NGUYỄN TRUNG
DÒNG ĐỜI
Tiểu thuyết
16.
Tướng về hưu Lê Hải vừa mới đặt điện
thoại xuống, đun vội ấm nước, đã nghe thấy tiếng ô-tô đỗ xịch ngoài
cổng, rồi tiếng bấm chuông.
- Chào anh Thu! Tôi không ngờ anh đến nhanh như thế!
- Chào anh. Tôi sốt ruột quá, không thể chờ thêm được. Nếu không đi
miền Trung, tôi đến thăm anh tuần trước rồi. – thiếu tướng Trần Thu
bước vào, vừa chào vừa tự kéo ghế ngồi.
- Tôi cũng đang mong anh đến để hỏi xem giới tại chức như anh có
biết gì thêm về tình hình Liên Xô không? Thế là mất Đảng rồi! Tuần
trước nghe nói bên ấy vừa mới xảy ra binh biến để cứu Đảng, nhưng
không thành, mấy tướng hay là nguyên soái tự sát!
- Có chuyện đó. Đảng bị giải tán và bị đưa ra Tòa án Hiến pháp.
Nhưng tôi đến gấp gáp thế này là vì chuyện khác.
- Binh biến thất bại thì gay lắm rồi anh Thu ạ! Hết đường cứu chữa!
Bức tường Berlin sụp đổ đã hơn một năm mà tôi vẫn ngỡ là chuyện mới
xảy ra hôm qua. – trong đầu Lê Hải vẫn chưa ra khỏi Liên Xô.
- Vâng, còn hơn một cơn ác mộng!..
- Tôi nghe đồn cách đây khoảng một năm nhà sử học Trần Quốc đã xem
tướng cho Gorbachov. Nói là ông ta tuổi Tân Mùi, lại có cái bớt đỏ
trên đầu nữa, thế nào cũng mất chức! Có đúng thế không anh?
- Trên báo Pháp Luật tôi có đọc chuyện ông Quốc xem bói, anh Hải ạ.
Trong bài báo này theo tôi chuyện bói toán không quan trọng, nhưng
quan trọng thật sự là ông Quốc nhận xét một chế độ xây dựng trên sự
giả dối thì trước sau cũng sụp đổ!
- Chuyện nội tình Liên Xô ta bàn sau, quả thực tôi chưa hết bàng
hoàng, lúc nào cũng có cảm giác như đang ngồi trên lửa. Nhưng chúng
ta làm gì được hả anh Thu?
- Bây giờ phải làm ngay mọi việc để nước ta không đổ theo!
- Liên Xô giúp cả thế giới. Nhưng cả thế giới không ai giúp được
Liên Xô!.. - ông Lê Hải rên rỉ.
- Tôi lo cho nước mình quá. Có biết bao nhiêu chuyện lình xình bí
bét cả mười năm nay rồi! Kho quỹ chỗ nào cũng gần như trống rỗng...
- Thế mới biết dân mình vừa kiên cường, nhẫn nại chịu đựng, vừa bao
dung...
- Quả là thế. Nếu giống như ở Liên Xô - Đông Âu thì cũng đổ theo từ
đời tám hoánh rồi anh Hải ạ.
- Vào giờ phút này tôi càng thấm thía nhận xét của anh!
- Phải tự cứu mình để tồn tại rồi mới có thể nghĩ đến những chuyện
khác anh Hải ơi!
- Cứu K8 của anh?
- Đúng thế. Mỗi người phải làm ngay việc của mình! Không thể nói
chung chung được!
Tướng Trần Thu vào đề luôn, không để cho chủ nhà hỏi han gì thêm.
Trong khi ông nói, chủ nhà lật đật pha chè, bóc thuốc mời khách. Bà
Hậu đi dạy học chưa về.
Tướng Trần Thu bộc bạch hết khó khăn của mình với bạn.
... Học xong về nước được gần một năm nay, nhưng Yến vẫn tìm cách
trì hoãn nhận nhiệm vụ mới. Đơn vị cũng tốn khá nhiều tiền chi cho
Yến đi khảo sát các xí nghiệp dược thuộc phạm vi dân sự, quân sự,
trong quốc doanh, ngoài quốc doanh, trong Nam ngoài Bắc.
Các báo cáo hàng tháng đều đặn của Yến lên lãnh đạo K8 không quá một
trang giấy, cộc lốc mấy dòng liệt kê công việc đã làm, lần nào cũng
kết thúc bằng mấy chữ: Xin cho thêm thời gian... Họp chi bộ, khi
được hỏi đến, Yến cũng rất ít lời về công việc của mình. Nhiều người
trong K8 ghen ghét.
... Cô nương được chiều chuộng quá xá!
... Gái mất chồng, chạy lăng quăng!
... Vợ liệt sĩ thật, nhưng ưu ái gì cũng phải mức độ thôi chứ!..
... Ai ngờ đi học về chỉ hơn người ở nhà mỗi cái xe máy Pơ-giô!..
... Cưng của thủ trưởng đấy!..
...
Những lời xì xèo như thế rỉa rói tướng Trần Thu. Uy tín ông quá lớn
nên không có đất cho những lời ác khẩu hơn nữa. Với chức thiếu tướng
mới được đề bạt, trách nhiệm của ông mở ra toàn tuyến, công việc
càng bận. Dư luận ghen tỵ với Yến một, ông sốt ruột mười. Các nước
Đông Âu đã theo nhau đổ, Liên Xô tan rã và đang náo loạn. Từ hai năm
nay chi viện của các nước bạn cho ta không còn một giọt. K8 của ông
tuy ở xa những quốc gia này hàng nghìn, hàng nghìn cây số, nhưng ông
lại cảm thấy như chính mình đang bốc cháy. Chiến tranh ở Campuchia
đã kết thúc với quân đội ta mấy năm rồi, nhưng bây giờ mới là lúc
hàn gắn vết thương đúng với nghĩa đen của từ này. Các trạm quân y và
điều dưỡng quá tải. Các kho quân dược trống rỗng. Trong cơ chế giá
thị trường, ngân sách phân bổ về bị lạm phát ngoạm hết phần này phần
khác. K8 và những đơn vị mới trên tuyến ông phụ trách quanh năm vật
lộn với thiếu thốn...
Trong khi đó cả nước tìm đường chuyển sang làm ăn theo cơ chế mới...
Quá nóng ruột, đã có lúc ông phải tự hỏi: ...Hay là Yến không đủ can
đảm đứng mũi chịu sào? Hay là mình đã chọn nhầm người?!.. Nhưng
thách thức không biết chờ đợi...
Cuối cùng, tướng Trần Thu nhận được một bản tường trình dày cộp của
Yến. Lúc đầu ông hỉ hả lắm. Song đọc đi đọc lại nhiều lần, ông càng
không tin vào những điều trong bản tường trình. Ông phân vân không
biết nên gọi đấy bản khai tử, khai sinh, hay tái sinh K8... Điều
chắc chắn là làm theo đề án nêu trong tường trình này, K8 không còn
là K8 như nó đang tồn tại.
- Cháu có quá ngông cuồng không Yến ơi!?.. – ông Thu đã có lần kêu
lên như vậy với Yến.
- Bác muốn cháu dồn mọi cố gắng nâng cao phân xưởng dược, chứ có
giao cho cáu nhiệm vụ cải tạo hay xoá sổ K8 đâu? – thiếu tướng Trần
Thu căn vặn Yến.
- Vâng, thưa bác cháu nhớ nhiệm vụ bác giao. Thời chiến, khi tình
hình bắt buộc, có thể cần gì làm nấy, với bất kỳ giá nào, miễn là
đạt mục đích. Thời bình không thể lấy đâu ra tiền của duy trì kiểu
làm ăn như vậy được bác ạ.
- Chính vì thế bác mới cử cháu đi học.
- Thưa bác, phân xưởng dược đặt trong K8 là hoàn toàn không hợp lý
trong thời bình. Bắt nó hoạt động như một đơn vị sản xuất trong
khuôn khổ của K8 lại càng không thể được ạ. Cháu đi gần khắp nước
Anh, nhưng không thấy một bệnh viện nào dám tự xây riêng cho mình
một phân xưởng dược, dù là nhỏ nhất.
- Họ làm gì có hoàn cảnh chiến tranh như ta.
- Vâng cháu hiểu ạ. Bác thử tính xem, riêng thiết bị thí nghiệm hoá
dược của phân xưởng cháu hiện nay đủ công suất phục vụ toàn bộ công
việc thí nghiệm của xí nghiệp Dược phẩm I và xí nghiệp Dược phẩm II
của cả miền Bắc, song lại rất lạc hậu về kỹ thuật. Đã thế phân xưởng
của cháu bây giờ mỗi tháng chỉ có thuốc thử và mẫu thử cho vài ngày,
có dược liệu để bào chế chỉ đủ khoảng hai ngày – toàn những loại
thuốc quá thông thường. Riêng thuốc chữa bỏng tồn kho của phân xưởng
cháu có thể đủ bán khắp cả nước trong một năm...
- Cháu đã tính toán kỹ chưa?
- Xin bác đọc phụ lục liệt kê các thiết bị, so sánh công suất thiết
bị với công suất thực tế phân xưởng cháu đang sử dụng. Kho I của
phân xưởng cháu để chứa sản phẩm bây giờ biến thành nhà mồ cho nhiều
thiết bị không dùng đến nữa ạ. Nơi nào cũng lủng củng những thứ vô
dụng nên chật cứng! Bệnh viện Hoàng Gia nổi tiếng rộng thênh thang
nhất nước Anh, thế mà toàn bộ khuôn viên của nó nhỏ hơn khuôn viên
của K8 nhiều.
- Được rồi, được rồi... Nếu cho phép cháu toàn quyền quyết định,
cháu sẽ làm gì?
Yến không đắn đo:
- Phương án cháu mong muốn nhất là giải thể phân xưởng dược. Vì cắt
bỏ hẳn đi như thế còn hơn là chắp vá. Nhưng cháu biết không thể đề
nghị như thế được. Tính đi tính lại mãi cháu lựa chọn phương án thoả
hiệp.
- Kiến nghị làm tan hoang K8 mà cháu còn gọi là thoả hiệp à?
- Lỗi tại chiến tranh và tại chúng ta chậm nhận ra lỗi này thôi bác
ạ. Điều cháu thấm thía nhất trong chuyến du học này là nước ta nghèo
nhưng lãng phí ghê quá.
- Nếu đề án bị bác?
- Thì cháu xin tuỳ bác phân công cho cháu công tác khác. Đừng để cho
cháu làm gì về dược nữa!
- Cháu ra tối hậu thư cho bác?
- Dạ không ạ. Để nguyên hay bớt đi một người trong cái phân xưởng
dược không còn hoạt động được nữa thì cũng thế thôi ạ. Còn cháu thì
nóng lòng làm một việc gì đó để phục vụ, để khảo nghiệm hiểu biết
của mình.
Thiếu tướng Trần Thu thừa nhận khó bác bỏ những lý lẽ Yến trình bày.
Nhưng...
... “Đề án này tư sản hoá K8. Đây là đòn đánh vào quân đội ta từ bên
trong...”. Bút phê của đại tá bí thư đảng uỷ Đỗ Chính.
Lời phê viết bằng bút bi đỏ, chữ to bằng quả mận, chiếm hết cả góc
trái trang nhất bản tường trình. Đỗ Chính vốn nổi tiếng chữ xấu,
nhưng các nét chữ của bút phê lại ngay ngắn, nắn nót khác thường. Ai
cũng hiểu dụng ý của đại tá: Dòng chữ bút phê này phải in vào mắt
mọi người! Những chữ viết đè lên các dòng chữ của bản tường trình
được Đỗ Chính tô đi tô lại, hằn lên mấy trang sau, thủng cả giấy...
- Mầm mống trào lưu đi theo vết xe đổ của Ba Lan, Ru, Đức... đang
lan đến K8! – Phát biểu của đại tá phó giám đốc thứ nhất Nguyễn Đình
Cận trong cuộc họp thẩm định của lãnh đạo K8.
- Nhiệm vụ của cô Yến chỉ là lo cho phân xưởng dược, đề án này phải
chăng có ý đồ leo lên cao để lũng đoạn K8? - nhận xét của đại tá phó
giám đốc thứ hai Vũ Miêu.
- Xưa nay tôi chỉ biết quân đội là quân đội, chứ không phải là xí
nghiệp! Tôi thực tình không hiểu... – Phát biểu của trung tá Nguyễn
Bân, đại diện cho lớp sĩ quan trẻ, làm công tác nghiên cứu khoa học
trong đơn vị.
Nguyễn Bân vốn là phó của Nam trong những ngày trên chiến trường
Campuchia. Năm 1989 trạm quân y của Bân là đơn vị cuối cùng rút về
nước. Bân được giao tạm thời phụ trách phân xưởng dược trong khi Yến
đi học. Việc sắp xếp này là dụng ý có thiện chí của tướng Trần Thu.
... Vốn trong lòng chết đứng chết ngồi về Yến, Bân rất nhạy cảm để
hiểu tất cả. Nhưng cũng không thể vì thế mà nói liều về đề án. Mà
nói thế này không biết Yến sẽ nghĩ gì về mình đây!..
... Rõ ràng từ khi về nước Yến vẫn cố giữ một khoảng cách nào đó,
mặc dù cún Nam rất thích chơi với Bân. Nhiều lần Yến đồng ý để chú
Bân dẫn cún Nam đi học bơi hay đi chơi suốt buổi chiều. Đôi ba lần
Yến chủ động mời Bân cùng với mình đưa cún Nam và bé Dũng – con của
Loan - đi chơi xa. Nhưng chưa một lần nào Yến để cho Bân đi xa hơn
nữa về chuyện giữa hai người... Hoàn cảnh này càng làm cho Bân khó
xử khi được yêu cầu thay mặt cho cánh sĩ quan trẻ phát biểu về đề án
của Yến. Bân thừa nhận ngoài chuyên môn và ý chí phấn đấu làm người
sĩ quan có phẩm chất, Bân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải có những
hiểu biết cần thiết khác để đánh giá đề án. Yến nói quá nhiều về cân
bằng đầu vào đầu ra, cân đối vật tư, hạch toán thu chi, phương pháp
quản lý mới, hợp tác với các doanh nghiệp dân sự, xúc tiến nghiên
cứu triển khai, những đòi hỏi mới của khoa học và công nghệ, thành
lập đơn vị kinh tế mới tách khỏi K8 với tính cách là doanh nghiệp...
Có nhiều thứ nghe cũng chưa thủng, chứ đừng nói là hiểu và bàn.
... Quân đội, nhất là quân y sao lại nói đến hạch toán thu chi?
... Hay là đi Tây về, Yến đã Tây hoá mất rồi?..
... Đấy là nguyên nhân của khoảng cách giữa mình và Yến?
... Mình cứ nghĩ là đi học về thì bắt tay vào việc với chuyên môn
cao hơn, trong phân xưởng dược chỗ nào cần cải tiến kỹ thuật thì cải
tiến... Sao Yến lại bày ra lắm thứ chuyện thế này. Sải tay với lên
cả những vườn trồng cây thuốc trên Vĩnh Phú, Tam Đảo, đi vào tít tắp
trong Quỳnh Lưu... Kéo theo cả những doanh nghiệp dân sự Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh vào đề án... Tán thành thì mình chẳng hiểu gì
cả để tán thành, còn nói lơ lửng và có vẻ bàn ra như thế này, Yến có
lẽ càng xa mình hơn...
- Bây giờ chắc anh hiểu rõ nỗi lo của tôi? – Trần Thu hỏi Lê Hải.
- Hiểu. Cháu Yến đã kể cho tôi nghe mọi chuyện. Nhưng hôm nay nghe
anh nói tôi mới thấy được mức độ gai góc của vấn đề. Đến lúc này tai
Lê Hải vẫn còn ù lên khi nghe thuật lại ý kiến của Bân về đề án của
Yến, điều mà Lê Hải không ngờ.
- Anh ủng hộ những kiến nghị của cháu? – Trần Thu hỏi.
- Chúng ta đang đi trên đường không có bản đồ vạch sẵn!
- Nói dứt khoát đi. Tán thành hay phản đối hả anh Hải?
- Tôi chịu không biết đề án khả thi đến đâu anh Thu ạ. Đơn giản là
tôi không lường hết được tác động của đề án đối với K8 như thế nào.
Về đạo lý, tôi tán thành một trăm phần trăm. Nhưng về kinh tế và kỹ
thuật, đề án vượt quá tầm hiểu biết của tôi. Anh thông cảm. Hiển
nhiên sự tồn tại của phân xưởng dược trong khung cảnh đất nước hiện
nay trở nên phi lý. Tôi không thể bác bỏ nhận xét này của Yến. Nhưng
thay đổi phân xưởng dược, hay là thay đổi cả K8 như thế nào thì tôi
bí. Nhiệm vụ của anh là phòng ngừa bất kỳ sự viển vông nào, chứ
không được cản mã!
- Đừng lên lớp tôi nhé! Tôi không cần cái thứ đạo lý suông ấy.
- Hỏi thật, anh sợ cấp trên, hay sợ trách nhiệm? – Lê Hải nhìn thẳng
vào hai mắt Trần Thu, như muốn đọc từ đấy những ý nghĩ sâu kín nhất
của bạn mình.
- Sợ cả hai, nhưng sợ trách nhiệm nhiều hơn, anh hiểu không? – Trần
Thu trả lời rất cân nhắc - Quân đội là sức mạnh của bộ máy chuyên
chính. Đụng vào quân đội là chuyện cực kỳ nhạy cảm. Đấy là chuyện
gay cấn nhất cho tôi.
- Cháu Yến lập luận cho tôi nghe: Trên nói phải kết hợp kinh tế với
quốc phòng. Song theo Yến, không được vì thế nhập cục làm một hoạt
động kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng. Lý lẽ của cháu đơn giản: Có
giàu thì mới nuôi được quân đội mạnh. Muốn thế phải tách quân đội
khỏi mọi hoạt động kinh tế, để ai làm đúng việc nấy. Cháu phản đối
cách quân đội làm kinh tế như hiện nay! Hai năm rõ mười như thế, làm
sao tôi không tán thành?
- Nói thế, anh vẫn là người ngoài cuộc anh Hải ạ.
- Sao anh không gọi tôi là kẻ ngoại đạo hay vô đạo?
- Chưa đến nỗi vậy, nhưng chỉ người ngoài cuộc mới tưởng đây là công
việc ngon xớt! Một ví dụ nhỏ thôi, anh thử xem có ai dám treo lon
của mình để trở thành người dân sự và ăn lương theo năng lực chuyên
môn, để thực hiện cái việc tách quân đội với hoạt động kinh tế
không?! Rồi còn biết bao nhiêu thứ quyền hành lợi lộc thành văn hoặc
không thành văn khác nữa chứ! Đấy mới chỉ là cái chuyện bằng móng
tay! Ngoài ra theo đà này để xảy ra chuyện quân đội làm ăn phá rào
thì càng không được! – Trần Thu giải thích.
- Nghĩa là anh cam chịu để cậu Bân mỗi tháng cho phân xưởng của mình
làm việc một tuần, làm vệ sinh nhà xưởng một tuần, hai tuần còn lại
đeo lon và quân phục chỉnh tề đưa nhau đi tăng gia sản xuất trên
Vĩnh Phú?
- Anh vừa mới nghỉ hưu mà đã lú lẫn thế rồi à? Làm kinh tế như vậy
là mệnh lệnh cho toàn quân, có chỉ thị của trên hẳn hoi, anh thừa
biết như vậy. Lâu nay đã trở thành phong trào, đâu có phải là sáng
kiến riêng của K8. Nhưng một tiền gà ba tiền thóc thì đúng!
- Cháu Yến nói với tôi sẵn sàng tự nguyện bỏ lon đại uý để chuyển
sang chế độ cán bộ công nhân viên quốc phòng nếu đề án được chấp
nhận.
- Khổ quá, anh nên nhớ cho Nam, Bân, Yến... là những cán bộ thế hệ
trẻ trong đơn vị. Còn đối với những người gần trọn đời đứng trong
quân ngũ như anh và tôi thì họ không nghĩ đơn giản như thế! Công
bằng mà nói chiến tranh đã rèn đúc họ trong những khuôn mẫu của
chiến tranh rồi.
- Anh chuẩn bị thật kỹ tất cả, lựa ra một số việc dễ nhất trong đề
án của Yến rồi xin trên cho phép làm thí điểm để khỏi bị khép vào
tội “tiền trảm hậu tấu”. Sau đó ra lệnh xung phong tất! Kho, két của
anh bây giờ đằng nào cũng rỗng tuếch! Nếu dám liều, anh có gì để mất
đâu?
- Phải, không có gì để mất thêm...
...Trần Thu cho Lê Hải biết ông vẫn đang chạy hết nơi này đến nơi
khác cho đề án của Yến, với ý chí còn nước còn tát. Nhưng càng chạy,
ông càng hiểu là vô kế khả thi. Truyền thống, thói quen, những hệ
quả của chiến tranh để lại, tính bất khả xâm phạm của quân đội, rồi
còn biết bao nhiêu điều kiêng cấm khác... Tất cả tạo thành một rào
cản đề án không thể vượt qua. Đã thế còn có biết bao nhiêu điều quan
ngại khác ập vào từ thế giới bên ngoài.
- ... Anh không thấy dứt dây động rừng à?
-... Có muốn cái cảnh giậu đổ bìm leo như ở Liên Xô không?
- ...Mở mắt ra mà nhìn! Cứ pê-ret-xtơ-rôi-ca(*) [(*) Perestroica:
đổi mới.] cho lắm vào!
- ...
Trần Thu thuật lại những ý kiến đả kích gay gắt.
Lê Hải dần dần mới tỉnh ra, gần như tự nói với chính mình:
- Có lý... Cũng có lý... Tôi thừa nhận những lo ngại này là hoàn
toàn chính đáng này. Như thế việc cháu Yến đi học là công cốc?
- Không đến nỗi thế, anh Hải ạ. Có lẽ phải chờ đến khi trên có chủ
trương cải cách chung trong quân đội thì mới có thể nghĩ đến đổi mới
K8 được. Hoặc là không bao giờ... Nhưng anh cần động viên cháu Yến
không được nản lòng.
- ???
- Anh còn phải động viên cháu Yến bắt tay ngay vào việc thu thập mọi
dược liệu, vật tư, nguồn lực để cứu vãn tình thế trước mắt của K8
đã.
- Vâng, tôi hiểu. Cháu Yến đã mất Nam, nếu bây giờ mọi hy vọng vào
đề án cũng tiêu tan nốt thì khổ cho cháu tôi quá... - Lê Hải bỏ dở
câu nói của mình.
Trần Thu dập tắt điếu thuốc đang hút dở, đứng dậy. Nhưng Lê Hải níu
xuống:
- Liên Xô đổ rồi, chi viện hết rồi. Kế hoạch cứu K8 của anh thế nào?
- Tôi như người leo dây anh ạ, sẩy chân ngã chết liền! Trong khi đó
thương binh bệnh binh ùn ùn đưa về K8 và trên toàn tuyến. Tôi ra
lệnh đình hoãn mọi công việc, mọi công trình có thể đình hoãn, đề
nghị Bộ và Tổng cục dồn hết mọi khoản chi lâu dài sang khoản chi
thường xuyên để có kinh phí thực hiện các giải pháp tình thế. Cứu
thương binh, cứu bệnh binh trước hết đã!
- Anh sẽ cầm cự được bao lâu?
- Không biết. Nhưng trước mắt tôi cắt những khoản chi có thể cắt,
đại loại những việc như Bân mỗi tháng đưa đơn vị của mình lên tăng
gia hai tuần trên Vĩnh Phú. Làm dấn được các việc cắt xén như thế
thì cũng sẽ tàm tạm. Rồi trên đã hứa điều chỉnh gấp ngân sách. Ngay
trong K8, mọi công việc xây dựng tôi ra lệnh tạm đình hết. Tôi đã
cho phép một số đơn vị làm đổi công cho bên dân sự để được cấp thêm
lương thực và thực phẩm. Lúc này phải ba đầu sáu tay anh Hải ạ. Ổn
ổn rồi sẽ quay ra tính lại đề án của cháu Yến.
- Thì ra cái gì tình thế thúc bách phải làm thì làm được, có phải
không anh Thu? Kiêng cấm đến mấy cũng làm được!
- Đành là thế. Nhưng cứ để bị dồn đến chân tường rồi mới cựa quậy
thì không hay lắm. Tôi cứ loay hoay tự hỏi mình vì sao 70 năm Liên
Xô vĩ đại sụp đổ trong một giờ, không một phát súng từ bên ngoài!
- Nhưng cũng phải nói không một phát súng bên trong tự vệ nữa chứ!
- Có. Có binh biến nhưng tắt ngay!
- Không ai có thể thờ ơ được anh Thu ạ. Vài ngày trước khi Cộng Hòa
Dân Chủ Đức sụp đổ, tôi còn nhớ hôm ấy báo đài đưa tin Tổng bí thư
Hô-nếch-cơ tiếp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Mấy bữa sau trong khi
tôi đang theo dõi tin đội tuyển bóng đá quân đội Liên Xô thi đấu
giao hữu ở Hung-ga-ri... tự dưng lại thấy báo đài đưa tin Tổng bí
thư Gren-dơ hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau này vỡ lẽ
ra đấy là những ngày cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức!
- Chuyện bức tường Berlin sụp đổ cũng được phổ biến tới tận chi bộ
đường phố hả anh Hải?
- Đâu có, anh Nghĩa kể cho tôi biết. Sau hỏi thăm thêm mấy tướng về
hưu thì đúng là như vậy.
- Tin nội bộ cho biết vợ chồng Xê-au-xét-cu(*) [(*) Ceausescu, Tổng
Bí thư kiêm Tổng thống Rumani, bị lật đổ và bị giết cùng với vợ ngày
25-12-1989.] bị đem ra bắn mới khủng khiếp chứ, tôi được xem cả một
đoạn phim truyền hình về sự việc này. Trước đó không lâu toàn thể
những đại biểu dự đại hội Đảng Ru còn đứng dậy vỗ tay rầm rầm khi
bầu lại Xê-au-xét-cu làm Tổng bí thư, một người thay mặt đại hội lên
khoác vào vợ chồng ông ta mỗi người một cái đai vàng chéo, cả hai
trông oai phong lẫm liệt như ông vua và hoàng hậu! Thế mà kết cục
lại như vậy!
- Chết thật, chuyện đến mức ấy cơ à?! Anh nói rõ xem nào.
- Chẳng khác gì một cuộc nổi dậy của nhân dân giết bạo chúa anh Hải
ạ.
- Có bàn tay nào xui khiến không?
- Loáng thoáng có tin CIA cũng thọc tay vào, chưa biết đúng sai ra
sao. Các lực lượng chuyên chính do chính tay Xê-au-xét-cu dựng lên
cũng tham gia nổi loạn mới kinh chứ.
- Nếu vậy nghi hoặc của tôi về thối ruỗng bên trong là có cơ sở. Lúc
nào chúng mình sẽ trao đổi thêm với Nghĩa... Nhưng...
- Nhưng làm sao?
- Liệu có sự phản bội của Gorbachov không?
- Thế một mình Gorbachov có thể phá tan Liên Xô không? – Trần Thu
hỏi lại.
- Chết! Anh hỏi thế thì câu chuyện nguy hơn chúng ta nghĩ rất
nhiều!.. – Lê Hải rót nước cho bạn mà tay cứ run bần bật.
- Đúng vậy. Điều rất mừng là tình hình nước ta ổn định, mặc dù báo
chí phương Tây có không biết bao nhiêu lời tiên đoán Việt Nam sẽ đi
vào vết xe đổ của các nước Liên Xô Đông Âu.
- Tôi cho là trình độ chính trị dân mình cao lắm anh Thu ạ. Anh xem,
bao nhiêu năm nay có nhiều chủ trương chính sách của ta đổ lên đổ
xuống, đời sống nhân dân khó khăn là thế. Rồi bao vây cấm vận, kinh
tế khủng hoảng, chiến tranh tâm lý... Các thế lực thù địch phá ta
trong vấn đề Campuchia gay gắt. Lúc này chế độ chính trị của đất
nước dễ bị chấn thương nhất, dễ bị diễn biến nhất. Nhưng anh xem,
nhân dân ta vẫn vững vàng. Trong cả nước không xảy ra bất kỳ một sự
lộn xộn nào. Dân mình anh hùng lắm anh ạ!
Tôi thừa nhận từ khi đổi mới, kinh tế nơi này nơi khác bắt đầu khởi
sắc, quân đội chưa theo kịp.
- Chính lúc này tôi mới càng thấy nhân dân ta bản lĩnh cao cường,
tình nghĩa với Đảng lắm. Dân vẫn tin vào Đảng, bảo vệ chính quyền,
bảo vệ Đảng...
- Đúng là suy nghĩ của người lính già. Anh làm tôi thêm can đảm. Hay
là tại vì ở nước ta, nhân dân và Đảng cùng quyết tâm đổi mới nên trụ
được? – Trần Thu hỏi lại.
- Cách mạng nước ta đã bao phen thăng trầm anh Thu ạ, nhưng rõ ràng
là chừng nào còn giữ được lòng tin của dân thì còn tất cả. Nghĩ như
thế, nên tôi nghi nội tình các nước Liên Xô Đông Âu ắt có điều gì
không ổn. Cái phá bên ngoài không lo bằng điều này.
- Đúng là không thể nhìn nhận vấn đề một cách hời hợt được anh Hải
ạ, nếu không muốn tự sát.
- Anh xem, thành trì của cách mạng thế giới, mấy chục triệu người hy
sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai đã cứu nhân loại thoát được
hoạ phát xít, cũng nhờ đó mới có thời cơ cho cách mạng Việt Nam, bảy
mươi năm xây dựng và cầm chân chủ nghĩa đế quốc… Thế mà bây giờ ra
mây khói hết!..
|