Diễn đàn, số 24, ngày 01.11.1993

 

Lữ Phương

Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mácxít

 

Tài liệu đặc biệt mà Diễn Ðàn giới thiệu với bạn đọc trong số này là bài viết mới nhất của nhà văn Lữ Phương. Vì bài quá dài so với khuôn khổ tờ báo (5 phần, 16 trang, 39 đoạn đối đáp), chúng tôi buộc chỉ đăng ba phần III, IV và V, từ đoạn thứ 17 trở đi (bạn đọc muốn có toàn văn, có thể viết thư về tòa soạn). Trong hai phần đầu (I. Khoa học và cách mạng, II. Triết học và cách mạng) tác giả phân tích lý luận Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội, và biến dạng Stalin của nó như một ý thức hệ khoác áo khoa học. Ba phần III, IV và V dưới đây đề cập tới sự thất bại của chủ nghĩa xã hội trên thế giới và ở Việt Nam, rồi thử tìm hướng ra cho xã hội Việt Nam, đi từ thực trạng kinh tế, chính trị và văn hóa hiện nay. (Cập nhật (30-9-08) của người làm trang viet-studies: Hai phần này (I & II) cũng vừa lên mạng)

Diễn Ðàn thành thực cảm ơn tất cả các bạn đọc đã không ngại chuyển tài liệu này từ trong nước ra (có bạn đã bị chặn giữ tài liệu ở sân bay).

Cũng như các trước tác của Nguyễn Kiến Giang (tức Lê Diên, Lương Dân, xem Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang, NXB. Trăm Hoa vừa phát hành tại California), bài viết của Lữ Phương là một đóng góp dũng cảm và đáng quý của trí thức trong nước vào cuộc thảo luận chung nhằm dân chủ hóa và phát triển đất nước. Chúng tôi tin rằng dư luận trong nước và quốc tế sẽ đánh giá đúng mức những nỗ lực lớn đó và sẽ bảo vệ các tác giả trước mọi sự đàn áp có thể.  

[Lữ Phương tên thật là Lã Văn Phượng. Thuộc thế hệ 50 tuổi, tốt nghiệp Ðại học sư phạm Sài Gòn đầu những năm 1960. Cây bút chủ lực của tạp chí tiến bộ Tin Văn ở Sài Gòn. Năm 1968, ra vùng giải phóng, giữ chức vụ thứ trưởng văn hóa Chính phủ cách mạng lâm thời. Sau 1975, ông làm việc một hai năm ở Bộ văn hóa, Hà Nội, rồi trở lại Sài Gòn.* Tác phẩm xuất bản: Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam (Nhà xuất bản Văn Hóa, 1981) là một công trình khách quan và sâu sắc, khác hẳn những cuốn sách tuyên truyền minh họa trên cùng đề tài. Các bài viết từ 1979 của ông phê phán các sai lầm của đảng và đòi dân chủ hóa. Ðảng viên Ðảng cộng sản, ông đã ngừng sinh hoạt từ nhiều năm. Cách đây hai năm, sống bằng nghề chụp và rửa ảnh].

*Đính chánh của người sưu tầm và đánh máy: Sau 1975, sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam bị giải thể, ông được chuyển biên chế về Bộ Văn hoá trung ương (cơ quan Đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh), nhưng không hề được phân công giữ chức vụ gì về mặt nhà nước và không hề làm việc tại Hà Nội.

 

III. Vấn đề “đổi mới” chủ nghĩa xã hội

 

(17) Học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội đã tỏ ra không hiện thực, vậy chúng ta phải giải thích thế nào về sự thắng lợi của phong trào cộng sản ở thế kỷ 20? 

Tôi cho rằng không phải do chủ nghĩa Mác “khoa học” mà chính là do chủ nghĩa Mác huyễn tưởng đã tạo ra sự thắng lợi ấy. Sự thắng lợi ấy là một hiện tượng xã hội học chứ không phải là một khoa học. Nhiều người đã nghiên cứu khá kỹ hiện tượng này và đưa ra khá nhiều cách giải thích trong đó đáng chú ý nhất là cách cho rằng chính sự tàn ác quá dữ dội của chủ nghĩa tư bản trong quá trình cạnh tranh tự do đã tạo nên sự phản ứng tương xứng là phong trào cách mạng cộng sản mà các điểm sau đây là quan trọng nhất:

- chống lại sự cạnh tranh vô chính phủ tạo ra những đảo lộn quá đột ngột về đời sống,

- chống lại chủ nghĩa cá nhân cực đoan, mù quáng, chạy theo lợi nhuận vì lợi nhuận, không quan tâm gì đến sự cân bằng của các môi trường xã hội, văn hóa, tự nhiên,

- chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc đi xâm lược và vơ vét các dân tộc chưa phát triển.

Phát triển từ xã hội hiện đại, phong trào này đã biểu hiện cho xu hướng chung của các nước chậm phát triển là công nghiệp hóa nhanh chóng đất nước, đuổi kịp và sau đó tạo ra thế cân bằng hoặc trả đũa lại sự thống trị của Tây phương. Chủ nghĩa mácxít đã được phong trào này sử dụng như một ý thức hệ để phục vụ cho những nhu cầu của nó. Tất cả đều tỏ ra duy lý, khoa học, nhưng tất cả cũng chẳng có gì là thực sự duy lý và khoa học cả và những mặt trái ngược ấy lại rất phù hợp với tình hình dân trí (đặc biệt đối với những tầng lớp tiểu trí thức đang muốn vươn lên thành lãnh đạo) ở các nước chậm phát triển đang bừng tỉnh đi vào thế giới hiện đại.

 

(18) Dù sao thì vai trò “lý luận” cũng rất quan trọng như những người cộng sản hay nói. 

Quả là có điều đó. Nhưng đừng quên rằng vấn đề lý luận ở đây cũng chỉ là vấn đề ý thức hệ nhằm biện minh cho hành động thôi. Chẳng hạn nếu so sánh những thứ “chủ nghĩa Mác” đã được “vận dụng sáng tạo” với chủ nghĩa Mác nguyên thủy, chúng ta thấy những thứ vận dụng ấy hầu hết đều chỉ là những bản sao bị xuyên tạc. Phân tích chủ nghĩa Lênin (được gọi là Mác-Lênin) sau Cách mạng 1917, chúng ta thấy rõ điều đó. Trước cách mạng, Lênin cho là không thể suy suyển được những nguyên lý mácxít sau đây về chủ nghĩa xã hội: xóa bỏ hàng hóa thị trường, công hữu tư liệu sản xuất tập trung vào tay nhà nước chuyên chính vô sản, cho nên sau khi cách mạng thành công, ông đã đem ra thực hiện ngay. Nhưng khi đem ra áp dụng và bị thực tiễn chống trả quyết liệt, có nguy cơ đưa đất nước đến chỗ sụp đổ, Lênin đã chuyển ngay sang chính sách kinh tế mới (NEP), cho buôn bán, trao đổi hàng hóa, thừa nhận hoạt động trở lại của giai cấp tư sản, thực hiện chính sách mở cửa với nước ngoài… Khi thực hiện những chính sách trên, lúc nào Lênin cũng tự cho là trung thành với Mác dù là trong trường hợp ông làm ngược lại hẳn (như trong NEP). Thật sự thì Lênin không trung thành với những luận điểm về chủ nghĩa xã hội của Mác, ông chỉ trung thành với điểm then chốt nhất của Mác là chuyên chính vô sản thôi: hãy nắm vững chuyên chính vô sản rồi muốn làm gì thì làm, tự do tiến thoái, nay mở cửa mai đóng cửa, nay coi tư bản là thù, mai coi là bạn… đều được cả. Sự “sáng tạo” của chủ nghĩa Lênin là như thế đấy. Và người ta hiểu được tại sao ở những nước xã hội chủ nghĩa mácxít, những phần huyễn tưởng trong chủ nghĩa Mác lại được xiển dương hết mực để phục vụ cho chuyên chính vô sản (biện chứng tự nhiên, biện chứng lịch sử, đấu tranh giai cấp, ngày mai tươi sáng…): tất cả đều hướng về biện hộ về mặt lịch sử và đức lý cho quyền lãnh đạo “sáng suốt” của đảng cộng sản được trang bị bằng chủ nghĩa Mác-Lênin “bách chiến bách thắng”.

 

(19) Trong phong trào cộng sản quốc tế, vẫn có những cách “vận dụng” chủ nghĩa Mác theo hướng khác… 

Tất nhiên là như vậy, chẳng hạn như công việc của những đảng mác xít ở những nước tư bản phát triển. Nhưng vì những đảng này chưa cầm quyền, mỗi nơi vận dụng một cách, cốt để kiếm phiếu trong các mùa tranh cử là chính, cho nên những thứ lý luận của họ chưa trở thành những cái đã định hình có ảnh hưởng lớn. Ðiều mà chúng ta thật sự quan tâm chính là thứ chủ nghĩa mác xít thực hiện theo phương pháp Lênin đã trở thành hình mẫu cho toàn bộ “phe” xã hội chủ nghĩa noi theo với cái nguyên tắc mà chúng ta đã biết: cứ nắm vững chuyên chính vô sản rồi làm gì cũng được, nói sao cũng được! Ý nghĩa khách quan của một đường lối như vậy là cực kỳ quan trọng: nó cho phép người ta nhân danh “khoa học”, nhân danh giai cấp vô sản, nhân danh nhân dân lao động, nhân danh lịch sử, nhân danh sự thánh thiện… để thực hiện một chế độ chuyên chính ý thức hệ không khác gì với sự chuyên chính tôn giáo ở những thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa. Tất cả đều được phủ lên cái màn hương khói huyễn hoặc như trong các giáo đường: từ những cuốn giáo trình về chủ nghĩa Mác-Lênin đến những lời chú giải của những chuyên viên viết ra những giáo trình ấy, từ cái sơ đồ xây dựng một xã hội tương lai đầy những tiếng cười, sữa và mật đến những công trình sư “thi công” tài tình, lỗi lạc, tính toán được ra những kế hoạch chi ly cho từng ngành, từng vùng… Số phận của toàn bộ xã hội đã được nhất thể hóa bằng “những chương trình” đã được “bên trên” sắp đặt sẵn để mọi người noi theo mà “sống và chiến đấu”, từ việc đi tìm lời giải đáp cho sự hình thành các dải thiên hà đến cấu trúc của những hình thái ý thức xã hội, từ việc vào đời học hành chọn nghề, đến việc đọc sách, giải trí và… yêu đương! Thế giới phân ra hai “phe” y như trong các truyền thuyết: phe “ta” là chính nghĩa, tiến bộ, luôn hồ hởi, phấn khởi, còn phe “địch” thì luôn rầu rĩ, suy bại, gian ác, quỷ quyệt, ngoan cố… và ai mà tỏ ra mơ hồ giữa hai lằn ranh đó thì sẽ bị liệt vào loại “tà đạo” bị đày ải, truy chụp đến cất đầu lên không nổi. Sự sợ hãi, khiếp đảm đã xâm nhập vào cả nội tạng đời sống con người chứ không phải chỉ diễn ra ở những buổi “kiểm điểm” hay những cuộc “hỏi cung” ở những cơ quan chức năng thôi.

 

(20) Những người cộng sản khi nhìn lại quá khứ cũng đã phải thừa nhận những sai lầm trên đây và do đó mà đã xuất hiện hiện tượng gọi là “đổi mới chủ nghĩa xã hội”.  

Những sai lầm ấy là quá hiển nhiên không thể không thừa nhận: chúng không còn là những “tồn tại” lặt vặt như người ta thường nói trước đây – chúng đã đi tới hủy diệt cái động lực phát triển nhanh chóng mà những người cộng sản không bao giờ sao nhãng. Tuy vậy vấn đề không đơn giản vì ở đây tất yếu cũng sẽ xuất hiện câu hỏi căn bản này: người ta đổi mới cái gì. Tôi thấy có hai xu hướng lớn đã xảy ra từ trước đến nay:

- xu hướng thứ nhất: đổi mới bản thân chủ nghĩa xã hội mácxít, chấp nhận những nguyên lý về xã hội tương lai do Mác đề ra (công hữu tư liệu sản xuất, xóa bỏ giai cấp…) nhưng từ bỏ hoàn toàn phương pháp cách mạng của Mác (bạo lực cách mạng, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản). Xu hướng này đã diễn ra rất sớm ở Tây Âu sau khi Mác mất.

- xu hướng thứ hai: tiếp tục theo Lênin, tìm ra những chiếc cầu quá độ, lấy lại tính năng động cho quá trình hiện đại hóa xã hội, coi đó là những tiền đề để “tiến lên” chủ nghĩa xã hội mácxít khi có điều kiện thuận lợi. Phong trào này đang được thực hiện ở Trung Quốc và Việt Nam.

  Có những trường hợp hai xu hướng trên đây tách biệt hẳn nhau, nhưng cũng không thiếu trường hợp đan xen nhau, tùy theo tình hình mà nghiêng về phía này hay phía khác. Tuy vậy nếu xét một cách tổng quát nhất, chúng ta thấy tất cả xu hướng “đổi mới chủ nghĩa xã hội” đều phải đặt ra và giải quyết hai vấn đề căn bản là: thị trường hóa đời sống kinh tếdân chủ hóa đời sống chính trị, nghĩa là dưới nhiều mức độ khác nhau, thực hiện việc tạm hoãn (hoặc từ bỏ hẳn) áp dụng những nguyên lý của Mác về chủ nghĩa xã hội.

 

(21) Chúng ta hãy thí dụ trước hết về việc trở lại nền kinh tế thị trường 

Chúng ta đều biết đối với Mác, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là thực hiện một xã hội phi thị trường trong điều kiện thị trường đã làm xong sứ mệnh “khai hóa” của nó. Lênin chấp nhận nguyên lý ấy, nhưng nhận thấy chưa có điều kiện áp dụng nên đã cho phép quay lại thị trường như một bước lùi. Cũng về vấn đề thị trường, vào những năm 1960 ở Ðông Âu, người ta không nói đến bước lùi nữa mà lại đưa ra một danh từ mới là thị trường xã hội chủ nghĩa hàm ý cho rằng thị trường là cái chung của nhân loại chứ không phải chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có. Xu hướng này ban đầu bị Liên Xô và nhiều nước khác coi là “xét lại chủ nghĩa Mác”, nhưng kỳ lạ thay, khoảng vài ba mươi năm sau, lại được chính Liên Xô và nhiều nước khác chấp nhận và đem ra thực hiện dưới danh nghĩa cải tổ, cải cách, đổi mới... Nếu so với những luận điểm căn bản của Mác về chủ nghĩa xã hội, chúng ta thấy diễn biến của những phong trào cải tổ chủ nghĩa xã hội ngày càng đi theo hướng xa rời dần những nguyên lý ấy. Tuy vậy, vì nhiều lý do, chưa ai dám chính thức đụng chạm thẳng đến bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin.

 

(22) Thực chất của cải cách kinh tế vì thế cũng mang tính chính trị?  

Tất cả những cuộc cải tổ ấy đều được thực hiện dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đảng cộng sản cầm quyền với mục đích rõ rệt tạo ra cho chế độ hiện hữu tính năng động hơn để phát triển kinh tế trước tiên (so với các nước tư bản hiện đại đã tỏ ra quá lạc hậu), từ đó có cơ sở thực tế để củng cố thêm quyền lực của đảng cộng sản. Tuy vậy cũng có những nước đã ngả sang hẳn xu hướng cải tổ chính trị một cách mạnh mẽ, hy vọng qua sự cải tổ này tác động trở lại sự cải tổ kinh tế, như trường hợp các nước Ðông Âu và Liên Xô những năm về sau này. Các vấn đề một thời bị tuyệt đối cấm kỵ, bưng bít như tệ tham nhũng, quan liêu, hà hiếp nhân dân, những sai lầm về đường lối, những vụ thanh trừng nội bộ đẫm máu… đã được cho phép phanh phui công khai trước công luận, cuối cùng tất cả đã dẫn đến việc đặt lại vai trò độc quyền của đảng cộng sản trong đời sống xã hội. Có thể coi đây chính là đỉnh cao của cải tổ chính trị, là cái kết luận cuối cùng được phép nói ra sau không biết bao lần thử thách bị thất bại và trả giá bằng rất nhiều sinh mạng những con người.

 

(23) Những chương trình cải tổ ấy cuối cùng đã bị thất bại hoàn toàn: nó không cứu được chủ nghĩa xã hội mà trái lại đã tạo điều kiện để chôn vùi chủ nghĩa xã hội.  

Tôi cho rằng sự thất bại ấy đã bắt nguồn từ vấn đề bản lĩnh chính trị nhiều hơn, mang tính xã hội học nhiều hơn. Trước tiên nó chứng minh điều quan trọng này: đời sống phát triển đến một trình độ nào đó sẽ không dung dưỡng nổi mọi sự quản lý chuyên chính, dù thứ chuyên chính núp dưới bất cứ danh nghĩa nào – xu hướng dân chủ hóa đời sống chính trị và văn hóa của thế giới ngày nay là không cưỡng lại được. Mặt khác nó cũng chứng minh rằng sự chuyển tiếp từ một mô hình xã hội này sang một mô hình xã hội khác một cách dân chủ, hòa bình là khó khăn đến như thế nào. Chế độ xã hội chủ nghĩa chuyên chính và phi thị trường cũ đã xây dựng cơ ngơi của nó trên sự tàn phá toàn bộ vốn liếng của con người: với những hứa hẹn quá cao vời nhưng không bao giờ thực hiện được, nó đã tạo ra một khoảng trống huếch hoác về tinh thần: hoàn toàn thờ ơ với những hứa hẹn vớ vẩn của từng lớp quan liêu thống trị, người ta cũng lại rất ngán ngại khi từ bỏ cái thói quen do nó tạo ra để lao vào việc tự khẳng định mình một cách kiên nhẫn; bị giam hãm lâu ngày trong sự khan hiếm trầm kha, người ta rất say mê với tới mau chóng một cuộc sống sung mãn về vật chất nhưng lại không hiểu rằng để có được những thứ đó trong cuộc cạnh tranh, người ta đã phải âm thầm làm lụng không biết bao năm… Bị trói buộc một cách hà khắc về cách ăn nói từ li từ tí, bây giờ được ban cho một chút tự do, người ta liền tưởng rằng dân chủ rút lại chỉ là phá phách, chửi bới, không hiểu tính định chế của dân chủ, không hiểu điều cốt yếu làm nên dân chủ là sự tôn trọng các xu hướng khác nhau, là đối thoại trong hòa bình và luật pháp. Tất cả những điều đó, những người chủ xướng cải tổ ở Liên Xô đã lường không hết hay có thấy thì cũng không đủ sức để chế ngự cuộc chơi mà họ đã bày ra. Nhưng những thất bại của họ không hề chứng minh một cách tất yếu sự thất bại về mặt lý luận cải tổ. Việc cho phép xã hội phê phán đến tận gốc rễ tính cuồng bạo của chuyên chính vô sản mệnh danh chủ nghĩa xã hội khoa học là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để đưa đất nước ra khỏi cái bóng đêm trung cổ còn sót lại trên hành tinh của một loài người sắp bước sang một kỷ nguyên mới. Nhưng cuộc sống không hề đơn giản như sự phê phán: phê phán rồi phải làm gì để có những cái tích cực thay vào thì lại là điều thiên nan vạn nan. Chưa có kế hoạch chuẩn bị cho sự hình thành nên những lực lượng tích cực trong tất cả các lĩnh vực (đặc biệt trong kinh tế), những người chủ xướng cải tổ chỉ biết kêu gọi “tính tích cực công dân” hy vọng nhờ đó lấp đầy cái khoảng trống tinh thần do chế độ chuyên quyền tạo ra, quên hẳn rằng tính tích cực ấy nếu không có môi trường thiết thực để bám vào và trụ lại thì cuối cùng vẫn chỉ là những lời nói, và cải tổ cũng chỉ là lời nói mà thôi. Cũng hoàn toàn tương tự như vậy: không có một định chế dân chủ cho thị trường văn minh hoạt động, không có cả những doanh nhân hiện đại hoạt động thì làm sao thị trường không bị biến thành thứ thị trường rừng! Những xáo trộn hiện nay của nước Nga chỉ là cái giá mà người ta phải trả cho “cải tổ”, nhưng cũng là cái giá mà người ta phải trả cho sự chọn lựa hoang tưởng của mình về những phần hoang tưởng của chủ nghĩa xã hội mácxít trong suốt một thời gian dài đến kinh khiếp! Bài học không phải chỉ ở mặt này hay chỉ ở mặt kia thôi!

 

IV. Trường hợp Việt Nam

 

(24) Ðối với Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản có những đặc điểm gì so với phong trào cộng sản thế giới?  

Ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước chưa phát triển khác, chủ nghĩa Mác chẳng có ý nghĩa gì bao nhiêu: cái du nhập vào chỉ là chủ nghĩa Lênin, được các nhà lý luận xôviết từ thời Stalin đặt cho cái tên là chủ nghĩa Mác-Lênin, theo nghĩa là một thứ học thuyết Mác đã được Lênin “phát triển và sáng tạo” cho phù hợp với những điều kiện mới: nó đưa những luận điểm về chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp của Mác lên thành một thứ niềm tin tuyệt đối đúng, cần phải dựa vào đó như một thứ kim chỉ nam để tùy theo tình hình, hoàn cảnh mà đưa ra những chủ trương cho phù hợp. Chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến điều này: chính cái nhu cầu đấu tranh giải phóng dân tộc ở một nước bị thống trị bởi một nền văn hóa tiền hiện đại đã là cơ sở thực tế để những người cộng sản Việt Nam tiếp thu thứ chủ nghĩa Mác-Lênin đó, nó tạo ra một số đáp ứng thiết thực như sau:

- một học thuyết mang tính hiện đại (khoa học, công nghiệp hóa) nhưng vẫn không cắt đứt khỏi những ảnh hưởng cổ truyền (trung hiếu, giác ngộ…) để dễ dàng phổ biến.

- một tổ chức chặt chẽ tuân theo những nguyên tắc tổ chức bí mật để tự bảo vệ và thực hiện những cuộc đấu tranh bạo lực (lật đổ, khủng bố, chiến tranh) nhưng vẫn mang dáng dấp một thứ chủ nghĩa gia đình, tuân phục sùng bái lãnh tụ kiểu châu Á cũ.

- một sách lược linh động, mềm dẻo để ứng biến và tranh thủ được rộng rãi các tầng lớp xã hội - đặc biệt nông dân, cơ sở của xã hội cổ truyền.

- một chỗ dựa quốc tế vừa mang tính tinh thần (sự ủng hộ của dư luận “tiến bộ” trên thế giới) vừa mang ý nghĩa vật chất cụ thể (sự giúp đỡ về căn cứ địa, tiền bạc, người, vũ khí) để nuôi dưỡng lâu dài cuộc chiến đấu.

Cái gọi là “chủ nghĩa xã hội khoa học”, đặt trong chiến lược giải phóng dân tộc nói trên, thật sự chỉ là một viễn cảnh để tuyên truyền, mơ mộng, nội dung rất thô sơ, chưa có gì rõ rệt, trừ một số nguyên tắc về “công hữu”, “thế giới đại đồng”… Về sau này, trong xây dựng, những nguyên tắc ấy đã được cụ thể hóa qua mô hình Stalin và Mao Trạch Ðông.

 

(25) Nhưng nhiều người cộng sản ngày nay lại nói đó là điều mà cụ Hồ đã “chọn lựa” rồi, chúng ta phải trung thành! 

Trước khi nói đến cái gọi là “trung thành”, thiết tưởng phải tìm hiểu xem cụ Hồ “chọn lựa” như thế nào. Căn cứ vào lời của Trần Dân Tiên (1) - nhiều người cho đây là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh - người ta được biết rằng khi chọn lựa chủ nghĩa xã hội, cụ chẳng hiểu bao nhiêu về nó: cụ chẳng hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp, là bóc lột, là chiến lược, sách lược và bao nhiêu khái niệm khác nữa…, những thứ ấy cụ không quan tâm lắm mà chỉ muốn tìm hiểu xem trên thế giới hiện nay, học thuyết nào, lực lượng nào ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc thôi. Và cụ đã tìm được câu trả lời ở chủ nghĩa Lênin và Ðệ tam quốc tế do Lênin sáng lập: cụ khóc lên vì sung sướng, và quả thật sự biến ấy đã đóng vai trò cực kỳ to lớn đối với vận mệnh của dân tộc ta trong suốt một thế kỷ: không biết gì về chủ nghĩa xã hội mà vẫn cứ chọn lựa vì nhận thấy những người theo chủ nghĩa Lênin đã ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Tất nhiên về sau này như cụ nói (2), trong đấu tranh cụ đã nghiên cứu thêm thứ chủ nghĩa xã hội ấy là gì. Nhưng cố gắng tìm hiểu xem cụ đã lĩnh hội nội dung của nó như thế nào, chúng ta thấy, ngoài một số khái niệm nghiêng hẳn về phần tổ chức, tuyên truyền, tất cả đều hướng về bênh vực cho những tầng lớp lao khổ rồi sau đó không có gì khác hơn là đòi trả quyền độc lập cho dân tộc bị đô hộ, đòi giao lại quyền lực và tài sản cho số đông (công nông binh), chính phủ đại diện cho số đông ấy sẽ ra sức phát triển kinh tế rồi sẽ có bình đẳng, tự do, hạnh phúc và thế giới đại đồng (3). Lý luận về chủ nghĩa xã hội là cực kỳ đơn giản đến nỗi người ta tự hỏi không biết đó có phải là chủ nghĩa xã hội mácxít hay không. Có thể cụ viết ra những lời lẽ ấy một cách dễ hiểu để người ta hành động, nhưng qua đó chúng ta cảm nhận được tất cả những gì quanh co, khúc khuỷu của công việc xây dựng đất nước – theo con đường mà cụ đã chọn – sau khi đã có độc lập dân tộc: tước đoạt tài sản của bọn thống trị để đưa vào kho chung là một chuyện, còn xây dựng kinh tế phú cường, thực hiện bình đẳng, dân chủ lại là chuyện khác – hai chuyện ấy không thể đồng nhất, hễ có cái này ắt có cái kia như sự hình dung ban đầu của cụ!

 

(26) Có thể nói sự chọn lựa của cụ Hồ là một chọn lựa không tròn vẹn?  

Nếu như vậy thì cũng có thể hiểu được đối với chúng ta ngày nay. Nhưng nếu thử đặt mình vào hoàn cảnh của các vị tiền bối của chúng ta vào lúc bấy giờ, chúng ta có lẽ cũng không biết làm gì hơn. Ðất nước bị đô hộ, nhân dân bị áp bức, bao nhiêu mưu tính của quần hào đều thất bại thảm hại - phải làm gì cho có hiệu lực hơn? Gặp được chủ nghĩa Lênin trong những ngày đầu, cụ chỉ thấy những lời ủng hộ, nhưng dần dần tìm hiểu thêm, cụ đã thấy ở đó những phương pháp hoạt động, tổ chức cực kỳ tinh vi để thực hiện mục tiêu chính yếu của mình là giải phóng dân tộc - mục tiêu ấy lại được cái lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cứu vớt những người lao khổ, thực hiện thế giới đại đồng không có gì rõ rệt, làm cho đẹp đẽ hơn muôn phần. Là người cách mạng, khi đã chọn lựa rồi thì quyết phải làm; và khi lao vào một công việc đòi hỏi không biết bao kiên trì, nghị lực, không biết bao giờ cho xong, cụ Hồ cứ thế mà đi tới – có lẽ chẳng bao giờ có thể ngờ về tính quá đơn giản trong sự chọn lựa của mình. Không rời mục tiêu giải phóng dân tộc, cụ đã mượn chủ nghĩa Lênin làm phương tiện, và trong khi làm công việc đó, cũng định qua Lênin giải phóng nhân dân vĩnh viễn thoát khỏi đói nghèo, khổ sở: cụ không thể nào lường được rằng khi làm như vậy cụ đã cột chặt số phận dân tộc vào một tổ chức quốc tế, một ý thức hệ không thể giải phóng được con người. Sự bất lực trong phát triển kinh tế, sự trấn áp cực kỳ ác liệt về chính trị và văn hóa mà mô hình chủ nghĩa xã hội nhân danh Mác, nhân danh cuộc cách mạng vô sản mang đến cho dân tộc Việt Nam suốt bao nhiêu năm qua là điều quá rõ ràng: độc lập đã có, nhưng tự do, hạnh phúc thì không, đó là điều mà bất cứ người Việt Nam bình thường nào cũng có thể chứng minh được - giống như người đếm những ngón tay trên bàn tay của mình. Sự chọn lựa của cụ không thể coi được là sự chọn lựa đã xong xuôi - một lần là xong - để bắt con cháu muôn đời phải cứ thế mà theo mãi mãi.

 

(27) Chúng ta đang đụng tới điều cấm kỵ ghê gớm nhất hiện nay ở Việt Nam! 

Tôi biết điều đó! Từ trước đến nay, chúng ta chỉ biết xưng tụng “công ơn trời biển” của cụ để cố ý không muốn nói đến những sai lầm của cụ, sai lầm xét ra cũng rất thường tình đối với một con người – dù đó là một vĩ nhân. Người ta cho rằng phong trào xôviết Nghệ Tĩnh (trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ) cụ không trách nhiệm có lẽ vì lúc bấy giờ cụ đang bị Ðệ tam quốc tế “kiểm điểm”! Nhưng người ta sẽ phải trả lời như thế nào về những gì xảy ra trong phong trào cải cách ruộng đất trước và sau 1954 ở miền Bắc (*), rồi sau đó là việc đem ra thực hiện một cách toàn diện cái mô hình chủ nghĩa xã hội phi thị trường và chuyên chính vô sản, trong suốt một thời gian đằng đẵng làm cho dân tộc cất đầu dậy không nổi trước sự đổi thay dữ dội của thế giới. Chẳng lẽ cụ chỉ là người sinh ra đảng, người lập ra nước mà không dính dáng, không trách nhiệm gì trước những chuyện tày đình đó hay sao? Hay là cụ đã bị cái cơ chế do chính cụ tạo ra quay lại vô hiệu hóa – như bọn âm binh dấy lên không chịu vâng lời thầy phù thủy? Nhưng dù thế nào đi nữa thì cũng không thể vì bất cứ lẽ gì để thần thánh hóa cụ. Công lao của cụ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc là điều hiển nhiên – và có lẽ về sau này con cháu có nhắc đến giai đoạn lịch sử mà cụ sống, họ chỉ nhắc đến sự nghiệp ấy của cụ mà thôi. Nhưng tại sao phải để cho đến mai sau người ta mới có quyền nói đến những hạn chế mang tính lịch sử trong sự chọn lựa của cụ! Phải chăng người ta cứ muốn giam hãm hiện tại và cả tương lai dân tộc vào cái quá khứ rồi sẽ phải qua đi. Sự phê phán quá khứ một cách nghiêm trang chẳng hề có ý nghĩa “dùng súng lục” để bắn (**)vào cái gì cả: chẳng qua chỉ là một thái độ cần thiết của những con người trưởng thành không muốn phó thác vận mệnh của mình vào sự đùm bọc của những đấng thánh nhân nào đó mà thôi!

 

(28) Phải chăng vấn đề hiện nay là phải tiếp tục chọn lựa lại con đường mà cụ Hồ đã chọn cách đây hơn 70 năm?  

Phải coi đó là điều tất nhiên – đã hơn 70 năm rồi còn gì! Vấn đề đặt ra hiện nay cho dân tộc là chọn lựa lại như thế nào mà thôi. Nếu chúng ta cho rằng cụ Hồ đã chọn chủ nghĩa Lênin và Ðệ tam quốc tế làm phương tiện giải phóng dân tộc, nhưng khi mục đích ấy đã đạt được rồi mà chủ nghĩa Lênin trong thực tế, mặc dù được mày mò vận dụng hết mức, vẫn không giải quyết xong vấn đề phát triển dân tộc, không đưa dân tộc vào cuộc sống bình thường của thời đại là phát triển trong dân chủ thì không có lý do gì buộc người ta cứ phải trung thành mãi với cái ý thức hệ hoang tưởng cổ xưa ấy nữa. Tôi cho rằng nếu phải nói đến trung thành thì chúng ta nên trung thành với cái lý tưởng của cụ (lý tưởng này không phải chỉ cụ mới có và không chỉ học thuyết Mác mới có) nhưng không thể trung thành với chủ nghĩa Lênin mà từ đầu cụ không hiểu gì lắm mà vẫn chọn, nhất là khi về sau này chủ nghĩa ấy đã bị biến thành một thứ ý thức hệ quan phương, thống trị. Nguyên nhân tạo ra mọi cái khốn khổ, bất lực, lạc hậu, độc đoán chính là sự nô lệ về ý thức hệ chứ không phải là cái gì khác. Chính sự nô lệ về ý thức hệ ấy đã trói chặt mọi người vào cái “vòng kim cô” ma quái, làm cho mọi người lúc nào cũng co ro chỉ sợ trật, sợ sai, làm cho con người trở nên khiếp đảm không dám nhìn vào thực tế, nhìn vào bản thân để suy nghĩ, tìm kiếm một cách phóng khoáng và tự do. Và cũng chính sự nô lệ ý thức hệ ấy đã tạo ra cái cơ chế làm cho những người dũng cảm trở nên hèn hạ, những người thông minh trở nên ngu đần, những người đầy lý tưởng biến thành những kẻ sa đọa tệ hại, nó làm cho đất nước sa lầy trong trì trệ, mất động lực phát triển và bị giạt sang bên lề của cuộc sống của một nhân loại đang vùn vụt về tương lai. Phải từ bỏ cái ý thức hệ mà cụ Hồ đã chọn lựa một cách đơn giản, nhất là phải từ bỏ coi cái ý thức hệ ấy là duy nhất đúng, duy nhất khoa học rồi dùng chuyên chính bạo lực bắt cả nước phải theo thì con cháu cụ Hồ mới có thể nói lên sự trung thành với cái lý tưởng của cụ. Ðối với cụ Hồ, trung thành chưa bao giờ có nghĩa là cuồng tín đến mất lý trí và lương tri cả.

 

(29) Chẳng phải chủ trương đổi mới của Ðảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang từ bỏ khá nhiều những giáo điều cũ hay sao?  

Không phải là nhiều lắm đâu! Tính chất lêninnít vẫn chi phối rất mạnh “đường lối cách mạng” của Ðảng cộng sản Việt Nam: bằng chuyên chính vô sản thực hiện “thị trường xã hội chủ nghĩa” (rất giống với đường lối hiện nay của Trung Quốc) – nghĩa là tiếp tục con đường của Lênin, dùng chuyên chính vô sản để làm kinh tế tư bản trên một quy mô toàn diện hơn thời Lênin rất nhiều. Bước lùi đã đi xa hơn nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của chủ nghĩa Lênin: duy trì cho bằng được sự lãnh đạo độc quyền của đảng cộng sản trên phương diện chính trị và văn hóa. Tất nhiên về mặt trình bày công khai - đặc biệt trong những thứ văn bản nói với người nước ngoài - người ta đã cố ý che giấu bớt những cái làm dư luận kinh sợ (bạo lực cách mạng, kẻ thù giai cấp, chuyên chính vô sản…) nhưng thực chất bên trong thì chẳng có gì thay đổi cả: không nói chuyên chính vô sản nhưng cứ làm chuyên chính vô sản, ai không hiểu điều đó thì chẳng hiểu gì về tình hình “cách mạng” hiện nay của Việt Nam cả! Sự “ổn định chính trị” thường xuyên được viện ra, gọi là tạo điều kiện “phát triển kinh tế”, nhưng chủ yếu là để răn đe, trấn áp các xu hướng đòi hỏi dân chủ hóa trong giới trí thức và văn nghệ sĩ, nhất là trong nội bộ đảng. “Nhà nước pháp quyền” – một khái niệm mà ngôn ngữ mácxít không hề biết đến – cũng được “tạm mượn” để biểu thị một cái gì đó có vẻ mới về chính trị; nhưng thực tế đó cũng chỉ là một cách nói mới mà thôi: nhà nước hiện nay vẫn được coi là “nhà nước xã hội chủ nghĩa” (mặc dù chẳng có một tí gì là xã hội chủ nghĩa cả!), một nhà nước được coi là công cụ của đảng, do đảng đạo diễn lập ra, đa số thành phần là đảng viên, bên ngoài được gọi là đại diện cho dân… nhưng ngoài một số công việc về hành chính, thực chất vẫn chỉ đại diện cho bản thân nhiều hơn. “Pháp quyền” ở đây chỉ có nghĩa là dùng luật pháp để cai trị dân theo quan niệm của phái Pháp gia ngày trước, đảng chỉ đạo làm ra luật pháp và duyệt xét tất cả các vụ xét xử quan trọng: đảng vẫn là một thực thể siêu nhà nước và siêu công dân. Trong nhiều lĩnh vực, luật pháp nhiều khi chỉ là cái nhãn “pháp quyền” bày ra cho vui vậy thôi: từ khi có luật báo chí ra đời đến nay chưa hề có tờ báo nào “được” đưa ra tòa xét xử cả, tất cả đều chỉ bị kiểm điểm răn đe, thanh trừng bởi những “cơ quan chức năng” trong đó các Ban an ninh nội chính, Ban bảo vệ văn hóa đã ngày trở nên quan trọng hơn Bộ văn hóa và cả Ban tuyên huấn nữa.

 

(30) Nhiều nhà hoạt động chính trị có kinh nghiệm đã cho rằng phát triển kinh tế phải đi trước sự tự do hóa về chính trị. 

Kinh nghiệm ấy là hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng đó là kinh nghiệm đến từ một mô hình hoàn toàn khác với cái mô hình lêninnít mà chúng ta đang nói: một bên, sau một thời gian thực hiện độc tài, một xã hội công dân cũng từ đó ra đời một cách cứng cáp để tự đảm nhận lấy vài trò phát triển kinh tế trong một thể chế dân chủ đa nguyên, còn một bên, như chúng ta đã biết, có thể sẽ có phát triển kinh tế, nhưng chẳng bao giờ có dân chủ cả: bản thân “chuyên chính vô sản” đã là dân chủ rồi, và là “dân chủ gấp triệu lần” những thứ dân chủ khác! Những gì mà Ðảng hứa về “đổi mới” trong chính trị và văn hóa đều chỉ là lời hứa mà thôi: tất cả tập trung vào kinh tế, nhưng kinh tế ở đây cũng chỉ được hoạt động trong cái định hướng có lợi cho bản thân sự tồn tại của Ðảng. Chúng ta hình dung xem nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào dưới sự quản lý của một định chế không xuất phát từ bản thân nó. Ðiều chắc chắn trước tiên là những hành động làm ăn bình thường trước đây bị cấm đoán đến phải chui vào “thế giới ngầm”, nay được giải phóng cho tự do, sẽ tạo nên một không khí cực kỳ ồn ào, náo nhiệt, nhờ vậy mà đời sống người dân cũng có chỗ xoay xở để kiếm sống. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy: không được bảo vệ một cách lâu dài và nghiêm chỉnh về mặt luật pháp, không được thật tình khuyến khích để trở thành những hoạt động có quy mô lớn, vẫn bị “điều tiết” bằng cái thang giá trị gọi là “xã hội chủ nghĩa”, sự phát triển kinh tế đã đi theo cái hướng mà không ai là không thấy: chụp giật, lừa đảo, buôn lậu, tham nhũng và đặc biệt nhất là tất cả mọi chủ thể kinh tế (cá nhân, tập đoàn, tư nhân, quốc doanh, trong nước, ngoài nước) đều âm thầm đồng lõa cấu kết nhau lại để đục khoét đến nơi đến chốn bất cứ cái gì thuộc về cái gọi là “sở hữu nhà nước”. Và người ta không thể làm được việc đó nếu không có sự tiếp tay của chính những quan chức trong bộ máy nhà nước ấy: tuy gọi là “nhà nước cách mạng” nhưng tính chất “cách mạng” của nó đã mất đi hoàn toàn từ ngày đảng lên cầm quyền - từ chỗ là một bộ máy cai trị quan liêu làm dân khiếp sợ, nó đã trở thành một bộ máy bất lực, thối nát khi lao vào hoạt động trong cơ chế thị trường. Lý luận gọi là nhà nước xã hội chủ nghĩa “điều tiết” thị trường thực chất chỉ là một miếng vải và víu do những nhà lý luận quan phương tạo ra để che giấu xu thế đang tư sản hóa theo cái chiều hướng hoang dã của bản thân cái nhà nước ấy.

 

V. Có thể có một thứ chủ nghĩa xã hội phi-mácxít?

 

(31) Như vậy chúng ta phải kết luận rằng chủ nghĩa xã hội mác xít là bất khả thi và do đó phải từ bỏ hoàn toàn?

Dứt khoát là như vậy. Vì thế bất cứ mưu toan nào hy vọng “đổi mới” thứ “chủ nghĩa xã hội” ấy, dù bằng cách của Lênin hay bất cứ cái gì đó lấy cảm hứng từ Lênin, dựa vào chuyên chính vô sản để làm kinh tế thị trường hoặc không làm kinh tế thị trường đều chỉ đưa ra được những thứ lý luận chắp vá để hiện thực hóa cái huyễn tưởng của Mác. Sự khập khiểng về lý luận ấy cũng dứt khoát không thể biện minh được cho sự tồn tại độc quyền và chuyên chính của đảng cộng sản nhân danh cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động: đó chỉ là một ý thức hệ lập ra để che giấu cho sự chuyên chính đơn thuần của một thiểu số cầm quyền (như bất cứ một nền chuyên chính nào khác) thống trị lại đa số dân cư: không phải chỉ đối với bọn đế quốc, tư sản phản động mà còn đối với cả nhân dân lao động, trong đó có cả giai cấp vô sản và những đảng viên bình thường nữa. Hoàn toàn không có gì gọi được là khoa học, cho nên con đường gọi là “cách mạng vô sản” của Mác rút lại chỉ là một thứ ý chí luận mang tính tư biện triết học, vì thế đem cái gọi là thiện chí “vì nước vì dân” ra để bày tỏ tấm lòng của đảng, việc đó cũng chẳng giải quyết được gì - thiện chí nhưng huyễn tưởng và lại cho phép dùng bạo lực để thực hiện thì cũng chỉ đưa người ta đến… địa ngục thôi. Chính vì không bao giờ dám nghĩ đến điều đó bằng một tinh thần tự nhận thức nghiêm chỉnh, cho nên những người cộng sản cứ loay hoay, mò mẫm thí nghiệm làm hao tốn không biết bao thì giờ, công sức, mồ hôi và xương máu của bao thế hệ. Sự sụp đổ của Ðông Âu và Liên Xô, sự lùi bước quá xa của những xã hội chủ nghĩa còn lại, muốn nói gì thì nói, đã chứng tỏ tính bất khả thi không gì biện minh được của thứ chủ nghĩa xã hội mácxít thực hiện bằng chuyên chính và bạo lực. Sự sụp đổ mang tính lịch sử đó cũng gợi cho mọi người bài học: cuộc cách mạng xã hội của những người lao khổ, khốn cùng vùng lên tước đoạt những người giàu có không hề đồng nghĩa với việc những người lao khổ, khốn cùng ấy tự tạo ra được cho mình khả năng xây dựng một xã hội giàu có, văn minh và nhân đạo.

 

(32) Nếu từ bỏ chủ nghĩa xã hội thì, nói như những người cộng sản, chúng ta phải quay lịch sử về với chủ nghĩa tư bản?  

Xin được nói lại rằng chủ nghĩa xã hội không phải là sự sáng tạo riêng của Mác; cũng xin nói thêm rằng từ bỏ chủ nghĩa xã hội mácxít cũng không có nghĩa là từ bỏ những giá trị nhân đạo hiển nhiên trong chủ nghĩa Mác (ý hướng bảo vệ người lao động, nhân bản hóa các hoạt động kinh tế, chính trị chống lại mọi hình thức tha hóa con người…). Vấn đề đặt ra ở đây là trong khi tiếp thu những giá trị tích cực ấy thì phải đưa chúng vào con đường lớn mà nhân loại đã đi trong suốt mấy trăm năm qua – và con đường ấy không có gì khác hơn là thị trườngdân chủ. Và nếu hiểu thị trường và dân chủ là chủ nghĩa tư bản thì cũng có thể cho rằng từ bỏ chủ nghĩa xã hội mácxít cũng tất yếu trở về với thứ “chủ nghĩa tư bản” ấy. Nhưng đó không phải là thứ chủ nghĩa tư bản “lỗi thời” mà Mác đã phê phán: thực chất của thứ chủ nghĩa tư bản bị phê phán đó chính là cái cơ chế thị trường mù quáng, hỗn loạn, hút máu mủ người lao động để tự tăng trưởng như cái máy vô tri - rất khác với thứ cơ chế thị trường hiện đại, đã bị chính sự tác động của chủ nghĩa Mác, của những quá trình tranh đấu của công nhân làm cho văn minh hơn, đỡ mù quáng và tàn khốc hơn, và do đó vẫn chưa hoàn toàn bị lịch sử phủ định trong việc giữ được cho xã hội cái động lực thúc đẩy phát triển. Sự kiện các nước quê hương của chủ nghĩa tư bản không “giãy chết” như những người cộng sản mong mỏi, cộng thêm sự kiện các nước chưa phát triển gần đây, bằng con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, đã đưa dân tộc họ “cất cánh” và bay được đường bay của thế giới hiện đại đã chứng minh cho điều đó. Ngược hẳn với những nước có chế độ tự cho là tiên tiến hơn chủ nghĩa tư bản không biết bao lần – là những nước đem chủ nghĩa xã hội mácxít ra thực hiện – ở đó lại không có phát triển kinh tế lẫn không có dân chủ cho người dân, ở đó giai cấp công nhân và những người lao động, những người trí thức vẫn chỉ là những kẻ thừa hành, phục vụ cho những ông chủ mới, mị dân thì nhiều nhưng giảo quyệt cũng không kém. Tôi cho rằng đem một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng ra đối lập với thứ chủ nghĩa tư bản hoang dại là một thứ lập luận hoàn toàn mang tính chất tuyên truyền thô sơ, do đó chẳng hề có chút sức thuyết phục nào. Vấn đề hiện nay là phải trên cơ sở những cái bình thường mà nhân loại đã đạt được để đặt ra vấn đề xây dựng một mô hình chủ nghĩa xã hội khả thi hơn chứ không phải đưa ra các khái niệm “tư bản chủ nghĩa” và “xã hội chủ nghĩa” lên cõi trừu tượng để cãi nhau về sự “tiến bộ” lẫn “lạc hậu” cũng trừu tượng như vậy.

 

(33) Tại sao không bỏ luôn mấy chữ “xã hội chủ nghĩa” ấy đi - khỏi cần chủ nghĩa gì cả miễn nhân dân được giàu có, tự do: rất nhiều người hiện nay đã nghĩ như vậy! 

Hoàn toàn có lý để người ta nghĩ như vậy - nếu “chủ nghĩa xã hội” vẫn được hiểu là một cái gì quá đẹp đẽ, quá xa vời. Trong trường hợp đó, có lẽ chẳng nên nói đến chủ nghĩa xã hội làm gì mà chỉ nên cố gắng làm cho được những cái mà nhân loại bình thường đã làm thôi, nhất là trong điều kiện một nước chậm phát triển không có nhiều thời gian và vốn liếng để chúng ta thí nghiệm đi thí nghiệm lại những mô hình lý tưởng nào đó một cách phiêu lưu; trái lại, chúng ta nên dựa vào những giá trị đã được thời gian thử thách, những kinh nghiệm của sự thành công, căn cứ vào đó huy động tiềm lực dân tộc đi nhanh vào con đường hiện đại hóa là quá tốt đẹp rồi. Lý lẽ ấy rõ rệt là không phủ nhận được; nhưng vấn đề cũng không đơn giản là như thế: phát triển không đơn thuần là sự tăng thêm số lượng của cải vật chất mà còn là vấn đề phẩm chất cuộc sống, vấn đề con người nữa. Dù muốn hay không, để có được một trình độ phát triển nào đó, câu hỏi sau đây cũng phải đặt ra: với một sự chuẩn bị tinh thần nào chúng ta đạt được trình độ ấy và để đạt được trình độ ấy, chúng ta phải trả giá bao nhiêu cho nhân phẩm con người? Câu hỏi ấy mặc nhiên đặt ra cho sự phát triển kinh tế cái khía cạnh văn hóa của nó và cái chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang nói đến không có ý nghĩa gì khác hơn là những lời giải đáp mang tính văn hóa cho phát triển kinh tế và xã hội. Nó là những lời giải đáp đem thêm vào và cho tốt hơn những cái bình thường có thật chứ không phải nhân danh những cái sẽ có mịt mùng để hy sinh những cái đang có. Nó không tính bằng những giấc mơ mà bằng những con số cho bài toán của đời sống: là sự tăng lên hàng năm số đôla bình quân trên đầu người trừ đi dần dần những người thất nghiệp, những trẻ bụi đời, những khu rừng bị tàn phá… và cũng trừ đi cả những cảnh tượng những nhà văn, nhà báo bị bịt mồm bịt miệng, bị răn đe và đưa đi tù vì tranh đấu cho tự do - một thứ chủ nghĩa xã hội như vậy, tại sao chúng ta lại chống lại nó!

 

(34) Có thể gọi đó là một thứ chủ nghĩa xã hội – dân chủ được không?  

Gọi tên là gì cũng được, nhưng theo một nhà xã hội học người Pháp (4) có lẽ nên gọi đó là một thứ chủ nghĩa xã hội không học thuyết (socialisme sans doctrine): nó không muốn lệ thuộc vào bất cứ hệ thống tư tưởng nào đi ngược lại cuộc sống con người, bởi vì nó là một thứ chủ nghĩa xã hội muốn giải phóng con người trong thực tế chứ không phải trong ý tưởng.

 

(35) Liệu một thứ chủ nghĩa xã hội như vậy có mang tính “khả thi” trong điều kiện hiện nay hay không? 

Câu hỏi này đưa chúng ta trở lại thực trạng cực kỳ phức tạp của đất nước. Mọi người đều cảm nhận hoặc nhìn thấy – rõ ràng đến đau đớn – sự phá sản không gì chống đỡ được của cái hệ thống giá trị do chủ nghĩa Mác-Lênin đem đến cho đời sống trong suốt bao nhiêu năm qua. Nhưng tìm ra cho được một giải pháp tích cực để thay thế cho những cái lỗi thời trì trệ thì lại rất khó, và giả sử như tìm ra được rồi thì từ lĩnh vực lý thuyết tìm cách bước sang thực hành lại cũng không dễ dàng. Có một điều cần ghi nhận trước tiên: có lẽ vì trải qua quá nhiều xáo trộn, những người Việt Nam hiện nay đã bớt lạc quan về những cái gọi là “cách mạng” – dù bất cứ thứ cách mạng nào. Lật đổ được một chính quyền tàn ác quả là một “ngày hội”, khi tình thế đã đến thì không muốn, cách mạng cũng sẽ đến. Nhưng cuộc sống lại không phải lúc nào cũng là ngày hội mà là sự cần lao âm thầm khó khăn: không cuộc cách mạng nào xong rồi mà có ngay nhung và lụa. Người ta hiểu rất rõ cái lỗ trống do cơ chế chuyên quyền tạo ra là lớn lao như thế nào: đảo lộn rồi sẽ lấy gì thay thế nếu không muốn đưa xã hội vào những rối ren triền miên? Câu hỏi đặt ra dễ dàng nhưng tìm cho được câu trả lời thỏa đáng thì lại không thể vội vàng được. Tuy thế, nếu chấp nhận con đường “đổi mới” do “nhà nước xã hội chủ nghĩa” tiến hành như hiện nay, gọi là tạo ra “ổn định để phát triển” thì sự ổn định ấy cũng chẳng vững vàng gì: sử dụng các tiêu chuẩn của thứ chủ nghĩa xã hội sơ khai và huyễn tưởng (chuyên chính vô sản, xóa bỏ giai cấp…) để gọi là “điều tiết” những mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản man rợ đang bung ra mạnh mẽ sau “đổi mới” thì hai thực thể ấy sẽ cấu kết với nhau, cộng hưởng với nhau để làm cho tình trạng phát triển hoang dại tăng lên, tạo ra cho xã hội những mâu thuẫn trước sau cũng sẽ bùng ra theo một chiều hướng không bình thường. Trong khi đó thì đối với những người cộng sản sáng suốt, nhìn rõ được mọi thứ, việc tìm ra một con đường cải cách phù hợp với tình hình mới, vừa bảo đảm được phát triển kinh tế, vừa dân chủ hóa được đời sống chính trị và văn hóa, cũng chưa gặp được những điều kiện thuận lợi để hình thành được một phương hướng đổi mới thỏa đáng hơn đường lối quan phương hiện nay.

 

(36) Chấp nhận tất cả những giới hạn hiện có, đưa quyền lợi dân tộc lên chỗ cao nhất làm điểm tựa, chúng ta hãy thử hình dung ra một kịch bản tốt nhất có thể có cho đất nước! 

Hướng suy nghĩ của tôi về vấn đề này là: tự mình, đảng cộng sản Việt Nam phải đưa chủ trương “đổi mới” hiện nay lên một chất lượng cao hơn nữa mà điểm cốt tử là dứt khoát phải từ bỏ chuyên chính vô sản, từ bỏ dùng chủ nghĩa Lênin để thực hiện chủ nghĩa xã hội mácxít, từng bước chuyển sang con đường chủ nghĩa xã hội phi mácxít thực hiện bằng định chế dân chủ đa nguyên. Nói một cách cụ thể, đảng cộng sản phải chuẩn bị hóa thân thành một đảng xã hội chủ nghĩa phi mácxít (mang danh gì cũng được), biến thành một thực thể dân chủ thì mới có thể tiếp tục làm được hai việc đồng thời với nhau: giữ được sự ổn định liên tục để phát triển kinh tế nhân danh được một thứ chủ nghĩa xã hội khả thi để điều tiết được cơ chế thị trường theo những định hướng phù hợp với bản thân nó. Ðứng trước sự phá sản quá hiển nhiên của chủ nghĩa xã hội mácxít, xét về mặt lý luận, tôi không thấy có cách nào để vừa thừa kế vừa thay thế cái cũ tốt hơn là cách vừa nói.

 

(37) Còn đứng về mặt hiện thực? 

Về mặt này, mọi sự vội vã là không thích hợp. Giả thử về mặt lý luận mọi thứ đã chuẩn bị xong, tôi cho rằng cách hay nhất là vạch ra cho được một kế hoạch chủ động để trong khi vẫn cứ tiếp tục thực hiện đường lối “đổi mới” hiện nay, tích cực tạo ra những điều kiện thuận lợi để chuyển toàn bộ hoạt động của đảng và nhà nước sang một chiều hướng mới hoàn toàn mà sau đây là một số cải cách quan trọng:

- Tiến hành phi quốc doanh hóa toàn bộ đời sống kinh tế và chỉ giữ lại trong tay nhà nước những khu vực nào mà tư nhân chưa đảm nhận nổi, mục đích là để khuyến khích sự ra đời lớn mạnh dần của tầng lớp doanh nhân bản địa có khả năng đảm nhận việc làm chủ đất nước về mặt kinh tế, không để lệ thuộc nước ngoài.

- Luật pháp hóa toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; không để bất cứ thực thể pháp nhân nào sống trên luật pháp – bắt đầu trước tiên là đảng cộng sản. Không làm gương đi vào luật pháp để tạo ra sự ổn định được bảo vệ bằng ý chí chung thì sự “ổn định” áp đặt do chuyên chính cũng không thể vững bền – nó tạo ra một kháng thể ngược lại, nhưng cũng đồng tính chất – trả thù, ngạo mạn, độc đoán…

- Thực hiện quyền tồn tại độc lập pháp định của tất cả các lực lượng quần chúng hiện có đối với nhà nước, sau đó có thể cho ra đời dần dần những tổ chức chính trị có xu hướng cấp tiến ôn hòa, tiến dần đến chỗ hình thành một chế độ dân chủ đa nguyên, điều hợp bởi nhà nước pháp quyền, giải quyết những bất đồng giữa các thành viên của xã hội bằng con đường thương lượng hòa bình.

- Trong một phạm vi giới hạn (các đoàn thể xã hội, các cơ quan nghiên cứu, các đại học…) nới rộng quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, chấp nhận sự đối thoại, cọ xát giữa những xu hướng tư tưởng khác nhau (đặc biệt trong lĩnh vực triết học, văn nghệ) để qua đó dần dần dân chủ hóa đời sống tinh thần của xã hội. Chủ trương này rất quan trọng để tạo ra sức bật cho tầng lớp trí thức sáng tạo ra những giá trị mới làm phong phú sinh hoạt văn hóa.

- Bằng những chương trình đào tạo khẩn trương (nhà nước và toàn xã hội) xây dựng nên một đội ngũ chuyên viên trẻ tiếp thu được những kiến thức mới nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện đại (đặc biệt trong quản lý kinh tế, luật pháp, chính trị…) để họ thay dần lớp cán bộ già nua xuất thân trong kháng chiến, không đủ năng lực điều hành nhà nước dân chủ.

Tất cả những cải cách trên đây đều nhắm vào mục đích chuẩn bị cho sự ra đời những phần tử ưu tú của một xã hội công dân mới, lành mạnh, thực tế, năng động dựa vào đó hình thành một giai từng lãnh đạo mới để đưa đất nước nhanh chóng vào con đường hiện đại hóa và dân chủ hóa. Khi đã có được một lực lượng xã hội tích cực để lấp dần cái chỗ trống do chế độ chuyên quyền tạo ra thì lúc bấy giờ việc hóa thân của đảng cộng sản cũng sẽ được đặt ra một cách tự nhiên trong điều kiện đất nước đã thoát khỏi tình thế chông chênh cực kỳ nguy hiểm như hiện nay.

 

(38) Cũng có thể gọi đó là một “thời kỳ quá độ”? 

Quá độ từ xã hội chưa phát triển sang phát triển mà cũng quá độ từ xã hội chuyên chính sang dân chủ. Tôi cho rằng nếu chấp nhận cuộc chơi mới này một cách tỉnh táo, khôn ngoan, đảng cộng sản, do có được nhiều thuận lợi về lịch sử lẫn hiện tại, sẽ có nhiều cơ may để tiếp tục giữ được vị trí lãnh đạo của mình đối với đất nước trong một thời gian nữa. Tất nhiên vai trò ấy cũng không chấm dứt với sự giải thể tất yếu của đảng cộng sản: tuy đã chuyển mình sang thể chế khác, vai trò có khác đi nhưng uy tín và sức mạnh vẫn không thay đổi.

 

(39) Những người cộng sản Việt Nam liệu có chấp nhận nổi một “kịch bản” như vậy không? 

Chấp nhận hay không là tùy vào trình độ trí tuệ và bản lĩnh của họ. Trong khi đó thì mọi việc trong đời sống dường như không còn nghi ngờ gì nữa: thế giới đang đi vào con đường dân chủ và đất nước chúng ta cũng không có cách chọn lựa nào khác, vấn đề đặt ra là bằng cách nào mà thôi – đổ vỡ hay hòa bình mà thôi. Theo chỗ tôi biết thì hiện nay, với tư cách là những cá nhân, rất nhiều người cộng sản cũng đã nhận ra điều đó.

 

Tháng 7.1993

L.P

Diễn đàn, số 24, ngày 01.11.1993

 

 

 

----------------------------------

CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ:

 

(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Văn Học, Hà Nội 1972.

(2) Hồ Chí Minh, Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin (1960), Hồ Chí Minh toàn tập.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, T.2, Sự Thật, Hà Nội 1981 (Ðường kách mệnh, 1927).

(4) Raymond Aron, L’opium des intellectuels, Gallimard, Paris 1968, tr. 134.

 

 

CHÚ THÍCH CỦA BIÊN TẬP:

 

(*) Theo một số nguồn tin, cụ Hồ đã cưỡng lại sức ép của Stalin và Mao đòi tiến hành cải cách ruộng đất ngay từ 1950. Ðến cuối năm 1953, ÐCSVN thực hiện việc này, mở đầu bằng việc xử bắn bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hưng Long), địa chủ kháng chiến, đã từng cưu mang các ông Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt. Theo những nhân chứng còn sống, cụ Hồ chống lại việc này, nhưng bị thiểu số. Tất nhiên, điều này cần được xác nhận bằng những biên bản, chứng từ đương đại (nếu có và nếu còn).

(**) Tác giả ám chỉ câu nói của nhà văn Nga Aboulatov: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng súng đại bác”.