NGUYỄN TRUNG

 

DÒNG ĐỜI

 

Tiểu thuyết

 


 

 

 

11.

 

 

Bước vào năm 1983 kinh tế trong nước ngày càng khó khăn, lạm phát phi mã trở thành siêu lạm phát. Tại chiến trường Campuchia, Khmer đỏ vẫn ngoan cố tiến hành chiến tranh du kích. Hễ có bất kỳ một cố gắng nào được đưa ra cho việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình thì hoạt động du kích của Khmer đỏ lại rộ lên để át đi. Một lãnh tụ quân sự của Khmer đỏ tuyên bố: Khmer đỏ có thừa tiền bạc súng đạn để chiến tranh du kích 10 năm, 20 năm, 50 năm cho đến khi diệt hết Duôn(*)![(*) Từ miệt thị, chỉ người Việt.] Đàm phán Việt-Trung về biên giới phía Bắc tiếp tục bế tắc. Các chiến dịch tuyên truyền báo chí trên thế giới chống Việt Nam tiếp nối nhau hết đợt này đến đợt khác. Các biện pháp bao vây cấm vận của Mỹ được tăng cường. Sau sự kiện “Công đoàn Đoàn kết” ở Ba Lan, sự nhộn nhạo trong tất cả các nước Liên Xô - Đông Âu ngày càng gia tăng, tác động sâu sắc vào sự tồn vong của nước ta. Tất cả tình hình này đè nặng lên tâm trí bất kỳ người dân nào, người cán bộ nào có ý thức. Tình hình nhức nhối đến mức Nghĩa cảm thấy việc xin giải ngũ lúc này cắn rứt ý thức người đảng viên và lương tâm người công dân của mình.

... Nhưng làm thế nào được? Không xin giải ngũ thì còn làm được gì ở cái Viện này? Mà bây giờ đang trên đường trở thành học viện... Về hưu sẽ làm gì? Đương nhiên không ai nghĩ đến chuyện chết đói, nhưng chắc chắn mình không thể là con người ăn không ngồi rồi được! Câu hỏi Nguyệt nêu ra cho Lê Hải trong bữa cơm hôm nào thật đáng sợ. Thân phận hẫng hụt của người về hưu... Hay là tiếp tục ở lại cái Viện này, mọi chuyện cứ mũ ni che tai, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy?..

... Ta đã không còn khả năng cầm vũ khí trên chiến trường, thì đành chịu vậy. Nhưng bây giờ ta chịu hạ vũ khí trong lương tâm? Một cuộc đời như thế hay là một cuộc đời vật lộn với sự ăn không ngồi rồi của chính mình? Ăn cơm chúa múa tối ngày, cần quái gì! Cái việc dễ ợt như thế sao không chọn lấy nhỉ?..

Tâm trạng ngổn ngang muôn nẻo trên đoạn đường từ Thạch Thất trở về nhà hôm nào lại trỗi dậy trong Nghĩa.

... Nam ơi, chẳng lẽ chú đã cổ vũ cháu đi vào chỗ chết, bây giờ chú lại phản bội cháu? Chú đã chẳng hết lời khuyên bảo cháu dũng cảm nhận nhiệm vụ là gì!?.. Lẽ đời làm sao có thể như thế được hả cháu? Ôi, giá mà lúc ấy chú bớt là chú đi một chút, có khi cháu không phải ra trận!.. Giá mà chú có thể đi thay cháu... Trời đất ơi... Chẳng lẽ chính tôi đã khuyên cháu tôi đi vào chỗ chết?..

Nghĩa không rõ những suy nghĩ như thế mấy tuần nay đã đánh vật với nhau bao nhiêu lần trong đầu mình. Hôm nay thủ trưởng mới lại mời lên gặp riêng, không nói rõ lý do. Mở đầu một chuyện “Thạch Thất 2” chăng? Nghĩa sắp xếp lại giấy tờ trên bàn làm việc, đồng thời cũng sắp xếp các suy nghĩ của mình: Đây là cơ hội rất tốt để giải quyết dứt khoát việc mình xin về hưu!

Bước vào phòng của thủ trưởng mới, Nghĩa thấy cả Lê Hải.

- Xin chào các đồng chí. Hôm nay có cả thiếu tướng dự nữa, chắc lại có chuyện dữ rồi! – Nghĩa cố cười chào mọi người, nhưng không giấu được vẻ lạnh nhạt.

- Chào lại đi, tôi là tướng về hưu. – Lê Hải trêu Nghĩa.

- Nghĩa lặng thinh.

- Tôi mời anh Hải đến, vì anh Hải cũng đóng vai chính trong câu chuyện chúng ta sẽ nói tới. – Người thủ trưởng mới trịnh trọng rót nước mời khách.

Đây là lần đầu tiên người thủ trưởng mới có dịp cùng một lúc gặp cả Lê Hải và Nghĩa. Ông được nghe nói nhiều về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người này, hy vọng cuộc gặp tay ba hôm nay sẽ giúp ông thực hiện được ý định của mình. Ông đứng dậy, nói thẳng vào việc:

- Tôi được chỉ thị truyền đạt đến đồng chí thiếu tướng Lê Hải và đồng chí đại tá Phạm Trung Nghĩa thông báo chính thức của trên về sự việc đã xảy ra với đồng chí đại tá Phạm Trung Nghĩa. Sự việc đã được kết luận như đồng chí thiếu tướng và đồng chí đại tá đã được nghe thông báo trực tiếp. Hai đồng chí hoàn toàn minh bạch, sự việc này đã kết thúc. Đấy là toàn bộ nội dung chỉ thị số.., ngày.., người ký tên Nguyễn.., chức vụ... . Vì là chỉ thị tuyệt mật, nên chỉ cần các đồng chí ghi lại số chỉ thị, ngày ban hành và người ký tên là đủ. - Đến đây người thủ trưởng mới ngồi xuống, gấp quyển sổ tay lại, rồi nói tiếp: - Tôi đã làm xong phận sự truyền đạt chỉ thị của trên. Tôi được trên yêu cầu nói thêm hai điểm nữa. Thứ nhất là cơ quan phụ trách vấn đề này xin lỗi đồng chí Nghĩa về những phiền phức đã xảy ra. Vì lợi ích an ninh của đất nước, mong đồng chí Nghĩa thông cảm. Thứ hai là trong Viện ta chỉ có tướng Lê Hải, đồng chí đại tá Phạm Trung Nghĩa và tôi biết sự việc này. Bây giờ sự việc đã kết thúc và đã được kết luận, coi như nó không xảy ra.

- Có phải đồng chí định nói là cần giữ bí mật tuyệt đối, không để ai biết, có phải thế không? – tướng Lê Hải hỏi lại.

- Vâng, hoàn toàn đúng như vậy. Coi như không xảy ra. Đấy là mục đích chính tôi mời hai đồng chí đến hôm nay. Hai đồng chí có hỏi gì thêm về vấn đề này khôngï?

Lê Hải và Nghĩa nhìn nhau rồi nhìn người thủ trưởng mới. Nhưng cả hai đều không nói gì. Riêng Nghĩa hai tai nóng dần lên, hai bàn tay đặt trên bàn tự nhiên nắm chặt lại, mặt đỏ nhừ rồi trắng nhợt. Coi như không xảy ra!.. Nói nghe dễ quá! Ta thì không thể coi như không xảy ra được! – Nghĩa rít lên không thành lời qua khe răng.

- Hai đồng chí không hỏi gì thêm?

Không có câu trả lời, chỉ có các con mắt nhìn nhau.

- Như thế là xong mục này. – người thủ trưởng mới tự kết luận rồi nói tiếp: - Bây giờ tôi xin nói ý định riêng. Tôi đã cân nhắc rất kỹ đề nghị xin giải ngũ của anh Nghĩa. Tôi cũng đã trao đổi với anh Lê Hải việc này. Nói gọn lại là tôi đề nghị anh Nghĩa tiếp tục công việc của Viện ta.

- Lá đơn anh có trong tay là lá đơn thứ hai của tôi xin nghỉ hưu. Tôi không những mong anh chấp thuận mà còn mong anh ủng hộ. Xin anh đừng để cho tôi phải viết lá đơn thứ ba. – Giọng Nghĩa lạnh lùng.

- Anh Hải... – người thủ trưởng mới nhìn chằm chằm vào Lê Hải.

- Tôi đã nung nấu ý nghĩ này từ nhiều năm nay rồi, không phải là câu chuyện bồng bột một ngày, hai ngày gì. Đừng ai cản tôi nữa!.. – Nghĩa quay ra năn nỉ.

- Xin anh Hải nói giúp cho một câu đi. – Người thủ trưởng mới mong được Lê Hải chi viện cho đề nghị của mình.

Tướng Lê Hải đắn đo một lúc:

- Thực là khó cho tôi. Song tôi cũng đứng về phía anh Nghĩa và mong anh ủng hộ ý kiến của anh Nghĩa. Tôi là người đã từng xếp xó đơn xin giải ngũ của anh Nghĩa, có chủ định, bây giờ tôi xin lỗi anh Nghĩa và sửa sai.

Người thủ trưởng mới rót thêm nước cho khách, ngẫm nghĩ một lúc:

- Anh Hải nói thế thì tôi thất bại rồi! Nhưng mong anh Nghĩa thông cảm, cũng như anh Hải, trường hợp của anh là do trên quyết định. Cấp bậc của hai anh thuộc diện quản lý của cấp trên.

- Vì thế tôi mới đề nghị anh chẳng những đồng ý mà còn ủng hộ tôi! Là giám đốc Viện, xin lỗi, là giám đốc Học viện, nếu đồng chí đích thân ủng hộ, trên nhất định chấp thuận. – Nghĩa cố nài, lúc này Nghĩa đã bình tĩnh trở lại.

- Hôm nay gặp hai anh tôi định làm hai việc, nhưng chỉ thực hiện được một, còn một đành chịu thất bại. Càng chú ý đến các báo cáo tổng kết và những kiến nghị của Viện ta trước đây, tôi thực tình càng muốn giữ anh Nghĩa. Nhưng anh Nghĩa đã quyết như vậy, anh Hải lại về hùa với anh Nghĩa nữa hai chọi một, tôi chịu thua vậy...

Từ lúc nào không biết, bầu không khí chính quy giữa chủ và khách nhường chỗ cho sự thân mật bạn bè.

- Anh yên tâm, chúng tôi không bao giờ đứng ngoài cuộc. Khi nào Viện cần giúp sức việc gì, chắc chắn cả anh Hải và tôi đều sẵn sàng.

- Xin cảm ơn anh Nghĩa. Giao ban kỳ trước tôi được trên phổ biến là đề xuất của Viện ta về giải pháp chính trị và rút quân khỏi Campuchia rất khớp với nhận định của Bộ Tổng tham mưu, kiến nghị của bên đối ngoại và của một số nơi khác. Phải nói đây là một vấn đề cực kỳ gay cấn, nhưng đề xuất của hai anh thật là dũng cảm.

- Ôi, thế thì hay quá! Ta chủ động như vậy là rất tốt. Cốt lõi của vấn đề là ta chủ động!.. – Lê Hải kêu lên.

- Chỉ có một điều là Viện ta đưa kiến nghị lên cấp trên vào thời điểm sớm quá. Thật là bạo phổi đấy. Vì thế mới có chuyện nơi này nơi khác cho Viện ta là hữu khuynh, phê phán khá gay gắt... Nhưng chắc bây giờ cũng dịu đi rồi.

- Ý thức trách nhiệm buộc chúng tôi lúc ấy phải làm như vậy. – Nghĩa thanh minh.

- Thế hai anh không biết chuyện Viện ta bị chiếu tướng từ lâu rồi à? Nhất là từ khi Viện ta tổng kết chiến dịch Quảng Trị, không nói hết được khí thế chiến thắng oanh liệt của quân ta, không đề cao đúng mức mưu lược của lãnh đạo... – người thủ trưởng mới giảng giải.

- Tôi biết, tổng kết này có điều này điều nọ không hợp khẩu vị lắm, song... – Lê Hải phân bua.

- Tôi hiểu chứ. – Người thủ trưởng mới chen ngang - ...Phải nói là may cho hai anh đấy. Đúng vào thời điểm hai anh kiến nghị lên, lãnh đạo vừa mới ra chỉ thị cho một số nơi nghiên cứu phương án giải pháp chính trị vấn đề Campuchia. Nếu không thì hai anh đi đứt rồi. Vấn đề Campuchia cam go lắm.

- Hai chúng tôi đã nói với nhau là sẵn sàng cùng nhau lên đoạn đầu đài, nhưng không thể chậm trễ được! – Lê Hải kể lại.

- Dũng cảm và liều mạng là hai chuyện khác nhau đấy hai anh ạ...

Không bảo nhau, nhưng cả Lê Hải và Nghĩa cùng đỏ mặt lên, môi bặm lại. Nhưng ông viện trưởng mới tỉnh bơ, dõng dạc nói tiếp:

- Nếu là tôi, tôi sẽ xử sự khác. Phải biết chờ đợi hai anh ạ. Lại càng phải hiểu trong việc quân cơ Viện ta chỉ là một mắt xích phụ, rất phụ nữa là khác! Đề xuất ý kiến tới phạm vi nào thôi, đi quá là ra ngoài lĩnh vực của mình, là tự chuốc tội vào mình. Suýt nữa hai anh làm cho cả Viện ta mắc vào dây oan đấy.

Cả Lê Hải và Nghĩa trợn tròn mắt, cùng đưa mắt nhìn nhau rồi lại nhìn người thủ trưởng mới. Không ai nói với ai, nhưng cả hai đều liên tưởng đến cái quyết định cho nghỉ hưu đột ngột và câu chuyện Thạch Thất...

- Mong hai anh đừng suy diễn... – người thủ trưởng mới dường như đoán được ý nghĩ của hai người.

- Nghiên cứu thì phải sớm đưa ra các dự đoán, các kiến giải, nói hậu thì còn ý nghĩa gì nữa chứ. Có phải như thế không ạ? – Nghĩa cố nén lòng mình, nhưng giọng nói vẫn toát lên sự đay nghiến. Trong bụng thầm nghĩ: ... Hoá ra trước mặt mình là kẻ ngậm miệng ăn tiền, còn mình thì lại phải câm miệng để sống, coi như không có chuyện gì xảy ra!..

- Tôi đồng ý với anh Nghĩa. – Lê Hải nói rõ thêm. - Có lẽ anh chưa biết, chúng tôi mất khoảng một năm trời phản bác nhau. Vấn đề quá hệ trọng, nên về sau chúng tôi phải xé ra thành một số vấn đề riêng biệt để tham khảo các ngành, nhất là hai vấn đề an ninh và đối ngoại. Thú thực khi cùng nhau kiến nghị lên trên chúng tôi run lắm, nhưng không đừng được!

- Cái khó cho chúng tôi là chính quyền của nhân dân Campuchia còn yếu quá, để Khmer đỏ thống trị trở lại là một tội ác! Trong khi đó thiên hạ nhâu nhâu vào chống ta, nhiều bạn bè của ta cũng không hiểu ta. Tôi biết, trong tình thế như vậy đề nghị của chúng tôi dễ bị hiểu lầm lắm anh ạ. – Nghĩa nói thêm vào.

- Nói theo các cụ ngày xưa, hai anh có thể bị khép tội xử trảm đấy! Không ai đang lúc đánh thắng ầm ầm mà lại điên rồ bàn lui, như thế cũng là thiếu chính trị! Phải biết lựa chọn đưa ra lúc nào chứ... Lẽ ABC ở đời mà!

Lần này Nghĩa cố dằn lòng trước kẻ dạy khôn mình, cố giữ cho giọng nói thực từ tốn:

- Thực quả anh Hải và tôi đều lo điều này! Chẳng có gì bảo đảm là ý kiến của chúng tôi một trăm phần trăm không sai. Trước khi trình bày kiến nghị lên trên, anh Lê Hải và tôi rủ nhau đi viếng Bác, nhờ Bác phù hộ, và nếu phải ra đi thì trong lòng cũng thanh thản!

- Cái khổ của công việc nghiên cứu là như thế đấy anh ạ. – Lê Hải nói thêm vào.

- Bây giờ hai anh trút cái khổ này lên đầu tôi có phải không? – người thủ trưởng mới nói vui.

- Có gan đứng mũi, có gan chịu sào anh ạ. Anh Nghĩa và tôi thở phào. Bây giờ thì yên chí là đầu mình vẫn còn! Nhưng lúc này đất nước vẫn còn quá nhiều kẻ thù.

- Cái khó là ở chỗ ấy. Thế nhưng anh Hải về hùa với anh Nghĩa bác lại đề nghị của tôi giữ anh Nghĩa thì cả hai anh đều sai đấy...

Về cuối Lê Hải hầu như để một mình Nghĩa nói chuyện với người thủ trưởng mới. Trong đầu người lính già này bây giờ chỉ còn vang vọng những câu nói chì chiết của vợ hôm nào. ...Chung quy chỉ tại anh thôi! Anh sắc sảo quá, nhiệt huyết quá, nhưng không biết giữ mồm miệng, không bù cho những kẻ ngậm miệng ăn tiền!.. ...Hai anh có thể bị khép tội xử trảm nữa, không ai đang đánh mà lại bàn lui... ...Ôi từ miệng vị tân quan này hôm nay mình mới lường hết được những lo lắng của Hậu...

... Chúng con lạy Bác, Bác đã phù hộ chúng con trong trận ra quân cuối cùng!..

 

Ra đến cổng cơ quan, Nghĩa đề nghị Lê Hải cùng với mình đến nhà ông Chính thắp hương cho Nam để giải tỏa những bứt rứt trong lòng.

- Tiện có xe của tôi, chúng ta đi ngay bây giờ được không?

- Vâng, tôi muốn đi ngay bây giờ.

Ngồi trên xe, hai người lính già tâm sự với nhau:

- Số phận làm cho anh và tôi dính líu quá nhiều vào vấn đề Campuchia, có phải không, anh Nghĩa?

- Làm sao kể được anh nghe tâm trạng tôi khi cháu Nam hỏi ý kiến tôi về nhiệm vụ đi Campuchia. Tôi không dám nghĩ đến, nhưng tôi đoán biết được những gì sẽ có thể chờ đợi cháu tôi ở đấy. Mấy năm qua ngày đêm thấp thỏm! Nếu lúc nào quên đi thì thôi, nếu không thì lại canh cánh nỗi lo về cháu tôi. Thế rồi...

- Tôi hiểu được.

- Mỗi lời tôi nói ra với cháu khi ấy, cứ như là một nhát dao chính tôi đang tự cắt vào da thịt mình. Tôi biết hiểm nguy nào sẽ dành cho cháu mình, nhưng tôi vẫn phải khuyên cháu mình lao vào! Đất nước ta ở vào tình thế nguy kịch quá, tôi không thể làm khác được anh ạ!.. Vì đau đớn quá, tiễn cháu đi rồi mà không biết bao nhiêu lần tôi cứ tự hỏi mình: Tại sao tôi lại khuyên cháu tôi đi vào chỗ chết?.. Ôi nếu lúc đó tôi có thể đi thay cho cháu!..

Lê Hải thông cảm, quàng tay lên vai Nghĩa, xiết chặt lấy người bạn chiến đấu của mình...

- Giả thử tôi không hiểu biết chiến tranh là gì thì đi một nhẽ! Giả thử trong nhà tôi chưa một ai chết vì chiến tranh, ít nhiều nhìn chiến tranh như đi xem phim... thì không nói làm gì! Hay là gia đình tôi chết cho chiến tranh như thế chưa đủ! Như thế vẫn là chưa đủ hả anh Hải?

- Bình tĩnh lại Nghĩa. – Lê Hải an ủi bạn.

- Tôi nhớ, tối hôm ấy chân tôi khuỵu xuống, khi cháu cho biết đang chuẩn bị lên đường ra trận...

- Thú thực, đến bây giờ tôi vẫn chưa dám nói được là mình đã hiểu hết thế nào là chiến tranh, anh Nghĩa ạ...

- Đành là thế... Nhưng nhìn ông viện trưởng mới, nghĩ đến cái chết của cháu tôi, tự nhiên tôi muốn nổ tung... Tôi cay đắng tự hỏi mình trong lòng ...cháu tôi có đáng hy sinh như thế không? Cháu tôi hy sinh để cho những viện trưởng này sống và xử sự như vậy?

Lê Hải nắm lấy tay Nghĩa:

- Tôi hiểu và chia sẻ nỗi đau đớn của anh

Xe đỗ xịch đến nơi, cô Minh ra mở cửa cho hai người vào nhà. Kể từ khi cụ Tuyên bà mất, ông bà Chính đã nài nỉ được cô Minh ở lại Hà Nội trông giúp cháu bé Phạm Nguyễn Trung Nam một thời gian. Ông bà Chính chưa thể gửi cháu đi nhà trẻ vì cháu còn nhỏ quá. Bà Chính và mẹ Yến đang cùng nhau làm thủ tục xin nghỉ hưu để ở nhà trông cháu.

Ông Nghĩa bồng cún Nam lên tay rồi đưa cho tướng Lê Hải:

- Con của Nam đấy anh Hải ạ.

- Ôi cháu tôi ngoan quá. Hôm nay ông đến thắp hương cho bố cháu đây!

- Cháu ạ ông đi!

- Cháu ạ ông đi!

Cún Nam cười toe toét, tay khoanh lại đầu gật gật: ạ... ạ.., đáng yêu vô cùng.

Thắp hương cho Nam xong, hai người ngồi lại với nhau trước bàn thờ.

Pha xong ấm chè mời bạn, Nghĩa cảm thấy dần dần lấy lại được bình tĩnh:

- Anh Hải ạ, tôi nhớ hãy còn nợ anh một vấn đề mà tôi hứa sẽ nói. Đấy mới là lý do tôi mời anh tôi về đây thắp hương cho Nam hôm nay?

- Cứ cho là như thế đi. Đã đến lúc phải điểm lại tất cả những gì chúng ta đã làm sau 30 tháng Tư anh ạ. Hình như có nhiều việc chúng ta đã phạm chung một sai lầm lớn: Có lẽ chúng ta quá tin vào ý nghĩa của thời đại chúng ta đang sống là sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, nên tin rằng dư luận tiến bộ của nhân dân thế giới đủ sức khuất phục các giới cầm quyền trong cái thế giới đang nhâu nhâu chống lại nước ta.

- Anh muốn nói chúng ta đã phạm sai lầm là nhìn bàn cờ thế giới theo ý thức hệ?

- Anh muốn nói thế cũng được. Sự thực là chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta chống đế quốc xâm lược, suy nghĩ về thế giới bằng hơi thở của phong trào nhân dân thế giới chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nhìn nhận thế giới bằng những tình cảm của nhân loại tiến bộ coi việc ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống xâm lược là lương tri của thời đại...

- Bây giờ anh hoài nghi những điều này?

- Không phải thế anh Hải ạ. Song thế giới không phải chỉ có chiến tranh Việt Nam! Thế giới còn rất rất nhiều chuyện khác anh ạ. Tôi nghĩ là chúng ta xem nhẹ tính chất phức tạp của các mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

- Có thật như thế không?

- Chính trong điều cốt tử này, chúng ta đã không hiểu hết chính mình, không biết rõ người, lại càng không biết chuẩn xác nước ta đang đứng ở đâu trong cái thế giới hỗn độn này anh Hải ạ.

- Hai phe bốn mâu thuẫn, trận tuyến rạch ròi thế sao lại nói là thế giới hỗn độn?

- Câu chuyện nằm ở đấy anh Hải ạ. Chúng ta đo nhìn thế giới bằng con mắt của người chiến sĩ giầu lý tưởng cao đẹp và đang chiến thắng, bằng các giá trị đạo đức của riêng mình.

- Anh định nói là chúng ta quá duy tâm?

- Không phải thế!.. Tôi nghĩ mãi rồi… Toác mặt ra bây giờ mới vỡ lẽ… Chúng ta không thấy hết bốn, năm cuộc chiến tranh khác trong cuộc chiến tranh của chúng ta chống Mỹ xâm lược! Gốc gác câu chuyện là ở chỗ này!

Lê Hải trợn tròn mắt vì kinh ngạc, sau đó lại nhìn Nghĩa chằm chằm.

- Anh không tin? – Nghĩa hỏi lại.

- Tôi hiểu các mặt phức tạp của cuộc kháng chiến của chúng ta, nhưng chưa đi đến suy nghĩ dứt khóat như anh nói.

- Anh Hải ạ, trước hết đấy là cuộc chiến tranh của chúng ta chống Mỹ xâm lược, nó còn là cuộc chiến tranh đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, dưới góc độ nhất định đây còn là một cuộc nội chiến…

- Trời đất ơi!.. – Lê Hải thốt lên, nhưng Nghĩa hình như đang bị cuốn hút mạnh mẽ vào những điều mình đang nói nên không để ý thấy.

- Đây còn là cuộc chiến tranh giữa những giá trị khác nhau… Còn là một cuộc chiến tranh “chui” của bên ngoài, như báo chí phương Tây hồi ấy vẫn nói: Có kẻ quyết đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng!... Đã thế cuộc kháng chiến của chúng ta vừa là đỉnh cao của ba dòng thác cách mạng lúc đó, vừa là một trong những đỉnh cao của chiến tranh lạnh giữa hai phe nhưng ba bên Mỹ - Xô – Trung vô cùng rắm rối…

- Ý anh muốn nói khi ra khỏi chiến tranh chúng ta đã bỏ qua hết mọi hệ quả của bốn, năm hay sáu cuộc chiến tranh khác trong cuộc kháng chiến của chúng mình và chỉ nhìn thế giới bằng con mắt của người chiến thắng?

- Vâng… - nghĩ một lúc rồi Nghĩa cả quyết: - Tôi e là như thế! Chính vì hiểu thế giới đơn giản như thế, nên sau 30 tháng Tư chúng ta chậm hiểu nỗi mừng của người này là nỗi lo của người kia, niềm vui của người này là sự căm giận của kẻ khác, thuận lợi đối với anh là thách thức đối với tôi... Cả ở trong nước cũng như trên thế giới... Chính vì những điều oái oăm này, lại thêm niềm vui lâng lâng được thiên hạ coi là lương tri của thời đại, nên chúng ta đã chậm nhìn thấy một sự tập hợp lực lượng mới, phức tạp vô cùng, diễn ra gần như trong một đêm... đã nhâu nhâu chống lại nước ta, ngay sau ngày 30 tháng Tư...

- Sao anh không nói luôn là còn có những quan điểm định thừa thắng xông lên nữa chứ! – Lê Hải nêu lại một nhận định mà cả ông và Nghĩa đã nhiều lần phê phán trong các báo cáo tổng kết của Viện mình.

- Tôi van anh, xin đừng nói giễu nữa!.. Câu chuyện nghiêm trọng lắm, Việt Nam chẳng đang được chụp cho cái mũ tiểu bá là gì!

- Nhưng mà anh Nghĩa, ngay từ đầu Đảng ta vẫn nói cuộc đấu tranh cho độc lập của nhân dân ta gắn liền với đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội cơ mà.

- Ta nói gì cho nước ta thì tha hồ, đấy là việc của riêng nước ta anh ạ. Nhưng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và quan hệ giữa các quốc gia lại là hai chuyện khác nhau. Anh hãy nhìn lại quan hệ Xô – Trung, nhìn lại quan hệ từng cặp trong bộ ba Mỹ - Xô – Trung, nhìn vào bản đồ cả thế giới mà xem...

- Nhầm lẫn là ở chỗ này?

- Còn hơn thế, anh Hải ạ. Từ đỉnh cao vinh quang của một dân tộc đã chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, hầu như trong một đêm chúng ta bị họ biến thành cái bia hứng đạn của biết bao nhiêu là vấn đề thời hậu chiến như anh đã thấy đấy.

- Chẳng lẽ cái thế giới nhâu nhâu này đã thực hiện được ý đồ của họ hả anh Nghĩa? – lúc này Lê Hải mới thực sự lắng nghe những ý kiến của Nghĩa, thôi không nói giễu những chuyện cũ nữa.

- Vâng, ở mức độ đáng kể anh ạ. Chúng ta bị động rơi vào một trận đồ bát quái đã được cài đặt sẵn đúng vào lúc ta vừa mới bước ra khỏi chiến tranh.

- Anh định đổ lỗi cho chiến thắng khiến chúng ta chỉ còn nhìn thấy mình mà không hiểu hết người?

- Có chuyện này, song nghĩ thế vẫn còn hời hợt lắm...

Nghĩa đứng dậy, bỏ dở câu nói, đi đi lại lại một lúc rồi mới nói tiếp:

- Càng ngày tôi mới càng hiểu nỗi đau của Bác viết trong Di chúc về phong trào cộng sản thế giới!

- Tôi hiểu chứ anh Nghĩa! – Lê Hải nói nhưng ngồi không động đậy, mắt nhìn thẳng như đang tìm kiếm cái gì ở phía trước: - Anh không thể tưởng tượng nổi đâu, những năm tháng ấy tôi ở miền Nam... Tôi thấy rất rõ đồng bào ta có nhiều điều ngậm đắng nuốt cay, bặm môi đến tím ruột tím gan.., nhưng vẫn tin vào thắng lợi cuối cùng, vẫn một lòng một dạ gửi gắm niềm tin và lòng biết ơn vào phe xã hội chủ nghĩa... Không tưởng tượng nổi đâu anh Nghĩa ạ.

- Tôi thừa nhận... Hình như khúc quanh co nào của lịch sử cũng đòi cái giá của nó anh ạ...

Cho đến lúc tiễn Lê Hải ra về trời đã xế chiều. Tiếng xe ô tô của Lê Hải đi xa rồi, nhưng Nghĩa vẫn bần thần một mình ngoài sân trước nhà.

Văng vẳng đâu đó tiếng rên rỉ của Lễ ...Anh Nghĩa ơi, xin anh hiểu cho em... Con đường em đi đã đi quá nửa cuộc đời, em không thể... Đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này, nhưng anh chưa thắng được em...

 

Gần một tuần sau cái ngày của Lê Hải và Nghĩa gặp viện trưởng mới, báo chí đưa tin Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương chủ động đưa ra sáng kiến bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Tại hội nghị này Việt Nam có một tuyên bố riêng về việc rút quân khỏi Campuchia. Dư luận tiến bộ trên thế giới đánh giá đây là cống hiến quan trọng của Việt Nam cho một giải pháp hoà bình vấn đề Campuchia.

Cầm tờ báo có tin trên trong tay, Nghĩa rời phòng làm việc, lấy cái Babetta lọc xọc phóng thẳng đến chỗ Lê Hải:

- Đọc đi! Đọc đi! Ước gì anh và tôi có thể trực tiếp cảm ơn người đã đưa ra quyết định dũng cảm và sáng suốt này!

- Ta thì bao giờ cũng là quyết định tập thể. Có người nói với tôi đi đầu trong việc đề xuất rút quân và tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia là bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ đấy.

- Thật thế không anh Hải?

- Có lẽ thế.

- Ôi nếu tôi được chạy đến bắt tay ông ta!

 

Vợ chồng Mai-cơn Fốc tổ chức một tiệc nhỏ mừng nhà mới tại ngoại ô San Francisco.

Vợ chồng Lễ và vợ chồng Loan trao đổi với nhau qua điện thoại, cuối cùng đều quyết định nhận lời mời của gia đình Fốc. Loan là chỗ quen biết cũ, không đi không tiện. Còn Lễ lại là người chịu ơn Fốc đã trực tiếp xử lý những trục trặc liên quan đến việc nhập cư vào Mỹ. Buổi liên hoan mang tính chất bạn hữu, nên giấy mời ghi rõ mặc thường phục. Điều này cũng rất thuận tiện, vì đang giữa mùa hè.

Vợ chồng Lễ và vợ chồng Loan hẹn nhau cùng đến một lúc. Họ vốn là người có thói quen đúng giờ, nên mọi việc đều suôn sẻ như đã bàn.

Đến nơi, người giúp việc của nhà Fốc xem giấy mời rồi đưa khách đến chỗ đón tiếp. Đầu tiên khách ngạc nhiên là nhà của vợ chồng Fốc đẹp quá. Đấy là một biệt thự nhỏ, kiểu cách, nằm giữa một khu vườn rộng. Thoáng nhìn người ta biết ngay vườn còn là một sân golf mini. Biệt thự phù hợp cho một cặp vợ chồng quý phái mới cưới nhau hơn là cho một gia đình đông người. Hàng rào là những rặng hoa nhiều màu sắc được tỉa tót chu đáo. Thảm cỏ xanh mướt càng làm cho màu sắc của ngôi nhà nổi lên như tranh vẽ. Cuối vườn là một bể bơi hình bầu dục được cách điệu, bài trí nhã nhặn. Tìm được một biệt thự như vậy ở ngoại ô cái thành phố là thủ đô bang California này thật không dễ, lại phải nhiều tiền nữa... Trời đã về chiều, ánh nắng vàng nhạt đầy gió biển càng tăng thêm cảm giác dễ chịu cho khách đi dạo trong vườn.

Vợ chồng Lễ và vợ chồng Loan còn đang chưa hết ngạc nhiên về vẻ đẹp của nhà cửa vườn tược ở đây, thì lại ngạc nhiên vì khách đến dự toàn là người Việt, đếm vội đã được hơn ba chục người cả nam lẫn nữ. Lúc này khách vẫn đang tiếp tục đến. Đi dạo, chào hỏi nhau, dần dần Loan và Lễ nhận ra một số khá đông đã cùng sống với nhau tại trại cải tạo B7. Trừ Quách Minh Châu ra, đây là lần đầu tiên Lễ và Loan gặp lại số trại viên B7 cũ kể từ khi nhập cư vào Mỹ. Không biết bao nhiêu điều để hỏi, để kể.

Tiệc đứng được tổ chức ngoài trời.

Diễn văn chào mừng khách được Mai-cơn Fốc đọc bằng thứ tiếng Việt rất sõi và phong phú, chỉ chưa thật chuẩn lắm về phát âm các dấu.

- ... Một lần nữa xin cảm ơn quý bà quý ông đã không tiếc thời giờ vàng ngọc đến thăm tệ xá. Vợ chồng tôi coi đấy là một ân huệ lớn. Các chương trình nhập cư cho quân nhân Việt Nam đã hoàn tất, công việc của tôi ở Camp Dalton kết thúc, tôi quyết định chọn một nghề tự do. Sự có mặt đông đủ của quý bà quý ông càng làm cho vợ chồng tôi tin vào quyết định của mình là chuyển từ Guam về Camp Dalton, rồi bây giờ lại chuyển về làm ăn ở San Francisco. Vợ chồng chúng tôi không phải là tỷ phú, vốn quý nhất của chúng tôi là mối quan hệ bằng hữu với quý bà quý ông và một chút chút tiếng Việt. Giúp đỡ phần nào quý bà quý ông trong đời sống hàng ngày ở đây, trong công việc làm ăn, có lẽ đấy là cách sử dụng tốt nhất bằng tiến sĩ luật của tôi. California là quê hương lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Vì thế chúng tôi chọn San Francisco là quê hương cho mình. Tôi hiểu luật pháp và thực tiễn ở nước Mỹ hoàn toàn không giống như ở Việt Nam Cộng hòa của các bạn trước kia. Dân Mỹ chúng tôi có thói quen từ đánh đổ cốc cà phê vào tay nhau cũng có thể mang ra toà đi kiện! Quý bà quý ông lúc này lúc khác không tránh khỏi những vấp váp, những bỡ ngỡ, những điều cần tư vấn. Trong những trường hợp như vậy, xin quý bà quý ông hãy trao niềm tin của mình cho Văn phòng luật sư Mai- cơn Fốc! Ngày mừng tân gia của chúng tôi hôm nay, cũng là ngày khai chương Văn phòng luật sư Mai-cơn Fốc. Xin nâng cốc chúc sức khoẻ quý bà quý ông! Xin nâng cốc cho sự hợp tác và tình bằng hữu giữa chúng ta!

Tiếng vỗ tay. Tiếng chúc mừng.

Không biết do ai cử, Lý Lam, nguyên là thiếu tá, trại viên trại cải tạo B7, cầm lấy micrô thay mặt khách nói mấy lời cảm ơn.

Vợ chồng Fốc đi chúc rượu khắp lượt. Người giúp việc của Fốc bưng theo một khay các quyển sách nhỏ, nội dung giới thiệu các lĩnh vực văn phòng luật của Mai- cơn Fốc có thể tư vấn, môi giới – gần như là thượng vàng hạ cám, từ ly hôn đến khai sinh, khai tử, bảo hiểm, cách tính thuế, kiện cáo dân sự... Cuốn sách nhỏ còn có một số thông tin đáng chú ý, đăng tải một số hoạt động và lĩnh vực kinh tế đang nổi lên ở nước Mỹ, mục quảng cáo giới thiệu một số trường học, hiệp hội... Sách in đẹp, công phu, như một quyển tự vị con, dễ sử dụng, nội dung phong phú. Mai- cơn Fốc tận tay trao cho từng khách quyển sách nhỏ ấy, nói vài câu xã giao, giới thiệu đôi điều... và cứ thế đi lần lượt khắp vườn.

Đến chỗ vợ chồng Lễ và vợ chồng Loan, vợ chồng Fốc dừng lại khá lâu. Sau trao đổi mấy câu thăm hỏi xã giao, nữ tụ lại đứng thành một nhóm, nam thành một nhóm.

- Từ ngày ông Lễ đến Guam hôm nay tôi mới được hân hạnh gặp lại.

- Vâng, xin cảm ơn đại tá Fốc, nếu không có buổi hôm nay tôi sẽ không có dịp trực tiếp cảm ơn sự giúp đỡ của đại tá.

- Có gì đâu mà cảm ơn. Bây giờ tôi là người dân sự(*)• [(*) Fốc định nói là “dân thường” (civil man). ] rồi. Xin ông gọi tôi là tiến sĩ Fốc.

- Tiếng Việt của ông giỏi quá, ước gì tôi nói được tiếng Anh như ông nói tiếng Việt. – Lễ khen.

- Đấy là nguyên nhân quan trọng nhất khiến ông chuyển về San Francisco? – Loan hỏi.

- Nói chuẩn xác thì không phải là chuyển về, ông Loan ạ. Tôi đã hoàn thành hợp đồng làm việc cũ. Bây giờ tôi làm nghề tự do. Nói chuyện với ông Loan tôi không bao giờ được phép ngủ gật.

- Tại sao thế tiến sĩ Fốc?

- Về đối thoại, ông là bậc thầy của tôi, đại tá Loan ạ. – Fốc vừa nói vừa cười rất ranh mãnh.

- Xin cảm ơn lời khen ngợi của ông. Cả ông Lễ và tôi còn phải cảm ơn ông về một chuyện khác.

- Về chuyện gì thế, thưa hai ông?

- Ông Loan và tôi không ngờ gặp lại nhiều bạn cũ trong trại B7. Nhiều người từ khi chia tay với họ ở Bảo Lộc, hôm nay chúng tôi mới gặp lại.

- Chúng ta vẫn thường nói quả đất tròn mà. Riêng ông Loan và tôi rất có duyên với nhau, đây là lần thứ ba ông Loan là khách của tôi. Có phải thế không đại tá Loan?

- Ông nhớ giỏi quá.

- Vì mỗi lần được gặp ông đều có một sự kiện trọng đại khó quên.

- Là những sự kiện gì vậy, tiến sĩ Fốc? – Lễ hỏi.

- Lần đầu tiên là đêm Nô-en B52, lần thứ hai là Trung quốc đánh Việt Nam, và hôm nay là dịp khai trương Văn phòng tư vấn, ông Lễ ạ!

Tai Lễ ù lên, suýt nữa ly rượu buột khỏi tay. Lễ cố thở hít vào thật sâu, cố trấn áp cảm giác nôn nao đến nghẹt thở đang rộn lên. Trong đầu quay cuồng ly rượu B52 của Ngô Du ban cho năm nào… Nghĩ lại, bao nhiêu lần Lễ muốn nôn ra mà không được. Tiếp đến là ký ức về những nỗi lo sợ và thất vọng không sao tả xiết ập vào trại B7 khi nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc.

Lễ nhìn thấy Fốc mồm lắp bắp điều gì đó, nhưng đành đứng yên, không phản ứng gì được.

Câu chuyện bị ngắt quãng đột ngột, Loan phải lấp chỗ trống:

- Gặp nhau ở đây chúng tôi mừng lắm. Tôi còn một số bạn hữu cánh tướng Minh và cánh tướng Mậu tìm hoài không được, cũng không liên hệ được.

- Tôi sẽ để ý giúp ông chuyện này, ông Loan ạ. Ông gợi cho tôi một ý hay đấy, Văn phòng tư vấn của tôi phải tìm cách với tới được những khách hàng này. Một lần nữa cảm ơn hai ông đã tới dự. Mong hai ông coi Văn phòng này là cánh tay nối dài của mình...- Fốc tạm biệt Lễ và Loan rồi quay ra chào Thảo và vợ Loan, tiếp tục cùng với vợ đi chào các đám khác.

Chờ cho vợ chồng Fốc đi khỏi, Loan hỏi Lễ:

- Sức khoẻ anh hôm nay có chuyện à?

- Tôi bị choáng váng một chút, nhưng qua rồi, không sao.

- Ông già Học của anh có con mắt tinh đời.

- Sao tự dưng anh lại nhắc đến chú tôi?

- Anh còn nhớ câu chuyện trong bữa cơm ở nhà hàng La Cigale không? Ông già nói Fốc không thất nghiệp, nghĩa là Fốc vẫn còn làm việc!

- Y tiếp tục công việc với một danh phận mới, hình thức mới?

- Tôi chỉ mới hỏi ướm có phải y chuyển từ Guam về đây không, y đã giãy nảy lên như đỉa phải vôi. Sự nhạy cảm quá mức của y làm cho cách hoá trang của y giảm tác dụng. Y cũng chưa thu phục được cánh tướng Minh và tướng Mậu, mới đụng đến chuyện này là y chuồn luôn.

- Hôm ấy anh nhắc đến Quách Minh Châu và Lý Lam, chú tôi nói ngay: Như thế là biết ai làm việc cho ai rồi!

- Anh Lễ ạ, trí nhớ của anh không đến nỗi tồi lắm. Bây giờ thì chúng ta biết tại sao Lý Lam được cắt cử thay mặt các khách người Việt ta đứng ra phát biểu cảm ơn chủ nhà.

- Chúng ta nói với hai quý phu nhân tạm thả lỏng chúng ta trên bãi cỏ này đi. Anh và tôi sẽ la cà vào các nhóm xem họ nói những chuyện gì.

Loan đồng tình với ý kiến của Lễ. Họ chọn đám đông nhất và huyên náo nhất ở phía góc vườn bên trái, rồi bảo nhau cùng đi tới.

Giữa đường, một người đàn ông lùn mập bắt tay chào Loan:

- Chào đại tá, tôi nghe loáng thoáng biết đại tá ở bang này nhưng không có địa chỉ nên không sao tìm gặp được.

- Trời ơi ông Năm, xin chào ông. Ông sang đây từ bao giờ thế này?

- Được vài năm rồi đại tá ạ, may là tụi tôi đi đường Hongkong sang đây nên tất cả vẹn toàn.

- Ôi, thế thì phải mất nhiều tiền lắm lắm đấy!

- Đúng thế ông Loan ạ.

Loan quay sang Lễ:

- Giới thiệu với anh Hai Lễ, đây là ông Năm Thịnh, chủ khách sạn Eden. Trong khách sạn này có tiệm ăn Trung Quốc nổi tiếng nhất Sài Gòn. Gia đình tôi là khách ẩm thực truyền thống của tiệm ăn này nên trở thành bạn của ông Năm.

- Đại tá phải nói suýt nữa thì chúng ta là thông gia với nhau chứ. Xin chào ông Lễ.

- Vâng, đúng thế. Tiếc là con gái ông kén phò mã kiêu kỳ quá.

- Chào ông Năm. Xin lỗi... ông là con má Sáu Nhơn có phải không ạ?

- Ối, ông quen biết gia đình má tôi?

- Dạ, biết sơ sơ thôi ạ. Ông Tư Cương là người giúp việc cho chú tôi cũng là người giúp má Sáu. Trong gia đình má Sáu cho đến nay tôi mới chỉ được hân hạnh làm quen với người con rể thôi.

- Có phải tướng Lê Hải của Việt cộng không ông Hai? - Năm Thịnh hỏi.

- Thưa vâng. – Lễ trả lời.

- Tướng Việt cộng mà lại để cho anh vợ đi lưu vong à? – Loan ngơ ngác hỏi Năm Thịnh.

- Phải đi thôi, không chơi được với họ! – Sự giận dỗi vẫn còn vương đọng trong giọng nói của Năm Thịnh.

- Ông ác cảm với ông Lê Hải? – Loan hỏi.

- Với Lê Hải thì không, nhưng không chơi được với cách đối xử của Việt cộng.

- ...

Ba người này còn đứng hỏi thăm nhau một lúc về tình hình gia đình của nhau, về đời sống hiện tại và hẹn sớm gặp lại. Năm Thịnh cho Lễ và Loan biết đang chạy vốn và tìm người để mở một quán cơm Á. Năm Thịnh còn cho biết đang khổ sở vì bị hai ông anh mình oán trách rủ rê đi di tản. Ba Tước, nguyên là chủ đại lý xe ô-tô Peugeot, không quen với nghề đi làm thuê, nên chọn mấy nghề rồi đều không hợp, gia đình hiện nay sống còm cõi bằng các khoản cứu tế xã hội. Tư Quang, nguyên là chủ hãng dệt thun Liccy, thì cứ đay nghiến Năm Thịnh: Mất cái xí nghiệp dệt thun thì tìm cách khác mà sống, ở nhà thiếu gì cách làm ra tiền, sang đây lạ nước lạ cái, suốt ngày nghe tiếng Mỹ éo éo sốt cả ruột!.. Qua câu chuyện, bây giờ cả Lễ và Loan mới hiểu, cánh Năm Thịnh đi di tản trót lọt là nhờ đường dây của Quách Minh Châu, và nhờ Fốc nên việc nhập cư suôn sẻ.

- Chịu ơn ông Châu, nên tôi tham gia tý chút việc này việc khác và cũng là để được yên thân làm ăn. Nói riêng với hai ông là cánh đàn em của ông Châu nhốn nháo lắm. Ra đây nhiều người cũng chỉ có mỗi cái nghề đánh thuê... – Năm Thịnh tiếng nhỏ tiếng to trước khi chia tay Loan và Lễ.

Chào Năm Thịnh, hai người đi tiếp đến khu vườn bên trái.

Những người ở đây khá ồn ào, không ai để ý đến sự có mặt của Lễ và Loan. Nghe một lúc, Lễ và Loan hiểu đấy là nhóm Phục quốc và nhóm Kháng chiến đang cãi nhau. Nhóm Phục quốc chủ trương đưa người về nước tổ chức phong trào, gây cơ sở, hoạt động phá rối nội bộ cộng sản Hà Nội, chờ thời cơ gây bạo loạn lật đổ. Nhóm này phê phán nhóm Kháng chiến là manh động và chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Nhóm Kháng chiến cho nhóm Phục quốc là nhát gan, bây giờ là lúc tốt nhất xây dựng lực lượng vũ trang đưa về nước chiến đấu, vì cộng sản Hà Nội đang sa lầy trên chiến trường Campuchia và chiến trường biên giới phía Bắc... Đã thế kinh tế Việt cộng kiệt quệ, Nga Xô và cộng sản Đông Âu đổ đến nơi... Nhóm này cho rằng cứ lừng chừng cãi vã nhau thế này, để xảy ra giải pháp hoà bình cho vấn đề Campuchia thì mất cơ hội. Lúc này là lúc dễ đánh đổ Hà Nội nhất!

Càng nghe, Lễ và Loan càng bị đám đông này giữ chân lại. Đám những người này bàn đến những vấn đề quá hệ trọng, oang oang ngay trong vườn nhà người ta mà không cần giữ ý tứ gì cả. Trong đám này chỉ có Lý Lam là người của trại B7 cũ, nhưng Lý lại chỉ đứng nhìn, giữ một khoảng cách nhất định chứ không nhảy vào tranh luận. Điều này càng làm cho Lễ và Loan để ý. Khi các từ ngữ nhiếc mắng nhau được tung ra từ giữa đám người này, thì lập tức một số nắm đấm vung lên. Lý Lam phải xông vào giữa, nói gần như quát:

- Các bậc đàn anh và những người anh em, xin giữ hoà khí! Nếu có ai quá lời một tý thì chẳng qua cũng là do nhiệt huyết chống cộng sản Hà Nội thôi, xin các vị thể tất cho nhau. Các vị cố kiềm chế để đồng tâm hiệp lực chiến đấu!

Sự ồn ào lắng xuống, có một người lợi dụng ngay cơ hội này nói rõ to, cái tay giả chém chém trong không khí:

- Tôi nói cho các vị biết, đừng có chê thằng này là nhát gan. Các vị thì biết gì về chiến tranh mà cứ hô hào đánh với đấm!.. Tôi đây này, suýt nữa thì toi mạng ở An Lộc, tôi mới là người có quyền nói chúng ta nên làm gì. Các vị chưa hề biết thế nào là trận mạc, đưa người về đánh đấm như các vị nói ấy à, xin lỗi, chưa kịp đặt chân xuống đất là bị tóm gọn rồi! Các vị chưa biết thế nào là đánh nhau với Việt cộng!..

- Này, đừng có huênh hoang, ở đây không phải chỉ có mình anh là người duy nhất ra trận đâu nhé!..

Sự ồn ào dần dần trở lại. Nhưng sự can gián của Lý Lam phần nào làm cho bầu không khí bớt nóng.

Lễ giật mình khi nghe nói tới An Lộc. Địa danh này gợi đến băng tiểu liên chói tai và cái tát nổ đom đóm mắt của tên lính cụt tay giáng vào Lễ trên đường phố Phạm Đăng Hưng năm nào... Để ý kỹ, Lễ nhớ lại hình như chính cái gã có tay giả này đã đến nhà ép Thảo và Lễ ký vào lời kêu gọi chống Hà Nội, góp tiền lập quỹ cho cánh Phục quốc... – Lễ rùng mình: Không biết cái tên lính cụt tay tát mình trên đường Phạm Đăng Hưng và tên cụt hung hăng này có phải là một không?.. Bỗng dưng Lễ muốn túm lấy cổ tên này tống một trận cho hả giận, máu như sôi lên trong người. Lễ đã bước lên một bước, bàn tay đã nắm lại.., nhưng rồi buông thõng.

- Bên Tàu ngày xưa có chuyện đào viên kết nghĩa, còn chúng mình ở đây có chuyện vườn cỏ đánh golf tranh hùng!.. - Loan giật giật tay Lễ. Câu nói của Loan nhằm vào đám người đang cãi nhau, nhưng vô tình đụng chạm vào tâm tư Lễ lúc này.

Lễ vẫn đứng yên, không nói không rằng.

- Mọi chuyện của cái đám này như thế là rõ. - Loan kéo Lễ đi tìm đám khác.

Trước khi bỏ đi hẳn, Loan khều Lý Lam ra:

- Lại phải có lời khen ngợi ông Lý. Lúc nãy ông thay mặt khách cảm ơn chủ nhà, nói rất mùi, thế mà trong cuộc tranh luận sôi nổi ở đây lại chỉ thấy ông Lý đứng ra giữ hoà khí.

Hồi còn ở trại B7 mọi người vẫn dành cho Lý Lam cái tên ông Lý với hàm ý thân mật và trào phúng.

- Chủ kiến thì có rồi, điều quan trọng là mọi người phải một chí hướng, đại tá Loan ạ. Cứ để cho mọi người tranh luận với nhau cho ra lẽ. – Lý Lam đáp.

- Tôi thấy cái anh đeo tay giả nói hùng hồn lắm. – Lễ nhận xét.

- Một trong những cốt cán của phong trào đó ông Lễ ạ. Anh ta là trung uý Túc, mất một tay khi phòng tuyến An Lộc bị vỡ.

- Đi dạo tôi thấy có khá nhiều anh em ở B7 cũ về dự hôm nay, nhưng trong số những người hăng hái này sao chỉ thấy có mỗi ông Lý?

- Cánh B7 cũ phần lớn trạc vào tuổi ông hay tuổi ông Lễ, có lẽ phần đông họ cũng mắc bệnh cầu an như hai quý ông.

- Những người chí cốt này đã có kế sinh nhai ổn định chưa ông Lý? – Lễ hỏi.

- Đấy là khó khăn lớn nhất của họ ông Lễ à, vì họ ít học quá, không có nghề chuyên môn. Văn phòng tư vấn của chúng tôi sẽ phải chú ý chuyện này, như vậy mới nuôi được phong trào.

- Ông Lý có lý đó, nên như vậy... - Loan tỏ ra thông cảm với câu trả lời của Lý Lam. - ...Thỉnh thoảng có việc gì nhờ chỗ này làm nơi hội họp hay địa điểm liên lạc thì tiện quá phải không ông Ly?

- Chúng tôi rất sẵn sàng, thưa hai ông. Trong sách giới thiệu Văn phòng tư vấn, chúng tôi ghi rõ sự giúp đỡ như vậy là miễn phí đấy.

- Tôi đi tìm khắp vườn mà không thấy ông Quách Minh Châu. Ông Lý chuyển giùm chúng tôi lời hỏi thăm nhé.

- Đại tá Loan thật chu đáo. Anh Châu tôi hôm nay có chút việc phải đi Oa-sinh- tơn. Tôi thấy hai quý ông cầu an quá đó, lẽ ra hai quý ông phải là chỗ dựa cho phong trào.

- Nói thật với ông Lý, tôi chịu ơn ông Fốc rất nhiều, nên mới cố lê cái thân tàn đến đây. Ngoài ra từ ngày đến Cali vợ chồng tôi chưa đi đâu cả. Tôi thì chán đời, nhà tôi thì mang bịnh, chúng tôi chỉ ngày ngày đi chợ mua đồ ăn, rồi vợ chồng ru rú ngồi nhìn nhau ở nhà. – Lễ thanh minh rồi đưa tay ghé sát vào tai Lý Lam: - ...Xin hỏi riêng ông Lý một câu: Cái anh Túc cụt kia đã tìm được việc làm chưa?

- Rồi, thưa ông. Nghề cắt cỏ dọn vườn trong công viên, lương tính theo giờ, tạm sống được. – Lý Lam trả lời.

- Ông Lý ơi, ông định cắt chân tôi để tặng cho trung tá cộng sản Phạm Trung Nghĩa, nên bọn tôi lười đi lại thăm viếng nhau lắm. - Đại tá Loan cũng tìm cách thoái thác.

- Bây giờ anh Nghĩa tôi là đại tá rồi anh Loan ạ. - Lễ bổ sung.

- Nếu thế chúng tôi chịu khó đến thăm hai ông vậy.

Lễ nghĩ trong bụng: ...Thằng cha này xạo quá.

Xe buýt đường dài chạy bon bon trên đường về nhà, nhưng trong tâm trạng Lễ lúc này chồm lên chồm xuống những cảm giác đeo đẳng Lễ suốt buổi tiệc ở nhà Fốc. ...Ly rượu B52, cái tay giả chém chém trong không khí, “chúng tôi sẽ năng đến chỗ hai ông...” Tai Lễ ong ong tiếng cãi nhau chát chúa sặc mùi sát khí của những người thuộc nhóm Phục Quốc trong vườn nhà Mai-cơn Fốc... Lễ hai tay ôm đầu, cứ một lúc lại thở dài. Trong tâm trạng chán chường, Lễ thấy hình như hai con mắt của Lãnh trước khi bị bắn chết đang trân trân nhìn mình, có lúc hai con mắt ấy lại hiện lên thành hình ảnh của Mạnh, tai Lễ còn văng vẳng câu hỏi đầy ai oán của Mạnh năm nào... “...Chẳng lẽ đây là cái đích ta sinh ra để đi tới!?.”

... Không mục đích. Không ham muốn. Sống nhờ sống gửi. Sang đến bên này vẫn không thoát khỏi sự quậy phá của bọn ác ôn nhãi nhép... Không thể được! Huệ ơi lúc này con ở đâu! Ba có lỗi với con...

Xe bon bon lăn bánh trên đường. Mở mắt ra Lễ đón nhận quang cảnh chung quanh với tâm trạng ghẻ lạnh. Lễ đưa tay kéo cổ áo lên đến mang tai... Cảm giác ghẻ lạnh vẫn nguyên vẹn. Một lúc sau, Lễ cài hết tất cả các khuy áo vét, ngồi ép sát hơn nữa vào Thảo, tay ôm quàng lấy Thảo, mong sao hơi ấm của Thảo có thể bớt được cảm giác ớn lạnh trong người mình... Cùng với năm tháng, tâm trạng ghẻ lạnh này cứ u uất dai dẳng hoài... Phải sống ở đây, không còn cách nào khác, nhưng sao Lễ thấy xứ sở này vẫn có những gì đó xa lạ, có những cái gì đó không phải là của mình, thiếu những thứ là của mình... Xa xa đâu đó trong ký ức, Lễ đang nói chuyện với mẹ mình, con gái mình, với các anh các chị mình, các cháu, những lời tranh luận bất tận với anh Nghĩa, tâm trạng ghẻ lạnh, bứt rứt trước khi từ giã đất nước... Nhắm mắt lại, tai Lễ lại văng vẳng câu hỏi ai oán năm nào của Mạnh... Nhiều lúc Lễ không phân biệt được đó là câu hỏi của Mạnh hay của bản thân mình, xen lẫn nỗi đau dội lên từng cơn vì mất Huệ... Nhiều lúc Lễ có cảm giác mình đang đi trên con đường dài vô vọng để tìm kiếm con mình, tìm kiếm chính cuộc đời mình... Rồi đến lượt Lễ tự hỏi mình “...Sự vô vọng này chẳng lẽ là cái đích ta sinh ra để đi tới?” ...Lễ không thể phân biệt được Mạnh đang hỏi Lễ, hay chính Lễ đang tự hỏi mình...

- ... Anh Nghĩa ơi... Em không thể... - Lễ thốt lên thành tiếng: - ...Anh ơi, ở đây em cũng không thể...

- Coi bộ hôm nay anh bịnh sao? – Thảo lo lắng hỏi chồng.

- Không, anh chỉ thấy trong người bứt rứt làm sao ấy. Có lẽ anh phải đi gặp chú Học sớm... Anh khổ quá em ơi... Anh không thể...

Thảo một tay ôm xiết lấy chồng, một tay đặt lên ngực chồng, như muốn đỡ cho chồng mình khỏi ngã gục.

 

Vợ chồng ông Hai Phong vào sống với má Sáu Nhơn khoảng gần một năm thì cũng thu xếp xong cho gia đình con trai mình là Huỳnh Thái Vũ và gia đình con gái mình là Huỳnh Thái Bảo Vân vào sinh sống trong thành phố. Lẽ đơn giản là con cháu không thích sống xa bà nội và bố mẹ. Cái giá phải trả cho việc chuyển vùng là trong số bốn công dân mới này của Thành phố chỉ có một mình Vũ xin được việc làm tại chi nhánh của Artexport – Công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của Bộ Ngoại thương(*) [(*) Về sau này đổi thành Bộ Thương mại.] . Chi nhánh đang cần người biết tiếng Anh để tìm thị trường mới, Vũ đáp ứng tốt yêu cầu này. Ba người còn lại chấp nhận tình trạng vừa không có hộ tịch – nghĩa là phải thường xuyên đăng ký tạm trú, vừa phải tìm cách sống bằng nghề tự do, một danh từ với nghĩa là không bị ràng buộc vào tem phiếu, đơn giản là không được cấp. Cái tên nghề tự do là do Bảo Vân tự chọn cho vợ chồng mình và cho chị dâu.

Vợ chồng Vũ có một con trai, lên bốn. Vợ chồng Vân hiếm hoi chưa có con. Tất cả chung sống dưới một mái nhà với má Sáu Nhơn. Cũng may là nhờ có thành tích tham gia cách mạng, nên nhà của má Sáu không bị cải tạo. Ngôi nhà là một biệt thự khá rộng và đẹp, đủ chỗ ở cho cả 4 thế hệ nhà má Sáu.

Điều mà thế hệ trẻ nhà họ Huỳnh khi vào trong này không ngờ tới là cuộc đời bà nội mình có cả một thế giới tuy đã thuộc về quá khứ nhưng chưa được khám phá. Ngoài Bắc, Hai Phong thỉnh thoảng vẫn kể cho các con mình các chuyện về ông bà nội, về gia thế họ Huỳnh. Song khi vào ở hẳn với bà, có lần Vũ đã phải thốt lên với bố mẹ:

- Hình như con thấy chính ba má cũng chưa hiểu biết hết về bà nội!

- Ba thú nhận điều này, vì lúc còn sống ở nhà, ba chưa có ý thức quan tâm đến mọi chuyện ở nhà. Ngày 25 tháng Tám năm Bốn nhăm, Tổng khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn, thì ngày 23 tháng Chín bố đã đi vào bưng biền tham gia kháng chiến!..

Đám trẻ ngạc nhiên thấy nhà ông bà nội mình có cả một thư viện nhỏ, có nhiều sách quý. Hầu hết là sách văn học, lịch sử và triết học, một số tạp chí, báo hàng ngày, một số in vào những năm ba mươi (1930). Một ngăn riêng là chồng đĩa hát cải lương, chữ đã mờ hết nhưng còn rõ nhãn hiệu là cái ảnh con chó ngồi cạnh cái máy hát có cái loa to tướng, bên cạnh là cái máy hát đúng như ảnh in trên các đĩa hát. Các sách báo đều bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp, tất cả đều in từ năm 1945 trở về trước, được đánh số... Các đầu sách được phân loại và ghi vào fiche. Các fiches được sắp xếp theo danh mục, đặt trong hai ô kéo, một cho tiếng Việt, một cho tiếng Pháp. Lật thử một danh mục, đám trẻ tìm thấy các tên tuổi như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Huy Chú, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Trãi, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Huy Tự, Phan Châu Trinh... Tất cả mọi thứ được đặt trong ba tủ kính, chiếm vừa hết chiều dài của bức tường trong phòng khách. Giữa bức tường bên cạnh là bức hoạ chân dung ông SÁU Nhơn, do một hoạ sĩ bạn ông Sáu vẽ tặng. Bức tranh được vẽ vào thời điểm hãng sơn Geko phá sản, mộng làm báo của ông Sáu tan ra mây khói... Má Sáu thường nói với mọi người đây là kỷ niệm quý nhất của ông Sáu để lại cho bà. Thỉnh thoảng bọn trẻ vẫn thấy má Sáu đọc lại một vài truyện cũ như Chinh Phụ ngâm, Kiều, Tố Tâm, Bướm Trắng.., song cũng có khi thấy má đọc Madame Bovary của Flaubert, Le Rouge et le Noir của Stendhal, Le Père Goriot của Balzac.., mặc dù bọn trẻ không bao giờ thấy má nói một câu tiếng Tây nào với bất kỳ ai. Bọn trẻ càng ngạc nhiên hơn thấy tủ sách của ông nội có gần như trọn bộ La comédie humaine với hơn 90 tác phẩm của Balzac... Trong một tủ kính khác bọn trẻ thấy các sách tiếng Pháp mang tên tuổi các đại văn hào Nga như Tolstoi, Dotojevski, Chekhov...

- Nội hình như rất mê những truyện nội đang đọc? – có lần Bảo Vân hỏi bà.

- Đấy là những truyện ngày xưa ông bà đọc chung với nhau, không chỉ một lần... Thỉnh thoảng nội muốn nhớ lại những kỷ niệm cũ...

- Đọc lại bây giờ nội có thấy hay không ạ?

- Hình như càng về già, đọc lại nội càng thấy hay hơn...

Nhiều lần Vũ hết nhìn mấy tủ sách lại ra đứng ngắm chân dung ông nội mình, cố hình dung những gì được nghe từ bà nội mình kể về ông nội. Có lúc Vũ nghĩ như đang nói chuyện với ông nội mình về một điều thầm kín gì đó.., trong lòng quyết tâm tự học bằng được tiếng Pháp để đọc các sách của ông nội, mặc dù mấy tháng trước khi chuyển hẳn vào trong này Vũ đã theo lớp dạy tự học tiếng Đức.

Có lúc bọn trẻ bắt gặp má Sáu ngồi một mình trầm ngâm hồi lâu trước chân dung ông nội trong phòng khách. Những lúc như thế, chúng lặng lẽ quay trở ra, chân đi rón rén, như thể chỉ sợ đụng vào bầu không khí thuỷ tinh dễ vỡ...

Đôi ba lần, những lúc má Sáu đi vắng, đám anh em Vũ rủ nhau lại ngắm nghía thật kỹ bức tranh ông nội, cố tìm hiểu xem những lúc ngồi một mình như thế bà nội mình nghĩ gì... Mấy anh em đoán già đoán non với nhau chắc bà nội thương nhớ ông nội lắm, ngày xưa chắc ông bà nội phải có mối tình đẹp lắm... Nghĩ thế, nhưng anh chị em Vũ chẳng bao giờ dám hé răng hỏi điều này... Má Sáu kể lại nhiều chuyện xưa, nhưng anh chị em Vũ tuyệt nhiên chưa hề thấy bà nội mình kể về thời son trẻ, nên càng không dám hỏi han gì về chuyện này...

Má Sáu đôi lúc chủ động kể lại những chuyện ngày xưa cho bọn trẻ, nhưng hình như má chỉ làm việc này khi có điều gì đó muốn giảng giải cho chúng dễ hiểu hoặc thấy cần động viên chúng trong một công việc gì khó trong cuộc sống hiện tại...

Năm này qua năm khác ngước nhìn bức tranh mỗi lúc đi ngang qua, đột nhiên Bảo Vân kêu lên:

- Các anh chị ơi, kính của tranh bị nứt vỡ lớn thế này, chúng ta đi kiếm miếng kính khác thay đi!

- Không được tự tiện!.. Phải xin phép nội trước đã! – Vũ ngăn lại.

Bốn anh chị em Vũ đem việc này ra nói với má Sáu, liền bị má Sáu nói lại gần như gắt lên:

- Các con tuyệt đối không được đụng chạm vào bức tranh này.

- Chúng con chỉ xin thay kính đã bị nứt vỡ thôi ạ! Để thế trông xấu lắm... – Bảo Vân thưa lại.

- Nội đã nói là không được!

- Nhưng kính bị nứt lớn như thế thì tranh dễ bị hư lắm ạ... – Vũ năn nỉ.

- Đấy là một kỷ niệm buồn!.. Các con dứt khoát không được đụng vào bức tranh này!.. – nghĩ một lúc má Sáu nói tiếp: - Ngay cả việc thỉnh thoảng quét bụi, từ nay chỉ một mình mẹ Ngân của các con được phép làm thôi!

Đám anh em Vũ ngơ ngác nhìn nhau... Nhưng lời của má Sáu là mệnh lệnh nghiêm khắc nhất trong nhà...

Má Sáu không thích xem ti-vi, không thích đọc báo, nhưng có thói quen bắt Vũ trong bữa cơm tối phải nói cho má nghe một vài tin tức hay sự việc quan trọng trong ngày.

Một lần, ngồi quây quần chung quanh bàn vào bữa cơm tối, Bảo Vân vô tình kêu lên:

- Nội ơi, ở với nội chúng con thích lắm, nhưng vô công rồi nghề như thế này tụi con sẽ hư mất!

- Làm sữa chua bỏ cho các nhà hàng đâu có phải là một nghề, ai làm mà chẳng được, nội à! – Bích Ngọc hỗ trợ cho em chồng.

- Vân nói chưa thật đâu nội ạ. Không có việc đúng với khả năng mình chúng con khổ lắm! Làm thêm các việc khác thì nội không cho. – Quân, chồng của Bảo Vân thêm vào.

Má sáu Nhơn chỉ ngồi im. Một lúc sau má mới quay ra hỏi đám trẻ:

- Khi nào các cháu xong chương trình đại học Luật và đại học Anh ngữ?

- Cứ theo đà này, chúng cháu dự kiến học một năm nữa là cùng thôi ạ. Nhưng học hàm thụ cho mình, lại không cần bằng, thì xong lúc nào chẳng được ạ? - Quân đáp lại.

- Quân, thời gian quý hơn vàng, nhưng thời cơ nào cũng chỉ có một lần! Đừng bao giờ quên điều này! Như vậy ít nhất các con còn phải đi bỏ sữa chua một năm nữa! Các con nghe rõ cả chưa? – giọng má Sáu nghiêm nghị hẳn lên.

- Eo ơi, nội cưỡng bức tụi con lao động khổ sai mà không có án! – Bảo Vân kêu lên.

- Các con đừng vội đao to búa lớn với nội.

- Nhưng thưa nội, bằng ấy năm đi bỏ sữa chua mà nội vẫn chưa cho là đủ ạ? – Bảo Vân không chịu.

- Đừng sợ khổ trước mắt, các con ạ. Khi nào đủ lông đủ cánh, nội sẽ trao cho các con cái gậy thần. Nội sẽ không bao giờ chịu để con cháu mình phải hổ thẹn với mọi người! – má Sáu dịu giọng, cười hiền hoà.

- Ôi, thế thì ngay bây giờ nội vung cái gậy thần lên đi! Chúng con xin nội!..

- Rồi các con sẽ làm không hết các việc đáng làm hơn nhiều!

Không hiểu sao, câu nói vui của má Sáu vừa làm vợi nỗi lo của cả nhà, vừa làm cho không khí bữa cơm nhẹ nhõm hẳn đi. Câu chuyện cơm bữa của cả nhà vẫn là bàn ngược bàn xuôi tính chuyện làm ăn thế nào để có thể sống được trong thành phố đắt đỏ này, nhất là quá nửa số nhân khẩu trong nhà không có tem phiếu vì chưa đủ điều kiện để được nhập hộ tịch.

- ... Miệng ăn sông băng núi lở! Đừng bao giờ ỷ lại vào dành dụm mà ăn không ngồi rồi! - má Sáu thường xuyên nhắc nhở bọn trẻ nhà mình như vậy.

Cuối bữa cơm, Vân sực nhớ ra một việc:

- Ngày mai nhà ta phải nộp bản đăng ký gia đình văn hoá cho phường, trong đó có mục khai học lực từng người, con nghĩ mãi mà không biết nên khai như thế nào!

- Bọn mình chưa hộ tịch cũng phải khai hả em? – Bích Ngọc, vợ Vũ, hỏi lại em chồng.

- Người ta bảo khai tuốt chị ạ. Hộ tịch lại là chuyện khác!

- Đem ra đây đọc cho cả nhà nghe, có gì mà lúng túng thế con? – ông Hai Phong giục Vân.

Vân rút ngăn kéo dưới bàn, cầm lên một cuộn giấy, vừa mở ra vừa nói:

- Con khai như thế này, con xin đọc ạ:

Anh Vũ, Huỳnh Thái Vũ, đại học ngoại thương, đại học ngoại ngữ, mở ngoặc, tiếng Anh, đóng ngoặc.

Chị Ngọc, Lưu Bích Ngọc, đại học nông nghiệp.

Anh Quân, Phạm Đình Quân, đại học bách khoa, mở ngoặc, chế tạo cơ khí, đóng ngoặc.

Con, Huỳnh Thái Bảo Vân, đại học xây dựng.

Má, Lương Thị Ngân, đại học dược, đã nghỉ hưu.

Ba, Huỳnh Thái Phong, đại học chính trị, đã nghỉ hưu...

Ông Hai Phong ngắt lời Vân:

- Không được, sao lại ghi thế Vân?

- Nhưng ba có học trường đại học nào đâu ạ, mà cả nhà này ai cũng đại học cả. Ba chỉ có giấy chứng nhận học chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc, con cứ cho là tương đương với đại học đi, nên con ghi đại như vậy ạ.

- Người ta đòi ghi học lực cơ mà, chứ có đòi ghi trình độ chính trị đâu! Không ổn! Dứt khoát không ổn!.. - ông Hai lắc đầu nguây nguẩy. - ...Đọc tiếp đi!

- Vâng, con xin đọc tiếp. Nội Sáu Nhơn. Học lực của nội: bà của đại học ạ!

Đến đây cả nhà phá lên cười.

- Vân con, sao lại giễu nội như vậy? – má Sáu Nhơn cũng cười theo.

- Con không biết ghi như thế nào, nhưng một mình nội đã dựng lên bao nhiêu cơ nghiệp như vậy thì rất đáng là bậc bà của đại học ạ!

- Út Vân nói có lý đấy má. - ông Hai Phong nói với má Sáu. - ...Má xem đại học mẹ đại học con, cả bốn năm cái bằng đại học của nhà này cộng lại có địch nổi má không!

Cả nhà nhao nhao đồng tình với ông Hai Phong. Bà Hai Phong rất thích cách ví von này, cứ nói đi nói lại:

- Phải phong cho má cái bằng bà của đại học mới đúng! Con thông minh lắm, Bảo Vân ạ...

Vũ hưởng ứng ý kiến của mẹ:

- Ngôn ngữ ta phong phú thật má ạ. Về học lực chúng ta có các cấp bậc: tốt nghiệp đại học, trên đại học, sau đại học, bà của đại học!

- Em sẽ đi đăng ký bản quyền tác giả về học vị “bà của đại học”, nghĩa là trên cả master, trên cả “Ph. D”. - chồng của Vân tham gia ý kiến.

- Nhưng bản quyền đăng ký phải đứng tên Huỳnh Thái Bảo Vân! Không được đứng tên anh, anh Quân nhé!

- Nội của chúng ta thật là tuyệt vời, có phải thế không các con...

- Nhưng con đề nghị hôm nào nội trao cho chúng con cái gậy thần thì chúng con mới trao bằng cho nội ạ! – Vân chưa chịu ngay ý kiến của mẹ.

Bữa cơm tối thường là giờ phút vui vẻ nhất trong ngày ở nhà bà Sáu. Cả nhà đoàn tụ, nói về không biết bao nhiêu thứ chuyện trên đời. Cũng có thể giàu trí tưởng tượng và tính hài hước, chuyện gì chung quanh bàn ăn cũng rôm rả và nhiều tiếng cười. Tối hôm nào con của vợ chồng Vũ không đi ngủ sớm, thì mọi câu chuyện lại tập trung vào chú công dân tý hon này.

Riêng ông Hai Phong đôi lúc vẫn đượm một vẻ buồn khó giấu diếm, mặc dù ông rất có ý thức gìn giữ không khí lạc quan trong nhà.

Đã có lần bà Hai Phong hỏi chồng:

- Anh bớt hen so với hồi còn ở Hà Nội mà sao vẫn ốm thế.

- Về già không mập càng tốt chứ sao.

- Anh cũng không chịu khó ăn nữa! Hay là hàng ngày em nấu gì thêm để anh bồi dưỡng nhé?

- Khỏi cần em ạ. Anh cảm thấy trong người vẫn bình thường.

- Nhưng hồi này anh buồn buồn thế nào ấy.

- Không có chuyện gì đâu, em đừng lo...

Một lần chỉ có hai mẹ con ở nhà, má Sáu hỏi Hai Phong:

- Con vẫn còn tâm tư vì câu nói của em Năm con, có phải không? Nói thiệt cho má nghe đi!

Hai Phong lúng túng như người làm điều gì vụng trộm bị bắt quả tang, ngẫm nghĩ một lúc mới nói được với mẹ:

- Má rất hiểu con.

- Sao con để bụng lâu thế?

- Con vẫn thương yêu tất cả các em các cháu. Con có giận gì Năm Thịnh đâu ạ.

- Thế sao con buồn?

- Má ạ, so với cả nước gia đình ta vẫn là có nhiều may mắn lớn. Nếu má so với những mất mát của gia đình Lê Hải!.. Trong chiến tranh má đã mất Út Thạnh và bé Thơ. Kháng chiến thắng lợi, ai cũng mong các thương đau sẽ se dần lại. Thế mà nhà ta bây giờ kẻ ở người đi, bỏ nhau nửa vòng trái đất!..

- Nhiều đêm má nhớ chúng hoài, nhưng chẳng biết làm thế nào! Má đã khóc rất nhiều về mẹ con Út Thạnh. Má không muốn khóc nữa! Hôm ba gia đình chúng nó dắt díu nhau đến chào má, tất cả quỳ xuống lạy sống má. Má dắt từng đứa đứng dậy. Đứa nào cũng khóc. Má hiểu tất cả, nhưng lúc ấy má cố không khóc. Trong lòng má vừa khấn trời Phật có cách gì giữ chúng lại, vừa cầu mong cho chúng thoát mọi hiểm nguy dọc đường...

- Con rất thương Năm Thịnh, vì nó bị giày vò nhiều nhất.

- Năm Thịnh là con người hào hiệp nhất trong số anh em con. Nó đã vì ai thì không nề hà bất cứ điều gì. Chỉ có điều nó rất trực tính và lúc nào cũng đùng đùng như lửa. Chống ai là nó đốp chát liền! Nó giống ba con như đúc cái tính này!

- Chính vì thế con càng bứt rứt...

- Má hiểu! Cắn răng lại mà chịu đựng. Rồi má sẽ nói cho con rõ thêm về cái lẽ mất còn ở đời này. Bây giờ là sống cho lũ trẻ, con hiểu không? Con chịu đựng như thế ăn nhằm gì so với má?!

Ông Hai Phong chết lặng.

 

...Câu chuyện đã mấy năm rồi, thế mà ông Hai Phong cứ tưởng như vừa mới xảy ra, cách đây vài giờ, vài phút... Thực ra lúc nào đó nguôi ngoai được chốc lát thì thôi, hầu như ngày đêm ông đang sống với bao chuyện đau lòng trong gia đình mình... Ngay trong ông là một cuộc đấu tranh không dứt, giữa cái phải và cái ông không tài nào coi được là phải, giữa cái ông cho là đúng và cái ông dứt khoát coi là sai, giữa những điều mình tin và những điều mình không tin, giữa một bên là chân lý mình đã gửi gắm cả tâm hồn và cuộc đời mình và một bên là những điều ông không bác bỏ được nhưng không thể nào chấp nhận được... Lại thêm sự hành hạ của bệnh tật.

Điều lạ lùng là người mà ông dám bộc bạch được nỗi lòng mình lại chính ông Ba Khang, người giúp việc của má Sáu, và ông Tư Cương -- cũng kể như người nhà... Ngoài ra ông Hai Phong không dám thổ lộ với ai tâm trạng mình, ngay cả đối với mẹ mình. Có thể mọi người ruột thịt trong nhà đều có cách nghĩ khác ông...

... Ôi, có lẽ tất cả chỉ vì bao nhiêu năm trời xa cách!.. Lại sống dưới hai chế độ khác nhau!.. - ông Hai Phong nhiều lần tự than vãn với mình như thế và ôm nặng cho riêng mình nỗi bế tắc trong lòng...

Nhưng ông Ba Khang và ông Tư Cương lại bày tỏ sự thông cảm nào đó với ông, lúc này lúc khác cố giúp ông hiểu những điều ông chưa thể hiểu được về má Sáu, về các em trai mình...

Ông Ba Khang kể lại rành rọt lắm, bộc bạch rõ cả nỗi chua xót của lòng mình... Ông Hai Phong nhớ hết cả...

 

...Khi được Ba Khang và Bảy Dự báo cho biết hãng xe đò Cánh Nhạn của má Sáu sẽ bị cải tạo theo chính sách của nhà nước, má Sáu trở về phòng riêng của mình, đóng cửa suốt gần một ngày, không cho ai bén mảng tới... Đến giờ ăn, người giúp việc mời má Sáu sang phòng ăn, cũng bị má Sáu đuổi phắt đi. Ông Ba Khang sợ quá, chạy về nhà bảo vợ mình sang tìm cách hỏi thăm, an ủi má Sáu... Bà Ba Khang cũng bị má Sáu đuổi đi, một chuyện chưa hề xảy ra kể từ khi ông bà Ba Khang làm việc và thân quen với nhà này...

Không còn cách nào khác, vợ chồng ông Ba Khang và Bảy Dự ngồi chờ suốt buổi ngay trước cửa phòng má Sáu... Điều oái oăm và khổ tâm nhất cho Ba Khang và Bảy Dự là cả hai đều dựa vào gia đình bà Sáu Nhơn để hoạt động bí mật khi Sài Gòn chưa được giải phóng, cả hai lại đều là thành viên trong ban cải tạo xã hội chủ nghĩa của thành phố, cả hai quá biết gia đình bà Sáu là như thế nào... Nhưng đây là chính sách chung của cả nước, biết làm sao bây giờ...

Khi trời tối hẳn, mọi người thấy má Sáu mở cửa bước ra.

Dưới ánh đèn điện má Sáu trông phờ phạc như vừa phải trải qua một chuyến đi xa rất vất vả, nhưng vẫn giữ được dáng đi khoan thai... Má không nói không rằng, chỉ giơ tay ra hiệu mời mọi người vào phòng làm việc.

Khi mọi người ngồi vào bàn, má nói ngay:

- Ông Ba và cậu Bảy nói thế là tôi rõ cả rồi. Giải phóng muốn như vậy thì hãy để cho Giải phóng thử làm như vậy!.. Để rồi xem sao... Tôi giao mọi việc cho ông Ba. – má Sáu có thói quen gọi chính quyền mới là Giải phóng.

- ???...

- Mọi người vẫn chưa hiểu ý tôi? - má Sáu hỏi lại.

- Xin bà Sáu nói rõ ra... - ông Ba Khang thận trọng.

- Tôi nhắc lại, từ hôm nay trở đi ông Ba không còn là người làm thuê cho tôi nữa! Tôi giao cho ông Ba thay mặt tôi giúp Giải phóng thực hiện tốt cải tạo xã hội chủ nghĩa hãng xe đò của nhà này!.. Tôi đã dám đem tính mạng mẹ con bà cháu chúng tôi che chở cho cách mạng, cái hãng xe đò Cánh Nhạn này sá gì... Như thế rõ chưa? – má Sáu cố ý nói rành rọt, có phần nào đay nghiến mấy từ cải tạo xã hội chủ nghĩa.

- Dạ, rõ rồi ạ. - ông Ba Khang run run đáp lại, trong câu nói của ông hình như rơm rớm nước mắt.

- Nhưng - bà nói với Ba Khang và Bảy Dự - chắc chắn các con trai tôi thì khác đấy!

- ...

Điều may mắn duy nhất là má Sáu không phải dự một buổi họp nào để học tập về chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ba Khang và Bảy Dự đã dốc hết sức can thiệp bằng được với Thành phố tránh cho má Sáu cực hình này, đến mức có lúc cả hai phải cùng lên tiếng: nếu yêu cầu này không được đáp ứng, cả hai sẽ xin ra khỏi Ban cải tạo, bị kỷ luật thế nào cũng sẵn sàng chịu...

Tuy nhiên, cũng có một sự cố xảy ra: Một hôm Hai Hân, vốn là công nhân xưởng in tham gia hoạt động bí mật, cũng là thành viên trong Ban cải tạo, cùng với hai người nữa đùng đùng kéo đến nhà má Sáu đòi khai báo tài sản... Má Sáu thẳng thừng:

- Các ông không có tư cách gì vào nhà chúng tôi, mời các ông về cho. Còn muốn nói chuyện cải tạo xã hội chủ nghĩa thì nhờ các ông mời giùm ông nào to nhất của Thành phố hay của cải tạo đến đây. Tôi không muốn nói chuyện với các ông!

- Bà không được hỗn láo với chính quyền cách mạng!

- Xin chào các ông. – dứt lời má Sáu bước vào nhà trong.

Nhưng cả ba không chịu về, còn nặng lời hăm dọa...

Má Sáu bỏ mặc họ ngồi một mình và sai người nhà đi tìm bằng được Ba Khang và Bảy Dự về...

... Rồi câu chuyện xảy ra khoảng ba năm sau còn gay cấn hơn...

Thời kỳ ấy ông Hai Phong vào lúc đang ốm nặng, thế mà cũng phải khẩn cấp thu xếp mọi việc thuốc men xin ra viện để vào Thành phố. Bà Ngân vợ ông phải đi cùng chồng, vì không dám để ông một mình đường trường mấy ngày liền. Mọi công việc ở Hà Nội ông bà Hai Phong phải giao hết lại cho các con mình là vợ chồng Vũ và vợ chồng Bảo Vân...

...Ông Hai Phong nghĩ bụng sống thì nhớ đời, chết mang theo, chứ không làm sao có thể quên được những buổi tranh luận lúc day dứt, lúc gay gắt mấy ngày liền giữa bốn anh em ông, có má Sáu cùng dự. Bà Ngân và ba người con dâu khác đều không được can dự vào câu chuyện...

Câu chuyện bấy giờ chỉ xoay quanh vấn đề đi hay ở của ba gia đình các em trai ông là Ba Tước, Tư Quang và Năm Thịnh... Thỉnh thoảng câu chuyện mới đụng đến vấn đề cải tạo, cũng chỉ là để làm rõ chuyện đi hay ở...

... Ông Hai Phong mấy ngày liền tìm mọi lý lẽ thuyết phục các em mình nên ở lại, nhưng vô ích. Ông càng giải thích, cả ba em ông càng bác bỏ quyết liệt hơn. Gay gắt nhất vẫn là Năm lửa – cả nhà gọi ông Năm Thịnh bằng cái tên nói lên đúng tư chất của ông này.

- Anh hãy nghĩ cho kỹ đi anh Hai! Em xin anh đấy... Nhà này có con đi làm cách mạng là chính anh đấy! Nhà này còn nuôi cách mạng mà vẫn bị đối xử như vậy... Thế còn những gia đình thường dân khác thì sao? Những gia đình trước đây đứng về phía chính quyền Sài Gòn thì sao?

- Chiến tranh mới kết thúc mà.. Rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó... – ông Hai Phong đã cạn hết lý lẽ...

- Không phải là chuyện mới kết thúc! Mà là chuyện ăn cháo đá bát! Anh có hiểu không? – ông Năm Thịnh bốp chát lại ngay tức khắc.

- Không được nói xấu cách mạng! – Hai Phong vung tay, giận giữ.

- ...

Có những lúc câu chuyện tắc nghẽn hàng giờ, vì ông Hai Phong không biết giải thích sao cho thủng, còn các em trai ông chán không buồn nói chuyện với ông nữa, xoay ra chụm lại bàn với nhau quyết tâm ra đi... Họ tính toán bây giờ còn đủ tiền làm việc này...

Mấy ngày liền má Sáu ngồi yên. Má chỉ lẳng lặng nghe các con mình bàn cãi, không hé răng nói một lời, nhưng đau khổ và sự căng thẳng lộ rõ trên nét mặt má...

Rồi sau khi lắng nghe các con cãi vã suy tính đến hết lẽ, má Sáu đứng dậy, tự tay đi rót nước cho các con mình, rồi chậm rãi nói:

- Các con uống nước đi – má Sáu cũng uống một ngụm.

Cả gian phòng vẫn im lặng, nhưng bây giờ là sự im lặng căng thẳng trong chờ đợi.

- Các con à... Lý lẽ bàn với nhau như thế là hết nước hết cái rồi đấy. Bây giờ các con nghe ý kiến của má... Hai Phong này, má nói với con trước, như thế là cầm chắc các em con không thể sống được ở đây, giữ các em con lại chẳng khác nào đem lửa dìm trong nước. Bà quay sang Năm Thịnh. Con không được hỗn với anh Hai, nghe chưa?

- Dạ, con xin má! Em xin lỗi anh Hai!.. – trong khi nói Năm Thịnh hai tay đưa ra trước mặt, chắp vào nhau, mặt gần như mếu.

- Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh, má hiểu lòng các con... Má đẻ các con rứt ruột ra, chiến tranh đã mấy chục năm rồi... Không có người mẹ nào lại còn muốn xa con cháu mình nữa... Má cũng vậy... Nhưng má rất hiểu các con khó có thể sống trong chế độ này... Không thể ở lại với má, – má Sáu nghẹn ngào, không nói tiếp được nữa...

Má cố đứng dậy, đi chung quanh bàn, nhìn kỹ từng người, ôm từng người vào ngực mình.., như thể lâu lắm má mới gặp lại các con mình.., cũng như thể má cảm thấy có lẽ sẽ sắp mất các con mình...

- Bây giờ đi hay ở, má cho phép các con tự quyết định!

Ông Hai Phong giật nảy người như sét đánh ngang tai... Ông định nói điều gì, nhưng chỉ ú ớ được mấy tiếng gì đó, hai mắt mở to nhìn mẹ mình...

- ... Má cho phép, và má bắt các con phải tự quyết định! Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh, nghe rõ chưa? – Má Sáu gọi tên con mình.

- Chúng con rõ rồi ạ...

- Chúng con rõ rồi ạ...

- Các con phải tự quyết định, vì các con phải sống cuộc sống của mình để làm tròn trách nhiệm làm cha làm mẹ... Đi hay ở thế nào cũng được, nhưng phải bảo toàn tính mạng và phải lo cho tương lai đám trẻ!..

- Thưa má, chính vì thế...

Má Sáu không để cho Năm Thịnh nói hết câu:

- Trách nhiệm của các con đối với mười một đứa cháu của má đấy! Má giao tụi nó cho các con... Các con nghĩ kỹ đi... Má đã mất Út Thạnh, má đã mất bé Thơ rồi, má không muốn mất thêm ai nữa!.. Các con hiểu không?.. Các con phải tự quyết định!.. Trời đất ơi... các con phải tự quyết định!.. – má Sáu vừa nói vừa nấc lên.

- Trời ơi má! – ông Hai Phong kêu lên.

- Các con hãy cố hiểu lòng má!

Tất cả bốn anh em ông Hai Phong chạy lại ôm lấy mẹ, cùng nhau dìu mẹ mình về phòng nghỉ...

Ngay ngày hôm sau ông Hai Phong bảo vợ thu xếp cho mình trở ra Hà Nội, phần vì không chịu nổi gánh nặng tinh thần như vậy, phần vì bệnh hen lại lên cơn nặng, không thể xa bệnh viện mãi được... Nhưng trong thâm tâm ông Hai Phong hy vọng các em mình sẽ không dám bỏ mẹ ở lại một mình... Bước đường còn lại duy nhất, với hy vọng mong manh có thể níu kéo không cho các em mình đi di tản...

Những ngày tiếp theo, đại gia đình họ Huỳnh tại Sài Gòn cũng như ngoài Hà Nội cứ như là những ngày có đại tang trong nhà...

Bẵng đi một thời gian, rồi một hôm ông Ba Khang được má Sáu phái đi Hà Nội để nói cho ông Hai Phong biết các gia đình ba em trai ông đã ra đi, sống chết thế nào không rõ...

Ông Hai Phong vật vã, ốm lên ốm xuống mất mấy ngày.

.

..Cả mấy tháng nay, có những buổi sáng má Sáu như có việc gì vội vã. Má chỉ ăn sáng qua quít xong là gọi ngay xích lô đi nơi này nơi khác, thường đến bữa trưa mới về nhà. Đôi khi má đi đến tận chiều, những hôm như vậy má đều dặn trước bà Ngân, vợ Hai Phong. Có hôm má còn kêu cả ông Ba Khang và ông Tư Cương đi cùng, bàn với hai ông nhiều việc nhưng cả nhà vẫn chưa rõ má bàn những việc gì.

Vốn hiểu tính mẹ, ông bà Hai Phong không bao giờ dám hỏi má đi đâu hay làm gì. Còn vợ chồng Vũ và chồng Vân rúc rích với nhau:

- Chắc chắn nội của chúng ta đang đi tìm chiếc gậy thần...

- Nhưng hình như nội chưa tìm thấy!..

Riêng đám trẻ, mới vào Thành phố được ít lâu, má Sáu đã giao cho nhiều loại việc đặc biệt, dưới cái tên chung là thâm nhập thị trường và tìm hiểu cách làm ăn ở Sài Gòn. Cách thực hiện là cả nhà xoay trần ra làm sữa chua đem bán cho các nhà hàng, các bếp ăn, nhà trẻ, bệnh viện, rải ra một số quận.., công việc vừa khó, vừa mệt nhọc. Riêng Vũ vì đi làm ở cơ quan, nên hàng ngày phải đi sớm hơn nửa giờ và về muộn hơn nửa giờ để bỏ sữa cho các nhà hàng, lượm các hũ không về, còn mọi việc khác đều được miễn. Lâu lâu má Sáu lại tìm hiểu xem đám trẻ đã thành thạo đến mức độ nào, bảo chúng nên làm quen thêm nơi này nơi khác, bắt tìm hiểu thêm chuyện này chuyện khác... Hầu như tuần nào má Sáu cũng truy hỏi bọn trẻ, xem chúng đã học thêm hay biết thêm được điều gì trong khi đi bỏ sữa chua... Điều bọn trẻ hơi lạ là chẳng bao giờ thấy má Sáu hỏi chúng sữa chua bán được nhiều hay ít...

Má Sáu quy định: Bốn buổi tối trong một tuần tất cả đều phải học, theo chương trình riêng của mỗi người, nhưng tất cả đều phải học thêm tiếng Anh. Các buổi tối khác được nghỉ. Vũ được giao nhiệm vụ tổ chức, quán xuyến việc học tập của cả nhà. Quân được giao nhiệm vụ chăm lo cho gia đình có một thư viện riêng thiết thực phục vụ yêu cầu kinh doanh lớn sau này, má Sáu không bao giờ tiếc tiền cho việc này. Quân không ngờ bà mình vẫn còn nhiều tiền và có cách chi tiền khác người như vậy. Sự hiểu biết của bà nội về kinh tế, nhất là về thương mại còn làm cho Quân ngạc nhiên hơn nữa. Có quyển sách hay tạp chí nào mới, bà thường bảo Quân đọc lướt thật nhanh rồi thuật lại cho bà nghe. Có lúc nghe xong, bà biểu đọc thật kỹ rồi kể lại. Má Sáu là tổng chỉ huy của tất cả những việc này. Nhiều lúc bọn trẻ há hốc mồm thán phục những nhận xét, những phán đoán của má Sáu về những gì diễn ra trong Thành phố...

Nhờ trời, bà Ngân là người khoẻ mạnh và tháo vát. Một tay bà trông nom trông nom cháu nội để bớt công việc cho vợ chồng Vũ, một tay chợ búa cơm nước cho cả nhà, còn chăm lo sức khoẻ má Sáu và cho chồng. Có lúc ông Hai Phong phải nói với bà:

- Ngân ạ, trong nhà mình bây giờ giỏi lắm thì anh cũng chỉ làm được cái chân sai vặt!

- Cứ mong anh đừng ốm, là mẹ con bà cháu em mừng lắm rồi! – bà Ngân đáp lại.

Người bất ngờ nhất về tài sắp xếp công việc và khả năng nhạy bén với thị trường của má Sáu không phải ai khác mà là Hai Phong. Ông không thể ngờ mẹ mình ở tuổi ngoài bảy mươi mà nhận xét về kinh tế thật sắc sảo, lúc giảng giải cho Hai Phong nghe vì sao khan hiếm mặt hàng này, lúc cắt nghĩa cung cách làm ăn hiện nay khiến tiền càng đuổi theo hàng, tiền càng mất giá...

Má Sáu mất hết cả cơ ngơi, lại phải xa các gia đình Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh, nhưng được bù lại là bây giờ má có vợ chồng con cháu gia đình Hai Phong ngay trong ngôi nhà do chính tay vợ chồng má gây dựng nên. Cũng có thể vì quen với thăng trầm trong cuộc đời kinh doanh, cũng có thể là nhờ bản lĩnh được thử thách, má Sáu vẫn giữ được tâm trạng bình tĩnh trong những năm sau cải tạo tư sản, sớm tìm được niềm vui mới trong việc giúp đỡ gia đình các cháu nội của mình, gia đình ông Tư Cương, gia đình ông Ba Khang và nhiều người khác. Má còn tham gia đều các hoạt động xã hội khác.

Bản thân má Sáu là bà mẹ nuôi cách mạng hiểu theo bất kỳ khía cạnh nào của danh hiệu cao quý này. Con gái má, Út Thạnh, được công nhận là liệt sĩ. Con trai má, Hai Phong, trước khi tập kết ra Bắc đã là bí thư tỉnh uỷ. Con rể má là tướng Lê Hải. Sau giải phóng, vào những dịp kỷ niệm trọng thể ngày 30 tháng Tư, má vẫn được mời lên ngồi hàng ghế danh dự trong buổi mit-tinh của thành phố. Có buổi lễ, người lên phát biểu còn kể lại những chuyện năm sáu năm ròng các xe ca chở khách Cánh Nhạn là những con thoi tin cậy đưa tin đi tin về, đưa cán bộ ra vào thành phố, tiếp tế thứ này thứ khác cho cách mạng... Hồi đó mỗi ngày có đến một vài trăm lượt khách đi về trên các xe ca của hãng Cánh Nhạn. Tuyến dài đi từ thành phố đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Tuyến ngắn đi từ thành phố đến một số vùng lân cận phía Bắc. Mạng lưới mật vụ của Sài gòn gần như chìm nghỉm trên các tuyến xe đông người này. Trong những ngày 28, 29 và sáng 30 tháng Tư năm 1975, toàn bộ xe ca của hãng Cánh Nhạn trên các tuyến Long Thành, Trảng Bom, Đồng Dù được huy động để tham gia vào một việc duy nhất: Chuyển quân ta trên đường tiến về Sài Gòn...

 

Một lần, vào buổi sáng, có chiếc xe ô-tô đỗ xịch trước nhà má Sáu. Từ trong xe bước ra là một người cao lớn, quắc thước. Đi cùng là một người trẻ, mặc thường phục, chắc anh ta là sĩ quan bảo vệ, vì ở thắt lưng có bao súng nhô lên dưới áo sơ- mi. Ngoài ra còn một người nữa, mảnh khảnh, trông có vẻ trí thức, chắc anh này là thư ký hay trợ lý gì đó.

Người sĩ quan bảo vệ giới thiệu với má Sáu:

- Thưa má Sáu, con xin giới thiệu đây là chú Tám Việt. Chú hỏi thăm mãi mới biết má ở đây. Hôm nay chú tám đến thăm má.

- Xin chào bà. Bà là má Sáu Nhơn ạ?

- Vâng, Sáu Nhơn là tôi. Rước ông vào nhà. Chào hai anh.

Qua nước nôi, chuyện trò thăm hỏi một lúc, chủ và khách mới hiểu biết thêm về nhau. Má Sáu từ lâu đã từng nghe đến tên tuổi ông này, song má vẫn coi như mình không biết.

Ông Tám Việt là cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhiều người ở miền Nam biết tiếng suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Vì lý do bảo mật để dễ đi lại hoạt động, ông có nhiều tên gọi hay bí danh khác nhau. Có cơ sở biết ông là Tám Vinh, có vùng lại biết ông là Năm Vượng, địa phương Vũng Lái lại gọi ông là Chín Vân... Ông Tám Việt tìm đến nhà má Sáu Nhơn để cảm ơn về việc một chiếc xe đò của má đã cứu ông thoát nạn.

Ông kể lại, hôm ấy mật vụ Sài Gòn ập đến chỗ náu của ông ở Gò Vấp. Đi họp về còn cách một phố nữa thì đến nhà, cơ sở báo cho ông phải trốn đi ngay. Ông đổi hướng đi, gọi xích lô ra thẳng bến xe miền Tây, nhảy lên một chiếc xe đò đông nhất. Đó là chiếc xe của hãng Cánh Nhạn chạy tuyến Sài Gòn – Cao Lãnh. Ông đủ thời giờ cải trang ngay trong xe, nhưng ngặt nỗi xe vẫn phải chờ trong bến, vì chưa đến giờ chạy. Ông chỉ lên khăn tang trên đầu ông vừa mới đội lên ở trong xe, van nài người lái xe cho chạy sớm để còn kịp về đưa ma ở quê. Nhưng người lái xe nhất định từ chối. Ông càng vật nài to tiếng hơn. Anh ta nhận ngay ra cách chít khăn tang của khách, nói rõ to cho cả xe nghe thấy:

- Không được bố già ạ. Xe hãy còn chỗ và chưa đến giờ chạy, làm sai con không đủ lương đền đâu!

Ông Việt càng năn nỉ, người lái xe càng giận giữ, càng to tiếng, có lúc gần như muốn đánh nhau với ông Việt. Anh ta loay hoay ngó nghiêng tìm kiếm vật gì, mồm doạ dẫm đánh đòn. Chờ lúc thuận tiện, người lái xe nói thầm rất nhanh sát vào tai ông Việt:

- Chú cứ ngồi xuống cuối xe, mọi việc con lo.

Xe đã rú ga, bắt đầu lăn bánh, một hành khách không biết từ đâu chạy đến đấm cửa rồi nhảy vọt lên. Người này rất ngang ngược, hết chiếm chỗ ngồi của người bên cạnh anh ta, ngó ngó nghiêng nghiêng lại bỏ đi chiếm chỗ của người khác. Ai không chịu, anh ta to tiếng, thậm chí còn bạt tai người ta. Ngồi chỗ nào y cũng dòm ngó từng người chung quanh. Cứ lần lần như thế, xe chưa ra khỏi bến được bao lâu mà y đã chiếm được một chỗ ngồi gần giữa xe.

Tự nhiên xe đổi hướng, đi sát vào một trạm cảnh sát dọc đường rồi đỗ hẳn. Người lái xe bỏ chỗ ngồi, đi lại chỗ người hành khách hung hăng, đột nhiên tống cho anh ta một đấm trời giáng vào giữa mặt, rồi túm ngực lôi anh ta xềnh xệch xuống giao cho bốt cảnh sát:

- Xin nhờ mấy ông xử lý tên ác ôn này cho. Hắn ta hành hung khách trên xe, không biết là vì tranh chỗ hay định giở trò cướp bóc.

Hơn một chục hành khác bị tên ác ôn gây sự cũng xuống xe làm chứng cho lời khai của người lái xe.

Tên ác ôn cãi rất hăng, nói rằng đang săn một tên Việt Cộng nguy hiểm, đưa ra bao nhiêu thứ giấy tờ, thậm chí chửi cả cảnh sát. Thế là hắn ta bị khám người, trong đó có một tờ giấy gì đó rất lạ, kiểu như một truyền đơn. Y bị còng tay luôn.

- Lắm giấy tờ thế mà sao lại có truyền đơn của Việt cộng? – người cảnh sát vừa còng tay tên ác ôn vừa hỏi.

Tên ác ôn giãy lên như đỉa phải vôi. Y kêu là phải có ai đó trong xe nhét vào túi y...

Sau đó cái xe đò có người hành khách đội khăn tang lại tiếp tục hành trình của nó.

Nghe xong câu chuyện, má Sáu lắc đầu:

- Tôi hoàn toàn không hay biết chuyện này. Có lẽ ông nhầm chăng? Lái xe cũng thay đổi luôn. Tôi không hề biết mặt hay biết tên một người lái xe nào trong hãng của tôi, mặc dù tôi là chủ. Việc thợ thuyền tôi giao hết cho người giúp việc là ông Ba Khang.

- Bà cố nhớ lại một chút xem. - ông Tám nài nỉ.

- Chịu, tôi không biết ai vào với ai. Hãng Cánh Nhạn bây giờ cũng không còn nữa, lại càng không có quan hệ gì với những người đã làm việc cho hãng!..

- Hôm ấy tôi không thể nhầm được. Không nhờ người lái xe đó, thì tôi có lẽ đã bị tên mật vụ đóng vai ác ôn bắt ngay trên xe rồi.

- Thực tình tôi không thể giúp ông được gì, mong ông thông cảm.

Tiễn ông Tám Việt ra đến tận cổng, má Sáu Nhơn còn thanh minh:

- Mong ông hiểu cho. Để ông đi mất công thế này, tôi áy náy quá.

- Xin hỏi bà thêm một câu: Trong những người giúp việc cho bà, ai có thể giúp tôi hỏi rõ chuyện này?

- Tôi có hai người giúp việc, một là Ba Khang tôi đã nói rồi. Người còn lại là Bảy Dự. Người thứ ba nữa cũng có thể biết khá nhiều về công việc của tôi là ông Tư Cương.

- Phiền bà cho tôi gặp cả ba người này được không ạ? Ngay trong tối nay thì càng tốt.

- Tôi bây giờ là tư sản cải tạo, trong nhà lại có người đi di tản. Nếu ông không cảm thấy phiền toái, xin trân trọng mời ông tối nay đến dùng cơm với gia đình chúng tôi. Tôi sẽ mời bằng được những người ông muốn gặp. Còn nếu ông thấy không tiện, tôi sẽ thu xếp cho ông gặp họ vào dịp khác.

Ông Tám Việt đắn đo một lúc:

- Vâng, xin cảm ơn bà, tôi nhận lời.

Bữa cơm tối hôm ấy đông đủ các khách mời. Riêng nhà má Sáu thiếu ông Hai Phong, vì ngày hôm đó ông được trung tá Võ Sang và chính quyền huyện Cần Giờ mời về dự lễ khánh thành nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có mộ Út Thạnh và bé Thơ.

Ông Tám Việt ngạc nhiên thấy bữa cơm khá thịnh soạn, lại có cả hai chai rượu vang đỏ Bordeaux. Đã thế má Sáu và bà Hai là hai đầu bếp cự phách, lại có vợ ông Ba Khang phụ bếp nữa.  Vân, Ngọc và Quân chỉ làm được những việc sai vặt, Vũ phải đi làm nên được miễn mọi việc.

- Tôi lâu lắm mới được ăn một bữa cơm nấu ngon như vậy, nhất là món canh chua Nam bộ!

- Cảm ơn ông quá khen. Tôi là người gốc An Giang thứ thiệt mà. – má Sáu đáp lời.

Ông Tám Việt thấy má Sáu nói chuyện cởi mở như vậy nên rất vui:

- Tôi không ngờ bà Sáu vào thời buổi này mà kiếm được nhiều loại thực phẩm quý như vậy trong thành phố, lại cả rượu nữa.

- Thực phẩm là nhờ cô Ba, vợ chú Ba đây. Cô ấy tháo vát lắm. Còn rượu là nhờ ông Tư kiếm cho, ngoài chợ làm gì có bán. – má Sáu giải thích.

- Thưa ông Tám, thực thà là hai chai rượu này tôi đi xin mấy người quen. Tôi nói là má Sáu có khách quan trọng. Cứ nói đến má Sáu thì xin được ngay. Họ hỏi có cần cô-nhắc không, nhưng tôi chỉ nhận hai chai vang thôi. - ông Tư Cương giải thích nguồn gốc hai chai rượu.

- Thưa ông Tám, chú Tư đây là bợm rượu đấy ạ.

- Bảy Dự, đừng bêu xấu chú. - Ông Tư quay ra ông Tám: - ...Ông Tám nên cảnh giác với chú này. Tôi không uống được rượu theo kiểu nhậu nhẹt lai rai ở trong này. Nhờ thế mà anh Ba và chú Bảy đây ngoan hẳn lên, không nhiễm phải cái bệnh suốt ngày lè nhè be bét.

- Trong này vãn đi một thời gian, bây giờ lại trở thành nạn dịch đấy, ông Tám ạ - BA KHANG CHÊM VÀO.

- Sao lại có nạn dịch này ông Ba?

- Tôi không rõ lắm. Có thể là do vô công rồi nghề.

- Vô công rồi nghề không phải là nguyên nhân, chú Ba ạ.

- Chú Bảy này lắm lý sự quá. Chú để ông Tư tiếp chuyện ông Tám đi. – Ba Khang ngăn bảy Dự. -...Anh Tư tôi đúng là người sành rượu thật ông Tám ạ, nhưng ổng không ghiền.

Ông Tám định hỏi tiếp về câu chuyện nạn dịch nhậu nhẹt, nhưng ông Tư Cương đã tiếp lời ông Ba:

- Vâng, thưa ông Tám, tôi có một số người quen thân không nghiện rượu, nhưng rất thích rượu ngon. Cái tính này tôi lây ông chủ cũ của tôi là ông Học. Nói cho sang thế thôi, thật ra là ông Học dạy cho. Vì khi đi chơi với các bạn mình, ông Học cũng thích kéo tôi đi cùng. Năm 1973 trước khi đi Mỹ, ông Học kêu tôi lên tặng hai chai Château Fort Lignac năm 1950, một đỏ một trắng. ổng nói với tôi: “Ông Tư, đây là tấm lòng của tôi!”.

- Họ chơi với nhau thành hội ạ? – anh trợ lý của ông Tám chỉ ngồi im, bây giờ mới hé miệng.

- Anh ạ, đấy là những người thích chơi với nhau, có phần lập dị. Hình như họ giống nhau cái tính khinh đời... Ta cứ quen miệng gọi là hội thế thôi. Họ ngồi với nhau mà nói về chính quyền Sài Gòn thì không ra cái gì...

- Tiêu chuẩn vào hội là thế nào hả chú Tư? – người sĩ quan bảo vệ của ông Tám tham gia vào câu chuyện.

- Chẳng biết họ lấy cái gì làm tiêu chuẩn. Tuổi tác họ rất khác nhau. Đã thế người thì rất giàu, người thì chỉ phong lưu một chút thôi, người thì có học cao... Song đại thể là toàn những người chí hướng kiểu như ông Học. Nếu xếp hạng thì có lẽ ông Học mới đứng hàng thứ ba thứ tư gì đó.

Người sĩ quan bảo vệ của ông Tám quên mất cả cương vị của mình trong bữa tiệc, hỏi luôn:

- Đứng đầu là ai ạ?

- Không thấy có đầu, mà cũng chẳng có đuôi, song người nổi nhất đám này có lẽ là luật sư Trần Ngọc Châu. Ông ta bị hạ thủ năm 1970 rồi. Chính quyền Thiệu, nhất là tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan(*) [(*) Viên tướng này đã bắn ngay trên hè phố không xét xử 1 chiến sĩ của MTGPMNVN bị cảnh sát Sài Gòn bắt được trong Tết Mậu Thân.] , rất ngán cái nhà ông Châu này.

- Không tiêu chuẩn, không tôn chỉ mục đích, thì cũng phải có điều kiện thế nào chớ? – vẫn cái nhà anh sỹ quan bảo vệ mau miệng.

Ông Tám Việt tai đỏ bừng vì ngượng và vì giận anh chàng sĩ quan bảo vệ của mình, trong lòng hối hận quên không dặn anh này ngồi chờ ngoài xe. Ông đang cố nghĩ cách xoay chuyển câu chuyện thì ông Tư đã trả lời tiếp:

- Hình như có điều kiện anh à. Để ý, tôi thấy họ thích bình luận mọi chuyện nhân tình thế thái và không thích làm quan. Ngoài ra hay bình với nhau về rượu. Chẳng thế mà tôi biết họ đã lâu nhưng vẫn chỉ được liệt vào hàng ăn theo thôi!

- Tìm gặp được những người trong họ còn ở lại cũng thích thú đấy ông Tư nhỉ. - ông Tám Việt bây giờ mới nói len vào được.

- Không còn đông lắm đâu ông Tám à, di tản đi nhiều nước rồi. Nhưng nếu cụng tất cả những người còn ở lại với nhau, rượu của họ bây giờ vẫn còn hàng két. Chỉ để thỉnh thoảng thay tua mời nhau bật nút một chai khi có chuyện gì đáng uống. Toàn là vang hoặc cô-nhắc những năm 1950, 1960, 1970. Có khi lâu không gặp, nhớ nhau quá, cũng kêu nhau đến, nhấm nháp mấy câu chuyện tào lao. Còn đi xin thì chỉ cho nhau loại 1970 thôi.

- Lâu thế mà không thành dấm à? – anh sĩ quan bảo vệ lại lộp chộp.

- Không. Họ biết cách giữ, nhất là phải để chai rượu nằm ngang để nút chai không bao giờ bị khô thì vô tư.

- Họ biết má Sáu Nhơn hay sao mà chú Tư kiếm được rượu của họ? – Lại một câu hỏi nữa của người sĩ quan bảo vệ.

Lần này ông Tám Việt đưa mắt lườm anh ta hẳn hoi. Cũng may, hình như không ai để ý, hoặc cố tình không để ý.

- Bà Sáu chúng tôi đây một tay dựng lên 3 cơ đồ cho 3 con trai. Một thời bà đã nổi tiếng với cái tên chị Hai Nhà Bè. Bà buôn bán lớn với phong cách chị Hai.

- Ông Tư có say không đó, sao lại lôi cả tên cúng cơm của tôi ra đây mà nói vậy? – má Sáu không muốn để ông Tư quá trớn.

- Tôi thường nghe nói đến tác phong anh Hai. Nhưng chưa nghe thấy nói tác phong chị Hai! - ông Tám thắc mắc.

- Xin lỗi bà Sáu, tôi đã lỡ miệng. Xin cho tôi nói có đầu có đuôi. - Đoạn ông Tư quay sang ông Tám: - Ông Tám à, giới kinh doanh ở cảng Nhà Bè rất kính nể cách làm ăn xởi lởi của bà Sáu, nên tôn bà lên làm chị Hai. Cái tên chị Hai Nhà Bè từ đấy mà ra ông Tám à. Nghĩa là cách làm ăn rất thảo, không so đo, sẵn sàng chín bỏ làm mười, giúp được ai việc gì bà đều hết lòng. Họ một điều gọi bà là “chị Hai”, hai điều gọi bà là “chị Hai”. Nếu tôi hỏi mua rượu của họ, thì chắc chắn lúc này một cây vàng một chai họ cũng không bán! Nói là để đãi khách cán bộ quan trọng thì lại càng không!

Câu nói cuối cùng của ông Tư làm cho ông Tám suy nghĩ. Má Sáu rất tế nhị, nói át đi:

- Ông Tư lại quá lời rồi. Tôi giúp một người, thì mười người quay lại giúp tôi. Tôi cho người mua hàng chịu một, nhưng người bán hàng cho tôi thấy tôi bán chạy lại cho tôi chịu mười, có gì đâu mà sởi lởi. Còn người duy tâm thì nói là tôi mát tay!

- Cô Sáu ạ, hôm nay cháu thấy cô tự khai ra cách làm ăn thả con săn sắt bắt con cá rô! Cách làm ăn của tư sản thời chưa cải tạo đấy ạ! Cô tự nói ra, chứ không phải cháu mớm cung đâu nhé. Xin cả nhà làm chứng cho ạ! - Bảy Dự trêu má.

- Bảy Dự, cậu có định tố tôi trước mặt ông Tám đây không? Tôi quên chưa giới thiệu với ông Tám, cậu Bảy đây là nguyên uỷ viên Ủy ban cải tạo xã hội chủ nghĩa đấy, khét tiếng chống tư sản đó! - câu nói vui của bà Sáu làm cả nhà đều cười.

- Thưa cô Sáu, cô lại nói sai rồi ạ. Đấy là Ủy ban cải tạo công thương nghiệp. - Bảy Dự vẫn tìm cách trêu bà.

- Đúng là con người ta có nhiều thú vui, người thì thích cây kiểng, người lại thích bình về rượu. Hai chai rượu này năm nào ông Tư? - Ông Tám muốn lái câu chuyện đi một hướng khác.

Ông Tư Cương đeo kính rồi cầm hai chai rượu lên:

- Hai chai cùng năm ông Tám ạ, 1974.

- Thế là đúng 10 năm? - ông Tám nhấp thử mấy nhấp. - ...Uống được quá!

- Vâng, 10 năm cũng là con số đẹp.

- Thưa ông Tám, ông đừng nghe chú Tư tôi tán tụng về rượu. Chẳng qua hết cái thời bình rượu túi thơ của Lý Bạch bên Tàu ngày xưa, mấy ông ngông cuồng hiện đại Sài Gòn ngày nay xoay ra chuộng rượu Tây và bàn chuyện thế giới! Còn chuyện của nước mình thì để đâu quên đó.

- Cậu Bảy lại lên lớp tôi rồi. Tôi bây giờ nghèo lắm. Không có gì bán để trả tiền học cho thầy giáo đâu! Nhường cho cậu đĩa đậu phụng rang này vậy. - Ông Tư vặn vẹo lại Bảy Dự. Ông vừa nói vừa cười, tay đẩy đĩa lạc rang về phía Bảy Dự.

- Thật ra tôi phải cảm ơn ông Tám và hai anh đây. – má Sáu muốn lái câu chuyện hướng vào mục đích chính của bữa cơm hôm nay. - ...Mời được ông Tám đến ăn cơm, tôi mới có lý do quan trọng mời ông bà Tư, cô chú Ba, em Bảy đến ăn cơm với chúng tôi. Chúng tôi vẫn ăn cơm với nhau luôn, nhưng có lý do quan trọng như thế này mới được dịp thực hiện thú vui nấu nướng món này món khác. Chỉ tiếc là bà Tư hôm nay mệt không đến được.

Câu chuyện trong bữa cơm rất đời thường và tự nhiên như những người quen biết nhau từ lâu. Song má Sáu rất chủ động và tự bà không nói một tý gì về thân thế gia đình mình.

Khi ông Tám Việt nêu lại chuyện người lái xe năm nào, Ba Khang, Bảy Dự và Tư Cương đều lắc đầu.  Chuyện xảy ra năm 1972, đã hai mươi ba năm  nay rồi, không ai nhớ nữa. Ba Khang hỏi gặng mãi các chi tiết, nhưng các câu trả lời của ông Tám Việt đều quá chung chung. Ông Ba cho biết vào khoảng năm này có đến bốn xe của hãng chạy trên tuyến Sài Gòn - Cao Lãnh. Gặng mãi, cuối cùng ông Tám Việt nhớ được số biển xe SG 1908.

- Ông Tám có chắc số biển xe là như thế không?

- Chắc, ông Ba ạ. Vì khi chạy đến bến, số biển xe này đập ngay vào mắt tôi. Thấy xe đông khách, tôi liền nhảy lên ngay. Tình cờ những con số đó trùng với các số ngày sinh nhật tôi. Không thể nhầm được!

- Ông Tám lấy ngày Tổng khởi nghĩa làm sinh nhật của mình, có phải thế không ạ? - Ba Khang vừa hỏi, vừa lục lọi hồi lâu trong trí nhớ của mình. Ông Tư Cương định nói câu gì, nhưng Ba Khang liền giơ tay ra hiệu im lặng. Mọi người hồi hộp chờ đợi, không dám ho he gì, vì sợ rằng sự ồn ào có thể gây nhiễu loạn trí nhớ của ông Ba.

Mọi con mắt dồn về phía Ba Khang.

- ... Năm 1972... xe SG 1908... do Ba Chiểu lái... Đúng là Ba Chiểu... Nhưng cậu này bị giết gần gần cuối năm ấy rồi. - Đến đây ông Ba ngồi thừ ra, không nói gì nữa.

- Ông nói tiếp đi ông Ba. Cậu ấy bị giết rồi làm sao nữa? - ông Tám Việt giục.

- Cảnh sát gọi tôi lên nhận diện cậu ta.. Rồi còn gọi lên mấy lần khai báo các chuyện. ...Hai năm. ...Đúng là hai năm liền cảnh sát điều tra mà không ra vụ án mạng này.

- Cảnh sát có nghi cho ai không?

- Người ta nghi là một băng đảng bí mật nào đó hoặc cánh mật vụ đã ra tay trừ khử Ba Chiểu.

- Vụ án mạng này cuối cùng ra sao ông Ba? - ông Tám lại hỏi dồn.

- Hai năm không ăn thua gì, cảnh sát bỏ cuộc.

- Chiểu có thù oán gì với ai không ông Ba?

- Không. Chiểu chưa vợ con, là một trong những lái xe trẻ ngoan nhất của chúng tôi. Cậu ta bị giết ngày mùng năm tháng Mười năm đó.

- Ngày tôi chạy trốn lên xe này về Cao Lãnh là mùng một tháng Mười. Hay là bọn mật vụ đã giết cậu ta?

Cùng một lúc cả Ba Khang, Tư Cương và Bảy Dự đều tán thành suy đoán của ông Tám Việt. Vì Chiểu là người do chính Ba Khang tuyển vào, lại rất ngoan, thỉnh thoảng giúp Ba Khang việc này việc khác, nên Ba Khang mô tả được khá chi tiết hình dáng, giọng nói của Chiểu cho ông Tám Việt nghe. Càng nghe, ông Tám càng tin ân nhân của mình nhất định là Chiểu, nhất là khi Ba Khang kể Chiểu có thói quen khi đứng nói bao giờ cũng co tay trái khòng khòng lên gần giữa ngực.

... Đúng là dáng điệu của Chiểu hôm đứng nói với đám cảnh sát, không thể nhầm vào đâu được! - ông Tám nghĩ như vậy.

Ba Khang và Bảy Dự hứa với ông Tám sẽ xác minh và tin rằng sẽ xác minh được mọi chi tiết cần thiết. Ông Tám trầm ngâm một lát, rồi nói:

- Mấy năm nay, nhờ bao nhiêu nơi tôi mới tìm được đến nhà má Sáu. Tôi xin chân thành cảm ơn bà Sáu và tất cả nhà ta ngồi đây. Bây giờ mười phần tôi tin đến chín phần là đã tìm được ân nhân của mình. Nhờ ông Ba và anh Bảy xác minh sớm giùm. Tôi mong được đến tận nhà anh Chiểu tạ ơn và ra mộ thắp hương cho ảnh. Tôi không ngờ trong chuyến đi công tác vào Thành phố lần này lại làm được một việc riêng quan trọng quá.

- Lâu lâu không vào đây, ông Tám có thấy Thành phố thay đổi gì không? - ông Tư hỏi.

- Tôi có cảm tưởng thành phố ngày một nghèo đi, nhất là so với một hai năm đầu sau giải phóng. Ông Tư có nghĩ vậy không?

- Đúng thế ạ.

- Theo ông Tư nguyên nhân vì đâu?

- Hậu quả chiến tranh, có phải thế không ông?

- Đổ lỗi cho hậu quả chiến tranh thì đến năm 2000 cũng không hết. Tôi muốn được nghe cụ thể hơn, ông Tư ạ. - ông Tám trả lời.

Không khí thân mật bữa cơm tự nhiên chùng xuống, mọi người có vẻ ngại ngùng đưa ra câu trả lời.

Má Sáu lên tiếng:

- Chưa ai nói thì tôi xin nói trước vậy. Xin hỏi ông Tám thích nghe câu trả lời như thế nào ạ?

- Bà Sáu Nhơn có những câu trả lời nào vậy?

- Thưa ông Tám, ông thích trả lời theo cách nào, tôi xin nói theo cách đó.

- Bà có thể kể ra có những cách trả lời nào được không ạ?

Bao nhiêu con mắt trong bữa cơm dồn hết về má Sáu. Nhưng má Sáu vẫn thản nhiên:

- Được chớ. Ví dụ tôi trả lời với tư cách là người dân tiên tiến của Thành phố, là người dân lạc hậu, là nhà tư sản được cải tạo, là thân nhân của người đi di tản... Đấy là tôi trả lời cho tôi. Nếu trả lời hộ những người khác thì tôi còn nhiều cách lắm: là người Hoa, là binh lính Cộng hòa cũ, là mấy ông tướng nguỵ Sài Gòn bại trận... Nhưng đến bây giờ chắc mấy ông tướng này đi Mỹ hết rồi... Tôi sống ở cái thành phố này như thế là đã quá nửa thế kỷ...

Sự chú ý của mọi người càng dồn về má Sáu. Riêng đám trẻ Vũ, Ngọc, Vân, Quân mặt như ngây dại. Đám trẻ này không thể tưởng tượng được nội của mình lại đối đáp như vậy.

Ông Tám Việt thận trọng lựa lời:

- Bà Sáu Nhơn ạ, tôi thực chưa bao giờ được nghe ai có cách nói như bà. Điều này làm tôi rất kính phục bà. Nếu bà tự lựa chọn cách trả lời, bà sẽ chọn cách nào?

Má Sáu ngẫm nghĩ một lúc:

- Ông đúng là một nhà chính trị cao thủ. Tôi muốn chọn tư cách là chủ nhân của Sài Gòn trả lời ông. Như thế có được không?

Ông Tám Việt gần như không tin vào tai mình... Cần phải lắng nghe những tiếng nói như thế!.. Ông Tám Việt không ngờ trong đời lại có được một cuộc đối thoại kỳ lạ như vậy. Ông cả quyết:

- Xin mời bà cứ nói theo ý bà là chủ nhân của Sài Gòn.

Má Sáu Nhơn ngẫm nghĩ, tay vân vê chiếc khăn ăn trên bàn:

- Có hai điều tôi muốn thưa chuyện với ông Tám. Nhìn vào cuộc sống Thành phố, tôi nghĩ rằng kẻ xấu bụng nhất cũng không thể ngờ được là trật tự trị an của Thành phố bây giờ tốt như thế này! Thời thịnh trị nhất của chế độ Sài Gòn thành phố cũng không được bình yên như vầy đâu. Cán bộ giải phóng mà cứ quản lý trật tự công cộng Thành phố như thế này dân được nhờ lắm đó ông Tám!

- Bà Sáu chỉ nói về trật tự công cộng thôi sao? – ông Tám Việt gạn hỏi.

- Dạ vâng, còn những chuyện khác xin thưa sau. Đấy là điều thứ nhất, song tôi nghĩ ông Tám không phải là người đến đây tìm nghe điều ngọt ngào như vậy. Có phải thế không?

Mọi người ồ lên vì ngạc nhiên, ông Tám Việt cũng thấy tai mình nóng lên, nhưng cố trấn tĩnh:

- Vâng, xin bà nói điều thứ hai.

- Ông Tám cho phép tôi ví guồng máy kinh tế Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư như chiếc xe đò của tôi. Nó vẫn chạy theo tuyến đường này.., - tay má Sáu vạch vạch trên bàn. -...Nếu tình hình đòi hỏi nó phải chạy theo tuyến khác, thì tôi sẽ ra lệnh cho Ba Khang bắt xe đổi tuyến. Tôi hiểu đây là việc khó lắm, nhưng không thể không làm, nhất là từ thời chiến chuyển sang thời bình, từ chế độ này chuyển sang chế độ khác! Nhưng là chủ, tôi sẽ không bao giờ cho phép Ba Khang gỡ cái xe đò của tôi ra làm mấy mảnh rồi giao cho mỗi người giữ một mảnh! Nhất là lại giao vào tay những người chẳng hiểu gì về xe cộ. Tôi vốn là dân làm ăn, chỉ nói gọn thế thôi ông Tám à. Nói dài quá sợ làm mất thời giờ của ông. - giọng nói của má Sáu rất tự nhiên và nhiệt thành, chẳng khác gì như má vẫn thường nói chuyện với những người bạn thân thuộc của má.

Má Sáu dứt lời, sự im lặng đột ngột ập tới. Mọi chú ý trong cuộc đàm thoại này bây giờ dồn về ông Tám Việt.

- Cảm ơn bà Sáu. Xin thú thực, bà làm tôi bất ngờ… - ông Tám Việt cân nhắc thêm một chút rồi cả quyết: - Xin hỏi thật lòng, vì sao bà lại chọn cách trả lời như vừa rồi?

Má Sáu cười để có thời giờ lựa lời:

- Tôi trân trọng sự chân thật của ông… Nói chuyện với nhau thì phải thế…Suy nghĩ của tôi đơn giản như vầy, mong ông đừng giận: Tôi bây giờ là người dân của một dân tộc được giải phóng, dân tộc tự do, chủ nhân của một quốc gia độc lập. Có phải, vậy không ông Tám? – má Sáu dừng lại chờ câu trả lời.

- Rất đúng ạ.

- Nguyên do sự lựa chọn của tôi là thế. - Má Sáu nhìn thẳng vào mặt ông Tám trong khi nói.

- Trời đất! – ông Tám buột miệng kêu lên như vậy, rồi ngồi yên, tư lự.

Mọi người chung quanh im phắc, vì trong đời họ chưa bao giờ được chứng kiến một cuộc đối thoại như thế.

…Phải rồi! Tất cả mọi chuyện khác hẳn ngày xưa và bắt đầu từ chỗ này! Trời đất, sao hôm nay ta mới tỉnh ngộ ra điều này… Là người dân tự do của một quốc gia độc lập! Đó là mục tiêu của cách mạng cơ mà…

Biết bao nhiêu suy nghĩ lướt đi rất nhanh trong đầu ông Tám. …Bài học đời! Bài học đời!.. Ông tự nhủ với mình như vậy, rồi tiếp tục câu chuyện:

- Vâng, người dân tự do của một quốc gia độc lập! Bà đã nhắc nhở tôi điều hệ trọng nhất mà tôi lại chậm hiểu nhất! Tôi không giấu bà sự chậm trễ đầy yếu kém này của chính mình… Tôi tin là những điều bà vừa nói ra, chắc chắn bà đã ngẫm nghĩ từ lâu. Thành thực cảm ơn bà… - đến đây ông Tám dừng lại, quay sang ông Tư Cương: - Tôi xin hỏi thêm, nếu ông Tư Cương là chủ, ông có xử sự giống như bà Sáu đây không ạ?

Ông Tư Cương chần chừ một lúc rồi mới mạnh dạn trả lời:

- Thực tình tôi đã nín thở, chỉ muốn nghe, không muốn nói. Nhưng bây giờ ông Tám đã hỏi thì tôi xin thưa: Tôi nghĩ còn nhiều cách làm chủ khác nữa ạ. Nhưng cách nào thì cũng giống cách nghĩ của bà Sáu đây ít nhất là hai điểm. Một là không gỡ cái xe đò ra từng mảnh trao vào tay những người không hiểu gì xe cộ, hai là nhất thiết không có chuyện đi xe không phải trả tiền!

- Cũng có thể sau chiến tranh cái cỗ xe đò kinh tế này bị hư chỗ này, hư chỗ kia, có khi phải làm thịt một vài xe quá rách nát để có phụ tùng thế vào cho nó chạy... Nhưng sẽ là một quyết định đầy khó khăn đấy, ông Tám à. Khi hãng xe Cánh Nhạn có nguy cơ chết non vì không cạnh tranh được, tôi đã phải bán tống bán tháo hai cửa hàng vải của mình lấy tiền đập vào, rồi quay vòng, rồi vay thêm. Trong vòng một năm, 3 xe lớn nhỏ trở thành 11 xe, từ đó tôi mới trụ được... – má Sáu giải thích thêm.

Ông Tám Việt ngẫm nghĩ một lúc:

- Phải chăng bà Sáu và ông Tư phê phán cán bộ cách mạng không biết làm kinh tế? Tôi hiểu thế có đúng không?

- Ông Tám à, trước khi về làm cho bà sáu Nhơn, bản thân tôi đã nhiều năm làm tài xế xe đò. – Ba Khang đỡ lời. - Thế mà ngồi lên cái xe đò đầu tiên bà Sáu giao cho, tôi vẫn phải học, vì nó khác mấy cái xe tôi lái trước đấy. Lúc đó chưa có hãng xe Cánh Nhạn đâu. Tôi vừa phải học làm chủ cái xe mới, lại phải học cách đi thế nào là hay nhất trên tuyến đường mới. Tưởng thế là xong, bà Sáu hỏi tôi: Làm thế nào xe có được nhiều giờ chở khách nhất, nghĩa là ít giờ chạy xe không, làm thế nào cạnh tranh được với những xe khác mà vẫn lãi, ít sự cố... Thế là tôi lại phải mò mẫm kế này kế khác mất gần hai năm trời...

- Chú Ba đang kể công với tôi về việc sáng lập ra hãng xe Cánh Nhạn đó! – má Sáu nói chêm vào.

- Tôi xin lỗi bà Sáu trước về sự thiếu tế nhị của tôi. - ông Tám Việt lựa lời. - Thực lòng tôi muốn biết tại sao bà có thể ví kinh tế Sài Gòn sau giải phóng giống chiếc xe bị thương? Thật là cách ví von sinh động.

Bà Sáu Nhơn cân nhắc thận trọng, nhưng câu trả lời hình như có sẵn ở trong đầu từ lâu rồi:

- Nghề kinh doanh của tôi ba chìm bảy nổi, chín long đong. Thành đạt nhiều, đổ vỡ cũng nhiều. Tôi đã một vài phen trắng tay. Đã thế có lúc tôi còn phải gánh đỡ cho các con tôi chuyện này chuyện khác. Ba đứa, ba nghề kinh doanh khác nhau! Tóm lại là sự bắt buộc của nghề nghiệp thôi. Sơ ý một chút thị trường diệt mình chết liền. Còn chuyện lừa đảo nhau trong làm ăn, rồi chuyện nhiễu nhương của quan chức, chuyện cánh nọ dựa vào quan thầy của mình táng cánh kia... Mấy chục năm qua tôi đã phải học cách chung sống với ma quỷ, giống như như người ta thường nói phải biết cách chung sống với bệnh phong! Tôi hiểu ý tốt của cách mạng là muốn làm các việc xoá bỏ thị trường để không còn mầm mống cho cái bệnh phong hủi này, song có phải là liều thuốc đúng không? Có làm được không!?.

- Bà Sáu phải nói thêm là xoá bóc lột của tư sản nữa chớ. - ông Tư nhắc nhở.

Bà Sáu chỉ cười, không đáp lại.

Ông Tám Việt nghe rất chăm chú, trong đầu ông tự nhủ mình nhiều điều. Một chuỗi những cuộc tranh luận không dứt suốt từ năm 1979 đến hết năm 1980 sống lại trong ký ức ông. Những cuộc tranh luận gay gắt, không phân thắng bại. Tất cả xoay quanh tình hình kinh tế đất nước chuyển từ thời chiến sang thời bình và tìm đường ra khỏi tình trạng khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Mỹ thì đẩy mạnh bao vây cấm vận, Trung Quốc đánh chặn đầu chặn đuôi, viện trợ Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức chỉ còn nhỏ giọt vì hai nước này đang suy kiệt, các nước xã hội chủ nghĩa gần như không còn sức để giúp đỡ bất kể điều gì... Có những cuộc tranh luận thâu đêm, có những lần hai ba ngày liền ông Tám không về nhà...

Bà Sáu Nhơn dứt lời lâu rồi mà ông vẫn còn đang bận rộn với những điều ông rút ra được từ cuộc đối thoại hiếm có này. Ông gần như đang tự nói với mình nhiều điều.

Má Sáu Nhơn đoán biết được tâm trạng lo âu của ông Tám, má hiểu có thể bộc bạch nỗi lo canh cánh trong lòng với con người này:

- Ông Tám ạ, nếu ông không cho là tôi làm ông phật lòng, tôi xin đề nghị ông quan tâm đến câu chuyện lâu nay có quá nhiều người vượt biên di tản, gần như bất chấp cả tính mạng của mình có thể nguy hại! – má Sáu Nhơn cố tránh không nói những sự việc cụ thể đã xảy ra trên biển, trên biên giới...

Mặc dù đã tự chuẩn bị tinh thần cho mình trước khi đến dự bữa cơm tối này, trong đó có chuyện di tản, ông Tám vẫn không tránh khỏi giật mình – vì tính thẳng thắn của má Sáu Nhơn và vì tính nghiêm trọng của câu chuyện nêu ra, nhất là di tản đang là câu chuyện thời sự nóng bỏng kéo dài từ nhiều năm nay.

- Xin bà cứ nói hết suy nghĩ của mình, tôi nghĩ tôi đủ sức lắng nghe ạ.

- Dạ, tôi cũng đoán như vậy nên mới thưa chuyện này. Ông là chính khách, còn tôi là một bà mẹ, nhưng tôi chắc ông thông cảm được. Không phải ai khác, một trong những con tôi đã phải thốt lên với tôi: “...Má ơi, ở Thành phố này bây giờ nếu cái cột điện mà biết đi chắc nó cũng phải bỏ đất nước ra đi thôi!..” Nói thế chắc ông đủ hiểu…Trước khi ra đi, tất cả con cháu tôi quỳ xuống tế sống tôi... Ông không thể hình dung được giây phút xé lòng này... – mặt má Sáu hình như bỗng dưng quắt đanh lại, không một giọt nước mắt trên mặt, nhưng giọng má tụt hẳn xuống, hụt hơi. Nghỉ một lúc má nói tiếp: - ...Anh Hai chúng can ngăn chúng thế nào cũng hổng được. Tôi cũng hết lời... Nói ra, ông đau một, tôi đau hai ba lần ông Tám à!

Tất cả mọi người trên bàn ăn hình như không ai dám nhúc nhích, gần như nín thở, cứ như thể một cử chỉ nhỏ cũng sẽ làm cho vết thương lòng trong mỗi người tóe máu.

Mãi ông Tám Việt mới nói được:

- Thưa, bà nói đúng. Tôi đau một, bà phải đau hai ba lần. Tôi không thể nói khác được. Thú thực với bà là có nhiều vấn đề sau chiến tranh chính tôi cũng không lường hết, lần lần mới hiểu rõ thêm.

- Đó mới chỉ là một lẽ thôi, ông Tám à. Theo tôi còn một điều quan trọng hơn thế nữa.

- Xin bà cứ nói.

- Sống trong Thành phố này mà có nhiều chuyện chính tôi cũng không lường được. Sau chiến tranh có nhiều cái sai đã đành, tôi hiểu được. Song tôi không ngờ là sau chiến tranh nhiều cán bộ, đảng viên hư hỏng nhanh quá! Mong đợi và thất vọng xung khắc nhau dữ quá! Chỗ này mới là cái chết ông Tám à!

Lại một luồng điện giật mạnh, ông Tám chết sững trong lòng.

- Nói thật lòng với ông Tám, có người còn nói mua chuộc cán bộ Việt Cộng rẻ hơn nhiều so với thời còn chế độ Sài Gòn. Còn chất lượng công việc và sự hống hách với dân thì không được chê!.. - ông Tư Cương thêm vào, muốn nói rõ ý má Sáu Nhơn.

- Vâng, những điều bà và ông Tư nói tôi biết lắm.

Những cái sai trong chính sách, cộng với sự hư hỏng của cán bộ đã dẫn đến thực trạng đau lòng này. Xin ông đừng giận, thằng Năm Thịnh nhà tôi hồi ấy có lúc gần như đánh nhau với cán bộ! Tôi biểu nó thế nào cũng hổng được!

- Vâng, quả là thế. Sự hư hỏng của cán bộ còn đáng sợ hơn nhiều lần so với những sai lầm trong chính sách. – ông Tám đáp lại.

- Nói như thế, tôi thấy ông Tám hiểu được câu chuyện và tôi không lo làm ông mếch lòng. Thật không sao hiểu nổi họ có thể hư nhanh đến thế! Cũng may là dân vẫn còn tin cách mạng lắm.

- Tôi thấy không được lạm dụng điều này, bà Sáu ạ. Kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm… Trước khi đến thăm bà, tôi đã hỏi kỹ chuyện ra đi của các gia đình nhà ta. Thực lòng tôi cũng không tưởng tượng được sự tình đến mức như thế, rồi nhìn cả vào thành phố, cả nước...

- Ông Tám thử coi, gia đình tôi còn như vậy, những gia đình khác sẽ như thế nào!.. – ngẫm nghĩ một lúc, má Sáu Nhơn nói tiếp: - ...Tôi nói ra là để chia sẻ với ông Tám nỗi lo của mình, chuyện này không thể một sớm một chiều dịu đi ngay đâu. Thôi chúng ta nói chuyện khác đi.

Má Sáu Nhơn chủ động chuyển hướng câu chuyện, khiến ông Tám Việt càng phục... Thật là một người có bản lĩnh! Trong bụng ông Tám nghĩ như thế, định nói thêm một vài ý tâm tư mình, song ông hiểu ngay có những điều ông không thể vượt qua được vì không được phép vượt qua... Ông cũng quyết định chuyển hướng câu chuyện:

- Tôi làm kinh tế, nên xin được nghe tiếp câu chuyện làm ăn trong này, nhất là về những người làm giỏi kinh tế.

- Ông Tám à, ông Ba chỉ có một chủ là má Sáu. Tôi may mắn hơn là có hai chủ, là ông Học rồi mới đến má Sáu. Tôi học được ở hai chủ của mình nhiều điều. Song có một điều tôi học mãi không nổi, bây giờ thì quá muộn rồi. Đấy là cái tài nhìn được cái gì làm ra tiền. - ông Tư Cương nói trước.

- Nói nôm na là phải có cái máu làm ăn ông Tám ạ. – Ba Khang chen vào.

- Còn thực hiện công việc làm ra tiền thì đã có chúng tôi. - Tư Cương nói tiếp. - Tôi cũng muốn làm ông chủ lắm chứ, nhưng quả thật là không đơn giản.

- Nếu những cán bộ của tôi cũng nắm biết được tình hình và làm được cho tôi những báo cáo phân tích sâu sắc như cách nói của bà Sáu đây, của ông Tư, ông Ba thì hay quá! Tôi rất cảm ơn bà và hai ông...

- Dạ thưa ông Tám, báo cáo sâu sắc và trung thực hình như ở đâu cũng có. Nhưng câu chuyện là những thức ăn này thường không hợp khẩu vị người nghe báo cáo! Tôi là đảng viên Bảy Dự, tôi có thể nói thẳng thắn với đồng chí Tám Việt như vậy. Tôi tính định làm lại lý lịch của mình đấy ạ.

Không khí đã dịu lại, đột ngột trở nên căng thẳng. Mọi người chẳng hiểu BảY Dự trong đầu định mần mò cái trò gì, lại càng không hiểu tại sao Bảy Dự đột nhiên giở chứng nói găng đến thế.

Mắt ông Tám Việt mở to vì quá ngạc nhiên. Ông bỏ kính ra, nhìn vào tận mặt Bảy Dự:

- Anh Bảy định làm lại lý lịch của mình như thế nào?

- Thưa ông Tám...

- Sao không thưa đồng chí Tám Việt?

Bảy Dự cười:

- Vâng, thưa đồng chí ông Tám, tôi sẽ khai thêm một nghề mới trong lý lịch: cấp dưỡng, chuyên gia nấu các món ăn không hợp khẩu vị!

Không khí trở lại vui vẻ. Ông Tám hỏi:

- Anh có thể nói rõ hơn được không? Tôi định thử sức khoe khoang của anh.

Bảy Dự không đắn đo, kể ra cho ông Tám nghe một số vấn đề chung quanh việc cải tạo tư sản, việc xử lý di tản, tình hình làm ăn của những xí nghiệp đã cải tạo.., dẫn chứng người thật việc thật, nhưng không nêu tên riêng của từng người. Ông Tám giữ ý nên cũng không gạn hỏi.

Khi kết thúc, Bảy Dự khiêu khích:

- ... Tiện thể đồng chí Tám hỏi thì kêu cho đã, nhưng mà thông cảm.

- Thông cảm cái gì? - Ông Tám vặn lại.

- Một lúc đồng chí Tám phải lo cho những bốn trăm nước cộng hòa thì chịu sao thấu!

- Bốn trăm cái gì? - Ông Tám dựng đứng.

- Còn giữ mãi cái kiểu ngăn sông cấm chợ như thế này thì bốn trăm huyện trong cả nước là bốn trăm nền cộng hòa chứ còn sao nữa. - Bảy Dự tỉnh queo.

Ông Tám phát nhẹ vào vai Bảy Dự:

- Đảng viên mà ăn nói thế à? - Nhưng rồi ông Tám cũng bật cười vì cái lối nói quạu của Bảy Dự.

Nhìn đồng hồ thấy đã gần mười một giờ rồi, ông Tám đợi Bảy Dự nói xong, rồi tìm cách kết thúc câu chuyện:

- Tôi hiểu ý anh Bảy. Rất xây dựng. Những vấn đề anh Bảy nêu ra tôi cho là bổ ích. Tôi hôm nay được ăn một bữa cơm ngon và được nói chuyện với những người thẳng thắn, nhất là bà Sáu. Hy vọng bà Sáu và cả nhà ta đây sẽ không tiếc công, tiếc thời giờ đã mời chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn...

Ông Tám vừa nói, vừa đứng dậy để chuẩn bị ra về. Đúng lúc này Hai Phong từ Cần Giờ trở về. Vì không biết nhà có khách quan trọng, mới bước vào phòng ăn, chưa kịp nhìn ai, ông đã oang oang:

- Nhà hôm nay ăn món gì mà thơm thế! - Sau khi bước hẳn vào trong phòng, ông Hai đột nhiên kêu lên: - Ôi anh Tám! Sao anh biết gia đình tôi ở đây mà đến thăm?

- Trời, Hai Phong? Hoá ra anh trốn về đây hả? Mấy năm nay hỏi thăm, bảo Hai Phong về vườn rồi, nhưng không biết vườn nào!

- Về vườn thật mà anh Tám. Cái bệnh hen làm khổ tôi quá xá!..

- Chỉ tại bệnh hen thôi à?

- Dạ không, chuyện nhà cũng cần phải thu xếp chút ít... Với lại cũng đáng tuổi rồi... Anh có thể còn nhớ một người bạn cũ nữa.

- Ai đấy?

- Trung đội trưởng du kích Võ Sang ở Vĩnh Long, đơn vị bảo vệ cơ quan anh sau trận càn quét Zéphyr giữa năm 1952.

- Trận càn Zéphyr dữ lắm, mình quên sao được. Giặc Pháp định tóm gọn cơ quan mình ở Rồng Giềng, nhưng tụi mình đã kịp chia thành nhiều bộ phận sơ tán đi các ngả. Tôi dẫn một bộ phận chạy về Vĩnh Long, vì địa phương này tôi thuộc như trong lòng bàn tay. Tỉnh uỷ Vĩnh Long lúc bấy giờ cử một trung đội du kích làm nhiệm vụ bảo vệ... – ông Tám nói một mạch, từng sự việc lúc này vẫn còn như in trong trí nhớ của ông.

- Thế thì đúng Võ Sang này đấy anh Tám ạ, người cao to, trắng lốp, ăn nói oang oang.

- Nhớ. Nhớ ra rồi. Chính anh ta bắt nọn tôi phải khai ra là người cùng quê Cao Lãnh. Võ Sang bây giờ làm gì?

- Võ Sang bây giờ là trung tá, trưởng Phòng Chính trị Quân khu Miền Tây Nam bộ. Anh ấy hôm nay làm lễ khánh thành nghĩa trang liệt sĩ ở Cần Giờ và đưa mộ em gái và cháu gái tôi vào nghĩa trang này.

- Thế còn em rể anh, tướng Lê Hải của chúng ta bây giờ đâu?

- Cũng về vườn rồi. Lê Hải là con rể của má tôi! Mộ Út Thạnh và cháu tôi ở Cần Giờ chính là mộ vợ và con Lê Hải đấy! Vợ chồng Lê Hải vừa mới vào đây tuần trước để đi Cần Giờ, đã trở ra Hà Nội rồi.

- Ủa? - ông Tám Việt chỉ kêu lên được một tiếng như vậy, hết nhìn má Sáu lại nhìn Hai Phong, rồi ông quay ra nói với mọi người. – Tôi thật vô tâm quá, không biết ai với ai!.. Quê tôi hồi chống Pháp là chịu ơn cái ông ôm ốm này nhiều lắm! Đánh Pháp tài vô kể. Lúc ấy anh này là chủ tịch tỉnh. Có phải thế không, Hai Phong?

- Dạ không, lúc ấy tôi là bí thơ tỉnh.

- Võ Sang bây giờ sống thế nào?

- Thời chống Mỹ Võ Sang hoạt động ở vùng Cần Thơ, lập gia đình ở đấy. Song cả gia đình bị giặc giết chết trong trận bình định Chương Thiện năm 1973. Võ Sang đến bây giờ vẫn sống một mình anh ạ. Trong khi đó anh ta chắp nối cho bao nhiêu gia đình khác tan vỡ trong chiến tranh!

- Ngoài Hà Nội, anh cứ nói má anh là bà Sáu Nhơn, mà cả Nam bộ này có biết bao nhiêu má Sáu Nhơn. Hoá ra là bà nhà...

- Đúng thế anh Tám, má tôi lại trong diện cải tạo tư sản nữa nên tôi cũng giữ mồm giữ miệng một chút...

- Má ạ, vợ anh Tám và con gái cũng bị giặc giết chết trong trận Mỹ nguỵ càn quét Củ Chi. – Hai Phong nói với mẹ.

Nỗi đau năm nào quặn lên, nhưng ông Tám cố làm như không nghe thấy lời Hai Phong. Ông tiếp tục câu chuyện của mình:

- Thế hoá ra Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh là em ruột anh?

- Dạ vâng.

- Thảo nào người ta cứ gàn không cho tôi đến thăm đây... - ông Tám Việt biết mình lỡ lời, không nói tiếp ý đang nói nữa. – Mấy năm nay rồi, tôi không có thời giờ dự các cuộc họp đồng hương Vĩnh Long nên lạc hậu quá chừng... Thế này tôi càng có nhiều lý do đến thăm gia đình ta ở đây. Tôi cũng không... - ông Tám Việt bỏ dở ý đang nói, chuyển sang ý khác: - Thế nào tôi cũng đến thăm lại gia đình ta, hôm nay coi như cuộc thăm đầu tiên, tôi sẽ nhớ mãi...

Không khí chia tay giữa chủ và khách ấm cúng như giữa những người thân trong một gia đình. Má Sáu cũng đi cùng với cả nhà ra tận cửa tiễn khách, ông Tám ân cần chào đi chào lại mấy lần…

Trước khi bước lên xe, ông Tám Việt còn bắt tay ông Tư Cương thêm một lần nữa:

- Ông Tư, buổi gặp mặt hôm nay có đáng để các ông sẽ gặp nhau bật nút một chai không?

- Đáng lắm, ông Tám. Nhất là tôi được ông mời nói với tư cách là chủ nhân của Sài Gòn! Không gì vinh dự hơn cho tôi, kể từ ngày Sài Gòn giải phóng đấy...

Ông Tám Việt xiết chặt tay ông Tư Cương, sau đó quay ra nói với Hai Phong:

- Cho tôi gửi lời hỏi thăm Võ Sang. Anh tính xem lúc nào ta tổ chức cuộc gặp mặt các chiến hữu cũ...

- ...

Ngồi trong xe, ông Tám Việt nói với người trợ lý của mình:

- Bà Sáu Nhơn là con người sắc sảo. Nhưng câu chuyện rượu của ông Tư Cương khiến tôi càng nghĩ rằng đang tồn tại một Sài Gòn khác!..

- Dạ vâng…

- Người dân tự do của một quốc gia độc lập!.. Đảng viên chúng ta bây giờ phải ráng mà hiểu điều cốt tử này các cậu ạ!.. – ông Tám thổ lộ tâm sự của mình.

- Anh ạ, nhưng mà bà Sáu Nhơn nói như vậy ý đích thực là gì? Là dân đòi quyền của mình hay là Đảng trao quyền cho dân? Suốt bữa cơm em cứ nghĩ quẩn quanh mãi về câu nói của bà. - Người trợ lý của ông Tám hỏi lại.

Ông Tám cười, vì rất thích câu hỏi người trợ lý đặt ra:

- Tôi chịu cậu là người hay vặn vẹo.

- Nghề trợ lý của em giúp anh chỉ có thế thôi mà!

- Theo cậu thì thế nào?

- Bây giờ thì chính anh vặn vẹo lại em đấy ạ.

- Chịu rồi, nói đi!

- Tất nhiên là để xảy ra tình trạng dân đòi quyền hay trao quyền cho dân đều không ổn, không đúng với tôn chỉ mục đích của cách mạng anh ạ. Chính anh chẳng nói về một sự chậm trễ nào đó là gì!

- Sao cậu lại đặt vấn đề như thế?

- Em nghĩ bà Sáu Nhơn cảnh tỉnh chúng ta đích đáng lắm ạ!.. Chẳng thế mà bà ấy muốn lấy tư cách là chủ nhân ông của Sài Gòn nói chuyện với anh!

- Chịu bả.

- Chịu như thế là anh đã thú nhận một điều gì đó hệ trọng lắm!

- Sao hôm nay cậu xoay ra truy mình dữ thế?

- Anh Tám ạ, Đảng đã lãnh đạo dân tộc mình đấu tranh để tự giải phóng mình khỏi kiếp nô lệ và mối nhục mất nước. Dân bây giờ là chủ đất nước. Rõ ràng không thể có chuyện đòi hay trao ở đây! Quyền là của dân cơ mà! Theo em, giác ngộ vai trò lãnh đạo có lẽ là Đảng phải giúp dân thực hiện được quyền của mình! Đấy là phương án tốt nhất!

- Thế phương án tồi nhất?

- Hình như bà Sáu Nhơn và anh đã nói ra rồi ạ…

- Cậu nói cái gì?

- Hỏi thế là anh hiểu ý em rồi đấy ạ. Em còn đang suy nghĩ tiếp…

Ông Tám Việt im lặng mất một lúc:

- Có thể… Có thể… Câu chuyện là thực hiện, chứ không phải là nói lý… Vấn đề hệ trọng quá… Cậu thu xếp thời giờ lúc nào đó ta vần nhau vấn đề này được không? Kéo ai có đầu óc cùng tham gia cho vỡ lẽ…

- …

Tám Việt ra về, nhưng ở nhà bà Sáu Nhơn, câu chuyện giữa mẹ con và bà cháu rôm rả mãi. Đặc biệt, đề tài sữa chua trở thành công cụ khám phá ra một đời sống kinh tế rất tự nhiên của Thành phố, khác hẳn với đời sống tem phiếu đang làm cho ông Tám Việt lo lắng. Ngồi nghe các cháu kể người dân tự mua bán, đổi chác với nhau để giải quyết nhu cầu hàng ngày của cuộc sống, má Sáu nhận thấy các cháu mình đã thông thạo hơn nhiều, đã hiểu biết ít nhiều thế nào là làm ăn, má rất vui. Bà Ngân và con dâu con gái làm xong việc dọn dẹp, rửa bát cũng ra góp chuyện. Cuối cùng má Sáu phải đứng dậy giục con cháu mình đi ngủ, để còn tiếp tục công việc ngày mai. Bích Ngọc đã trở về buồng với con từ lúc nãy...

Riêng má Sáu còn ngồi lại một mình hồi lâu. Hôm nay má cảm thấy rất vui, vì có dịp nói cho người có chức có quyền hiểu suy nghĩ của mình, vì thấy các cháu mình khôn ngoan lên nhiều...

Trước khi trở về phòng riêng, má Sáu ngồi nán lại một mình hồi lâu trước bức hoạ chân dung ông Sáu Nhơn, được vẽ vào cái năm hãng sơn Geko phá sản... Từ đó đến nay bao nhiêu cuộc bể dâu... Đã bao nhiêu lần má ngồi một mình như thế trước bức chân dung này, mỗi khi quá xúc động...

Cái tấm kính của tranh bị nứt làm đôi, bụi bặm và thời gian làm cho vết nứt thành một vết đen lớn, khiến bức tranh trông cứ như bị xé. Đôi ba lần Bảo Vân còn nàn nỉ tiếp với má cho thay tấm kính vỡ này, nhưng lần nào má Sáu cũng một mực:

- Con không được đụng tới... Đó là một kỷ niệm buồn...

Ai biết được dòng suy nghĩ của người mẹ già này bắt nguồn từ đâu, hôm nay đang hướng về đâu…

 

Hết chương 11

 

Trở lại mục lục                                                                               Sang Chương 12