NGUYỄN TRUNG
DÒNG ĐỜI
Tiểu thuyết
14.
Tên thời con gái của má Sáu Nhơn là
Phan Thị Liên, con một thương gia giàu có ở Châu Đốc, thuộc một chi
lớn của dòng họ Phan Thanh nổi tiếng tỉnh Bến Tre. Công việc kinh
doanh dời chuyển họ về sống ở Sài Gòn. Mặt hàng buôn bán chính của
nhà là xuất khẩu mật ong, hương liệu và hàng thêu đan sang Pháp,
nhập về hàng vải vóc và đồ điện. Bố mẹ Liên còn là một cổ đông có
tên tuổi của hãng sơn Con tắc kè (Gecko) nổi tiếng cả Đông Dương.
Cũng giống như một số người thành đạt khác trong dòng họ, bố Liên
tuy có học thức nhưng không nghĩ đến chuyện quan trường, cũng nhất
quyết không vào làng Tây. Với tính cách là nhà buôn, bố mẹ Liên đã
đi Pháp, đi Thụy Sỹ.., vừa là để tìm hiểu thị trường, vừa là đi du
lịch để biết thế giới bên ngoài. Trong giao du và làm ăn như vậy,
ông bà Phan Thanh Bửu gặp ông bà Huỳnh Thái Mẫn ở Rome. Giữa hai họ
dần dần hình thành mối quan hệ buôn có bạn, bán có phường. Huỳnh
Thái Mẫn thuộc dòng họ Huỳnh Thái ở Gia Định. Ông nội của Huỳnh Thái
Mẫn đã từng làm quan trong triều và treo ấn từ quan vì không chấp
nhận sự bạc nhược của triều đình trước việc Pháp chiếm Gia Định.
Ngoài việc là bạn hàng với nhau, sự tương đồng về chí hướng và tính
cách, họ Huỳnh và họ Phan còn kết thân với nhau vì một bên có con
trai, một bên có con gái - đều là con một. Họ đã cam kết làm thông
gia của nhau khi Huỳnh Thái Nhơn mới 15 tuổi và Phan Thị Liên 10
tuổi.
Vì công việc làm ăn đi đi về về ngoài Hà Nội, lại phần nào muốn con
gái mình tránh xa thứ văn hoá của những người vào làng Tây, Liên
được gửi ra Hà Nội học trường Đồng Khánh khi lên lớp nhì năm thứ
nhất (cour moyen un). Khi Liên vừa học xong lớp lớp nhất (cour
supérieur) thì mẹ mất do ca phẫu thuật viêm ruột thừa ác tính thất
bại. Liên phải trở vào Sài Gòn kế tục sự nghiệp của mẹ. Năm ấy Liên
16 tuổi. Một vài năm đầu Liên giúp bố công việc sổ sách và một số
việc giao dịch, sau đó dần dần là người quán xuyến công việc kinh
doanh của gia đình. Họ hàng thân thuộc còn khá đông, chia làm hai
chi, một ở Châu Đốc, một ở An Giang, gia đình Liên lại phải đảm
đương một số nghĩa vụ kinh tế, mẹ không còn nữa, nên cuối cùng Liên
phải thay mặt cả bố và mẹ đứng mũi chịu sào lo toan mọi việc.
Đám tang cụ Phan Chu Trinh dấy lên không khí đấu tranh sục sôi của
trí thức và học sinh trong cả nước, đặc biệt là ở Sài Gòn, Huế và Hà
Nội. Trong số học sinh trường Bưởi(*) [(*) Tên gọi chính thức là
Lycée du Protectorat, vì trường ở làng Bưởi ngày xưa nên thường được
gọi là trường Bưởi, là trường Trung học phổ thông Chu Văn An ngày
nay.] tham dự lễ truy điệu cụ Phan(**) [(**) 9-9-1872 - 24-3-1926.]
ở Hà Nội có học sinh Huỳnh Thái Nhơn, lúc đó học thành chung năm thứ
hai. Khuynh hướng Duy tân nhen nhóm lên trong tâm trí Nhơn từ đấy.
Học xong thành chung năm thứ tư Nhơn bỏ học. Song mầm mống của cái
nghiệp sau này trong cuộc đời Nhơn lại nảy nở từ truyện Tố Tâm của
Hoàng Ngọc Phách. Nhơn gần như lơ lửng trên trời sau khi cùng Liên
như uống từng trang sách của truyện này. Ngày đêm tâm trí Nhơn khao
khát một điều gì đó không sao xác định được. Một tia sáng từ chân
trời xa xăm chợt loé lên một lần trong cuộc đời mới mở ra. Nhưng
hình như tia sáng ấy chỉ để làm cho Nhơn ý thức rõ hơn những sợi dây
vô hình đang trói buộc Nhơn vào cái thực tại ngột ngạt của xã hội mà
Nhơn và Liên đang sống. Nỗi đam mê văn học bắt đầu từ đấy. Sau này
Nhơn thường nói với bạn bè của mình: Hà Nội là của Đông Kinh Nghĩa
Thục, của nhóm Trí Tri, của Hội Cao đẳng ái hữu, của những cây bút
trong Nam Phong tạp chí, báo Phong Hóa, An Nam tạp chí, Tao Đàn, của
nhóm Tự lực văn đoàn... Vì thế Hà Nội có điều gì quyến rũ lạ
thường... Nhơn còn nhớ như in những ấn tượng ban đầu khi nghe các
học giả như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố... thức tỉnh nỗi đau của
đất nước, giảng giải tình trạng văn hoá dân tộc bị ách thực dân và
giáo lễ hủ nho nô dịch đến mức không còn tự nhận biết được là mình
bị nô dịch. Tâm hồn Nhơn rung động trước những lời giục giã phải
đánh bại tâm lý “vong quốc nô” cam chịu “nước bệnh không chữa được”,
phải vực lên tinh thần “nước bệnh có thuốc chữa...”. Nhơn ngày một
cảm nhận được “...nước nhà đã đắm chìm trong cảnh vong nô mà cuộc
xâm lăng của phong hoá Tây phương ngày càng tàn bạo(*) ...”.[(*)
Trong một số cuộc nói chuyện với những người đương thời và trong thư
mật gởi Cường Để bàn về thế sự đất nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng thường
nói đến ý này để dấy lên tinh thần phân đấu cứu nước và chấn hưng
đất nước.]
Có một vài buổi nói chuyện như thế, Liên nhất quyết đòi đi theo
Nhơn. Hồi ấy, con gái còn ít tuổi xin dự những cuộc như vậy là không
bình thường. Nhưng vì yêu Liên, Nhơn không thể từ chối. Song cũng
may là chẳng có chuyện gì ghê gớm xẩy ra, cũng có thể vì Nhơn và
Liên thuộc loại hậu thế so với các cử tọa những nơi họ đến, cả hai
thường tìm chỗ ngồi khuất nhất...
Nhơn như say mê từng lời của giới văn đàn Bắc Hà kêu gọi sáng tạo
phong trào quốc văn để thức tỉnh niềm tự hào của giòng giống Lạc
Việt, bất chấp sự rình mò của Sở Liêm phóng và những cơ quan kiểm
duyệt khác ở Hà Nội... Nhơn ước ao tự mình đứng ra lập một tờ báo
hay một tạp chí như thế ở Sài Gòn, với mong muốn tụ tập được những
cây bút có thể góp phần thổi bùng lên bầu sinh khí mới hồi ấy đã
được nhen nhóm lên trong nhiều tỉnh ở miền Nam đất nước. Bản thân
Nhơn cũng thử sức mình, viết một vài bài báo nói về tệ nạn mất gốc
của những người Việt vào làng Tây trong cái xứ thuộc địa Nam Kỳ. Có
vài bài được đăng, với bút danh Sáu Nhơn. Bút danh ấy trở thành tên
gọi của Nhơn suốt đời mình.
Nhưng còn một lý do quan trọng nữa khiến Nhơn quyết định bước vào
đời: Năm 1928 ông Bửu, bố của Liên, ốm nặng, khó qua khỏi. Ông Bửu
khẩn khoản đề nghị ông bà Mẫn tổ chức hôn lễ cho Liên và Nhơn để ông
có thể yên tâm nhắm mắt. Lúc này Liên 18 tuổi, Nhơn 23.
Việc tổ chức lễ cưới cũng phù hợp với ý nguyện của Nhơn và Liên. Bởi
vì ngoài mối quan hệ giữa hai gia đình, từ lâu họ đã quen biết nhau
thân thiết, hiểu nhau, cùng chí hướng. Trong thời gian trọ học ở Hà
Nội, Nhơn đã chăm sóc Liên như em gái mình. Dần dà tình yêu giữa họ
chớm nở và họ chờ đợi sự cho phép của hai bên bố mẹ.
Sống với gia đình ít lâu, Nhơn lại quay ra Bắc theo đuổi sự nghiệp
văn chương mình đang khao khát. Bé Phong ra đời năm 1929, vào lúc nổ
ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn bên châu Âu - sau này thường gọi là
cuộc khủng hoảng 29-33, vì nó kéo dài đến gần hết năm 1933. Một năm
sau, năm 1930, hầu như trong một đêm gia đình họ Huỳnh và gia đình
họ Phan sạt nghiệp. Các khách hàng của hai gia đình này tuyên bố phá
sản và quỵt nợ toàn bộ số tiền hàng hoá đã nhập từ hai gia đình này
và mọi khoản nợ tồn đọng khác. Kiện cáo mãi, pháp luật nước Pháp xác
nhận đây là trường hợp bất khả kháng, nhà Phan và nhà Huỳnh hoàn
toàn chịu bó tay!.. Liên nếm mùi khuynh gia bại sản lần thứ nhất
trong cuộc đời của mình trên thương trường.
Cũng thời gian này sự đàn áp dã man cuộc nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh
lan ra tận Hà Nội. Biết tính tình bồng bột của con, ông Mẫn gọi Nhơn
về Sài Gòn cho an toàn, đồng thời cũng hy vọng Nhơn góp một tay chèo
chống con thuyền kinh tế chung của hai nhà đang cơn hoạn nạn. Nhơn
nghe lời bố, nhưng trong việc kinh doanh Nhơn chỉ đem lại thua thiệt
cho gia đình.
Có lần Nhơn than thở với Liên:
- Những năm sống ở ngoài Bắc, anh được nghe bà con nông dân ngoài ấy
nói trâu trắng đi đến đâu mất mùa đấy! Có lẽ con trâu trắng của nhà
ta chính là anh đó..!
- Đừng nghĩ thế anh! Anh không đánh mất chí hướng của mình là em
thoả nguyện rồi... Nếu chỉ vì giá áo túi cơm thì chắc chắn hai chúng
ta đã chọn con đường khác...
- Em nói như vậy là nghĩa thế nào?
- Đã mang lấy nghiệp vào thân... Ông cụ làng Tiên Điền nhắn lại anh
xin đừng trách lẫn trời gần trời xa!
- Ôi Liên của anh...
Nghe ngóng ngoài Hà Nội đã yên tĩnh, được Liên cổ vũ, Nhơn lại quay
ra Bắc theo đuổi khát vọng của mình. Hoàn cảnh kinh tế gia đình lúc
này mười phần chỉ còn một, hai... Bù lại, lần nay Nhơn có nhiều cái
may lớn: được đi nghe những buổi bình thơ mới của Thế Lữ, Tản Đà,
Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư.., được đọc những bài báo, những áng văn
khơi dậy tinh thần dân tộc của Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Trương Tửu,
Nguyễn Tuân.., Nhơn ngỡ ngàng tìm lại được đất nước chân chất hồn
quê của mình qua những vần thơ của Nguyễn Bính, Bức tranh quê(*)
[(*) Tuyển tập thơ của Anh Thơ.] của Anh Thơ...
Hồi ấy trên văn đàn, trên một số báo chí Bắc Kỳ đã xuất hiện dăm ba
trận bút chiến về văn chương, về chính trị. Có những cuộc luận chiến
văn chương tháng này sang tháng khác, phái Tây học, phái phương
Đông, phái nghệ thuật vị nghệ thuật, phái nghệ thuật vị nhân sinh...
Nhơn phần vì không đủ hiểu biết để lựa chọn cho mình chỗ đứng về bên
nào, phần thì thấy có biết bao nhiêu chuyện rối tung rối mù như một
mớ tạp-pí-lù, không biết đâu là hư đâu là thực. Nhơn quyết định đứng
ngoài tất cả các thứ này, lấy sự cảm nhận của chính mình làm gốc. Cứ
cái gì rung động được tâm hồn mình, cái gì thức tỉnh được tinh thần
Việt thì Nhơn theo, coi đó là của mình, là cái mình cần hướng tới.
Khi Nhơn đến gặp Tam Lang trong ban biên tập tờ Ngọ báo để nhờ cậy
làm quen với làng báo, tình cờ được gặp và tiếp chuyện một người ăn
vận quần áo dài trắng đã hơi ngả màu, vóc người ốm yếu xanh sao.
Người này còn trẻ lắm, nói năng nhỏ nhẻ, thậm chí có phần rụt rè
nữa. Về sau, Nhơn kinh ngạc được biết người ấy kém mình sáu tuổi
nhưng là cha đẻ của những tác phẩm Nổi loạn. Cạm bẫy, Số đỏ, Làm
đĩ, Giông tố, Kỹ nghệ lấy Tây, Vỡ đê... là những tiểu thuyết gây
ra bao nhiêu sóng gió. Chưa đầy hai tuần sau đó, Nhơn phải cùng với
bạn bè hối hả đi xuống phố Cầu Mới(*)[(*) Hồi đó còn là vùng ngoại ô
của thành phố Hà Nội, là khu vực nhà máy Cơ khí trungquy mô ngày
nay.
] , âm thầm tiễn đưa người ấy về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sáng hôm u buồn đó, giữa hai bên đường phố náo nhiệt, ngồi với mấy
người bạn cũ cùng lớp trong xe điện leng keng, Nhơn vẫn thấy lòng
mình trống trải.
...Trời ơi, ông Balzac Việt Nam là anh đấy ư? Vũ Trọng Phụng ơi!..
Nhơn khóc thầm, khát vọng trong Nhơn càng cháy bỏng...
...Trên đường ra ga Hàng Cỏ trở vào Sài Gòn, Nhơn cố ý đi qua trụ sở
hãng sơn Gecko ở đầu chợ Hàng Da, đứng lại đấy một lúc, mắt chằm
chằm vào Con tắc kè(**) [(**) Biểu tượng của hãng sơn Gecko.] đắp
nổi trên tường, trong bụng khấn thầm trời Phật cho nó ăn nên làm
ra... Vì mọi vốn liếng cho hoài bão lớn của Nhơn trông chờ vào đấy.
Về đến nhà, Nhơn tất tưởi ngược xuôi thuê nhà làm trụ sở, mua sắm đồ
đạc, xin giấy phép, ký hợp đồng với nhà in, ký hợp đồng tạm với một
vài nhà báo, nhà văn, lập ban trị sự... Lúc được việc này lại hỏng
việc kia. Với tất cả tính hào phóng của mình, thế mà cũng phải đến
đầu năm 1940 mọi việc mới hòm hòm. Song kinh tế đất nước ngày càng
tiêu điều. Tác động của chiến tranh thế giới lần thứ II làm cho sưu
cao thuế nặng càng thêm nặng, đất nước ngày một kiệt quệ. Đúng lúc
này Gecko phá sản, các khoản tiền Nhơn đứng ra vay để mở toà báo
không còn tài sản thế chấp. Gia đình Nhơn vỡ nợ, toà báo đổ ụp trước
khi nó ra đời, để lại cho Nhơn bệnh cao huyết áp ngày một nguy
kịch...
Trong những ngày cuối cùng nằm liệt trên giường vì tai biến mạch máu
não, có lần Nhơn nước mắt giàn giụa, cố nhấc tay lên nắm lấy tay
Liên, thều thào:
- Liên ơi, tha lỗi cho anh... Vũ Trọng Phụng không có nổi cái áo dài
the đen để mặc khi đi giỗ tổ, phải chết trong nghèo túng, bệnh tật,
nhưng để lại cho đời cả một sự nghiệp... Anh sắp phải đi xa rồi,
nhưng để lại cho em đổ vỡ và biết bao nhiêu khó khăn điêu đứng...
Hiểu lời trăn trối đau thắt ruột, Liên khẽ đặt tay lên miệng Nhơn,
ngắt lời chồng:
- Anh ạ, số phận có thể rất cay nghiệt… Song anh xem, Đạm Thủy và Tố
Tâm vẫn trọn vẹn mối chung tình… Anh phải nghĩ như thế về sự nghiệp
của mình mới đúng chứ... Có phải Tố Tâm là cuốn truyện đầu tiên
chúng ta đọc chung với nhau không anh?
- Anh sẽ mang theo tình yêu của em dành cho anh!
Khi buông xuôi hai tay, Nhơn để lại cho Liên năm đứa con thơ dại,
một tủ sách lớn và những khoản nợ không thể nói là nhỏ. Sự đổ vỡ về
kinh tế trong gia đình Liên lần thứ hai còn thê thảm hơn lần thứ
nhất. Lúc ấy Liên hai mươi chín tuổi.
Đứng trước mộ chồng, bế Út Thạnh trên tay, đằng sau là bốn con trai,
Liên thầm khấn lời thề của mình:
- Anh khôn thiêng hãy phù hộ cho em và các con thực hiện ước nguyện
của anh!
Một năm sau chính quyền cách mạng ở Sài Gòn ra đời, nhưng chưa đầy
một tháng, giặc Pháp đã gây hấn, với ý định xâm chiếm nước ta một
lần nữa. Liên giục giã Hai Phong, đứa con trai cả của mình:
- Đi đi con! Can đảm lên! May ra con thực hiện được khát vọng của ba
con theo cách khác!
Đêm tiễn Hai Phong lên đường vào bưng biền tham gia kháng chiến,
trời mưa to. Khắp bầu trời sấm chớp loé sáng đùng đùng, xen lẫn
tiếng đại bác khởi hấn của giặc Pháp. Má Sáu Nhơn vô cùng lo sợ cho
số phận Hai Phong, số phận đàn con nhỏ trong tay mình. Đưa Hai Phong
đi khỏi, má quay về nhà thắp hương khấn chồng phù hộ cho các con,
rồi ôm cả bốn đứa trẻ đang ngủ vào lòng cho chúng đỡ sợ. Đó là đêm
23 tháng 9 năm 1945, bà vừa đúng ba mươi nhăm tuổi tính theo dương
lịch.
Nhờ ý chí của mẹ, Phong vững lòng bỏ nhà vào bưng biền tham gia
kháng chiến... Phong hiểu mẹ yêu bố như thế nào! Lúc ấy Hai Phong
bước sang tuổi mười bảy.
Gần như với hai bàn tay trắng, nhưng với tiếng tăm và chữ tín vốn có
trong truyền thống làm ăn của nhà, bà Sáu Nhơn từng bước, từng bước
tạo nên cơ ngơi mới cho mình, cho Ba Tước, rồi cho Tư Quang, cho Năm
Thịnh... Bà bắt đầu chặng đường này từ chạy hàng sách, nghĩa là buôn
nước bọt: săn hàng của người có hàng đem bán cho người mua rồi mới
đem tiền trả lại cho người bán, ở giữa kiếm chút tiền chênh lệch,
rồi đến mở cửa hàng vải, chơi hụi, làm đại lý, buôn lớn... Một lần
đụng đầu sạt nghiệp với cánh vua gạo, vua thép người Hoa, nhưng rồi
bà cũng vượt qua được. Nhiều người trong làng buôn vùng này không
biết ông Sáu Nhơn là ai nhưng chị Hai Liên, hay là chị Hai Nhà Bè
thì hầu như ai cũng biết.
Lúc Hai Liên bắt tay vào dựng lại cơ nghiệp lần thứ ba, Út Thạnh lên
5 tuổi, được phó thác cho một người vú em kiêm việc cơm nước, còn
lại 3 anh trai của Út Thạnh vừa đi học, vừa giúp mẹ những công việc
mẹ sai làm. Cũng có thể nói 3 người con trai này tiếp xúc với thương
trường ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường...
Mọi người trong nhà không hiểu tại sao
má Sáu năm nay bổng dưng muốn tổ chức sinh nhật của mình, bắt mọi
người chuẩn bị từ mấy hôm trước. Đây là điều chưa hề xảy ra kể từ
ngày vợ chồng con cái Hai Phong kéo nhau vào Sài Gòn ở với má Sáu.
Trong nhà này cho đến nay ai muốn làm kỷ niệm sinh nhật thì làm,
nhưng dứt khoát không có chuyện này với má Sáu.
- Sao có chuyện kỳ lạ thế này, anh Hai? Hay đây là... – bà Ngân hỏi
chồng, nhưng không dám nói hết ý nghĩ của mình...
- Anh chịu, không đoán được mẹ nghĩ gì. Năm nay mẹ 77 theo tuổi mụ.
Đám trẻ cũng không thông minh hơn bố mẹ, nhưng chúng tếu táo:
- Nội thấy chúng con tổ chức sinh nhật vui quá, bây giờ nội bắt
chước!
- Thế là nội cũng đổi mới rồi!
Má Sáu chỉ cười:
-Bây giờ trong nhà cũng như ngoài xã hội, hễ cái gì khang khác một
chút đều được tụi bay gọi là đổi mới!
Má Sáu cho mời vợ chồng Tư Cương, vợ chồng Ba Khang và vợ chồng Bảy
Dự. Má định viết thư nhắn cả vợ chồng Lê Hải vào, nhưng sợ quá tốn
kém cho họ, má lại thôi. Má đã toan sai Hai Phong viết thư cho vợ
chồng Lê Hải là má sẽ chi cho tiền vé đi về, máy bay hay tàu hoả
cũng được, nhưng chắc chắn là vợ chồng Lê Hải không dám để má chi
như thế, cuối cùng má bỏ ý định này.
Mọi người phải dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, bố trí bàn ghế chỗ ngồi
cho ấm cúng, cắm một lọ hoa lớn thật đẹp ở góc phòng khách. Má Sáu
không thích trang trí theo kiểu rườm rà. Tách chén, ấm pha trà... má
bắt chuẩn bị rất kỹ lưỡng, xếp đặt đâu vào đấy... Má không cho làm
cỗ bàn gì cả. Bảo Vân xin phép tặng bà một cái bánh sinh nhật, má
đồng ý. Má dặn trước mọi người phải mặc bộ quần áo nào đẹp nhất,
trang trọng nhất của mình. Tự tay má Sáu sửa lại lọ hoa, sắp xếp chỗ
ngồi của từng người và giao cho Bảo Vân lo việc ai ngồi đúng chỗ
người ấy.
Càng thấy những yêu cầu tỉ mỉ của mẹ, Hai Phong trong lòng càng thêm
lo. Có thể Ngân nghĩ đúng, đây là một điềm báo hiệu gì đó... Nhưng
Hai Phong cũng thấy ngay lo lắng này là phi lý: Má vẫn khoẻ mạnh so
với tuổi của má, không bệnh tật gì... Còn sự minh mẫn của má thì tự
Hai Phong cũng thấy trong cuộc sống hàng ngày mẹ mình từng trải hơn
nhiều. Cách má Sáu xử trí việc Hai Hân đưa Đoàn Danh Thắng nhảy dù
vào nhà ông Thành là một bài học mới nhất, Hai Phong không thể nào
quên được...
Kỷ niệm sinh nhật sao mà không khí trang nghiêm quá đỗi, sự hồi hộp
của mọi người tăng lên. Ai cũng tin rằng phải có một điều gì hệ
trọng.
Khi mọi người tề tựu đầy đủ, Hai Phong thay mặt mọi người chúc mừng
sinh nhật má, chúc má sống lâu mạnh khỏe, mãi mãi là chỗ dựa vững
chắc cho con cháu. Sau đó Hai Phong mời mẹ cắt bánh chia cho mọi
người.
Sau mấy lời cảm ơn, má Sáu đứng lên cắt bánh. Phần bánh của người
nào cũng được cắt đẹp một cách không ngờ.
- Bà Sáu cắt bánh như là nhà hàng chuyên nghiệp vậy! Mọi người xem
kìa, tay cứ thoăn thoắt, cử chỉ gọn gàng. Các cô gái nhà này chưa
chắc đã làm được như vậy, nhất là ở tuổi của bà... - bà Tư Cương
trầm trồ.
Má Sáu chỉ cười:
- Chúng ta không thắp nến, như thế đỡ tốn kém. Vả lại đây là phong
tục phương Tây, nói theo cái bệnh sính từ chính trị của các cháu,
phong tục này đưa vào ta cũng phải đổi mới đi chút chút... – Má Sáu
dừng lại, hai tay nắm lại trước ngực: - Xin cảm ơn tất cả những lời
chúc mừng tốt đẹp. Chỉ có một điều chúc của anh Hai má không nhận.
Bây giờ tôi không muốn làm chỗ dựa cho ai cả, và đấy cũng là lý do
tôi muốn tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật của mình... – đến đây má Sáu
tiếp tục chia bánh cho mọi người.
Trong khi mọi người còn đang đoán già đoán non suy nghĩ của má Sáu,
Bảo Vân reo tướng lên:
- Nội ơi, con đoán không sai mà. Hôm nay nội sẽ có một tuyên bố long
trời lở đất, và muốn được tụi con nhân dịp này chính thức trao cho
nội bằng bà của đại học!
Cả nhà cười vang, không ngờ Bảo Vân hóm hỉnh thế.
- Xem ra ra đấy là câu nói thông minh nhất tối nay nội được nghe,
Bảo Vân à. Nội nói là thông minh nhất thôi, chưa phải là hoàn toàn
thông minh... Vì con vẫn chưa biết được nội định nói gì... Thế cũng
được rồi! – má Sáu khen Bảo Vân, tay má vẫn thoăn thoắt cắt bánh để
chia tiếp.
Bảo Vân lắc đầu chịu thua nội của mình, người co dúm, giơ tay, thè
lưỡi, làm mọi người bật cười.
Khi mọi người đã có đĩa bánh và tách nước chè trước mặt, má Sáu ngồi
xuống, trịnh trọng:
- Tôi mong ông bà Tư, ông bà Ba và vợ chồng cậu Bảy thông cảm cho,
năm nay tôi thấy cần kỷ niệm sinh nhật mình là vì có việc phải làm
với các cháu. Nghĩa là đã đến lúc tôi phải làm công việc này. Tôi
xin tất cả nhà hãy cổ vũ, hãy giúp đỡ các cháu của chúng ta... – má
Sáu dừng lại rồi quay về phía vợ chồng Vũ và vợ chồng Bảo Vân: - Nội
đã hứa với các con một điều quan trọng. Nội chọn hôm nay để thực
hiện lời hứa ấy. Mấy năm qua lăn lộn trên đất Sài Gòn, nhờ vào công
việc hàng ngày đưa sữa chua, nội tin rằng các con đã tự rèn luyện
được bản lĩnh nào đó cho mình và tích góp được hiểu biết ban đầu cần
phải có. Bây giờ các con đã gây dừng được nhiều mối quan hệ, có tầm
nhìn. Các con vẫn hằng ước ao so đọ sức mình. Nội nghĩ đã đến lúc
các con phải đứng ra lập nghiệp trên mảnh đất chúng ta đang sống...
Các con ạ, từ hôm nay các con hãy tự định đoạt lấy cuộc sống của
mình, đấy chính là cái gậy thần nội muốn giao cho các con...
Ai cũng cảm thấy một điều gì thiêng liêng vừa xảy ra, má Sáu dừng
lại nhấp một ngụm nước rồi nói tiếp:
- Bây giờ chắc các con hiểu, gậy thần đã trao cho các con rồi, nội
không muốn còn là chỗ dựa của các con nữa. Nội tự hào vô cùng, đây
là lần thứ hai trong đời mình, nội được làm công việc giục giã con
cháu mình bay đi, vươn đến đích các con muốn tới. Lần thứ nhất trong
đời nội làm việc này, đó là lúc nội giục ba các con vào bưng biền
tham gia kháng chiến chống Pháp. Ba các con đã không làm cho nội
thất vọng. Các con hãy noi theo gương ba má các con... – má Sáu dừng
lại một lúc, cân nhắc điều gì đó rồi mới nói tiếp, giọng nói run run
vì xúc động: - Các con à, trời cho chúng ta làm người, phải sống cho
xứng đáng là người. Những người thuộc thế hệ ba má các con đã xả
thân cứu nước, đến lượt thế hệ các con phải lập nghiệp xây dựng đất
nước này. – nói xong má ngồi xuống, lấy khăn tay thấm thấm một vài
giọt mồ hôi trên trán.
Gian phòng tràn ngập sự im lặng thiêng liêng.
Bọn trẻ ngỡ ngàng. Giờ phút chúng chờ đợi bao lâu đã đến một cách
thật trang nghiêm, thật bất ngờ.
Người lớn cũng ngỡ ngàng, nhất là ông bà Hai Phong. Không ai nghĩ
rằng má Sáu lại dạy dỗ các cháu mình một cách kiên trì và sâu sắc
như vậy.
Thế hệ trẻ nhà họ Huỳnh vốn mong đợi được má Sáu cho phép thử sức
mình, nhưng đều bị má Sáu năm lần bảy lượt khuyên giải tạm để sang
một bên. Thậm chí mấy lần chúng chỉ xin tăng thêm lượng sữa chua
giao cho các nhà hàng, má cũng không cho... Má không bác lại bất kể
đề nghị gì của bọn trẻ, đôi lần má còn đưa ra những câu hỏi, những
nhận xét riêng của má. Song cuối cùng lần nào má cũng nói: “...Các
con cứ nghĩ kỹ đi, cứ tập dượt trong đầu... Cho đến khi nào nội trao
cho các con cây gậy thần...”
Đám trẻ kiên nhẫn học hỏi và làm việc, kiên nhẫn chờ đợi, kiên nhẫn
ấp ủ những ý tưởng, những dự định.
Điều mong mỏi từ lâu ấy của bọn trẻ họ Huỳnh hôm nay đã đến. Thế mà
chúng vẫn ngỡ ngàng vì quá bất ngờ. Chúng lại càng không thể nghĩ
đến việc má trao cho chúng cây gậy thần một cách trang trọng như
vậy, nhưng cũng vô cùng dứt khoát như vậy...
Bọn trẻ chụm đầu vào nhau, cuối cùng Vũ đứng dậy:
- Thưa nội, thưa ba má, chúng con xin noi gương ba má chúng con,
nhất định chúng con sẽ không làm nội thất vọng. Chúng con xin hứa
như vậy ạ!
- Các con hứa như vậy, nội vui lắm. Chúng ta không uống rượu, chúng
ta nâng tách trà này...
- Ối, sao tay nội run quá, con chưa thấy tay nội run như thế bao
giờ? – Bảo Vân đột ngột kêu lên.
- Bà Sáu làm sao thế này?
Mọi con mắt dồn vào chén trà đang sóng sánh trong tay má Sáu. Tất cả
nín thở, lo lắng.
Má Sáu đặt tách trà xuống bàn, hai tay nắm chặt vào nhau. Má ngồi
yên, nhìn hai bàn tay của mình đã nắm chặt vào nhau mà vẫn còn run
rẩy, một lúc sau má nói với đám trẻ:
- Phải, không biết làm sao thế này! Lạnh quá! Các cháu ạ, tay nội tự
nhiên run quá – má Sáu lại nghỉ một lát, uống một ngụm nước, rồi mới
nói tiếp được: - Có lẽ vì nội không thể quên được những lo lắng hồi
đó... Nội nhớ lắm, lúc đó ông nội các con vừa mới nhắm mắt, gia cảnh
mười đường khốn khó cả mười, chiến tranh ập đến...
Hai tay má Sáu ôm lấy chén nước như để lấy thêm hơi ấm từ nó, ngồi
im, hai mắt nhắm nghiền lại. Một lúc sau má Sau mới ngẩng lên:
- Nội nhớ lắm... Lúc đó nội giục ba các con lên đường, khác nào nội
giục ba các con đi vào chỗ chết, khác nào nội đẩy cả gia đình vào
những hiểm nguy mới. Các chú và cô Út Thạnh lúc ấy còn nhỏ, trong
lòng nội lo lắm... Nhưng nội thương ông nội của các con quá, nội
không thể làm khác được... – Má Sáu lại nghỉ, hơi thở có vẻ gấp gáp,
má cố điềm tĩnh: - Hôm nay cũng thế, nội run lắm... Ba lần tan vỡ cơ
nghiệp! Ba lần chứ không phải một lần các con à! Điều này mách bảo
cho nội biết các con sẽ phải đối mặt với những khó khăn không sao
lường xiết... Nhưng các con đã đứng trên đôi chân của mình rồi, các
con phải tự đi đi! Phải tự đi trên con đường của các con đi...
Hai Phong ngây người, ôm lấy tay mẹ rồi gục đầu vào vai mẹ:
- Ôi má, vợ chồng con đã là ông bà rồi, thế mà con vẫn chưa hiểu
thấu lòng thương yêu và sự lo toan của má dành cho chúng con!
- Các cháu có quyền hãnh diện về bà nội của các cháu! Các cháu thật
hạnh phúc! Lúc nãy bà làm chúng tôi sợ quá...- ông Tư Cương xúc
động.
- Bây giờ nhìn sắc mặt bà tôi mới hết lo. Ông Tư nói đúng lắm. Tôi
xin phép bà Sáu nói với các cháu đôi lời... - ông Ba Khang tiếp lời
ông Tư Cương: - Các cháu ạ, thời gian tôi giúp việc cho nội của các
cháu tính ra đến hơn một chục năm, thế nhưng hầu như quyết định nào
của nội các cháu, hay là việc nào nội các cháu định thực hiện..,
phần lớn tôi đều bị bất ngờ. Nghĩa là định làm việc gì, nội các cháu
bao giờ cũng cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm lớn lắm. Hôm
nay cũng vậy các cháu ạ, hôm Bảo Vân sang mời vợ chồng tôi đến dự
sinh nhật của nội các cháu, vợ chồng tôi không hiểu ra sao cả - Ông
Ba quay sang má Sáu: - Thành thực xin lỗi bà Sáu, sau khi Bảo Vân ra
về, vợ chồng tôi trộm nghĩ có lẽ đây là cuộc gặp mặt trối già chăng!
Sống với nhà ta hơn mười năm trời, tôi biết xưa nay nhà ta làm gì có
tập tục này!.. Lúc nãy nhìn tay bà run lập cập tôi càng tin như vậy.
Bây giờ thì tôi hiểu. Thế là một lần nữa tôi lại bị bất ngờ lớn các
cháu ạ... Tôi cứ đinh ninh rằng sau đợt cải tạo tư sản vừa qua, lại
thêm sự ra đi của ba gia đình các chú của các cháu, tôi lo nội của
các cháu quỵ mất. Lần thứ ba nội của các cháu lại đứng dậy, lần này
là vì thế hệ các cháu!
Má Sáu đã trấn tĩnh ban đầu, vui vẻ:
- Rất cảm ơn ông Ba. – má Sáu quay sang đám trẻ: -Thôi nhé, hôm nay
là ngày trao gậy thần cho các con, không phải là ngày tuyên dương
công trạng của nội. – má Sáu dừng lời một lúc rồi quay ra đặt tay
lên vai hai Phong: - Con ạ, má đã hứa với con, khi nào có dịp má sẽ
nói thêm cho con hiểu về lẽ mất còn trên đời này. Con hãy nhớ lại
quãng đời của gia đình ta từ hôm má giục con vào bưng biền đi kháng
chiến cho đến hôm nay. Nhớ lại đoạn trường này, má chắc con sẽ hiểu
tất cả. Rồi có lúc má sẽ nói cho con hiểu tất cả...
- Con hiểu má ạ... Con sẽ ráng làm theo má – hai tay Hai Phong nắm
lấy tay mẹ. Ông hiểu mẹ mình nói gì, ông hiểu mẹ mình nhắc nhủ những
khó khăn phía trước...
- Con nghĩ được như vậy, má rất vui!
Căn phòng như sáng thêm trong niềm vui của má Sáu.
Cuối năm nay xí nghiệp in quốc doanh
Tự Lực của Hai Hân lại được lãnh đạo Thành phố trao thưởng Lá cờ
đầu, vì hoàn thành kế hoạch in ấn và làm tốt công tác đời sống.
Nghĩa là ba năm liền xí nghiệp được nhận vinh dự này, Hai Hân cũng
được tuyên dương công trạng, báo chí tôn lên như một anh hùng.
Khác với hai lần trước, kỳ khen thưởng lần này báo chí làm rầm rộ
quá, tự nhiên hình như mọi con mắt của cả Thành phố đều dồn về xí
nghiệp.
Vòng nguyệt quế có gai làm Hai Hân buốt đầu lại là bài báo vào bậc
thầy của làng báo ca ngợi xí nghiệp Tự Lực nhân dịp này. Bài này
được đăng trên mấy tờ báo lớn của Thành phố, tác giả là Đoàn Danh
Tiến, vốn từ lâu đã tự xác lập được tên tuổi của mình trên diễn đàn
báo chí Sài Gòn. Ông Tiến gần như cùng tham gia vào quá trình khai
sinh ra xí nghiệp Tự Lực, hiểu rõ mọi khó khăn và những chi tiết
ngóc ngách. Từng lời bình phẩm, từng ý tán dương rất có hồn, vì được
khéo léo gắn với việc thật, người thật của xí nghiệp và của hoàn
cảnh chung cả Thành phố.
Dù sao phải thừa nhận ông anh là người có tài, nhưng càng tài bốc em
lên như thế này thì càng làm khổ thằng em này thôi ông anh ơi! – Hai
Hân rên rỉ khi so sánh bài này với mấy bài khác...
Cái lợi là xí nghiệp và Hai Hân rất nổi danh. Nhưng cái bất lợi là
những chuyện xé rào hay làm ẩu một chút, ví dụ như chuyện có 2 sổ kế
toán – một để báo cáo, còn một để điều hành xí nghiệp, việc cấu chỗ
này đắp chỗ kia – nhất là việc vay tạm một số vật tư, vốn.., việc
lạm dụng một số cơ chế... để cứu nguy những thua lỗ không tránh
khỏi.., rồi đến việc mượn tạm tài khoản... để chạy kế hoạch 3,
vân...vân... thì ngày càng khó che mắt mọi người...
Nhưng điều làm cho Hai Hân lo nhiều hơn là càng đi vào hình thành cơ
chế một giá theo giá thị trường, xí nghiệp ngày một ít khả năng chạy
vật tư theo giá bao cấp để chuyển vào kế hoạch 3, mảnh đất vung vinh
cho đồng ra đồng vào để làm công tác đời sống co hẹp dần. Đã thế sự
móc ngoặc giữa thủ quỹ, kế toán và thủ kho ngày càng trắng trợn. Đã
nhiều lần Hai Hân gọi những người này lên cảnh cáo, song câu chuyện
cứ như nước đổ lá khoai. Những năm trước đây khoảng chênh lệch giữa
giá bao cấp và giá thị trường thường là một hai chục lần, nên dễ
dàng khắc phục một số thất thoát nhất định. Hai giá bây giờ gần sít
nhau, khả năng này hầu như không còn nữa, sự thâm hụt của xí nghiệp
cứ tự nó lồ lộ ra như những mụn lở đang thi nhau vỡ toác trên khắp
thân thể con người. Đã có lúc Hai Hân nghĩ đến việc đưa Thắng vào
trợ chiến cho mình trong chuyện hạch toán của toàn xí nghiệp. Nhưng
Hai Hân thừa biết phẩm chất của Thắng. Hơn nữa kinh nghiệm bấy nhiêu
năm làm giám đốc dạy cho Hai Hân đủ nhạy cảm để hiểu rằng nếu giao
cho một người thâu tóm toàn bộ công việc kinh doanh của xí nghiệp và
kế hoạch 3 thì trên thế gian này không có một ông thánh nào đủ tài
đức chống lại gian lận.
Ông bí thư đảng uỷ, quân nhân phục viên, cậy có quá trình cách mạng
lâu năm hơn Hai Hân nên luôn luôn kèn cựa. Ông quên mất chính Hai
Hân là người xin ông về xí nghiệp này hồi mới thành lập. Nhân lúc xí
nghiệp đang có nhiều chuyện lủng củng liên quan đến uy tín của Hai
Hân, ông bí thư nói với Hai Hân ngay giữa lúc ăn trưa tại căng-tin
của xí nghiệp, cốt để nhiều người nghe thấy:
- Anh Hai này, chỗ anh em với nhau, tôi khuyên anh lúc này anh nên
tranh thủ sự hậu thuẫn của đa số. Hồi này xì xèo về anh nhiều quá.
- Cảm ơn anh Ba, tôi cũng nghe thấy.
- Ngay trong đảng uỷ cũng phàn nàn có nhiều việc anh quyết rồi đảng
uỷ mới biết.
- Anh Ba thông cảm cho, tôi quyết toàn việc sản xuất kinh doanh của
xí nghiệp. Không quyết ngay như vậy thì xí nghiệp ta nếu không trâu
chậm uống nước đục thì lại mất cả chì lẫn chài! Tôi có quyết việc gì
liên quan đến công tác Đảng đâu.
- Đúng là thế, nhưng đảng uỷ không biết thì làm sao lãnh đạo các chi
bộ và công đoàn thực hiện? Có sự tham gia của đảng ủy thì quyết định
của anh càng chắc chắn hơn, có hại gì đâu. – giọng ông bí thư Đảng
ủy ân cần như chia sẻ những khó khăn của Hai Hân.
- Anh Ba ơi, bàn tới bàn lui trong đảng uỷ chuyện kinh doanh của xí
nghiệp, nếu không hoàn thành kế hoạch thì báo cáo với trên ra sao?
Rồi lấy gì trả lương, lấy gì làm công tác đời sống?
- Đành là thế, cứ đưa ra bàn anh sẽ tranh thủ được sự hậu thuẫn của
đảng uỷ, nếu thống nhất được trong đảng uỷ thì quyết định của giám
đốc càng mạnh, anh mất gì? Tôi nghe nói sắp tới có chủ trương nâng
vai trò đảng uỷ trong xí nghiệp thành ban cán sự Đảng đấy, chịu
trách nhiệm lãnh đạo toàn diện đối với xí nghiệp, chứ không phải như
thế này đâu.
- Ấy chết, đừng làm thế. Anh thưa hộ với trên là hoàn toàn không
nên! Thằng đái thằng cầm... cò thế này thì làm sao điều hành mọi
việc cho tốt được?
- Ăn nói linh tinh! Tính đảng của anh cực kỳ có vấn đề!..
Từ hôm ấy bí thư đảng uỷ lại có thêm chuyện dèm pha để hạ uy thế Hai
Hân.
Gần đây Hai Hân lại có thêm nỗi lo mới: sau một quý thường xuyên tự
mình ngấm ngầm kiểm tra các căng tin và những hoạt động khác của kế
hoạch 3, Hai Hân thực sự hoảng sợ thấy doanh số của kế hoạch 3 ghi
trong sổ sách hơn hẳn doanh số hoạt động chính của xí nghiệp. Trong
thâm tâm Hai Hân thú nhận những việc của kế hoạch 3 để ngoài sổ sách
thì chỉ có chúa trời may ra mới biết được – nghĩa là chính mình cũng
không kiểm soát nổi! Không thể tin tưởng vào Thắng được. Xí nghiệp
nợ ngày càng nhiều, nhưng kế hoạch 3 vẫn có tiền chia đều đều cho
mọi người...
Đã thế, ngày qua ngày lại, công đoàn hình thành một quỹ riêng khá
lớn, gọi là quỹ đời sống, được trích lại theo tỷ lệ phần trăm từ
khoản phụ cấp đồng loạt do thu nhập của kế hoạch 3 mang lại. Phó bí
thư đảng uỷ kiêm chủ tịch công đoàn biện bạch: Phải có quỹ này để
phòng xa cho đoàn viên trong tình huống kế hoạch 3 gặp khó khăn...
Hai Hân lúc đầu chỉ đơn giản nghĩ rằng để tranh thủ công đoàn, mình
có thể nhân nhượng cho phép lập quỹ này.
Không ngờ quỹ ngày càng mở rộng các loại hình kinh doanh khó biết
hết được. Trong những lớp học, lớp huấn luyện qua các năm tháng
người ta mới chỉ dạy cho Hai Hân biết chủ nghĩa tư bản là con bạch
tuộc có nhiều vòi hút máu giai cấp vô sản trong bản quốc và tại các
thuộc địa. Các bài giảng của ông Đoàn Danh Tiến cũng không qua được
cái ngưỡng này. Hai Hân thực sự lúng túng không biết gọi kinh tế
công đoàn đang hoành hành trong xí nghiệp quốc doanh Tự Lực của mình
là con gì. Con quái vật này vừa có chân rết ở các phân xưởng, vừa có
các cái vòi hút được đủ mọi thứ – từ các con số trên sổ sách ở phòng
kế toán, đến các thứ như mực in, giấy, xi măng, thép xây dựng ở
trong kho hoặc vôi, cát trong các phân xưởng, hút được cả giờ lao
động, hút được cả linh hồn và thể xác con người... Chất độc của nó
đang từng bước làm tê liệt tất cả những gì nó có thể với tới hoặc có
liên quan đến nó – từ nội quy xí nghiệp, họp công đoàn, sinh hoạt
chi bộ, hoạt động của thanh niên, chỉ thị của trên về..! Cuộc sống
kinh tế ngoài đời càng lao đao, con quái vật này càng hấp dẫn, càng
được tôn thờ, càng tác oai tác quái.
- Đây là xí nghiệp của nhà nước hay là xí nghiệp của công đoàn?
Không ai xuyên tạc vai trò của công đoàn một cách tệ hại như các
đồng chí! – Hai Hân thẳng thắn nêu vấn đề trong một cuộc họp đảng uỷ
xí nghiệp.
- Đồng chí giám đốc nói như vậy là không quán triệt tinh thần bung
ra của trên!
- Phải tự xem lại tư cách đảng viên của mình đi! Giám đốc mà ăn nói
về công đoàn như thế à!
- Không xem xét gì cả, công đoàn muốn làm kinh tế thì phải tách khỏi
xí nghiệp của nhà nước. Hay là các đồng chí muốn làm công đoàn Đoàn
kết(*) [(*) Công đoàn Đoàn kết - phong trào công đoàn do Valesa lãnh
đạo, vào những năm cuối thập kỷ 1980 Công đoàn Đoàn kết đã lật đổ
nhà nước xã hội chủ nghĩa Ba Lan, nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên bị
sụp đổ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. ]? – Hai Hân vẫn khăng khăng
bác bỏ.
- Tôi yêu cầu đồng chí giám đốc rút lại câu nói của mình! – bí thư
đảng uỷ đứng hẳn dậy, giọng rất gay gắt, mặt đỏ tía.
Mỗi lần nhớ đến những cuộc tranh cãi nảy lửa, Hai Hân lại rít lên
trong đầu, tự oán trách mình về thoả hiệp chết người cho lập quỹ
này.
Trong khi đó những quầy bia hơi của căng-tin bành trướng ra khắp các
phân xưởng. Quanh các vại bia lời đồn đại râm ran: Giám đốc Hân bị
đảng ủy nốc- ao rồi, vì tính đảng kém!..
Một lần, tại một bom bia công đoàn(*) [(*) Bia do kinh tế công đoàn
bán.] đặt ngay ở góc phân xưởng đóng sách, mấy người đang nhậu nhẹt
thấy bóng Hai Hân thoáng qua. Họ bảo nhau nói cười oang oang, cố
tình để Hai Hân phải nghe thấy những điều họ đang nói...
Hai Hân phăm phăm đi lại, co chân bồi cho can bia trên bàn một cú đá
song phi, tay gạt phăng các ly bia trên bàn xuống đất. Cú đá quá
mạnh, cái can nhựa vỡ toác. Tiếng cốc thuỷ tinh vỡ loảng xoảng, bia
lênh láng khắp nền nhà.
- Các anh cút đi ngay! Mọi người phải về chỗ làm việc! Ai cho phép
các anh nhậu nhẹt vào giờ làm việc như thế này? – Hai Hân quát to.
- Đù mẹ giám đốc! Dám hất đổ bia của chúng ông! – một người hung
hăng nhất trong đám lớn tiếng, mặt anh ta cũng đỏ nhất, dứt lời anh
ta giang tay tát thẳng cánh vào mặt Hai Hân.
Cái tát quá bất ngờ, Hai Hân loạng choạng, nhưng cũng đứng thẳng
ngay được:
- Anh nhắc lại câu anh vừa nói! – Hai Hân ra lệnh cho người vừa tát
mình.
- Ông chửi đù mẹ mày dám hất đổ bia của chúng ông! Nghe rõ chưa,
giám đốc?
|