Ghi chú của người sưu tầm và đánh máy: Theo yêu cầu của độc giả, chúng tôi cho đăng tải phần I và phần II của bài viết, do chính tác giả cung cấp và sửa chữa, để bổ sung cho các phần kế tiếp mà tạp chí Diễn Đàn (Paris) đã công bố năm 1993.

 

Lữ Phương

 

Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mácxít


 

I.             Khoa học và Cách mạng

 

(1)Trong những tài liệu giảng dạy và tuyên truyền, các nhà lý luận cộng sản thường hay đề cao hết mực cái gọi là “tính khoa học và cách mạng” của chủ nghĩa xã hội mácxít; dựa vào đâu họ có thể khẳng định như vậy? 

Cách mạng là thay đổi xã hội từ gốc rễ, khoa học là nhận thức được quy luật khách quan của sự vật – không phải chỉ ngôn ngữ mácxít mới có những từ này. Điều đặc  biệt của những người mácxít là chỗ họ cho rằng đấu tranh cách mạng theo đường lối do Mác vạch ra chỉ là việc nương theo sự phát triển tự nhiên của lịch sử: lịch sử đã có con đường tất yếu rồi, ai muốn làm cách mạng thì phải nhận thức ra con đường ấy để đi theo. Mọi người đều biết lập luận của Mác về năm hình thái kinh tế-xã hội: cộng sản nguyên thuỷ, nô lệ, phong kiến, tư bản và cộng sản văn minh, qua đó ông cho rằng chủ nghĩa cộng sản văn minh nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản, và sở dĩ như vậy là do chủ nghĩa tư bản đã nuôi trong bản thân những mâu thuẫn đưa đến tự huỷ diệt dồng thời lại tạo ra những  lực lượng xã hội để xây dựng nên xã hội mới – không khác gì hạt lúa đã chứa đựng những tiềm thể để tự phát triển thành cây lúa. Làm cách mạng tiêu diệt chủ nghĩa tư bản xây dựng nên chủ nghĩa cộng sản là phù hợp với cái tất yếu của lịch sử: Ăngghen đã dựa vào đó cho rằng chủ nghĩa xã hội mácxít (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản văn minh) là chủ nghĩa xã hội khoa học để phân biệt với thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng, ý muốn nói rằng ý chí cách mạng của những người mácxít là có cơ sở thực tế chứ không phải là mộng tưởng hoang đường hoặc là một thứ lòng tin mù quáng, vu vơ (1).

 

(2) Đâu là những cơ sở khách quan bảo đảm cho những hành động cách mạng ấy? 

Theo cách lập luận chính thống (do lý luận Mác-Lênin Liên xô tổng kết) thì “chủ nghĩa xã hội khoa học” gồm những điểm căn bản sau đây:

·   Vũ trụ là vật chất vĩnh viễn tồn tại, vận động vô tận theo những quy luật gọi là “biện chứng”: sự vật nào cũng chứa đựng trong bản thân những mâu thuẫn đấu tranh với nhau để từ đó hình thành những tổng hợp có chất lượng cao hơn, phức tạp hơn. Thế giới con ngưởi cũng chỉ là kết quả đặc biệt của sự tiến hoá của vật chất từ thấp đến cao.

·   Đời sống xã hội, vì là một bộ phận tiến hoá của thế giới vật chất, cũng phát triển theo cái “biện chứng” của thế giới vật chất trong đó cơ sở quyết định chính là cái phương thức tạo ra của cải vật chất của con người để  cải biến đời sống – Mác gọi là “phương thức sản xuất”. Phương thức sản xuất ấy cũng ngày càng phát triển từ thấp đến cao do những mâu thuẫn nội tại thúc đẩy – một bên là lực lượng sản xuất biểu hiện trình độ sản xuất, một bên là quan hệ sản xuất biểu hiện mối quan hệ giữa người và người trong sản xuất: quan hệ nào cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất tất yếu sẽ bị phá vỡ.

·   Mỗi phương thức sản xuất là một hình thái kinh tế-xã hội, mỗi hình tháí kinh tế xã hội này là một cơ cấu bao gồm kiến trúc thượng tầngcơ sở hạ tầng trong đó cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng. Cơ sở hạ tầng là quan hệ các giai cấp trong tổ chức sản xuất: một bên là giai cấp làm chủ và một bên là các giai cấp không làm chủ các tư liệu sản xuất, hai giai cấp cơ bản này đấu tranh sinh tử trong suốt quá trình lịch sử (nô lệ/chủ nô, nông dân/lãnh chúa, tư sản/vô sản) tạo ra động lực cho phát triển kinh tế, xã hội.

·   Chủ nghĩa tư bản là hình thái kinh tế-xã hội mang trong bản thân tiềm năng phát triển sức sản xuất thật cao (đại công nghiệp) nhưng bị cái quan hệ sản xuất tư hữu tư nhân kìm kẹp , cũng phải bị huỷ diệt để thay thế bằng một hình thái kinh tế-xã hội mới, đó là xã hội cộng sản văn minh và giai cấp có khả năng tạo ra cuộc cách mạng ấy là giai cấp vô sản. Giai cấp này sau khi lật đổ chế độ tư bản, qua một giai đoạn tạm thời thực hiện chuyên chính vô sản, sẽ tự tiêu diệt để chuyển sang chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, quản lý bởi một cộng đồng người hợp tác tự do, thực hiện một xã hội không còn giai cấp, không còn nhà nước, không còn trao đổi hàng hoá…

 

(3) Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng hệ thống các quan điểm trên đây không hoàn toàn do Mác lập ra. 

Đối với giới nghiên cứu chủ nghĩa Mác một cách khách quan (những người cộng sản gọi họ là những nhà “Mác học”) thì điều đó là hiển nhiên: Mác chỉ nói đến tính tất yếu của lịch sử, sự chuyển biến khách quan của các hình thái kinh tế-xã hội như sự chuyển động biện chứng của lịch sử. Về sau, “phát triển” Mác, Ăngghen đã đưa vào cái gọi là “biện chứng tự nhiên”, cho rằng cái biện chứng lịch sử ấy chỉ là sự “phản ánh” cái “biện chứng  tự nhiên” (2) – luận điểm ấy đã được Lênin (3) và các nhà lý luận xôviết, đặc biệt là Stalin (4) “bổ sung”, cô đọng để trở thành hệ thống nói trên. Dù thế nào thì cái cốt lõi của vấn đề ở đây vẫn là tìm cách củng cố cho lập luận của Mác về tính tất yếu của cuộc cách mạng vô sản với tất cả những hậu quả dẫn xuất từ đó như lập trường vô sản, nhà nước vô sản, đảng vô sản, quốc tế vô sản, chuyên chính vô sản…

 

(4) Như vậy có thể nói đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mácxít chính là cách mạng vô sản với tất cả những gì xoay quanh cuộc cách mạng ấy! 

Cần chú ý rằng chủ nghĩa xã hội không phải là sản phẩm của riêng Mác; hình dung ra một tương lai vượt qua chủ nghĩa tư bản cũng không phải là sự độc đáo của ông. Đấu tranh giai cấp cũng vậy: trước đó người ta đã nói đến nhiều rồi; cái mới của Mác – như ông nói – là ở chỗ cuộc đấu tranh giai cấp ấy là không vĩnh viễn, tất yếu nó sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản và nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu tất cả các giai cấp, thực hiện một xã hội không giai cấp (5). Bởi vậy nhiều người cộng sản (như Lenin) trung thành với Mác thường dựa vào đó cho rằng ai mà từ bỏ chuyên chính vô sản thì người đó không thể tự cho mình là mácxít được.

 

(5) Căn cứ vào cách lập luận như trên, có thể hình dung ra cái lôgích sau đây: biện chứng tự nhiên – biện chứng lịch sử – giai cấp vô sản – đảng cộng sản, nghĩa là cuối cùng là giai cấp vô sản với “đội tiền phong” của nó cũng chính là kẻ “thế thiên hành đạo”, nói theo ngôn ngữ phương Đông!  

Trong chừng mục nào đó, nói như thế cũng không có gì là sai:viện đến lịch sử hay viện đến tự nhiên thì tất cả đều dẫn đến tính tất yếu của giai cấp vô sản và chuyên chính vô sản để tạo dựng nên một nhân lọai hợp nhất, đại đồng. Vấn đề trọng tâm của chủ nghĩa Mác vì vậy là phải xét xem vai trò lý luận của giai cấp vô sản trong sự phát triển của lịch sử có phù hợp với hành động thực tế của giai cấp vô sản hay không. Chính Mác đã khẳng định điều này để thách thức sức mạnh của tư duy chứ không phải là ai khác (6). Phải nói rằng thử thách ấy đã diễn ra rồi: hơn 150 trôi qua những giai cấp vô sản đã không làm được điều mà Mác đã vạch ra cho nó.

 

(6) Nghĩa là hơn 150 qua, giai cấp vô sản đã không hoàn thành được “sứ mệnh lịch sử” của mình! 

Sở dĩ nó không hoàn thành được “sứ mệnh lịch sử” mà Mác đã giao cho nó vì nó không hề là cái thực thể giai cấp mà Mác mệnh danh cho nó là vô sản! Nó đã không trở thành những con người mất tất cả nhân tính, nghèo đói cùng cực, ngu dốt cùng cực, bị tha hoá cùng cực, cũng không trở thành 9 phần 10 dân cư như Mác đã đã dự đoán (7): hình ảnh cái tam giác có đáy là giai cấp vô sản và đỉnh là giai cấp tư sản mà Mác hình dung ra cho cấu trúc xã hội công nghiệp hiện đại (do hiện tượng vô sản hoá) cũng không đúng – đa số dân cư đã trở thành từng lớp trung lưu, làm nghề dịch vụ, không tham gia sản xuất trực tiếp. Vì thế mà ở quê hương của chủ nghĩa tư bản mà Mác nghiên cứu để đề xuất ra cái mô hình thay thế  đã không xảy ra cuộc cách mạng nào mệnh danh được là vô sản mặc dù ở những nới đó chủ nghĩa tư bản vẫn chưa chấm dứt được những khuyết tật cố hữu của nó (suy thoái định kỳ, lạm phát, thất nghiệp, bất công, nghèo đói…). 

 

(7) Có thể tìm lý do nào khác để giải thích các hiện tượng trên đây? Chẳng hạn cho rằng vì giai cấp vô sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “tự nó” để trở thành “cho nó”, rằng người ta đã áp dụng sai các nguyên lý khoa học của Mác (giống như áp dụng sai một công thức toán), rằng người ta cũng đã mất cảnh giác trước những âm mưu nham hiểm của các thế lực phản động?

Căn cứ vào cái cốt yếu của chủ nghĩa Mác để thẩm định thì điều đã nói trên  đây cần được chú ý hơn cả: giai cấp vô sản trong thực tế đã không trở thành giai cấp vô sản mácxít. Chúng ta thử hình dung ra cuộc trò chuyện của hai thực thể “vô sản” ấy để hiểu được thực chất của vấn đề. Đại biểu của giai cấp vô sản mácxít nói với giai ấp vô sản thực tế: “Hỡi những người anh em! Chúng tôi – những học trò chân chính của Mác – đã đem đến cho các anh em một lý thuyết khoa học để anh em tự giải phóng, vĩnh viễn thoát khỏi đời làm thuê, vĩnh viễn làm chủ các thứ của cải do mình làm ra, nhờ đó mà sung sướng nghìn năm, nhưng các anh em lại mê muội, vì  những lợi ích trước mắt, chìm đắm trong cam chịu, ù lì, không “giác ngộ” ra “sứ mệnh lịch sử” của mình, không chịu làm cách mạng, lật đổ chế độ  tư bản xây dựng cõi đời mới, để cho bọn tư sản xỏ mũi, mua chuộc đưa vào những đấu tranh cải lương…”. Và những người anh em vô sản thực tế đã trả lời như sau: “Đa tạ lòng tốt của các vị! Nhưng thực tế chúng tôi chỉ là những người công nhân, lo cho bản thân chưa xong, còn nói gì đến chuyện lãnh đạo ai, cứu vớt ai. Thưa các vị! Chúng tôi không thể trở thành được cái gọi là giai cấp vô sản theo sự mong mỏi mang tính  triết học của Mác về sự chuyển hoá lịch sử của loài người”. Thế đấy, cuộc đối thoại của đã chấm dứt như thế đấy! 

 

(8) Giai cấp công nhân không phải là giai cấp vô sản, đó quả thật là một sự giễu cợt đối với những người cộng sản! 

Ai đọc Mác chăm chú thì điều đó chẳng có gì là giễu cợt cả! Giai cấp vô sản thực tế (giai cấp công nhân) khi chưa tự mình sản sinh ra được cái ý thức về nhiệm vụ lịch sử  của mình thì nó vẫn chưa thể trở thành người giải phóng xã hội. Đọc Mác, tôi nhận thấy ngoài cái lý luận về sự “vận động của hai cực đối lập” đưa tới luận điểm về tình trạng giai cấp vô sản bị làm cho mất nhân tính, Mác chưa bao giờ chứng minh được bằng thực tế cho chúng ta biết tại sao khi ý thức được tình trạng ấy, giai cấp vô sản lại có thể và tất yếu phải tự tiêu diệt mình (8), nghĩa là vươt qua được sự phủ định tiêu cực do cuộc lật đổ do mình tiến hành để  tiến tới tình trạng phủ định tích cực (phủ định của phủ định ), tạo ra một thiên đường cho nhân loại. Tôi cho rằng thử thách lớn nhất của học thuyết Mác chính là ở điểm đó: nó không bao giờ chứng thực được trong đời sống tại sao từ sự căm phẫn vì bị bóc lột và phải đoàn kết chống bóc lột, giai cấp công nhân lại tự mình sản sinh ra được cái “ý thức lịch sử” mệnh danh “ý thức cộng sản chủ nghĩa”, đại biểu cho những giá trị tiến bộ nhất, cao thượng nhất, có đủ năng lực tuyệt vời, trí tuệ minh mẫn… để đưa nhân loại chuyển mình sang một vương quốc của hạnh phúc, tự do. Thực tế cho biết bất cứ ở đâu, giai cấp công nhân vẫn chỉ là giai cấp công nhân, những người sản xuất trong bất cứ quy trình sản xuất hiện đại nào, chứ chưa bao giờ trở thành một thực thể được lịch sử giao phó cho một “sứ mệnh’ thiêng liêng nào cả. Giai cấp vô sản không phải là một khái niệm hiện thực, khoa học. 

 

(9) Chính Lênin sau này đã nhận ra thứ lý luận thuần tư biện đó và đã bổ sung bằng luận điểm cho rằng ý thức xã hội chủ nghĩa là do “từ ngoài” đưa vào cho giai cấp vô sản. 

Cách nhìn của Lênin thực tế hơn vì chính ông đã mượn ý của Kautsky cho rằng để tự nó giai cấp vô sản chỉ sản sinh ra được “ý thức công đoàn”, tức là chỉ đấu tranh cải thiện đời sống trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhưng khi đưa ra luận điểm ý thức xã hội chủ nghĩa là do “từ ngoài” đưa vào cho giai cấp vô sản (9), ông đã đẩy sự mơ hồ của Mác đến những hệ quả cực kỳ nguy hiểm về mặt thực hành. Luận điểm ấy cho phép người ta nhân danh một thiểu số tự cho là nắm được quy luật phát triển của lịch sử, nắm được khoa học cách mạng để “giáo dục”, “cải tạo” lại giai cấp vô sản (thực tế là giai cấp công nhân) và nhân danh giai cấp vô sản để lãnh đạo toàn thể những người lao động khác (cả toàn thể “dân tộc”nữa!) sau khi làm cách mạng cướp chính quyền, xây dựng xã hội mới mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Tất cả những hy vọng “đổi đời” lớn lao cũng bắt nguồn từ đó, nhưng cũng từ đó mà tất cả những tai hoạ đã phát sinh: số phận của triệu triệu những con người khắp trên thế giới từ đây sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào cái thiểu số ấy, nếu đường lối cách mạng của họ là hiện thực và khoa học thì tương lai xán lạn chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay còn nếu như đường lối ấy chỉ là một thứ  chủ nghĩa duy ý chí cộng lại với một thứ tư duy thuần tư biện thì sự tuyệt vọng do cái huyễn tượng mà họ tạo ra cho con người, bằng chuyên chính chứ không phải cái gì khác, sẽ ghê gớm không sao tính hết được. Cuộc sống đã giúp chúng ta nhận ra quá rõ ràng tính chất hiện thực của chữ nếu thứ hai này là như thế nào.

 

II. Triết học và Cách mạng

 

(10) Nếu chủ nghĩa xã hội mácxít không phải là khoa học thì chẳng lẽ nó cũng không khác gì với những thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng mà nó phê phán? 

Thật sự thì đúng là như vậy. Tất cả đều chỉ là kết quả của một số tiền đề lý luận nào đó về đạo đức, lý tưởng mang tính triết học thôi. Riêng trong chủ nghĩa xã hội do những người theo chủ nghĩa Mác-Lênin diễn giải, chúng ta thấy nổi bật lên một số tham vọng sau đây:

·   Tham vọng tìm ra được những quy luật lịch sử mang tính chất tất yếu và nghiêm nhặt không khác gì những quy luật trong các khoa học tự nhiên. Nhưng với những kết quả giới hạn về các ngành khoa học vào thế kỷ 19 (đặc biệt khoa học xã hội) tham vọng ấy là quá lớn vào không khỏi rơi vào một thứ chủ nghĩa khoa học giản đơn, vội vàng.

·   Tham vọng dựa vào sức mạnh công nghiệp do những hoạt động kinh tế tạo ra để chấm dứt thời kì “tiền sử” khan hiếm và bước sang kỷ nguyên sung mãn, của cải tuôn ra như nước chấm dứt cuộc tranh đọat ti tiện và giúp con người kiến tạo nên một nền văn minh ở đó cái văn hoá sẽ đóng vai trò thống trị, đó cũng lại là một ảo tưởng trước những giới hạn có tính chất nền tảng của con người.

·   Tham vọng dùng bạo lực của số đông tiến hành một cuộc cách mạng cuối cùng cho lịch sử,  biểu hiện ở khả năng có thể chấm dứt những điều kiện thực tế sinh ra mâu thuẫn, xung đột quyền lợi, tư tưởng giữa những  giai cấp, những dân tộc cũng lại là một thứ ảo tưởng khác, cực kỳ nguy hiểm. Nó cho phép các thế lực chính trị nhân danh những mục đích tốt đẹp, cao xa mờ mịt để thực hiện những điều tàn ác, xảo trá với một  thứ lương tâm thanh thản, coi đó là phương tiện thực hiện các thứ lý tưởng thánh thiện, huyễn hoặc.

 

(11) Nhưng chủ nghĩa Mác đã toát ra lòng tin hết sức mạnh mẽ về sức mạnh trần thế của con người. 

Quả thật là chủ nghĩa Mác đã đề cao hết mức vai trò của con người trong sự nghiệp làm chủ số phận của mình. Nó không cần dựa vào bất cứ một cái gì siêu việt khỏi thực tại con người. Tuy vậy khi phân tích từ nền móng của lý luận ấy, chúng ta thấy con người trong học thuyết Mác không phải là con người toàn diện: trong cái phức tạp và nhiều chiều của con người, Mác chỉ quan tâm đến khía cạnh xã hội của nó [biểu hiện trong cái mệnh đề “con người là là tổng hoà các quan hệ xã hội” nổi tiếng của ông (10)] và cho rằng nếu giải quyết xong mối quan hệ xã hội ấy (quan trọng nhất là vấn đề sở hữu các tư liệu sản xuất) là có thể giải quyết được tất cả  những phân ly, giằng xé trong đời sống: bản chất và hiện hữu, cá nhân và cộng đồng, lý tưởng và thực tế, đau khổ và hạnh phúc, ý thức chân thực và ý thức hư huyễn… Những kích thước  khác cũng mang tính hiện thực trong con người, Mác không quan tâm lắm, hay dù cho có chú ý tới, ông cũng không coi đó là những thứ thuộc về “thực thể người” với tư cách là một giống loài. Sự khao khát vượt ra khỏi cái giới hạn của trần gian để tìm đến cái vĩnh hằng, tuyệt đối (tôn giáo) hoặc các lĩnh vực hoạt động bên lề thực tiễn, tích tụ những mong ước xa mờ về một nghĩa sống không bao giờ hiện thực hoá được (trong nghệ thuật, triết học…) thì Mác liệt vào các loại hình thái ý thức “hư ảo”.Chỉ quan tâm đến  đến tính hiện thực thuộc về chiều ngang của cuộc nhân sinh mà rút lại chỉ được coi là quan trọng cái tầng ý thức, Mác đã không biết đến những miền sâu thẳm của vô thức hoặc bản năng đã chi phối con người một cách mạnh mẽ chừng nào con người con đi bằng hai chân trên  mặt đất. Hình ảnh con người trong học thuyết Mác vì vậy chỉ là một loại Prométhée tập thể  (11), ào ạt xốc tới theo một lộ trình chinh phục, không hề cảm thấy sự tình cờ vì sự hiện hữu của mình trong cuộc sống, không hề biết xao xuyến vì những giằng xé trong chọn lựa, những giới hạn về số phận, những ngỡ ngàng trước khổ đau và cái chết… Con người ấy thực sự chỉ là sản phẩm của một thứ tư duy đặc biệt mang dấu ấn của Mác.

 

(12) Chúng ta hãy thử nói về cái tư duy ấy… 

Đó là một tư duy lôgích khái quát hoá theo hướng triệt để: khởi đầu từ những hiện tượng có thực, trong những hiện tượng có thực ấy, rút ra một số thuộc tính nào đó được coi là quan trọng nhất rồi căn cứ vào đó đẩy đến tận cùng hậu quả của chúng. Nói theo cách của những người mácxít, với phương pháp ấy người ta đã đi từ những hiện tượng đạt đến bản chất, từ thành phần đến toàn thể, từ đặc thù đến phổ quát, từ thấp đến cao…

·   Từ chỗ chỉ dành cho một thiểu số ưu đãi, nhờ kỹ thuật và sự phát triển của sức sản xuất, của cải có thể đến tận tay mọi người, nhân loại có thể  nhờ đó chấm dứt được cả một chu kỳ “khan hiếm”, nỗi nhức nhối trong lý luận kinh tế tư sản cổ điển.

·    Nhờ dòng chảy của hàng hoá, sự chia cắt thế giới thành những vùng riêng biệt cũng chấm dứt để hình thành mối quan hệ phổ biến của thị trường thế giới từ đó dọn đường cho một hình thái xã hội chủ nghĩa mang tính quôc tế ra đời.

·   Sỡ hữu tư nhân chỉ cho phép người ta làm chủ những lĩnh vực tài sản giới hạn, trong sự cạnh tranh và trong quá trình hình thành thị trường thế giới sẽ phải chấm dứt để nhường chỗ cho những hình thức tập trung vào những quy mô lớn (các tập đoàn, siêu tập đoàn…) trong phạm vi một dân tộc và liên quốc gia…

·   Mối quan hệ xung đột giai cấp trong chế độ tư bản cũng theo sự hình thành của mối quan hệ mang tính thế giới ấy để giải quyết. Sỡ hữu tư nhân tư sản của một lớp người cục bộ sẽ được thay bằng mối quan hệ phổ biến do giai cấp vô sản làm đại biểu mà những hình thức tương lai như chủ nghĩa vô sản quốc tế, sự tiêu vong các hình thức nhà nước giai cấp, thế giới đại đồng sẽ là biểu hiện tất yếu.

Tính chất lôgích trong biện luận của Mác qua những thí dụ trên đây là khá rõ ràng, cho nên nếu có cho rằng thứ chủ nghĩa xã hội lý thuyết của Mác là  thứ chủ nghĩa xã hội lôgích cũng hoàn toàn có lý do. Giai cấp công nhân phải trở thành vô sản thì mới có chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thành công trên cả hành tinh chứ không thể nào tồn tại được trong một nước v.v… 

 

(13) Cái khả năng nhận thức được chân lý một cách duy nhất đúng đắn của giai cấp vô sản mà những nhà lý luận mácxít hay nói đến phải chăng cũng chỉ là một thứ chân lý mang tính chất lôgích như vậy? 

Theo lập luận của Mác thì ý thức từ trước đến nay bao giờ cũng là những thứ ý thức bị quy định bởi những giới hạn của những xã hội còn phân liệt thành giai cấp, cho nên dù cố gắng muốn trở thành phổ biến thì những thứ ý thức ấy vẫn đương nhiên chứa đựng những giới hạn cục bộ mà chúng không thể nào nhận ra được. Đó chính là thứ ý thức hư ảo trong những cộng đồng hư ảo (12): dưới cái vỏ lương tâm, tình tự nhân loại, chân lý phổ quát, lý trí, tự do bình đẳng, bác ái … bao giờ cũng ẩn dấu những giới hạn đặc thù về quyền lợi hay ý thức hệ của các giai cấp thống trị. Nhưng khi lịch sử đã dọn đường cho giai cấp vô sản trở thành chủ thể để hình thành một xã hội phổ biến thì ý thức của giai cấp vô sản cũng sẽ chứa đựng tiềm thể những giá trị phổ biến: tuy dấu vết của một xã hội giai cấp vẫn còn nhưng đó là một giai cấp đầu tiên trong lịch sử đã bị chế độ tư bản biến thành một thực thể không còn gi để mất nữa cho nên tính chất vô tư cũng chính là thuộc tính của nó. Không bị thành kiến, lợi quyền hạn chế, nó hoàn toàn có khả năng đại biểu cho một thế giới quan chân thực, trong sáng đầu tiên trong lịch sử. Người ta hiểu khi tranh luận tại sao những người cộng sản lúc nào cũng công khai nhân danh cái gọi là “tính đảng” để giành chân lý phổ quát cho mình, tin rằng trong bản thân cái thế giới quan vô sản đã không còn hàm chứa những giới hạn của những giai cấp đặc thù của những thời đại đã qua. Niềm tin ấy thực sự vẫn chỉ dựa trên một thứ chân lý tạo ra bằng một tư duy thuần lôgích.

 

(14) Điều mà ngày nay người ta còn nói tới là sự phê phán của Mác về sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản với giai cấp công nhân. Ý nghĩa phê phán ấy hiện thực đến mức nào, nó có thoát khỏi cái tư duy lôgích chi phối toàn bộ triết học của Mác? 

Tôi cho rằng sự phê phán của Mác về chủ nghĩa tư bản cũng nằm hoàn toàn trong cái biện chứng về lịch sử của ông.  Chủ nghĩa tư bản qua sự phê phán của Mác không phải là một thứ chủ nghĩa tư bản hiện thực mà là một thứ chủ nghĩa tư bản  đã bị triết học hoá theo cái lôgích nói trên. Sự mâu thuẫn giữa chủ và thợ là điều xảy ra triền miên, không lúc nào chấm dứt, do những người làm công khởi động để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình thì trong lý luận của Mác, đã bị chuyển hóa thành sự xung đột đối kháng không thể dung hoà giữa lao động và tư bản mà con đường giải quyết tất yếu phải là sự triệt tiêu chủ nghĩa tư bản bằng cuộc cách mạng vô sản mácxít để công nhân tự mình xây dựng nên một xã hội do mình làm chủ. Lý luận về bóc lột giá trị thặng dư do Mác đề ra đã củng cố cho chủ trương đó: chế độ tư bản chỉ có thể tồn tại được bằng việc khai thác lao động thặng dư của công nhân như một giá trị trừu tượng, tiến hành một cách vô độ để làm phình ra một cách vô độ đống của cải của nó, cứu cánh không dẫn đến đâu ngoài tạo ra một cơ chế sản xuất trung gian mù quáng, vô ý thức làm con người đối địch xa lạ với nhau. Không biến thứ chủ nghĩa tư bản trong hiện thực thành một thứ chủ nghĩa tư bản lôgích ấy thì cũng không tạo ra được một cái lôgích về một mô hình hoàn hảo thay thế trong tương lai. 

 

(15) Chúng ta có thể nói thêm một chút về  khái niệm gọi là “giá trị thặng dư” rất quan trọng mà Mác căn cứ vào đó phê phán chủ nghĩa tư bản. 

Theo ý nghĩa đã trình bày ở trên thì khái niệm “giá trị thặng dư” trong học thuyết Mác là một khái niệm triết học chứ không phải là kinh tế.Thực chất của nó là sự bóc lột lao động thặng dự phong kiến chuyển sang phương thức tư bản chủ nghĩa với những biểu hiện quan trọng sau đây:

·   Tất cả của cải làm ra do giai cấp tư sản và nhà nước tư sản sỡ hữu và quản lý đều là kết quả của lao động thặng dư của giai cấp công nhân nhưng giai cấp này chỉ là những kẻ làm thuê với số lương tối thiểu chỉ đủ nuôi sống bản thân. Sự bóc lột trong chế độ tư bản là sự bóc lột trừu tượng dưới hình thức giá trị trao đổi nên đã bị che dấu dưới hình thức tiền công lao động do thị trường quy định, được thoả thuận bằng hợp đồng giữa chủ và thợ.

·   Nhưng cũng chính vì phải tuân thủ tính chất pháp lý đó, việc bóc lột ấy đã phải tiến hành dưới những thủ đoạn đặc trưng tư bản chủ nghĩa: theo pháp luật, mua lao động theo giá thị trường nhưng lại dùng kỹ thuật và mưu mẹo bắt công nhân làm quá sức mình để bòn rút lao động thặng dư. Như vậy chủ tư bản trong thực tế đã mua sức làm việc của người lao động (gọi là sức lao động) và  tuỳ ý sử dụng một cách lén lút để phục cho sự tăng trưởng vô độ, hỗn loạn trong cạnh tranh của phương thức tư bản chủ nghĩa, đưa đến những kết quả vô cùng trầm trọng.

·   Cái lôgích của tư bản là cái lôgích hút  máu của lao động sống (người trực tiếp sản xuất) để nuôi lao động chết  (tài sản tích tụ): của cải của giai cấp tư sản càng nhiều thì sự bóc lột càng tăng, giai cấp công nhân càng nghèo đói, kiệt quệ, đời sống càng bị sự cạnh tranh đẩy vào bấp bênh vì thất nghiệp, trong khi đó cũng do cạnh tranh giai cấp tư sản ngày càng tập trung vào những tổ chức độc quyền, số lượng ngày càng ít đi cùng với quá trình giai cấp vô sản ngày càng trở nên đông đảo. Xã hội càng ngày càng đi đến chỗ phân cực, đối lập với nhau không thể dung hoà.

Qua những gì đã trình bày thì sự phê phán của Mác với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa rõ ràng là sự phê phán mang tính chất triết học về lao động, nhân danh cái lôgích về lao động để phê phán cái lôgích về tư bản, từ những phê phán ấy dẫn tới cái lôgích về sự giải phóng lao động trong quá trình phát triển của lịch sử từ mông muội đến văn minh, từ khan hiếm đến sung mãn, từ chia cắt đến hợp nhất….

 

(16) Theo cái mạch lập luận ấy thì có thể nói lý luận của Mác về chủ nghĩa xã hội lý thuyết vẫn chỉ là những tư biện tríết học, không thể căn cứ vào đó xây dựng thành một cuơng lĩnh chính trị cải tạo xã hội? 

Xét cặn kẽ tôi thấy điều đó là đúng. Thực chất của chủ nghĩa Mác rút lại chỉ là sự phê phán cái phương thức khai thác lao động vô độ trong thời kỳ tích luỹ ban đầu của chủ nghĩa tư bản. Chỗ dựa về giá trị để tiến hành sự phê phán đó là triết học về bản chất lao động của loài người, giản lược lịch sử loài người vào lịch sử giải phóng lao động. Phương pháp dùng để phê phán là cái lôgích phân cực hoá, tối đa hoá của những mặt mâu thuẫn không thể dung hoà của sự vật, cuối cùng phải dẫn tới sự thanh toán chung cuộc cho sự chiến thắng của quá trình lao động tự giải phóng. Viễn cảnh của cuộc giải phóng ấy cũng  vượt khỏi tính chất tương đối của những thực thể bất toàn đã diễn ra trong quá khứ. Viễn cảnh ấy sở dĩ có thể hình dung ra được vì đó đặt nền trên giả định cho rằng lịch sử con người qua bao nhiêu thăng trầm quanh co, cuối cùng vẫn có thể quay về lấy lại được cái bản chất cố hữu tốt đẹp của mình trong một kỷ nguyên hậu hiện đại ở đó trình độ phát triển văn minh đã chuyển biến về chất.  Xã hội tương lai của Mác do đó không phải là một thực thể chính trị của sự cần lao nặng nhọc, tầm thường, mà là vương quốc của những nghệ sĩ sáng tạo trong tự do, có ý thức sáng suốt về mình để vĩnh viễn làm chủ được số phận trong quá trình chinh phục tự nhiên. Tính chất lãng mạn, hùng tráng, hoà hợp và toàn hảo của cái thế giới tương lai như vậy nếu có thể gợi ra nhiều cảm hứng thơ mộng cho nghệ thuật và triết học thì lại rất khó có thể xem được là một cương lĩnh khả thi cho bất cứ lực lượng chính trị nào muốn phát khởi sự nghiệp của mình từ cuộc sống trần tục đầy bất trắc, khó lường là cái thế giới mà chúng ta đang sống.

_____________

 

CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ CHO PHẦN I VÀ II

 

(1) Ph. Ăngghen: “Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học” (1880) (trong C. Mác và Ph. Ăngghen: Tuyển tập, T.V, Sự thật, Hà nội, 1985).

(2) Ph. Ăngghen: Chống Đuy-rinh, Sự thật, Hà nội, 1976, tr. 56

(3) Lênin: “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” (1908) (trong Lênin toàn tập, T. 18, Tiến bộ, Matxcơva, 1980)

(4) Commission du Comité central du P.C (b) de l’URSS: Hitoire du Parti communiste (bolchévik) de l’URSS (1938), Editions sociales, Paris, 1946, tr.92-115

(5) “Thư Mác gửi Joseph Weydemeyer ở Niu-Óoc”, 5-3-1852 (trong Mác-Ăngghen Tuyển tập, T. II,  Sự thật, Hà nội, 1981, tr. 663)

(6) C. Mác: “Luận cương về Feuerbach” (trong C. Mác-Ăngghen: Tuyển tập, T.I. Sự thật, Hà nội, 1980, tr. 255)

(7) C. Mác-Ăngghen: “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” (trong Mác-Ăngghen: Tuyển tập, T.1, tr. 561)

(8) C. Mác-Ăngghen: “Gia đình thần thánh” (1845) (trong Mác-Ăngghen: Tuyển tập, T. I, tr. 149)

(9) V.I Lênin: “ Làm gì?” (1902) (trong Lênin: Toàn tập, T.6 Tiến bộ, Matxcơva, 1975, tr. 38)

(10) C. Mác: “Luận cương về Feuerbach”, (trong Mác-Ăngghen: Tuyển tập, T. I, tr. 149)

(11) Leszek Kolakowski: Histoire du marxisme, Fayard, 1987, T.I, tr. 607

(12) C.Mác-Ph. Ăngghen: “Hệ tư tưởng Đức” (1845-1846), (trong C. Mác-Ph. Ăngghen: Tuyển tập, T. I, sđd, tr. 345)