Thách thức đầy khó khăn của người Việt chống cộng tại Mỹ
Nguyễn Khoa
Ngày 5/2/2022, trên đường Bolsa, khu Little Saigon, thành phố
Westminster, California, có diễn ra cuộc diễn hành lớn nhân dịp Tết Nhâm
dần của cộng đồng Việt Nam.
Đây là khu vực có đông người Việt sinh sống nhất bên ngoài Việt Nam. Và
người Việt ở đây vốn cũng rất nổi tiếng với màu sắc chống cộng sản của
họ. Cuộc diễn hành có rất nhiều cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ của Việt Nam
cộng hòa trước kia, có cả những người đàn ông mang quân phục quân đội đủ
các loại binh chủng của một quốc gia đã chấm dứt sự tồn tại gần 50 năm
nay.
Nhưng nếu cuộc diễn hành với nhiều màu sắc đó là không có gì lạ vì nó đã
trở thành truyền thống của khu vực này trong mấy mươi năm qua, thì một
sự việc khác tuy không màu sắc, xảy ra vài mươi tiếng đồng hồ sau cuộc
diễn hành, cũng tại thành phố Wesminster, có ý nghĩa lớn lớn hơn, vì nó
mang tính đối trọng rất lớn.
Tại một khách sạn của Westminster, một bữa tiệc mừng xuân độ 200 người,
đa số là người Việt, một số người Mỹ, được Tổng lãnh sự nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là nước Việt Nam cộng sản, tổ chức. Một
người tham gia trực tiếp vào sự kiện này cho tôi biết như vậy, mặc dù
không tiết lộ nơi chốn.
Điều thú vị là không thấy báo chí của nhà nước Việt Nam cộng sản đưa
tin, mà cũng không thấy các cơ quan truyền thông lớn bằng tiếng Việt tại
Mỹ đưa tin. Dĩ nhiên về phía nhà nước Việt Nam cộng sản, việc không đưa
tin đó là một chủ ý với những lý do nào đó của họ, còn các cơ quan
truyền thông Việt ngữ tại Mỹ, vốn mang tiếng tự do, thì sao? Họ không
biết, hay họ biết mà không đưa tin vì sợ xúc phạm điều gì đó? Nên nhớ
rằng một bữa tiệc có đến 200 người tham dự thì không phải là một bàn cà
phê năm bảy người tại Coffee Factory (một quán cà phê ở Little Saigon),
bàn chuyện chính trị.
Cư dân Little Saigon tại California nói riêng, Mỹ nói chung, vốn được
mặc định như là một cộng đồng chống cộng sản rất cứng rắn, vì cộng đồng
này được hình thành bởi những người tị nạn Việt Nam sau khi chiến tranh
kết thúc, những người bị đày đọa trong các trại tù cải tạo, hay những
khổ ải chết chóc trên đường vượt biển.
Sau khi quan hệ Việt Mỹ tái lập vào năm 1995, nhà nước cộng sản Việt Nam
bắt đầu tổ chức xâm nhập, tiếp cận cộng đồng người Việt chống cộng,
ngoài những cơ quan ngoại giao của họ làm việc với nước Mỹ. Năm 1999 xảy
ra vụ ông Trần Trường ở khu Little Saigon treo cờ đỏ sao vàng, bị phản
đối rất dữ dội. Và cũng trở thành “truyền thống”, các cơ quan ngoại giao
của Hà Nội tại Washington DC, San Francisco, và sau này thêm Houston,
trở thành những điểm biểu tình chống cộng nhân những ngày kỷ niệm lịch
sử như ngày 30/4 chẳng hạn.
Những cố gắng tiếp cận và chinh phục cộng đồng chống cộng của nhà nước
cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục. Có một nghị quyết mang số 36 được Đảng
Cộng sản đề ra để làm chuyện này. Một số nhân vật chống cộng nổi tiếng
trở về Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là ông Nguyễn Cao Kỳ, từng là
phó tổng thống Việt Nam cộng hòa. Không rõ tác động của nghị quyết 36
này đến đâu, nhưng đôi khi nó trở thành con ngáo ộp trong cộng đồng
người Việt tại Mỹ, khi nói về mối nguy “cộng sản xâm nhập cộng đồng”.
Nhưng điều có tác động lớn hơn nghị quyết 36 nhiều lại chính là sự thay
đổi cơ cấu dân chúng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cộng với… thời
gian.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ hiện nay không còn là một cộng đồng đồng nhất
bao gồm thuyền nhân và tù nhân trại tù cải tạo của cộng sản nữa. Hiện
nay nó bao gồm cả các du học sinh đến từ nước Việt Nam cộng sản, sau khi
học xong ở lại Mỹ, những người Việt di cư đến Mỹ theo diện sum họp gia
đình. Những người mới đến này không có nhiều ký ức, hoặc không có gì cả
về chiến tranh Việt Nam, về trại cải tạo, về thuyền nhân,… mà đa số cũng
là bà con thân thuộc của những thuyền nhân và tù cải tạo.
Nhiều người trong lớp người Việt mới đến này lớn lên sau khi Việt Nam mở
cửa kinh tế, sự áp bức về văn hóa, chính trị trong nước tuy vẫn còn
nhưng giảm đi rất nhiều, so với giai đoạn bà con, gia đình họ bỏ nước ra
đi. Vì thế cảm xúc của họ đối với những gì đại diện cho nước Việt Nam
hiện nay không còn nhiều bực bội nhiều như bà con của họ.
Trong nhóm du học sinh, đáng kể nhất là những người ra đi từ miền Bắc,
nhờ vào sự thuận lợi cho họ của bộ máy hành chính chính trị trong nước.
Những người này không xem nước Việt Nam cộng sản với cờ đỏ sao vàng là
đối nghịch với họ.
Trong giai đoạn hơn 10 năm trở lại đây, xuất hiện thêm một nhóm người
nữa, là những người mới giàu lên tại Việt Nam, sang Mỹ theo dạng đầu tư,
nói nôm na là họ dùng tiền để mua qui chế thường trú nhân, và sau đó là
quốc tịch Mỹ. Những người này dù không đông, nhưng họ là mục tiêu tiếp
cận dễ dàng của các viên chức ngoại giao Việt Nam, vì trong số họ có
nhiều người vẫn còn có những hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Có thể bao
gồm luôn trong số này là những viên chức “hạ cánh an toàn” của chế độ
cộng sản Việt Nam, mà nguồn tài sản của họ có thể được đánh dấu hỏi,
nhưng tiền là tiền, và cơ chế tư bản Mỹ không hề chê món tiền đó. Điều
khá trớ trêu là những người nhà giàu mới đến từ Việt Nam này, lại ưa
thích sống ở khu Little Saigon và lân cận, nơi nổi tiếng với tinh thần
chống cộng.
Nhóm người có tiền, bất kể nguồn gốc, của một cộng đồng hải ngoại
(diaspora) luôn luôn có những quan hệ với những người cầm quyền ở bản
quốc. Việc những người Việt giàu có này ở hải ngoại đầu tư vào bên trong
Việt Nam, tuy có bị khựng lại vì những vụ bê bối như vụ Trịnh Vĩnh Bình,
nhưng sẽ vẫn là xu hướng trong tương lai.
Một nhóm khác ngày càng quan trọng trong cộng đồng Mỹ gốc Việt là những
người thuộc thế hệ 1,5 (sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Mỹ), và thế hệ thứ
2, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Những người này có cái nhìn về nước Việt Nam
hiện tại, và cuộc chiến 50 năm trước, bằng con mắt của người Mỹ hơn là
con mắt của các thuyền nhân và tù cải tạo.
Theo một nhà quan sát trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì con số những
người đến Mỹ sau, du học sinh, hay sum họp gia đình, đã có thể đông hơn
số tị nạn và thuyền nhân.
Trong năm 2021 một biểu tượng quan trọng nữa cho việc chinh phục cộng
đồng hải ngoại của nhà cầm quyền trong nước, là việc mở đường bay thẳng
San Francisco - Saigon, và sắp tới là Los Angeles – Saigon. Không thấy
biểu tình chống đối, và dự báo là người Việt tại Mỹ sẽ sử dụng đường bay
này nhiều trong tương lai, miễn là nó cạnh tranh được với các hãng hàng
không khác. Đường bay này sẽ thúc đẩy hơn nữa tổng số tiền người Mỹ gốc
Việt gửi về Việt Nam, vốn đã lên đến hàng chục tỷ đô la một năm, mặc cho
những cuộc diễn hành hoành tráng ở khu Little Saigon.
Tuy nhiên, việc chinh phục cộng đồng người Mỹ gốc Việt không phải là
hoàn toàn thuận lợi, điều đó dẫn đến bài viết mới đây trên báo trong
nước của đương kim Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc, rằng cộng
đồng người Mỹ gốc Việt vừa là thuận lợi cho nhà cầm quyền Việt Nam, vừa
là thách thức.
Về phía những thủ lĩnh chống cộng mạnh mẽ nhất của người Việt tại Mỹ,
không biết họ có biết về buổi tiệc đầu xuân tại Westminster của tòa lãnh
sự Việt Nam hay không, không thấy họ đưa ra những biện pháp nào mới
trong cuộc đấu tranh chống cộng sản của họ, mặc dù tình hình đã thay đổi
rất nhiều, những người cộng sản hiện nay ở Hà Nội và Sài Gòn khác hẳn
những người cộng sản 1975, trong đó có thể có cả những người hàng xóm
của họ tại Little Saigon.
|