NGUYỄN TRUNG
DÒNG ĐỜI
Tiểu thuyết
3.
Sáng sáng cụ Tuyên bà bóc tờ lịch rồi để lên bàn thờ, miệng khấn lầm
rầm. Cụ đếm từng ngày, mong sao ông Nghĩa có thể sớm bay vào thăm em
tại trại cải tạo Bảo Lộc. Đã hơn bốn tuần rồi, nhưng cái ngày ấy vẫn
chưa đến. - Đằng nào ngoài này cũng đã viết mấy thư cho Lễ và Thảo rồi, bớt chi tiêu đồng nào hay đồng nấy các con ạ. Nhà ai cũng chỉ có mấy đồng lương, đi vay đi mượn làm gì cho thêm khó ra... - Cụ Tuyên bà nói vậy, nên cả nhà mới dám kiên nhẫn chờ. Ngày ngày đến cơ quan, ông Nghĩa vừa nóng ruột chờ máy bay, vừa đứng ngồi không yên vì chẳng thấy tướng Lê Hải đả động gì đến nguyện vọng xin nghỉ hưu của mình. Ông hiểu thủ trưởng mình cũng như thủ trưởng rất hiểu ông vậy. Nghĩa chưa bao giờ thấy Lê Hải quên điều gì trong công việc, hơn nữa đây là một đề đạt quan trọng: một thương binh 2/4, có tuổi quân quá nửa tuổi đời, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, xin giải ngũ... Sự yên lặng của Lê Hải ắt phải có lý do, chỉ có điều là lý do gì thì Nghĩa chưa đoán ra. Chẳng lẽ trong thời bình, một thương binh xin nghỉ hưu cũng phải cân nhắc lâu đến thế hay sao? Vốn tính thận trọng, ông Nghĩa chỉ cặm cụi làm việc. Gần đây lại có thêm một số vấn đề mới liên quan đến Campuchia, trên yêu cầu Viện góp ý kiến phân tích. Tướng Lê Hải gặp trung tá Nghĩa mấy lần, nhưng chỉ rặt nói về công việc. Trung tá đành im lặng chờ đợi... Một hôm trong giờ làm việc buổi sáng, sau khi nộp báo cáo công việc, trung tá Nghĩa được tướng Lê Hải giữ lại trong phòng: - Anh ngồi lại uống nước chờ tôi một lát. Có chuyện cần nói với nhau. Vừa mới có người cho thuốc lá và chè Thái móc câu. Tự phục vụ đi. Ông Nghĩa tráng ấm chén, pha chè mới, ngắm nghía bao thuốc Thăng Long một lúc rồi mới bóc, thường ngày cả tướng và tá chỉ có Tam Đảo hoặc Điện Biên. Ông rút ra một điếu, ngồi gõ gõ xuống mặt bàn, đưa lên mũi hít hít, nhưng chưa châm thuốc ngay. Trong lòng khấp khởi điểm lại những dự tính cho chuyến đi Sài Gòn sắp tới... Một lúc sau, gập tập hồ sơ trước mặt, thiếu tướng bỏ kính xuống bàn, cầm theo một tệp giấy mỏng, rồi ngồi xuống đối diện với Nghĩa: - Chè uống được không? - Tôi đã pha rồi, thơm lắm. Chờ anh cùng uống mới ngon. - Để tôi rót nước cho, cầm lấy cái này đọc đi, Tôi chờ ý kiến của anh. – Thiếu tướng đưa cho trung tá một báo cáo dài 5 trang - Trên vừa mới chuyển đến cho tôi lúc đầu giờ. Uống nước đã, kẻo nguội thì mất thú. Thiếu tướng châm thuốc cho trung tá và cho mình, rồi ngả người trong ghế, chăm chú theo dõi gương mặt trung tá thay đổi theo các dòng chữ. Chốc chốc trung tá lại rít rất sâu một hơi thuốc như đang tìm kiếm điều gì trong không khí... - Như vậy là thế nào, anh Hải? - Tôi đang chờ ý kiến anh. - Thâm độc quá! Cực kỳ thâm độc và trắng trợn anh ạ! - Đấy là tổng hợp các báo cáo của Ban chỉ huy quân sự hai tỉnh Gia Lai và Kontum. Trên gửi cho một số cơ quan để nghiên cứu. - Tôi biết, ngay sau ngày 30 tháng Tư Khmer đỏ đã quấy nhiễu biên giới nước ta rồi. Tôi hiểu vì lý do ngoại giao, nên ta tìm cách nói chuyện với Khmer đỏ, không đưa ra dư luận quốc tế công khai. Bây giờ chúng đưa cỡ cả trung đoàn vượt quá vùng Sa Thầy, đánh sâu vào nội địa ta, tàn sát dân thường thế này thì thật là quá quắt. Nhưng... - Nhưng làm sao? - Nhưng phần tóm tắt các tài liệu mật của Khmer đỏ làm tôi lo ngại hơn anh ạ. Tôi e rằng đây mới chỉ là màn dạo đầu của một trò chơi lớn nào đó... - Uống nước đi. – Thiếu tướng châm cho trung tá và cho mình điếu thuốc mới. - Nếu đây mới chỉ là màn dạo đầu... - Vâng. Khmer đỏ không thèm giấu diếm ý đồ phát động một cuộc chiến tranh lớn. Vũ khí cầm tay khá hiện đại, toàn loại mới nhất của Trung Quốc. - Thông thường ý đồ một cuộc chiến tranh không ai nói trắng trợn ra đằng miệng như Khmer đỏ - ngẫm nghĩ một lúc, Nghĩa nói tiếp: - Tôi thấy Khmer đỏ rõ ràng vừa tự cổ vũ, vừa muốn uy hiếp chúng ta. Thoạt nghĩ, tôi tưởng họ liều lĩnh... Song nghĩ kỹ, người chủ mưu việc này đi một nước cờ nham hiểm anh Hải ạ. Đánh ta vào lúc dễ tập hợp lực lượng nhất, vào lúc ta dễ bị chấn thương nhất! - Chẳng lẽ CIA thính mũi đến thế? Trước khi chiến tranh kết thúc CIA vẫn cho rằng Trung Quốc, Mỹ và nhiều thế lực khác không thể chấp nhận Hà Nội toàn thắng! - Bao giờ chẳng thế, chiến thắng của người này là thất bại của người khác. Họ không để chúng ta yên đâu. Rõ ràng đang có một tập hợp lực lượng mới, chung nhau chủ đề ngăn chặn ảnh hưởng Việt Nam. Họ không thể chấp nhận một Việt Nam làm đảo lộn so sánh lực lượng khu vực, tạo lợi thế riêng cho một bên nào. - Sao? Việt Nam là kết tinh của độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Xu thế thời đại là quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới cơ mà! - Lúc này mà anh còn thử thách tôi. – giọng Nghĩa có vẻ bực bội. - Đừng giận. Anh có lý. Sau 30 tháng Tư, các nước ASEAN muốn bình thường hoá quan hệ với nước ta thật nhanh, ta không thèm để ý tới. Nhưng bây giờ họ trở mặt. - Như thế là hoàn toàn lô-gích về phía họ. Chỉ có ta chậm hiểu thôi anh ạ. Làm cho Việt Nam lúc này gặp khó khăn hay bị lên án thì Mỹ đỡ mất mặt, Trung Quốc cũng có lợi, họ được chia phần. Lập trường nguyên tắc của các nước ASEAN không phải là đi với ai vĩnh viễn, mà chỉ muốn vĩnh viễn thực hiện lợi ích quốc gia của họ... Rõ ràng là trong quan hệ quốc tế họ trung thành với quan điểm của Palmerston(*) [(*) Henry John Temple Palmerston (1784 - 1815), ngoại trưởng và Thủ tướng Anh, có câu nói nổi tiếng về quan hệ đối ngoại: “Không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù mãi mãi, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu”.] như đã có lần tôi báo cáo với anh. Nhận xét của Nghĩa khiến tướng Lê Hải băn khoăn: - Quả là lâu nay tôi chỉ mải mê đánh giặc, cho rằng những loại chuyện tọa sơn quan hổ đấu lỗi thời rồi... Khi bàn về thời kỳ hậu chiến, tôi thật sự không chú ý chuyện này lắm. Đầu óc hầu như bị hút hết vào câu hỏi: Làm thế nào mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy nhanh xây dựng lại đất nước? - Bây giờ cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng. - Để Khmer đỏ quậy phá liên miên thì nước ta không ổn định. Ta trừng phạt đích đáng Khmer đỏ thì nhiều kẻ sẽ lu loa nước lớn ăn hiếp nước bé. Không trừng phạt đích đáng thì cái họa Khmer đỏ đối với nước ta không lường được. Mưu đồ thâm ác quá anh Nghĩa ạ. - Anh phán đoán gì về các chương hồi tiếp theo? - Đừng quên là nếu phải chiến đấu ở chiến trường Campuchia, sẽ hoàn toàn không đơn giản cho bộ đội ta. - Anh đúng là ông tướng thiện chiến! - ... Phòng làm việc của tướng Lê Hải mịt mù khói thuốc. Ông Hải và Nghĩa có thói quen giống nhau là khi bàn bạc hay viết lách gì là đốt thuốc liên tục. Ông rót tách nước chè mới đưa cho Nghĩa, rồi nói tiếp: - Tôi không biết nhiều lắm về Pôn-pốt và Yêng-sa-ry, nhưng cách đây một vài năm tôi được đọc một vài bài giảng chính trị của Khiêu-sam-phan cho Khmer đỏ, sặc mùi xô-vanh chống Việt Nam. - Tung đòn Khmer đỏ, họ đánh một lúc bốn, năm mục tiêu! - Phải thừa nhận đây là một tính toán chiến lược cao thủ. - Tướng Lê Hải đặt điếu thuốc xuống cái gạt tàn, hai tay ôm chén trà, suy tư. - Xưa nay chúng ta vận dụng lập trường giai cấp, thực chất là dựa vào ý thức hệ để xem xét mọi vấn đề đối ngoại. Bây giờ anh thử điểm danh từng thành viên của tập hợp lực lượng chống ta trong vấn đề Campuchia. Có lẽ đây là điều chúng ta nghĩ chưa tới tầm. Tôi ngờ là như vậy. - Nói như anh thì vụ Ussuri(*) [(*) Xung đột vũ trang lớn trên biên giới Xô - Trung tại vùng sông Ussuri 1969.] đã xảy ra được trong quan hệ Xô - Trung, thì chẳng có gì bảo đảm những sự việc tương tự như thế không xảy ra với nước ta? - Vâng. Có thể lắm anh Hải ạ. Anh hiểu đúng ý tôi. - Chà chà... Sau Thông cáo chung Thượng Hải(**) [(**) Ký kết năm 1972, mở ra bước ngoặt hòa hoãn Mỹ - Trung, tác động nặng nề vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam.], đến Hoàng Sa(***)[(***) Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, ngay sau khi hiệp định Paris được ký kết.]... Nếu tấn công của Khmer đỏ chỉ là dạo đầu một chương hồi mới thì toàn bộ câu chuyện sẽ là một thảm kịch đấy!... - Vâng. Chính đây là một thứ diễn biến tình hình chúng ta không chịu làm quen anh ạ. - Trong đánh giặc, lúc nào tôi cũng tự nhắc mình phải biết ta, biết địch. Qua câu chuyện hôm nay, thú thật tôi chưa dám nói chúng ta biết mình, biết người trong cái bàn cờ thế giới hôm nay! - Sau mấy năm tham gia tổng kết hai cuộc kháng chiến, nói chúng ta mặt này mặt khác còn ấu trĩ thì cũng không oan anh Hải ạ. Trong cái thế giới ranh ma này có điểm này điểm khác chúng ta ngu hơi lâu. - Nói cái gì thế anh Nghĩa? Ngồi trong phòng này với nhau thì được. Nhưng ở nơi khác thì phải giữ mồm giữ miệng đấy. - Tất nhiên. Tất nhiên. Chỉ nói với anh thôi! – Nghĩa nhích lại ngồi sát vào Lê Hải rồi mới nói tiếp: - Đã lâu rồi, xâu chuỗi các sự kiện lịch sử lại với nhau, tự nhiên tôi bật ra câu hỏi tại sao suốt hơn một thế kỷ nay, dân tộc ta cứ phải luôn luôn đương đầu với mọi tham vọng của các thế lực lớn nhỏ đủ loại. Hết thực dân Pháp, lại phát xít Nhật, Tàu Tưởng, rồi đế quốc Pháp trở lại, rồi đến đế quốc Mỹ, rồi cả những kẻ theo đóm ăn tàn... Đến Khmer đỏ cũng đánh ta nữa thì thật là quá quắt. Người Trung Quốc muốn gì? Chẳng lẽ kẻ lớn, người bé, ai muốn làm gì với đất nước ta cũng được hay sao hả anh Hải? - Câu hỏi quá thể đấy anh Nghĩa ạ! - Câu hỏi không thể trốn tránh được anh ạ. Chẳng lẽ dân tộc mình sinh ra chỉ là để hứng chịu chiến tranh? - Phải, phải... Sự việc lặp đi lặp lại dưới dạng này dạng khác, khiến tôi nhớ đến câu chửi đổng của các bà mẹ của chúng ta: “Chém cha cái thằng lịch sử! Mày là cái thá gì mà cứ đến bắt mãi con cháu bà đi như thế, hết đứa này đến đứa khác!..” Tôi đã được nghe các chiến sĩ ta kể câu chửi này không biết bao nhiêu lần. Họ biến câu chửi thành chuyện cười ra nước mắt! - Trí tuệ dân gian mà anh! Thâm thuý vô cùng. Anh xem, trong lịch sử hiện đại có dân tộc nào trên thế giới phải đương đầu với những thách thức ghê gớm suốt thời gian dài như thế không? - Trong vòng ba, bốn tháng Khmer đỏ đã quét sạch hết dân chúng ra khỏi Phnôm-pênh, giết chóc vô cùng dã man. Báo chí nhiều nước tố cáo Khmer đỏ phạm tội ác diệt chủng, nhưng lại chỉ nói qua loa các vụ đánh phá biên giới tàn sát dân ta. - Tin mới nhất cho biết Khmer đỏ đã quản thúc Sihanouk, giết một số con cháu ông ta. Thế nhưng họ vẫn một cánh với nhau anh Hải ạ! - Nhìn theo con mắt quân sự, tôi không lo ngại lắm chuyện đánh đấm của Khmer đỏ. Nhìn theo con mắt chiến lược, tôi thực sự lo ngại mối câu kết trong tập hợp lực lượng này. Bây giờ anh về viết lại những điều chúng ta vừa trao đổi thành bản nhận định của Viện ta để trình lên trên đi. Nói thẳng, nói hết. - Vâng, tôi sẽ làm. Tôi có điều này không biết có nên nói ra không, anh Hải... Tướng Lê Hải chăm chăm nhìn vào gương mặt chợt hiện lên đôi nét dè dặt của Nghĩa. Ông không nói ngay, mà muốn đoán xem sự dè dặt này nói lên điều gì. Khi đặt vấn đề xin giải ngũ, Nghĩa cũng không giấu được sự dè dặt như thế. Chẳng lẽ lại chuyện này... Mãi rồi Lê Hải mới đặt chén nước chè đã uống hết từ lâu xuống bàn: - Anh nói đi. - Đây mới chỉ là một ý nghĩ ám ảnh trong đầu tôi thôi... - Là lính sao mà quanh co thế? - Từ rất lâu rồi, dài dòng và khó diễn đạt lắm... Nghĩa châm điếu thuốc mới, lặng lẽ rót nước cho cả hai, rít liền mấy hơi nhưng vẫn ngồi im. Lê Hải cũng rít thuốc, chờ đợi. Ông hiểu câu chuyện Nghĩa muốn nói hẳn là khó nói... - Anh Hải ạ, tôi sẽ làm bản đánh giá tình hình theo tinh thần anh vừa nói. Ôn lại chuyện cũ, tôi đắn đo lắm... Lâu nay chúng ta mới chỉ nhấn mạnh một phía. - Phía nào? - Chúng ta thường nhấn mạnh đến khía cạnh cuộc đấu tranh giàu chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta. Nhưng hình như đó chưa phải là tất cả những thách thức nước ta phải đối phó. - Anh nói rõ hơn nữa xem nào. - Phải chăng về đại cục nước ta thắng lớn các cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng vẫn ở trong thế bị động về chiến lược? Hình như chính suy nghĩ của anh cũng đang lần mò theo hướng này. - Bị động chiến lược như thế nào? - Bị động chiến lược trong cái bàn cờ lớn của thế giới! - Nói cái gì thế? – Lê Hải như bị điện giật. - Lùi thật xa mọi sự vật để nhìn lại cho rõ thì câu chuyện có lẽ là như thế... Lê Hải đứng dậy, đi đi lại lại, một lúc sau mới quay về phía Nghĩa: - Có thể... Có thể... Nếu đúng như vậy, cái gì là nguyên nhân gốc hả Nghĩa? - Tính chi li ra là gần hai thế kỷ, cái thằng lịch sử các bà mẹ của chúng ta vẫn nguyền rủa là như thế đấy!.. - Anh nói ta bị động chiến lược gần hai thế kỷ? - Lê Hải lúc này không giấu nổi sự ngạc nhiên của mình. - Vâng, hai thế kỷ bị đánh mất, bị cướp mất! Đầu tiên là dẫn đến việc mất nước vào tay thực dân Pháp. Vì mất nước nên mới rơi vào cái thế bị động liên miên cho đến ngày hôm nay! Hết phải đối mặt với kẻ thù này lại phải đối mặt với kẻ thù khác, hầu như không dứt... Từ hai năm nay tôi vật lộn với điều nghi vấn này... - Anh nói tiếp đi. Cho đến nay chúng ta chỉ mổ xẻ mọi tội ác của thực dân đế quốc, quả thực chưa nhìn kỹ lại những yếu kém của chính nước mình suốt gần hai thế kỷ vừa qua, trước hai thế kỷ vừa qua... - Vâng, đúng thế. Lịch sử hình như đang cung cấp thêm cho chúng ta một phương pháp luận khác, một cách nhìn khác nữa anh Hải ạ. - Nói đi! - Lúc nãy anh chẳng nói Việt Nam thời hậu chiến phải đối phó với những vấn đề hoàn toàn khác trước là gì! Câu chuyện thời sự bây giờ là chúng ta chậm ý thức được điều này. Tầm nhìn của chúng ta về những vấn đề thời hậu chiến có chuyện, anh Hải ạ... - Nói đi! - Muốn nhìn rõ thời hậu chiến có lẽ phải bắt đầu từ câu hỏi vì sao để mất nước anh ạ... Nêu lên suy nghĩ này tôi phân vân lắm. - Vì sao phân vân? - Ai lại giữa lúc vừa mới đánh thắng hai đế quốc lớn, được cả thiên hạ coi là lương tri của thời đại, là ngọn cờ của phong trào độc lập dân tộc, là tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa.., là đủ mọi thứ vân vân... Tôi kể thế đã hết chưa anh? - Anh rất thuộc các bài giảng chính trị. - Vâng, trong một bối cảnh đầy không khí hào hùng như vậy, mà lại dám nhận xét nước ta về cơ bản chưa thoát khỏi cái thế bị động chiến lược, thì có phải là nói ngược không? Là mất đảng tính, mất lập trường không? - Thì ra phải nhìn lại từ khi mất nước là thế hả? Nói tiếp đi, đã ai quy chụp anh đâu. - Trách nhiệm người đảng viên thúc giục tôi phải nói ra với anh suy nghĩ này. Chúng ta đã giành hết tâm trí cho chiến đấu để chiến thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng có lẽ nghĩ chưa hết tầm vì sao hai cuộc chiến tranh xâm lược ấy kéo dài và phức tạp như vậy? - Nghĩa là cũng chưa thấy hết tương lai phía trước vô cùng phức tạp? Nghĩa rót nước cho cả hai rồi ngồi rít thuốc, sẵn sàng chờ đợi những lời phê phán trời giáng: - Lời tôi nói bay ra mất rồi, không nhốt lại được nữa anh Hải ạ... Nhưng hy vọng anh đã hiểu tôi. - Anh Nghĩa, vấn đề anh nêu phức tạp quá. Lẽ ra tôi phải cạo cho anh một trận, nhưng hãy để đấy đã... - Cảm ơn, như thế là anh động viên tôi đấy. Tướng Lê Hải gần như tự sự một mình: - Anh làm tôi nhớ lại một chuyện cũ đầu năm 1973, vài tuần trước khi tôi đón anh ở Viện 8(*) [(*) Quân Y viện 108.] về. Hôm ấy tôi lên chỗ cơ quan sơ tán ở Cây đa bảy rễ huyện ứng Hoà để phổ biến cho anh em Viện ta việc ký kết hiệp định Paris. Cả Viện hoan hô rầm rầm. Ngay trưa hôm đó có bữa liên hoan mừng thắng lợi. Tôi vừa mới nâng chén rượu quốc lủi chúc mừng mấy câu, thì cụ chủ nhà ngồi cạnh tôi, một ông già nông dân gần 90 tuổi, chống gậy đứng lên giữa chiếu, tay giơ cao chén rượu: “Chúc mừng thắng lợi! Mỹ cút rồi, còn làm cho nguỵ nhào nữa là thực hiện đúng lời Cụ Hồ! Nhưng các anh không được quên nước ta còn có nhiều đối tượng nguy hiểm khác! Từ giờ trở đi phải biết lo liệu chung sống với nước Tàu!” - Trời ơi, nhận xét của ông già sắc sảo quá! - Đúng thế. Anh biết không, tất cả chúng tôi sững ra, sau đó mới nhao nhao chúc rượu ông cụ, vừa kinh ngạc, vừa kính phục. Nhưng hôm nay, nghĩa là gần 3 năm sau, có lẽ tôi mới hiểu rõ câu nói của cụ già nông dân này. - Anh xem, nhân dân ta là như vậy. - Anh có thể tưởng tượng được không, cụ già này có sáu con và cháu lúc ấy đang tại ngũ. Tất cả đều ra trận hết, không một ai là lính cậu. Có một con và một cháu là liệt sĩ, cả thảy là tám người! Lần nào lên thăm anh em chỗ sơ tán, tôi cũng thấy cụ suốt ngày ngồi ôm cái bán dẫn, nghe hết chương trình phát thanh này đến chương trình khác... Cụ khoe với tôi, cái bán dẫn của cụ là do đứa cháu đích tôn mang từ Liên Xô về biếu cụ, anh ta là tiểu đoàn trưởng bộ đội tên lửa. Cụ nói: Cái tăng-dít-to này đưa tôi đi khắp cả nước, khắp thế giới, dù rằng từ gần hai chục năm nay tôi không bước chân ra khỏi làng mình nữa! Trước đó chỉ có cái ga-len, nghe câu được câu chăng, bực cả mình... - Anh thấy chưa... Một cụ già không chống nổi gậy ra khỏi làng mình nữa còn nghĩ như vậy, huống chi chúng ta! - Suốt bữa cơm liên hoan hôm ấy, tôi ngồi bên cụ, ướm hỏi vì sao cụ lại nảy ra ý nghĩ cảnh báo chúng tôi như vậy. Cụ tợp một ngụm rượu nhỏ, rồi giảng giải: Ông tính, kẻ thì muốn đưa chúng ta trở về thời kỳ đồ đá, kẻ thì muốn ta đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Họ ác thế thì thắng bận này làm sao yên hàn ngay được? Ngồi nghe, tôi cứ ớ ra... - Chúng ta phải tôn cụ già Cây đa bảy rễ lên làm thầy! Thực quả có lúc tôi đã mang máng những suy nghĩ ấy. – Nghĩa đồng tình. - Nhưng chưa bao giờ đi xa tới mức đặt thành vấn đề nghiêm túc như anh vừa nêu ra anh Hải ạ. - Tôi định... - Lịch sử không làm lại được, nhưng bài học có thể rút ra được. - Nghĩa chen ngang câu nói của tướng Lê Hải, với dụng ý dồn Lê Hải suy nghĩ đến cùng. Lê Hải đi về bàn làm việc của mình, trầm ngâm. Thấy nóng tay, ông dụi vội điếu thuốc đã cháy gần hết vào cái gạt tàn: - Rõ ràng cuộc sống cả nước ở phía trước không cho phép tránh né bất kể điều gì... Cái mong muốn, cái bất cập, điều kiện khách quan, điều kiện chủ quan... Mấy thập kỷ liên tiếp từ trong chiến tranh bước ra, làm sao tránh được bao điều ngỡ ngàng. Phải xem lại tất cả. Chẳng có ai là thần thánh, cũng không thể có chuyện đoán mò, bói toán. - Anh Hải ạ, - Nghĩa đứng dậy đi tới chỗ Lê Hải ngồi, nắm lấy cánh tay ông, giọng nói đầy xúc động: - Suốt cuộc đời chinh chiến, cả anh và tôi đều có thể nói với chính mình: Chúng ta đã chiến đấu không một giây phút dao động... Có phải thế không anh Hải? - Chúng ta không phải hổ thẹn về điều này. - Anh hơn tôi hẳn một giáp. Trận mạc anh xông pha nhiều hơn tôi. Khác chăng là anh thấu hiểu hơn tôi cái giá đất nước ta phải trả. Chiến đấu không phải chỉ nhằm đánh bại kẻ thù, mà cuối cùng là để tìm đường xây dựng cho đất nước có thể ngẩng mặt với thiên hạ. - Ôi Nghĩa. Cách suy nghĩ của anh chạm vào bài học đau đớn của tôi trong cuộc đời binh nghiệp. - Anh đã từng phải chịu thảm bại? - Tôi đã phải trả giá đắt. - Trận mạc tất nhiên có lúc thắng lúc bại. - Chuyện này khác, lâu rồi, nhưng chưa một lần nào tôi chạy trốn được chính mình. - Đời người ta ai không có lúc phải tự phán xét mình hả anh Hải! - Vâng... Đó là lần tôi quyết xoá sổ chi khu Cái Nước của giặc. Không dè là sau trận thắng ngoạn mục này, cơ sở toàn vùng Cà Mau – Năm Căn bị lộ nên bị xoá trắng. Một năm sau ta chưa giành lại được thế trận đã mất, tốn bao nhiêu xương máu mà kể. Tôi ân hận mãi... Lúc ấy lẽ ra tôi có thể đề xuất một quyết định khác. Nhưng tôi đã ham thắng lớn một trận nhỏ để tự khẳng định mình. Kết cục tôi để thua một trận lớn! Thú thực với anh, cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa nói với ai điều cắn rứt này... - Suy cho cùng dân tộc ta chiến đấu là để chặt đứt cái vòng luẩn quẩn đến phi lý của định mệnh, của cái thằng lịch sử các bà mẹ chúng ta vẫn chửi đấy anh Hải ạ. - Nghĩ lại bây giờ tôi vẫn còn đau về chiến thắng thảm bại của mình hồi ấy. Cái cá nhân của con người ta ranh ma và khó lường lắm Nghĩa ạ. Nhất là vào lúc đất nước có những vấn đề cực kỳ nhạy cảm. - Tôi hiểu được anh đang nghĩ gì. - Tôi cảm thấy anh đang tiếp tục luồng tư duy rút ra từ tổng kết chiến dịch Quảng Trị. Cứ làm như thế đi. - Vận may và vận mệnh của đất nước thường gắn với dấu ấn của con người anh Hải ạ... Nhiều khi tôi phải trở lại mổ xẻ những sự kiện từ Cách mạng tháng Tám và trước nữa... - Thôi được, chúng ta không phải thuyết nhau nữa. Anh đừng quên tôi vào loại nhớ dai đấy. Hãy lấy danh dự mà hứa là anh còn nợ tôi việc tổng kết này. - Vâng, tôi hứa. Nghĩ dần được điều gì tôi sẽ nói cho anh nghe điều đó. - Hay lắm, có một câu hỏi khác tôi tự trả lời được rồi.– Tướng Lê Hải dừng lại. - Câu hỏi gì đấy ạ? – Nghĩa giương to mắt. - Nêu lên những vấn đề hệ trọng như vậy về tương lai đất nước, chính anh đã tự bác bỏ đề nghị xin giải ngũ của mình rồi, chứ không phải tôi. - Không, anh Hải! Đấy là hai chuyện khác nhau... – Nghĩa giãy nảy lên. - Thôi! Nhân danh chủ toạ, tôi tuyên bố bế mạc. Hết! Không nói thêm gì nữa. – Lê Hải cười oang oang không cho Nghĩa nói. Thiếu tướng chủ động đứng dậy bắt tay, gần như muốn Nghĩa cũng phải đứng dậy. Nghĩa đành lắc đầu, cùng cười và đứng dậy theo... Ngoài hành lang cán bộ chiến sĩ đi ăn trưa lục tục trở về, ầm ĩ tiếng nói cười. Lúc này đã quá mười hai giờ lâu rồi...
♦ ♦ ♦
Ít lâu sau, ngày 22 tháng 12 năm 1978, Pônpốt đưa 19 trong tổng số
23 sư đoàn của Khmer đỏ mở chiến dịch lớn, có xe tăng và pháo binh
yểm trợ. Từ Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu thuộc tỉnh Xoài-riêng và
Kông-pông-chàm, chúng ào ạt tấn công vùng Bến Sỏi của ta, với mục
đích đánh chiếm chớp nhoáng tỉnh Tây Ninh. Cánh quân đi đầu tiến sâu
vào trong lãnh thổ ta, cách Sài Gòn khoảng hơn 100 cây số.
♦ ♦ ♦ Trong bữa cơm trưa ở nhà ngày hôm đó, đầu óc Nghĩa không dứt ra khỏi cuộc nói chuyện với tướng Lê Hải. Lời răn của cụ già cây đa bẩy rễ thu hút hết tâm trí anh. Bà Nguyệt rất ngạc nhiên thấy chồng chẳng nói chẳng rằng, thậm chí lơ đễnh như một người máy, ngồi ăn mà không biết nghe, không biết nói... - Hôm nay ăn muộn, chắc anh đói lắm.
Bà ướm mấy câu bâng quơ nữa, không thấy ông Nghĩa đáp lại. Bà đoán
là chồng mình đang lo nghĩ điều gì. - Cá nục hôm nay kho hơi mặn, phải không anh? Trung tá Nghĩa như trên trời rơi xuống đất. - Em nói gì? Cơm hôm nay rất ngon mà. - Không, em hỏi cá có mặn quá không. - Không, Không. Rất ngon mà. Độn mỳ ăn quen rồi. Mấy hôm nọ hết mỳ, cơm không ăn khô không khốc! Bà Nguyệt buông đũa bát, gục mặt xuống bàn mà cười: - Em hỏi một đằng, anh trả lời một nẻo. Chắc anh đang lo chuyện gì rồi. Ngồi ăn mà chẳng nghĩ gì về ăn. - Anh chịu em về tài bắt nọn. Quả là như vậy... – ngẫm nghĩ một lúc ông Nghĩa nói - Việc anh xin giải ngũ phải tạm gác lại thôi Nguyệt ạ. - Vì anh là nhân tài không ai thay thế được! Em rất lấy làm vinh dự. Ông Nghĩa vỗ nhẹ nhẹ lên vai vợ, cười ngất, song vẫn là những tiếng cười hiền hậu của một người có giọng nói nhỏ nhẻ: - Em truy kích anh đúng hướng. Cứ cho là như thế đi. - Lại một lần nữa anh nói dối không giỏi. Nhưng thôi, chỉ cần biết anh ăn vẫn ngon miệng là được rồi. Nếu không em sẽ mắc khuyết điểm nhân dân không biết chăm sóc thương binh. Ông Nghĩa chỉ cười: - Đối thoại với em bao giờ anh cũng thua. Nghề dạy văn của em quả có nhiều biệt tài lợi hại. - Ít nhất là để anh khó bắt nạt. - Đúng là anh đang có nhiều việc phải lo thật em ạ. À mà sao hai con trưa nay không về ăn cơm? - Anh thấy chưa, lơ đãng đến nỗi ăn cơm mà quên cả các con, rõ là ông bố ăn tham! - Quy kết cho anh thế nào cũng được. Vì em sinh ra là để truy kích anh mà. Năm nảo năm nào chân ướt chân ráo về đến Hà Nội, chưa kịp đặt balô xuống đã bị em tóm gọn. Bị tóm rồi mà vẫn còn bị truy kích suốt đời... - Thôi đi, lại âm mưu chuyển bại thành thắng! – Bà Nguyệt cười, vì câu này khiến bà hết cách trêu chọc ông. - Hai con hôm nay tập trung ở nhà bạn để chia tổ, nhận lớp, bắt đầu niên học mới rồi. Ngoài tội thờ ơ cả với con ra, xem ra anh còn thua xa chú Kiệt về nhiều mặt khác. - Thua Kiệt là cái chắc rồi. Chú ấy có thể thay mặt cả nước đối đáp với nước ngoài. Còn anh chỉ là một chiến sĩ cầm súng. Nhưng hôm nay em định nói anh thua điểm gì? - Chú Kiệt là nhà ngoại giao nhưng rất thực tế. Còn anh là nhà lính nhưng lại mộng mơ. Không mộng mơ thì làm sao nằm trên rừng cũng nhìn thấy em? - Chú cho mình và cho anh Chính mỗi nhà một nồi áp suất Liên Xô. Thứ này được việc lắm anh ạ. Nếu không hôm nay anh làm gì được thưởng thức món cá kho ngon thế này! Rất rục, ăn được cả xương. - Như thế có đỡ tốn thức ăn không em? Em chọn cho anh toàn những khúc ngon. - Đỡ nhiều chứ anh. Kiểu gì thì các loại tem phiếu thực phẩm cả tháng cũng phải chia đều cho sáu mươi bữa! Đã lâu lâu rồi căng-tin mới có cá biển bán theo sổ ngon như vậy. Nghĩa buông bát đũa đứng dậy tập tễnh đi mở nồi cá kho: - Sao lại nhiều cá con và đầu cá thế này? - Em và hai con thế nào cũng xong, cái chính là anh không được ốm! Nghĩa lặng người đi không biết nói gì. Đậy nồi cá lại, về chỗ ngồi, mãi Nghĩa mới thốt lên: - Đúng, Kiệt là người chu đáo. Kinh tế cả nước chắc sẽ còn ì ạch kéo dài em ạ. - May quá, Mai tìm lại được số tem phiếu đánh mất rồi. Hoá ra cô nàng kẹp vào trong quyển sách toán cho bạn mượn. - Làm sao tìm được? - Hôm qua cái Lý mang cả sách và tem phiếu đến trả đầy đủ. - Thế là con bị mắng oan! - Tiêu chuẩn tem phiếu nhà mình là vào loại khá, những nhà khác ít hơn nhiều. Khối gia đình ở nông thôn không tem phiếu và không cả tiền. Nhà mình còn chưa phải ăn độn bo bo như trong Nam đấy! - Lo cho cái ăn của dân thật là đại sự của chính phủ. Còn tiếp tục khó khăn nhiều em ạ, chuẩn bị tinh thần đi là vừa. - Sao cứ suốt đời phải chuẩn bị tinh thần thế hả anh? Hàng chục năm nay lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần!.. Chỉ nghe anh nói câu này em đã sởn gai ốc. - Em vẫn chưa hết sợ? - Hết làm sao được anh? Từ khi lớn lên, gần như em chỉ sống với lo và sợ! - À ra thế. Nghĩa là không còn tâm trí đâu nữa mà sống vì yêu anh? - Buồn quá phải không anh?!.. - Phải. - Biết làm thế nào được... Anh ăn quả cam này đi. Cam nông trường Đông Hiếu anh ạ, cũng bán theo sổ... - May quá, nói đến cam làm anh nhớ đến một việc quan trọng. Vài hôm nữa đến ngày giỗ cậu Lâm rồi. Sẽ là cái giỗ thứ ba, theo phong tục gọi là giỗ hết, em chuẩn bị cho anh một cái lễ nhé. Cuối năm nay cũng giỗ hết cậu và gia đình em Minh... Nghĩa định nói thêm với vợ vài câu chuyện nữa, song mắt ông đụng phải cái túi vải ở gần chỗ ngồi ăn cơm, có một mớ len đỏ và hai chiếc kim đan thò ra. Thương vợ vất vả, ông ăn cho nhanh rồi cùng vợ dọn dẹp, vì giờ nghỉ trưa rất ngắn. Bây giờ Nguyệt và con gái thường phải nhận len về đan áo cho mậu dịch để có thêm đồng ra đồng vào chi cho những thứ ngoài tem phiếu. ...Vợ chồng ông Nghĩa cưới nhau năm 1957, ngay sau khi ông kết thúc lớp học đặc biệt hai năm bồi dưỡng lý luận quân sự tại trường đại học Phrunde ở Matxcơva về. Ông Nghĩa không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ra nước ngoài, lại càng không nghĩ đến chuyện được đi học ở nước ngoài. Kể từ ngày học xong trường thiếu sinh quân năm 1951, ba anh em Chính, Nghĩa, Kiệt được phân công mỗi người đi mỗi ngả. Chính được cử sang học ở trường đại học Thanh Hoa, ngành xây dựng giao thông, chuẩn bị cho hoà bình xây dựng đất nước sau này. Suýt nữa nhà trường giữ Chính lại làm trợ giáo cho các lớp thiếu sinh quân tiếp theo. Nhưng một đồng chí lãnh đạo cao cấp gạt đi: Phải ráng chuẩn bị cho tương lai, kháng chiến thắng lợi sẽ có nhiều việc không chuẩn bị kịp... Kiệt được cử đi học ở Học viện ngoại ngữ, sẽ phục vụ cho ngoại giao. Thế là Chính và Kiệt cùng lên đường đi Bắc Kinh. Riêng Nghĩa, vì nhiệt tình yêu nước của tuổi trẻ, và còn vì tính lãng mạn yêu đời, một mực trước sau đòi xung vào bộ đội, mặc dù tổ chức thấy Nghĩa có năng khiếu ngoại ngữ hơn Kiệt. Sau 4 tháng huấn luyện tại trường sĩ quan lục quân Liên khu Việt Bắc, Nghĩa ra trận, tham gia mấy chiến dịch Đông – Xuân, từ Liên khu 3, lên Tây Bắc, đi Điện Biên Phủ... Cuộc đời học tập có lý luận cơ bản của Nghĩa để trở thành sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam thực ra bắt đầu từ những bài giảng ở trường đại học quân sự Phrun-de, sau đó được rèn luyện qua kinh nghiệm thực tiễn của những năm tháng quyết liệt trên chiến trường chống Mỹ ở miền Trung. Sau này ông Nghĩa thường nói với bạn bè và trong gia đình: Hai năm ở đại học Phrun-de đối với ông không phải chỉ là học thêm những kiến thức mới về lý luận quân sự. Đấy còn là những năm tháng bắt đầu mở mắt nhìn ra thế giới, và cũng là những năm tháng dấn sâu vào thế giới tâm hồn con người. Song ngoài cái tính lãng mạn từ trong máu ra, dấu ấn đầu tiên góp phần hình thành nhân cách suốt đời Nghĩa có lẽ là những năm học tại trường Thiếu sinh quân. Thầy dạy là các nhà giáo chiến sĩ, các cán bộ lớp cha anh, các văn nghệ sĩ có tên tuổi... Mỗi thày mức độ thông tuệ khác nhau, một tài riêng, một cá tính, làm cho học trò khó quên. Nhưng tất cả các thầy cùng chung một tâm hồn làm rung động tâm hồn các học trò của mình. Một vài cuốn sách kinh điển bằng tiếng Pháp viết về triết học, mỹ học không biết từ đâu được gửi đến trường, Nghĩa đọc ngấu nghiến. Một vài thầy chỉ đến giảng một vài tuần. Có thầy chỉ đến giảng có một bài, trong đó có tướng Nguyễn Sơn... Nghĩa đã có lần phải thốt lên với anh mình: - Em không biết sau này ai có thể bình về số phận của Kiều và Từ Hải, về tình yêu giữa giữa hai người sâu sắc hơn tướng Nguyễn Sơn không... - Có khi chính Nguyễn Sơn đã trải qua những long đong như thế! Lòng ham hiểu biết và cái chất lãng mạn gần như bẩm sinh trong người lính Phạm Trung Nghĩa được nuôi dưỡng từ các thầy như vậy trong những năm tháng ở trường Thiếu sinh quân, đến Matxcơva lại được tiếp thêm nguồn sống mới. Bước vào nhà trường đã đào tạo biết bao nhiêu tướng sĩõ tài giỏi của Liên Xô này, Nghĩa vừa tròn 23 tuổi, tràn đầy sức sống... Những năm tháng chiến đấu trên các chiến trường Tây Bắc cất cánh cho tâm hồn anh. Sang đến Matxcơva, nhờ có vốn tiếng Pháp, anh học tiếng Nga khá thuận lợi, học rất chăm và tiếp thu nhanh, tính yêu thích văn học, nghệ thuật từ hồi học sinh trỗi dạy một cách mãnh liệt. Đại tá Vatsili Kôtôyepski (Vassily Kotojevsky), một ông già anh hùng quân đội Xô-viết trong chiến tranh Thế giới lần thứ hai, là người phụ trách lớp của Nghĩa. Ông rất thích nói chuyện với Nghĩa. Một lần trong giờ nghỉ giữa buổi giảng môn triết, ngồi với Nghĩa bên cốc nước tràø chanh trong căng-tin, ông nhận xét: - Anh Nghĩa, tôi cảm thấy anh là một người mơ mộng nhiều hơn là một chiến sĩ. Khi tranh luận về mỹ học, tôi không thấy bóng dáng hay gân guốc của chiến tranh toát ra trong tâm hồn anh. Hay nói cho đúng hơn, chiến tranh bị tâm hồn anh át đi. - Có lẽ vì tôi từ chiến tranh bước ra nên khao khát hoà bình quá đấy ạ. - Những ý kiến anh phát biểu đầy lãng mạn. Câu chuyện anh kể ngồi giữa chiến trường Tây Bắc Việt Nam nhờ dân địa phương dạy mình học các bài hát của các dân tộc miền núi, tình yêu của anh đối với dân ca các địa phương, anh tìm thấy lẽ sống trong các bài hát ấy... Nghe anh nói cảm nghĩ của mình về Yepgiêni Ônêghin (Yevgeny Oneghin)(*)[(*) của Pu-skin.(*) của Pu-skin.], về bài hát Tôi yêu cuộc sống(**)•[(**) Bài hát Nga nổi tiếng “Cuộc sống ơi, tôi mãi yêu người”.] rung động tâm hồn anh như thế nào... Tất cả làm tôi xúc động... - Thưa đại tá, thực quả là tâm hồn Nga đã chinh phục tôi. Còn trước sau tôi vẫn là một người lính thực thụ đấy chứ ạ... Hay là... đại tá cho tôi là lính cậu? - Cầm súng mà yêu cái đẹp thì càng xứng đáng là một chiến sĩ. Tôi yêu người chiến sĩ biết yêu như vậy. - Như vậy là tôi được đại tá thông cảm có phải không ạ? - Anh biết không, khi tiễn tôi ra Hồng trường để từ đấy bắt đầu cuộc hành quân ra thẳng mặt trận phía Đông, vợ mới cưới của tôi tặng tôi cuốn Yevgeny Oneghin. Cuốn tiểu thuyết bằng thơ ấy chiến đấu cùng tôi trong mọi trận đánh, chịu thương tích cùng tôi, cùng chiến thắng, nhưng khi cả hai chúng tôi trở về, nàng không còn nữa... – giọng người lính già trầm lắng, mắt nhìn về đâu đâu như đang cố tìm dõi ai nơi xa xăm. Bàn tay Nghĩa nắm chặt bàn tay đại tá... Có lẽ những cuộc trao đổi tâm tình như thế khiến ông già Vatsili có cảm tình đặc biệt với Nghĩa. Vợ chồng ông đại tá thường giữ Nghĩa ở lại nói chuyện rất lâu trong những buổi Nghĩa đến thăm. Hơn thế, Natasa, con gái ông bà, ở tuổi đang đi đến tình yêu, học tại nhạc viện Tchaikovsky, yêu Nghĩa với tất cả tình yêu của mối tình đầu. Hai người biết nhau vì cả lớp Nghĩa – vẻn vẹn có 12 người - tuần nào cũng được ông bà Kôtôyepski mời về gia đình ăn cơm tối thứ bẩy. Tình yêu của Natasa đối với Nghĩa là tình yêu dành cho cái chân chất của người bộ đội Việt Nam. Hơn nữa, đó còn tình yêu của hai tâm hồn gặp nhau... Chính Natasa, nhất là tình yêu tha thiết giữa hai người, là kẻ dẫn đường cho Nghĩa thực sự bước sâu vào thế giới tâm hồn. Hầu như tuần nào Natasa cũng đưa Nghĩa đi nghe nhạc giao hưởng, các buổi biểu diễn dân ca các dân tộc Liên Xô, hoặc dắt Nghĩa đi xem các viện bảo tàng... Có một lần, buổi biểu diễn hoà nhạc kết thúc đã lâu, đèn lại bật lên sáng trưng. Dàn nhạc và thính giả đã ra về hết. Giữa phòng hoà nhạc vẫn còn ngồi lại một đôi trai gái, tay trong tay lặng ngước nhìn lên bục biểu diễn của các nhạc công. Họ cứ ngồi yên như thế mãi, tâm hồn như vẫn còn đang bay bổng theo tiếng nhạc vương đọng đâu đó trong không trung. Người phụ trách phòng nhạc trân trọng những giây phút ấy, không nỡ làm bất kể điều gì đụng chạm đến sự yên lặng thiêng liêng này nên chỉ kiên nhẫn đứng chờ... Đó là buổi biểu diễn bản concert cho đàn dương cầm số 1. cung Fa thứ, opus 21 của Fryderyk Chopin. Cả Natasa và Nghĩa đều hiểu tâm hồn của họ thuộc về nhau.
Âm nhạc có lúc đưa họ đi suốt chiều dài những đêm tuyết sáng trắng
dòng sông Mátxcơva...
Trên đường tiễn Natasa về nhà, Nghĩa cảm thấy chân không muốn bước.
Tim anh thổn thức như đang ứa máu... Khi chia tay, Natasa nắm lấy cả hai bàn tay Nghĩa: - Mẹ em đã từng tiễn bố đẻ của em ra trận. Bố đẻ em không bao giờ trở về nữa. ...Không bao giờ nữa, anh ạ... Tổ Quốc anh vẫn còn một nửa chưa được giải phóng. Hãy giữ mãi nụ hôn này cho em... Nghĩa định nói điều gì, thì cửa sổ nhà ai đó phía trên chỗ hai người đang đứng chợt hé mở. Từ khung cửa sổ này lời ca thiết tha của bài hát Đôi bờ vang vọng xao xuyến trong không trung. Nghĩa chưa kịp hé lời, Natasa đã lấy ngón tay chỏ bé nhỏ của mình đặt lên môi Nghĩa. Cả hai đứng lặng. Khi bài hát dứt, Natasa khóc nức nở vùng chạy vào trong nhà. Còn Nghĩa hai chân bị chôn chặt trong tuyết... Đấy là nụ hôn đầu tiên và cũng là nụ hôn vĩnh biệt... Nghĩa chết lặng, và hiểu thế nào là yêu. Đặt chân về đến Hà Nội đầu năm 1957, sắp vào Tết, tiết trời năm ấy rét như cắt, nhưng Nghĩa vẫn thấy mình nóng bừng bừng. Đôi lúc Nghĩa tự nói với mình trong lòng ...Không bao giờ nữa... Nghĩa cố hết sức che giấu những nỗi niềm ngổn ngang đằng sau vẻ mặt hân hoan của mình khi trở về sống với bố mẹ. ... Không bao giờ trở về nữa... những đồng đội của mình đã ngã xuống trên các chiến trường Tây Bắc... Không bao giờ nữa... những gì chỉ đến có một lần và chỉ một lần trong cả đời mình mà thôi... Ôi Natasa! Đơn vị chưa kịp nói gì về công tác và nhiệm vụ sắp tới, Nghĩa đã phải lo toan một việc trọng đại. Cả nhà đều giục Nghĩa lấy vợ. Một bất ngờ lớn - Nghĩa chưa kịp nghĩ tới, cũng chưa hoàn hồn sau mối tình đầu để có thể đủ tâm trí nghĩ tới... Nhưng nhà đã chuẩn bị xong cả cô dâu rồi! Rốt ráo nhất là ý của mẹ Nghĩa và Cúc. Hình như phụ nữ có những suy nghĩ và mối lo chung. Bà giáo Tuyên: - Học xong, về nước là để chiến đấu tiếp, có phải thế không con? - Nhất định là thế rồi mợ ạ. - Thế thì lập gia đình đi. Như thế dù con có đi đến cùng trời cuối đất mợ vẫn yên tâm. - Bác còn phải có cháu nội ở nhà, anh đi xa bác mới đỡ nhớ... Bà giáo Tuyên nói một câu. Cúc lại thêm vào một câu. Vào những ngày này, gần như sau mỗi buổi dạy học, Cúc lại đến nhà bác mình, có hôm đèo cả mẹ đến. Chị Hương vợ anh Chính cũng có lúc góp phần. Bây giờ hình như phụ nữ của cả họ Phạm quyết tâm thuyết phục Nghĩa bằng được việc lấy vợ. Bà giáo Tuyên khi nói chuyện với Nghĩa, hết nắm tay, nắm vai lại ôm đầu con. Bà chỉ sợ sẽ tuột mất con trai mình nếu Nghĩa nói “Không!”. Ông giáo Tuyên thủng thỉnh: - Con đi hết chiến trường này đến chiến trường khác. Sẽ còn đi xa nữa. Con nên chiều ý mợ, vì mợ thương con chịu đựng gian khổ vất vả nhất trong tất cả mấy anh em... Nghĩa không tìm ra được lý lẽ nào để trì hoãn. ...Anh Chính đã cưới chị Hương trước khi rời trường Thiếu sinh quân sang học ở Bắc Kinh. Bây giờ đến lượt mình thì đúng quá rồi còn gì nữa... Hai tuần lễ sau khi đặt chân về đến Hà Nội, Nghĩa nhận được lệnh chuẩn bị đi làm nhiệm vụ đặc biệt, trong vòng vài tuần tới sẽ lên đường. Sau này được hiểu đấy là nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến trường B. Lệnh đặc biệt này đưa Nghĩa tới quyết định dứt khoát: Thực hiện mong muốn của mẹ. Đám cưới năm ấy ngoài tiệc trà, bà giáo Tuyên và Cúc cố xoay sở làm mấy mâm cơm ở nhà dành riêng cho việc mời những người thân thiết nhất trong hai họ. Sự giản dị của cô dâu, chú rể, chủ nhà và khách đến dự cưới hình như chỉ làm nổi rõ thêm sự ấm cúng của tình người. Đúng lúc đón dâu về nhà Nghĩa, cơn mưa ập xuống, trút nước ngập lụt đường phố. Không còn cách nào khác... Mưa to như thế mà gần như cả ngõ nhà Nghĩa ngó ra đường xem chú rể cõng cô dâu về nhà! Cuộc sống của một nửa đất nước đang lo cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thật đạm bạc. Thiếu tá đoàn trưởng của Nghĩa ở học viện Phrun-de được mời làm chủ buổi lễ thành hôn. Trước khi ra về, đoàn trưởng kéo Nghĩa ra góc vắng: - Một lần nữa chúc mừng vợ chồng cậu hạnh phúc. Mình thành thật xin lỗi cậu. - Có chuyện gì thế anh? - Thực lòng khi cùng với cậu bước chân xuống ga Hàng Cỏ mình mới yên tâm. - Anh nói gì em không hiểu. - Mình cứ sợ cô Natasa buộc chân cậu ở lại Mátxcơva. Thậm chí mình đã phải báo cáo tổ chức nỗi lo này. Cậu thông cảm, bộ đội thời chiến mà. - Có lúc nào em quên nhiệm vụ không anh? - Bây giờ thì mình có thể nói được cậu là học viên xuất sắc nhất của đoàn! - Cảm ơn anh nhiều lắm. – Nghĩa ôm chầm lấy trưởng đoàn. - Thực ra chi ủy đã mấy lần định đưa cậu ra kiểm điểm, hoặc đề nghị cho về nước để phòng ngừa những hệ quả xấu. Mọi người rất sợ cậu làm ảnh hưởng thanh danh quân đội ta. - Em biết. - Biết sao vẫn cứ dính với Natasa, làm người ta thót tim. Họp lên họp xuống mất bao nhiêu thời giờ! - Các anh yếu tim thế à? - Đồ quỷ! Nhưng em cũng biết Natasa và em yêu nhau thiêng liêng vô cùng. Chẳng biết cắt nghĩa như thế nào cho anh hiểu nhỉ... Lúc nào hai đứa tụi em cũng như sống trên mây... Có phải em lãng mạn quá không anh? - Có bao giờ em có ý định ở lại hay cưới Natasa làm vợ không hả Nghĩa? Phải nói thực! - Vâng. Cả Natasa và em say mê nhiều chuyện quá, thú thực tụi em chưa đủ thời giờ để nghĩ đến điều đó anh ạ. Chúng em lúc ấy có quá nhiều điều để yêu trong lẽ sống của mình. Từng hơi thở, từng ý nghĩ, lúc nào cũng như đang bay cao trên trời. Người ngoài cuộc như anh không hình dung được đâu! Chúng em triết lý với nhau rất nhiều về những gì tụi em cảm nhận được. Âm nhạc, nghệ thuật... Đúng là có một thế giới khác thật anh ạ! Chúng em chắp cánh cho nhau... - Thế này mà cô Nguyệt nghe được thì cậu toi! - Nguyệt biết hết cả rồi mà! - Cái gì? - Em không nói đùa đâu. Đầu thú trước khi làm lễ cưới! - Được khoan hồng? - Được tha bổng! - Thật thế hả? - Vâng, thật mà. - Thôi thôi, tôi vái cậu. Cậu thật là hạnh phúc! Cô dâu Trần Bích Nguyệt kém Cúc một tuổi, cũng con nhà giáo, gốc Hà Nội, cháu ngoại một nhà Nho, một nhà thư pháp nổi tiếng, cụ Trần Thư Điền ở phố Hàng Nón. Nguyệt là bạn cùng học sư phạm trung cấp với Cúc trong kháng chiến. Bố mẹ Nguyệt đều tham gia kháng chiến, làm trong ngành ngân hàng. Năm 1951 mẹ Nguyệt bị chết trong trận giặc Pháp ném bom bến đò Âu Lâu ở Yên Bái, giữa lúc bà làm nhiệm vụ chuyển tiền từ an toàn khu ở Chiêm Hoá sang để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc. Về Hà Nội, Cúc dạy tiếng Nga và Nguyệt dạy văn, cùng một trường. Cúc và bà giáo Tuyên “dấm” Nguyệt cho Nghĩa từ lâu. Nguyệt không có vẻ đẹp gì đặc sắc, nhưng được cái da trắng, cao ráo, có cặp mắt thông minh, nói chung dễ nhìn. Còn bà giáo Tuyên ưa nhất cái tính nết na lễ phép của Nguyệt. Đám cưới được cả hai họ thu xếp nhanh gọn theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, vài ngày trước khi Nghĩa lên đường. ...Tình yêu giữa Nghĩa và Nguyệt thực sự nảy nở và đâm bông kết trái trong những năm sau đó. Đấy là những ngày tháng Nghĩa được huấn luyện gian khổ tại vùng Hoà Bình - Ba Vì - Vĩnh Phú, rồi sau đó chính Nghĩa lại tham gia việc huấn luyện hết đợt này đến đợt khác, chuẩn bị cho các đơn vị bộ đội đi B. Những buổi học chính trị, những ngày học những thao tác chiến đấu và sử dụng vũ khí, khí tài mới. Kết thúc một đợt huấn luyện thường là những ngày đeo đá, leo núi, đi bộ triền miên... bất kể thời tiết nào, ngày hoặc đêm, tập nhịn đói, tập chịu khát. Những cuộc tập trận, lúc chiến đấu cá nhân, lúc chiến đấu theo các đơn vị lớn nhỏ khác nhau. bất kể địa hình nào, tình huống nào... Một vài tuần, có khi hai ba tháng Nghĩa mới có dịp về thăm nhà một lần. Khi Nghĩa từ biệt mọi người thân yêu ruột thịt của mình để cùng đơn vị lên đường vào Nam, bé gái Mai lên bốn tuổi, cún Tân lên hai. Những năm tháng quyết liệt và khắc khoải, cho đến khi cô giáo Nguyệt đón thiếu tá thương binh Phạm Trung Nghĩa từ Quân y viện 108 về nhà. Cuộc sống tiếp tục có trăm nghìn điều phải lo toan, công việc đuổi theo ngày tháng. Thế nhưng vẫn có đêm Nghĩa ôm xiết vợ: - Em ạ, không biết bao nhiêu lần, cho đến bây giờ, có lúc anh vẫn cứ sờ sợ trong tay mình chỉ là một giấc mơ... Về nhà mấy năm rồi mà nhiều lúc cứ ngỡ là anh đã mất em và các con, nghĩa là vẫn còn ngờ ngợ mình không bao giờ trở về nữa... Còn sống rành rành thế này mà cứ ngờ ngợ là mình đã chết, thật kỳ lạ! - Bây giờ thì em chắc chắn là em còn anh! – Nguyệt ghì chặt lấy chồng. - Anh là một người lính sợ chết, phải không em nhỉ? Không bao giờ trở về nữa. Không bao giờ nữa - chính Nghĩa cũng không hiểu mấy tiếng cuối cùng là mình nghĩ trong đầu hay đã nói ra thành lời. - Không phải như vậy. Còn hơn cả giấc mơ anh ạ. Em vẫn nghĩ chúng ta không thể chết! Bây giờ thì em càng tin như vậy. - Đúng là chúng ta sống nhờ vào niềm tin mãnh liệt. - Có những đêm vò võ chấm bài, có lúc đang đạp xe trên đường, từ nhà đến trường hoặc đi sơ tán... Thỉnh thoảng em phải nắm chặt tay lại, tự nói với mình: Chúng ta không thể chết! Không được chết! Anh nhất định sẽ về! Khi là đào hầm cho hai con nơi sơ tán, khi là cún Tân qua khỏi bệnh sởi, khi thoát một trận bom... Vượt qua được một khó khăn, em lại tự nắm chặt tay, tự nói với mình những câu như thế. Thật là những năm tháng khó tin anh ạ... - Chúng ta trở thành bất tử? - Không bất tử, nhưng không thể chết. Đến ngày đón anh ở Quân y viện 108, chỉ kém sáu ngày là đúng 11 năm đằng đẵng! - Ôi Nguyệt!.. Chúng mình còn sống, anh càng thương những anh em đã hy sinh. - Trong cả nước mình có gia đình nào không mất mát hả anh?
- Khổ nhất vẫn là nông dân em ạ. Anh thấm thía nhất điều này trong
những ngày ở Quảng Trị. Riêng các đơn vị anh phụ trách, theo dõi
quân số anh thấy cứ mười chiến sĩ hy sinh thì phải có đến bẩy hay
tám người là từ nông thôn. - Có lẽ như vậy. Không biết cho đến bao giờ... Sinh viên tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp hy sinh ở Quảng Trị cũng nhiều. Anh vừa mới tổng kết xong phần tình hình thương vong của chiến dịch Quảng Trị. - Đúng ra mỗi ngày em phải nhận được của anh ít nhất một thư. Nhưng em hiểu, đấy chỉ là mơ ước. Thư anh gửi về không nhiều, kể cả những lá thư viết dở. Có những thư em đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, nhất là các thư anh viết sau khi kết thúc chiến dịch... Những lá thư ấy là chỗ dựa của em... - Đến bây giờ anh vẫn không hiểu nổi trong hàng trăm, hàng trăm đồng đội thuộc đơn vị anh trên chiến trường Quảng Trị, anh là người duy nhất còn lại trong cái cối xay thịt!.. Người chiến đấu vô cùng ngoan cường hy sinh đã đành, người sợ chết cũng không sống sót được, thật là khủng khiếp. Lính sợ chết cũng nhiều lắm em ạ, nhất là các lính bổ sung... - Tất cả chúng ta là người chứ đâu có phải là sắt đá. - Đành là thế, em ạ. Còn sống trơ trơ thế này mà nhiều lúc anh không tin là mình còn sống! Đến nỗi thỉnh thoảng anh phải tự véo vào da thịt mình, hay tự lấy tay đập đập vào người mình để xoá đi sự ám ảnh của mọi cảm giác ngờ vực, để biết mình thực sự còn sống... Nguyệt ôm chặt lấy chồng, hôn rất lâu: - Cái hôn này có là thật không anh? Cả một quá khứ rực sáng trong ký ức của Nguyệt. ...Tiếng đàn vỹ cầm nỉ non réo rắt năm nào Nguyệt chưa hề được nghe nhưng được Nghĩa thuật lại cho nghe từ con tim mình... Những lúc ngồi hầm cố ôm chặt lấy hai con để che chắn bom đạn cho chúng... Loáng thoáng câu chuyện về Natasa... Một chút ghen... Những lá thư đọc đi đọc lại đầy nước mắt mà vẫn chưa thấy Nghĩa về... Có một đêm khuya, một đêm khuya duy nhất, Nguyệt thủ thỉ hỏi chồng: - Anh quên Natasa rồi hay sao? - Không!.. Em ghen à? thượng tá thương binh Phạm Trung Nghĩa đắn đo hỏi lại vợ. - Không! - Thật không? - Thật, có lúc ghen nhưng thực ra là không. - Vì sao ghen lại là không hả em? - Vì Phạm Trung Nghĩa của em phần nào có công lao tác thành của Natasa! - Trời ơi, Nguyệt của anh! Trong cái giây phút duy nhất ấy, lần đầu tiên Nguyệt cảm nhận được sâu sắc nhất tất cả những gì không thể nói thành lời trong tình yêu của chồng dành cho mình... Câu chuyện này không bao giờ diễn lại nữa, nhưng tình cảm này thường bừng sáng lên trong ký ức Nguỵệt, vào những giây phút Nguyệt xúc động nhất. Tình cảm này giờ đây cũng làm cho bà xúc động như vậy: -Anh nói đi, cái hôn này là có thật không anh! Nghĩa ghì riết vợ, mãi mới nói được: - Cái hôn tự nó trả lời rồi... - Có lẽ sống chết cũng phần nào có số thật anh nhỉ? - Anh nhớ như in, tỉnh lại sau khi bị cưa mất bàn chân phải, bác sỹ trạm xá kể cho anh nghe: Mấy thương binh mới đến cho biết người cõng anh về hậu tuyến đã hy sinh ngay sau khi trở lại vị trí chiến đấu. Vì chiều hôm đó toàn bộ khu công sự đơn vị anh chi chít các hố bom của B52... Anh đã kể cho em nghe rồi. - Em biết... - Trí nhớ của anh nhiều khi cứ bị đứt quãng, chiến tranh là thế em ạ. Bây giờ anh nhớ lại còn một chi tiết anh chưa kể: Ngay sau đó có một việc làm anh khóc, khóc thảm thiết. - Cầu mong người anh hùng của em cũng biết khóc vì sợ! - Không đến nỗi thế, em ạ. Hôm ấy, sau khi kể cho anh nghe về những thương vong mới ngoài hoả tuyến, bác sĩ đưa lại cho anh các giấy tờ còn sót lại trong bộ quần áo rách bươm của anh khi đến trạm. Dở ra xem, thấy trong đó có bức thư lạ, những dòng chữ đứt đoạn, vội vàng... Đọc xong, anh hiểu đấy là thư của người cõng anh muốn gửi về cho gia đình. Lúc này hỏi ra anh mới biết là của cậu ta, trung uý Lâm. Anh cầm chặt lá thư trong tay, thật ra đấy là hai mảnh giấy, những hàng chữ không đầu không đuôi, tự nhiên anh bật lên khóc, khóc xé ngực, vì mình còn sống, mà người cứu mình và nhiều đồng đội khác trong trận này không còn nữa...Đó là lần đầu tiên trong đời lính anh khóc. - Lâm chắc không nghĩ rằng đấy là lá thư cuối cùng viết cho gia đình mình ở Hà Nội... - Chắc thế. Trong những tuần cuối của chiến dịch Quảng Trị, quân số đơn vị anh phải bổ sung thường xuyên. Đến nỗi nhiều cán bộ, nhiều chiến sĩ anh chưa kịp biết mặt biết tên đã hy sinh... Trên vừa giao cho anh đại đội của Lâm lúc tảng sáng, nhưng mới đến xế trưa đại đội này đã thương vong gần hết, trên lại phải bổ sung lính mới… Khi được ra viện Tám, đến nhà thắp hương cho Lâm, lúc nhìn lên ảnh trên bàn thờ anh mới biết rõ mặt người đã cứu sống mình. Ôi, Lâm còn trẻ quá... - Lúc em mang thư đến nhà Lâm, gia đình đã nhận được giấy báo tử. Cậu ấy tốt nghiệp kỹ sư Bách khoa, làm trợ giảng được ít lâu là ra trận ngay. Lúc này cả nước đang thực hiện “3 sẵn sàng”, nhất là trong thanh niên. Lá thư là thứ duy nhất Lâm để lại cho gia đình trước khi hy sinh. Vợ Lâm ôm lấy em mà khóc. Em kể Lâm là người cứu anh, thế là cô ấy cứ đòi đến thăm anh ngay trong bệnh viện, rồi cả em và cô ấy cùng khóc. Em nhớ con gái Lâm năm ấy vừa học xong lớp mẫu giáo...
- Từ chiến trường trở về, anh mới càng hiểu mẹ, hiểu em, hiểu tất cả
các bà mẹ của đất nước ta. Những người phải chịu đựng nhiều nhất, hy
sinh nhiều nhất. Phải từ chiến trường trở về mới hiểu được thấu đáo
điều này em ạ. - Anh nhớ và anh hiểu... Anh bế mãi bé Tân rồi đưa cho cậu mợ... - Ý nghĩ không thể chết giúp em vượt qua tất cả. Cũng may là cậu mợ giúp em rất nhiều, nhất là những năm sơ tán...
Không gian tịch mịch trong đêm khuya tiếp tục lắng nghe câu chuyện
thủ thỉ bên nhau giữa một người từ cõi chết trở về và một người với
niềm tin không thể chết... Hết chương 3
◄Trở lại mục lục Sang Chương 4 ►
|