Hà Nội và người Việt hải ngoại vẫn đi lạc nhau và mắng nhau
Nguyễn Khoa
Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, đang có mặt ở Hoa Kỳ, dự thượng
đỉnh Mỹ ASEAN (tổ chức các quốc gia Đông Nam Á) trong hai ngày 12 và
13/5/2022. Ông Chính cùng phái đoàn cũng sẽ xúc tiến các hoạt động
thương mại tại California trong vài ngày sau đó.
Bài viết này không bàn về những chuyện “vĩ mô” mà các nhà ngoại giao
Việt Nam nói riêng, các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung đang phải bối
rối đối đầu xung quanh cuộc chiến Ukraine, mối tình cũ dần nhạt nhòa của
họ với nước Nga, quan hệ ngày càng mạnh về lợi lộc với người Mỹ,… vì
chuyện vĩ mô này người ta đã bàn tán dễ đã có cả trăm bài, từ ngày Nga
tấn công Ukraine đến nay.
Tôi muốn quan sát mối qua hệ giữa nhà chức trách Hà Nội và những người
anh em của họ, cộng đồng người Việt tại Mỹ, ít nhất là bề mặt quan hệ
truyền thông của họ với nhau.
Đầu tiên xin nói đến hai kênh truyền thông được sự hậu thuẫn về tài
chánh của chính phủ Mỹ là VOA và RFA. Thực ra hai kênh này không phải là
kênh của cộng đồng người Việt tại Mỹ, nhưng từ lâu rồi, vô hình chung họ
được cộng đồng người Việt xem là tiếng nói của cộng đồng, và có lẽ các
công chức nhà báo của RFA và VOA cũng xem mình là “của cộng đồng”. Thực
ra cũng khó cho họ, vì hầu như họ hoàn toàn không tiếp cận được “phía
bên kia” để xem phía bên kia nói gì.
RFA có bài tường thuật về một cuộc biểu tình trước tòa Bạch Ốc vào ngày
13/5/2022, để phản đối ông Phạm Minh Chính, cũng như đòi hỏi nhân quyền
cho Việt Nam. Một số nhân vật quen thuộc như ông Hoàng Tứ Duy của đảng
Việt Tân, ông Võ Minh Hữu, … trả lời phóng viên RFA. Theo phóng viên này
thì có khoảng 100 người tham gia biểu tình, nhưng xem rõ những hình ảnh
mà họ chụp được, cũng như từ một số người thạo tin từ thủ đô Hoa Kỳ, tôi
cho rằng số người tham gia có lẽ chỉ hơn 50.
Trước đó, ông Phạm Minh Chính có phát biểu tại một think tank
của Mỹ là Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) vào ngày 11/5,
thì RFA cũng có bài tường trình. Tôi cứ tưởng đấy là bài tường trình,
nhưng bấm vào thì tôi không nghe giọng thổ âm Thanh Hóa của ông Thủ
tướng, mà là một … người nào đấy.
VOA thì tường trình một chuyện khác nhẹ nhàng hơn, từ phòng … zoom. Đó
là cuộc họp trực tuyến nhân ngày nhân quyền Việt Nam 11/5, cũng là ngày
ông Phạm Minh Chính phát biểu tại CSIS, một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Tường trình qua zoom của VOA, dù đỡ nhọc hơn, có vẻ nặng ký hơn RFA vì
có một số dân biểu, thượng nghị sĩ Mỹ, cũng như các viên chức cấp thấp
trong chính phủ. Về phía người Việt, thì ta lại thấy xuất hiện các nhân
vật rất quen thuộc từ hơn… 40 năm nay. Cũng có một số người còn trẻ, rất
thành thạo trong việc … chào cờ, cũng
như thành lập các hội đoàn, mà hoạt động của nó thì khó mà đánh
giá.
Không rõ vì lý do gì, đến sáng ngày 14/5/2022, cả RFA và VOA đều
không đề cập đến cuộc gặp, dù là bên lề nhưng hết sức quan trọng, giữa
cố vấn an ninh tổng thống Mỹ Jake Sullivan và ông Phạm Minh Chính.
Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, do phía Việt Nam tổ chức.
Trong bài "Thách thức
đầy khó khăn của người Việt chống cộng tại Mỹ" (Viet Studies
18-2-22), tôi có đề cập đến một bữa tiệc do cơ quan ngoại giao Hà Nội tổ
chức vào ngày Tết năm Nhâm Dần, 2022, ngay tại … thánh địa của người
Việt tị nạn cộng sản là thành phố Westminster, quận Cam, California. Bữa
tiệc có đến khoảng 200 người Việt tham dự. Một sự kiện động trời như vậy
mà không có một tờ báo, một trang tin Việt ngữ nào ở hải ngoại đưa tin,
kể cả hai bậc “trưởng thượng” là RFA và VOA nói trên. Tôi đành phải kết
luận là công cuộc chống cộng của người Việt tại Mỹ sẽ gặp vô vàn khó
khăn tới đây.
Thế nhưng “phía bên kia” thì sao?
Theo lý lẽ thông thường thì với tình hình “phe địch” xìu xìu ển ển như
vậy thì phe ta phải thừa thắng xông lên, nhưng chuyện như thế đã không
xảy ra, ít nhất về mặt truyền thông, trong những ngày giữa tháng 5 này.
Các nhà lãnh đạo, cũng như các viên chức ngoại giao Việt Nam không có
một cuộc trả lời báo chí nào (tôi không tính bài diễn văn của thủ tướng
Chính tại CSIS, cũng như các bài gọi là phỏng vấn của báo chí chính
thống trong nước), kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra. Mà ngay cả
khi bỏ qua vụ Ukraine rất đau đầu và bối rối, họ cũng không phát biểu gì
cả với báo chí ngoại quốc về quan hệ Việt Mỹ, về chiến lược biển Đông,…
v. v. và v. v., mà tôi chắc chắn rằng các tờ báo lớn từ Đông sang Tây
đều có yêu cầu.
Thay vào đó, theo những người thạo tin từ Việt Nam, thì phái đoàn của
thủ tướng Chính lại mời một số… YouTuber … Việt kiều!
Các YouTuber này nổi lên từ độ 5, 6 năm nay, nhờ vào các loại tin giật
gân, đôi khi là tin vịt, nhất là trong thời kỳ trước cuộc bầu cử Mỹ cuối
năm 2020. Họ câu được khách nhờ những cái gọi là tin như vậy, và khá lên
trông thấy nhờ tiền quảng cáo của YouTube. Một số YouTuber Việt kiều khá
thân với giới ngoại giao Việt Nam, qua những chuyến đi … “hướng về tổ
quốc” do Hà Nội tổ chức.
Nếu tin về các YouTuber này là có thật, thì nó củng cố ý kiến cho rằng
vào năm 2020-2021, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho các YouTuber Việt kiều
thả sức tung tin vịt về bầu cử Mỹ vào trong nước, qua đó góp phần hạ cấp
các định chế dân chủ Mỹ.
Thực ra thái độ của những người cộng sản Việt Nam nói riêng, cộng sản
nói chung vốn kín lẽ đối với các cơ quan truyền thông phương Tây, không
có gì là mới. Các viên chức ngoại giao của họ không thể “tự tung tự tác”
như các viên sứ thần phương Tây, mà họ phải tuân theo cái gọi là dân chủ
tập trung, phải chờ chỉ thị trong nước từ các ban đối ngoại của đảng
cộng sản. Đôi khi cũng có những ngoại lệ như là các ông bà Hồ Chí Minh,
Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình,… đã từng trả lời báo chí phương Tây nhanh
chóng. Hồi năm 2014, người ta cũng từng thấy ông đại sứ Việt Nam tại Mỹ
là Nguyễn Quốc Cường trả lời kênh CNN.
Nếu như sự kín kẽ của những người cộng sản đối với truyền thông phương
Tây, vì lý do hệ thống chính trị của họ, là điều khá dễ hiểu, thì việc
họ tiếp cận truyền thông… YouTube Việt kiều thì hơi khó hiểu. Họ
hy vọng gì? Họ nghĩ là hơn 2 triệu người Việt tại Mỹ sẽ được các YouTube
Việt kiều này dẫn dắt?
Tôi cho là các giới chức ngoại giao Việt Nam lẫn các nhà lãnh đạo của họ
đánh giá khá thấp cộng đồng người Việt tại Mỹ. Làm sao có thể đánh giá
cộng đồng này qua đám đông ngày càng thưa thớt những người Việt biểu
tình? Mà cộng đồng này cũng không phải là những con số hàng trăm ngàn
subscribers các kênh YouTube Việt kiều (một số đông trong các
subscribers này là người trong nước).
Trong hơn 10 năm qua khá đông người Việt trẻ tuổi bước vào dòng chính
của chính trị Mỹ, và các giới chức ngoại giao Việt Nam hầu như hoàn toàn
không có tiếp xúc gì với họ. Những người Việt trẻ tuổi thành công trong
kinh doanh và kỹ thuật tại Mỹ, đặc biệt là California, cũng bắt đầu
thành lập các tổ chức dấn thân vào xã hội và chính trị Mỹ. Các vị dân cử
gốc Việt này, các nhóm thanh niên Mỹ gốc Việt thành đạt này, dù không
bao giờ biểu tình và chào cờ, chính là tương lai của cộng đồng người
Việt tại Mỹ, chứ không phải là đám đông hàng ngày say sưa các kênh
YouTube Việt kiều.
Tôi có cảm giác như những ngày trên đất Mỹ của phái đoàn thủ tướng Việt
Nam vào tháng năm này giống như một dư âm thất lạc của ngày… 30/4. Cả
hai phía đều đi lạc. Ta thử đặt các nhân vật hiện tại vào một đẳng thức:
RFA + VOA + Biểu Tình <> Ngoại giao Hà Nội + YouTubers Việt
kiều Quả
là hết sức thú vị, và … lạc lõng. Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-5-22 |