Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo,
đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản,
mà ông là người sáng lập:
Những nghiên cứu về biện chứng học
Logic sống động của thời hiện tại

 

TS. Cù Huy Chử

Luật sư Cù Huy Song Hà[1]

 

Về tác phẩm Những nghiên cứu về biện chứng học

Để nhận thức rõ con đường Trần Đức Thảo đi đến chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản, trước hết chúng ta phải căn cứ vào tác phẩm Hồi ký (1989) [2]. Đây cũng chính là chương 1 của tác phẩm Những nghiên cứu về biện chứng học, được Trần Đức Thảo đặt tên là Một hành trình. Từ đây trở đi, chúng tôi thống nhất lấy tên Một hành trình để chỉ tác phẩm Hồi ký. Một hành trình được Trần Đức Thảo dùng làm phần mở đầu cho các tác phẩm: Sự hình thành con người, Những nghiên cứu về biện chứng học, và Logic sống động của thời hiện tại.

Tác phẩm Sự hình thành con người được khởi thảo từ trước và hoàn thành vào năm 1986. Năm 1982, sau khi đi công tác nghiên cứu khoa học tại Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên Xô, Trần Đức Thảo nói với chúng tôi, đáng lẽ Một hành trình được viết từ sau năm 1970. Nhưng do yêu cầu của các đồng chí lãnh đạo, ông phải tập trung viết về Mao Trạch Đông. Nội dung các bài viết về Mao Trạch Đông, ông tập trung phê phán tư tưởng duy tâm của Mao trong hai tác phẩm Mâu thuẫn luận Thực tiễn luận.[3] Hai tác phẩm ấy của Mao xuất phát từ một luận đề hoàn toàn trái với chủ nghĩa Mác. Mao viết: “Vật chất quyết định tinh thần, tinh thần tác động trở lại vật chất”. Trái lại, Mác và Ăng-ghen viết: “Vật chất có trước, tinh thần có sau. Vật chất quyết định tinh thần, tinh thần tác động trở lại vật chất”.

Bỏ đi phần đầu của luận đề ấy của Mác và Ăng-ghen, Mao Trạch Đông đã hoàn toàn đặt sự vận động của xã hội, con người ngoài sự vận động của tự nhiên như là tiền đề, điều kiện cho sự sống của xã hội, con người vận động. Nghĩa là, với quan điểm duy tâm như vậy, Mao tự cho phép mình hoàn toàn có quyền thao túng biện chứng của sự sống.

Trong lúc đang hoàn thành tác phẩm Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, Trần Đức Thảo khi nói chuyện với chúng tôi, ông cho biết: ông có nhạy cảm và dự báo rằng Trung Quốc sẽ xâm lược Việt Nam. Điều ấy ông cũng có nói với ông Phạm Văn Đồng. Thực tế đã diễn ra đúng như dự báo đó.

Năm 1986, Trần Đức Thảo bắt đầu khởi thảo tác phẩm Stalin (I) và Stalin (II), phê phán tư duy siêu hình của Stalin. Năm 1987, Trần Đức Thảo viết và cho xuất bản tác phẩm Vấn đề con người và “chủ nghĩa lý luận không có con người” (con người nói chung), phê phán tư tưởng siêu hình của Althusser và lên án chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari.

Như vậy, Một hành trình được viết trong hào khí tư tưởng của Trần Đức Thảo triệt để đứng trên lập trường duy vật biện chứng chống lại quyết liệt với mọi biểu hiện của tư tưởng siêu hình, duy tâm thời hiện tại, tức tư duy siêu hình của Stalin và tư tưởng duy tâm của Mao Trạch Đông. Tư tưởng duy tâm của Mao Trạch Đông là sự tái bản tư duy siêu hình của Stalin, nhưng thấm sâu trong nó thế giới quan lạc hậu, manh mún của các tầng lớp tiểu tư sản nông thôn gắn với thế giới quan của các tầng lớp phong kiến, địa chủ.

Vì lẽ đó, mãi đến năm 1989, Trần Đức Thảo mới hoàn thành Một hành trình, chương 1 của tác phẩm Những nghiên cứu về biện chứng học, và cũng là phần mở đầu cho tác phẩm Sự hình thành con người. Dĩ nhiên khi Một hành trình được dùng để mở đầu trong các tác phẩm khác nhau như vậy, về nội dung và hình thức của Một hành trình có sự thay đổi, phát triển ít nhiều cho phù hợp với tác phẩm mà tác giả dùng Một hành trình làm phần mở đầu.

Bởi vậy, khi nói đến chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản của Trần Đức Thảo, thì cần ý thức rằng Trần Đức Thảo luôn luôn đặt con người ở vị trí trung tâm cho học thuyết của mình. Khi phân tích giá trị của hai tác phẩm cuối đời, không thể không liên hệ với tác phẩm Sự hình thành con người. Con người là hệ quả của vận động biện chứng tự nhiên đưa đến lịch sử xã hội, con người. Tự nhiên sinh thành ra con người, nhưng con người chính là tự nhiên phát triển đến trình độ tự nhận thức được mình. Chúng tôi cho Sự hình thành con người cũng nên hiểu là tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo. Chính tác phẩm ấy là nền tảng để Trần Đức Thảo viết hai tác phẩm kia.

Trong tác phẩm Những nghiên cứu về biện chứng học, Một hành trình là chương 1. Chương 1 ấy làm nền tảng tư tưởng cho chương 2: Vấn đề con người, và chương 3: Mối liên hệ giữa sinh học, xã hội và tâm thần. Cũng cần hiểu Một hành trình là cơ sở lý luận cho tác phẩm Logic sống động của thời hiện tại, gồm 4 chương; chương 1: Một logic hình thức-biện chứng; chương 2: Logic hình thức-biện chứng là hình thức tổng quát của vận động thời gian; chương 3: Logic hình thức-biện chứng như là lý thuyết về sự xuất hiện, hình thành cái cá thể, cá nhân-nhân cách; chương 4: Logic hình thức-biện chứng như là lý thuyết của sự liên hệ và kết hợp. [4]

Với phong cách tư duy tư biện-biện chứng của Trần Đức Thảo nên cách diễn đạt của ông vừa rất trong sáng, vừa rất chặt chẽ, mỗi khái niệm, mỗi hiện tượng được ông sử dụng rất linh hoạt trong tác phẩm. Bởi vậy, phân tích tác phẩm Trần Đức Thảo là rất khó.

Một hành trình được cấu tạo thành ba phần. Phần 1, tác giả trình bày tại sao ông đã tiếp nhận chủ nghĩa Mác, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ở đây, Trần Đức Thảo nói rõ: được đào tạo tại trường đại học Pháp, tất nhiên ông đã tiếp nhận các học thuyết duy tâm, đặc biệt là chủ nghĩa duy lý, nhưng chính vì vậy ông đã có cơ sở để hiểu rõ vì sao Mác đã vận dụng phép biện chứng của hiện tượng học tinh thần của Hegel, cải tạo nó áp dụng vào chủ nghĩa duy vật, sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng. Husserl đã tiếp tục hiện tượng học tinh thần của Hegel nhưng đã đưa hiện tượng học tinh thần lên một trình độ cao hơn, ở hai điểm căn bản. Một là, Husserl đã nhấn mạnh cái biện chứng của tinh thần là ở chỗ cùng một hiện tượng nhưng với các góc nhìn, các khoa học khác nhau, thì hiện tượng đó được nhận thức, diễn đạt dưới những nội dung, hình thức khác nhau. Hai là, đặc biệt, Husserl phát hiện ra rằng ngôn ngữ và ý thức luôn luôn hướng về một đối tượng, khái niệm - tức là đối tượng tồn tại trong một hình thức mới, hình thức của vận động tinh thần. Và Husserl đặt vấn đề: vậy thì phải có một động lực để tạo ra sự định hướng ấy, và ông mơ hồ nhận thấy đó phải là một lực lượng vật chất. Đây là luận đề thiên tài của Husserl mà chỉ có Trần Đức Thảo mới nhận thức và phát hiện được.

Nhưng Trần Đức Thảo khẳng định, cả Hegel và Husserl vẫn nằm trong giới hạn của chủ nghĩa duy tâm, bởi vì họ chưa phân tích và nhận thức được mối liên hệ giữa tinh thần, ý thức với lịch sử của sự sống. Trần Đức Thảo bước đầu thấy rằng muốn nhận thức được mối liên hệ giữa ý thức, tinh thần và lịch sử, thì phải đứng trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác. Trong Một hành trình, Trần Đức Thảo cũng nói rõ, chủ nghĩa đế quốc đàn áp, bóc lột các dân tộc thuộc địa, tức là đàn áp, bóc lột con người. Để thực hiện sự giải phóng các dân tộc thuộc địa, thì người dân thuộc địa phải tự giải phóng mình trước hết về mặt tinh thần, ý thức. Điều đó đã thúc đẩy ông đi từ hiện tượng luận đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ông cũng ý thức được rằng để gia nhập vào gia đình chủ nghĩa duy vật biện chứng thì phải triệt để chống tư tưởng siêu hình.

Tiếp theo nội dung trên, Trần Đức Thảo đã phân tích khái quát tư tưởng siêu hình của Stalin đã làm cho học thuyết Mác-xít phát triển lệch hướng, vì biến triết học Mác-xít chỉ còn là công cụ chính trị. Đáng lẽ triết học phải soi sáng cho chính trị, thì ngược lại, Stalin đã coi triết học đơn thuần là công cụ của chính trị. Thực hiện tư tưởng siêu hình ấy, Stalin đã giới hạn chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác trong ba quy luật, vạn vật liên hệ, mọi hiện tượng trong thế giới phát triển từ số lượng đến chất lượng và ngược lại, nhưng hoàn toàn không đề cập đến, rằng đến chất lượng mới lại phải tiếp tục số lượng hóa để đạt tới chất lượng cao hơn. Stalin cũng đề cập đến quy luật vạn vật mâu thuẫn, và coi mâu thuẫn là tuyệt đối một cách siêu hình. Cho nên trong xã hội chỉ thấy đấu tranh giai cấp là tuyệt đối, trong con người không thấy được sự thống nhất ở nó giữa con người nói chung trong vận động lịch sử mà mỗi cá nhân-nhân cách của các thế hệ luôn luôn được giáo dục, được tiếp nhận để hình con người cá nhân-nhân cách cụ thể. Đặc biệt, Stalin hoàn toàn bỏ rơi quy luật phủ định của phủ định. Tư tưởng siêu hình ấy được Stalin trình bày trong tác phẩm Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (1938).

Cái nguy hại của tư tưởng siêu hình ấy là về lý luận cũng như về thực tiễn đã hoàn toàn xóa bỏ quy luật phủ định của phủ định trong việc xây dựng toàn diện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, đã đặt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong mối liên hệ biện chứng với xã hội tư bản chủ nghĩa theo lối “hoặc là có… hoặc là không”, “hoặc là chủ nghĩa tư bản, hoặc là chủ nghĩa xã hội”. Nhưng lịch sử và sự sống lại không như thế. Biện chứng của lịch sử diễn ra theo quy luật phủ định của phủ định. Chủ nghĩa xã hội muốn phát triển thì phải vừa phủ định chủ nghĩa tư bản, nhưng phải vừa duy trì những giá trị mà chủ nghĩa tư bản và các xã hội trước đó đã đạt được trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học-kỹ thuật, đặc biệt là những thành tựu về tư tưởng tự do, dân chủ mà nhân dân lao động đã phải trường kỳ đấu tranh, đổ máu để đạt được. Chính vì vậy, Stalin đã biến nhà nước Liên Xô thành nhà nước cực quyền, thu hẹp, thậm chí thủ tiêu những giá trị tự do dân chủ không chỉ đối với nhân dân mà ngay trong nội bộ Đảng. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Cũng chính vì như thế, những yếu tố tiêu cực, lạc hậu nảy nở trong xã hội Xô-viết, như bệnh bao cấp, mệnh lệnh, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa đã không được khắc phục vì không phát triển lên một trình độ mới những giá trị của tự do, của dân chủ, của khoa học-kỹ thuật đã được hình thành trong xã hội Xô-viết.

Biện chứng của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội được Trần Đức Thảo biện giải và khái quát một cách sâu sắc, rõ ràng, rất thần tình như sau:

Xã hội xã hội chủ nghĩa được đặt ra trước hết như là sự phủ định đầu tiên, như là sự phủ định của chủ nghĩa tư bản. Từ đó, nó xâm nhập vào sản xuất và các quan hệ thực tế, nói cách khác là trong muôn vàn hành động mâu thuẫn với môi trường xung quanh, cái mà nó phát triển mâu thuẫn nội tại giữa sở hữu xã hội, mà nguyên tắc ban đầu là quân bình, với các công cụ sản xuất và sự phân phối cá nhân của sản phẩm xã hội tùy theo lao động của mỗi người, và từ đó xuất hiện mầm mống một sự bất công giữa các thu nhập.

Một sự mâu thuẫn giữa quân bình trên nguyên tắc và sự bất công trên thực tế đã được Mác nhắc đến trong Nghiên cứu cương lĩnh Go-tha. Ở đây Mác đã chỉ ra những bất công cần thiết trong sự phân phối công việc, cái mà ông cho là một ‘trở ngại’ không đặng đừng, khi mà nền văn minh chưa đạt đến một trình độ mà xã hội có thể giương cao ngọn cờ: mỗi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu.

Điều chắc chắn là một tương lai như vậy thật xa vời trong một thời kỳ lịch sử, vì nó đặt ra vấn đề là sản xuất như thế nào để có thể xóa bỏ các khác biệt cơ bản giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động chân tay và lao động trí óc, và trở thành nhu cầu đầu tiên của con người.

Muốn có sự phân phối theo nhu cầu, xã hội phải chuẩn bị và đưa ra cho mỗi người công cụ lao động cần thiết, để mỗi người có thể thực hiện theo ý muốn một cách tự do, từ đó mỗi người thỏa mãn nhu cầu căn bản của lao động chân tay hay trí óc, và cuối cùng có ích cho xã hội.

Lý tưởng cộng sản như vậy luôn luôn sống động trong tầng lớp nhân dân và trong sâu thẳm cảm xúc con người. Nhưng nó không biết thể hiện cụ thể như thế nào với các đề mục dự báo của thời hiện tại. Nó chỉ có thể nhận thấy trong một sự trừu tượng như là giấc mơ xa vời, thật sự ra ngoài xã hội chủ nghĩa.

Xã hội chủ nghĩa như là sự tiếp nối của tư bản chủ nghĩa, được thể hiện đầu tiên như là sự phủ định của tư bản chủ nghĩa và sự phủ định đầu tiên này đặt ra trong cuộc sống, với bản chất xã hội chủ nghĩa căn bản, như là một mâu thuẫn gay gắt, với quyền hạn của nhà nước giữa sự quân bình trên nguyên tắc của sở hữu xã hội các công cụ sản xuất và sự bất công của phân phối lao động.

Bản chất hệ thống xã hội chủ nghĩa được định nghĩa như là sự mâu thuẫn gay gắt giữa quân bình và bất công, đặt ra sự thống nhất của các mâu thuẫn đó và nó duy trì sự thống nhất trong xã hội trước môi trường xung quanh, một sự thống nhất được thực hiện trong lao động sản xuất.

Nhưng một mâu thuẫn mới xuất hiện giữa công bằng và bất công, sự phân phối được tính toán kỹ lưỡng thể theo lao động, không thỏa mãn người lao động.

Thật vậy, sở hữu xã hội, trên nguyên tắc công bằng, các công cụ sản xuất luôn luôn chứng tỏ một sự quân bình hình thức, và từ đó sản sinh ra một sự đố kỵ ngấm ngầm giữa những người lao động về năng suất lao động càng cao càng được đãi ngộ. Chủ nghĩa quân bình của đa số và sự đòi hỏi một sự phân phối cao hơn ở những lao động giỏi nhất, đưa đến việc nắm chính quyền như là một trọng tài, và từ đó hình thành nên chế độ quan liêu - một tổ chức cần thiết cho nhà nước và được bành trướng không giới hạn. Một chế độ quan liêu cửa quyền đối với tất cả quyền lợi và hận thù, hay là sự sùng bái cấp trên trở thành tiêu chuẩn của phẩm chất đạo đức.

Nói tóm lại, sự thống nhất đặt ra đầu tiên trong quyền lực nhà nước giữa công bằng và bất công, dẫn đến trong kinh nghiệm lao động và quản lý một sự đấu tranh giữa các mâu thuẫn, sự đấu tranh tiến dần đến chối bỏ sự thống nhất, và như thế hệ thống tiến đến sự chối bỏ bản thân nó.

Một sự phủ định bản thân như là sự phủ định thứ hai chỉ có thể tìm lời giải hiệu quả trong sự phát triển biện chứng của bản thân sự phủ định thứ hai này. Thật vậy, khi chối từ bản thân trong đấu tranh và thống nhất các mâu thuẫn nội tại, hệ thống xã hội chủ nghĩa tiến dần đến sự chối bỏ ở đây sự phủ định đầu tiên mà nó đặt ra trong cuộc sống. Nói cách khác, nó đi đến chối bỏ sự phủ định tư bản chủ nghĩa, và sự phủ định thứ ba này như là phủ định của phủ định, tái hiện một cách nào đó vài khía cạnh hay nhân tố mà chủ nghĩa tư bản đã bị chối bỏ.

Do vậy, một số đặc quyền tự do dân chủ của xã hội tư bản được nhân dân lao động giành được và bảo vệ chống bọn phong kiến và bọn tư bản, vẫn lại cần thiết dưới một hình thức mới trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vì sự phát triển về số lượng và chất lượng của chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa quan liêu có tính phủ định và cuối cùng chuyển lên chủ nghĩa cộng sản ở một tương lai rất xa. Và cũng nhờ thế các phương pháp hợp lý hóa tổ chức lao động và quản lý sản xuất, các thành tựu khoa học và tiến bộ văn hóa thu được từ thời kỳ tư sản. Tóm lại sự phủ định chủ nghĩa tư bản trong chủ nghĩa xã hội kéo theo sự phủ định của chính cái phủ định ấy, trong mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa xã hội, điều đó thúc đẩy sự phát triển.

Sở hữu cá nhân và tư hữu vẫn có ích trong khuôn khổ nhà nước xã hội chủ nghĩa, khi mà nó vẫn đem lại một hiệu quả cao hơn.

Tóm lại, sự phủ định thứ hai như là phủ định bản thân hệ thống xã hội chủ nghĩa kéo theo sự phủ định của phủ định đầu tiên, hay là phủ định của phủ định tư bản chủ nghĩa. Tất nhiên cái phủ định thứ ba, như là phủ định của phủ định, phục hồi các yếu tố của tư bản chủ nghĩa đã bị chối bỏ và quá độ, tạo ra một sự mâu thuẫn giữa các yếu tố phục hồi và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cái mâu thuẫn thứ hai nội tại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa dẫn đến sự thống nhất và đấu tranh các mâu thuẫn đặc thù và được giải đáp bằng sự mở mang và xác định lại quan điểm lý thuyết của chủ nghĩa xã hội, các phương pháp tư duy và tổ chức.

Tóm lại, phủ định của phủ định như là phủ định thứ ba giải đáp từ bên trong sự mâu thuẫn nội tại của hệ thống, tiếp nhận các yếu tố có giá trị của hệ thống trước, và thể hiện toàn diện cuộc sống hiện tại.

Hegel đã nhắc đến cái phủ định thứ tư này đi đến cái phủ định thứ ba một cách rất khó hiểu, và Lenine cũng chú ý đến sự tối nghĩa này (Cahiers philosophiques, en russe, p. 210).

Sự phủ định của phủ định hiện diện tất yếu trong nền tảng thật sự của “Chính sách kinh tế mới” (NEP) và cuộc cách mạng văn hóa, đối chọi với Prolekult[5], và phải lấy lại và phát triển nội dung tích cực của văn hóa loài người.

Bệnh tật đã không cho phép Lenine xúc tiến giải pháp biện chứng các vấn đề đặc biệt được phát sinh từ sự mâu thuẫn giữa các yếu tố lấy lại từ xã hội cũ và nhà nước xã hội chủ nghĩa mới, nói cách khác từ mâu thuẫn thứ hai nội tại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Giải pháp cho sự mâu thuẫn thứ hai nội tại thật sự đã thể hiện trong sự phủ định thứ ba và thứ tư.

Trần Đức Thảo là nhà khoa học thiên tài. Ông còn là người rất trung thực với mình. Trong Một hành trình, ông nói rõ, do bị ảnh hưởng bởi tư tưởng siêu hình của Stalin, nên ông đã phạm một số sai lầm trong khi viết tác phẩm Tìm cuội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. Cái sai lầm ấy ở chỗ ông chưa phân biệt được một cách rạch ròi giữa hành vi của con người và động tác của loài người vượn, cũng như chưa phân biệt được âm hiệu và chỉ hiệu của con người với âm hiệu và chỉ hiệu của loài người vượn. Đặc biệt, khi bế tắc về sự giải thích của ngôn ngữ có ngữ pháp, Trần Đức Thảo đã vận dụng phép phân tâm, cụ thể là mặc cảm Ơ-đíp, bởi trong phong trào đấu tranh ở Pháp lúc đó, các nhà mác-xít tại Pháp lúc đó có ý đồ sáp nhập chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa phân tâm. Đây là điều mà ông rất ân hận. Sự ân hận ấy được ông trình bày trong Báo cáo I, II, III gửi Trung ương về quyển sách này.

Cái thiên tài của Trần Đức Thảo ở đây là ông đã trình bày quy luật phủ định của phủ định diễn ra trong chủ nghĩa xã hội như thế nào. Còn xuất sắc hơn khi ông đã xây dựng lý thuyết về cái trung giới. Cái trung giới là gì? Đó chính là cái thiết định, là cái trung gian được thiết định trong quá trình biện chứng của lịch sử, của sự vật, hiện tượng. Cái tồn tại bị phủ định, phải có cái trung giới. Cái bị phủ định một lần nữa cũng phải có cái trung giới. Đến lượt cái phủ định ấy lại xuất hiện cái trung giới để tiếp tục phủ định, tạo ra cái mới tiến bộ. Và cái mới tiến bộ ấy tự nó lại thiết định cái trung giới để sự vật tiếp tục phát triển. Vậy cái trung giới chính là cái mà sự vật, hiện tượng tự thiết định trong quá trình vận động biện chứng hoàn toàn mang tính khách quan.

Ở phần 2 của Một hành trình, Trần Đức Thảo mở rộng và đi sâu hơn vào biện chứng của lịch sử loài người.

Ở đây, trước hết Trần Đức Thảo khẳng định lịch sử xã hội phát triển theo quy luật vật chất có trước, tinh thần có sau, tinh thần tác động trở lại vật chất. Theo quan điểm đó thì tự nhiên là cái có trước, lịch sử tự nhiên phát triển đưa đến lịch sử xã hội, con người. Cái quan điểm ấy xuyên suốt, luôn luôn xuyên suốt lịch sử của loài người. Nhưng khi xuất hiện lịch sử xã hội, con người thì cái quy luật biện chứng là lực lượng sản xuất phát triển đưa đến quan hệ sản xuất phát triển, đưa đến tinh thần, ý thức phát triển. Trần Đức Thảo đã diễn đạt một cách rõ ràng tư tưởng của Mác về thời khởi nguyên của loài người, được đặc trưng trong sự chiếm hữu và sở hữu thời nguyên thủy.

“Sở hữu lúc khởi thủy không có nghĩa gì khác hơn là thái độ của con người đối với các điều kiện tự nhiên về sản xuất của nó, dường như thuộc về chính nó, được giả định trước với đời sống của chính nó. Đó là thái độ của con người đối với các điều kiện này coi như là các tiền giả định tự nhiên về chính nó. Các tiền giả định có thể nói là tạo nên sự kéo dài của chính cơ thể của nó… Bản thân con người có một sự hiện diện kép: vừa mang tính chủ quan với tư cách là chính nó, đồng thời mang tính khách quan trong những điều kiện tư nhiên vô cơ của việc nó tồn tại…

Một điều kiện tự nhiên về sản xuất cho cá nhân sống là sự phụ thuộc của nó vào một xã hội tự nhiên, một bộ lạc v.v… Sự tồn tại của nó như đã có đòi hỏi điều kiện đó, cũng giống như sự tồn tại ấy được tạo điều kiện bởi thái độ của nó đối với đất đai coi như là cơ sở lao động của mình…

Sở hữu như vậy có nghĩa là sự phụ thuộc vào một bộ lạc (một cộng đồng) (thực tế có trong bộ lạc sự tồn tại chủ quan-khách quan của nó) và do sự trung gian của thái độ của cộng đồng này đối với mặt đất và đất đai, đối với ruộng đất được xem là cơ thể vô cơ của chính nó, cá nhân có hành vi xử sự đối với mặt đất và đất đai, là điều kiện bên ngoài khởi thủy của việc nó sản xuất, - vì đất đai đồng thời là nguyên liệu đầu tiên, là công cụ và là thành quả - là những tiền giả định thuộc về tính cá thể của nó như là các phương thức tồn tại thuộc về cá thể này”[6].

Như vậy, sự tồn tại của con người trong đôi điều kiện tự nhiên: điều kiện tự nhiên thứ nhất là tự nhiên nguyên thủy, kể cả mặt sinh vật của con người. Điều kiện tự nhiên thứ hai là chính cái cộng đồng mà con người tồn tại, tất yếu như một tự nhiên. Cộng đồng người cá nhân-nhân cách của con người chỉ có thể tồn tại và phát triển trong biện chứng của đôi điều kiện tự nhiên ấy.

Sau khi phân tích luận đề trên của Mác, Trần Đức Thảo đã đi sâu vào Luận cương 6 về Phơ-bách của Mác: “Bản chất con người trong thực tế của nó là toàn diện các quan hệ xã hội[7]. Luận cương 6 về Phơ-bách của Mác được Ăng-ghen đánh giá đây là một luận điểm mới khởi thảo nhưng chứa đựng trong nó một thế giới quan mới. Trong sự phân tích luận đề này của Mác, sự sáng tạo của Trần Đức Thảo là, ông đã chỉ rõ cái gọi là các quan hệ xã hội phải được hiểu theo quan điểm biện chứng, đó là, chúng luôn luôn vận động, biến đổi theo quy luật. Các quan hệ sản xuất phát triển theo sự phát triển của lực lượng sản xuất. Ở đây, vai trò của công cụ sản xuất là hết sức quan trọng, bởi đó là yếu tố duy chỉ có nó mới tạo ra sự liên hệ biện chứng giữa con người với lịch sử tự nhiên và với chính tự nhiên. Như vậy thì đúng như Mác trong thư gửi Pa-ven Vát-xi-li-ê-vích An-nen-cốp, Mác đã khẳng định xã hội có trước, cá nhân có sau. Hiểu theo tinh thần đó thì cái bản chất của con người trong hiện thực chính là toàn diện các quan hệ xã hội được hình thành, phát triển trong vận động biện chứng của lịch sử. Chính vì lẽ đó, con người, luôn luôn thống nhất trong nó con người nói chung và con người cá thể, cá nhân-nhân cách. Cũng bởi vậy, quá trình phát triển của xã hội, của con người phải vận động theo quy luật biện chứng, nghĩa là vừa phủ định vừa khẳng định những giá trị mà chúng đã tạo ra trong quá trình lịch sử. Theo ý nghĩa đó mà Lê-nin nói phủ định chính là khẳng định. Các quan hệ xã hội phát triển theo quy luật biện chứng đã được các thế hệ nối tiếp nhau tiếp nhận để hình thành bản chất con người của mình. Cái bản chất ấy góp phần tạo ra cái gọi là con người nói chung, con người nói chung ấy tồn tại ngay trong từng con người cá thể, cá nhân-nhân cách.

Khi giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra, nếu không nắm vững tư duy biện chứng thì không thể giải quyết được. Để có thể nắm vững tư duy biện chứng thì phải chống lại tư duy siêu hình. Sau khi trở về Việt Bắc, Trần Đức Thảo phát hiện được tính siêu hình trong tư duy triết học của Stalin. Càng tham gia để giải quyết những vấn đề của đời sống, dù chỉ trên bình diện lý thuyết, Trần Đức Thảo càng cảm thấy bị khống chế, bị ám ảnh bởi tư duy siêu hình. Trần Đức Thảo không thể thoát khỏi hoàn cảnh mà ông sống. Tư duy siêu hình của Stalin đã khống chế toàn bộ học thuyết Mác-xít thời điểm ấy. Cho nên, trong mối liên hệ với đồng nghiệp của mình, trong sự tham khảo các tài liệu về triết học Mác thời đó, thế nào Trần Đức Thảo cũng bị ảnh hưởng. Ở điểm này, có thể thấy Trần Đức Thảo là một nhà khoa học trung thực.

Để chống lại những ảnh hưởng ấy thì phải lấy hoạt động khoa học để giải quyết. Khi nghiên cứu khoa học, hai mặt tư duy biện chứng và tư duy siêu hình mâu thuẫn nhau. Trần Đức Thảo nhận thấy sai lầm rõ nhất của ông ở trong các nghiên cứu về loài người, và trong nghiên cứu về ngôn ngữ và ý thức, đã không phân biệt được rạch ròi giữa con vật và con người, đặc biệt là không phân biệt được giữa âm hiệu và chỉ hiệu của con tinh tinh với âm hiệu và chỉ hiệu của con người đi đến ngôn ngữ. Trần Đức Thảo về sau đã tìm thấy được cách giải quyết: muốn vậy, phải trở lại đời sống sản xuất của xã hội. Qua đó, Trần Đức Thảo đã hiểu được bản chất của âm hiệu và chỉ hiệu của con người, và sự kết hợp của âm hiệu và chỉ hiệu để tạo ra ngôn ngữ, và từ đó có ý thức.

Để giải quyết triệt để vấn đề, Trần Đức Thảo phải trở về nguồn gốc ban đầu của chủ nghĩa Mác, mang tính nhân văn sâu sắc, đó là tư tưởng của Mác về sự chiếm hữu và sở hữu thời khởi nguyên, trong lời nói đầu của tác phẩm Phê phán kinh tế chính trị (đã trích dẫn ở phần trên).

Trần Đức Thảo đặc biệt chú ý đến mệnh đề: con người vừa là chủ quan, vừa là khách quan trong sở hữu khởi nguyên. Một mặt thì anh ta cùng với cộng đồng chiếm hữu đất đai. Một mặt anh ta cùng với đồng loại chiếm hữu đồng loại, tức thị tộc-bộ lạc của mình. Do đó, anh ta vừa là nhân tố chủ quan, vừa là nhân tố khách quan trong quan hệ sở hữu cộng đồng ấy. Đây là tiền đề vật chất hết sức quan trọng để con người tự tách mình ra khỏi tự nhiên và tự ý thức về mình. Con người do tự nhiên sinh ra, nhưng đến bây giờ đã làm chủ tự nhiên. Con người biết tự tách mình ra khỏi tự nhiên và dần dần cá nhân-cá thể tự hình thành mình trong cộng đồng. Cái xã hội có trước, cái cá nhân có sau ngay thời nguyên thủy, và trong suốt hành trình vận động của nó, thì quan hệ sản xuất có trước lực lượng sản xuất. Và các thế hệ tiếp theo phải tiếp nhận những giá trị của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở giai đoạn trước để tiếp tục phát triển trong giai đoạn sau. Quá trình đó là quá trình phủ định của phủ định.

Stalin không nhận thấy được vấn đề đó, nên không thấy được là phủ định chủ nghĩa tư bản đồng thời tiếp nhận chủ nghĩa tư bản; và đến khi xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đồng thời phải phủ định những mặt tiêu cực sản sinh ra trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, đưa đến quan liêu, mệnh lệnh, phủ nhận những giá trị mà loài người đã đạt được trước đó, đó là quyền tự do, quyền dân chủ, quyền con người. Muốn phủ định những mặt tiêu cực của chính chủ nghĩa xã hội đẻ ra thì vừa phải phê phán những giá trị của chủ nghĩa tư bản để lại, nhưng đồng thời phải dùng ngay những giá trị ấy để chủ nghĩa xã hội có thể tự phủ định mình trong quá trình phát triển một cách biện chứng. Đó là chỗ Stalin không nhận ra.

Cuối cùng, từ chỗ nhận thức được điểm ban đầu mang tính biện chứng, là sự xuất hiện của loài người gắn liền với vận động của sở hữu, Trần Đức Thảo nhận thức sâu sắc hơn Luận cương 6 về Phơ-bách của Mác: “Bản chất con người trong thực tế của nó là toàn diện các quan hệ xã hội”. Chữ toàn diện này, Trần Đức Thảo giải thích rõ, không phải diễn ra một lần, mà luôn luôn phủ định biện chứng trong quá trình phát triển của lịch sử. Do đó, có con người nói chung phát triển trong con người cá nhân-nhân cách. Như vậy cần hiểu con người nói chung là mang tính cụ thể, bởi nó tồn tại trong con người cá thể cá nhân-nhân cách sống.

Hệ thống siêu hình của Stalin và của trào lưu Mác-xít cho đến nay, trong đó có Althusser, hoặc là không nhận ra con người nói chung, hoặc là họ nhận ra nhưng cố tình phủ định, nên đã tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, nên đi đến chỗ tiêu diệt con người. Vì không công nhận con người nói chung nên làm gì có con người nữa.

Trong phần thứ 3 của Một hành trình, Trần Đức Thảo trình bày sự xuất hiện của ngôn ngữ và ý thức, vai trò của ý thức.

Như Trần Đức Thảo nói, khi nghiên cứu về sự xuất hiện của ngôn ngữ và ý thức, trong ông luôn luôn vang vọng tư tưởng của Mác về sự sở hữu từ thời khởi nguyên của loài người, và tư tưởng của Mác trong Luận cương 6 về Phơ-bách. Bởi vì, khi trình bày về sự xuất hiện của loài người thoát khỏi loài người vượn để trở thành người khéo và sau đó phát triển thành người khôn và người tinh khôn, con tinh tinh ít nhiều mang tính xã hội, khi chuyển sang người khéo thì đã mang tính xã hội rõ rệt, bởi người khéo vừa là kết quả của vận động tự nhiên, nhưng vừa là chủ nhân của tự nhiên, của lịch sử.

Ở đây, con người vừa hoạt động, vận động trong thế giới và con người cũng đồng thời phản ánh thế giới và phản ánh sự hoạt động của mình trong thế giới ấy, trong cộng đồng ấy. Cá nhân và cộng đồng quấn quyện vào nhau để lao động và hoạt động. Sự quấn quyện ấy có được bởi vì có sự chiếm hữu chung và sở hữu chung về địa bàn đất đai mà nó tồn tại. Nhưng để có thể khai thác điều kiện tự nhiên để sống, thì công cụ lại thuộc về cá thể. Mỗi cá nhân lao động bằng công cụ nắm trong tay mình, là hòn đá, hay hòn đá ghè, hay hòn đá mài, thì đều thuộc về cá nhân. Nhưng những công cụ ấy về căn bản vẫn thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Bởi nếu không có cả cộng đồng sở hữu chiếm hữu về đất đai thì những công cụ ấy không thể phát huy được. Bởi lẽ đó cho nên con người vừa chiếm hữu, vừa sở hữu cái tự nhiên nguyên thủy, tức là tự nhiên ngoài con người và chính tự nhiên của con người (là mặt sinh học), nhưng đồng thời con người lại phải chiếm hữu cái cộng đồng của mình, tức thị tộc-bộ lạc, và sau này phát triển thành dân tộc, vì cá nhân không thể tách rời cộng đồng mà tồn tại được. Do đó, cá nhân phải chiếm hữu và sở hữu chính cộng đồng mà anh ta tồn tại. Sự sở hữu cộng đồng ấy chính là sự sở hữu những giá trị văn hóa của thị tộc-bộ lạc, và sau này là dân tộc.

Một trong những giá trị được sở hữu quan trọng nhất là ngôn ngữ và ý thức, bởi vì không có ngôn ngữ và ý thức thì con người không thể liên hệ với nhau để sống và duy trì sự sống, không thể tiến hành sản xuất. Trần Đức Thảo nhận thức sâu sắc về sở hữu và ý thức sở hữu của thời khởi nguyên như là một giá trị ban đầu và tạo ra tiền đề cho loài người phát triển mãi mãi về sau. Và Trần Đức Thảo cũng nhận thức được vai trò của ngôn ngữ và ý thức trong sự vận động đó.

Khi đề cập đến Luận cương 6 về Phơ-bách của Mác, Trần Đức Thảo đặc biệt nhấn mạnh đến tính xã hội của ngôn ngữ và ý thức. Ngôn ngữ và ý thức là sản phẩm của xã hội. Sản phẩm của xã hội ấy là kết quả của các quan hệ xã hội phát triển, được phản ánh vào trong đầu óc con người. Và con người đã sáng tạo ra ngôn ngữ như là cái vỏ vật chất để chứa đựng trong nó những quan hệ hiện thực xảy ra trong đời sống. Mác nói: ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy là vì thế. Từ sự vang vọng ấy, Trần Đức Thảo đã sáng tạo ra lý thuyết về sự vận động của hình ảnh thân thể xã hội có trong bản thân, và hình ảnh của chính bản thân được phản ánh vào trong óc. Trần Đức Thảo viết:

“Trên thực tế, trong lao động của mình với đối tượng, mỗi người lao động thực hiện chính xác công việc ấy ngay cả trong hình ảnh bên trong của cơ thể của chính anh ta. Và hình ảnh ấy của cơ thể phù hợp với lao động trên đối tượng bằng cách này nói lên tiếng gọi tín hiệu học của nó hay còn được dùng là ngôn ngữ của đời sống hiện thực đối với hình ảnh xã hội bên trong, giống như hình ảnh này nói với nó lời kêu gọi tương ứng, bởi vì chính hình ảnh ấy là hình ảnh xã hội của những người khác trong lao động trên cùng một đối tượng. Dẫn tới với tư cách là hình ảnh bên trong, nó thực hiện các cử động lao động giống nhau trên đối tượng đó, chúng cũng hoạt động như là tiếng gọi tín hiệu học hay ngôn ngữ của đời sống hiện thực. Tuy nhiên nói rằng hình ảnh trong cơ thể phù hợp với lao động trên đối tượng nói lên tiếng gọi tín hiệu học của nó hay ngôn ngữ của đời sống hiện thực với hình ảnh xã hội bên trong, có nghĩa là trong thực tế hình ảnh bên trong ấy của chính cơ thể được phóng chiếu trên hình ảnh xã hội bên trong làm sao nó tự bản thân nói với nó về hình ảnh xã hội này. Và cũng giống như thế, nói rằng hình ảnh xã hội bên trong nói lên tiếng gọi tín hiệu học hay ngôn ngữ của đời sống hiện thực với hình ảnh bên trong của chính cơ thể, có nghĩa là trong thực tế hình ảnh xã hội bên trong ấy được phóng chiếu trên hình ảnh bên trong của chính cơ thể làm sao nó tự bản thân nói với nó về hình ảnh ấy của chính cơ thể.

Kết quả là hình ảnh bên trong của chính cơ thể vừa mới được phóng chiếu trên hình ảnh xã hội bên trong, ngay tức khắc bị gửi trả lại hay phản chiếu trên bản thân nó bởi cái hình ảnh xã hội được phóng chiếu cụ thể trên nó. Điều này có nghĩa là do sự trung giới của hình ảnh xã hội bên trong, cá nhân người lao động, trong hình ảnh bên trong của cơ thể anh ta phù hợp với lao động trên đối tượng, tự anh ta nói với bản thân mình. Trong sự vận động gửi trả lại hay phản chiếu ấy của hình ảnh bên trong của chính cơ thể trên bản thân nó, cá nhân người lao động có trong nó hình ảnh của hình ảnh cơ thể phù hợp với lao động trên đối tượng, điều này có nghĩa là nó có trong bản thân nó, do sự trung giới của hình ảnh xã hội bên trong của nó, hình ảnh sống trải của nó nhằm vào đối tượng hay còn có thể nói là hình ảnh có chủ định về đối tượng, từ đó mà có ý thức sống trải của nó về đối tượng”. [8]

Hình ảnh thân thể xã hội tồn tại trong bản thân, tức là trong vỏ não, gọi hình ảnh thân thể xã hội của riêng bản thân, cũng nằm trong bản thân và sự kêu gọi ấy được đáp lại. Từ sự vận động biện chứng trên đây đã làm cho năng lượng thần kinh tăng lên với một tần số gấp bội, và kéo theo năng lượng tâm thần tăng lên vô cùng. Từ đó xuất hiện âm hiệu và chỉ hiệu. Âm hiệu và chỉ hiệu không thể tách rời nhau. Khi con người nói “cái này” thì trước con người phải có đối tượng để chỉ, và khi chỉ thì trong đầu con người đã biết là có cái gì. Bản chất của âm hiệu và chỉ hiệu của con người khác hoàn toàn với tiếng kêu của loài tinh tinh.

Chính vì lẽ đó mà âm hiệu và chỉ hiệu của loài người vượn chỉ phát triển một số lượng hết sức tối thiểu, nhưng ngôn ngữ và hành vi của con người thì phát triển với một tần số vô cùng, trong quá trình con người tiếp xúc với thế giới và lao động để cải tạo thế giới, trong đó có phần cải tạo chính mình. Đây chính là sự vận động biện chứng của hiện tượng tinh thần, cái lực lượng mang bản chất người mà Husserl mơ hồ nhận thấy là lực lượng vật chất. Trần Đức Thảo đã chỉ rõ, lực lượng vật chất ấy chính là sự chuyển hóa mang tính biện chứng giữa năng lượng thần kinh và năng lượng tâm thần. Chính vì lẽ đó, hiện thực xã hội có thể là một, nhưng ý thức về xã hội đó là vô cùng.

Sự phát hiện trên đây của Trần Đức Thảo là một sáng tạo lý luận lớn, thiên tài, góp phần vào sự phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng, bởi ông đã chỉ rõ cái biện chứng của hiện tượng tinh thần luôn luôn thống nhất với biện chứng của lịch sử tự nhiên, của lịch sử xã hội và con người, đặc biệt là lịch sử sự vận động nền sản xuất xã hội. Trần Đức Thảo đã cải tạo hiện tượng học của Husserl và áp dụng nó trong việc giải thích biện chứng tinh thần của con người, đem lại cho nó giá trị của chủ nghĩa duy vật. Hơn thế, cái quy luật ấy không chỉ là cái phổ biến của toàn xã hội, mà nó luôn luôn gắn liền với từng cá thể, cá nhân-nhân cách cụ thể, như là tiềm năng để làm cho đời sống tinh thần xã hội không ngừng phát triển. Tính nhân bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng chính là ở chỗ đó.

Nhưng điều quan trọng hơn, chính cái biện chứng của đời sống tinh thần ấy phát triển đến trình độ nào thì sẽ đem lại sự biện chứng của nền sản xuất xã hội lên trình độ ấy. Phát minh khoa học bắt nguồn từ thực tiễn của nền sản xuất vật chất, nhưng nó hoàn toàn mang một chất lượng mới. Chính sự phát minh các sáng tạo khoa học ấy đã đẩy biện chứng của lịch sử xã hội ngày càng lên một trình độ cao hơn. Sau này, điều ấy được Trần Đức Thảo phát biểu hết sức sáng rõ trong những nhân tố tạo ra bước nhảy vọt trong sự vận động của xã hội cổ đại. Như vậy, ý thức trước hết là sản phẩm của các cá nhân sống. Nghĩa là, ý thức là kết quả của tự nhiên, xã hội vận động trong quan hệ biện chứng đem lại. Nhưng cái sự vận động ấy được phản ánh trong các cơ thể sống. Và chính vì thế nên con người cá nhân-cụ thể là tiềm năng phát triển cho xã hội.

Trên những tiền đề ấy, Trần Đức Thảo khẳng định những tư tưởng của Lênin: vật chất có trước, ý thức có sau, nhưng đến lượt ý thức sáng tạo thế giới, bởi vì cái thế giới mà con người sáng tạo ra luôn luôn vận động và phát triển theo sự phát triển của ý thức về Chân, Thiện, Mỹ, đúng như những dòng cuối cùng của Một hành trình: “Khi tự đối diện với chính mình, ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri thức và cái trong sự hoàn thành các quá trình sống trải, qua đó, ý thức biến thế giới tự nhiên thành một Nhân giới, xứng đáng với con người”.

Cái tự do mà con người đạt được trong tất yếu chính là tự do của con người luôn luôn phải đặt trong giới hạn của sự phát triển vật chất. Nhưng như Mác nói, đó là cái tự do tương đối. Còn cái tự do tuyệt đối, trong nguyên nghĩa của nó, chỉ có trong lĩnh vực tinh thần. Nhờ ý thức mà con người mãi mãi vươn tới tự do, hay nói cách khác là một hành trình đi từ tự do tương đối đến tự do tuyệt đối. Sáng tạo tinh thần chính là con đường để đi đến tự do tuyệt đối. Không coi trọng sự sáng tạo tinh thần là tự mình dập tắt con đường đi tới tự do. Theo ý nghĩa ấy mà nói, cái biện chứng của tinh thần, ý thức là kết quả của biện chứng tự nhiên, xã hội, tức biện chứng của hoạt động thực tiễn của con người sáng tạo ra thế giới, đồng thời sự vận động biện chứng của ý thức sẽ đem lại sự vận động biện chứng của hoạt động sáng tạo thế giới của con người. Ý nghĩa căn bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản là ở chỗ đó.

Cần nhấn mạnh, khi nói đến sự vận động biện chứng của ý thức, thì không tách rời ý thức xã hội với ý thức của từng cá thể cá nhân-nhân cách. Đó cũng là mối quan hệ biện chứng đem lại sự thống nhất giữa cộng đồng với cá nhân. Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản xuất phát từ con người, như là sản phẩm của biện chứng lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, và con người, cộng đồng và cá thể cá nhân-nhân cách nhận thức, phản ánh cái biện chứng lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội để không ngừng phát triển tự do toàn diện của con người trong tất yếu của lịch sử ấy.

Một hành trình đã giúp ta hiểu được điều Trần Đức Thảo khẳng định: tư tưởng của ông là chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Như vậy, chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản là: “Khẳng định lịch sử tự nhiên phát triển đưa đến lịch sử xã hội-con người, khẳng định mối liên hệ biện chứng giữa tự nhiên và xã hội-con người, mối liên hệ biện chứng giữa hoạt động và đời sống sản xuất vật chất của xã hội-con người với hoạt động sản xuất đời sống tinh thần của xã hội-con người, khẳng định mối liên hệ biện chứng giữa các mặt sinh vật, xã hội và tâm thần. Trên tổng thể đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản đặt con người ở vị trí trung tâm để nhận thức sự hài hòa, thống nhất giữa con người nói chung với con người cá thể, cá nhân-nhân cách. Từ đó khẳng định trong tất yếu mãi mãi con người vươn tới tự do, để con người cá nhân-nhân cách tự do phát triển toàn diện, làm điều kiện và tiền đề cho xã hội phát triển toàn diện”.

T.P. Hồ Chí Minh, 23/9/2011


 

[1] Chúng tôi gửi tặng bài viết này cho tạp chí Văn hóa Nghệ An.

[2] Về tác phẩm Hồi ký, chúng tôi đã có lời giới thiệu ngắn và giới thiệu toàn văn trên ba số liên tiếp của Tạp chí Xưa & Nay (cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), từ số 376 (3/2011).

[3] Trần Đức Thảo: Hệ thống tư tưởng duy tâm siêu hình của Mao Trạch Đông (1978); Về quyển “Mâu thuẫn luận” của Mao Trạch Đông (1978); Lập trường tư tưởng duy tâm của Mao Trạch Đông trong quyển “Thực tiễn luận” (1978), Về vũ trụ quan của Mao Trạch Đông (1979-1980). Đây là những tác phẩm thuộc Di cảo của Trần Đức Thảo, được lưu giữ tại Thư viện của Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[4] Trần Đức Thảo: Recherches Dialectiques (Những nghiên cứu biện chứng học) (1992); La logique du present vivant (Logic sống động của thời hiện tại) (1992). Di cảo của Trần Đức Thảo, được lưu giữ tại Thư viện của Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[5] Phái văn hóa vô sản

[6] Marx, Grundrisse der Kritik der Politischen Okonomie (Lời nói đầu của cuốn Phê phán kinh tế chính trị), tr. 391-392, bản tiếng Pháp. Trích theo Trần Đức Thảo trong Một hành trình, được in lại trong Phần mở đầu của tác phẩm Sự hình thành con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 20.

[7] Trích theo Trần Đức Thảo trong Một hành trình, được in lại trong Phần mở đầu của tác phẩm Sự hình thành con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 25.

[8] Trích theo Trần Đức Thảo trong Một hành trình.

 

Trở về trang chủ Trần Đức Thảo  

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-9-11