Tôi làm “chính trị”


 Nhng k nim và trăn tr

 

Hồi ký 

Nguyễn Trung 

Phần hai:  Kẻ thất bại toàn diện


5

 

Trở lại Đoạn trước

 

I.  Trong tôi có nhiều anh Sáu

…Bước chân về Văn phòng Chính phủ, từ đây tôi bước vào cuộc chiến trên mọi lĩnh vực có thể trong đời mình, do đó gặt hái được thất bại toàn diện. Kẻ chiến bại này tên là Nguyễn Trung.

Nhiệm vụ tôi nhận đầu tiên ở cơ quan mới là Tổng thư ký Hội đồng kinh tế đối ngoại, do Phó Thủ tướng Phan Văn Khải làm chủ tịch, bộ trưởng ngoại giao và một số bộ trưởng kinh tế là thành viên.

Tôi không rõ việc thành lập một Hội đồng như thế là sáng kiến của từ đâu, song thời kỳ này một số nước có tổ chức này, rất cần thiết cho phát triển kinh tế đối ngoại của họ, hoạt động có hiệu quả. Tôi dựa vào kinh nghiệm của những nước này lo toan công việc của mình.

Song Hội đồng này chỉ tồn tại được một năm, và chỉ có hai phiên họp: Một để thành lập và ra mắt Hội đồng và thông qua chương trình làm việc, một để kiểm điểm tình hình công tác cuối năm và quyết định giải thể, vì không phù hợp với hệ thống.

Sau đó tôi được giao nhiệm vụ làm trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tôi nhận lời, với một vài đề nghị khoanh việc lại cho tôi, để có điều kiện tập trung vào nhiệm vụ trợ lý, mọi việc khác nên phát huy tối đa vai trò của tổ thư ký sẵn có của Thủ tướng. Tôi cũng đề nghị được hoàn toàn tự do trong nhận định, đề đạt ý kiến và kiến nghị, còn bỏ đi hay xử dụng và quyết định như thế nào… xin tùy Thủ tướng. Mọi việc như thế rõ ràng ngay từ đầu, tôi luôn luôn có thể nói thẳng suy nghĩ của mình, không phải e dè, công việc của tôi dễ dàng.

Anh em bảo tôi phạm thượng, dám mặc cả với thủ tướng!

Tôi thanh minh bằng câu nói mẹ tôi vẫn thường dạy tôi: “Mất lòng trước hơn được lòng sau!

Song quan trọng nhất tôi thấy anh Kiệt là người cởi mở, rất dễ gần, tôi còn muốn nói là rất hấp dẫn hay là lôi cuốn nữa! Nhiều chuyện rất tế nhị phải đề cập đến trong công tác, song nói ra với anh thật dễ, vì anh có cách lắng nghe chân thật, cởi mở, đặt ra nhiều câu hỏi, không ít những câu hỏi khiến tôi giật mình vì sự từng trải của người hỏi. Tôi thực sự có được một không khí làm việc khuyến khích mình làm việc.  

 

Nhân vô thập toàn

Hiểu như vậy, cho bản thân tôi cũng như cho các đối tác của mình, xưa nay tôi vẫn chọn cách sống bỏ hay vượt qua những gì là “vô toàn”, để tập trung hướng vào cái tốt, cái thiện. Nhận nhiệm vụ về giúp anh Kiệt, tôi cũng xử sự như vậy. Người bao giờ cũng là người, chỉ có tốt, tốt hơn, tốt nhất.., hoặc xấu, xấu hơn, xấu nhất… Tốt và xấu trong nhau, tan hòa vào nhau, giành ngôi nhau, biến động, thay đổi… Không bao giờ có người là thánh! Dù là có các hiền triết…

Tôi nghĩ mãi, tìm mãi, hình như trong tôi không có khái niệm lãnh tụ hay thần tượng. Nghĩa là tôi thích sống theo cách tôi muốn hay yêu thích, hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về mình và mọi sự lựa chọn của mình – kể cả lựa chọn điều tôi tôn vinh, không thích có sợi dây nào vô hình hoặc hữu hình chăn dắt mình cả.

Tôi thú nhận: sống, yêu, và ghét như vậy (chính trị là bẩn thỉu), nên không bao giờ tôi có thể làm chính trị… - nghĩa là tôi hoàn toàn không có tài chinh phục môn nghệ thuật này (Chính trị là nghệ thuật biến cái không thể thành có thể!)  Cả đời chưa hề thử lấy một lần, vì tôi luôn luôn dị ứng với nó!

Vốn là sống như thế, nên tôi thấy mình dễ làm việc với anh Kiệt.

Nhận xét đầu tiên của tôi, có lẽ anh Kiệt là vị thủ tướng Việt Nam có nhiều nhất thủ tướng các nước khác coi là bạn, có nhiều nhân vật ở nhiều nước mến mộ, trong đó có Lý Quang Diệu, Helmut Kohl, Chatichai.., nhiều chính khách và những nhân vật có tên tuổi khác.

Tôi hâm mộ những chính khách có cá tính, như tôi đã nói về anh Nguyễn Cơ Thạch. Anh Võ Văn Kiệt cũng là một chính khách như thế. Đấy là hai nhân cách tôi được sống gần gũi trên đời này ở nước mình – một quà tặng hiếm có cho tôi trên đời!..

Trong con mắt tôi, điều tôi quý mến nhất ở anh Kiệt là tính người!

Đấy không phải chỉ là lòng nhân hậu, tính vị tha, sự rộng lượng… mà đi xa hơn thế nhiều: Đó là sự hiểu được, thông cảm được sâu sắc tất cả những gì liên quan đến thân phận con người – và anh Kiệt thật sự là người yêu cái đẹp của cuộc sống. Người lãnh đạo có tầm nhìn thấu đáo và xả thân vì nước, cùng với những phẩm chất riêng rất cá tính này khiến cho vị Thủ tướng “anh Sáu”, “chú Sáu”, “ông Sáu”…  với dân là một.

Tôi thật không khỏi ngạc nhiên, theo Thủ tướng đến bất kỳ đến địa phương nào trong Nam, tôi cũng thấy Thủ tướng có nhiều bạn bè cũ tới thăm hỏi, những bà con thân thuộc cũ kể lại biết bao nhiêu chuyện ngày trước - cứ như thể Thủ tướng là người của chính địa phương họ vậy...  Hầu như không thấy dân địa phương nói “thưa Thủ tướng…”, mà chỉ thấy “thưa Anh Sáu… “, “thưa Chú Sáu… “  kể cả trong các cuộc họp. Thủ tướng gắn bó với họ tới mức gần như nhớ hết tên gọi theo thứ bậc gia đình của mọi người, trong nói chuyện chỉ gọi tên riêng của họ khi ai đó trong số họ có thứ bậc trùng nhau… Bữa cơm đến, chủ nhà mời Thủ tướng những món ăn dân dã của địa phương đã chia sẻ cùng nhau thuở trước...

Ở những thành phố khác nhỏ hơn đã đành, song ở ngay Thành phố Hồ Chí Minh bao la và lúc nào cũng sôi động, sao tôi thấy Thủ tướng có nhiều bạn thế – “bạn” với đúng nghĩa – trong giới trí thức, nhà báo, các danh nhân văn nghệ sỹ, các nhà kinh doanh, trong giới thể thao, những cán bộ đương chức… Họ thường quần tụ chung quanh Thủ tướng ngay trên sân quần vợt trong những lúc giải lao, giờ nghỉ duy nhất của Thủ tướng trong ngày làm việc. Có lúc có những đề tài quan trọng được bàn ngay trên sân bóng như thế, rất dân dã và cởi mở, một mối gắn bó thực sự (tôi không muốn dùng từ bình dân vì nó không lột được hết tinh thần sự việc), những cuộc đàm đạo hay thậm chí là bàn công việc, thường được Thủ tướng chấp thuận từ trước, xắp xếp trước…

Nói đến trí thức trong Thành phố nhiệt tình góp ý kiến với Thủ tướng trên mọi lĩnh vực không thể không kể ra ở đây “nhóm Thứ Sáu”, do anh Phan Chánh Dưỡng là trưởng nhóm – lại thêm một ví dụ sinh động nữa của Thủ tướng về sự gắn bó với giới trí thức... 

Tôi thực sự muốn nói: Không ít những quyết định và bước đi táo bạo mang tính “phá rào” trong kinh tế của anh Sáu Dân để cứu TPHCM khỏi những quẫn bách trong thời kỳ khó khăn ngay sau 30-04-1975, và những thập kỷ sau này là trong không ít những quyết định quan trọng của Thủ tướng trong một số lĩnh vực khác nhau,  gắn liền với tâm huyết và sự cống hiến trí tuệ của nhiều trí thức cả nước - sống ở trong nước hay ở nước ngoài, một số người đã từng giữ chức vụ cao trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Hình như trong suy nghĩ và trong những khát vọng vì đất nước, anh Sáu và họ là một. Chất người  trong Anh Sáu thể hiện rõ nét nhất ở điểm này, tôi dám nói như vậy.

Thật khó mà hình dung một ông cộng sản gộc, cộng sản từ cái ngày chỉ có mỗi cái quần xà-lỏn đến lúc làm nên đến tể tướng của quốc gia hôm nay (chúng tôi vẫn nói về anh Kiệt như thế!), và những con người trong cuộc sống muôn vẻ của đất nước – từ những nông dân đến những trí thức như thế, từ những chị ba Thi, những chị Tư Minh, đến những nhân vật Phùng Há, Điềm Phùng Thị.., đến Trần Ngọc Sương (Nông trường Sông Hậu), Kim Hạnh, Năm Triều, Thế Thanh, Út Thảo.., từ những Nguyễn Văn Thinh, đến những Nguyễn Xuân Oánh.., đến những Ngô Công Đức, những Trần Trọng Thức.., những Vũ Quang Việt, Ngô Vĩnh Long.., những Đặng Phong (đã mất), Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh.., những nhà kinh doanh thành đạt Đặng Lê Nguyên Vũ, Nguyễn Trần Bạt..,  những công dân bình thường.., đến những Nguyễn Duy, những nghệ nhân.., đến những Huỳnh Sơn Phước, Nguyễn Anh Tuấn.., nhiều nhà báo trẻ có tên tuổi, những  công nhân xây dựng đường dây 500KV.., .., .., không thể kể hết được… Song trong tình cảm, tất cả có thể đều hòa với nhau làm một, vì nhau, cùng trong tấm lòng yêu nước, cùng nhau và giúp nhau đã làm nhiều việc tốt đẹp cho đời và cho đất nước…

Xin đặc biệt lưu ý tại đây: Riêng tôi ngẫm nghĩ rất nhiều về những ý kiến đúng đắn và những mối thiện cảm của một số chính khách có tên tuổi và nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa dành cho thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những buổi họ về thăm đất nước và gặp thủ tướng…  Tôi chạnh nhớ đến những đánh giá trân trọng của thủ tướng nói trực tiếp với chúng tôi dành cho tướng Dương Văn Minh khi vị tướng này phải đối mặt với giờ phút định mệnh… và Sài Gòn còn nguyên vẹn khi chiến tranh kết thúc!.. Phải chăng: Bất kể, muốn gì thì gì!.. Mầm  mống của hòa hợp dân tộc không một giây phút nào ngừng trỗi dậy trong lòng dân tộc!?..  

Xin nói thật, không phải cái chức thủ tướng hay là ủy viên Bộ chính trị, mà là cái chất giàu tình người của Võ Văn Kiệt khiến tôi yêu mến con người này – với tất cả những mặt được và chưa được của con người này, yêu mến đến mức dám cả quyết cái chất người này mới là nguyên tố quyết định làm nên con người này!

Về tất cả những ai có mối liên quan nào đó với thủ tướng Võ Văn Kiệt, nói về họ - tôi dám tóm tắt trong một câu: Họ thích anh Sáu, họ yêu anh Sáu!

 

Nhân đây xin kể một giai thoại tôi nhớ đời:

Trong một buổi gặp nhau cuối năm giáp Tết, đã thành lệ một số  năm sau khi đường dây 500 KV hoàn thành, giữa lúc liên hoan chúc mừng lẫn nhau nhân dịp đoàn tụ của hàng trăm con người từ Bắc đến Nam bao nhiêu năm ròng cùng nhau cheo leo với đường dây này xuyên núi rừng, anh Sáu Thủ tướng được mời lên phát biểu.

Trong tay ly rượu trước micro, Anh Sáu nói mấy ý thôi:

-       Xin chúc tất cả sức khỏe và hạnh phúc, xin tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trên đường dây này. Nhất là xin tất cả chúng ta hết lòng chăm lo chu đáo các cháu thiếu nhi của chúng ta đã ra đời trong quá trình xây dựng đường dây này!..

Hết. Anh Sáu chỉ nói có thế. Pháo tay nổ ran, nhưng tim tôi như đứng lại vì xúc động.. – Thật là một nhân cách lớn!

…Phải, không chỉ những con người làm nên đường dây này gắn bó với công trình này! Sự gắn bó này còn ôm vào lòng nó những em bé của tình yêu – ra đời và sống với quá trình hình thành đường dây… Vì là của tình yêu, những em bé này không cần quan tâm đến những chuyện đúng và sai, không “care” đến việc trong hoặc ngoài giá thú… Đường dây này cùng ra đời với các em! Đường dây này là của các em!.. - …đứng nghe anh Sáu nói, trong tôi miên man bao nhiêu suy nghĩ như thế! Phải chăng tình yêu như một phép lạ làm nên tất cả?!..

…Có thể nói trong lịch sử của Chính phủ, anh Sáu Dân là vị thủ tướng quan tâm và thành công nhất đến nay trong việc phát huy tốt nhất sự cống hiến của giới trí thức, và cũng là một Thủ tướng giàu tình người... Từ đó tôi hiểu vì sao Thủ tướng có tầm trí thức kỳ lạ, hiểu và có cái nhìn rất sát, rất sâu sắc những vấn đề của đất nước, của con người và cuộc sống: Ông đứng trên vai những trí thức hào phóng trí tuệ với ông, và sống bằng sự thân thương của mọi người dành cho ông! Tôi không thể nói khác được!

Hơn nữa, nếu như những anh em chúng tôi đau một về những nỗi niềm của đất nước, có thể nói anh Kiệt đau mười. Không chỉ vì cương vị và trách nhiệm của anh, mà còn vì những ý kiến chân thật của các chính khách nước ngoài – cả Âu lẫn Á - chia sẻ với anh Sáu về những vấn đề của nước ta trong những buổi nói chuyện với nhau bên ngoài những nội dung tiếp xúc chính thức – người nói nhiều vấn đề sâu sắc đến tê tái lòng chúng ta – theo tôi - có lẽ là thủ tướng Lý Quang Diệu… Chính vị thủ tướng này hồi ấy muốn Việt Nam phải sớm trở thành một con hổ của châu Á mà địa kinh tế và địa chính trị đòi hỏi – ông ta nghĩ đến mối nguy Trung Quốc… Ông Lý nhấn mạnh: Nếu có một quốc gia nào dẫn đầu Đông Nam Á, đó sẽ phải là Việt Nam!.. Tiếc thay, nhiều năm sau, chính ông Lý Quang Diệu thất vọng, nói công khai với báo chí: Việt Nam không chịu phát triển!.. Chẳng lẽ chúng ta không ý thức được sự thất vọng này?..

Riêng thủ tướng Chatichai có một câu nói thật lòng, nghe mà điếng người: “May mắn hơn Việt Nam, cho đến nay Thái Lan không phải chịu một cuộc chiến tranh nào cả!”…

…Thực sự họ và anh Sáu rất dễ nói chuyện với nhau… Song.. trong những buổi giao tiếp như vậy, tôi không sao quên được một cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok giữa thủ tướng nước ta và thủ tướng Lý Bằng. Vị thủ tướng nước lớn này để anh Sáu chờ đến 15 phút – trịch thượng, cho lễ tân xin lỗi vì bận, nội dung câu chuyện cứ như là gỗ nói với gỗ, vì thái độ của Lý Bằng rất cứng… Hồi đó giữa ta và Trung Quốc trên diễn đàn ASEAN có những điều trái khoeo nhau – thực ra có lúc nào Trung Quốc hết tréo ngoe với ta!?..

Bạn sẽ là người hay là đất, nếu ở cương vị thủ tướng bạn được nghe những tiếng nói mọi chiều cạnh cắt gan xói ruột như vậy về đất nước mình từ miệng các đồng nhiệm những nước bạn bè?

Không thể nói khác, thủ tướng Võ Văn Kiệt có một trường đời tôi nghĩ khó ai có được như thế để so sánh… Nguyên nhân quyết định để có một trường đời như thế là ý chí học hỏi không ngừng, sự chân thật rất dung dị, tự nhiên!.. Trong đó tôi rất phục trí nhớ của Thủ tướng… (Một người khác có trí nhớ kỳ lạ như vậy tôi biết là anh Việt Phương – tôi tặng anh Việt Phương biệt danh “một encyclopédie sống”).

Xin nói thêm, anh Kiệt là một nghệ sỹ chụp ảnh, nhưng không bao giờ coi mình là nghệ sỹ. Tâm hồn nghệ sỹ này chỉ phản ánh yêu cái đẹp của Võ Văn Kiệt mà thôi. Phẩm chất này rõ nét hơn ở Võ Văn Kiệt có lẽ là trong yêu cái thiện, yêu cái dám sống, yêu những phẩm chất của con người, trong yêu tự nhiên và trong tình yêu… Tôi vẫn thường nói với đồng nghiệp của mình: Chúng ta có một thủ tướng giầu tình người! Tôi thích làm việc với con người này vì những lẽ như vậy.

Tôi không biết nhiều, và thực lòng cũng không muốn nói nhiều về những điều lo âu của Thủ tướng. Có thể nói là nhiều lắm! Khi nào anh Sáu tự thổ lộ với chúng tôi điều gì, chúng tôi hiểu lúc ấy cũng là bức bách lắm rồi. Lúc nào không thể làm gì khác được nữa, anh Sáu thường kể lại với chúng tôi với câu kết luận: “…Nói mà không nghe thì để cho cuộc sống nó dậy vậy!..” Chúng tôi hiểu như thế là có chuyện lớn không ổn! Có những việc không thể làm gì khác được nữa, anh Sáu thường trì hoãn lâu nhất có thể, có khi là vài năm! Những giờ phút căng thẳng như thế không phải là hiếm, can trường như anh Sáu cũng không thể giấu được chúng tôi... Làm việc gần anh Sáu, dần dà tôi nhận thấy anh Sáu có một tác phong làm việc và cả một mạng lưới các thông tin, các luồng phản biện, giới trí thức tin cậy trong mọi lĩnh vực.., để anh Sáu lựa chọn, nhận định và quyết định. Tôi không rõ các ủy viên Bộ Chính trị khác có tác phong làm việc như thế nào.

Nổi bật nhất là anh Sáu thường dành nhiều thời giờ cho cách làm việc trực tiếp với những vấn đề phải giải quyết và với những con người tại chỗ của những vấn đề.

-       Ví dụ thành công điển hình của cách làm việc này là dường dây 500kv; từ chuyên gia cho đến lãnh đạo ý kiến phản biện ngược nhau đến 180 độ, song anh Sáu quyết được và làm được. Anh bảo vệ đến cùng quan điểm chiến lược: Phải sớm có trong thời gian ngắn nhất mạng lưới điện quốc gia vì vấn đề phát triển và an ninh. Hôm nay có thể kết luận: Sự lựa chọn mục tiêu chiến lược như vậy là chính xác, và đã tìm được các phương án kỹ thuật tối ưu để thực hiện.

-       Ví dụ không thành công là vấn đề lớn hơn rất nhiều: Vấn đề giáo dục của nước ta! Có thể nói anh Sáu đã “đánh vật” với các Bộ và các cơ quan / nhân vật hữu quan, không tìm được kiến nghị nào thuyết phục. Anh Sáu quyết định gặp trực tiếp khá nhiều trí thức có uy tín trong lĩnh vực này – trong đó có các anh Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Nguyễn Xuân Hãn, vân vân... Anh Sáu đồng tình với họ, kết luận: Vấn đề vô cùng hệ trọng đối với quốc gia, nó là thay đổi cuộc sống và con đường phát triển của quốc gia! Toàn thể Bộ Chính trị phải nghe trực tiếp và vào cuộc mới giải quyết được… Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình – theo ý kiến riêng tôi – anh Sáu thất bại trong việc yêu cầu toàn thể Bộ Chính phải vào cuộc trên mặt trận này! – Một thất bại lớn quá, và tôi vô cùng nuối tiếc!..

Sự việc trên đây về vấn đề giáo dục là một trong những ví dụ cụ thể của lỗi của hệ thống chính trị, tôi đánh giá như vậy trên hai phương diện: (a) vấn đề tập trung dân chủ có thể cản trở những quyết định phải làm, và (b) không công khai minh bạch và không có trách nhiệm giải trình trước đất nước.

Song trong thâm tâm tôi còn một điều đau hớn hơn: Chẳng lẽ Bộ Chính trị này không đủ sức tiếp cận một đại vấn đề của quốc gia như vậy? Phải chăng vì thế đã để cho nền giáo dục nước nhà bệnh hoạn như hôm nay? Một sự thật khác: Một chế độ toàn trị không thế hứa hẹn một nền giáo dục lành mạnh! Quả là vô cùng phũ phàng!..

Trong thâm tâm tôi thừa nhận có những việc anh Sáu không thể lay chuyển được Bộ Chính trị!

Chính những vấn đề nóng bỏng hàng ngày như vậy đã dồn nén, tạo ra áp lực dẫn tới bức thư 09-08-1995 (sẽ nói dưới đây).

Một số người nói với tôi, họ rất trách anh Sáu không quan tâm đến hay là không thành công trong việc chuẩn bị đội ngũ kế cận. Nên hệ quả là cứ mỗi khóa đại hội đảng phẩm chất cán bộ lại thấp đi một bước, và chẳng thấy được nhân vật nào có thể đem ra so sánh!.. Những ý kiến này cho rằng anh Sáu cũng như bao nhiêu người lãnh đạo khác của đảng phải chịu trách nhiệm về thực tế này.

Tôi cho rằng đấy là những nhận xét khách quan, tôi tán thành. Chỉ xin nói thêm: Đảng có cả một hệ thống ngày càng tinh vi – bao gồm cả những “luật, lệ không thành văn” cho đào tạo, xây dựng và chuẩn bị đội ngũ kế cận. Vận hành hệ thống này như thế nào, lại là do tương quan các lực lượng quyền lực khác nhau quyết định… Hệ thống nào thì sản phẩm nấy!..

Cá nhân tôi cũng cho rằng với các nhân vật như Nguyễn Cơ Thạch,  Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt là những người cuối cùng đã ra đi của một thế hệ lãnh đạo đã làm nên lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam nói chung và của Đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng. Thế hệ lãnh đạo hôm nay cần nhìn vào thực tế hẫng hụt rất lớn này của chính mình, và cần nhìn thẳng vào những  đòi hỏi và thách thức đất nước đang đặt ra cho họ trong bối cảnh cục diện quốc tế mới hiện nay: Đảng hôm nay không còn là đảng hôm qua nữa!

Hình như bi kịch muôn đời của lịch sử là chẳng có triều đại nào vào thời suy mạt có thể ý thức được thực trạng đang xảy ra của chính nó; thường là nó chỉ có phản ứng tất yếu là giãy giụa để kéo dài sự tồn tại của nó, qua đó đẩy mọi mâu thuẫn trong xã hội lên đỉnh điểm. Trí tuệ của đất nước cần nhìn ra sự vận động này của sự vật để định hướng cho mình.

 

Được sống gần gũi và giúp anh Võ Văn Kiệt với nhiệm vụ tôi được giao thực sự là một niềm hạnh phúc của tôi – và đây cũng là quãng đời tôi thực sự được thử sức mình, để biết mình đã thất bại toàn diện.

Ngồi trong vườn nhà anh, có những lần tôi vừa trêu vừa tâm sự với  anh:

-        Anh Kiệt ạ, trong con mắt tôi, anh là một Anh Hai (nói theo tiếng Nam Bộ) tôi quý mến. Tôi thích Anh Hai Võ Văn Kiệt hơn là thủ tướng Võ Văn Kiệt.

-       

 

 

Thực ra, ngoài những việc như tham gia một số sự kiện quốc tế và khu vực, một số chuyến thăm chính thức nước ngoài của Thủ tướng, góp ý vào một số chủ trương chính sách đang phải xử lý hàng ngày – phần lớn là trong phạm vi kinh tế đối ngoại, xử lý một số vụ việc cũ tồn tại đã lâu, thúc đẩy vấn đề "xóa chủ quản".., tôi hầu như chưa giúp Thủ tướng được việc gì đáng kể trong nhiệm vụ trợ lý. Tôi muốn nói tôi «lãi» nhiều hơn, với nghĩa được đi theo anh Kiệt khắp mọi nơi, biết và học thêm được rất nhiều thứ, nhưng giúp Thủ tướng chưa được bao nhiêu.

Việc lớn nhất tôi hăm hở bắt tay vào là bức thư ngày 09-08-1995 của Thủ tướng gửi Bộ Chính trị.

Đấy là kết quả cả một quá trình trăn trở của anh Kiệt, nhất là sau Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII họp từ 20-25 / 01-1994, mở ra thời kỳ siết lại kể từ sau đổi mới 1986. Từ đây đất nước đi vào cuộc khủng hoảng toàn diện cho đến hôm nay chưa có lối ra.

Anh Kiệt kết luận: Cứ loay hoay chữa cháyphá rào từng việc mãi như đang làm trong đánh vật với mọi vấn đề đất nước phải đối mặt, sẽ chỉ loay hoay tiếp mà thôi, ngày càng rối!

Anh đặt vấn đề với tôi: Nghĩ đi, xem có cách nào thay đổi từ gốc, từ hệ thống, để xoay chuyển tình hình đất nước!? Xoay chuyển cái gì  và như thế nào để có thể tạo ra một chuyển động mới năng động?..   

Tôi biết chắc chắn anh Kiệt đã đặt vấn đề này với nhiều người khác lâu nay rồi, đã có những «đơn đặt hàng» cụ thể cho mỗi người của mỗi việc... Tác phong làm việc của Thủ tướng Sáu Dân xưa nay như vậy.

Nhớ lại hôm ấy, được nhận một nhiệm vụ trọng đại từ một Thủ tướng dày dạn những thử thách trong cuộc đời và nhiệm vụ của mình, hai tai tôi nóng ran – vì nhiệm vụ này đối với tôi trân trọng quá, trang nghiêm quá, thiêng liêng quá!.. Trong lòng, tôi chỉ có nỗi lo, với hai cái tai nóng ran…

-        Mình có làm nổi không?..

Câu chuyện bức thư ngày 09-08-1995 của Thủ tướng gửi Bộ Chính trị hình thành từ đầu là như thế.

Nhưng bức thư này thất bại! Bộ Chính trị không tán thành những đề nghị của anh Kiệt.

Một bản photo copy của thư này (hình như từ một người nào đó có tên trong danh sách những người được nhận thư) không biết làm sao lọt ra ngoài và lên mạng[1]. Tôi được biết anh Hồng Hà (nguyên chánh văn phòng Bộ công an), anh Hà Sỹ Phu và anh Nguyễn Kiến Giang đọc bản sao này nên bị công an bỏ tù, nghe đâu nhiều tuần…  – vì tội xâm phạm bí mật nhà nước.

Anh Việt Phương xót xa nói với tôi:

-        Lẽ ra phải bắt Nguyễn Trung đi tù mới đúng!

Như thế là câu chuyện rất nghiêm trọng, tôi hiểu rõ như vậy.

Song anh Kiệt trước sau không hé cho tôi nửa lời về ý kiến của Bộ Chính trị… Tôi ướm hỏi điều gì, thủ tướng cũng chỉ một mực bảo tôi tập trung lo công việc hàng ngày, coi như không có chuyện gì xảy ra. Thủ tướng chủ động bàn sang việc khác...

Vài tuần sau, một cán bộ bên Văn phòng Trung ương nói với tôi: Có ý kiến của lãnh đạo đánh giá không thuận việc tôi làm trợ lý cho anh Kiệt, câu chuyện bức thư gây khó dễ cho anh ấy...   

Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải tự quyết định rồi!

Hôm sau đến cơ quan, tôi mang theo một bức thư đã viết sẵn từ nhà, rồi trình bầy với Thủ tướng: Tôi đã cân nhắc cặn kẽ câu chuyện bức thư, và tôi xin từ chức trợ lý. Tôi cũng xin nghỉ hưu luôn, từ ngày mai tôi sẽ không đến cơ quan nữa. Tôi xin lỗi sự đột ngột này và mong Thủ tướng lượng thứ. Song trước hết tôi xin lỗi Thủ tướng về những điều không ai muốn mà câu chuyện bức thư gây ra cho Thủ tướng. Tôi hứa với tư cách công dân tự do, tôi sẵn sàng giúp mọi việc Thủ tướng yêu cầu…

Trình bầy xong, tôi biếu tặng anh Kiệt một chai rượu mơ tôi tự làm để chia tay. Tôi nói : Đây là loại rượu mơ tôi vẫn làm hàng năm để biếu cha tôi, vì Người rất thích loại rượu này…

Sau đó tôi chìa tay xin cáo lui, anh Kiệt bắt tay tôi, cả hai chúng tôi cùng cười thay cho phải nói với nhau điều gì – anh Kiệt nhìn tôi, không  kịp nói được gì, vì chưa ra khỏi sự ngỡ ngàng, mà tôi cũng không muốn để anh Kiệt có thể kịp nói với tôi câu gì… Tôi bước nhanh ra cửa…

Khi lái xe đưa tôi về đến nhà, tôi nói:

-        Rất cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của anh lâu nay dành cho tôi. Nhờ anh nói với tổ xe, từ mai trở đi không cần phải đưa đón tôi nữa…

Nằm khàn ở nhà, tôi càng thấy quyết định của mình là cần thiết, càng thấm thía sự hiểu biết của tôi về chính trị nông cạn quá.

Tôi ân hận cứ tự hỏi mãi: Mình đã đủ tỉnh táo khuyên anh Thạch tạm đặt việc tổng kết sang một bên để chọn việc khác, nhưng tại sao trong trường hợp này mình chưa đủ tỉnh táo để kiến nghị với Thủ tướng một cách tiếp cận khác?

Cú vấp lớn quá!..

Cho dù những vấn đề của đất nước nêu trong bức thư nóng bỏng đến đâu, song cách tiếp không phù hợp vẫn có thể hỏng việc…

Cái tội lớn nhất của tôi trong thất bại nhớ đời này là già rồi mà vẫn chưa nhìn thấu những cái gì gọi là “chính trị”, mặc dù thời sinh viên tôi đã dám cả quyết trước chi bộ “chính trị là bẩn thỉu!”, đến nỗi xuýt bị đuổi học!

…Tôi nhớ, đã có lần mẹ tôi vừa trách vừa trêu bố tôi: “Già rồi mà còn dại!” - về một câu chuyện gì đó ở cơ quan khiến bố tôi bị bẩy đi chỗ khác. Tôi nghĩ, nếu mẹ tôi còn sống, chắc tôi cũng sẽ được ăn một cái cốc vào đầu và được nhận một lời như thế! Nhưng cho đến hôm nay, vợ tôi và con cháu tôi, trong họ tôi… vẫn chưa một ai hay biết tôi “ra đi” vì câu chuyện bức thư… Đơn giản vì tôi thấy chuyện này chẳng có gì đáng phải nói trong gia đình.

Câu chuyện bức thư mở mắt cho tôi: Trước sau tôi vẫn chỉ là một technocrat quèn, thiếu rất nhiều kỹ năng và phẩm chất là một tham mưu. Làm trợ lý mà tay nghề như thế thì non quá… Lẽ ra tôi phải cố vấn cho anh Kiệt chọn một cách tiếp cận tốt hơn. Tôi chưa học được điều này, vì tôi không bao giờ coi trọng nó! – đây là lý do người đời thường quy kết tôi là kiêu căng, có lẽ cũng đúng! - Tội lỗi của tôi là ở chỗ này, chứ không phải ở nội dung bức thư!.. Sự cố này khiến tôi nhìn lại cuộc đời cán bộ của mình, càng thấm thía: Đúng là tôi không bao giờ có ý thức làm chính trị, không thể làm chính trị!..

Về bức thư, có thể nói sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có trách nhiệm, cố không xa rời thực tại đất nước, không duy ý chí; chỉ chọn một số vấn đề chính không thể không nói, nhưng liều lượng ở mức tối thiểu, chỉ mang tính đề cập, tính tới việc mở ra những bước sau này, lựa lời diễn đạt…  Nghĩa là nội dung tổng thể của bức thư là triệt để, song tránh nói đến ý thức hệ hay CNXH… như các anh Đào Xuân Sâm, Việt Phương, Phan Đình Diệu… từ rất lâu đã trình bầy trực tiếp với lãnh đạo đảng và nhà nước về  CNXH như đang thực hiện ở nước ta là sai rồi!..

 Tôi nhận nhiệm vụ soạn thảo thư này còn với tính cách là thành viên Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Anh Kiệt nhiều lần góp ý cần sửa chỗ này chỗ khác, trao đổi thêm với một số anh khác và yêu cầu họ góp ý và sửa trực tiếp vào văn bản… Anh Việt Phương được anh Kiệt giao nhiệm vụ đọc lại lần chót trước khi bức thư được ký và gửi đi – xưa nay Thủ tướng vẫn dành cho anh Việt Phương một sự tin cậy như vậy…

Bốn vấn đề hệ trọng được nêu trong bức thư đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị thời sự đối với đất nước. Đó là: (1) nhìn nhận lại xu thế phát triển của thế giới, (2) đất nước phải xem lại đường lối phát triển của mình để có thay đổi thích hợp, (3) phải xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện kinh tế thị trường, (4) phải đổi mới đảng về đường lối và về tổ chức để tạo ra động lực và sự phát triển bền vững của đất nước.

Hôm về Vĩnh Long thăm quê anh Sáu, tức cảnh, tôi viết mấy lời:  

 

Khi chia tay, xin tặng anh chén rượu

Rượu không thơ, rượu không thành rượu

Thơ không rượu, thơ thêm nỗi vẩn vơ

Vậy nay xin tặng cả rượu và thơ

 

Tôi quá già

Để anh chọn làm thư ký…

Tôi quá trẻ

Để anh chọn làm trợ lý…

Những mong giúp anh đôi ba việc

Nhưng tôi mắt bé tí, trí mỏng, nhìn không thấu đời

Chọn tôi anh chuốc thêm cực vào người

Duyên phận hai ta là như thế

Nay xin đổi lại bằng thơ và rượu đế…

 

Kính tặng Anh Sáu,

Vĩnh Long – Vũng Liêm, 26-07-1996

 

Sự chia tay như thế, lại là bắt đầu một giao kèo mới giữa hai chúng tôi, cho đến lúc anh Sáu đi xa… Trong đời tôi có những biến đổi không ngờ như thế…

Có thể dựng lên hình ảnh thế này:

Tôi đến với anh Kiệt từ một bệnh viện ở Bangkok, sự chia tay tại cơ quan chỉ đánh dấu một thời kỳ gắn bó mới… Nhưng khi anh đi xa, lại chẳng có sự tiễn đưa nào cả - vì anh đang ở một vùng trời, tôi lại đang lang thang trong vùng trời khác… Cho đến hôm nay, cũng không có sự chia tay nào cả. Vì tôi chưa cảm thấy một lúc nào xa anh, vẫn mang nặng món nợ đối với anh mà cho đến hôm nay tôi vẫn không biết sẽ trang trải như thế nào…

Đó là món nợ của tôi đối với đất nước mà anh Kiệt đặt vào tay tôi!..

…Bữa cơm cuối cùng anh Sáu mời chúng tôi là tại một nhà nghỉ trong khu nhà khách Trung ương tại Hồ Tây, lần này là ngôi nhà anh Sáu đã sống những năm tháng đầu tiên, khi từ Nam ra Bắc nhận trọng trách mới... Anh chị em nhân viên phục vụ tại nhà này kể lại bao nhiêu chuyện cũ… Quay trở lại một kỷ niệm cũ như thế, chúng tôi không ngờ đó lại là nơi: từ đây anh Sáu vài tuần sau chia tay với chúng tôi – lần này là mãi mãi…

…Cũng như mọi khi, từ lúc thôi làm Thủ tướng, mỗi lần anh Sáu ra Hà Nội, chúng tôi đều có những cuộc hàn huyên như thế, vì anh Sáu là người của cuộc sống. Không lúc nào không có những vấn đề để trao đổi. Mỗi lần anh Sáu trở về Thành phố, đều để lại cho chúng tôi những «đơn đặt hàng mới» - những vấn đề anh Sáu yêu cầu chúng tôi nghiên cứu, có ý kiến, có kết quả thì gửi vào báo cáo cho anh Sáu, hoặc sẽ bàn đến trong cuộc gặp sau… Thực sự là không có lúc nào rỗi. Cả anh Sáu và chúng tôi đều là những người nghỉ hưu, tất cả đều qua cái « thất thập cổ lai hy» lâu rồi… Song đầu óc chúng tôi vẫn làm việc bình thường – vì đòi hỏi hiểu biết của mình, vì có lợi cho đời cho đất nước chút nào hay chút đó, vì nhàn rỗi nghĩa là chết!

Ngoài việc thường xuyên trình bầy với anh Sáu những diễn biến mới và thông tin về các vấn đề đối ngoại, thời sự quốc tế.., tôi được anh Sáu yêu cầu tiếp tục đi sâu vào chuyên đề đổi mới Đảng. Cuộc đời trớ trêu thật, giao việc này vào cái tay không thích chính trị!

…Thật ra từ lâu rồi, tôi vốn dĩ phải sống với cuộc đời luôn luôn thích trêu ngươi mình, theo cái kiểu «ghét của nào, trời trao của nấy!»… Tôi cứ tự hỏi mình hoài, tại sao không chọn làm một nhạc sỹ, nhà văn.., hay thậm chí làm một chuyên viên kỹ thuật ?.. – vì khi học trung học tôi cũng có năng khướu về khoa học tự nhiên.., thế mà lại đi làm cái nghề ngoại giao, rồi bây giờ đụng vào đâu cũng chỉ toàn là chính trị?!..

Song tôi hiểu việc anh Sáu giao: Anh không bỏ dở câu chuyện bức thư!

Anh Kiệt "trói" tôi vào đề tài này từ khi tôi tự về vườn và nghỉ hưu, nghĩa là rất sớm – tôi không biết lý do tại sao, hay chỉ là ngẫu nhiên. Thỉnh thoảng tôi cũng được anh Sáu gọi vào Thành phố báo cáo trực tiếp các suy nghĩ của mình về đề tài này… (Hay là tại tôi vẫn thường phê phán đảng khá gay gắt?!.. – tôi chịu.)

Trong bữa cơm cuối cùng tại căn nhà xưa nói trên trong khu Hồ Tây, khi chia tay, anh Sáu nói với tôi:

-        Anh cần tôi đi đâu, gặp ai trong lãnh đạo để nói điều hệ trọng gì đối với Đảng và đất nước mà anh chưa thể nói được, tôi sẵn sàng cầm thẻ đảng của mình đi làm việc đó! Nhưng không được bỏ dở nhiệm vụ nghiên cứu góp phần đổi mới Đảng thành đảng của dân tộc!..

-         !!!…

Ai hiểu hết được ý chí vì dân vì nước của người đảng viên ĐCSVN Võ Văn Kiệt đã cống hiến cả đời mình cho đảng đã làm nên sự nghiệp của chính ông, nhưng chính hôm nay ông kiên định ý chí phải thay đổi đảng này thành đảng của dân tộc!?.. Và tôi hiểu, ông đã giao cho tôi một việc cho đến lúc nhắm mắt tôi cũng không được thoái thác!

Mọi người còn nhớ, anh Sáu lâm trọng bệnh giữa lúc chuẩn bị lên đường đi Hà Lan, muốn tìm hiểu vấn đề chung sống với biển của quốc gia này, mong mỏi có thể tìm ra được điều gì cho nước mình, nhất là hệ quả của biến đổi khí hậu đối với nước ta năm sau dữ dằn hơn năm trước trông thấy!.. Lúc này Anh Sáu đã 86 tuổi…

Tin sét đánh đến với tôi, trong lúc tôi đang ở Mỹ…

 


[1] Thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính trị - https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-048/thu-vo-van-kiet-1995/