NGUYỄN TRUNG

 

DÒNG ĐỜI

 

Tiểu thuyết

 


  

 

9.

 

 

Hai Hân ghi thêm một chiến tích mới: Nêu gương tiến công vào tâm lý hữu khuynh của một số cán bộ trong thành phố. Người bị Hai Hân nêu ra làm tiêu biểu là Bảy Dự. Hai Hân bỏ qua Ba Khang, vì đằng nào Ba Khang cũng xếp vào loại xế chiều về tuổi tác. Còn trình độ mọi mặt thì lại càng kém, không thể so với Bảy Dự. Gần đây chính Ba Khang có đơn xin nghỉ công tác, với lý do trình độ hạn chế.

...Bây giờ mình phải làm cho mọi người tâm phục khẩu phục bác bỏ Bảy Dự, nhất là bác bỏ sự mê tín vào cái trí thức quèn của anh ta... Giáo viên trung học, chứ có là cái gì ghê gớm đâu... Dân trong thành phố không ít người cứ chê bai cán bộ này là nông dân, cán bộ kia là công nhân nông trường... Họ còn nói điều hành công việc của thành phố thời bình phải là những người có học, có văn hoá... Ta sẽ chứng minh đấy không phải là lãnh địa riêng, là đặc quyền của các người!..

Sự bận rộn ngày đêm hình như chỉ mang lại cho hai Hân nhiều điều phấn khích. Cuộc đời phấn đấu từ một công nhân lam lũ trở thành giám đốc, lại phó Ban Dân vận, rồi đây chắc sẽ còn tiến xa nữa.., Hai Hân rút ra chân lý: Càng ngày mình càng hiểu, đời là nối tiếp các cuộc chinh phục không ngừng! Khi mình phiêu bạt giang hồ cũng thế, bây giờ cũng thế. Cảm ơn trời đất, mấy năm gần đây bệnh tật cũng êm êm, mình không biết mệt mỏi là gì...

Trong Thành phố: ...Nào là vấn đề nuôi sống mấy triệu người. Nào là yêu cầu trật tự trị an. Ngay trước mắt cần trấn áp cả một thiên la địa võng các băng đảng ác ôn du thử du thực chăng rải khắp Thành phố – không ít các băng đảng này trước đây là những móc xích của CIA, của nguỵ quyền và của các tổ chức chính trị phản động. Nào là các tệ nạn văn hoá, xã hội khác. Nào là vấn đề chi viện cho Campuchia... Chưa nói gì đến những yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, chuyện học hành của học sinh...

Bây giờ lại thêm những hậu quả tích tụ ngày một nhiều của tình hình di tản. Lác đác có một số hiện tượng đáng ngại về an ninh chính trị. Lãnh đạo Thành phố đòi hỏi phải thận trọng trong xử lý mọi công việc, không thể lẫn lộn các sự việc hình sự, kinh tế và chính trị...

Phụ trách công việc giữ gìn trật tự trị an cho dân cư của quận mình, Bảy Dự ý thức được yêu cầu nghiêm ngặt này. Mong muốn thì đúng đắn như vậy, song cuộc sống nhiều khi là con ngựa bất kham. Cách đây hơn một năm trong thành phố xảy ra vụ một số cán bộ ăn tiền của người di tản, móc ngoặc với bên ngoài tổ chức một mẻ di tản lớn trót lọt. Mẻ di tản lớn này cho đến nay vẫn gây xôn xao trong Thành phố, vì trong những người ra đi có ba gia đình anh em Năm Thịnh và một số người trước đây đã tham gia lực lượng thứ ba trong Mặt Trận. Quận của Bảy Dự có hai người tham gia vào vụ bê bối này. Hai Hân đặt tên cho vụ này là vụ Năm Thịnh. Sau vụ này số người trong quận của Bảy Dự di tản không thành tốp lớn nữa, nhưng số lượng không giảm…

Trong việc truy tìm những đầu mối của các mẻ di tản sau, người ta tìm thấy khá nhiều tài liệu thật giả lẫn lộn, đủ mọi loại nguồn gốc, hầu hết là photo copy. Nào là bản hướng dẫn làm thủ tục khai báo với cơ quan nhập cư Mỹ, mẫu đơn xin tị nạn chính trị, bản tôn chỉ mục đích của Hội đoàn tụ gia đình - địa chỉ ...CA-USA, địa chỉ liên lạc của Hội cựu chiến binh Báo đen - ...Texas - USA, lời kêu gọi của hội này gây bạo loạn lật đổ chế độ Hà Nội, thủ tục thỉnh cầu sự can thiệp của Cao uỷ tị nạn quốc tế UNHCR, đường dây dịch vụ chuyển tiền, “10 điều khuyên trong thời gian sống ở trại tị nạn”, địa chỉ các thành viên Uỷ ban Nhân quyền phụ trách Việt Nam, Điều lệ Việt Nam Cứu Quốc Hội – các địa chỉ liên lạc tại Mỹ, Philippines, Thái Lan, Campuchia.., hiệp hội “Những người Mỹ vì Việt Nam tự do” – trong danh sách lãnh đạo của tổ chức này người ta thấy tên một số nhân viên CIA loại trùm sỏ ở Sài Gòn trước đây như J. Polgarier, M. Colbie... Tại quận của Bảy Dự người ta còn tìm được hai bản photo copy gồm các đoạn trích trong những bài báo tiếng Việt và tiếng Anh ở nước ngoài. Những đoạn trích này lấy ra từ các bài báo có chủ đề chính cho rằng sự đàn áp ở Việt Nam làm bùng nổ các làn sóng di tản; những bài này in chung dưới tiêu đề lớn “Tố cáo chế độ Hà Nội vi phạm nhân quyền...”. Ngoài ra có bốn thư tay của người di tản sống ở Mỹ gửi về cho gia đình. Trong các thư có một thư nêu địa chỉ liên lạc với thiếu tá nguỵ Lý Lam. Một thư khác là của đại tá nguỵ Quách Minh Châu gửi cho em vợ, thư về đến nơi thì người nhận đã đi di tản trước đó một tháng. Thư này kể nhiều chuyện về cộng đồng người Việt ở California. Châu không ngờ đến đây gặp lại một số bạn cũ trong Ban thư ký Tổng tham mưu ngày xưa, lại có thêm bạn mới. Trong thư người ta đọc được một số tên như Tôn Thất Loan, Phạm Trung Lễ, Năm Lửa – tức Năm Thịnh.., trước đây là chủ khách sạn Eden ở Sài Gòn...

Bảy Dự không một chút nghi ngờ các hoạt động vừa ăn cướp vừa la làng trong việc lôi kéo di tản, gây hoang mang và tạo cơ hội diễn biến hoà bình, lật đổ chính quyền cách mạng. Song nếu coi tất cả mọi người đi di tản là vì động cơ chính trị thì không thể chấp nhận được. Bảy Dự và Hai Hân đã nhiều lần tranh luận với nhau tới số, song chưa ai chịu ai. Cho đến nay các cuộc họp đều nhấn mạnh không thể coi thường sự can thiệp ngày càng trắng trợn từ bên ngoài, phê phán quyết liệt các nhận thức mơ hồ, hữu khuynh...

Cuộc họp hôm nay bàn về đối sách với những người đã đi di tản trong quận của Bảy Dự. Hai Hân tham gia với tư cách là đại diện ban dân vận của thành phố, ngầm hiểu là trên Bảy Dự một cấp.

Bảy Dự trình bày, giải thích khá dài, nhưng tựu trung lại có hai điểm mấu chốt nhất: Một là đối sử với gia đình hay thân nhân của những người di tản còn ở lại theo pháp luật, bình đẳng như các công dân khác, hai là nếu những người di tản có tài sản để lại, nhất là bất động sản, thì nhất thiết không được đụng đến. Lập luận của Bảy Dự là phải bám vào quan điểm chỉ đạo của thành phố là không nên làm cho tình hình rối rắm thêm.

Người nổ phát súng đầu tiên vẫn là Hai Hân:

- Quan điểm của lãnh đạo Thành phố là để chỉ đạo, còn đi vào thực hiện phải cụ thể hoá từng trường hợp. Theo anh Bảy thì sự ra đi của Năm Thịnh có phải là phản động không.

- Tôi cho là không.

- Nếu không hiểu hành động của Năm Thịnh là chống đối cải tạo tư sản, là chống đối đường lối chính sách của Đảng, thì hiểu nó là cái gì?

- Trước sau vẫn là bất mãn. Chúng ta không nên đã mất người lại còn biến họ thành thù.

- Bất mãn, bỏ cách mạng, bây giờ sống trong lòng địch và bè lũ phản động người Việt ở nước ngoài, thế không phải là phản động à? Bất mãn bỏ nước ra đi có khác gì lắm với chống chế độ? Anh có chắc rồi đây Năm Thịnh không quay về chống ta không?

- Hỏi thế làm sao trả lời được, nhưng Năm Thịnh ra đi là vì bất mãn.

Anh Bảy chỉ xem xét Năm Thịnh lúc ra đi, không nhìn vào diễn biến của sự việc, lại càng không để ý đến những tài liệu ta bắt được. Sao lại có thể nhìn nhận sự việc tĩnh tại thế, cũng không để ý đến môi trường Năm Thịnh đang sống bây giờ!

- Tôi không tán thành cách suy diễn như vậy. – Bảy Dự kiên quyết bác lại.

- Sai lầm là ở chỗ này! Cả hội nghị nghĩ xem, tình hình di tản trước khi ba anh em nhà Năm Thịnh ra đi như thế nào, bây giờ như thế nào? Tình hình chung trước đây phức tạp hơn, hay là sau vụ Năm Thịnh phức tạp hơn? Đối phó với tình hình hiện nay bằng cách suy nghĩ cầu an như của anh Bảy có được không?..

Cuộc tranh luận tay đôi chuyển sang cuộc thảo luận của cả hội nghị. Nhiều ý kiến thừa nhận điều rành rành là tình hình bây giờ phức tạp hơn nhiều. Nhiều ý kiến đồng tình không thể nhìn sự việc tách rời với những diễn biến chung quanh đang xảy ra. Một số ý kiến còn đi xa hơn, phê phán Bảy Dự là mơ hồ, mất cảnh giác...

Sau khi đa số dự hội nghị tán thành ý kiến của Hai Hân, cuộc thảo luận vấp phải vấn đề khó hơn: Các biện pháp xử lý. Quan điểm chỉ đạo của Thành phố luôn được nhắc đến, nhưng đi vào các trường hợp cụ thể của quận thì không dễ chút nào.

Trường hợp di tản của em vợ Quách Minh Châu dính dáng đến việc cuỗm một số tiền khá lớn của những người muốn di tản đang bị kẹt lại. Có những chứng cứ cho thấy chính hắn ta đứng ra tổ chức đường dây này và dụ dỗ nhiều người tham gia. Chỉ có khoảng một phần ba số người đóng tiền đi được trót lọt. Nhà của hắn ta lại là nhà đi thuê, do người vợ cả và một đứa con trai cả đang ở, những tài sản khác hắn bán tống bán tháo hết trước khi bỏ trốn ra nước ngoài, nghĩa là chẳng có gì để bồi hoàn cho những người bị lừa... Dựa vào thế lực hay tổ chức chính trị nào hắn ta làm được việc này? Xử lý thế nào đây? Không xử lý được thì vô hình chung khuyến khích các đường dây mới...

Đã thế có một số người không đi được trót lọt, quá tiếc của… Một số người trong đám họ vốn là họ hàng ruột thịt với Bảy Dự, nhờ ảnh giúp tìm cách đòi lại tiền. Bảy Dự không sao thoái thác được. Có lúc Bảy Dự hết cả kiên nhẫn:

- Bác làm việc phạm pháp như thế lẽ ra phải bắt giam đấy!

- Thôi… Bỏ qua đi… Bác nghe người ta xui dại mà…

- Tại sao khi đóng tiền đi di tản bác không đến báo cho chính quyền biết. Bây giờ mất tiền bác lại nhờ chính quyền đứng ra đòi hộ?

- Thì có tin chính quyền mới nhờ chính quyền đứng ra đòi chớ! Thế chính quyền không bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân à?.. Cháu giúp bác đi…

- Đành là thế, nhưng bây giờ người nhận tiền của bác cao chạy xa bay rồi. Vì sao hồi ấy bác lại phải tìm cách cho gia đình di cư bất hợp pháp như thế. Nhà ta có làm điều gì sai không mà phải đi lén?

- Chỉ có buôn bán thôi mà, có làm gì đâu… Cháu biết quá đi rồi. Chính phủ ta thì không có chủ trương cho đi, mà nơi đến cũng dứt khoát không nhận. Vậy không đi lén thì đi bằng cách nào?

- Biết thế mà bác vẫn liều?..

- Người thì nói bây giờ cái gì cũng quốc doanh hết, sống thế nào được! Người khác lại nói bên ấy làm ăn dễ lắm, thế thì tội gì không đi! Ai biết đâu bị mắc lừa như thế này!..

Bảy Dự hiểu thêm ra nhiều điều.

Trong quận của Bảy Dự có hai người tham gia vào vụ bê bối Năm Thịnh, một cán bộ phường và một cán bộ quận, hơn một năm rồi vẫn chưa giải quyết xong. Hai cán bộ này đã buộc phải thôi việc và bị xử lý theo pháp luật về tội tham nhũng. Nhưng câu hỏi chưa làm rõ được là: Vụ bê bối này chỉ đơn thuần là chuyện sa đoạ của cán bộ hay còn nguyên do gì khác? Nếu có vấn đề chính trị thì càng không đơn giản chút nào. Bảy Dự vẫn còn nợ trên câu trả lời và cũng tự cảm thấy tín nhiệm của mình ngày một giảm sút. Ngay trong cuộc họp này Bảy Dự cũng thấy ý kiến của mình không được coi trọng như trước nữa... Trong khi đó ý kiến của Hai Hân ngày càng được vì nể, nhất là khi Hai Hân phê phán quan điểm hữu khuynh của Bảy Dự...

Hai Hân toàn thắng trong việc bác bỏ ý kiến Bảy Dự, nhưng hội nghị không toàn thắng trong việc thông qua những giải pháp ổn định tình hình và kiểm soát tình trạng di tản. Đại thể vẫn là những quyết sách chung chung: nắm vững phương châm chỉ đạo của Thành phố, tăng cường giải thích chính sách và học tập chính trị trong các cụm dân cư, phổ biến những thông tin về tội ác dã man của hải tặc để răn đe...

Là phó Ban Dân vận của Thành phố, trong thâm tâm Hai Hân thừa nhận những biện pháp đã thông qua không tác động được bao nhiêu vào những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di tản.

Hai Hân tặc lưỡi trong đầu: ...Làm gì giữ được di tản ở lại mới tài, chung chung thế này không nước mẹ gì! Trí tuệ của cả hội nghị cũng chỉ tìm ra được ngần ấy giải pháp, chứ đâu có phải riêng mình mà băn khoăn!.. Cái chính là hội nghị tâm phục khẩu phục về cái bệnh hữu khuynh của Bảy Dự!..

Một tháng sau, với lý do phải tăng cường chất lượng giảng dạy của trường phổ thông trung học Quang Trung trong quận, Bảy Dự được cử về đấy tham gia ban giám hiệu...

Hai Hân nhận được tin trên trong lúc ăn tối tại xí nghiệp in quốc doanh Tự Lực, chân muốn nhảy cẫng lên nhưng không tiện. Quanh bàn ăn không có ai có thể chia sẻ tin vui này... Gần đây Hai Hân có thói quen những ngày không phải đi công tác thì thường tham gia đánh bóng chuyền với công nhân sau giờ làm việc, ở lại tắm rửa, ăn cơm tối xong mới về nhà. Vợ Hai Hân đã quen cái cảnh ăn cơm một mình. Hôm nào phải họp hành, hoặc giả có việc gì vui thì Hai Hân ngủ lại trong xí nghiệp. Tối nay có một số việc phải bàn thêm, nhưng Hai Hân đang cuồng lên, quyết định về nhà.

- Anh nói tối nay họp nên ngủ lại trong xí nghiệp cơ mà? – vợ Hai Hân ngạc nhiên khi thấy chồng về.

- Đột xuất!

- Anh nói cái gì? Về nhà ngủ đột xuất? – hai mắt vợ hai Hân mở to, mải nhìn chồng, tay suýt gạt rơi mấy cái bát đĩa đang rửa. Chị vừa mới ăn cơm tối xong.

- Cưng ơi, phải đi học chính trị nâng cao trình độ đi. Người ta nói công tác đột xuất, chứ không ai nói ngủ đột xuất!

- Ở nhà làm gì có gì mà công tác đột xuất. Thế về không ngủ đột xuất thì làm cái gì?

Hai Hân ớ ra một lúc và cũng cảm thấy tức cười, định chọc vợ một câu nữa thì bị chẹn luôn:

- Đột xuất là tự anh nói ra, chứ không phải em đâu nhé!

- Thôi được, không có công tác đột xuất thì ngủ đột xuất càng thích chứ sao. Hôm nay chúng ta ngủ đột xuất đi! - Hai Hân luồn ra phía sau, ôm kín cả người vợ, hai tay thộp lấy vú vợ, bóp mạnh: - Ngủ đột xuất! Dùng từ rất chuẩn!

- Đồ quỷ, vỡ hết cả bát đĩa bây giờ!

- Có chút gì nhậu không?

- Anh chưa ăn cơm sao?

- Rồi, nhưng muốn nhậu đột xuất ở nhà một chút!

- Rượu trắng má đem ra cho vẫn còn nguyên trong can đấy, cả gói cá chỉ vàng nữa. Em đi nướng cá cho anh nghen?

- Tuyệt!

Loáng một cái mâm bát, cút rượu, đĩa cá nướng, đĩa lạc rang đã dọn ra trên bàn. Vợ Hai Hân vặn cái quạt trần tăng thêm một nấc nữa rồi lại ngồi cạnh chồng:

- Sao tự nhiên hôm nay lại nảy ra cái chuyện đột xuất?

- Chuyện này khác, dài lắm. Làm một chút lai rai với anh đi.

- Một chút thôi nghen.

Hai Hân rót cho vợ đầy ly rượu, bị vợ đổ trả lại quá nửa vào cái ly bự của mình:

- Đằng nào cũng đi ngủ, lo gì.

- Đừng. Mai em phải đi làm sớm. Uống nhiều mai không dậy được thì chết!

- Uống ít cũng được, nhưng ngồi tiếp anh chứ? Nhậu một mình buồn chết luôn.

- Ngồi nghe anh kể chuyện đột xuất đây.

- Từ từ. Đã bảo là chuyện dài dài mà.

- Chắc anh quyết định chuyển nhà rồi phải không?

Hai Hân nhâm nhi, vừa nghe vợ nói, vừa theo đuổi các suy nghĩ của mình.

- Em đã đoán là không thể sai. Mà cũng đã đến lúc rồi. Ai lại giám đốc bao nhiêu năm mà vẫn cứ chui rúc mãi cái chuồng heo trong hẻm cụt này. Thỉnh thoảng anh phải đi công tác xa, lái xe đến đón anh cũng cực.

- Anh nói mãi rồi, chuyện nhà cửa cứ thong thả mà em. Phải nghĩ xa hơn. Ngay đến cái xe máy đi làm anh vẫn giữ cái Honda tòng tọc kia, quăng nó đi lúc nào chẳng được. Phải nghĩ đến cái lớn hơn.

- Thế thì chịu, không đoán được cái chuyện đột xuất hôm nay là gì.

- Anh thắng to. Con đường chính trị của Bảy Dự hết rồi, bây giờ lại trở về nghề thầy giáo.

- Em không hiểu. Dạy học là nghề chính của ảnh, có gì mà thắng to với thắng nhỏ?

- Thế mới bảo là chuyện dài dài mà. Anh quyết định đi học dài ngày. Em chịu khó ở nhà một mình, hoặc mời má ra sống với em cũng được.

- Chị Hai một nách mấy con nhỏ, má không bỏ chị ấy một mình được đâu.

- Nếu vậy em chịu khó ở nhà một mình.

- Em thế nào cũng được. Nhưng từ ngày bác Tiến ra Hà Nội, em thấy anh quên đứt cái chuyện đi học rồi cơ mà.

- Khác rồi. Bây giờ nhìn xa nên lại muốn đi học.

Chuyện anh đi học có liên quan gì với anh Bảy?

- Cá em nướng hơi ỉu ỉu một tý thế này mới ngon. Tối hôm qua chúng nó nướng hơi cháy, ăn đắng thấy bà. – Hai Hân vừa ăn vừa nói, đầu óc đang có nhiều tính toán chạy qua.

- Em lấy thêm tương ớt cho anh nghen?

- Em bảo sao, má bận với chị Hai hả? Thì em cũng là con gái của bả.

- Phải thông cảm với chị Hai, cặp nách một bầy con mọn, đừng bì với chị ấy.

- Thế cũng được. Miễn là em tán thành anh đi học.

- Đã bảo em thế nào cũng xong mà.- Biết không cưng, uy tín anh đang lên! Thêm cái bằng chính trị nữa là thiên hạ miễn eo sèo. Một mình anh đánh đổ 5 tư sản đấy!

- Công tác anh xông pha ngày đêm như vậy, hết ý. Ai nói gì được?

- Thế mà vẫn có người cứ hay so sánh anh với Bảy Dự. Nhưng bây giờ thì miễn! Miễn hẳn! Có thêm cái bằng chính trị nữa thì một Bảy Dự chứ ba bốn BảY Dự cũng phải ngước nhìn lên!

- Sao cứ nhằm vào anh Bảy?

- Bênh hả?

- Anh có xích mích gì với ảnh không?

- Xích mích thì không.

- Thế thì vì cái gì vậy?

- Họ cứ hay lấy Bảy Dự ra để đo anh!

- Chỉ vì thế mà tối nay anh về nhà?

- Đại sự như thế còn gì nữa!

- Coi bộ về nhà tối nay chỉ là vì đại sự.

- Cái chính là để em động viên anh đi học.

- Đừng móc ngoặc lung tung thôi, chứ đi học thì tha hồ!

- Em nói cái gì?

- Đã bảo là cứ liệu, đừng móc ngoặc lung tung.

- Em hiểu móc ngoặc là gì?

- Là trai móc với gái rồi ngoặc với nhau, anh cứ vờ vĩnh mãi!

- Thế tối nay anh với em cũng là móc ngoặc à?

- Chứ còn gì nữa, đừng có rỡn hoài!

Hai Hân ôm bụng cười ngặt nghẽo, miếng cá chỉ vàng đang ăn dở văng xuống sàn nhà.

- Anh hôm nay sao trơ tráo thế, người ta mắng cho mà vẫn còn cười!

- Không, em làm anh buồn cười quá!

- Buồn cười cái gì mới được chứ? Hôm nay em làm sao?

- Em không làm sao cả. – Hai Hân vẫn cười. - ...Em sai rồi!

- Nhưng mà sai cái gì? – vợ Hai Hân không giữ được kiên nhẫn nữa.

- Em dùng từ sai rồi. Người ta không nói móc ngoặc để chỉ chuyện trai gái. Anh Tiến đã có lần giải thích móc ngoặc, con phe, cưa đôi... là từ ngữ kinh tế ngoài Bắc từ khi có chế độ tem phiếu, trước kia không có trong đời sống hàng ngày. Móc ngoặc là chuyện làm ăn móc nối, thông đồng với nhau để moi hàng theo giá bao cấp, rồi tuồn ra bán ngoài thị trường với giá chợ đen! Sau giải phóng từ này mới được du nhập vô trong này, nhưng hiểu có khác đi đôi chút.

- Em có ra ngoài Bắc bao giờ đâu mà biết. Mấy lần anh Tiến đến ăn cơm nhà ta, thấy anh và anh Tiến thỉnh thoảng lại thì thào với nhau chuyện móc ngoặc thì cứ ngỡ là...

- Bù lại ngoài Bắc nhập từ bồ bịch của miền Nam từ sau giải phóng...

- Thôi, đã thế em nói lại: Đi học thì đồng ý, còn bồ bịch lung tung thì không được! Nói thế rõ chưa?

- Lại bắt đầu ghen rồi phải không?

- Em đi nướng thêm cá cho anh nghen?

Câu chuyện cứ dóng một thế mà lai rai sang đĩa cá nướng thứ hai. Tiếp rượu cho chồng, thỉnh thoảng vợ Hân mới cầm lên một con cá nhỏ, nhưng ly rượu một nửa chồng rót cho thì vẫn còn nguyên. Câu chuyện có vẻ như đứt làm nhiều đoạn, bởi vì Hai Hân vừa thưởng thức món nhậu, vừa xắp xếp trong đầu những việc sẽ làm, lại vừa tiếp chuyện vợ. Tuy vậy vợ Hai Hân hiểu rõ chồng mình rất quyết tâm đi học. Nói chuyện với chồng trong bữa nhậu đột xuất này, mỗi câu cộc lốc của chồng lại làm cho bao nhiêu ý nghĩ về chồng quay cuồng trong đầu chị.

...Bây giờ là vợ giám đốc rồi, ảnh đi học về mình sẽ là gì nữa đây? Mình đâu có cần chức tước gì của ảnh? ...Đời là tiếp nối các cuộc chinh phục không ngừng!.. Hình như có lúc ngủ mơ ảnh cũng nói câu này. Sao đàn ông họ thích theo đuổi những chuyện hão huyền vậy! Đến nỗi nhà được phân rồi mà còn giữ kẽ chưa nhận. Không biết còn cam chịu ở cái xó này cho đến bao giờ!..

...Khi tắt đèn leo lên giường đi ngủ, vợ chồng Hai Hân lại đụng ngay phải cái chuyện bàn đi bàn lại mãi xưa nay: Cưới nhau đã gần 5 năm rồi mà chưa có con. Cúng, lễ, đi bệnh viện, xem tướng... đều chưa hiệu quả.

Có lúc vợ bảo lỗi tại chồng, dẫn chứng là chị gái mình một nách bốn đứa con, năm một sàn sàn nhau. Chồng bảo lỗi tại vợ:

- Đừng ăn nói lung tung nhé, trước đây con rơi con vãi vô thiên ổng!

Hai vợ chồng mấy lần dắt nhau đi xem bói, xem tử vi. Có lần ông thầy nói: Thế nào cũng có con, con trai hẳn hoi, nhưng muộn...

Được cái hai vợ chồng biết chịu đựng nhau, an ủi được nhau.

Lần này cũng vậy, vợ Hai Hân né đầu sang một bên rồi ghì đầu chồng mình xuống ngực để nói thật sát vào tai chồng:

- Ông trời bắt vậy, anh có đủ kiên trì không?

- Kiên trì. Nhân định thắng thiên cơ mà.

- Đột xuất hôm nay là vì đại sự này hay là quyết nhân định thắng thiên?

- Hỏi hay nhỉ. Thế nhân định thắng thiên không phải là đại sự à?

- Ừ, ừ. Nhưng đột xuất mãi chứ?

- Mãi. Đột xuất chưa?

- Đang đột xuất…

- Đại sự chứ?

- Ừ, ừ… Đại sự lắm...

Bỗng nhiên Hai Hân đẩy hất vợ ra, nằm vật sang bên, thở gấp, mồ hôi vã ra, nhột nhạt – dư chấn của căn bệnh cũ... Đụng đến phụ nữ thỉnh thoảng Hai Hân vẫn còn bị như vậy, nhất là khi quá phấn khích... Vài năm trước đây có lần còn ôm xống áo ù té chạy, nhờ trời gần đây đã khá lên nhiều... Lần này cái cảm giác toàn thân nhột nhạt chỉ thoảng qua thôi, Hai Hân tự an ủi trong bụng: ...May nhờ bóng tối nên vợ không nhìn thấy cái mặt nhăn như khỉ của mình...

Vợ chồng ông già Học tổ chức một bữa cơm tối tại khách sạn La Cigale. Đây là một trong những khách sạn có bếp Pháp nổi tiếng ở thành phố San Jose. Lý do đơn giản là khách được mời đều chuộng cơm Tây. Cặp vợ chồng Lễ-Thảo phải đi khoảng 300 dặm từ thành phố Bakerfield, Tôn Thất Loan và vợ phải đi gần 200 dặm từ thành phố Chico. Nói là ăn bát cháo chạy ba quãng đồng thì cũng đúng đối với hoàn cảnh của họ. Riêng cặp vợ chồng Hoài – Nhân sống cùng với vợ chồng ông già Học trong cùng một khu biệt thự Santa Monica Hill giáp ranh với thành phố San Jose là gần nhất. Mang tiếng là ở cùng một bang, song đây là lần đầu tiên họ gặp nhau đông đủ như thế này kể từ khi gia đình Lễ đến California từ gần một năm nay. Trường hợp chậm trễ của Lễ cơ quan nhập cư thanh minh có chuyện trục trặc. Giấy tờ ngược xuôi mất gần một năm nữa từ hôm đi thăm Hà Nội về gia đình Lễ mới ra đi được. Lễ vẫn thường gặp Tôn Thất Loan nhờ giúp việc này việc khác. Loan cũng năng đi lại nơi ông già Học. Song mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi cảnh, vợ chồng ông già Học phải sắp lịch trước từ mấy tuần lễ mới hẹn được cuộc gặp cả khách và chủ chỉ vẻn vẹn tám người. Sau bữa cơm hôm nay, họ sẽ có hai ngày nghỉ cuối tuần ở nhà ông già Học.

Nằm tại bìa rừng National Forest Park nổi tiếng, khách sạn được trang trí theo kiểu nhà ăn trong các trang trại của vùng Bordeaux ở Pháp. Bước ra khỏi xe, đám khách của ông già Học thốt lên:

- Ôi yên tĩnh quá!

-Không khí ở đây trong lành quá...

Màu xanh bao la của cỏ cây làm dịu con mắt mọi người. Xa xa mấy con thiên nga thong thả trườn trên mặt hồ. Không ai bảo ai, mọi người cố đi chậm lại để thưởng thức cảnh thanh bình hiếm có này, nhất là họ đều từ những nơi huyên náo đến đây.

Bước vào trong khách sạn, chỉ dạo xem một lượt tranh, ảnh, các đồ trang trí, mọi người có thể hình dung phong cảnh vùng Bordeaux ra sao, vang Bordeaux được sản xuất như thế nào. Ai sành rượu còn có thể tìm thấy tập liệt kê đóng thành sách vàng, ghi những năm vùng Bordeaux có mùa nho làm rượu vang ngon nhất, loại rượu đặc biệt từng năm này khách sạn bán được bao nhiêu chai, hiện còn lại bao nhiêu chai... Đương nhiên trong các đồ trang trí nội thất không thể thiếu được cái bánh xe cổ đã hỏng, một cái yên ngựa nằm trên bãi sỏi rất đẹp, một thanh kiếm gãy rơi bên cạnh... Người ta liên tưởng đến con suối trong lành thời của “3 người lính ngự lâm”(*) [(*) Tiểu thuyết “3 người lính ngự lâm” của Alexandre Dumas, nhà văn Pháp thế kỷ 18.] đầy lãng mạn thế kỷ thứ 17. Mấy thùng rượu vang đứng nằm bên các luống nho, những chai Bordeaux các thời đại kể từ khi có đầu máy hơi nước bầy cạnh những tảng pho-mát, cái bánh mỳ cắt dở. Những dụng cụ làm rượu, làm bếp... Những bộ trang phục dân tộc đặc sắc của nam nữ nông dân vùng Bordeaux... Tất cả được bài trí rất đồng nội nhưng cũng rất tinh xảo. Mấy cô chiêu đãi viên người Pháp trẻ, mảnh mai và khá đẹp, niềm nở theo duyên dáng Pháp, xiêm áo rất Pháp, nói tiếng Anh sệt giọng Pháp hoặc nói tiếng Pháp như chim hót... Trong giây lát khách ẩm thực có thể nghĩ mình đang sống ở một nơi đồng nội êm ả nào đó vùng Bordeaux, cây cỏ thì thầm trong làn gió nhẹ, không tiếng ồn ào của xe cộ, không sự náo nhiệt, không bầu không khí sặc mùi công nghiệp... Cả đến thực đơn cũng rất Bordeaux, ghi bằng tiếng Pháp cổ, tiếng Anh chỉ làm chú thích.

Đi dạo chán trong khách sạn, ngồi vào bàn, câu chuyện của tám người khách Việt còn quanh quẩn mãi ở vùng Bordeaux. Ông già Học và Thảo bất đắc dĩ trở thành hướng dẫn viên du lịch Bordeaux cho những người còn lại, họ hỏi khá nhiều.

- Chọn khách sạn này, ba đáng được thưởng quá! Từ khi tốt nghiệp con chưa có dịp nào trở lại vùng Bordeaux. – Thảo nắm lấy tay ông già Học. Xưa nay Thảo vẫn thường gọi ông như vậy, vì ông rất quý Thảo. Bố Thảo hiện giờ là luật sư cố vấn cho ông già Học.

- Chọn La Cigale thoạt đầu chỉ là vì chúng ta thích gu Pháp thôi. Không ngờ nó lại có xuất xứ là Bordeaux, đến đây ba mới biết.

- Ba con cố tình chọn La Cigale để được khen đấy. – bà già Học trêu ông già.

- Khi Sài Gòn thất thủ thì ba đang thương lượng mấy cái affairs về tài chính ở Paris. Trong chuyến đi năm ấy ba kết hợp đi chơi, có đến thăm Bordeaux.

- Hôm ấy ở Pháp bác có hồi hộp không ạ? – Tôn Thất Loan hỏi.

- Thú thực Sài Gòn còn hay mất có can hệ gì với tôi đâu. Hôm ấy tôi chỉ nghĩ và lo cho gia đình Lễ, gia đình Tư Cương và một số họ hàng bạn bè khác. Cái bệnh muốn đứng ngoài cuộc của tôi nó thâm căn cố đế như vậy đấy. Khi bỏ Sài Gòn ra đi, tôi hiểu là đã vứt lại phía sau tất cả!

Lúc này một người hầu bàn nam đến phục vụ, trong tay quyển sách vàng về rượu. Người này trình bày, trả lời một số điều với ông già Học, rồi mở trang ông già Học định chọn trong cuốn sách vàng. Ông già Học ngẩng lên hỏi ý kiến mọi người:

- Hôm nay chúng ta uống rượu gì? Chọn rượu xong, chúng ta sẽ chọn thức ăn theo rượu. Có dòng Bordeaux, dòng Grenace. Hay là dòng Monteverdi của Ý? Vang Mỹ ở đây có dòng California. Hay là chọn dòng Tokay của Hung?..

- Chú chọn cái gì khác Bordeaux đi, thứ này chúng ta dùng mãi rồi. Cháu muốn xem thế giới của chúng ta đáng sống đến mức nào. – Lễ có ý kiến.

- Được, chúng ta cố làm cho anh Hai này yêu đời thêm một chút. - ông Học vừa nói vừa chỉ tay về phía Lễ, rồi quay ra bàn nói tiếp với người bồi bàn. - ...Được rồi, năm 1975 Breziers(*) [(*) Vùng trồng nho miền Nam nước Pháp.] có mùa vang ngon vì nắng nhiều, chúng ta chọn Voutenay Grenache 1975, tất cả đồng ý chứ?

- Chú uống mừng chiến thắng của Việt cộng ạ? – Lễ vừa cười vừa hỏi.

- Và nuối tiếc Sài Gòn thất thủ nữa, có phải thế không thưa bác? – Tôn Thất Loan muốn thử xem ông già này sẽ trả lời như thế nào.

- Hay đấy... - ông già Học cười hà hà. - Ông và Lễ trả lời hộ tôi rồi. Họ Phạm chúng tôi có tư cách để nâng cốc với cả hai lý do này! Chúng ta nhất trí chứ?

Vợ Tôn Thất Loan khẽ khẽ vỗ tay tán thưởng, cả bàn đồng tình. Câu chuyện trên bàn râm ran hẳn lên. Loan lắc đầu tỏ ý chịu phục cách đối đáp của ông già Học. Sau khi người hầu bàn đi rồi, câu chuyên vẫn còn ít nhiều dính dáng đến vùng Bordeaux.

- Nhà hàng này biết làm marketing đấy. – ông già Học nhận xét. - Tại bang này có khá nhiều cửa hàng ăn Việt Nam, nhưng chưa có một khách sạn nào có được tên tuổi cỡ như La Cigale.

- Bác ạ, nhà hàng Hoa kiều như thế cũng chưa có, huống chi là ta. Chỉ cần nhìn bãi đỗ xe của khách sạn này thì rõ. – Tôn Thất Loan nêu nhận xét của mình.

- Về vốn liếng, công nghệ, kỹ thuật, tôi nghĩ rằng trong cộng đồng người Việt ta ở đây có không ít người thừa sức làm việc này. Nhưng cái mà chúng ta thật sự thiếu là đầu óc và văn hoá kinh doanh cần thiết cho một nhà hàng như thế này. Tiếc rằng tôi già rồi, phải nghỉ ngơi bây giờ đã là quá muộn.

- Cháu chịu chú. Nhìn vào bất kể thứ gì, ngồi trong khung cảnh nào, chú cũng đều nhìn thấy khả năng làm ra tiền! – bác sĩ Nhân, chồng Hoài, vốn ít nói, bây giờ mới lên tiếng. – Thưa ông bà Loan và anh chị Lễ, cái bệnh viện nha khoa của em là ý tưởng của chú Học em đấy ạ: khai thác triệt để đặc thù hệ thống bảo hiểm rất cạnh tranh và phân tán của Mỹ! Nếu ở Canada hay ở Tây Đức kiểu bệnh viện như của em không sống được, chứ đừng nói đến cạnh tranh.

- Nhìn thế này thôi, nhưng không đơn giản đâu. - ông già Học nói thêm cho Nhân hiểu. - Ý tưởng kinh doanh cốt lõi của nhà hàng này, cháu quan sát kỹ mà xem, đó là chọn lọc đối tượng và phục vụ tốt đối tượng chọn lọc. Nhà hàng đã chọn đúng thị trường và làm mọi việc để đáp ứng tốt thị trường họ chọn.

- Nhìn giá trên thực đơn cháu thấy nhà hàng này rất mắc, chú ạ. – Lễ hỏi ông già.

- Đúng thế Lễ ạ, nhưng vì khẩu vị và sở thích của mình chúng ta tự nguyện tìm đến đây cơ mà! Đến đây một lần, sẽ có một kỷ niệm đáng nhớ, rồi chắc sẽ phải đến lại, rồi người nọ truyền miệng cho người kia, rồi quảng cáo... Nguyên lý sơ đẳng của kinh doanh chỉ có một câu đơn giản thôi: Trước hết là phải có con mắt và cái đầu chọn đúng thị trường cho mình, rồi mới tính đến những cái khác.

- Tôi thì lại cứ tưởng rằng định làm ăn thì phải có vốn, vốn đến đâu thì làm đến đấy, bác Học ạ. – Tôn Thất Loan nêu ý kiến của mình.

- Ông Loan ơi, khi mới bước vào nghề kinh doanh, tôi cũng nghĩ như ông vừa nói. Nhưng rồi sạt nghiệp hai ba phen, cũng có nghĩa là mất ăn hai ba phen, tôi mới vỡ lẽ ra là không phải như vậy. Bây giờ thì tôi có thể nói là cả đời mình tôi chỉ tìm cách học một câu đơn giản ấy thôi mà vẫn chưa dám nói là thuộc.

- Bác viết thành sách đi.

- Nếu thế quyển sách của tôi chỉ có độc một câu ấy, ông Loan ạ! – mọi người đều cười, ông già Học chờ một chút rồi nói tiếp: - Người đi buôn, một doanh nghiệp, một công ty, một quốc gia.., tất cả đều phải tuân thủ nguyên lý dễ hiểu nhưng khó thực hiện này. Đó là: Phải có con mắt và cái đầu chọn đúng thị trường cho mình.

Vợ Tôn Thất Loan nghĩ mãi vẫn chưa hiểu ra, mạnh dạn hỏi:

- Thưa bác, đắt như ở đây thì làm sao cạnh tranh được ạ? Lựa chọn kiểu gì mà lại toàn chọn làm của đắt để bán hả bác?

- Tôi xin cắt nghĩa thế này bà Loan ạ. Nhà hàng này chọn cho mình loại khách thích cơm Pháp, yêu văn hoá Pháp. Đối với loại khách này đạt được sở thích và được thưởng thức mới là điều quan trọng. Chất lượng là quyết định, hưởng cái gu Pháp là quyết định, tiền nong đối với loại khách này chỉ là chuyện phụ. Lựa chọn khách hàng như thế những kẻ kinh doanh khác khó với tới được. Mà phải thật giỏi mới dám lựa chọn thị trường này! Bà xem, từ thành phố ra đây gần 30 dặm, thế mà khách muốn có một bàn riêng như chúng ta là phải đặt trước vài ngày, có khi một tuần!

- Ba phải nói thêm con đi hơn ba trăm dặm mới tới đây! – Thảo chen vào.

- Chú ạ, thế sao chủ nhân ở đây không bành trướng cái La Cigale này, hoặc mở thêm vài cái mới? – Lễ hỏi.

- Như thế nó sẽ phải là La Grande Cigale, hay Les Cigales, và sẽ không còn là La Cigale nữa, nghĩa là không còn các khách chọn lọc, người kinh doanh hạng bét nào cũng làm được, như thế thì thua thiệt và sẽ mất hết! Nếu chú là chủ nhân nhà hàng này, chú sẽ làm mọi việc để chỉ có La Cigale duy nhất này mà thôi. Nếu kẻ có gan nào tìm cách bắt chước cho ra đời một nhà hàng tương tự thì phải cạnh tranh không thương tiếc đánh đổ liền! Hoặc chấp nhận bị đánh đổ!

- Chịu bác. Bái phục bác. – Tôn Thất Loan kêu lên.

Lúc này người hầu bàn nam mang rượu đến cho ông già Học nhấp thử. Câu chuyện tạm gián đoạn, vì mọi người đều chăm chú nghe người hầu bàn giới thiệu thêm vài nét về chai rượu năm 1975 anh ta đang có trong tay. Anh ta gắn thêm vào lời giới thiệu một huyền thoại ngắn về tình yêu của xứ sở Bordeaux, nói chuyện rất có duyên và có phong cách một nghệ sĩ rót rượu. Anh ta kết thúc việc rót rượu bằng một câu đầy triết lý: Thưa quý bà, quý ông, Tình yêu! Chỉ có tình yêu giữ bạn mãi trong vĩnh hằng!..

Đợi người hầu rót xong rượu, ông già Học nâng cốc:

- Một lần nữa nhà tôi và tôi xin cảm ơn ông bà Loan. Chú thím cảm ơn các cháu. Xin chúc tất cả chúng ta hôm nay có một bữa cơm vui vẻ. Loanh quanh nửa vòng trái đất rồi lại cùng ngồi với nhau ở đây... – nét mặt ông Học thoáng một chút vấn vương gì đó.

Câu nói cuối cùng của ông già Học làm cho mọi người rời bỏ vùng Bordeaux và kiểu kinh doanh của La Cigale lúc nào không biết. Quả thật đoạn trường từ năm 1973 đối với gia đình ông già Học và từ ngày 30 tháng Tư đối với gia đình Loan và gia đình Lễ đến cuộc gặp mặt ở La Cigale bây giờ vẫn còn nóng hổi những ấn tượng của bao nhiêu sự việc như trong ác mộng.

Mọi người cảm ơn ông già Học về nhiều điều, thực sự thán phục cách nhìn đời và những quyết định dứt khoát của ông. Rượu ngon, bàn tiệc đầm ấm không khí gia đình, mặc dù có vợ chồng Tôn Thất Loan là người ngoài họ. Mọi người được giờ phút cởi mở tình cảm, tạm thời quên mọi âu lo.

- Chú ạ, cháu và Thảo nhiều lúc hỏi nhau, nếu không có chú, tụi cháu sẽ ra sao đây, ít nhất là cũng không có cái chuyện ngồi đây uống chai Grenache năm 75. – nói đến đây Lễ dừng lại, quay ra quàng tay lên vai vợ rồi nói tiếp: - ... Thật không thể tưởng tượng nổi, có phải không em...

- Bác Học ạ, từ hôm được gặp bác lần đầu tiên đến hôm nay là gần hai năm rồi đấy ạ. Mỗi lần gặp bác tôi lại học thêm được nhiều điều. Nhưng tôi phục nhất cái tính quyết đoán của bác. Xin tỏ lòng ngưỡng mộ. – Tôn Thất Loan nâng cốc.

- Xin cảm ơn ông Loan quá khen. Có lẽ tôi phải bổ sung thêm một chút sự thật vào lời khen của ông. Xin ông hiểu cho đằng sau mỗi quyết đoán như vậy là những nỗi đau xé lòng. Nhờ trời, vào những lúc ấy tôi không mềm yếu. Thật không dễ dàng gì năm Bảy ba (1973) tôi bỏ cả cơ nghiệp đi sang đây, gần như tay không!

- Ông ơi, nhà in của ông bị quốc hữu hoá rồi. – bà già Học nhắc chồng.

- Bà nhầm rồi, tôi đã vứt bỏ nó đầu năm Bảy ba (1973), mãi đến... năm bao nhiêu đó sau này mới cải tạo xong cơ mà! Vứt nó đi tôi mới có gan bước vào kinh doanh tài chính như bây giờ! Thế là mất hay được hả bà?

- Tôi biết là ông vẫn tiếc lắm. – bà Học không chịu thua chồng.

- Vậy bác ra đi năm Bảy ba không phải vì sợ Việt cộng à? – bà Loan hỏi.

- Có sợ Việt Cộng, nhưng cái nhốn nháo còn đáng sợ hơn. Song cái chính là lúc bấy giờ tôi đã ngửi thấy trên thế giới đi vào kinh doanh tiền tệ là chóng giàu nhất. Thế là không gì có thể giữ chân tôi ở lại Sài Gòn được nữa! Cụ Nguyễn Du nói đúng ý tôi đấy: Máu tham hễ thấy hơi tiền là đi!

- Chú luôn luôn được đền bù là quyết định đúng, có phải thế không ạ? Cháu sống với chú từ bé nên nghiệm được điều này. – Hoài hỏi chú mình.

- Tạm nói thế này Hoài ạ: Chú vẫn cho là trời có mắt. Bõ công chú chấp nhận rủi ro! Cũng phải tạ ơn trời Phật cháu ạ, vì ít nhiều phải có chút may mắn thì mới thắng được. Chú cầu mong ở hiền gặp lành, nhưng mọi người cứ gán cho chú là kẻ vô thần.

- Chú ạ, xem ra cả dòng họ Phạm, cháu là loại bét. – Lễ so sánh. - ... Cháu không biết cậu cháu nhiều lắm, nhưng mấy tuần ở Hà Nội sống với anh Chính, anh Nghĩa, cháu thấy hai anh cháu cũng là những người nhiều nghị lực như chú, mặc dù các anh ấy đi con đường khác. Hệt như chú, anh Chính cháu cũng có đầu óc rất họ Phạm. Một điều hai điều đều dạy con cháu phải giữ truyền thống họ Phạm!

Trên mặt ông già Học thoáng một nụ cười rạng rỡ.

- Ba có thể tưởng tượng nổi không, hôm tụi con được tướng Lê Hải mời cơm, trong buổi đó tướng Lê Hải cũng thừa nhận truyền thống họ Phạm. Con phục ông ấy là người có tâm và có tầm nhìn sâu sắc. Anh Loan chắc chưa biết, tướng Lê Hải là cấp trên của anh Nghĩa tôi.

- Ôi, anh Lễ có lẽ là sĩ quan duy nhất của quân đội Cộng Hoà được là khách của tướng Việt cộng đó! – Tôn Thất Loan kêu lên.

- Ông Loan thấy cháu tôi chưa, chỉ có người họ Phạm mới được như vậy! – bà già Học cổ vũ cho Lễ.

- Ông tướng này hiểu biết rộng chú ạ. Anh Loan mà tiếp chuyện ông ấy thì rất lý thú. ... Ông ta xử sự tế nhị và rất hiểu người. Thật là có cách suy nghĩ khoáng đạt! Có lẽ ông ta là một trí thức dòng dõi. – Lễ nhận xét.

- Anh Lễ khen phò mã tốt áo! Tướng Lê Hải còn là cấp trên của ông Nghĩa thì nhất định phải là người thế nào rồi!.. Đã có lần tôi kể cho bác Học nghe về ông Nghĩa.

- Ba má có biết không, những ngày ở Hà Nội tụi con thấy dễ thở nhất kể từ sau 30 tháng Tư và từ đó bắt đầu le lói hy vọng. – Thảo tham gia ý kiến.

- Các cháu đang thôi thúc chú thím về thăm mẹ cháu, thăm thím Tuấn và các con cháu trong nhà họ Phạm... Có thể làm được việc này không các cháu nhỉ? - ông già Học dừng lại, trong lòng nghĩ đến người chị dâu của mình: ...Chị cả ơi, thế hệ chúng ta bây giờ chỉ còn lại chị, vợ chồng em, thím Tuấn...

- Có thể được đấy ba ạ. Chính tướng Lê Hải khuyên tụi con phải giữ lấy cội nguồn và dạy bảo cháu Tín gìn giữ mối dây liên hệ giữa anh em con cháu họ Phạm.

Gần như suốt bữa ăn chính, câu chuyện cứ hết bắc cầu về Sài Gòn, lại ra Hà Nội, lại đến La Cigale... Đôi lần câu chuyện bị thức ăn ngon chuyển đề tài, nhất là khi mọi người dùng đến món bít-tết nai rừng nổi tiếng của La Cigale. Ông già Học kể cho mọi người nghe: Chính vì nhớ đến món này nên ông già mới tìm đến La Cigale. Bít-tết nai rừng thì nhiều nhà hàng có, song thật là Pháp, thật là La Cigale, từ cách ướp, cách rán, cho đến nước sốt, rau, gia vị, cách phục vụ thì chỉ có ở La Cigale... Ông già Học giải thích – Nó rất thích hợp cho các chai vang năm 75 của chúng ta!..

- ...Thôi được, chú thím sẽ trù tính về thăm Hà Nội khi có cơ hội, cũng gần bốn chục năm rồi còn gì... Chú thấy giữ lấy mối quan hệ ruột thịt là điều quan trọng nhất của mỗi chúng ta ngồi đây. Tiền nong chúng ta đâu có đến nỗi thiếu, dù rằng người làm ăn thì tiền không bao giờ được coi là đủ... Xin lỗi ông bà Loan, tôi nói chuyện riêng của nhà trong buổi gặp mặt chung này. Mấy anh em trai tôi hồi còn thiếu thời chịu ơn anh chị cả chúng tôi nhiều lắm!..

- Dạ không sao ạ. Hôm gặp bác lần đầu tiên, bác gửi gắm nhiều vào điều mọi người có thể chia sẻ chung được. Hôm nay bác quan tâm nhiều đến mối quan hệ ruột thịt. Tôi thấy như vậy rất phải. Mấy năm nay tiếp xúc với cộng đồng người Việt, đúng là mối quan hệ hiệp đồng gắn bó là điều thiếu nhất, yếu nhất.

- Anh Loan ạ, anh đến đây lâu hơn tôi, có thể anh có lý. – Lễ nêu ý kiến của mình. - ...Tôi thì bi quan hơn anh nhiều. Tôi cho rằng nhiều người Việt ta thích phá nhau, khó mà nói đến hiệp đồng, đến gắn bó được! Chưa chi đã bốn năm nhóm khác nhau đến gặp tôi và Thảo, nhóm thì ép, nhóm dụ dỗ, nhóm hù doạ các kiểu. Kẻ thì xưng là môn đệ của Nguyễn Văn Thiệu, người thì xưng là Phục quốc, đám khác là Cứu quốc hội.., chẳng làm sao biết được ai vào với ai.

- Cháu phải tập làm quen với họ đi.

- Hỏi đi hỏi lại, họ thực ra chỉ đòi hai việc thôi chú ạ. Đòi góp tiền và ép vào tổ chức! Có đám nói do Quách Minh Châu và Lý Lam giới thiệu. Cháu hỏi lại Quách Minh Châu, thì ông ta thề là không xui ai làm việc này!

- Thế là rõ rồi đấy. Chú thì mọi người kiềng mặt rồi. Còn cháu là ma mới, dễ hiểu thôi.

- Ba à, con khiếp nhất là cái hôm đám này đến tận nhà nói thẳng với con: Nhà bà là quan hệ ruột thịt với Việt cộng ở Hà Nội, hoặc là hợp tác với chúng tôi, hoặc là xin ông bà coi chừng! Gã này vừa nói, vừa lấy cái tay giả xỉa vào mặt con... – Thảo kể cho mọi người nghe đám này bắt ép việc lấy chữ ký và lập quỹ cứu nước của Phục quốc. - ...Nhiều lúc con thấy mệt quá đi. Con phải giở luật pháp của nước Mỹ ra, họ mới chịu yên, nhưng không biết được bao lâu.

- Anh Lễ chị Thảo phải đến học kinh nghiệm của bác Học. Hình như tình hình chiến sự trong nước trên biên giới Việt-Trung và trên mặt trận Campuchia đang kích thích các phe nhóm ở đây hoạt động chống Hà Nội. Trên báo chí tôi cũng thấy rộ lên những bài không thân thiện.

- Có người còn nói bóng nói gió với tôi là quen biết cả anh và Mai-cơn Fốc, anh Loan ạ.

- Thảo và Lễ ơi, các con nên nhớ ở đây cũng có quy luật mềm nắn rắn buông! Ông Loan nhận xét có lý đấy, tình hình chiến sự trong nước mình bây giờ, rồi sự nhộn nhạo của công đoàn Đoàn kết ở Ba-lan từ mấy năm nay, tình trạng lục đục Xô - Trung, nội bộ các nước cộng sản Đông Âu theo nhau bất an... Ở bên này hết Phục quốc, lại đến Cứu quốc, rồi Quốc dân đảng, tất cả đang hy vọng lắm đấy. Đây là lúc chú thấy rõ được ai đi với ai, làm việc cho ai...

- Anh Lễ ơi, bọn em núp dưới bóng chú Học, nên êm ru. Hay là anh chị dọn quách về đây ở với tụi em đi, để cháu Tín cũng gần bọn trẻ nhà em. – Hoài gợi ý Lễ và Thảo.

- Chưa chi đã bàn lùi thì không được, Hoài ạ. Chị sẽ tính kỹ.

- Chú ạ, cháu thấy hơi lạ, những người đi vận động phần lớn rất trẻ, gần như mặt vẫn còn búng ra sữa. Đám trẻ này thì dính dáng gì đến chiến tranh vừa qua? Hoạ hoằn mới thấy có một người tự xưng là sĩ quan hay nhân viên cũ của Sài gòn. Có thể có sự chỉ huy từ đâu đấy… Mỹ có ủng hộ các hội hè này không chú? – Lễ hỏi ông già Học.

- Cháu hỏi khó quá. Mỹ ở đây có nhiều loại lắm. Mỹ định ném bom nguyên tử xuống Việt Nam, Mỹ phản chiến, Mỹ lật Nixon... Cháu định hỏi Mỹ nào? Chỉ có thể suy đoán thế này, cánh Mai-cơn Fốc không thất nghiệp thì rõ ràng là họ còn việc làm!

Câu trả lời của ông già Học làm mọi người phì cười. Bà già Học bình luận:

- Ông già ơi, ông lẩm cẩm rồi. Không thất nghiệp thì đương nhiên là còn làm việc, thế mà ông cũng trả lời được!

- Câu chuyện nó ly kỳ ở chỗ đương nhiên đấy bà ạ. - ông già giải thích lại cho vợ.

- Anh Lễ có để ý không, tôi thấy cánh Lý Lam và Quách Minh Châu chơi thân với Mai-cơn Fốc đấy. Châu khoe với tôi là thỉnh thoảng họ vẫn gặp nhau.

- Vâng, Châu cũng khoe với tôi như vậy, anh Loan ạ. Chú ơi, cháu có một điều cháu không tiện hỏi trên điện thoại. Nhân thể tôi cũng xin tham khảo ý kiến anh Loan. Thảo và cháu mệt mỏi lắm rồi chú ạ, nhất là gia cảnh chúng cháu bây giờ. Thảo và cháu dứt khoát không tham gia một phe nhóm nào, chỉ muốn được yên thân sống dưỡng già. Như vậy có được không, thưa chú?

- Được. Và cũng nên như vậy. Cứ vin vào tình trạng sức khoẻ của Thảo. Song hai con thỉnh thoảng cũng phải cắn lại một miếng thì những người gây sự mới để cho yên. - Ông già Học trả lời.

- Chúng con định chờ đến khi tâm trạng hoàn toàn trở lại thăng bằng, chúng con sẽ kiếm một việc làm gì đó thích hợp, để cho vui thôi, chứ không phải để làm giàu. Nhưng làm chính trị thì dứt khoát không! Anh Lễ con biết rút kinh nghiệm rồi, tiền thì bao nhiêu anh phá cũng hết để chui vào túi kẻ khác. Tụi con nhất định không nghĩ đến chuyện làm giàu nữa!

- Đối với chính trị, bao giờ ba cũng đứng ngoài cuộc. Đấy là nguyên tắc cuộc sống của ba rồi, Thảo à. Muốn thế phải thật lỳ lợm và không bao giờ được mù tịt về chính trị. Hai con đừng quên điều này!

- Ý kiến của bác Học thế là rõ đấy, anh Lễ ạ. Ngay khi chân ướt chân ráo đến California, bác Học đã dạy tôi bài đầu tiên: Muốn sống ở đây theo ý mình phải biết lỳ lợm!

- Vâng. Chú Học ạ, cháu sẽ làm theo ý chú. Có cách nào đưa chú Thành và vợ chồng ông Tư Cương sang đây không hả chú?

- Phải, chúng ta sẽ tính. Đấy là những người chí cốt với gia đình ta.

- Ba ạ, sau 30 tháng Tư không có ông Tư Cương tụi con gay go to.

- Ông Tư thực sự là một giám đốc giỏi. Mấy năm trời ông ấy gần như toàn quyền quyết định mọi việc. Các việc chú điện từ bên này về không một việc làm sai, sổ sách phân minh như cái máy tính. Chú không nhầm khi chọn người...

Câu chuyện đang dở, hai cô tiếp viên xinh đẹp người Pháp bước vào. Đấy là hai cô trẻ nhất và đẹp nhất trong mấy cô đến phục vụ bàn ăn. Hai cô này trịnh trọng mời mọi người ra sa-lông thưởng thức món tráng miệng.

Trên xe đựng thức ăn tráng miệng, ngoài hoa quả và các loại bánh ngọt xếp trong từng ngăn, khay pho-mát để ở trên cùng, bày rất đẹp, có đến vài chục loại khác nhau, cùng với năm, sáu loại bánh mỳ đã được cắt thành từng miếng nhỏ. Bên cạnh đó, một xe rượu mang hình một xe tứ mã thu nhỏ của vua Louis XIV, trên xe có đủ các loại rượu mùi để dùng sau khi uống trà hoặc cà-phê.

Hai cô tiếp viên xinh đẹp đang líu lo mời từng người chọn hoa quả hay pho-mát, một người phục vụ khách sạn cầm một khay nhỏ, trên đựng một phong thư, lễ phép đưa cho ông già Học:

- Thưa ngài, Văn phòng của ngài yêu cầu chuyển gấp fax này đến tay ngài.

Mọi người chăm chú nhìn ông già Học mở thư ra xem. Ông già đọc đi đọc lại mảnh giấy cầm trong tay, mặt mày chau lại rồi sững người ra.

Thấy vậy, Hoài vội vàng bảo hai cô tiếp viên tạm lui. Mọi người gần như nín thở, các con mắt dồn về phía ông già Học, chờ đợi.

Mãi ông già Học mới nói:

- Tin dữ. Tôi không biết nói thế nào... Tin dữ! Đọc to lên!

Ông già đưa bức thư cho Thảo, rồi ngồi như rơi xuống ghế.

- “...Chúng cháu vô cùng đau đớn báo tin để chú thím và các em biết cháu Nam đã hy sinh trên chiến trường Campuchia ngày... tháng... năm...”

Thảo đọc xong, tay buông thõng. Gần như cùng một lúc, cả Thảo và Lễ cùng kêu lên:

- Trời ơi, cháu Nam!..

May có Hoài đứng bên cạnh kịp thời đỡ Thảo ngồi xuống.

...

 

Thượng uý uý bác sỹ quân y Phạm Trung Nam bị du kích Khmer Đỏ giết chết trên địa bàn tỉnh Siêmriệp là một sự kiện bi thảm. Nhân dân Campuchia ở cả vùng này xao xuyến. Tổn thất này còn là một đòn nặng đánh vào trạm quân y dã chiến của quân đội ta ở đây.

Mấy năm liên tiếp nạn sốt rét hoành hành cả vùng Siêm riệp, nhân dân địa phương và bộ đội ta là nạn nhân khốn khổ. Nhiều người dân, nhất là các trẻ em, chết một cách thê thảm trong những cơn sốt rét ác tính. Một số chiến sĩ ta đã chết vì không kịp cấp cứu. Ngay trạm quân y dã chiến của Nam bệnh binh sốt rét ngày một nhiều. Có hôm trạm của Nam phải lấy thêm bộ đội vào phục vụ, vì một số bác sĩ và y tá của trạm bị sốt rét quật ngã, nằm đắp chăn rên hừ hừ. Đã thế thiếu tá thủ trưởng đơn vị bị thương nặng, phải đưa về Sài Gòn, mãi trên chưa cử người thay. Nam tạm thời giữ quyền thủ trưởng đơn vị, mọi việc đã rối lại thêm rối.

...Trong một cuộc họp chi bộ của trạm căng thẳng và kéo dài hơn thường lệ, bàn mãi không kết luận được, cuối cùng Nam đứng lên, phát biểu rất gay gắt:

- Không thể khoanh tay nhìn dân ở đây, nhìn bộ đội ta chết vì sốt rét được! Nhân danh bí thư chi bộ, tôi hỏi: Tất cả các đồng chí ngồi đây có nhớ mình là người đảng viên không? Có còn lương tâm người thầy thuốc nữa hay không?

Chỉ có sự im lặng đáp lại. Chủ toạ thúc mãi, mới có người giơ tay:

- Thuốc chữa cho bộ đội ta còn chưa đủ, nói gì đến chữa cho dân địa phương?

- Quân nhân nào sốt rét thì đưa về trạm điều trị, người đâu mà đi xuống tận các đơn vị!

Ý kiến quyết liệt của Nam lại một lần nữa thổi bùng sự phản bác:

- Bảo vệ cái trạm xá chết tiệt này chưa xong, sao lại còn đi vào dân vận động? Để ăn đạn Khmer đỏ à? Đồng chí bí thư có điên không?!

- Thượng uý Nam muốn thăng vượt cấp thì cứ việc đi xuống các đơn vị, đi vận động dân. Nhiệm vụ của tôi là ở cái trạm này, tôi không đi đâu hết!

Đúng như dự kiến của chi uỷ, Nam hiểu là bàn mãi với cái tâm lý đầu hàng này là mất thời giờ vô ích. Trước cuộc họp này, ngay trong chi uỷ ý kiến vẫn còn dùng dằng chưa dứt khoát. Nam cố bình tĩnh gạn hỏi một lần nữa:

- Còn đồng chí nào có ý kiến khác không?

Cuộc họp im phắc. Chỉ có tiếng con mọt đang kèn kẹt nghiến tre nghiến gỗ đâu đó. Nam bình tĩnh cân nhắc lại một lần nữa quyết định của mình, kiên nhẫn chờ thêm một lúc rồi đứng dậy, giọng nghiêm trang:

- Tất cả các đồng chí đứng dậy!

Cuộc họp ngơ ngác. Chi uỷ ngoài Nam ra còn hai người nữa, nhưng chỉ có một đứng lên. Những người khác kẻ thì lục tục nửa đứng nửa ngồi, người thì nhổm nhổm chờ xem... Hình như phần đông không hiểu lệnh phát ra. Vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ làm gì có chuyện đang họp chi bộ bỗng nhiên bí thư chi bộ nhân danh thủ trưởng đơn vị hô lệnh đứng dậy.

Chờ một lúc, Nam lại nghiêm mặt, quát to:

- Tôi hạ lệnh tất cả các đồng chí đứng dậy!

Mọi người bật lên như các lò xo. Nam hô to:

- Tất cả đứng...

- Nghiêm!

- Nhân danh thủ trưởng đơn vị, tôi hạ lệnh: Tất cả cán bộ và chiến sĩ trong trạm phải triệt để thi hành lệnh phòng chống sốt rét theo kế hoạch tác chiến của ban chỉ huy trạm. Đồng chí nào trái lệnh sẽ bị đưa ra toà án quân sự xử theo quân luật. Là đảng viên, các đồng chí phải gương mẫu chấp hành lệnh này.

Mời các đồng chí ngồi xuống.

Chờ một lúc cho mọi người ngồi xuống và có đủ thời giờ trấn tĩnh nhận thức được lệnh phát ra, Nam tuyên bố bế mạc cuộc họp chi bộ...

Lời bàn lào rào về cái lệnh chưa từng có này lan ra mãi vào các lán trong đêm khuya...

Rời khỏi phòng họp, Nam không về lán ngủ của ban chỉ huy trạm, mà đứng lại một mình giữa sân. Trên trời sao Thần nông đã lên đến gần đỉnh đầu, lòng Nam nặng trĩu. ...Rồi đây lại có nhiều thương vong mới vì cái quyết định xé ruột xé gan của mình?..

- Khuya rồi, cậu về đi ngủ đi. – Bân, chỉ huy phó của trạm, cũng là bạn thân của Nam ở đây, giục Nam.

- Mình nghiêm khắc với anh em quá có phải không Bân?

- Tình hình rất quyết liệt, không còn cách nào khác Nam ạ.

Không chỉ quyết liệt. Ai nói trước được sẽ lại có thêm bao nhiêu thương vong nữa vì quyết định này của mình?!

- Mình chia sẻ sự dằn vặt của cậu.

- Bân ơi, trong vòng 3 năm trạm mình phải hai lần thay thủ trưởng và đã có 19 liệt sĩ rồi! Như thế còn chưa đủ à?

Nam đi loanh quanh trong sân như kẻ vô hồn. Vốn hiểu bạn, Bân không nói gì thêm nữa mà để cho Nam sống với tâm tư riêng của mình. Cứ thế, anh lặng lẽ theo sau Nam không rời một bước. Khi về tới lán của ban chỉ huy, Bân thấy Nam không chuẩn bị đi ngủ mà lại ầm ầm kéo bàn kéo ghế dịch sang một bên...

- Cậu định làm gì thế này?

- ...

Nam hình như không nghe thấy câu hỏi của Bân. Cũng có thể Nam không còn tâm trí nào để ý đến chung quanh. Bân ngây người đứng nhìn. Nam lục cục lôi giá vẽ ra đặt dưới chỗ sáng nhất của ngọn đèn điện vàng quệch, mở hộp mầu ra rồi đặt lên bàn. Những nét bút và những gam mầu dữ dội của Nam dồn nén biết bao điều day dứt lên bức tranh vẽ dở từ mấy tuần nay. Đêm khuya mát dịu, nhưng mồ hôi vẫn lăn từng cục trên mặt Nam...

Bân đứng cạnh Nam như vậy cho đến khi tiếng kẻng tập họp chào cờ buổi sáng của trực ban vang lên lanh lảnh...

Sau cuộc họp ấy Nam triển khai ngay chiến dịch phòng chống sốt rét được cả ban chỉ huy trạm và chi uỷ chuẩn bị chu đáo. Trung đoàn Z của bộ đội ta chốt giữ địa bàn Siêmriệp phối hợp và hậu thuẫn cho đơn vị Nam.

Bốn năm tháng sau, nhờ việc phòng chống tốt hơn, nạn sốt rét lui dần, riêng trong dân địa phương có thể nói là đạt kết quả trông thấy. Hầu như giúp nhân dân địa phương phòng chống sốt rét trở thành nhiệm vụ chính trong công tác dân vận của chiến sĩ ta. Du kích Khmer đỏ tiếp tục bắn lén quyết phá chiến dịch này. Tại mấy xã đã có bộ đội ta bị bắn chết trong khi tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh và giúp cứu chữa những bệnh nhân sốt rét. Nhưng trạm quân y và trung đoàn Z quyết không chùn bước. Vì trạm xá quá tải, Nam còn chia địa bàn Siêmriệp thành từng vùng, yêu cầu tập kết những bệnh nhân nặng nhất và sắp xếp lịch đến chữa tại chỗ cho bộ đội và cho dân, kết hợp với kiểm tra tình hình.

Một lần trên đường đi đến làng Sămrakong gần đền Ăng-co-vát, xe của Nam bị Khmer đỏ phục kích...

Cuộc họp chi bộ của trạm về quyết định chống sốt rét hôm ấy được ghi lại vào quyển Lịch Sử Truyền Thống của K8, đại tá thủ trưởng K8 dành cho những trang trang trọng nhất.

Lúc này đứa con trai đầu lòng của Nam vừa tròn một tuổi.

 

Yến gần như chế đi sống lại nhiều lần sau khi đại tá thủ trưởng K8 đến tận nhà báo tin Nam đã hy sinh. Ngoài giấy báo tử ra, ông đại tá mang đến cho Yến một ba-lô quần áo của Nam, một va-li nhỏ đựng đầy sách và đồ vẽ, một bọc vải bạt lớn, bên trong là một hòm to làm bằng gỗ dán. Hòm đựng các tranh của Nam, nhiều tranh đã vẽ xong, một số tranh đang vẽ dở, những bản ghi phác hoạ các mô-típ...

...Ôm chặt đứa con trong lòng, nước mắt đầm đìa nhìn những kỷ vật còn lại, trong lòng Yến bao lần hét lên: Không! Không! Lẽ nào? Ôi, anh...

Đứa con trong tay giữ cho Yến không chết được và không được chết trong cuộc sống này!..

...Hôm lập bàn thờ cho Nam, vợ chồng tướng Lê Hải đến thắp hương và chia buồn với ông bà Chính, với bố mẹ Yến và vợ chồng Nghĩa. Vợ liệt sĩ Lâm và con gái cũng đến thắp hương chia buồn. Cô Minh, người giúp việc ngày xưa, bây giờ đã gần bảy mươi, cũng lặn lội từ Mọc Xá ra đây san sẻ bớt nỗi đau của nhà họ Phạm. Hai vợ chồng ông già Tư Cương nhờ ông Thành coi nhà để ra Hà Nội chia buồn với gia đình Nam...

Cái chết của Nam làm cho cụ Tuyên bà không thiết sống nữa. Cụ không khóc. Ai hỏi gì cụ cũng không nói. Nài ép cụ ăn uống một chút gì rất khó. Thỉnh thoảng cụ chỉ rên lên thảm thiết:

- Ôi Nam ơi, cháu ơi...

Nỗi lo của cả nhà bây giờ là làm sao níu kéo cụ lại sống cùng con cháu.

Tướng Lê Hải và bà Hậu ngồi bên cụ hồi lâu, lòng ngậm ngùi không biết nói gì. Bà Hậu nước mắt chảy quanh.

Một lát sau Lê Hải gọi Nghĩa riêng ra một chỗ:

- Thật là hoạ vô đơn chí, lúc này tôi phải nói cho anh biết một tin không vui nữa.

Nghĩa im lặng chờ đợi.

- Sáng nay tôi được tổ chức mời lên để thông báo quyết định của trên cho tôi nghỉ hưu. Tôi có ba tháng để bàn giao công việc.

- Anh làm đơn xin nghỉ hưu từ bao giờ?

- Tôi chưa bao giờ làm đơn xin hưu, nhưng tuổi tác thì cũng đáng nghỉ rồi.

- Như thế là anh buộc phải nghỉ hưu?

- Đúng thế.

- Anh được giải thích như thế nào?

- Dài lắm. Tóm lại thế này. Lý do một: Tuổi tác. Lý do hai: tình hình mới, công việc không thích hợp với tôi nữa.

- Anh im?

- Tôi chỉ hỏi lại một điểm thôi: Có vấn đề chính trị hay vấn đề lập trường quan điểm gì trong chuyện này không? Trước sau người ta chỉ nhắc lại: tình hình mới, công việc mới, tôi không còn thích hợp.

- Người ta nói rõ là anh không còn thích hợp?

Có nhận xét ấy.

- Nếu vậy các báo cáo tổng kết những bài học quân sự của Viện ta lâu nay có vấn đề! - ông Nghĩa cả quyết.

- Nhưng mà chúng ta luôn luôn làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, khách quan, thực sự cầu thị!

- Nghĩa là đến bây giờ anh vẫn bỏ ngoài tai mọi điều xì xèo về quan điểm lập trường của Viện ta hả anh Hải?

- Nhiệm vụ của chúng ta là nghiên cứu, tổng kết, chứ không phải là nghe ngóng dư luận, cũng không phải là ghi công chấm điểm cho người này, làm vừa lòng người khác.

- Câu chuyện như thế là rõ đấy, anh Hải ạ. Anh định thế nào?

- Chấp nhận nghỉ hưu, nhưng rồi sẽ làm rõ ngọn ngành.

Nghĩa thừ người ra một lúc, rồi bỗng dưng như người câm, tay run lên trong tay Lê Hải.

- Anh Nghĩa, anh làm sao thế?

- Tôi thiết tha yêu cầu anh chuyển ngay kiến nghị đã thảo xong của chúng ta về vấn đề Campuchia lên cấp lãnh đạo cao nhất.

- Anh ý thức được tính nghiêm trọng của kiến nghị này chứ?

- Nghĩa im lặng.

- Đừng quên quyết định phong hàm đại tá cho anh chưa ráo mực đâu!

- Tôi vô cùng đau đớn, nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Tình thế đất nước đến lúc này tôi không cầm lòng được nữa.

- Nghĩ lại một lần nữa đi, có phải vì quá xót thương cháu mình chết không?

- Anh Hải, tôi hiểu tôi đang nói gì với anh. Chúng ta không còn nhiều thời gian!.. Nhất thiết nó phải được trình lên trên trước khi anh nghỉ hưu!

- Hơn một năm nay chúng ta đã mất trắng nhiều đêm vì kiến nghị này rồi!

- Với quyết định cho anh nghỉ hưu, chúng ta sẽ không còn cơ hội trực tiếp trình bày kiến nghị của chúng ta. Chậm một ngày là thêm thương vong một ngày anh ơi!

- Đang lúc binh lửa đùng đùng thế này mà lại đề nghị tìm giải pháp chính trị và sớm rút quân? Dễ bị khép tội phản nghịch lắm đấy!

- Anh Hải ạ, bị khép tội gì cũng cam lòng! Ta đã làm trọn nghĩa vụ cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi diệt chủng rồi. Bây giờ họ phải tự làm lấy công việc của họ. Ta phải tự cứu lấy dân tộc mình!

- Anh có thể sẽ phải cùng đi với tôi lên đoạn đầu đài vì kiến nghị này. Anh có ý thức được như vậy không?

- Tôi chấp nhận. Đằng sau Khmer đỏ là Trung Quốc, ta phải nhanh chóng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và khôi phục lại tình hữu nghị. Không thể làm khác được! Đừng chần chừ nữa, anh Lê Hải!

Lê Hải ngẫm nghĩ, tính quyết đoán sự mất còn được rèn luyện suốt cả đời người đưa ông đến kết luận dứt khoát, ông nắm chặt lấy tay Nghĩa:

- Đúng là không còn thời gian để trì hoãn nữa, ngay sáng mai anh và tôi cùng lên xin gặp Quân uỷ Trung ương. Được không? Một hai tuần nữa sẽ có quyết định chính thức về việc cho tôi nghỉ hưu. Vì thế đây sẽ là lần xuất quân cuối cùng của tôi, cũng có nghĩa là lần ra quân chung cuối cùng của hai chúng ta.

Nghĩa xúc động, ôm chầm lấy Lê Hải, mãi mới nói thành lời:

- Vâng, sẽ là lần ra quân chung cuối cùng của hai chúng ta anh ạ...

Ánh điện ban đêm rọi lên hai khuôn mặt hai người lính già. Họ nhìn nhau trong cái nhìn thấu hiểu tình đồng chí, tình đồng đội của nhau lúc này.

Họ nhìn nhau trong cái nhìn của người chiến sĩ sẵn sàng để lại phía sau tất cả trước khi bước vào trận đánh, nhưng lần này là cuộc chiến khác hẳn mọi cuộc chiến, trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình họ chưa một lần bước vào...

Mọi người đến chia buồn với ông Chính bà Hương, nhưng chỉ có ông Chính tiếp khách. Hai ngày nay bà Hương khóc lóc vật vã trong buồng, bỏ cả ăn uống. Ngoài việc tiếp khách, chốc chốc ông Chính và Loan phải thay nhau chạy vào an ủi bà Hương rồi lại quay sang an ủi Yến ở buồng bên cạnh.

Thím Tuấn và cô Minh quyết định ở lại với cụ Tuyên bà trong những ngày khó khăn này.

Chiều đến, khách về hết. Yến cố trấn tĩnh bế cháu sang chơi với bà Hương để mong bà khuây khoả. Giữa nước mắt của mọi người, bé bi bô gọi bà, gọi ba... Bé càng vui đùa, nước mắt mọi người chung quanh càng nhiều.

Đến giờ ăn của bé, cô Loan mang lên cho cháu bát bột để mẹ Yến cho ăn. Bé ăn ngon lành, cười đùa, khoa chân múa tay. Một thìa bột của bé là lã chã nước mắt của mẹ, có lúc Yến nấc lên. Cuối cùng Yến ngã vật xuống nức nở, thìa bột văng ra bên cạnh. Cô Loan phải thay mẹ cho cháu ăn...

 

Hết chương 9

 

Trở lại mục lục                                                                               Sang Chương 10