NGUYỄN TRUNG
DÒNG ĐỜI
Tiểu thuyết
4.
Bản đánh giá cuộc chiến tranh Khmer đỏ trên biên giới nước ta do tướng Lê Hải ký gây ra cho ông Đoàn Danh Tiến những ý nghĩ trái ngược nhau. Ban Tuyên huấn, nơi ông mới được chuyển đến từ chưa đầy một năm nay, thường được trên cung cấp những tài liệu quan trọng như vậy để tham khảo cho việc soạn viết bài giảng cho các lớp chính trị. Là vụ trưởng Vụ Biên tập của Ban, ông Tiến là người duy nhất trong Vụ được Ban cho phép tiếp cận những tài liệu ở cấp độ này. Cũng có lúc ông được thay mặt Ban dự những cuộc họp liên tịch nhiều cơ quan về các chủ trương chính sách mới. Song tại những cuộc họp này ông nghe là chính. Ông tự biện hộ: Nhiệm vụ của mình bắt đầu sau khi những cuộc họp này kết thúc... Nghề làm báo lâu năm trước đây của ông tạo cho ông cơ hội quen biết nhiều nhân vật quan trọng, nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Cuộc sống đào luyện cho ông cách đối nhân xử thế thích hợp. Ông biết nhiều, đi nhiều và viết cũng nhiều. Sự lão luyện đã làm ông nổi danh trên nhiều tờ báo. Chính điều này khiến cấp trên bứt ông ra khỏi công tác làm báo để tăng cường cho công tác tuyên huấn, nhất là từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đi vào thời kỳ kết thúc, đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới... Phân tích của Lê Hải về tình hình trong khu vực và âm mưu của Khmer đỏ có cơ sở xác đáng - ông Tiến thừa nhận Nhưng sao Lê Hải bi quan thế? – một quân nhân đã đi từ Bắc vào Nam rồi lại từ Nam ra Bắc... Đất nước là tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc, là người đi tiên phong trong cao trào cách mạng thế giới, ai sẽ dám đụng đến ta nữa? Trong chiến tranh, cái đáng sợ nhất là tư tưởng hữu khuynh. Sau chiến tranh, cái đáng sợ nhất cũng là tư tưởng hữu khuynh. Bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội lại càng phải chống hữu khuynh... Là một quân nhân từng trải, sao Lê Hải lại có thể đưa ra những nhận xét bi đát như vậy? Hay là Lê Hải ăn phải đũa Phạm Trung Nghĩa? Mình đã mấy lần tranh luận với tay này tại các hội nghị bàn về công tác tư tưởng trong thời bình. Anh chàng thương binh này hình như cũng bị chiến tranh làm bị thương cả ý chí chiến đấu. Anh ta lo lắng quá nhiều về các vấn đề sau chiến tranh. Qua nhiều lần tiếp xúc với ông Lê Hải, ông Tiến còn biết việc Nghĩa đang xin giải ngũ. Nghiên cứu xử lý cuộc chiến tranh biên giới của Khmer đỏ, lại do một người bị thương về tinh thần chiến đấu chấp bút, thì làm sao có được tư tưởng tiến công? Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là tối thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Lại còn hoạ diệt chủng nữa, mỗi ngày hàng trăm hàng nghìn người dân Campuchia vô tội bị Khmer đỏ giết hại, ta khoanh tay ngồi nhìn được sao? Đã thắng Mỹ, chẳng lẽ không thắng được Khmer đỏ? Phải thừa thắng xông lên mới đúng chứ! Bài chính luận của ông nhằm bác bỏ những quan điểm của ông Lê Hải mà không nêu đích danh Lê Hải ra đời trong bối cảnh như vậy. Cả nước đang bừng bừng khí thế, bài báo tạo thêm hưng phấn lòng người và gây tiếng vang lớn. Nhưng trước hết bài báo đã đánh trúng lòng tự ái của một dân tộc vừa mới chiến thắng vẻ vang! Ông Tiến hoàn toàn bị bất ngờ về điều này, cảm thấy mình đang bay vút lên trời cao... Ông tự rút ra cho mình một kinh nghiệm mới: Thì ra dư luận là một cái gì đó khá mong manh, dễ tác động nếu biết lựa chiều thích hợp! Từ ngày chuyển hẳn về Ban, ngót nghét một năm nay, qua bài báo này ông mới có dịp lại xuất hiện trở lại trên diễn đàn báo chí. Vốn là dân cầm bút viết chuyên mục chính luận, việc bác bỏ những ý kiến của Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa đối với ông không khó. Đồng thời nghề viết lách của ông cũng dạy cho ông sự khôn ngoan cần phải có. Ông tránh đụng chạm đến hướng xử lý vấn đề, chỉ đưa ra những lập luận đanh thép về toàn vẹn lãnh thổ, về chủ quyền quốc gia, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, giương cao ngọn cờ chiến thắng và nhiều lời bình luận cứng rắn khác. Sự ra đời đúng lúc của bài báo, lại được nhiều báo chí đăng tải, trở thành một sự kiện báo chí. Những lập luận vững chắc tính lập trường nguyên tắc, tinh thần yêu nước cháy rừng rực trong bài báo, người đọc không bác bỏ vào đâu được... Sự tán thưởng làm cho danh ông Tiến nổi như cồn, tên tuổi ông trong Ban thêm rạng rỡ. Khmer đỏ tiếp tục leo thang chiến tranh biên giới Tây Nam, cứ như là để tiếp tục thừa nhận những nhận định thôi thúc đầy tính chiến đấu của ông Tiến là đúng đắn. Ông càng cảm thấy hãnh diện, càng cảm thấy được cổ vũ đi sâu hơn nữa vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác mới nổi lên sau chiến tranh... Không biết tự bao giờ ông đưa ra ngày càng nhiều ý kiến về những lĩnh vực quan trọng như cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới, cải cách giáo dục, con đường đi tắt đón đầu của đất nước công nghiệp hoá lên chủ nghĩa xã hội. Ông viết nhiều bài và được in thành tập “tài liệu tham khảo, lưu hành nội bộ, không phổ biến”... Ngôi sao Đoàn Danh Tiến chói sáng trong làng lý luận. Công việc sau chiến tranh bộn bề, người làm được việc vô cùng thiếu. Đột nhiên Ban chỉ đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam xin ông Tiến vào hỗ trợ công tác tuyên truyền. Đây là nhiệm vụ kinh tế và chính trị rất phức tạp. Có lẽ ánh sáng lấp lánh của ngòi bút lý luận Đoàn Danh Tiến đã thu hút sự chú ý của Ban cải tạo. Mình ngồi chưa ấm chỗ mà đã có chỉ thị lên đường nhận nhiệm vụ mới! Tuyệt quá, thời cơ lớn đang đến với mình!.. Ông nhâm nhi niềm kiêu hãnh, đón tờ quyết định trên tay với tất cả lòng hăm hở. - Tôi đến chào anh trước khi vào Thành phố nhận nhiệm vụ mới. Thưa anh, tôi đã sẵn sàng ra trận. - Ông Tiến đến chia tay ông trưởng Ban, thủ trưởng của mình. - Mời anh ngồi. Thời bình mà anh rất khẩn trương. - Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách mà anh. - Đành là như thế... Rất tiếc đang lúc bận rộn nên cơ quan không liên hoan tiễn anh được. - Ông trưởng Ban vồn vã. - Bày vẽ làm gì anh. - Anh thông cảm thế là tốt. Tạm coi việc biệt phái này là chuyến đi công tác dài ngày. Tuỳ tình hình rồi sẽ liệu. - Xin anh đừng quá bận tâm về tôi. - Anh Tiến ạ, nếu công việc đòi hỏi, tôi sẽ giao cho tổ chức chuyển anh vào biên chế của Ban cải tạo, hoặc biên chế của Văn phòng Ban ta trong ấy. Lúc đó sẽ phải tính đến việc chuyển cả gia đình anh ngoài này vào. - Được Ban quan tâm như vậy, tôi xin cảm ơn. Thật là một vinh dự lớn. Tôi cũng làm xong việc chuẩn bị tư tưởng cho gia đình. Bản thân tôi không đặt ra điều kiện gì. - Nếu ai cũng nghĩ như anh thì công tác tổ chức cán bộ của Ban nhẹ biết mấy. Để anh đi bọn tôi trống vắng lắm, thiếu một cây bút lý luận dày dạn. - Tre già măng mọc, lo gì anh. - Hiển nhiên là vậy. Nhưng giữa lúc tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa tình hình trở nên phức tạp quá. Tự dưng nổ ra vấn đề “nạn kiều”(*)•[(*) Vấn đề người Việt gốc Hoa bỏ chạy ra nước ngoài, Trung Quốc gọi đấy là vấn đề nạn kiều.] . Cộng đồng người Việt gốc Hoa lũ lượt bỏ trốn ra nước ngoài. Vấn đề “thuyền nhân” ngày càng nóng bỏng. Khmer đỏ càng leo thang, càng nhiều nước công khai giúp nó chống ta. - Ông bạn láng giềng lớn là người đỡ đầu số một. - Ông Tiến muốn tỏ ra mình nắm vững vấn đề. - Thế mà Núi liền núi, sông liền sông... đấy! Mỹ đã quyết định cấm vận. Thái Lan ngoắt một cái bây giờ tự phong là nước tuyến đầu của ASEAN chống ta. Anh xem, công tác chính trị tư tưởng lúc này càng không đơn giản. - Nhưng uy tín của nước ta sau khi thắng Mỹ lớn lắm anh ạ, không kẻ nào làm gì được đâu. Đụng vào Việt Nam bây giờ là đụng vào lương tri của thời đại! - Cứ cho là thế... - Anh ạ, đã thắng nổi Mỹ thì ta làm gì cũng được. Vì thế tôi cho đánh giá bên chỗ các anh Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa là bi quan, là mất tính chiến đấu. Trái với cả với nhận định cơ bản của Đảng ta về nội dung thời đại chúng ta đang sống. Anh có nhận xét như vậy không? - trong khi nói hăm hở, ông Tiến vẫn nhìn thẳng vào ông trưởng Ban, cố tìm sự đồng tình. Ngẫm nghĩ mãi ông trưởng Ban mới đáp lại: - Diễn biến tình hình hiện nay phức tạp hơn cả nhận định của bên Viện anh Hải. Lúc Ban nhận được bản đánh giá của Viện anh Hải, tình hình chưa căng thẳng như bây giờ đâu... Báo chí xấu của nhiều nước đang rộ lên chiến dịch chống Việt Nam. Đoàn Danh Tiến ngắt lời trưởng Ban: - Xưa nay anh vẫn thích câu ngạn ngữ: “Chó cứ sủa, lạc đà cứ đi!”. Bây giờ anh chán câu này rồi à? - Bây giờ tôi muốn thận trọng hơn. Hình như họ đang hùa nhau, thành một chiến dịch hẳn hoi. Người thì nói Cộng sản Việt Nam thắng trong chiến tranh nhưng sẽ bại trong hoà bình. Kẻ thì gọi ta là tiểu bá. Tệ hơn nữa là có kẻ còn nói Việt Nam đã từng giương cao ngọn cờ chống xâm lược, bây giờ là kẻ xâm lược... - Chính vì thế phải chủ động phản công. Phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa với thế giới. Hàng ngũ trong nước phải xiết chặt hơn nữa, không được một giây phút hữu khuynh... - ông Tiến sôi nổi. - Không được hữu khuynh, kể cả trong đối nội. Tôi đồng ý với anh điểm này. Đây là lúc càng phải đẩy mạnh chuyên chính vô sản và tăng cường chế độ xã hội chủ nghĩa. Về phương diện này anh hoàn toàn có lý. Chỉ có một điều là... - Tôi cho rằng mọi việc phải bắt đầu từ nâng cao ý chí chiến đấu. Phải muôn người như một, tập trung dân chủ cao độ. Có cái chất này đã rồi mới bàn được mọi việc... Bây giờ là lúc dễ hữu khuynh hơn thời chiến... - ông Tiến vào cuộc ngay. - Tôi thừa nhận anh có một tài năng bẩm sinh. Nói ra là thành văn một cách tự nhiên, cứ như là đọc chính luận... - ông trưởng Ban rót thêm nước cho ông Tiến. - Hùng biện lắm. Song đừng quên cánh tuyên huấn chúng ta thường yếu khi bàn về những chủ trương, biện pháp. Thiên hạ vẫn giễu chúng ta là “nói được nhưng không làm được”. Họ còn đặt nhiều chuyện tiếu lâm về chúng ta nữa. - Kệ họ anh ạ. Có quyết tâm, không hữu khuynh. Như thế sẽ có tất cả. Đây mới là gốc của vấn đề. Anh thử hình dung, nếu hai cuộc kháng chiến vừa qua thiếu cái gốc này? - Được lắm. Còn điều này suýt nữa tôi quên. Anh em trong đó nhiệt tình cách mạng rất cao, nhưng lý luận bài vở có hạn thôi. Phần đông là những người trưởng thành trong thực tế chiến đấu. Anh cần chú ý điều này. Nếu không sẽ dễ va chạm. Nhất là cần tránh việc lên lớp người ta, đừng để sinh ra mặc cảm... Tiễn Đoàn Danh Tiến đi rồi, trưởng Ban không khỏi phân vân: ...Tiến hồi này hiếu thắng quá. Lúc nào đó phải kìm cương cậu ta lại một chút! Con ngựa này háu đá!.. Ra về, Đoàn Danh Tiến hỉ hả về những đánh giá cao của trưởng ban dành cho mình, song không khỏi băn khoăn về mấy câu dặn dò cuối cùng. Tuy nhiên ông đủ tỉnh táo để nhận ra yếu điểm kinh niên của mình là tính hiếu thắng. Nó đã từng đưa ông lên cao, nhưng cũng làm ông mất khối bạn. Suy cho cùng nhận xét của trưởng Ban không sai, chứng tỏ ông ta thiện chí với mình... Ông Tiến cảm thấy yên tâm. Về đến phòng làm việc, hãy còn nhiều thời giờ. Ông Tiến điện thoại muốn đến chào tướng Lê Hải. Thiếu tướng vui vẻ nhận lời. Xe đưa ông Tiến đánh loáng đã tới nơi. Câu chuyện giữa hai người loanh quanh thế nào lại đụng chạm đến bài báo nổi tiếng của ông Tiến ngầm phê phán quan điểm của Viện. - Anh Tiến vào trong đó, tôi thiếu vắng một người luôn luôn gây cho tôi nhiều cảm hứng để tranh luận. - Có như thế mới vỡ vạc ra anh Hải ạ. - Nói thế nào nhỉ? Đứng về mặt cổ vũ phong trào, tôi thấy bài báo của anh tốt lắm. Song tôi tự hỏi cuộc sống ngày nay quá rắc rối, chúng ta có nên giữ mãi cách tuyên truyền giản lược như thế không? Khi đất nước phải đối mặt với thực tế phức tạp hơn nữa thì sẽ tính sao?.. - Anh nói thế thì tôi yên tâm, nghĩa là không có chuyện hiểu lầm nhau. - Ông Tiến cố giấu sự không hài lòng của mình. - Anh Tiến ạ, báo cáo của Viện tôi là để sử dụng cho công tác nghiên cứu, nhất là đối với những người tham gia hoạch định các chủ trương chính sách trong thời bình. Nhưng dù sao nội dung báo cáo cũng chỉ là những đánh giá chủ quan của Viện tôi thôi. Còn phải chờ thực tế kiểm nghiệm. - Theo tôi điều cực kỳ quan trọng lúc này là phải nắm vững tư tưởng chủ động tiến công, thừa thắng xông lên anh Hải ạ. Phải lấy cái đà thắng này át hết mọi chuyện. Tinh thần lúc nào cũng phải được lên dây cót, để chùng xuống là sinh chuyện ngay! - Về mặt tư tưởng, anh cố chủ động như vậy là điều hiểu được. Nhưng mới có mấy tuần thôi, tình hình phức tạp nhanh hơn so với khi chúng tôi gửi báo cáo. Anh Nghĩa và tôi vẫn e rằng còn nhiều điều chưa lường hết. - Cứ cho là như thế đi. Dĩ bất biến ứng vạn biến là phải giữ vững tư tưởng chủ động tiến công. Nghe nói anh Nghĩa xin giải ngũ, có phải thế không anh? - Có chuyện ấy. - Không thể tin được! - Hoàn cảnh gia đình anh Nghĩa có nhiều chuyện éo le quá, bản thân lại là thương binh nữa anh Tiến ạ... - Khó khăn thì không bao giờ hết. Nhưng đã thắng được Mỹ thì việc gì ta cũng làm được. Nói lên điều này với một vị tướng như anh là thừa. Điều tôi quan tâm bây giờ là giữ vững tư tưởng chủ động tiến công trong thời bình như thế nào? - Vâng. Đây là vấn đề thời sự. - Trong các nghị quyết của Đảng về công tác chính trị tư tưởng cũng nhấn mạnh điều này. Thời bình điều này mới khó, anh Hải ạ. Không biết anh có hay trao đổi với anh Nghĩa không? -Nhiệm vụ người lính chúng tôi làm xong rồi, chúng tôi có quyền nghỉ ngơi. Bây giờ cờ đến tay những người như anh đấy. – tướng Lê Hải cười vui, đẩy quả bóng trở lại phía ông Tiến. - Chúng tôi đâu dám thoái thác. Nhưng chắc chắn bọn cầm bút chúng tôi còn phải trông chờ nhiều vào kho tàng kinh nghiệm chiến đấu của những chiến sỹ cách mạng cầm súng như các anh. - Thế là anh chia chúng ta thành hai phe rồi đấy nhé! - Người khơi mào là anh. Nhờ anh cho tôi gửi lời chào anh Nghĩa... Có lẽ anh cũng nên. - Nên gì nữa hả anh Tiến? - Chỗ anh em với nhau nói thật, anh nên có vài lời khuyên giải anh Nghĩa. - Có chuyện gì hệ trọng không anh? – mắt ông Lê Hải rạn vỡ ra sau cặp kính. - Anh nên khuyên anh Nghĩa xem lại ý định xin giải ngũ. Dư luận sẽ đánh giá không hay đâu. - Thuần tuý vì lý do gia đình thôi mà. Có gì mà phải xem lại? - ông Hải thực bụng không hiểu. - Quá trình trong quân đội của anh Nghĩa hiển hách như vậy, chiến công đầy người, thế mà lúc này xin giải ngũ thì uổng lắm. Sẽ bị mang tiếng là nhụt ý chí phấn đấu đấy. Thế là rơi vào thoái hoá, là khờ dại! Tôi không muốn dạy khôn anh Nghĩa, nhưng không nghe tôi, sẽ mất cả chì lẫn chài cho mà xem. Như thế thì tiếc cho anh Nghĩa lắm... - Nhụt ý chí phấn đấu, thoái hoá... có khác gì đào ngũ không? Sao anh không nói thẳng ra như thế? - Thế là anh hiểu đúng ý tôi. Đối với quân nhân cách mạng những khái niệm ấy là một, anh Hải ạ. - Xin anh đừng quên, anh Nghĩa là thương binh nặng. Thà xin giải ngũ còn hơn là mang tư tưởng công thần chứ? Tôi lại cho đấy là một cử chỉ cao quý. - Nhưng anh Nghĩa còn là đảng viên. Mà đảng viên thì phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh và tôi, tất cả các đảng viên đều được học như vậy, đều tuyên thệ như vậy trước khi xin vào Đảng. - Vâng, nói thế thì chịu. Tôi sẽ nhắn lại Nghĩa. - Anh nên ngăn cản anh Nghĩa. - Gặp anh, lúc nào tôi cũng thấy một không khí sôi nổi. Bao giờ anh lên đường? - Theo kế hoạch là đầu tuần tới. - Cấp tốc thế? Hòa bình rồi mà cứ như thời chiến vậy! - Tôi phải mượn câu nói nhà binh của các anh: Quân lệnh như sơn! - Anh đúng là con người rất nguyên tắc! Xin anh chờ tôi một chút. – tướng Lê Hải rời sa-lông tiếp khách, đi ra chỗ bàn làm việc nhấc điện thoại nói chuyện với người thư ký của mình mấy câu rồi quay trở lại: - Anh nhận công tác mới đột xuất quá, anh Nghĩa và tôi chưa kịp trang trải với anh một món nợ lớn. - Nợ nần gì thế? -Để tôi châm thuốc cho anh đã rồi xin nói chuyện tiếp. Tướng Lê Hải đánh diêm châm thuốc cho ông Tiến, rót tách chè mới, hỏi thăm ông Tiến về việc chuẩn bị cho công tác mới. Một lát sau người thư ký mang đến cho tướng Lê Hải một chồng sách mới in. Tướng Lê Hải ngó lại một lượt nữa rồi mới đưa cho ông Tiến: - Xin biếu anh tập truyện ngắn mà anh đã vui lòng tìm giúp nơi xuất bản và viết bài giới thiệu. Công anh lớn lắm. Tôi phát hiện ra anh còn là một nhà bình luận văn chương nữa!.. Ông Tiến đỡ lấy chồng sách, đếm được năm quyển: - Tiền nhuận bút cho bài giới thiệu của tôi đáng giá 5 quyển, có phải không? - ông Tiến cười vui, giơ một quyển lên ngắm nghía rồi đọc to: - ...Truyện kể giữa những trận đánh – những giai thoại khi chiến trường im tiếng súng... Sách in trình bày trông cũng được đấy chứ. Tôi quên bẵng việc in ấn này. - Công lao anh lớn lắm. Thực ra anh Nghĩa và tôi có biết gì về văn chương đâu. Cả hai chúng tôi chỉ là người kể truyện, viết thành truyện lại là một nhà văn trong Viện tôi. Anh ta nằng nặc đòi in thành sách, vì để thời gian lãng quên thì hoài, nhưng anh ta vác bản thảo đi mấy nơi mà không được in, chẳng nơi nào còn kinh phí. - Thời buổi khó khăn mà. - Vâng, nếu anh không giúp cho thì... - Nhưng tác giả vẫn là tên anh và anh Nghĩa đây này. - Ông Tiến chỉ lên bìa tập truyện. - Vâng, anh ta chỉ chịu ghi tên mình là người chép truyện thôi. Anh ta nói bài giới thiệu của người có tên tuổi như anh sẽ làm cho tập truyện gây được tiếng vang. - Cũng như hai anh, văn chương đâu có phải là chuyện của tôi. Nhưng khi đọc bản thảo tôi thấy nhiều giai thoại rất lý thú và cảm động nên nhận lời giúp. Nhất là các truyện như Mất mũ cối, Cu Tý, Võng em bên võng anh, Cho em xin tý giống... Có lẽ anh rất trung thực với cảm xúc của mình, nên bài giới thiệu của anh rất cảm động! Hiếm khi tôi được thấy một Đoàn Danh Tiến là của chính anh như thế. Anh Nghĩa và tôi đều sửng sốt. Phải cảm ơn anh nhiều lắm. - Khi đọc xong bản thảo, tôi cứ tự nói mãi với mình: Đúng là bộ đội Cụ Hồ! Chỉ bộ đội Cụ Hồ mới có thể lạc quan yêu đời đến như vậy... Thế là tôi dựa vào cảm nghĩ đó viết bài giới thiệu. Cảm hứng mãnh liệt, nên viết một mạch, nhanh lắm! Tập truyện này là món quà quý anh và anh Nghĩa tặng tôi trước khi tôi vào Nam. - Qua bài giới thiệu này, chúng tôi khám phá ra một anh Tiến mới! Chân thật với sự rung cảm của chính mình! Anh Nghĩa và tôi đọc đi đọc lại mãi. Cố giữ liên hệ với nhau thường xuyên nhé... – tướng Lê Hải chân tình. Ngồi trong chiếc Lada trên đường về nhà, niềm vui về tập sách được biếu như đang nâng ông Tiến lên tầm cao mới.
Ông Tiến đọc nhanh lại một lượt bài
giới thiệu do chính ông viết cho tập truyện. Bản thân ông cũng không
ngờ mình đã có thể viết được một bài giới thiệu xúc động đến thế...
Đầu óc ông lâng lâng những lời ca ngợi của Lê Hải. Lời khen chân thành của Lê Hải làm cho ông Tiến càng tự tin vào mình. Niềm vui vì sắp được tung hoành trên miền đất mới được nhân lên nhiều lần trong lòng ông Tiến. Tuy nhiên vẫn óc điều gì vương vướng. Trong thâm tâm ông Tiến có một điều không vui nho nhỏ: ông không thể chia sẻ với nhận xét ít nhiều có tính phê phán của trưởng Ban. Người làm chính trị phải luôn luôn nắm cái gốc của vấn đề, còn chủ trương biện pháp cụ thể là nhiệm vụ chiến đấu của giới chuyên môn, chỗ này trưởng Ban lấn sân người khác, mình nhất quyết không nhảy vào... Ngẫm nghĩ kỹ, ông Tiến ngạc nhiên thấy trong suy nghĩ của tướng Lê Hải cũng có cái gì na ná như của đồng chí trưởng Ban, na ná như của Nghĩa. ...Những vị này nhìn xa trông rộng hơn ta? ...Hay là các đồng chí này đã có những dấu hiệu mệt mỏi, còn ta vẫn tỉnh táo, sung mãn? ...Chính tướng Lê Hải đã phải nói Nghĩa xin giải ngũ vì có liên quan đến hoàn cảnh gia đình éo le, đấy không phải là biểu hiện của mệt mỏi hay sao?.. Trong thâm tâm, ông Tiến không muốn trực diện chê bai hay lên lớp những người như Lê Hải, Nghĩa, đồng chí trưởng Ban. Ông thừa biết họ hơn mình mấy cái đầu, nên tự nhủ phải cố tỉnh táo để khỏi thất thố, song kiềm chế cái thói quen luận chiến sao mà khó thế! Hình như mình chỉ vừa mấp máy cái mồm là cái tật khẩu chiến xổng ra liền! ... Nếu họ nhìn xa trông rộng hơn ta, thì ta phải động não nhiều hơn. Nhưng nếu đấy là dấu hiệu của sự mệt mỏi thì ta không được bỏ lỡ thời cơ. Ai cũng có thời của mình, bây giờ là đến thời của ta. Có cách gì khẳng định được điều này không nhỉ? Xe đỗ xịch trước nhà. Lúc này ông Tiến mới bước ra khỏi những suy tư lan man. Ông bước vào đến giữa nhà mà cứ như là đi vào chỗ không người, mặc dù vào giờ này mọi người đều ở nhà. Sau mấy câu chào hỏi chiếu lệ, mọi người ai làm việc nấy. Ngó quanh một lúc, ông đi tìm dây và giấy báo buộc tập truyện lại thành một gói gọn ghẽ, định bụng sáng mai sẽ trao cho thư viện của Ban. Truyện thì mình đọc rồi, nhà này có ai ngó ngàng đến sách vở đâu!.. Ngắm lại bọc truyện thấy gọn ghẽ, ông mới quay ra cất cặp, thay quần áo, chuẩn bị đi tắm... ...Cái lão Lê Hải này tinh tướng, chỉ được cái nói đúng... Chân thật, đầy cảm nghĩ xúc động! Chính mình cũng không ngờ có thể viết nên bài giới thiệu rung cảm lòng người như vậy... Thế là ít nhiều trong con người mình cũng có cái máu văn chương, có một tâm hồn, có một con người khác nữa - những suy nghĩ trong cái tắm mát rượi làm cho ông Tiến khoan khoái hẳn lên, quên mọi bực dọc trong phút chốc về sự lạnh nhạt trong gia đình. Khi dội đến gáo nước cuối cùng trong nhà tắm, cái nóng ẩm ẩm oi oi chung quanh lại dần dần chiếm lấy con người ông. Lời khen của Lê Hải về tài văn chương của ông lúc này vẫn còn đủ mạnh níu lại những cảm giác dễ chịu trong con người ông thêm đôi ba phút nữa. Song khoảnh khắc này chẳng được lâu bền cho lắm... Không hiểu sao, những so sánh ông nghĩ ra cho mình tự bao giở bao giờ, những điều ông đem thân phận ông ra đối chiếu với Lê Hải, với Phạm Trung Nghĩa, với trưởng Ban, với bao nhiêu người khác, giờ đây lại bị cái nóng oi ả kéo về thức tỉnh ông. Trong thâm tâm lúc này lúc khác ông đã ấm ức khi nhiều khi ít về những điều tự mình so sánh với người như thế. Ông cố tìm cách quên đi, nhưng hình như lần nào cũng chỉ làm cho những ấm ức tự mình gây ra cho mình hằn sâu thêm, càng nung nấu thêm trong tâm can ông một điều gì đó... Có lúc ông tặc lưỡi: Cái máu tiến thủ trong người mình nó hay so đo như thế!.. Sau cái tắm mát rượi, những cái ấm ức không gọi mà về ấy lại bỗng dưng ập tới... Lần này nhanh quá, ông chưa kịp mặc xong quần áo, một chuyện nhức nhối khác đã xâm chiếm đầu óc ông. Khi cài xong khuy áo cuối cùng, cái dư vị ngọt ngào lâng lâng của lời Lê Hải khen bỗng dưng trở nên đắng ớ trong miệng. Miệng ông Tiến làu bàu, cứ tự nó buột ra thành lời: - Vợ với chẳng con! Bố tiên sư khỉ, thật là cái nợ đời! Chuyện đã xảy ra đã từ mấy tuần nay, công việc cuốn đi thì thôi, nghĩ đến ông lại nẫu ruột nẫu gan. Đúng là thế, ông thấy mình không lầm vào đâu được. Đến giờ phút này mà vợ ông vẫn chưa hé răng nói nửa lời về việc ông sắp vào Nam nhận công tác mới. Hai đứa con ông thăm hỏi ông đôi câu chiếu lệ, trong bụng hình như chúng nó cũng thờ ơ chẳng kém gì mẹ chúng. Tắm xong rồi, nhìn trước nhìn sau không thấy ai bắt chuyện, ông giậm chân giậm tay giữa nhà, buông thả sự bực dọc của mình trong giây lát cho đỡ ấm ức: - Thật là kỳ lạ! Cái nhà này vợ con quái gì mà như thế này! – lần này ông chủ ý nói to giữa trời. Không một ai đáp lại. Suốt bữa cơm tối, bà Hà, vợ ông, cũng không hỏi ông lấy một câu về chuyện mấy ngày nay ông đi chào bạn bè, càng không nhắc gì đến công việc mới của ông sắp tới. Ông chủ động kể lại đôi ba ý về các buổi đi chào, về sự lưu luyến của người này người khác. Bà Hà cứ ngồi yên ăn cơm, chẳng biết có nghe hay không. Hôm nay, mãi đến khi buông đũa buông bát, bà mới lần đầu tiên nói mỗi một câu cụt lủn: - Ông nhớ mang giấy cắt lương thực đi. Vào trong ấy chẳng ai người ta cho ông ăn không đâu. Câu nói của bà Hà làm ông Tiến nghẹn ứ. Thắng, con trai ông, đang học đại học Kinh tế quốc dân năm thứ 3, hạ một câu: - Nghe nói trong Sài Gòn hiện nay xe Honda và quạt Nhật rẻ lắm. Nhà mình đang cần. Lợi, con gái ông, năm thứ nhất đại học Ngân hàng, phản đối: - Không, bố vào trong ấy gửi ra một cái tủ lạnh. Vừa giữ được thức ăn, mùa hè có đá uống nước chanh. Ông Tiến chan thêm mấy muôi canh vào bát cơm để nuốt trôi sự lạnh nhạt của vợ và những suy nghĩ quá thực dụng của hai con. ... Sắp đi xa mà câu chuyện trong bữa cơm nhấm nha nhấm nhẳng. Chưa chi đã mua cái nọ, sắm cái kia... Đồ chết giẫm! Thực ra gần như bữa cơm nào ở nhà ông Tiến cũng diễn đi diễn lại cái cảnh ngồi chung mâm, nhưng không nghĩ chung hướng. Hôm nào ngoại lệ thì nổ ra tranh luận – thường là chỉ giữa mấy bố con với nhau, bà Hà chỉ ngồi nghe hoặc bỏ đi chỗ khác. Hoạ hoằn khi nào có những việc gì thật là đại sự, tỷ như bàn tính làm thêm cái gác xép, nới thêm chỗ nấu bếp... Bữa ăn mới mang bầu không khí gia đình. Nhưng làm gì có nhà nào ngày này qua ngày khác chỉ bàn mỗi chuyện làm gác xép hoặc cơi nới thêm cái bếp... Một hôm đã lâu, cũng vào lúc chung quanh bữa cơm tối như thế này, tự dưng Thắng đưa ra ý kiến muốn bỏ nhà xin vào ở nội trú trong trường – với lý do để tập trung mọi suy nghĩ cho học tập. Để Thắng vào nội trú có nghĩa mọi chi tiêu trong nhà đột nhiên tăng nhiều, đào đâu ra? Bà Hà lo như vậy, mặc dù ông Tiến hưởng lương cấp vụ. Nhưng nỗi lo của ông Tiến lại đi theo hướng khác: Đã sẵn lông bông rồi, bây giờ lại nội trú nữa sẽ tha hồ mà đua đòi! Gớm thật! Tưởng rằng câu chuyện này êm êm dần, vì bốn năm ngày liền không thấy Thắng nhắc lại nữa. Không dè trong bữa cơm tối hôm qua con gái ông, cũng răn đe cả nhà: - Anh Thắng được vào ký túc xá, con cũng xin vào. Ở nhà với ông bà bô khô như gỗ, làm sao chịu nổi. – Lợi thường gọi bố mẹ như vậy khi có điều gì không bằng lòng. Điều làm cho bà Hà ngao ngán nhất là ông Tiến lúc nào cũng chỉ say mê nói chuyện chính trị. Thói quen này bắt đầu phát triển từ lúc học sinh Đoàn Danh Tiến làm cán bộ chi đoàn hồi học trung học phổ thông ở Văn Bán, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Phú Thọ. Thói quen ấy phát triển thành một khả năng nổi trội, đám con trai trong xã là bạn đồng niên với ông nhiều khi phát ghen. Rồi chính nhờ khả năng nổi trội ấy, Tiến trở thành cán bộ thanh niên tỉnh đoàn sau khi học xong trung học phổ thông, Cái lý lịch thành phần trung nông lớp dưới và khả năng nhạy bén về lý luận của ông tạo cho ông nhiều thuận lợi. Hà Nội được giải phóng ngày 10-10-1954, cán bộ tỉnh đoàn Đoàn Danh Tiến được trên cử về tham gia tiếp quản thủ đô, làm công tác vận đông thanh niên. Sau đó ông trở thành cán bộ thanh vận của Hà Nội. Thỉnh thoảng Tiến về thăm bố mẹ, đám trai làng ngày xưa xúm lại xuýt xoa: - Nông dân sệt từ đầu đến chân như mày, thế mà vừa được công tác ở Hà Nội, vừa lấy được vợ áo dài tóc phi-dê hẳn hoi. Sướng thế! - Tao biết tỏng gia phả họ tộc mày làm ruộng từ đời ông bành tổ. Thế là mày được đổi đời rồi! - Chúng tao phục mày chuyển hướng chiếm lĩnh trận địa mới. Cứ như chúng tao thì không ra khỏi luỹ tre làng. - Thêm vài thằng cu cái đĩ nữa như bọn tao là chấm dứt chương trình! - Thỉnh thoảng chịu khó về làng dậy khôn chúng tao một tý! - Cả cái xã Vũ Yển này, cả cái huyện Lâm Thao này, mày xem có thằng nào cùng lớp tụi mình mà lại tốt số như mày không? Ông Tiến nghe không biết chán và nhớ rất lâu những câu nói dễ chịu ấy. Thỉnh thoảng nhâm nhi những câu ấy trong đầu, ông tủm tỉm cười một mình. Các lớp bổ túc nghiệp vụ báo chí và bồi dưỡng chính trị làm cho ông trở thành cây lý luận thực thụ. Được đề bạt làm vụ trưởng ở tuổi ngoài bốn mươi trong Ban là chuyện hiếm hoi đương thời, có thể là quá trẻ so với nhiều vụ trưởng đương chức trong Ban, nhưng đúng là ông đang có sức bật. Thỉnh thoảng ông được mời tham gia một số đề tài nghiên cứu chính trị tầm cỡ quốc gia. Bà Hà, vợ ông, là con một gia đình thương nhân phố Hàng Đường, tương đối khá giả, nhưng do một điều may ngẫu nhiên nên chưa đến mức thuộc diện cải tạo tư sản sau 1954. Nhà của bố mẹ bà cũng không thuộc diện cải tạo nhà cửa. Trước giải phóng Thủ đô ít lâu, bố mẹ bà Hà không buôn bán gì nữa, đơn giản là muốn nghỉ ngơi. Cửa hàng biến thành chỗ ở chứ không cho thuê, tài sản chỉ có mỗi cái nhà. Hai anh lớn của bà Hà là công chức lưu dung, đã có gia đình riêng, được bố mẹ chia cho mỗi gia đình một phòng. Như thế là nhà cửa cũng chẳng có gì để mà cải. Nếu cứ giữ nguyên cái cửa hàng như trước khi giải phóng chắc sẽ gay go với cải tạo. Đã thế lại có cô con gái tích cực tham gia công tác khu phố, đó là bà Hà. Phố hàng Đường nằm trong khu vực ông Tiến phụ trách lúc tiếp quản Hà Nội. Vì lý lịch gia đình không thuộc diện cải tạo, nên bà Hà được chính quyền khu phố giao cho nhiều việc. Chính bà Hà lúc ấy đã từng trầm trồ ca ngợi những buổi thuyết giảng của ông Tiến về tiền đồ của thanh niên và đất nước, thán phục cái tài của ông vận động thanh niên trong khu phố mình tham gia vào đủ loại công việc thành phố giao cho: làm vệ sinh khu phố, trang trí trụ sở, treo khẩu hiệu, treo cờ hoa trên đường phố nhân các dịp lễ Tết, xây dựng phong trào văn hoá, tổ chức cho thanh niên học khiêu vũ. Bản thân bà Hà cũng được ông Tiến thuyết phục và đã tự phấn đấu trở thành hạt nhân của phong trào thanh niên khu phố lúc bấy giờ, đã mấy lần được đi hự hội nghị Thanh niên Thủ đô. Từ thán phục đi tới yêu lúc nào không biết, cuối cùng hai người nên duyên vợ chồng. Ông Tiến còn giúp cho bà theo học lớp kế toán trung cấp và trở thành nhân viên sở Tài chính của thành phố. Sức bền của tình yêu bồng bột có hạn, thời gian của sự chiều chuộng nhau khi mới cưới qua đi nhanh quá, gánh nặng của những lo toan trong cuộc sống hàng ngày cứ chồng chất lên nhau... Tất cả những thứ này chỉ làm cho những nếp nghĩ trái chiều nhau giữa hai người dần dà bộc lộ ngày một rõ, không sao đổi hướng được. Thật khó nói cái gì là nguyên nhân chính của những câu chuyện nhấm nhẳng trong những bữa cơm ở gia đình ông Tiến. Có thể bà Hà bây giờ có biết bao nhiêu nỗi lo cho cuộc sống hàng ngày mà ông Tiến không chia sẻ cùng bà. Cũng có thể do sự thông minh vốn cha mẹ cho, do bây giờ quá hiểu chồng, hoặc những chuyện ông Tiến nói chẳng mấy liên quan đến cuộc sống gia đình, nên bà ngày càng dửng dưng với mọi chuyện của chồng. Đến mức nhiều khi ông Tiến cảm thấy nói chuyện với bà mà cứ như là đang nói chuyện một mình. Có lúc ông chưa nói xong câu đang nói, bà Hà đã đoán trước được câu tiếp theo, lảng đi tìm cách làm một việc gì đó. Ngày qua ngày lại, bà nhiễm phải thói quen chỉ nói với chồng khi có điều gì thật cần thiết. Đôi lúc bà Hà rơi tõm vào một luồng suy nghĩ đến mức làm cho bà lơ đễnh, có khoảnh khắc quên cả việc mình đang làm. Vốn là người có nghị lực, bà làm chủ được tình cảm của mình. Nhưng cái khoảnh khắc rơi vào lơ đễnh ấy không chỉ xảy ra một lần. Bà tự hỏi trong cái khoảnh khắc khó tả ấy: Tại sao mình có thể lấy cái ông này làm chồng được nhỉ? Rồi chính bà lại chối phắt, hay lại xoá ngay câu hỏi ấy, chịu để cho sự lơ đễnh xâm chiếm tâm hồn mình. Bà thường tự an ủi: Tại lúc bấy giờ người dân Hà Nội mình khát khao chiến thắng quá! Lúc bấy giờ nhìn những con người chiến thắng trở về thấy ai cũng đẹp! Cách bà Hà tự an ủi như thế khá hiệu nghiệm. Một lần, lâu rồi, trong buổi đoàn tụ liên hoan đại gia đình nhân dịp tất niên, ông anh cả của bà Hà đứng giữa nhà, nửa vui nửa thật, cao giọng: - Kể ra chú Tiến chia đều cái tính “bôn-xê-vích” của mình cho mỗi người trong nhà thì chúng ta thuộc loại gia đình cách mạng tiên tiến nhất cả nước này. Tiếng cười rộ lên vui vẻ. Lạ thay, đấy là lúc bà Hà chuyện như pháo ran, nhiều chuyện bà làm cho mọi người phải bật cười. Cả ông Tiến cũng phải cười theo... Câu chuyện vui nhất hôm ấy bà kể cho mọi người là một lần ông Tiến đi họp về, ngồi vào bàn ăn cơm. Khi mở lồng bàn ra, ông chỉ thấy mấy quyển sách, mấy tập chỉ thị, nghị quyết... Tất cả xếp rất ngay ngắn. Ông Tiến ngao ngán đậy lồng bàn trở lại. - Sao, ông mà còn chê mấy thứ này à? -Thôi bà ơi, tôi lạy bà rồi... Bà Hà nhại lại lời nói và cử chỉ của ông Tiến, cả nhà được một trận cười không thể mua được... Nguyên do của cái mâm đầy giấy và sách hôm ấy là cửa hàng lương thực của khu phố nhà ông Tiến gần 10 ngày liền chưa có gạo và bột mỳ để bán theo sổ. Song đấy cũng chỉ là cái cớ bà Hà vin vào để ông Tiến không bắt bẻ được. Bà Hà đâu đến nỗi không làm được cái việc mua lại của con phe đâu đó mấy cân gạo để nấu cơm. Quan trọng hơn là bà muốn nhân dịp này nhắc ông Tiến trong bữa cơm người ta ăn cơm chứ không ăn giấy, ăn sách, nghĩa là nói chuyện chính trị ít thôi. Còn trong bữa cơm tối nay: Chưa hết chuyện tủ lạnh với quạt máy, hai đứa đã chuyển sang chuyện mốt quần, mốt áo... Rõ thật là chán! - ông Tiến làu bàu ở bàn uống nước, chỉ vừa đủ mình nghe. Đang rót dở dang chén nước, ông sực nhớ ra điều gì, đặt ấm chè xuống, với lấy cái cặp da mở ra xem, lật lật các giấy tờ, rồi tự lẩm bẩm: - Đây rồi, giấy cắt lương thực cũng có rồi. Yên chí... Cái ấm ức hằn sâu lại trỗi dậy mỗi khi đầu óc chán trường, trống vắng. Không được vợ con động viên về chuyến đi công tác dài hạn săp tới, ông được cái ấm ức so đo thôi thúc, giục giã... Rồi các người sẽ biết tay ta! Câu chuyện ông Tiến đến chào từ biệt để lại nhiều tâm tư trong đầu tướng Lê Hải: ... Đấy là nhiệt tình cách mạng của lớp người nối tiếp mình? Hay là trong ta nhiệt tình hăng say nhiệm vụ giảm dần? Ta già cỗi mệt mỏi rồi chăng? Đoàn Danh Tiến chẳng đã nói những lời đầy hàm ý về việc Nghĩa xin giải ngũ đó sao? Đấy là nhiệt tình cách mạng hay cơ hội? Chụp mũ cho Tiến thì dễ, nhưng phải tự cảnh tỉnh xem lại mình thì chẳng dễ chút nào. Thời bình có nhiều chuyện thật đáng lo quá. ... Hay là mình bắt đầu tụt hậu rồi?.. Phạm Trung Nghĩa xin giải ngũ cũng là dấu hiệu tụt hậu? Phi lý lắm. Thậm phi lý... Những mất mát phải chịu đựng trong chiến tranh tạo ra cho mình cách nhìn khác chăng? Hay là cầm súng chiến đấu là một chuyện, ngồi nhà hô xung phong lại là một chuyện khác... Tướng Lê Hải đã lên giường, tắt đèn đi ngủ. Nhưng những suy nghĩ mung lung như thế cứ chờn vờn trong đầu. Lúc này bà Hậu, vợ ông, còn đang lục cục làm nốt mấy việc cuối cùng trong gian bếp để chuẩn bị cho ngày mai. Thấy chồng lại bật đèn, ra bàn ngồi, bà lấy làm lạ: - Anh đi tìm thuốc ngủ đấy à? Em thấy anh thôi dùng seduxen đến cả tuần nay rồi cơ mà? - Không không. Nằm nghĩ vẩn vơ nên chưa ngủ được. - Anh yêu đời lắm nhỉ, là ông lão rồi mà còn nghĩ vẩn vơ được. - Chẳng nhẽ anh đã già đến thế rồi hả Hậu ơi?.. Hừm... Nhưng đúng là hôm nay anh hơi khó chịu. - Em đã nói rồi, phải bỏ thuốc lá đi anh mới hết viêm họng được. - Anh không bỏ em được thì cũng không bỏ thuốc lá được. - Thế em bỏ anh để anh cai thuốc lá nhé? - Ấy chết, anh không nghĩ thế. Anh khó chịu là vì hôm nay bị ông Tiến lên lớp. - Lại cái ông Tiến tuyên huấn thỉnh thoảng anh vẫn gặp chứ gì? - Vẫn ông ấy thôi, lần này anh cảm thấy lợm giọng quá. Nghĩ kỹ lại thấy lo nhiều hơn. - Nhưng Đảng và Nhà nước cần dùng những người như ông ta, thì cớ gì lại trách ông ta? Rồi lại còn khó chịu với ông ta? - Ôi Hậu, em hỏi gì mà tai ác thế? Bà Hậu không trả lời ngay, mà chỉ nhanh tay làm vội mấy việc rồi lại ngồi bên cạnh chồng, vuốt ve mái tóc bạc trắng trước tuổi của ông: - Em không muốn làm anh phật lòng, nhưng hồi này ông lão của em hay nghĩ quanh nghĩ quẩn... - Anh già và sinh ra lẩm cẩm rồi có phải không em? - Khuya rồi, anh đi ngủ đi. - Chúng mình vẫn cứ anh anh em em như thế này thì không thể gọi anh là ông lão được, em phải cải chính đi? - Cải chính như thế nào? - Cải chính trên tivi cho cả nước biết! - Em gọi anh như vậy để anh bớt già và để em trẻ thêm. Cố níu lại cuộc đời mà... – bà Hậu âu yếm nhìn chồng. - Anh tự cho mình không bao giờ già, nhất là bây giờ có em bên cạnh. - Thật thế ư? Để xua đuổi câu chuyện với ông Tiến trong đầu, ông Lê Hải ôm xiết vợ vào lòng. Ông hiểu rõ nỗi cô đơn của cặp vợ chồng mình, còn rất trẻ về tình, nhưng không còn trẻ về tuổi tác. Cả nhà bây giờ chỉ có hai vợ chồng lộc cộc, với cả một dĩ vãng đầy thử thách đau thương. Hồi ấy, vào cuối năm 1969, cùng một lúc, khi nhận được lệnh từ giã chiến trường miền Trung để ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, đường dây từ trong Nam ra mang đến cho đại tá Lê Hải tin dữ: Vợ ông và đứa con gái duy nhất của hai người đã bị địch giết chết ở Cần Giờ. Không có cách gì có thể đếm được bao nhiêu người đã bị giết như vậy trong đợt truy quét liên miên của địch kéo dài hơn một năm trời kể từ sau đợt tấn công của ta Tết Mậu Thân. Chưa bao giờ nhiều vùng ở trong và chung quanh Sài Gòn cơ sở của ta bị bóc trắng và tiêu diệt tàn bạo như vậy. Nguyên nhân cũng dễ hiểu, sau đợt tấn công Tết Mậu Thân phần lớn những cơ sở này và nhiều đường dây liên lạc của ta bên trong và chung quanh Sài Gòn bị lộ không có cách gì cứu vãn được. Chỉ có một điều an ủi nhỏ nhoi, tin nhắn ra cho biết: sau khi giặc rút, những người còn lại đã bằng mọi cách tìm được thi hài vợ con ông và chôn cất chu đáo. Vợ ông là con một gia đình giàu có là cơ sở cách mạng bên trong Sài Gòn ngay từ năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông được tổ chức đưa về ẩn náu ở cơ sở này từ năm 1956, sau khi ông chạy thoát sự truy lùng của chính quyền Diệm tỉnh An Giang. Mẹ vợ ông, bà Sáu Nhơn, chồng chết sớm, nhưng nổi danh là một người ăn nên làm ra. Trong năm người con của bà, thì một là chủ xưởng dệt thun Liccy, một là đại lý bán xe hơi của hãng Peugeot, một là chủ khách sạn Eden. Bà Sáu Nhơn là chủ hãng xe đò Cánh nhạn, có 15 xe khách chuyên chạy các tuyến đường đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hai Phong, người con trai lớn nhất của bà tham gia cướp chính quyền Sài Gòn trong Cách mạng tháng Tám, lúc đầu là tỉnh uỷ viên tỉnh Vĩnh Long trong kháng chiến chống Pháp, rồi làm bí thư tỉnh uỷ. Vợ chồng hai Phong tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève 1954. Sống với bà ở nhà chỉ còn lại cô con gái út. Do biết cách làm ăn, luồn lách được cánh Lý Lương Thân và mua chuộc được bọn quan chức, nên công việc kinh doanh của năm mẹ con bà sáu Nhơn tạo ra được tấm bình phong tin cậy, đồng thời cũng là một trong những nguồn thông tin và nguồn tài chính có ý nghĩa cho nhiều cơ sở của ta trong nội thành. Một ngày, má Sáu nói với Lê Hải: - Má thương con như Hai Phong của má. Nó nói đi tập kết hai năm ra Bắc rồi vợ chồng nó sẽ dắt nhau về. Quá hai năm lâu rồi, tình hình này hai đứa về sao được! Ngoài Bắc bây giờ là quê của hai đứa, ở đây má là má của con. Ba Tước, Tư Quang và Năm Thịnh ai nấy đã lập nghiệp riêng của mình. Chỉ còn Út Thạnh sống với má. Nếu hai con ưng thuận với nhau, thì nên thành vợ thành chồng. Cung cách Mỹ Diệm đàn áp thế này chắc phải lo kháng chiến lâu dài con à... Gần một năm sau, gia đình má Sáu có lễ cưới để Lê Hải chính thức trở thành con cháu trong dòng họ. Nhưng từ năm 1960 anh phải thường xuyên đi đi về các tỉnh miền Đông Nam bộ, làm nhiệm vụ bí mật tổ chức các lực lượng vũ trang địa phương. Việc kinh doanh của má Sáu rất thuận tiện cho anh thực hiện nhiệm vụ này. Năm 1962 tổ chức quyết định phải rút Lê Hải ra khỏi thành phố để tránh bị lộ, khuyên đem cả vợ con đi cùng, lấy cớ là ra ở riêng đi làm ăn ở tỉnh khác để che mắt mọi người. Má Sáu chấp thuận, cho Út Thạnh ít vốn để liệu bề tự kiếm sống. Sau những tháng ngày nay đây mai đó ở nhiều tỉnh dưới hình thức làm nghề buôn chuyến, cuối năm 1963 tổ chức bố trí cho gia đình Lê Hải vào nằm vùng ở Cần Giờ. Trong những năm tháng lặn lội chuyển sang hoạt động tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, thỉnh thoảng Lê Hải vẫn có dịp ghé về thăm vợ con. Cũng may Thạnh là người tháo vát, anh hoàn toàn không phải lo cho đời sống kinh tế của gia đình. Thỉnh thoảng anh còn được má Nhơn và vợ cho tiền, cho ít thuốc men, mua giúp thứ này thứ khác các đồng chí của anh đang cần. Giữa năm 1964 anh được trên điều động ra chiến trường Tây Nguyên, lúc này bé Thơ đã bắt đầu võ vẽ học chữ, do mẹ dạy. Từ đây, Lê Hải sống bằng những tin tức gia đình chuyển qua đường dây liên lạc, hoạ hoằn kèm theo mảnh giấy với những dòng chữ non nớt, ngây thơ và đầy yêu thương của bé Thơ... Từ 1965 các trận đánh của quân ta trên chiến trường miền Trung có quy mô ngày càng lớn. Lê Hải được điều ra tham gia bộ chỉ huy mặt trận Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế – Quảng Nam. Đó là các tỉnh thuộc quân khu I của nguỵ quyền và cũng là vùng chiến tranh ác liệt nhất trong thời gian này, nhất là từ khi có quân Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Niu Di-lân trực tiếp tham chiến. Kể từ khi Nam tiến, chưa bao giờ Lê Hải vấp phải những vấn đề quân sự nan giải như thời kỳ này: cường độ hoả lực của địch cực kỳ ác liệt, tốc độ cơ động nhanh, kỹ thuật quân sự hiện đại nhất, lối đánh “tìm – diệt” và đánh dứt điểm... Mặc dù ở bộ chỉ huy mặt trận miền Trung, nhưng anh tham gia trực tiếp nhiều trận đánh, với mục đích phải cùng nhau sớm tìm ra cách đánh phù hợp. Báo cáo đi, báo cáo về, báo cáo ra Quân uỷ Trung ương... Không ít những trận ta “mất trắng”. Chiến tranh với kẻ giấu mạnh nhất thế giới là như vậy! Cuối cùng tư tưởng “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh” được Quân ủy Trung ương đúc kết thành tư tưởng chiến lược. Đấy là một phương thức tác chiến bám sát rất quan trọng, cự ly giữa ta và giặc được rút ngắn tới mức làm giảm thiểu đáng kể nhiều ưu thế lợi hại của giặc về phi pháo và tính cơ động. Lê Hải tiếp tục lặn lội trên mọi chiến trường, đúc kết ra bao nhiêu kinh nghiệm tổ chức chiến đấu và tác chiến... Cho tới khi nhận chỉ thị mới trong tay, cùng với tin dữ đến từ Cần Giờ... Lê Hải đột nhiên gầy rộc đi, tóc bạc nhanh, gần như câm lặng. Trên đường ông ra Bắc, các đồng chí đi hộ tống cứ ngỡ là mình đang chuyển một bệnh binh ốm nặng về hậu phương... - Hậu, sao tự nhiên em khóc? - Lê Hải sững sờ, hai bàn tay ôm ấp má vợ. - Không, em có khóc đâu. - Em giấu anh thôi, nước mắt đang lăn trên má em đây này. - Em không khóc thật. Mỗi khi nhìn anh như thế này nước mắt tự nhiên trào ra thôi. Anh đang ưu tư điều gì? Em đã nhiều lần nhìn thấy cả cuộc đời anh trong mắt anh... Ôi nếu anh được gặp bố em thì hay biết mấy, người em xót thương nhất trên đời này!.. - Em... – Lê Hải định hỏi điều gì, song kịp dừng lại không dám hỏi. - Làm sao có thể nhầm lẫn đến mức như vậy hả anh? - Ôi Hậu! – Lê Hải ôm xiết lấy vợ vì không trả lời được. Hai vợ chồng ông thì thầm mãi không ngủ. Trong câu chuyện đêm khuya, hai người cùng dắt tay nhau trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình... - Thấm thoắt chúng mình cưới nhau được gần 4 năm rồi. Thế mà thỉnh thoảng anh vẫn tự hỏi nhờ ai chúng mình nên vợ nên chồng? - Đúng ra phải hỏi nhờ ai chúng mình bây giờ mới có cuộc sống cho chúng mình anh ạ... Thành vợ thành chồng rồi, dần dà em mới hiểu, rồi mới bắt đầu yêu anh... Em càng thương chị Tấm, chị Thạnh... - Như thế em phải yêu anh bằng cả Tấm, Thạnh và em cộng lại? - Còn hơn thế anh ạ. Vì nếu thím anh, các bác các cô chú bên em, nói cho đúng hơn là nếu cả làng ta không hết lòng tác thành cho chúng ta... - Thì em nhất định không lấy anh? - Thì em nhất định không đi lấy chồng. Vì em quyết thế từ lâu rồi. - Thật vậy sao? - Đời thuở nhà ai phụ nữ, nông hội, các bà mẹ chiến sĩ... đều đến làm công tác tư tưởng cho em. Lại cả bí thư chi bộ thôn ta cũng đến thuyết phục em lấy anh. Đi vận động em lấy chồng mà lời lẽ cứ như là xã đội trưởng giao nhiệm vụ tác chiến cho dân quân du kích trong xã. Lúc đầu em vừa tức mình, vừa buồn cười. - À, xã đội trưởng Tịch phải không? - Nghe đâu chú ấy cùng họ với anh? - Ừ, nhưng chi khác, phải gọi anh bằng ông trẻ đấy. - Thảo nào. Cháu không vun vào cho ông trẻ thì còn vun vào cho ai nữa? - Cậu ấy nói những gì? - Nhiều lắm, làm sao em nhớ được... Nào là: Đây là tình nghĩa quân dân, là nhiệm vụ của hậu phương. Nào là: Chị thoái thác là trốn tránh nhiệm vụ, là có tội với cách mạng!.. Em cãi lại: Chú hãy về mang tất cả chỉ thị nghị quyết chú có trong tay ra đây, chỉ cho tôi xem có chỗ nào bắt tôi phải đi lấy chồng không nào! - Em nói thế thì anh cũng bí, chứ đừng nói đến cậu Tịch!.. - Anh Hải à... - Gì em? - Anh cố mời thím Mão ra sống với chúng mình đi. Thử lần nữa xem sao. - Lần nào về quê anh cũng nói chuyện này. Thím đều gạt đi, chê ngoài thành phố ồn ào. Anh đang tính một kế khác. - Kế gì hả anh? - Bây giờ thế này, em về quê mời thím ra. Nếu thím không ra em nhất định không ra, cho đến bao giờ thím chịu mới thôi. - Có lẽ ráo riết như thế may ra được đấy. Em sẽ cố... - Nếu không có má Sáu, nếu không có thím... - Các bà mẹ của chúng ta... Em có thể được làm mẹ không anh? - Ôi nếu được như vậy... ...Hôm ấy, tới Hà Nội, đại tá Lê Hải xin miễn việc đưa ông đi an dưỡng. Ông xin được về thăm quê ngay tức khắc, mặc dù lúc này đường 5 và khu vực Hải Phòng ngày đêm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Về đến làng trời gần tối. Chào ông đầu tiên là ngôi mộ lớn trên mảnh ruộng đầu làng, được xây một cách trang trọng và có hàng tường hoa thấp bao quanh. Sau này hỏi ra mới biết đó là nơi chôn cất những người trong làng bị giặc Pháp sát hại trong trận càn quét sau vụ sân bay Cát Bi bị bộ đội ta tập kích. Bố mẹ, vợ con Lê Hải và một người em trai của ông cũng yên nghỉ trong đó. Trong trận càn quét này, giặc bắt dân làng gom tất cả những người bị giết lại một chỗ rồi tưới xăng vào đốt... Đứng trong khu đất cũ của nhà mình, mãi ông vẫn không nhận ra được làng mình. Không tìm đâu được nhà cửa vườn tược xưa kia nữa. Họ hàng ruột thịt của ông hiện sống trong làng chỉ còn mỗi thím Mão, vợ người em trai út của bố ông. Những người họ hàng ruột thịt khác, hoặc phiêu dạt đi bốn phương, hoặc không còn nữa.
Làng xóm vắng tanh vì nơi này là trận
địa phòng không, nhiều người phải đi sơ tán. Ngày đầu, sáng chưa rõ
mặt người, thím Mão đưa ông ra ngôi mộ lớn. Thắp hương xong, ông nằm
phủ phục, mặt gục vào ngôi mộ. Không khóc thành lời, nhưng nước mắt
đầm đìa. Sau đó trở về nhà. Cả ngày ông không bước chân ra khỏi cửa.
Thậm chí mấy lần báo động ông cũng chẳng buồn chạy ra vườn để xuống
hầm. Ngày hôm sau cũng vậy. Nỗi đau về mất mát và niềm xúc động vì
được trở về quê cha đất tổ quá lớn đối với sức chịu đựng của ông.
Nhiều chi tiết ông cứ hỏi mãi, bắt thím mình kể đi kể lại, trong
lòng đứt từng khúc ruột. Song cũng có chỗ ông van thím Mão thôi đừng
kể nữa, nhất là lúc Sơn bị giặc giật khỏi tay mẹ, Tấm bị giặc hãm
hiếp trước mặt dân làng rồi bị bắn chết... Sáng sớm ngày thứ ba ông
mới đi chào những người ở lại trong làng. Lúc này cả làng mới biết
ông là người con của làng sau 25 năm xa cách bây giờ trở về. Từ hôm
đó, tối tối gần như cả làng thay nhau đến thăm ông, kể cho ông nghe
không biết bao nhiêu chuyện. Chuyến về thăm làng lần thứ ba... Ông rất năng về thăm quê khi thời gian cho phép, để làm dịu bớt nỗi đau của mình. Không hiểu thím Mão đã nói những gì với cả làng, trong chuyến về thăm lần thứ tư, và từ đó trở đi, thím Mão và cả làng chỉ bàn mỗi một việc là khuyên ông lập gia đình. Cô dâu làng sẽ gả cho là cô giáo Hậu. Đấy là người con gái đã chiếm được sự mến mộ của cả làng vì lòng hiếu thảo với mẹ. Gia đình Hậu là một gia đình nền nếp, vốn được tiếng cả vùng quê Vĩnh Bảo. Ông nội Hậu là một cụ đồ Nho có uy tín, sau chuyển thành thầy giáo làng dạy chữ quốc ngữ. Bà nội Hậu làm ruộng, nhưng khi tháng ba ngày tám lại biết chạy chợ, nhờ vậy cuộc sống tạm ổn. Trong cái làng hầu hết là nhà tranh vách đất, ngôi nhà xây ba gian hai trái ở cái mức tạm gọi là nhà ngói cây mít của ông bà nội Hậu làm nổi bật sự phong lưu của gia đình - với nghĩa là đủ bát ăn. Bố Hậu là bí thư chi bộ của xã, lãnh đạo xã mình kháng chiến chống Pháp trong những năm toàn huyện bị giặc Pháp chiếm đóng. Không may trong cải cách ruộng đất, gia đình bố mẹ Hậu bị quy oan là địa chủ. Ông nội Hậu bị bức tử, vì không chịu khai báo theo mớm cung của đội cải cách. Bố Hậu còn bị tố oan là “quốc dân đảng”, là tề chỉ điểm, làm tay sai cho giặc thời tạm chiếm. Ông bị xử tử cuối năm 1956, lúc đó Hậu 16 tuổi. Hậu kể cho Lê Hải: khi bố Hậu được dắt vào bãi bắn, dân làng đông lắm. Cả làng thấy ông đã bị nhục hình đến mức chỉ còn là một bộ xương lê lết, mặt mũi thân thể nhiều chỗ sưng tím, xây xát nặng. Hậu nhìn thấy bố như vậy oà lên khóc, bà mẹ Hậu phải vội vã đưa hai tay bịt miệng con. Hậu nhớ rất rõ, khi thấy bố Hậu bị bịt mắt và trói gô vào cọc bắn, bà vội ôm chặt lấy Hậu rồi kéo úp mặt cả hai mẹ con xuống đất. Tai Hậu vẫn nghe thấy ông đĩnh đạc nói với mọi người: Tôi bị oan! Tôi bị oan! Cả làng hãy minh oan cho tôi!.. Rồi ông hô to: Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!.. Mấy tiếng súng đanh đanh xé trời... Ngay sau khi hành quyết, đội cải cách giải thích cho dân làng: - Tên này cực kỳ xảo quyệt. Trước khi chết vẫn còn tìm cách lung lạc tinh thần đấu tranh của bà con nông dân chống địa chủ cường hào ác bá! Về sau gia đình được sửa sai và minh oan. Mẹ Hậu ở vậy nuôi con. Hậu đang học đại học sư phạm năm thứ 3 ở Hà Nội thì mẹ ở nhà bị tai biến mạch máu não tới mức độ hiểm nghèo, không tự ngồi dậy được nữa. Hậu bỏ học về nhà chăm sóc mẹ và xin làm cô giáo làng để kiếm sống. Thỉnh thoảng Hậu lại giở quyển Tam tự kinh và một vài quyển “ký” của ông nội tự viết đọc lại cho hai mẹ con cùng nghe. Hậu chỉ sợ quên mất ít vốn liếng chữ Nho ông nội truyền lại cho. Sau gần 9 năm ròng nằm liệt giường, mẹ Hậu qua đời. Khoảng một năm sau kể từ khi Lê Hải trở về làng, năm 1971, ưng thuận lời khuyên của thím Mão và gần như của cả làng, cô giáo làng lúc này đã 31 tuổi. Ở làng quê ta, con gái đến cỡ tuổi ấy thường được coi là người luống tuổi... Trong những lúc tâm tình với nhau, Lê Hải thấy người thường được Hậu nhắc đến nhiều nhất là ông bố Hậu. Có một lần, vào ngày giỗ bố, nửa đêm Hậu sụt sịt nước mắt hỏi chồng: - Anh ơi, làm sao có thể nhầm lẫn đến mức như vậy? - Anh chịu, không trả lời được. - Có phải tại đội cải cách bắt phải rễ thối không anh? Cái người mà đội cải cách dựa vào rồi đưa lên làm cốt cán vốn dĩ là tên lưu manh nhất làng này anh ạ. Ngày xưa nó đã bị đánh què rồi bị cắt gót chân phải vì cái tội đi ăn trộm. - Có nhiều nguyên nhân lắm, anh nghĩ mãi mà vẫn phải tiếp tục tìm câu trả lời. - Khi tiến hành sửa sai thì tên cốt cán này bỏ vợ con, bỏ làng, trốn biệt tăm. Chẳng ai biết nó bây giờ ở đâu nữa anh ạ. - Ra Bắc anh mới biết ngoài này có chuyện cải cách ruộng đất như vậy. - Bây giờ người ta đang sưu tầm thành tích của bố để xét truy tặng huân chương!.. Nhưng huân chương gì thì bố cũng không sống lại được! Lê Hải chỉ biết lau nước mắt cho vợ, mãi mới nói được: - Anh là bần nông từ làng mình ra đi. Anh hiểu rõ thực hiện chủ trương người cày có ruộng quan trọng như thế nào cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đây là một động lực vô cùng quan trọng của kháng chiến em ạ, kể cả ở miền Nam, anh biết rất rõ điều này. Cải cách ruộng đất là việc nhất thiết phải làm em ạ. Còn làm như thế nào thì đúng là có chuyện... - Lê Hải bỏ lửng, không chủ định nói hết với Hậu. Mãi một lúc sau, ông mới nói tiếp - Việc thực hiện có nhiều sai lầm lớn, thậm chí đổ nhiều máu... Thật là những sai lầm đau xót, vô cùng đau xót! Em cố hiểu như vậy để tự vượt qua... - Thế nhưng tại sao nhằm cả vào những người nuôi cách mạng mà bắn? Bà Nguyễn Thị Năm là người bị bắn đầu tiên trong cải cách ruộng đất. Dù có là địa chủ đi nữa, cả miền Bắc này biết gia đình bà ta là cơ sở nuôi cách mạng, con trai bà cũng là bộ đội... Cơ quan chỉ huy quan trọng của kháng chiến đặt tại nhà bà. Anh thử đặt mình vào địa vị gia đình nhà người ta xem! Ngày hôm trước còn ăn cơm nhà người ta, ngày hôm sau lôi người ta ra mà bắn! – bà Hậu gần như phát khóc, nước mắt giàn giụa. - Sai lầm đẫm máu em ạ. – Lê Hải quanh co, một tay xoa nước mắt trên má Hậu, một tay ôm chặt lấy bà như muốn chẹn những cơn nấc của vợ mình. - Em không đồng ý. Phải nói cả sai lầm và tội lỗi. - Anh hiểu. - Tội lỗi lớn nhất là không dám nói vì sao mắc sai lầm! Lần nào cũng vậy, cứ đụng chạm đến chuyện này, là em lại cảm thấy như chính mình đang bị dẫn vào bãi bắn... - bà Hậu càng nói càng gay gắt. Lê Hải lựa lời: - Anh đã được nghe giải thích... - Em biết. Hồi ấy không ai nói ra, nhưng sau này cả nước ai cũng hiểu là ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt và nhiều ông to nữa mất chức... - Câu chuyện còn nhiều khúc mắc lắm em ạ... Cuộc kháng chiến của ta lúc bấy giờ có nhiều chuyện bên ngoài khó xử lắm, mà lực lượng đế quốc thì cứ nhâu nhâu vào chống ta... Em đừng quên mấy năm cuối cùng Pháp đánh ta bằng tiền Mỹ, vũ khí Mỹ! - Đành là thế, nhưng giải thích cho dân thì lại nói rất chung chung. Không nói công khai cho rõ ngành ngọn. - Phải chờ đợi em ạ... - Còn xuê xoa với nhau như thế thì sau này không biết đường nào mà tránh. Sẽ còn chết nữa. Rồi đấy anh xem! Lê Hải tắc nghẹn... Đã lâu, ai đó có lần loáng thoáng nói với Lê Hải là Hồ Chủ tịch không tán thành cải cách ruộng đất, mà chủ trương chỉ thực hiện giảm tô và hiến điền thôi, không thể làm đấu tố theo kiểu của Trung Quốc được, cũng không thể tiến hành cải tạo tư sản theo cách của họ. Việc gì cũng vậy, mỗi nước có hoàn cảnh riêng của mình, phải sáng tạo, phải độc lập tự chủ... Nhưng ta chịu nhiều sức ép quá, mâu thuẫn Xô – Trung bắt đầu bùng nổ, mà cuộc kháng chiến đang đi vào giai đoạn quyết định... Cho đến nay vẫn chưa có một lời giải thích công khai nào của Đảng, ông biết nói gì với Hậu bây giờ. Làm cách nào để Hậu hiểu rõ những uẩn khúc éo le của lịch sử? Thấy chồng không nói gì, một lát sau bà Hậu nói tiếp: - Hôm ấy chỉ suýt nữa là em cãi nhau với cán bộ đến tìm hiểu khôi phục đảng tịch cho bố để xét thưởng huân chương. Gần năm năm sau khi bố bị bắn anh ạ! Anh ấy càng giải thích, em nghe càng không ổn. Nào là do chủ quan, duy ý chí, nào là do quan liêu giáo điều... Giải thích như thế cho sai lầm nào mà chẳng được! Có thể vì anh ấy là người ngoài cuộc, cho nên đi sửa sai những hậu quả trong cải cách ruộng đất, mà thái độ lại cứ dửng dưng như không! Đến bây giờ em vẫn chưa thấy bà Nguyễn Thị Năm được giải oan. - Sao em quan tâm đến bà Năm thế? - Vì người bị bắn oan đầu tiên trong cải cách ruộng đất lại là phụ nữ! Rõ là đi theo cách mạng rồi mà vẫn không thoát! - Ôi Hậu! – Lê Hải thốt lên như bị điện giật. Vết thương về bài học đời, sự giày vò của những câu hỏi do Nghĩa đặt ra hôm nào, cùng với những câu hỏi xé ruột xé gan của Hậu, nỗi lo về những hiểm hoạ mới chờ đợi đất nước ở phía trước.., tất cả đang thi nhau cật vấn ông... - Em đồng ý với anh là phải thực hiện người cày có ruộng, thế nhưng tại sao lại bắt buộc tất cả nông dân vào hợp tác xã, lại còn phải chuyển nhanh lên hợp tác xã bậc cao nữa? Lê Hải toàn thân chết cứng, mắt trân trân nhìn vào đêm tối. - Anh không ở quê nên không hiểu hết. Chuyện ngược đời nhất là đất năm phần trăm (5%)(*) [(*) 5% tổng diện tích canh tác của hợp tác xã được đánh lại chia đều cho gia đình xã viên để làm kinh tế hộ.] lại là nguồn sống chính của các hộ nông dân xã viên! Mọi khốn khó bây giờ từ hợp tác xã cấp cao mà ra! - Hậu!.. Thú thực còn nhiều điều anh chưa trả lời được... - Lê Hải não nuột. Nằm bên cạnh vợ, nửa tỉnh nửa mơ, ông Lê Hải thấy đám trẻ, đứa cõng, đứa bế, đứa chạy lon ton, tất cả nhao nhao bâu theo tiễn anh Việt Minh Lê Hải lên đường Nam tiến. Tới quá giếng đầu làng chúng mới dừng lại. Xa xa phía sau là Tấm đang bế Sơn trên tay ... Ông đoán trong đám trẻ ấy chắc không có Hậu. Hồi ấy quê còn nghèo lắm, bọn trẻ chạy theo tất cả đều lấm lem, chân đất, một số khá đông không quần, không váy... Cả cuộc đời ông từ lúc lọt lòng mẹ đến nay hiện lên dần dần trong ký ức. Ông nghĩ đến số phận của biết bao nhiêu người, của chính mình. Trong tâm thức ông, niềm lo lắng về điều gì đó lại chuyển mình, lại bắt đầu cựa quậy, nhức nhối... Càng về đêm khuya tịch mịch, sóng dữ càng ào ào cuộn lên trong đầu Lê Hải. Ôi, làm sao những uẩn khúc của lịch sử có thể đến được với lương tri con người – Lê Hải quằn quại cứ như người thở hắt ra. - Làm sao vật vã thế anh Hải? Em đi lấy thuốc ngủ cho anh nhé?
Hết chương 4
|