời khởi nguyên. Như Mác nói: “Như cái gì thuộc về mình, cái gì của mình… như tiền đề tự nhiên của bản thân mình, giống như thân thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình. Theo nghĩa chính xác, thì không phải là con người đứng bên ngoài mà cư xử với những điều kiện của sự sản xuất của nó như thế, mà chính là nó sinh tồn theo hai tư cách: một là chủ quan với tư cách bản thân nó, hai là khách quan trong đôi điều kiện tự nhiên ngoài nó của sự sinh tồn của nó. Đôi điều kiện tự nhiên của sản xuất như thế là: 1. Sự sinh tồn của con người với tư cách thành viên của một cộng đồng, 2. Thái độ của con người đối với địa bàn đất đai, thông qua cộng đồng mà coi đất đai như là của mình, quyền sở hữu đất đai là chung, đồng thời có quyền sử dụng riêng cho cá nhân, hoặc chỉ có quả thực là được chia. Quyền sở hữu nguyên thủy như thế thì có nghĩa là thuộc vào một... cộng đồng nguyên thủy, có sự sinh tồn chủ quan, khách quan của mình trong ấy, và thông qua thái độ của cái cộng đồng ấy coi địa bàn đất đai như là cái thân thể vô cơ của mình, thì cá nhân cũng có thái độ với đất đai, coi địa bàn đất đai như tiền đề của cá tính mình, như phương thức tồn tại của cá nhân mình”.[11] Nói quan hệ xã hội công bằng, tự do, bình đẳng, bác ái được hình thành thời khởi nguyên là giá trị cố hữu của bản chất người đi suốt trong quá trình lịch sử phát triển của loài người, là vì con người ở bất cứ thời đại nào thì cũng phải vừa sở hữu cộng đồng trong đó mình tồn tại, đồng thời sở hữu cái tự nhiên nguyên thủy, đặc biệt là đất đai, trong đó mình tồn tại. Mặt khác, chính giá trị cố hữu ấy tạo ra tiềm lực và động lực để con người giải quyết những mâu thuẫn được đặt ra trong mối liên hệ với tự nhiên và mối liên hệ với xã hội. Khi xã hội bước vào thời kỳ có giai cấp và đấu tranh giai cấp, nghĩa là con người bước vào thời kỳ tha hóa và đấu tranh chống tha hóa, thì những giá trị về quan hệ xã hội công bằng, tự do, bình đẳng, bác ái là cái để các giai cấp bị trị kêu gọi sự đoàn kết cộng đồng giai cấp, tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh chống giai cấp thống trị. Ở đây ý thức làm người là khía cạnh hết sức quan trọng. Ví du, người nô lệ bị coi là công cụ biết nói. Để khẳng định họ là người, họ đã đập phá các công cụ sản xuất. Tuy nhiên giai cấp thống trị trong lúc thực hiện áp bức, bóc lột giai cấp bị trị, thì vì quyền lợi của họ, họ đã tìm cách ứng xử cho thích hợp để tạo ra của cải nhiều hơn cho họ. Sự ứng xử như vậy cũng bắt nguồn từ chỗ giai cấp thống trị nhận ra giai cấp bị trị cũng là những con người, cùng đồng loại với mình. Ví dụ, trong bộ luật Hammurabi có quy định suất ăn của người nô lệ nhiều hơn suất ăn của người quản gia. Cũng như khi người nô lệ có khả năng phát triển tinh thần thì chủ nô có thái độ đối xử ưu ái. Socrates có mẹ là một nô lệ làm nghề đỡ đẻ cho bò, và cha là người nô lệ làm thợ xây. Nhưng vì Socrates thông minh nên chủ nô lệ đã tạo điều kiện cho ông ăn học và trở thành nhà triết học nổi tiếng của thời cổ đại. Rõ ràng lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp, lịch sử tha hóa và chống tha hóa diễn ra hết sức phức tạp, đầy mâu thuẫn, nhưng nhìn chung thì lịch sử xã hội vẫn phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ. Xã hội chiếm hữu nô lệ vẫn tiến bộ hơn xã hội thời khởi nguyên, xã hội phong kiến vẫn tiến bộ hơn xã hội chiếm hữu nô lệ, bởi người nông dân, người thợ thủ công đã có sở hữu cá nhân. Xã hội tư bản vẫn tiến bộ hơn xã hội phong kiến, bởi người vô sản được tự do bán sức lao động của mình trên thị trường, về hình thức thì vẫn “thuận mua vừa bán”, hơn hẳn người nông dân bị ràng buộc trong các trang trại của địa chủ phong kiến. Lao động của người vô sản là lao động tự do. Khác hẳn với kỷ luật của chế độ phong kiến là roi vọt và lao động nô dịch, thì kỷ luật của xã hội tư bản là đồng tiền và sự cải tiến không ngừng công cụ sản xuất để tạo ra giá trị thặng dư, tăng cường bóc lột người công nhân, nhưng đồng thời vì thế khả năng của người công nhân cũng được phát triển hơn khả năng của người nông dân trong quá trình sản xuất. Như vậy thì các hàng bản chất của con người nói chung không ngừng phát triển trong lịch sử theo quy luật biện chứng, phủ định của phủ định. Nghĩa là mỗi lần phủ định như vậy thì lại khẳng định bản chất con người, tức con người nói chung ở một trình độ cao hơn, tiến bộ hơn. Một khía cạnh rất quan trọng cần được nhận thức là: tại sao cái gọi là con người nói chung, tức bản chất của con người, lại tồn tại hiện hữu và thống nhất trong con người cá nhân-nhân cách cụ thể. Trần Đức Thảo đã trích dẫn Mác để luận giải vấn đề đó như sau: “Cái tiền đề đầu tiên của tất cả lịch sử những con người thì dĩ nhiên là sự thực tại của những cá thể người sinh sống. Tức là cái tình hình đầu tiên cần phải xác nhận, là cái tổ chức cơ thể của họ, và xuất phát từ đấy là cái quan hệ thực tế của họ với cái thiên nhiên xung quanh. Ở đây dĩ nhiên chúng ta không có khả năng đi vào cái cơ cấu cơ thể của người ta, và cũng không có khả năng đi vào những điều kiện thiên nhiên đứng trước họ. Tất cả mọi công trình nghiên cứu lịch sử dĩ nhiên phải xuất phát từ những nền móng thiên nhiên như thế”.[12] Như vậy, những cá thể người sinh sống muốn tạo ra lịch sử thì một mặt họ phải sử dụng cái lịch sử đã tạo ra, nghĩa là cái xã hội có trước đã tạo ra và mỗi cá thể người sinh sống, tức cá nhân-nhân cách tiếp nhận những giá trị vật chất và tinh thần mà các thế hệ trước đã tạo ra. Nói một cách đơn giản, đó là những lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã có từ trước và các thế hệ được tiếp nhận những giá trị của chúng để sống, để sáng tạo. Trần Đức Thảo nhận thức tư tưởng của Mác và khẳng định: xã hội có trước, cá nhân có sau.[13] Một mặt không kém phần quan trọng là các thế hệ, các cá nhân-nhân cách luôn luôn được trưởng thành, phát triển trong sự giáo dục của gia đình, của trường học, của phong tục tập quán, của văn hóa dân tộc và nhân loại, của hoạt động thực tiễn xã hội của họ. Tóm lại, cái gọi là con người nói chung là cái gì? Đó chính là cái bản chất người được cấu tạo bởi các hàng bản chất: quan hệ giai cấp, quan hệ xã hội-dân tộc, quan hệ xã hội thời khởi nguyên, quan hệ sinh học. Cái con người nói chung ấy tồn tại, hiện hữu ở đâu? Cái gọi là con người nói chung ấy tồn tại, hiện hữu trong con người cá thể, cá nhân-nhân cách. Mối quan hệ của các hàng bản chất người phát triển theo quy luật biện chứng và mối quan hệ giữa cái gọi là con người nói chung với con người cá thể, cá nhân-nhân cách cũng phát triển theo quy luật biện chứng. Như vậy thì vai trò ý thức của con người đặc biệt quan trọng. Chính sự vận động biện chứng của tinh thần, của ý thức con người trong mối quan hệ với vận động biện chứng của lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, đặc biệt là lịch sử của nền sản xuất vật chất xã hội, đã sáng tạo ra những giá trị của cái gọi là con người nói chung và làm cho những giá trị ấy tồn tại, hiện hữu, phát triển trong các cá thể, cá nhân-nhân cách. Bởi cái con người nói chung muốn hiện hữu và phát triển trong con người cá thể, cá nhân-nhân cách thì một mặt cá thể, cá nhân-nhân cách phải chủ động để tiếp nhận những giá trị mang tính nhân loại, tính dân tộc, tính giai cấp trong hoạt động thực tiễn của nó. Mặt khác, cộng đồng xã hội, tức gia đình và sau đó là các tổ chức xã hội và văn hóa của cộng đồng tích cực giáo dục để truyền thụ các giá trị của con người nói chung vào cho từng cá thể, cá nhân-nhân cách. Tóm lại, xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản, Trần Đức Thảo đã sáng tạo ra lý thuyết về cái gọi là con người nói chung. Lý thuyết ấy đã đưa đến nhận thức rằng: mỗi cá thể, cá nhân-nhân cách hiện hữu luôn luôn thống nhất với đồng loại của mình, với nhân loại trong tiến trình phát triển của xã hội, của văn hóa loài người. Sáng tạo ấy của Trần Đức Thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Về lý luận, lý thuyết về con người nói chung đã góp phần khắc phục tư duy siêu hình về con người, để nhận thức vấn đề con người một cách toàn diện hơn, chính xác hơn, như vậy nó sẽ giúp cho khoa học xã hội nhân văn phát triển đúng hướng, ngày càng sâu sắc và mang tính nhân văn, nhân bản. Về thực tiễn, sáng tạo lý thuyết về con người nói chung sẽ không rơi vào siêu hình trong việc xây dựng xã hội mới, để có thể tiếp nhận và sử dụng những giá trị, những thành tựu mà các thế hệ của các xã hội trước để lại, biến chúng thành tiềm năng, khả năng trực tiếp tạo ra sự hình thành những giá trị mới của xã hội mới. Như thế sẽ không rơi vào tình trạng phủ định sạch trơn giá trị của quá khứ. Sự thực lịch sử là những con người xây dựng xã hội mới lúc xã hội mới bắt đầu hình thành, thì chính họ là những thế hệ vốn đã được ra đời trong xã hội cũ. Trong họ có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tuy vậy, không vì thế mà tuyệt đối hóa mặt tiêu cực của họ, bởi mặt tiêu cực ấy cũng có mối liên hệ biện chứng với mặt tích cực của chính họ. Cần chống tư tưởng tuyệt đối hóa giai cấp và đấu tranh giai cấp. Không nhận thức như thế thì không giải thích được sự vận động và chuyển hóa giai cấp trong những cá thể, cá nhân-nhân cách, con người sống. Mác và Ăng-ghen là trí thức gắn liền với giai cấp tư sản, đã chuyển sang là người sáng lập chủ nghĩa cộng sản đấu tranh cho sự thắng lợi của giai cấp vô sản. Hồ Chí Minh xuất phát từ một gia đình trí thức, quan lại, đã trở thành người sáng lập ra Đảng Cộng sản, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc để giành độc lập tư do cho cả dân tộc. Sở dĩ có sự chuyển hóa giai cấp ở các cá nhân như vậy là xuất phát từ con người nói chung tồn tại và hiện hữu trong các cá nhân đó. Một khía cạnh khác, rất quan trọng của ý nghĩa thực tiễn của lý thuyết về con người nói chung là: nắm vững lý thuyết ấy, các lực lượng lãnh đạo xã hội, các lực lượng sáng tạo văn hóa-nghệ thuật, giáo dục, khoa học-kỹ thuật sẽ nỗ lực phát huy tự do dân chủ, sáng tạo ra các giá trị mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc, tạo ra sự hài hòa giữa các cộng đồng, giữa các cá nhân-nhân cách, tạo ra môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa để con người được tự do phát triển toàn diện. Nhận thức về lý thuyết con người nói chung còn giúp cho con người phát triển ý thức một cách bền vững. Con người không chỉ hạnh phúc và sung sướng trước những thăng hoa của sự sống, mà còn phải suy ngẫm trước những tấn bi kịch của nhân loại, của dân tộc, như chiến tranh, như sự trả giá bởi sự ngu dốt, mà theo Mác, đó là tấn bi kịch đã và sẽ đi theo loài người suốt trường kỳ lịch sử. Con người sẽ trưởng thành hơn, ý thức đầy đủ về mình hơn khi đứng trước nỗi đau của cuộc đời, như Nguyễn Du đã từng khái quát: Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung [14] Thấm nhuần lý thuyết về con người nói chung, các cộng đồng và các cá nhân luôn luôn tự bồi đắp các lớp giá trị để trưởng thành, phát triển, bởi: “Người ta lúc đầu phải nhìn vào người khác, như nhìn vào một cái gương mới nhận thấy mình được” (Các Mác) [15].
T.P Hồ Chí Minh, 27/9/2011 [1] Chúng tôi gửi tặng bài viết này cho tạp chí Văn hóa Nghệ An. [2] Xem: Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp, trong Toàn tập Hồ Chí Minh, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 350. [3] Tức Bác Hồ. [4] Marx, Sự khốn cùng của triết học, bản tiếng Pháp, Ed. Giarad, tr. 197. Dẫn theo Trần Đức Thảo, Nói rõ thêm một số luận điểm trong cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”, Tạp chí Giáo dục lý luận, tháng 5/1990, tr. 21. [5] Nghĩa là một đạo “ăn cứt”. [6] Lê-nin, Toàn tập, tập 29, Nhà xuất bản Tiến bộ và Nhà xuất bản Sự thật, Mát-xcơ-va và Hà Nội, 1981, trang 381 (đối chiếu với bản tiếng Nga, trang 321). [7] Ăng-ghen, Biện chứng của tự nhiên. Dẫn theo Trần Đức Thảo, Sự hình thành con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 30. [8] Trần Đức Thảo, Sự hình thành con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 30-32. [9] Lê-nin, Bút ký triết học, bản tiếng Nga, tr. 203, 227. Đối chiếu với bản tiếng Việt: Lê-nin toàn tập, tập 29, Nhà xuất bản Tiến bộ, 1981, Hà Nội, tr. 240, 268. [10] Lê-nin, Bút ký triết học, bản tiếng Nga, tr. 227. [11] Marx, Grundrisse der Kritik der Politischen Okonomie, Lời nói đầu của cuốn Phê phán kinh tế chính trị, tr. 391-392, bản tiếng Pháp. Trích theo Trần Đức Thảo, Sự phát sinh của hệ thống lịch sử giống người. Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà. [12] Các Mác, Hệ tư tưởng Đức. Bản tiếng Đức, tr. 16. Dẫn theo Trần Đức Thảo, Sự phát sinh của hệ thống lịch sử giống người. Di sản được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà. [13] Xem: Các Mác, Thư gửi An-nen-cốp. Nguồn: Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen, Tuyển tập, tập 1. Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 786-803. [14] Nguyễn Du, Truyện Kiều. [15] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, t. 23. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 87.
|