NGUYỄN TRUNG
DÒNG ĐỜI
Tiểu thuyết
TẬP 2
NƯỚC ĐỨNG
10.
Giáo sư Đoàn Danh Tiến cầm trong tay
hai mảnh giấy đẹp, ít chữ, nhưng vô cùng quan trọng: Bằng giáo sư,
giấy chứng nhận.
Ông đọc đi đọc lại không biết bao
nhiêu lần mấy hàng chữ ít ỏi này. Đứng lên, ngồi xuống, đi đi lại
lại trong phòng làm việc, có lúc ông định phi về nhà báo cho bà Hà
biết tin vui này rồi quay lại cơ quan ngay, nhưng không chắc vào giờ
này bà có nhà, lại sắp có cuộc hẹn nữa...
À giữa buổi thế này mà xin xe thì khó đấy!..
Đọc hết từng chữ trên hai mảnh giấy đẹp ấy, ông Tiến quay ra nâng
niu quyển sách của ông.
- Thành quả trí tuệ một đời người lao động mẫn tiệp! Mình thì nhận
bằng giáo sư, còn Lê Hải thì bước ra khỏi vũ đài cuộc đời. Ta đang
bước vào vũ đài của những người trong cuộc... Hay vô cùng! Cái mình
có, Lê Hải không bao giờ có thể có... - Ông tự lẩm bẩm thành lời với
mình như vậy rồi thả mọi suy nghĩ của mình bồng bềnh theo thời gian.
... Con đường tới vinh quang này sao mà gian truân đến thế! Từ những
ngày còn chân đất đánh khăng, thả diều trên cánh đồng Vũ Yển, đến
tỉnh đoàn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Giáo sư... Ôi, những
người đã đi cùng ta, đã chiến đấu cùng ta trên con đường vạn dặm
này, những ân nhân, những đối thủ... Cả nước mày mò, tranh luận mãi
về định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng rõ ràng cho đến nay không ai
vượt qua được cái công thức của ta nêu ra:
“Đảng + chính quyền + xí nghiệp quốc doanh = 1”
Sự thống nhất đến tuyệt đối! Tính chất triệt để đến hoàn hảo!
Vận dụng cái công thức này vào hoàn cảnh nào cũng được! Giải thích
về định hướng xã hội chủ nghĩa như vậy kín kẽ vô cùng! Khoa học vô
cùng! Rất giàu tính chiến đấu! Rất lập trường! Tạo ra sự thống nhất
đến bằng 1 thì không còn chệch hướng vào đâu được nữa! Ai dám phản
bác lại sự thống nhất này? ...Ôi cảm ơn vô vàn cái công thức do
chính bàn tay ta lao động miệt mài tổng hợp nên! Công thức vô địch
này hôm nay đã đưa ta đến đỉnh cao vinh quang của trí tuệ! Tất cả
những bài viết của ta đều toát lên tinh thần của công thức này. Còn
ai có thể giảng giải về định hướng xã hội chủ nghĩa một cách mạch
lạc và quán triệt hơn ta được cơ chứ!? Cả thiên hạ sẽ phải mài quần
ra ghế mà học thế nào là cách mạng triệt để! Thiên hạ từ nay cứ phải
theo ta mà làm! Ta bắt đầu có đủ tư chất trở thành người trong
cuộc... Ta không còn gì phải tự ti, phải e dè với những Lê Hải, Phạm
Trung Nghĩa... Cả ánh hào quang của vị trưởng Ban đáng kính cũng sẽ
mở nhạt dần vì ta là ngôi sao đang lên. Chỉ riêng công thức này thôi
ta đã đủ sức thâu tóm, khái quát hoá tất cả các luận án luận văn
tiến sĩ, giáo sư về chủ nghĩa xã hội khoa học được viết ra trên đất
nước này!.. Không có gì chứng minh rõ hơn chủ nghĩa xã hội là phòng
chờ của chủ nghĩa cộng sản bằng công thức của ta.
Ông Tiến cảm thấy hình như mỗi chặng đường của cuộc trường chinh này
đều gắn với một hay một vài hình ảnh nào đó liên quan đến cuộc đời
ông. Nhưng lạ thay những hình ảnh không bao giờ mất đi ấy, dù là bạn
đồng khoá đồng niên, dù là ai đó ông thoáng yêu thầm nhớ vụng..,
hiện lên rồi mờ nhạt ngay, nhường chỗ cho hình ảnh những con người
mà ông cảm thấy nếu không có họ thì ông cũng không tồn tại. Đó là bà
Hà, đỉnh cao và thắng lợi đầu tiên của ông trên con đường lập nghiệp
và lập thân. Là Hai Hân, đệ tử tâm đắc, người đồng tâm đồng chí giàu
tinh thần chiến đấu. Là ông trưởng Ban và những người đỡ đầu khác –
thiếu họ, không thể nào có vinh quang hôm nay... Là các đối thủ để
ông cọ xát cho mình sáng hơn, nổi bật hơn – những kẻ đáng thương...
... Đúng thế, Hai Hân là chất liệu cuộc sống của ta. Những Lê Hải,
những Phạm Trung Nghĩa là thứ thuốc đánh bóng cho ta nổi bật lên.
Đám quân nhân này có chiều dày cuộc sống, có bản lĩnh và quá trình
chiến đấu. Nhưng họ thiếu hẳn tri thức về cách sống, nên không thoát
khỏi số phận làm vật liệu đánh bóng. Họ chỉ biết lấy nguyên tắc làm
chuẩn, còn ta biết kết hợp cả với thời thế. Đúng là họ hơn ta nhiều
thứ. Nhưng họ kém hẳn ta tri thức về cách sống, nên dù có đạt tới
vinh quang nào thì họ cũng chỉ là những kẻ đáng thương. Nguyên tắc
của họ là lý tưởng, là niềm tin cố định. Còn nguyên tắc của ta là
anh hùng chọn thời thế. Có lẽ đây là điểm khác nhau cơ bản nhất giữa
ta và họ. Thiếu tri thức này thì họ làm đe, ta có tri thức này thì
ta làm búa. Với tri thức này ta đã ra khỏi sự lẩn quẩn ai tạo ra ai
giữa thời thế và anh hùng. Tấm bằng này, quyển sách này là mốc son
đầu tiên khẳng định tiền đồ vinh quang của ta. Trên đời này nếu
không muốn làm đe thì phải chịu khó làm búa!... Ta không muốn làm
phương tiện, làm quân cờ, nên nhất thiết ta phải trở thành người
trong cuộc... Bằng mọi giá phải trở thành người trong cuộc! Ôi sức
mạnh của tư duy lý luận, của học thuật... Ai hình dung được sức mạnh
vô hình này?!.. Nó sẽ sai khiến tất cả, chi phối tất cả!.. Kinh
nghiệm lịch sử bao quốc gia muôn đời nay...
Ông Tiến hai tay chắp đít, trịnh trọng từng bước đi từ đầu này đến
đầu kia cái tủ kính rất đẹp trong phòng làm việc của ông. Tủ kê giữa
phòng, đập ngay vào mắt mọi người đến thăm, đầy ắp những cuốn sách
xếp hàng ngay ngắn, đúng số thứ tự và thành từng bộ. Theo bước chân,
mắt ông lúc nhìn xéo lên các hàng sách, chốc chốc lại cúi đầu gật
gật như ông đang truyện trò với chúng… Đi hết một lượt ông lại quay
lại, lại nhìn xéo, lại gật gật… Bên cạnh cái tủ kính là một hộp
các-tông lớn đựng những quyển sách Ban mua cho hoặc ai biếu tặng,
ông làm thế vì sợ nó lai tạp các hàng sách trong tủ kính. Khi nào
hộp các-tông đầy, ông lại bảo thư viện đến bới đem đi, tùy nghi xử
lý...
- Cảm ơn! Cảm ơn! Thiên hạ chỉ cần liếc nhìn thấy đội quân sách hàng
ngũ chỉnh tề như thế này trong tủ kính thì đủ biết ta là ai…
Nghĩ đến đây ông Tiến đi tìm cái ghế đẩu, kê sát tường rồi trèo lên,
với tay lên tường sửa lại cái khung treo giấy chứng nhận Huân chương
kháng chiến hạng II của ông cho ngay ngắn. Bên dưới huân chương, ông
treo các ảnh hai người, chụp ông và người nào đó đỡ đầu ông trong
mỗi thời kỳ đại hội Đảng khác nhau. Mỗi ảnh chụp đứng ngồi mỗi kiểu,
có vẻ rất tự nhiên và không bài trí, phông cảnh không ảnh nào giống
ảnh nào, song các ảnh đều một kiểu khung rất đẹp. Ông đi xem lại
từng ảnh, tâm đắc, tự hào.
Có được những bức ảnh chụp đôi này là cả một kỳ tích. Nhiều lúc
chính ông cũng ngạc nhiên vì sao mình có thể có một sưu tầm trọn bộ
như thế này! Còn khách đến phòng làm việc của ông, liếc xong tủ sách
rồi thì chỉ cần để mắt lên tường nhìn các ảnh là cũng đủ thót người
lại...
Ông thừa nhận cái danh hiệu nhà báo quả là rất được việc trong đời.
Bây giờ phải kiếm cái khung đờ-luých-xờ cho cái bằng giáo sư. Treo
chỗ nào đây nhỉ?... Hay là chạy đi mua cái khung? - Ông Tiến xem
đồng hồ rồi lắc đầu: Vội vàng chỉ được khung rởm, phải thửa một cái
chứ không mua sẵn được!
- Chào anh Tiến. Nhiệt liệt hoan hô người chiến sĩ mẫn cán! Bằng
giáo sư trong tay cầm mãi chưa chán à?
Ông Tiến giật mình ngửng lên:
- Chào anh ạ. Thôi chết, đã đến giờ đi gặp anh mà tôi quên khuấy
mất. Xin lỗi anh!
- Không sao... Không sao...
- Trời ơi, hồi này trông anh... - Đoàn Danh Tiến còn kịp ngậm lại
câu nói đã trót buột miệng nói ra một nửa. Ông quá ngạc nhiên vì
thấy trưởng Ban vàng vọt, người gầy đét như bộ xương người biết
đi...
Ông trưởng Ban cười xoà, cố lấp đi câu nói đã nói ra một nửa của
Tiến. Ông đau điếng vì biết Tiến định nói gì, nhưng vẫn cố giữ vẻ
mặt hiền lành như mọi khi:
- Tôi không sao đâu... Anh rủa tôi chết mãi rồi mà tôi vẫn sống nhăn
răng ra đây này! Mà lại còn định đem tôi đi chôn nữa...! - ông
trưởng Ban cười không thành tiếng.
- Ối, ối không... Chết, không!... Anh đừng nói thế... - ông Tiến ấp
úng, trong đầu không sao nhớ nổi đây là lần thứ hai hay thứ ba gì đó
bị trưởng Ban quại lại như vậy, trực diện nhưng rất nhẹ nhàng.
- Theo hẹn, tôi chờ mãi không thấy anh tới, nên chủ động sang bên
này. Rõ ràng là đối với anh bây giờ tôi đã xuống giá!..
- Dạ thưa... Không... - ông Tiến không làm sao định thần lại được.
- Có định chiếm chỗ của tôi cũng phải kín võ một chút. Đường đi nước
bước của anh đối xử với tôi như thế người ta gọi là lộ cờ đấy!
- Dạ... Không!.. Đừng anh... - ông Tiến chết điếng, lưỡi líu lại, vì
lần đầu tiên thấy trưởng Ban nói toẹt ra như vậy.
- Chơi cờ với nhau anh có hiểu thế nào là lộ cờ không? - giọng ông
trưởng Ban vẫn nhỏ nhẻ, hiền lành, có phần thều thào nữa, nhưng hai
mắt ông ranh mãnh nheo lại rất sắc, khiến ông Tiến phải lùi lại một
bước.
- Hai mắt ông Tiến trân trân nhìn trưởng Ban, cổ ngắc ngứ.
- Trong Ban mọi người nói vanh vách anh bình phẩm về tôi như thế
nào, đi gặp ai, vận động những gì...
- Chết chết!.. Xin anh đừng tin! Miệng đời tam sao thất bản...
- Nhắc nhở tý chút thôi... Không nói chuyện cũ... Ngồi bên này nói
chuyện với anh thế mà tiện... Thế nào, đã chọn được chỗ treo bằng
chưa?
Ông Tiến lại giật thót người, vì thấy trưởng Ban đọc được ý nghĩ của
mình:
- Anh thật tâm lý quá... - ông Tiến loay hoay rót nước, mời thuốc,
kéo lại ghế... với nhiều động tác thừa, nhưng vẫn chưa ra khỏi cơn
choáng. – Mời anh uống nước ạ.
- Cũng may họ nể tôi nên xét phong đặc cách cho anh. Lúc đầu họ cứ
khăng khăng đòi anh phải có công trình nghiên cứu khoa học theo đề
tài có đăng ký, có một số giờ đứng trên bục giảng... - trưởng Ban
nhận tách nước ông Tiến mời. - Tôi nói đại là có sách được in thì
cũng kể như là có công trình...
- Thưa anh sách này là... Hàng chục năm đấy ạ... - ông Tiến đã dần
dần lấy lại được bình tĩnh.
- Nói như tôi cũng là nói ẩu thôi...
- Thưa anh sách tôi viết đúng là kết quả hàng chục năm lăn lộn xông
pha nghiên cứu đấy ạ. Có kém gì công trình khoa học đâu? Hơn nữa nó
đã được cuộc sống chấp nhận.
- Làm gì có Hội đồng nghiệm thu nào cao hơn cuộc sống. Có phải anh
định so sánh như vậy không?
- Thật là anh đi guốc trong bụng tôi. Giấu anh điều gì rất khó.
- Khoa học là khoa học, không nhập nhèm được đâu. Họ chịu cấp bằng
cho anh, chẳng qua là nể tôi thôi... - ông trưởng Ban vừa uống nước
vừa lựa lời: - Dù sao bằng đã cấp rồi, bây giờ anh phải chứng minh
năng lực của mình để không làm tôi mất uy tín.
- Anh yên tâm, tôi xin cố gắng. – trong bụng ông Tiến càng lo lắng.
Xưa nay chưa bao giờ ông thấy trưởng Ban nói với mình bằng cái giọng
phân chia đẳng cấp trên dưới rõ rệt như vậy.
- Thực ra tôi cũng không hoàn toàn vô tư trong việc giúp anh đâu.
- Dạ thưa.., những bài báo vừa rồi anh giao cho tôi viết toàn là
những công việc của Đảng đấy chứ ạ?
- Anh chưa hiểu ý tôi. Ban ta có thêm một số giáo sư, tiến sỹ thì bộ
mặt của Ban ta càng đẹp, có phải thế không? Tôi thừa nhận đi vào
chính quy hiện đại tôi hơi chậm quan tâm đến chuyện bằng cấp... Lẽ
ra tôi phải nghĩ chuyện này sớm hơn cho Ban.
- Đúng là anh nghĩ gì, làm gì cũng đều là vì Ban!
- Các bài báo phân tích những quan điểm sai trái của Lê Hải anh đặt
dưới cái mũ chung “chống tư tưởng hữu khuynh” tôi thấy hợp lắm. Bõ
công tôi chọn mặt gửi vàng. Không nêu đích danh Lê Hải, song những
bài báo này tạo không khí thuận lợi cho việc giải quyết loại đề tài
Lê Hải.
- Thưa anh sao lại gọi là loại đề tài Lê Hải ạ? Xuất hiện một thứ
nhân văn giai phẩm mới ạ?
- Không phải thế. Tình hình khó khăn phức tạp hiện nay khiến một số
người suy nghĩ lệch lạc. Chuyện này cũng thường tình thôi... Trên
bảo phải uốn nắn.
- Giá mà tôi nắm được ý này ngay từ đầu thì các bài viết vừa rồi còn
mang nhiều tính khái quát hoá hơn và thuyết phục hơn. Những biểu
hiện tôi nêu lên trong những bài này ít nhiều còn hơi cá biệt, vì
quá chú ý đến Lê Hải. Rồi còn Phạm Trung Nghĩa, còn cái viện của hai
người này nữa...
- Có lẽ tại tôi giao việc chưa kỹ. Anh phải nhân đà những bài báo
vừa rồi dấn tới, phục vụ trực tiếp yêu cầu của Ban.
- Xin anh cho ý kiến chỉ đạo ạ. – hai tay ông Tiến xoa vào nhau.
- Đề tài sắp tới quan trọng hơn loại đề tài Lê Hải nhiều... Lượng
sức xem có thể viết một loạt bài mới được không?
- Xin anh cứ nói ạ.
- Lần này tập trung phê phán những vấn đề lớn: tâm lý bi quan về
tình hình kinh tế đất nước, ý thức cảnh giác lỏng lẻo đối với thù
trong giặc ngoài, sự hoài nghi vô nguyên tắc đối với đường lối của
Đảng, những biểu hiện dao động trước những diễn biến phức tạp đang
xảy ra tại các nước Liên Xô - Đông Âu. Bốn chủ đề lớn như thế, liệu
có kham nổi không?
Đoàn Danh Tiến suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Dạ... những bốn vấn đề một lúc cơ ạ?
- Phải.
- Nhiều quá. Nếu mỗi vấn đề làm một bài riêng thì được anh ạ, tôi đã
có sẵn các tư liệu. Mà nên nói thành từng bài riêng anh ạ. Như thế
thì ý sẽ tập trung và phân tích sâu được.
- Ờ... Có lẽ nên như thế... Anh đã có ý niệm sơ bộ gì trong đầu
chưa?
- Chính anh đã nói ra rồi ạ: Từ các bài báo chung quanh đề tài Lê
Hải tiếp tục dấn tới.
Ông trưởng Ban cân nhắc một lúc rồi mới nói:
- Anh có đức tính mà Lê Hải không có. Anh luôn bắt đầu nhiệm vụ được
giao bằng ý thức quán triệt, nghĩa là rất nhạy. Còn cái mạnh của Lê
Hải là có đầu óc phê phán. Chỉ mỗi tội là gần đây Lê Hải hay phê
phán lung tung, hết kiến nghị này đến kiến nghị nọ, toàn một giọng
điệu trái khoáy với chỉ đạo...
- Xin anh cho ý kiến có nên nhân kỳ này xử lý triệt để luôn cái hiện
tượng Kim Ngọc không ạ? Hiện tượng này bây giờ ngày càng rộ lên,
vượt quá những gì chỉ thị 100(*) [(*) Chỉ thị 100 của Ban Bí thư,
ban hành tháng 10-1981, cho phép hợp tác xã nông nghiệp khoán sản
phẩm đến từng nông dân xã viên và ổn định mức Nhà nước thu mua lương
thực.] cho phép.
Câu hỏi của Tiến làm ông trưởng Ban ngỡ ngàng.
- Đang chuyện nọ xọ chuyện kia! Anh hiểu thế nào là hiện tượng Kim
Ngọc?
- Là cái hiện tượng muốn làm rã đám hợp tác xã nông nghiệp đang nhan
nhản khắp nơi. Thành phong trào rồi đấy ạ.
- Nói thế là anh chẳng hiểu cái gì cả. Kim Ngọc đã trở thành chuyện
cổ tích từ đời tám hoánh rồi!
Tiến hoảng quá, vội chống chế:
- Anh ạ, báo chí cả nước bây giờ đang phê phán tình trạng rệu rã của
hợp tác xã nông nghiệp. Đầu têu chuyện này không phải là Kim Ngọc
thì là ai? Phải đả tận gốc, sao lại tránh né?
- Thế tại sao lại có chuyện rệu rã?
- Anh còn lạ gì cái tính tự phát của nông dân nữa.., Lênin đã nói
rồi.
- Chỉ có thế thôi à?
- Có một số chuyện khác nữa anh ạ. Có nơi đã thành hò vè. Nào là:
“Mỗi người làm việc bằng hai, Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe!” Nào
là: “Mỗi người làm việc chuyên cần, Để cho chủ nhiệm xây sân xây
nhà!”... vân vân... Tôi nghĩ chủ nhiệm sai thì sửa chủ nhiệm, còn
hợp tác xã thì phải giữ!
- Rất lập trường! Nhưng anh không biết nơi này nơi khác trong nông
thôn đã xuất hiện một loại cường hào mới rồi à? Đó là tình trạng
ngày càng có nhiều cán bộ cơ sở vừa bất cập, vừa thoái hoá nghiêm
trọng.
- Chết, anh dùng danh từ cường hào mới làm tôi khiếp quá. Có đao to
búa lớn quá không anh? Địch mà nó bám lấy để xuyên tạc thì chết chế
độ!
- Viết lên giấy trắng mực đen thì không nên, nhưng tôi và anh nói
chuyện với nhau thì sự việc thì phải gọi thẳng tên ra như thế... -
Đến đây ông trưởng Ban đã tìm ra được ý kiến dứt khoát: - Thế này
nhé, nếu trong khi viết bài phê phán những quan điểm đi ngược lại
với đường lối kinh tế của Đảng mà anh đụng phải vấn đề đại loại như
chuyện Kim Ngọc, thì anh chỉ nên viết một câu rất chung, đại ý: Cần
chấm dứt tình trạng làm ăn trái với quan hệ sản xuất xã hội chủ
nghĩa trong nông nghiệp. Anh nhớ là viết đúng một câu chung chung
như thế thôi, đừng dại gì mà đi vào chi tiết! Không cẩn thận là chết
đấy!
- Vâng ạ. Cách nói khái quát hoá của anh rất lập trường mà lại bao
hàm hết cả. Người đọc tha hồ rộng đường suy luận.
- Nếu phải viết, tôi cũng đành không đi vào thực chất của sự việc.
Vì những vấn đề loại này khó lắm, chính tôi cũng chưa lý giải nổi...
– giọng ông trưởng ban trở nên tư lự: - Anh xem, nguồn sống của
người nông dân chủ yếu dựa vào mảnh đất 5%... Thật không sao hiểu
được!.. Mà anh thì chưa hiểu thế nào là hiện tượng Kim Ngọc, lại
càng không hiểu vì sao nó xảy ra.
- Anh ạ, nhưng ông Kim Ngọc mất chức rồi, có nghĩa là đã được bật
đèn xanh để phê phán, cần gì phải dè dặt nữa anh? Nếu không thì ông
ấy bây giờ làm to phải biết.
- Trước đây chừng mươi mười hai năm gì đó, nghĩa là vào khoảng sáu
sáu sáu bẩy (1966, 1967), bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc tự tiện cho Vĩnh
Phúc làm “khoán chui”, tất nhiên là thí điểm tại một số huyện
thôi... Đầu óc bây giờ loãng rồi, tôi nhớ mang máng như vậy.
- Nghĩa là trên không cho phép ạ?
- Đã gọi là chui thì còn phép với tắc gì! Tội lỗi chỉ là ở chỗ ban
chủ nhiệm hợp tác xã được phép bỏ cái lối đánh kẻng ghi công chấm
điểm(*) [(*) Ghi ngày công, hoặc cho điểm các việc rồi quy ra ngày
công của nông dân xã viên để chia thu hoạch từ sản xuất.] , chuyển
sang “khoán” cho nông dân xã viên. Cái gì vượt “khoán” là được hưởng
tất! Hiệu nghiệm lắm. Càng cấm đoán, càng chỉ làm cho kiểu “khoán”
này biến tướng đi thôi. Chính vì thế năm Tám mốt mới (1981) phải
chính thức ra cái “khoán 100”(**) [(**) Tháng 10-1981] , nói gọn là
khoán sản phẩm.
- Nếu vậy thì càng nghiêm trọng, càng đáng phê phán chứ ạ?
- Mỗi lần về quê anh có thấy kẻng đánh rồi mà bảy tám giờ sáng nông
dân mới lục tục ra ruộng không? Mặt trời mới cao hơn con sào đã nghỉ
trưa? Trái hẳn với truyền thống hai sương một nắng của người nông
dân ta... Điều này không đập vào mắt anh à?
- Vâng, nông dân đời mới quả không chuyên cần như trước.
- Có khoán 100 rồi mà hợp tác xã vẫn chưa ổn, nông nghiệp không phát
triển lên được bao nhiêu. Chính tôi cũng không cắt nghĩa nổi...
- Vâng, đúng là chưa rõ đúng sai thì cứ nói theo đường lối là đắc
sách nhất anh ạ.
- Anh vẫn chưa hiểu việc tôi định giao. Vào thời điểm sắp Đại hội
thế này mà tự dưng mình tung ra một loạt bài trực tiếp ca ngợi Ban
mình thì lộ liễu quá, thô thiển quá, có phải không? Viết những bài
nổi bật để gián tiếp đề cao Ban ta mới là cái đích trong loạt bài
báo sắp tới... Nói thế đã rõ chưa?
- Bây giờ tôi hiểu ý anh rồi ạ. Xưa nay tôi vẫn phục anh về tầm nhìn
chiến lược, bây giờ tôi được thêm bài học về phương pháp luận.
- Thế thì cái bằng giáo sư của anh phải nhường lại cho tôi.
- Chỉ sợ anh không nhận thôi ạ... Tiếc là chưa ai phát minh ra cái
bằng gì để phong hàm cho những người chế tạo ra giáo sư!
Ông trưởng Ban phì cười vì câu nói của Tiến, hai má hóp bạnh lên
khiến bộ mặt xương xẩu của ông cao nhọn hẳn sang hai bên.
- Ờ nhỉ. Không có cái loại bằng này thật!.. Câu nói vui của anh hoá
ra chí lý... Sớm bắt tay vào việc đi, không thì lại lỡ cơ hội.
- Dạ thưa...
- Còn chuyện gì nữa?
- Xin anh đừng giận...
- Trượng phu với nhau cả mà!
- Vâng... Nhưng anh cho là tôi lộ cờ mà vẫn giúp tôi có bằng giáo
sư?
- Chuyện nhỏ. Tôi nói thẳng ra là để từ nay anh không bao giờ phản
thùng tôi thôi! – lần này ông trưởng Ban cười thành tiếng, thoải
mái.
Ông Tiến cười theo, song nấn ná trong đầu một lúc nữa, rồi đột nhiên
quyết liệt:
- Anh ạ. Tôi nghĩ phải dứt khoát.
- Đánh tiếp Kim Ngọc à?
- Không phải thế ạ. Dứt khoát ở đây nghĩa là giữa anh và tôi... Anh
trong bụng còn nghĩ cho tôi là lộ cờ thì không bền với nhau được ạ.
Ông trưởng Ban không tin vào tai mình, mắt giương to, nhìn sát vào
tận mặt Tiến:
- Sao? Tôi mà anh còn phải đặt vấn đề như thế à?
- Anh thì hay nghi ngờ, mà tôi thì muốn ăn chắc, anh biết tính tôi
từ bao nhiêu năm nay rồi đấy. Hôm nay anh bảo tôi lộ cờ, không biết
ngày mai anh sẽ nghi tôi chuyện gì nữa?
Ông trưởng Ban ngả người ra phía sau mà cười, nhưng do bị hen nặng,
tiếng cười của ông vẫn rè rè làm sao ấy:
- Thôi được, anh muốn dứt khoát thế nào? Mới tậu được mảnh bằng mà
đã đòi lên giá hả? - ông trưởng Ban nói vui để thăm dò.
- Thưa anh đơn giản thôi ạ. Nhảy vào lửa vì anh tôi cũng sẵn sàng.
Đề tài khó mấy tôi cũng cố gặm. Ngược xuôi tôi xoay được tất. Chưa
vừa ý, anh cứ mặc sức chữa, tôi không tự ái... Miễn sao anh đạt mục
đích...
- Xưa nay anh vẫn thế, nhắc lại để đòi thêm gì nữa?
- Tôi phù anh hết lòng, nhưng cũng xin anh hiểu hết giá trị khoa học
cái công thức Đoàn Danh Tiến và tác phẩm đã xuất bản của tôi!
Ông trưởng Ban lại cười to, nhưng lần này tiếng cười rè hơn, cổ ông
bắt đầu khản xịt, bụng bảo dạ ...mình nhượng bộ ngay lập tức với cái
lão này thì chưa nên. Ông cố giữ nét mặt tỉnh bơ:
- Tôi cho tương lên báo nhiều lần như thế mà vẫn chưa thỏa mãn à?
- Hỏi như thế là anh vẫn đánh giá thấp tôi!
- Thế anh tự đánh giá thế nào thì nói ra để tôi theo cho kịp.
- Xin anh nhớ cho cái công thức của tôi có thể ví như cái la bàn để
giữ vững định hướng. Tác phẩm đã xuất bản của tôi làm rõ lẽ phải của
chúng ta... Đấy là nền tảng khoa học trong lý luận và tư duy xây
dựng và bảo vệ đất nước...
- Được... Nói tiếp đi!
- Xin anh nhìn xem có công trình khoa học nào đã xuất bản có được
tầm cao như thế không? Anh cứ so sánh thẳng cánh đi ạ!
Ông trưởng Ban cảm thấy không thể chơi tiếp cái trò nhún nhường với
tay này:
- Anh Tiến... Tự khen như thế có quá lời không? - ông trưởng Ban nói
thật thong thả.
- Anh ơi, mọi tác phẩm của Ban là do tôi chấp bút! Hiển nhiên làm
sáng tỏ lẽ phải của chúng ta!
- Vậy hả? Thế thì viết một quyển mới đi! Lấy câu anh vừa nói làm tựa
đề!
- Anh đặt hàng nhé? – ông Tiến vồ lấy ngay.
|