Tôi làm “chính trị”


 Nhng k nim và trăn tr

 

Hồi ký 

Nguyễn Trung 

Phần một: Vào đời


4

Trở lại Đoạn trước

 

 

Bangkok 12-1992

Kỷ niệm những thách thức mất còn

Trong các sự kiện Chiến tranh vùng Vịnh 1991,

vấn đề quan hệ Việt Nam – Thái Lan, vấn đề Khmer đỏ

 

 

Cũng trong khoảng thời gian tôi ở Bangkok, tháng 5-1991 anh Nguyễn Cơ Thạch ghé qua, trên đường đi Paris để giúp con gái chữa bệnh. Lúc này anh Thạch đã lĩnh đủ mọi hậu quả của Hội nghị Thành Đô. Việc nước việc nhà đau lòng,  dáng dấp và sức khỏe anh Thạch suy sụp hẳn, anh em trong cơ quan rất thương anh Thạch. Những anh em biết về Hội nghị Thành Đô càng xót xa cho anh Thạch và cho đất nước! Song ý chí của con người này không lùi!

Trong Bộ Ngoại Giao, thứ trưởng Trần Quang Cơ – nguyên đại sứ ta ở Thái Lan, tiền nhiệm của anh Lê Mai – là người phê phán bộc trực nhất Hội nghị Thành Đô, hoàn toàn ủng hộ quan điểm của anh Thạch và công khai bảo vệ anh Thạch. Anh Cơ nhiều lần chia sẻ với tôi nỗi đau của đất nước và của riêng anh về Thành Đô, bày tỏ lòng cảm phục và nỗi xót xa của anh đối với anh Thạch… Tôi học được ở hai người này rất nhiều… Tôi nghĩ: Thành Đô và tấm gương của anh Thạch là hai yếu tố  góp phần nhất định vào quyết tâm của anh Cơ: Dứt khoát từ chối không nhận bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sau sự kiện Thành Đô. Đất nước này bây giờ, trước những thách thức khôn lường, những tấm gương như anh Nguyễn Cơ Thạch và anh Trần Quang cơ sao hiếm hoi như vậy!

Anh Thạch yêu cầu tôi tham gia vào việc tổng kết đối ngoại Việt Nam mà anh đang rất muốn thực hiện.

Phần thì thấy sức khỏe của Thạch không ổn như vậy, phần thì tình hình đất nước chưa chín muồi cho công việc hệ trọng này, tôi tìm mọi cách can ngăn anh Thạch, đồng thời bản thân tôi cũng dứt khoát từ chối tham gia. Đây là một quyết định đau lòng, nhất là tôi xưa nay vẫn coi anh Thạch là tấm gương về ý chí phấn đấu, là người thầy về lĩnh vực đối ngoại của mình. Hơn nữa cách dùng người của anh Thạch là “cú hích” đẩy tôi vào lĩnh vực kinh tế và phát triển, nhờ đó tôi trưởng thành nên một con người  khác. Tôi rất hàm ơn anh Thạch điều này! Tính bộc trực trong công tác tôi cũng học được ở anh Thạch rất nhiều. Cuộc sống có những nỗi đau như thế!

Hai chúng tôi đi nhiều vòng trong vườn hoa của đại sứ quán, có lẽ phải đến hàng giờ. Anh Thạch căn vặn tôi và nghe tôi nói là chủ yếu: Tại sao tôi từ chối đề nghị của anh!?

Suốt câu chuyện, tôi nêu ra một số sự kiện và sự cố ngoại giao quan trọng, trình bầy nếu muốn tổng kết thì phải nói những vấn đề A, B, C… như thế này, sẽ đụng chạm đến quốc gia, quốc tế, nhân sự như thế này; ở một sự cố và sự kiện ngoại giao khác, thì lại có những vẫn đề D,F,G… khác, những vấn đề liên quan khác phải giải quyết… Tất cả đều chưa chín muồi để làm vào lúc này, hơn nữa dễ bị đối phương khai thác… Tôi nhấn mạnh chắc chắn anh Thạch biết tính nghiêm trọng và nhạy cảm của từng vấn đề còn sâu sắc hơn tôi, vân vân và vân vân… Có nhiều vấn đề phải tổng kết mà tôi chưa biết… Nếu tổng kết chỉ mang tính giúp cho biên soạn sách giáo khoa, thì anh nên dành cho người khác, vì sức khỏe của anh quan trọng hơn nhiều… Anh nên nghỉ ngơi phục hồi lại sức khỏe trước đã, khi thời gian đến sẽ hay… Tôi rất mong anh thanh thản, tĩnh tâm, lúc này lúc khác có điều gì khuyên bảo hoặc cố vấn cho chúng tôi.., như thế sẽ có lợi cho đất nước nhiều hơn … Nhất là tầm nhìn và suy nghĩ của anh về những sự vật đang diễn ra sẽ hết sức quý báu, rất mong anh chia sẻ với chúng tôi, những dự báo của anh về tương lai…

Kết thúc câu chuyện, tôi nói vui, đại ý: Bây giờ xin phép đến lượt tôi làm cố vấn cho anh, câu chuyện của anh là chọn việc gì anh thấy đáng làm nhất lúc này trong hoàn cảnh của mình, nhưng xin tạm thời gác sang một bên câu chuyện làm tổng kết, dù cả Bộ Ngoại giao đều biết anh là vua tổng kết! Anh nên để việc tổng kết cho hậu thế…

Anh Thạch miễn cưỡng đồng ý:

-        Cậu thật láu cá!..

Anh Thạch thường gọi tôi theo cách thân mật như vậy.

Biết thế, nhưng tôi vẫn chưa yên tâm. Sau khi anh Thạch về nước, tôi còn viết một thư tay chạy theo đến phu nhân anh Thạch là chị Phúc (15-05-1991), kiếm cớ hỏi thăm, song nội dung thực chất là đề nghị chị Phúc hạn chế tối đa anh Thạch làm việc lúc này… Cố nhiên trong thư tôi không tiện nói về câu chuyện tổng kết!

 

Nhân đây xin nói vài lời về anh Thạch chung quanh câu hỏi rộ lên gần đây trên một số báo chí: Anh Thạch chống hay không chống Trung Quốc?

Tôi không rõ hỏi như vậy nhằm mục đích gì. Và trả lời nhằm mục đích gì?

Nhưng xin nói ngay, là một nhà ngoại giao lớn, anh Thạch không tư duy theo kiểu chống nước nào, theo nước nào… Suy nghĩ theo kiểu “pro & con  như thế là không hiểu gì về anh Thạch, nếu không muốn nói là có phần xúc phạm anh Thạch.

  Về Trung Quốc, có thể nói ngay anh Thạch chỉ chống những sai lầm của Trung Quốc trong đối xử với ta, đồng thời chống những suy  nghĩ mơ hồ trong nội bộ ta về Trung Quốc và những sai lầm vì mơ hồ. Sự phê phán quyết liệt của anh Thạch trong nội bộ và phát biểu của anh về Hội nghị Thành Đô là một ví dụ điển hình. Đấy là ý chí tâm huyết và đầy trách nhiệm với tổ quốc, là tầm nhìn sắc sảo của một nhà ngoại giao lớn của đất nước. Anh Thạch không thể làm khác và đã không cho phép mình tự làm khác. Làm người thì phải như thế, nhất là ở cương vị của anh Thạch với tính cách là người con của đất nước, một nhân vật tiêu biểu và là thể diện quốc gia! Trung Quốc cay cú và quyết loại anh Thạch là việc của Trung Quốc. Còn việc lãnh đạo ta chấp nhận đến Hội nghị Thành Đô trong hoàn cảnh và với nội dung như vậy là sai lầm của lãnh đạo ta hồi ấy[1]. Lịch sử cần được nói lên rành rẽ như vậy, để rút ra bài học. Nói dối hay xuyên tạc không bao giờ thay đổi được sự vật đã diễn ra và luôn luôn là thuốc độc.

Có một điều đến nay chưa thấy ai nói đến: Sau Hội nghị Thành Đô, đội ngũ lãnh đạo của đất nước ta từ đây suy yếu hẳn và đi vào thời kỳ xuống cấp mới! – tôi nghĩ như vậy.

Anh Thạch là người hiểu rõ Trung Quốc và mọi khía cạnh của quan hệ Việt – Trung, luôn tìm cách xây dựng quan hệ Việt – Trung trên những quan điểm đúng đắn. Suốt thời kỳ lãnh đạo của anh Thạch, Bộ Ngoại giao chưa có một việc nào có thể  coi là “anti China!”, mà chỉ có sự bác bỏ những chính sách và các bước đi của Trung Quốc chống Việt Nam mà thôi.

Những ai thường được dự những buổi giao ban buổi sáng của Bộ có anh Thạch dự, chắc chắn còn nhớ những đánh giá tinh tế với những căn cứ xác đáng trong những phê phán của anh Thạch – nhiều khi rất quyết liệt – về Mỹ, về Liên Xô, về những cường quốc phương Tây khác trong những trường hợp những quốc gia này có những bước đi ngược lại với những đòi hỏi của Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Phê phán Trung Quốc trong những trường hợp như thế không phải là ngoại lệ hay đặc biệt gì cả!

Có thể vì tôi một thời là vụ trưởng Vụ Châu Á 2, nên riêng tôi đặc biệt đánh giá rất cao công lao của anh Thạch trong giải pháp vấn đề Campuchia, bắt đầu từ việc anh sớm đề xuất vấn đề rút quân khỏi Campuchia – một quyết định không dễ, nếu không nói là quyết liệt trong tình thế rất khắc nghiệt của thời cuộc đất nước hồi ấy.

Cũng xin nhấn mạnh, là một nhà ngoại giao lỗi lạc có nhiều cá tính, anh Thạch thực sự luôn luôn làm chủ cuộc đối thoại của mình trong mọi giao tiếp với các chính khách nước ngoài, đồng thời luôn luôn là ông hoàng trên mọi diễn đàn, đặc biệt là trên diễn đàn các nhà báo phương Tây.

Hôm nay tôi còn nhớ mãi những buổi truyền hình tường thuật những cuộc họp báo của anh Thạch với phóng viên nước ngoài tại những hội nghị quốc tế - đương nhiên thời đó chủ đề là cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, sau đó thêm vấn đề Campuchia. Không bao giờ thiếu những câu hỏi gai góc của nhà báo, không hiếm những bình luận kèm theo rất xoi mói để làm khó cho người trả lời, xoáy vào những vấn đề rất nhạy cảm… Song người dẫn dắt đối thoại trong những họp báo như vậy lại là anh Thạch, chứ không phải là các nhà báo. Có lúc họ dành cho anh Thạch những tràng pháo tay tán thưởng – chuyện rất hiếm trong sinh hoạt báo chí quốc tế. Cũng có lúc họ rộ lên cười vì đồng tình với anh Thạch, song trước hết vì những câu trả lời thông minh và hài hước của anh, đầy hình ảnh, dễ hiểu nhưng rất sâu sắc, dư âm còn lại đến hôm nay... – nhất là liên quan đến chủ đề chính sách của Trung Quốc chống Việt Nam thời sau chiến tranh 17-02-1979 và vấn đề Campuchia, vấn đề Mỹ tiếp tục bao vây cấm vận chống Việt Nam… Một số lần tôi được dự những cuộc hội đàm của anh Thạch với chính khách nước ngoài, tôi thực sự ấn tượng với phong cách ngoại giao nói thẳng, nói thật của anh Thạch, cái gì không nói được thì không nói chứ không nói dối hay vòng vo theo kiểu ngoại giao, nhờ đó luôn luôn bàn được ngay vào thực chất của công việc. Tôi gọi đấy là ngoại giao của người lớn.

Tôi hâm mộ nhà ngoại giao lỗi lạc có cá tính, anh Thạch là một chính khách như thế.

Tôi rất trân trọng công đầu của anh Thạch trong việc hình thành nên một nền ngoại giao mới của Việt Nam thời bình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, việc xây dựng ngành và phát triển đội ngũ cán bộ ngoại giao theo những đòi hỏi mới của quốc gia trong thế giới hôm nay. Vấn đề chính của Bộ Ngoại giao hôm nay là cái vòng kim cô không được vượt qua, chứ không phải Bộ này năng lực yếu! Một con ngựa luôn luôn bị ghìm cương và đeo hai cái che mắt như thế, làm sao phi nước đại được? Những yếu kém vốn có làm sao khắc phục? Sớm muộn ngựa tốt thế nào đi nữa cũng sẽ thành ngựa tồi!..  Trong lòng tôi xót xa cho Bộ của mình, nhất là các thế hệ cán bộ hiện nay của Bộ so với chúng tôi được đào tạo có bài bản! Song trong lòng, tôi giận những bậc lão làng của Bộ có địa vị cao trong ĐCSVN nhưng không có can đảm giúp thế hệ con em mình loại bỏ vòng kim cô và hai cái che mắt này! Tôi đã đôi ba lần nhắc nhở các vị lão thành khi có dịp, nhưng nhận được sự thờ ơ.

Bây giờ anh Thạch không còn nữa, nhưng thực sự tôi mong muốn lãnh đạo đương chức của Bộ nên tổng kết mọi việc phải tổng kết – ít nhất là cho riêng nội bộ của Bộ, vì lịch sử là tiếng nói cuối cùng và luôn luôn người thầy của hiện tại cũng như tương lai.

Cũng với tất cả sự trân trọng này, tôi xin nói lên sự ngưỡng mộ của tôi đối với những đóng góp của riêng anh Thạch trong quá trình đổi mới kinh tế đất nước, cũng như đối với thành công của anh trong phát huy nhiệt tình và trí tuệ của toàn ngành ngoại giao tham gia vào công cuộc đổi mới chung này của đất nước trong lĩnh vực kinh tế. Hôm nay thế hệ ngoại giao chúng tôi có thể nói: Ngành ngoại giao của chúng ta hồi đó không phải hổ thẹn là đã không vắng mặt trong những nỗ lực chung của đất nước thời gian khổ có tính chất bước ngoặt này của đất nước, và đã có những đóng góp có hiệu quả - đặc biệt là trong xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, đổi mới một số lĩnh vực kinh tế vĩ mô của đất nước.

Vừa học vừa làm, với tất cả nhiệt tình và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đó là hình ảnh anh Thạch mãi mãi trong tôi.

 

Để tưởng nhớ anh Thạch, xin phép kể thêm đôi điều.

Trong đổi mới năm 1986, thành công nhất của Bộ Ngoại giao là những đóng góp do nhạc trưởng Nguyễn Cơ Thạch trực tiếp chỉ huy vào những vấn đề: Vai trò của thị trường trong kinh tế, vấn đề giá cả (xóa bao cấp), những tư duy sai lầm về giá trị thặng dư và vấn đề bóc lột, vấn đề tiền tệ nói chung, mối quan hệ tiền – hàng trong kinh tế vỹ mô, vấn đề lạm phát, vấn đề tỷ giá hối đoái, cách đánh giá một nền kinh tế, vai trò kinh tế đối ngoại, FDI, vấn đề cạnh tranh kinh tế… Vân… vân… Nói ra thì vài hàng chữ như vậy thôi. Song trong đời sống thực, đây là một cuộc vật lộn khủng khiếp nhiều năm của đất nước, nhằm loại bỏ những quan điểm, những vấn đề, hệ thống và phương thức vận hành của nền kinh tế kế hoạch quan liêu và bao cấp…

Bộ Ngoại giao (trước hết những anh chị em trực tiếp tham gia) phải tìm mọi cách học từ A đến Z để có kiến thức và ý tưởng tham gia vào công cuộc đổi mới chung này của đất nước. Trong nước thì khai thác mọi thông tin, ở nước ngoài thì các đại sứ quán của ta ra sức thu thập kiến thức và sách báo – nghĩa là phải tìm mọi cách học mọi thứ và học triệt để những gì có thể học trong lĩnh vực kinh tế, ra sức tranh thủ sự giúp đỡ của IMF và World Bank, UNDP… kinh nghiệm một số quốc gia, các trí thức Việt kiều… Tôi nhớ lại những lần làm việc như đánh vật với những chuyên gia kinh tế và tài chính mọi quốc tịch này, song dứt khoát không giấu dốt… Có như vậy mới biết đường mà tham gia…

Chúng tôi còn nhớ mãi, thoạt đầu anh Thạch mang ở đâu về cuốn “Economics” của Paul Samuelson, không nhớ rõ edition thứ bao nhiêu, (hình như do anh Vũ Quang Việt biếu?). Anh giao cho chúng tôi xé ra làm nhiều phần theo các chương, rồi cùng nhau dịch, cùng nhau học, chỗ nào không hiểu thì tranh luận với nhau để hiểu, hoặc cố hỏi mọi nơi để mà hiểu… Nghĩa là nhạc trưởng bắt chúng tôi học từ ABC để làm việc mới… Khá nhọc nhằn. Ví dụ, chương tôi dịch có vấn “the elasticity of demand and supply”, vấn đề này quá xa lạ đối với tư duy kinh tế chính trị học của nền kinh tế kế hoạch hóa và quan liêu bao cấp, thậm chí là ngược! Từng từ từng câu của chương thì hiểu được, nhưng toàn bộ vấn đề chương này thì không! Sau này chúng tôi mới vỡ ra: Phải hiểu những vấn đề kinh tế vỹ mô khác có liên quan thì mới hiểu được chương này.

Có một anecdote trong một tranh luận, một lão đồng chí quan trọng, rất lập trường, cứ khăng khăng thị trường dứt khoát chỉ thuộc về phạm trù của chủ nghĩa tư bản mà thôi, là nước XHCN dứt khoát phải là kinh tế kế hoạch thì mới không có bóc lột… Mọi lý luận để giải thích vẫn không sao thủng được cái đầu này. Lý thuyết không xong, anh Thạch yêu cầu chúng tôi tìm lý lẽ trong cuộc sống vậy… May sao tôi kiếm được bộ sử ký của Tư Mã Thiên, trong đó có quyển “Bình Chuẩn”. Anh em chúng tôi sướng quá. Theo tôi, có lẽ đấy là cuốn “economics” thô sơ đầu tiên của  lịch sử nhân loại. Tư Mã Thiên không có kiến thức economics, song ông ta mô tả rất sống động và chi tiết về đời sống làm ăn kinh tế của nhà vua và đất nước ông, về mối quan hệ cung – cầu (ngày mùa thóc lúa rôm rả, giá hạ, giáp hạt thóc cao gạo kém giá đắt, khuyên vua lúc nào mua vào, lúc nào bán ra kiếm lợi…), càng cho phép các quan tự làm ra tiền thì giá cả càng lên (mối quan hệ tiền – hàng), khối lượng bạc hay vàng của tiền càng lớn thì sức mua lớn theo (chế độ bản vị của tiền)… v… v…  v… v… Chúng tôi như bắt được vàng, đem ra giải thích bô lão này mới xuôi: thị trường xuất hiện trong mọi hình thái xã hội loài người ở các mức độ và hình thức khác nhau, có trao đổi ắt phải hình thành thị trường, chỉ tùy thuộc vào các hình thái chế độ chính trị-xã hội khác nhau mà thể hiện và vận hành của nó khác nhau, với những kết quả khác nhau mà thôi… Vứt bỏ vai trò của thị trường luôn luôn bị trả giá…

Có một vấn đề mấu chốt cánh ngoại giao chúng tôi thất bại hoàn toàn cho đến hôm nay: Vai trò độc lập được hiến pháp bảo hộ của ngân hàng nhà nước!  Đơn giản điều này trói tay quyền tùy tiện phát hành tiền, nên đố kỵ với bản chất của chế độ chính trị hiện hành của đất nước. Xin các anh chị đương kim trong vụ Kinh tế của Bộ Ngoại giao hôm nay đừng quên món nợ chưa trả được này đối với đất nước! Hồi đó chúng tôi rất “bám” đòi hỏi này, nhưng chúng tôi thua, mặc dù IMF, WB và UNDP hồi đó cung cấp cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm thành/bại về chủ đề này tại các nước đang phát triển!

 

Nhân đây xin kể lại tôi học anh Thạch như thế nào                                  

Khi nhận niệm vụ vụ trưởng Vụ Kinh tế, đầu tiên tôi tự hỏi mình: Phải làm gì, làm như thế nào? Phải biết gì để thực hiện nhiệm vụ?

Hỏi mình chung chung như thế về nhiệm vụ được giao, công việc hàng ngày dẫn dắt tôi đến hỏi riêng cho từng vấn đề, cho từng vụ việc.., dựa vào đó mà đào bới kiến thức, sách vở, đặt ra cho mình cả chương trình “đào bới”…

Nhiệm vụ và công việc lớn lên từng ngày theo đòi hỏi của đất nước – phải nói đấy là những năm tháng tôi ăn, thức, ngủ và sống với kinh tế - trước hết là với tất cả thông tin và sách báo với tới được. Quá trình này dẫn tôi đến câu hỏi lớn hơn:

-        Nếu được giao nhiệm vụ phải xây dựng một nền kinh tế của đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, tôi sẽ phải làm gì?

Hỏi như vậy, có nghĩa ngay từ đầu tôi phải học những gì tôi cần, chứ không thể theo một chương trình giáo khoa nào, càng không thể có một trường nào giải quyết được yêu cầu của tôi cả! Vả lại trên đời không có loại những sách giao khoa và trường học nào đáp ứng được “thực đơn” của tôi yêu cầu như thế! Điều kiện kinh tế, vật chất, kỹ thuật và thời gian cũng không cho phép tôi học theo con đường như vậy.

Dần dà tôi đi tới được kinh nghiệm tự tôi rút ra từ phấn đấu của chính mình: Đặt được câu hỏi đúng, có nghĩa là đã lần mò được tới vấn đề đặt ra và giải pháp.

Trong thời gian ở Vụ Kinh tế, tôi tranh thủ mọi sự giúp đỡ của UNDP, WB và IMF và các chương trình giao lưu của những nước phát triển dành cho nước ta để học theo “thực đơn” tôi order. Nghĩa là xuất phát từ đòi hỏi của nhiệm vụ và công việc, nhất là từ những gì tôi chưa biết và đang phải đối mặt, tôi chủ động nêu nguyện vọng trước với các tổ chức tài trợ, chờ dịp có lớp hay hội thảo thích hợp họ sẽ mời. Cách làm này của tôi được lãnh đạo Bộ chấp thuận, hậu thuẫn, giúp đỡ thực hiện. Kết quả thu được chủ yếu là nhờ quyết định học theo “thực đơn” (order) như vậy!

Trong thời gian này tôi đi khá nhiều nước, thường là các hội thảo mang tính tập huấn hay lớp học ngắn ngày, độ dài là vài ba ngày làm việc cho đến một tuần của những ngày làm việc. Nội dung chủ yếu là những vấn đề của chiến lược phát triển và vấn đề công nghiệp hóa của một quốc gia – một trường đời vô giá đối với tôi. Có thể nói, tôi đã có điều kiện tìm hiểu kỹ quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc và môt số vấn đề lớn khác ở một số nước phát triển và mấy nước Bắc Âu… Mỗi chuyến đi là một “bồ” những điều mới lạ và sách báo mang về để cùng nhau tiêu hóa!

…Tôi nhớ mãi đến hôm nay những điều tôi quan sát tại chỗ và học được của quá trình Thượng Hải đã dẹp bỏ ngành dệt truyền thống để dứt khoát chuyển sang phát triển thành một trung tâm kinh tế và tài chính tầm quốc tế của Trung Quốc như thế nào, bắt đầu từ xây dựng khu Phố Đông. Tổng cộng đến hôm nay tôi đã 3 lần đến đặc khu Thâm Quyến, khi mới bắt đầu thiết lập được mặt bằng và hình thành khu hành chính mới (lúc này khách đến thăm phải xin cấp thẻ ra vào và mua “tiền phiếu” – vì không cho tiêu nhân-dân-tệ hay ngoại tệ) trong nội địa khu, thời kỳ triển khai, thời kỳ phát triển, các kinh nghiệm hay / dở.… Với Hongkong tôi cũng có dịp tìm hiểu những đặc thù riêng của khu tô nhượng… Đi tìm hiểu trên  thực địa chiến lược của Trung Quốc tạm thời “hy sinh” phía Tây để tập trung phát triển miền duyên hải phía Đông… Tôi cũng học được nhiều thứ của các Viện nghiên cứu của Hàn Quốc, mô hình các Chaebol, con đường công nghiệp hóa của quốc gia này, mô hình hợp tác nông nghiệp trong một nước đang công nghiệp hóa, chính sách đất đai… Tại Nhật, tôi bị câu chuyện xí nghiệp gia đình tham gia các sản phẩm công nghiệp của quốc gia thu hút – tôi đi thăm một số trong các chuỗi các gia đình sản xuất các linh kiện và phụ kiện cho công nghiệp ôtô Honda: ốc, vít, bình nhựa lọc khí của động cơ… Khi đi thăm Indonesia tôi thực sự ngạc nhiên có một xí nghiệp gia công sản xuất ghế máy bay cho một đơn đặt hàng của Mỹ…

Có một lớp học ngắn ngày rất ấn tượng đối với tôi – chỉ khoảng 7 ngày làm việc – do UNDP tổ chức ở London, tôi được tham gia. Chủ đề là “3 trụ cột của một quốc gia trong quá trình phát triển: Kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự”. Học viên tất cả khoảng 20 người,  phần lớn là các thứ trưởng, vụ trưởng của một số nước đang phát triển – từ châu Phi, Mỹ Latinh, châu Á duy nhất có Việt Nam là tôi. Nội dung không lý thuyết và triết lý xa xôi như “khế ước xã hội, “khai sáng”, “giải phóng”.., mà đi thẳng vào 3 trụ cột này, mối liên quan của nó, vai trò của bộ 3 này trong quá trình phát triển của một quốc gia. Tôi thấm thía: Phát triển và công nghiệp hóa không thể thiếu hay ra ngoài mô hình thể chế quốc gia như vậy, mặc dù thời gian sống ở CHLB Đức tôi đã quan tâm đến chủ đề này… Hay quá! Kết thúc lớp học, tôi tự thưởng cho mình: mua một mũ thể thao “Head”, còn giữ được đến hôm nay làm kỷ niệm – nó cũng gần 40 tuổi rồi!..

Những năm tháng này, học và làm việc hàng ngày còn dẫn tôi đến câu hỏi lớn hơn:

-        Sau cả một chặng đường 3 thế hệ gian khổ máu xương và với thực tế  chúng ta đang sống, tổ quốc của chúng ta nên lựa chọn một đường lối phát triển nào là khả dĩ trong cái thế giới thực này?

Hỏi được như thế, càng day dứt bao nhiêu, tôi càng lao sâu vào kinh tế bấy nhiêu… Từ các học thuyết Keynes, neo-Keynes, đến tân cổ điển.., chủ nghĩa trọng thương qua các thời kỳ và các vấn đề bảo hộ.., các chiến lược chiếm lĩnh thị trường từ inwards -, outwards-looking đến outsourcing.., và hôm nay là Trump đang nói nhiều đến back-wards from outsourcing, vai trò kinh tế trí thức[2], bây giờ là cách mạng công nghiệp 4.0… Con đường thành / bại của các nước đang phát triển…

Càng hỏi, càng day dứt trong tư duy. Song tôi không có máu làm chính trị. Đơn giản vỉ tôi biết chắc nó không phù hợp với con người tôi.

Có lần, khi ấy tôi đang là bí thư thứ 3 tại ĐSQ ta ở CHDC Đúc, ông chú họ tôi – Nguyễn Khai (phó ban Tổ chức Trung ương) – sang chữa bệnh, tôi được phân công trực tiếp phục vụ. Trước khi về nước, ông chú tôi khuyên tôi nên chuyển sang làm công tác đảng, vì đang rất cần những lớp trẻ như tôi, trước hết về ngay làm trợ lý cho ông. Tôi một mực xin tha, vì lệnh của chú có khác gì lệnh cha!

Tôi thưa:

-        Nếu nhận cháu về, chú sẽ sớm thất vọng về cháu thôi ạ.

-        Tại sao?

-        Khi còn là sinh viên tại đại học Karl Marx, lúc bấy giờ cháu còn đang trong diện cảm tình đảng, suýt nữa cháu bị chi bộ đề nghị đuổi về nước. Vì trong một buổi họp bàn những vấn đề quan trọng, cháu đã phát biểu: “Chính trị là bẩn thỉu!”

-        ???

 

 

Ngày 08-02-1992 tôi gửi Bộ Chính trị một báo cáo 47 trang,  trình bầy đánh giá của tôi về toàn bộ tình hình đất nước và ĐCSVN, để góp ý chuẩn bị Đại hội VII.

So với bây giờ, hiểu biết của tôi hồi ấy còn hạn chế lắm, song thẳng thắn nói những suy nghĩ của mình, chủ yếu trên một số vấn đề đường lối – chính sách về kinh tế và về đối ngoại. Trong đó tôi nhấn mạnh vai trò khu vực kinh tế tư nhân, vấn đề hòa hợp dân tộc, đường lối đối ngoại bám chắc không nghiêng ngả lợi ích quốc gia...

Trong báo cáo này, sau khi đánh giá tình hình kinh tế đất nước, tôi trình bầy Bộ Chính trị 7 quan điểm cần xử lý để phát triển đất nước (trang 9-25, thực ra đó là nội dung, là chiến lược phát triển của một quốc gia, song tôi lựa chọn viết theo cách để mở như vậy cho đỡ gai góc). Đó là:

1.      Phải có một thể chế luật pháp, quản trị và điều hành tự do hóa nền kinh tế - thực ra tôi muốn nói phải có một nhà nước thích hợp cho nhiệm vụ này, song không thể viết thẳng ra như thế được.

2.      Vận dụng tối ưu nguyên tắc khuyến khích lợi ích từng con người và từng doanh nghiệp, cộng đồng...

3.      Thiết kế một nền tài chính lành mạnh do luật pháp bảo hộ.

4.      Thuế không đơn thuần chỉ để thu ngân sách, cần xây dựng một hệ thống thuế còn là một phương tiện điều hòa và đòn bẩy của nền kinh tế theo yêu cầu của chiến lược phát triển đặt ra; hệ thống thuế càng đơn giản và thuế suất càng thấp song kinh tế tự do có nhiều hàng hóa chịu thuế, nguồn thu ngân sách và khả năng tích lũy của nhà nước càng lớn và bớt được tham nhũng…

5.      Có cơ chế và chính sách đúng sẽ có tất cả và sẽ phát huy được tối ưu mọi nguồn lực của đất nước.

6.      Trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phải quán triệt quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng (sở dĩ phải nói thế này để giữ lập trường thôi, ngôn ngữ kinh tế là phát huy nền kinh tế nhiều thành phần)

7.      Nhìn nhận đúng và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân.

Phần này kết luận: Đây là con đường phát triển đất nước, chứ không phải là bỏ CNXH để đi theo chủ nghĩa tư bản (nghĩa là tôi vẫn rất “lập trường” và không sai vào đâu được!). Song nếu coi CNXH là mục tiêu, chứ không phải là phương tiện, cũng phải làm như vậy…

Về ĐCSVN trong báo cáo này tôi lưu ý: Có 4 nguyên nhân ĐCSVN đã làm nên thắng lợi thời chiến là (1) hiểu được quy luật vận động của cách mạng Việt Nam, (2) đề ra được đúng lối đúng cho cách mạng, (3) tổ chức trong nhân dân thực hiện thành công, (4) bản thân đảng và đảng viên tiên phong xả thân và đồng thời gương mẫu thực hiện. Thời bình 4 ưu điểm này mai một, biên chế bộ máy của đảng quá cồng kềnh. Tôi nói rõ Đảng chưa bao giờ đông thế này; nhưng ngay trên đỉnh cao của chiến thắng, Đảng chưa bao giờ yếu kém như bây giờ. Đảng đang bị thách thức nghiêm trọng và biến dần thành đảng cai trị, cục bộ bè phái nặng nề. Đường lối xây dựng đảng thực ra chỉ giải quyết vấn đề nhân sự và chỉ làm “cùn” Đảng, đến một lúc nào đó sẽ bị nhân dân bác bỏ là điều không tránh khỏi (trang 46)… 

Trong toàn bộ báo cáo 47 trang này, tôi bỏ mọi thứ “chủ nghĩa” ra ngoài. Song tôi lại gửi báo Quan hệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao bài “144 năm Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản”, đăng tháng 2-1992, mặc dù đây không phải năm chẵn kỷ niệm Tuyên Ngôn. Nội dung: Căn cứ vào thực tiễn kể từ khi có Tuyên Ngôn, sự thật cho thấy những diễn biến trên thế giới đến nay không giống như đã viết trong Tuyên ngôn; trích lại nguyên văn lời tự phê của Engels những biện pháp cách mạng của Tuyên Ngôn là sai… Tôi khuyến nghị nên đọc Tuyên Ngôn với con mắt hiện nay… Đơn giản vì hồi ấy tôi không thể viết toạc ra Tuyên Ngôn là sai, lại càng không thể đưa ý này vào những báo cáo gửi lãnh đạo…

Đương nhiên, những thứ tôi viết ra và gửi đi như vậy chẳng bao giờ có hồi âm. Sự kiện nổi bật của khóa đại hội VII lại là Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (01-1994), đánh dấu thời kỳ thắt lại sau đổi mới 1986, và từ đây đất nước đi vào cuộc khủng hoảng toàn diện, cao điểm là 10 năm vừa qua.

Kể lại những chuyện này, tôi thầm nghĩ nếu hôm nay tôi làm những việc nói trên, với những cái khung “19 điều cấm”, “quy định 102”, “quy định 105”… tôi chắc sẽ lĩnh đủ!

 

Cũng trong thời gian này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đi thăm chính thức Ấn Độ, khi dừng chân tại Bangkok muốn trực tiếp nghe tôi đánh giá tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của nước ta – tôi tự hỏi Bộ trưởng muốn sát hạch mình?.. Trình bầy của tôi chiếm gọn một buổi, sau đó tôi viết lại thành văn bản dài 53 trang, gửi về Bộ tháng 5-1992. Bộ trưởng muốn nghe, tôi còn muốn nói.

Đây là dịp tôi trình bầy thẳng thắn sự sụp đổ của các nước LXĐA chủ yếu là do những nguyên nhân nội tại của hệ thống, không thể đơn thuần đổ lỗi cho Gorbachov-Yeltsin và CIA – dù rằng những yếu tố này có góp phần nhất định – (cho đến hôm nay trong Đảng vẫn có người nhận định Liên Xô sụp đổ là do Gorbachov và Yeltsin phản bội!). Tình hình đòi hỏi phải xem lại bàn cờ và xu thế của thế giới, CNXH như vẫn hiểu lâu nay (tập trung vào phe XHCN) không còn ý nghĩa thời đại.

Tôi cũng trình bầy những suy yếu mới của Mỹ, những vấn đề Mỹ đang cố hạn chế xu thế đi xuống của mình. Sự phụ thuộc toàn cầu lẫn nhau gia tăng. Lưu ý Trung Quốc từ sau Đặng Tiểu Bình nhất quán khai thác xu thế toàn cầu hóa kinh tế để thực hiện chiến lược bá quyền, với tầm nhìn chiến lược sắc xảo, lựa chọn chính xác các bước đi – kể cả trong thực hiện những ý đồ Biển Đông và đánh chiếm các đảo của ta, tích tụ sức mạnh rất nhanh! – đây là thách thức quyết liệt đối với nước ta.

Về đất nước, tôi nhấn mạnh phải có một nội trị bền vững mọi mặt – bao gồm thực lực, đoàn kết hòa hợp dân tộc, chế độ chính trị và nhà nước lành mạnh… - mới có thể có một chính sách đối ngoại đúng đắn và có hiệu quả. Đây là điểm yếu nhất của nước ta, trong khi đó thực tế khắc nghiệt là Đảng ngày càng bất cập, nhất thiết phải quan tâm khắc phục bằng được tất cả những yếu kém này! Vì những lẽ này, Việt Nam đang giữ vị trí rất thấp trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, nhất là những nước quan trọng, nước ta đang bị nhiều nước ăn hiếp. Ngoài ra ta cũng phải quan tâm đến một đường lối đối ngoại dấn thân vì các lợi ích chung của cộng đồng các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển để tập hợp lực lượng.

 

Thời kỳ làm đại sứ ở Thái Lan tôi được thực tế cuộc sống của đất nước này và những mối quan hệ của nó với thế giới kích thích suy nghĩ của mình, nên tôi báo cáo về nước nhiều vấn đề khác nhau, những kinh nghiệm đắt của họ, nhận định của tôi… – với nỗi lo lắng mà có lần tôi đã viết ra thành lời:

Thái Lan hôm nay (lúc tôi đang sống ở đấy) sẽ có thể là một Việt Nam trong 20 năm tới, với nhiều bài học tệ hại, hoặc vào tình hình thực tiễn của nước ta sẽ có thể còn tệ hại hơn, nếu ta không chăm lo phòng tránh từ bây giờ!.. Có những cái Thái Lan đã làm được, nước ta có điều kiện có thể sẽ làm tốt hơn…

             Tất cả những gì tôi đã viết ra trong nhiệm kỳ này, tuy nói lên được một số vấn đề quan trọng, song nhiều điều nói chưa được đến nơi đến chốn, nhiều điều đã trở nên lạc hậu, có không ít suy nghĩ chưa đến tầm hoặc sai so với nhận thức mới hôm nay… Nhưng tôi đã viết với tất cả hiểu biết mình có hồi ấy và tấm lòng của mình.

             Duy nhất nỗi lo lắng nêu trên hầu như đang là sự thật ở nước ta, mà lẽ ra nhiều thứ ta có thể chủ động phòng tránh hoặc giảm thiểu được. Nhiều năm nay tôi vẫn không sao dứt mình ra được khỏi nỗi xót xa: Nước ta đã bỏ phí nghiêm trọng lợi thế của nước đi sau nên phải trả giá đắt, rất đắt.., nguyên nhân chính là ĐCSVN và chế độ chính trị có gen đề kháng hai chất sống cơ bản: Tự do và dân chủ.

             Bây giờ, vào năm 2018 này, câu chuyện lại khác mất rồi: Với nền kinh tế toàn cầu hóa thời cách mạng công nghiệp 4.0, việc đơn thuần chỉ vận dụng lợi thế nước đi sau không còn thích hợp cho hôm nay nữa! Đúng là thế giới chuyển động và biến động không ngừng!

Sống hay chết, ở cục diện trật tự quốc tế mới thời cách mạng công nghiệp 4.0 hôm nay lại là: Phải biết tận dụng mọi nhân tố mới của sản xuất kinh doanh, của công nghệ, dịch vụ, để phát triển sản phẩm mới. Mỗi doanh nghiệp nói riêng và một quốc gia nói chung phải tìm ra sản phẩm riêng, thế mạnh riêng và lối đi riêng mới có cơ may tồn tại và phát triển, vì thế giới hôm nay đang dần dần đi vào một nền kinh tế khác, cách làm ăn khác...

Xin nêu một ví dụ về một sản phẩm mới và lối đi riêng của Amazon, đó là bán lẻ trực tuyến thời hiện đại: Cách đây dăm sáu năm, Amazon chỉ là một chợ sách đơn thuần trên mạng. Hôm nay Amazon bán từ 1 cái chổi đót của Việt Nam, đến hầu như mọi sẩn phẩm trên thế giới này có người bán, để bán cho người mua ở khắp thế giới, mà Amazon không cần kho bãi, không cần cửa hàng, không cần đại lý, thậm chí với giá trị hóa đơn thanh toán mua hàng ở mức tối thiểu trở lên (tùy theo loại hàng) sẽ không lấy phí vận chuyển hàng (thực ra Amazon đã tính phí vận chuyển vào giá mua/bán hàng, hoặc phí quảng cáo của người làm ra sản phẩm để bán, thu phí quảng cáo và các dịch vụ khác nói chung để có thu nhập và có nguồn lực nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của toàn hệ thống), có phần mềm hiện đại và kỹ năng tổ chức các mạng công việc – networks – và  các “chợ mạng” khác nhau, tận dụng internet – bưu điện – hệ thống giao thông vận tải hiện có của cả thế giới, có khả năng điều hành toàn bộ hoạt động hệ thống ở phạm vi thế giới – cốt lõi là hệ thống tin học thời CMCN 4.0… Tất cả để thực hiện được: Người mua chỉ cần một cái smart phone liên hệ tìm hàng và đặt hàng, được tư vấn trong quá trình mua hàng, và thanh toán, phương thức xử lý các khiếu nại… Toàn bộ quá trình giao dịch diễn ra qua trang web của Amazon là xong, hàng về đến người nhận theo đúng lịch, người mua có thể thực hiện mọi khiếu nại nếu hàng nhận được không như nội dung giao dịch..!

Nói khái quát: Amazon làm được cái việc tận dụng các mối liên kết mạng và kết cấu hạ tầng sẵn có của cả thế giới để có hàng để bán lẻ ở mức cạnh tranh toàn diện cao nhất từ cả thế giới, cho người mua ở khắp thế giới! Amazon hiện nay là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, nhưng từ khoảng một năm nay đã bị Alibaba (Trung Quốc) đẩy xuống hàng thứ hai!.. Lợi thế lớn của Alibaba là có thêm sự hỗ trợ của dịch vụ thanh toán trực tuyến “Alipay” và “We chat”, cũng do Alibaba lập ra. Chủ tập đoàn Alibaba, Jack Ma: ai thống trị được dịch vụ sẽ thắng!

Ví dụ này đủ cho thấy: Hôm nay đi đường mòn không còn chỉ là trâu chậm uống nước đục, mà gần như cầm chắc phá sản. Còn hơn thế, không thường xuyên dấn lên phía trước cũng sẽ mất chỗ! Viết tới đây tôi liên hệ đến dự án về 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc và dự luật đi kèm đang gây nhiều tranh cãi cả nước, sẽ xin góp vài ý riêng ở phần ba của sách này.

             Hôm nay, năm 2018 này, sau chuyến đi thăm Thái Lan gần đây nhất của tôi, trong mắt tôi nước ta vẫn tụt hậu tiếp khoảng 20 năm so với Thái Lan – hoặc thậm chí có mặt còn xa hơn… Lại thêm những thách thức mới của thế giới hôm nay! Việc nước ta phải cạnh tranh sống còn chắc sẽ quyết liệt hơn nữa, thậm chí sẽ có thể rất nguy nếu cứ dùng dằng vừa tiến vừa lùi như hiện nay.

 

             Một kỷ niệm vui: Bộ giao cho tôi nhiệm vụ đàm phán với đại sứ Hàn Quốc ở Bangkok thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và trao đổi đại sứ (thành lập đại sứ quán). Nhiệm vụ hoàn thành nhanh chóng vì mọi chuyện đều thuận lợi. Vợ chồng tôi được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc mời đi thăm xã giao, coi như miếng trầu là đầu câu chuyện. Bộ cho phép chúng tôi thực hiện chuyến đi này, thấm thoắt hôm nay đã là 25 năm! Có nghĩa tôi đã già nhanh quá! Tôi có dịp hiểu thêm quốc gia này.

             Một chuyện không được vui lắm liền ngay sau đó: Đại sứ Israel tại Bangkok chủ động gặp tôi, chuyển đạt đề nghị Israel muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, bất chấp lúc này Mỹ còn áp dụng cấm vận đối với nước ta. Báo cáo của tôi về nước không đem lại kết quả mong muốn, được giải thích nên chờ Việt Nam thêm chút nữa. Phía Israel không bỏ cuộc. Để tỏ thiện chí và sự sẵn sàng của mình, Israel đề nghị phía Việt Nam cho mượn một ít đất canh tác (có thể một hai chục ha – tôi đoán vậy) để giới thiệu một số mẫu canh tác nông nghiệp hiện đại của Israel… Kết quả bạn lại phải chờ… (sau đó tôi mãn nhiệm về nước).

             Trong khi làm đại sứ, tôi đã dành khá nhiều công sức thuyết phục phía Thái Lan cũng như thuyết phục phía Việt Nam: Thành lập một phân viện Học viện Công nghệ Châu Á (Asian Institute for Technology - AIT) tại Việt Nam. Đây là nơi đã đào tạo hàng trăm cán bộ kỹ thuật Việt Nam sau đại học, nhiều người thành đạt suất sắc, một số trở thành các vụ trưởng, thứ trưởng… trong các Bộ chuyên môn của nước ta.

Có thể nói đến mức thế này, chỉ vài tháng sau khi đặt chân lên Bangkok tôi đã ngay học viện rất có tiếng tăm này, học viên đến từ nhiều nước châu Á, có những người trở thành bộ trưởng, thứ trưởng ở các quốc gia họ, trong đó có nhiều thứ / bộ trưởng và một phó thủ tướng ở Thái Lan, nước ta có bộ trưởng Trần Hồng Quân v… v…  Trong khi tiến hành, tôi tự nói với mình: Tôi quyết chiến đến cùng để thực hiện bằng được ước mong này. Thuyết phục hai đầu cứ như hoạt động của con thoi, mệt vô cùng. Thú thực thuyết phục đầu phía Việt Nam khó hơn nhiều, việc lo địa điểm cho phân viện này ở Việt Nam còn khó nữa…

             Thế mà Phân viện AIT ở Việt Nam cũng 25 năm rồi! Thời gian đúng là luôn thù dai tôi! Song 25 năm cũng có nghĩa AIT ở Bangkok và  AIT CV (ở Việt Nam) nếu muốn trụ được trong thế giới hôm nay, nhất thiết cần tự thay đổi trong diễn tiến của cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa khắp thế giới…

            

25 năm AIT CV cũng là  bằng ấy năm tôi giấu trong lòng sự tiếc nuối và nỗi buồn sâu thẳm: Tôi thành công trong việc đưa được AIT CV về Việt Nam, nhưng tôi thất bại hoàn toàn trong hy vọng AIT CV sẽ là một gợi ý thiết thực, một cú hích, để Việt Nam tự nội lực của mình xây dựng nên cho mình một mô hình đào tạo như thế cho nền giáo dục nước nhà. Chuyện này hoàn toàn không xảy ra, trong khi đó hàng chục năm qua trong cả nước đã mọc lên hàng chục hàng trăm trường đại học rởm! Nghĩa là giáo dục nước nhà cũng đang mắc phải căn bệnh chung của quốc gia: Không chịu đi tìm con đường sống bằng phát triển nội lực của chính mình!

Căn bệnh nền kinh tế quốc dân của chúng ta không có nội lực đang là căn bệnh vô cùng trầm kha của đất nước: Ta thu hút FDI không phải là để dựa vào FDI mà sống, mà là để có cú hích ban đầu và để có kinh nghiệm giải phóng, phát huy nội lực của chính mình, để ngày càng dựa vào nội lực của mình là chủ yếu, là quyết định để sống! Song đã 30 năm công nghiệp hóa – hiện đại hóa, với mọi nguồn lực trong ngoài huy động được vô cùng lớn, nhưng sức sống của nền kinh tế nước ta hôm nay vẫn phải dựa vào FDI là chính! Nguyên do hàng đầu là thiếu một thể chế chính trị / nhà nước khuyến khích mở ra con đường phát huy nội lực, để cho tham nhũng và ăn bám hủy hoại tất cả!

Nền giáo dục nước nhà cũng đang be bét dang dở như vậy.

Kính mong các thầy Phạm Phụ, Nguyễn Công Thành, Huỳnh Ngọc Phiên… của AIT và các AIT alumni nổi tiếng như bộ trưởng Trần Hồng Quân, tiến sỹ Tô Văn Trường.., nhiều nhà kinh doanh thành đạt, nhiều nhà khoa học và nhà quản lý… góp công sức với cả nước dựng nên nền giáo dục phải có của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới quyết liệt hôm nay!

 Một nhiệm vụ khác cũng mở mắt cho tôi rất nhiều: Tôi dành mọi nỗ lực có thể hậu thuẫn nhóm cán bộ của ta trong Ủy ban thư ký Sông Mekong tại Bangkok, vì quyền lợi quốc gia đã đành, song nó còn là đấu tranh chính trị - ngoại giao giữa các nước liên quan, nhất là trong những vấn đề: Các mưu đồ hạ thấp hay vô hiệu hóa Ủy ban này, sự lấn át của Thái Lan, ý đồ vượt mặt và bỏ qua quyền lợi của Việt Nam… Nội dung kỹ thuật của vấn đề sông Mekong đã khó, thái độ chính trị của các nước không thân thiện với ta hồi ấy làm cho vấn đề phức tạp hơn, song phải nói có một số vấn đề phải thuyết phục trong nước không đơn giản chút nào! Tôi nể phục anh chị em ta công tác tại Ủy ban này về những nỗ lực chuyên môn và tinh thần bảo vệ lợi ích quốc gia – thật không đơn giản chút nào!..

Ngày nay vấn đề sông Mekong còn khó cho nước ta gấp bội, một mặt trận mới quyết liệt có tầm quan trọng sống còn đối với đất nước. Trên mặt trận này nước ta đang “đuối”, không chỉ vì ta có vị địa lý hạ nguồn, mà thực sự còn có rất nhiều hạn chế về năng lực đấu tranh với các quốc gia phía trên sông.

 

Sự cố của cái duyên: Mọi việc chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt xong xuôi, rất tỷ mỷ từ A-Z cho mọi vấn đề trong toàn bộ nôi dung chuyến thăm có ý nghĩa này. Ngày mai Thủ tướng đến, tối hôm nay tôi chảy máu dạ dày cấp tính, phải đưa vào bệnh việc cấp cứu. Đây là lần tôi chảy máu dạ dày nặng lần thứ ba (hai lần trước một ở Đức, một ở Việt Nam, tôi sớm đau dạ dày từ năm 1959 chữa mãi không khỏi, dăm năm gần đây mới tàm tạm yên…).

Cuộc đi thăm của Thủ tướng vẫn diễn ra suôn sẻ, người phó của tôi làm thay các nhiệm vụ của đại sứ. Tôi trở thành bệnh nhân nổi tiếng trong bệnh viện, vì được 2 Thủ tướng gởi hoa và quà vào hỏi thăm! Cả bệnh viện xì xào…

Song chính kết quả của chuyến đi này – nói theo ngôn ngữ lãng mạn -  tôi rơi vào mắt xanh của Thủ tướng. Kết thúc nhiệm kỳ ở Thái Lan đầu năm 1993, tôi được mời về Văn Phòng Chính phủ. Sự nghiệp 4 thập kỷ gắn bó với ngoại giao của tôi kết thúc.

 

Nhìn lại, hôm nay tôi có thể nói, những năm lăn lóc trên mặt trận ngoại giao của đất nước, đặc biệt là từ thời kỳ làm đại sứ ở Thái Lan cọ mặt với cả thế giới, tôi có điều kiện tiếp cận gần nhất những vấn đề sống còn của đất nước, hiểu thêm nhiều điều. Qua đó, nỗi day dứt của tôi về thân phận đất nước ngày càng dày vò tôi nhiều hơn! Tôi không bao giờ thích làm chính trị, hôm nay cũng vậy. Song nỗi day dứt cứ buộc tôi không tha vào những vấn đề chính trị của đất nước!

Khi kết thúc cuộc đời ngoại giao, nhất là từ khi tôi là người tự do, tôi thực sự bước vào một cuộc chiến đấu mới – nói cho oai một chút là như vậy! Không hiếm lúc chùng chân, mỏi gối, hai tay muốn buông xuôi…  Trong thâm tâm tôi thừa nhận: Nhân dân ta, đất nước ta bị  thử thách lớn quá, không lúc nào dứt… Nhưng cũng tại chính chúng ta một phần không nhỏ - những người đã và đang tham gia vào sự nghiệp này!.. – từ đáy lòng tôi nghĩ như vậy.

Chỉ có một niềm an ủi duy nhất: Tôi không phải xấu hổ với chính mình: Tôi không cưỡng lại được định mệnh buộc vào mình, song tôi đã nhìn thẳng vào nó… Và trước sau: Còn nước còn tát!…

 

Xin cho phép tôi tại đây – cũng là cách hôm nay (06-05-2018) tôi nói lời chia tay muộn mằn với ngành đối ngoại đã làm nên con người tôi, với tính cách người lính già trên mặt trận đối ngoại, được lưu ý đôi điều theo nhận thức của tôi – dù đúng dù sai – để mong được tham khảo, bàn luận:

1.      Ngoại giao CHXHCNVN (tôi không nói đơn thuần về Bộ Ngoại giao) trong 43 năm đất nước độc lập thống nhất đầu tiên có nhiều nhiệm vụ thực hiện không bằng thời kỳ phải tiến hành bốn cuộc kháng chiến, nhất là trên phương diện tạo ra một tập hợp lực lượng thế giới mới mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời bình đòi hỏi. Về nhiều mặt cơ bản, ngoại giao CHXHCNVN không thực hiện được tốt nhiệm vụ chiến lược của nó là tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời bình, trên thực tế chủ yếu là bị động chống đỡ. Yếu kém này nói lên việc xác định lợi ích quốc gia vẫn bị tầm nhìn thế giới còn nhiều mặt hạn chế, ý thức hệ và lợi ích của chế độ chính trị chi phối.

2.      Trong thời kỳ này ngoại giao CHXHCNVN vấp nhiều thất bại nghiêm trọng nhất kể từ Cách mạng Tháng Tám: Ngoại giao CHXHCNVN chưa chủ động đóng góp được bao nhiêu vào nhiệm vụ xây dựng một nền nội trị mạnh của đất nước để làm nền tảng và hậu thuẫn cho đối ngoại. Nhìn chung vẫn là một nền ngoại giao chủ yếu thực thi nhiệm vụ được giao hình thành từ những đòi hỏi tình thế của đối nội, có nhiều nét bị động và đối phó, thành tựu đạt được có nhiều hạn chế; đất nước vấp phải không ít sai lầm chiến lược và thua thiệt lớn, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị uy hiếp và xâm phạm nghiêm trọng, lỡ những cơ hội lớn.

3.      Ngoại giao CHXHCNVN thiếu hẳn sự chủ động đóng góp phải có vào nhiệm vụ xây dựng một chiến lược lựa chọn cho quốc gia con đường phát triển nào, vị thế quốc tế nào nhất thiết phải giành lấy của một Việt Nam độc lập thống nhất trong một thế giới đã và đang thay đổi ngày càng quyết liệt. Về cơ bản, ngoại giao CHXHCNVN chưa được xây dựng trên nền tảng của (a) tầm nhìn chiến lược lẽ ra phải có phù hợp với vị thế khu vực và toàn cầu của quốc gia và sự giác ngộ sâu sắc nhất lợi ích quốc gia trong thế giới hôm nay, và (b)ngoại giao không dựa vào và phát huy sức mạnh của hòa hợp đoàn kết dân tộc, không có một nền nội trị vững mạnh làm nền tảng và hậu thuẫn. Nói cho công bằng: Trong thể chế chính trị hiện nay, đảng quyết định tất cả với tầm nhìn hạn chế khác hẳn với Trung Quốc, nên dù muốn nền ngoại giao hiện tại cũng không làm được.

So sánh như sau để dễ nhận diện:

-

So sánh như sau để dễ nhận diện:

-  Ngoại giao Trung Quốc chiến đấu cho phục hưng đế chế Trung Hoa, ĐCSTQ nắm tuyệt đối quyền lực để phục vụ mục tiêu chiến lược này, ngọn cờ ý thức hệ CNXH đặc sắc TQ kỷ nguyên mới chỉ là phương tiện của mục tiêu chiến lược này. Từ ngày CHDCNDTH ra đời ngoại giao Trung Quốc kiên định mục tiêu chiến lược này bất luận mọi bước đường thăng trầm Trung Quốc đã phải trải qua. ĐCSTQ nắm quyền tuyệt đối và giương cao ngọn cờ ý thức hệ để thực hiện ngoại giao của đế chế Trung Hoa tìm đường phục hưng! Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và giấc mộng Trung Hoa là động lực tinh thần, cùng với nền kinh tế của 1,3 tỷ dân đang có quy mô trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và ưu thế quân sự tuyệt đối so với chung quanh ở Biển Đông là tiềm lực vật chất, đế chế đang trên đường phục hưng này đang một mặt giương cao ngọn cờ bành trướng mang tên ý thức hệ là CNXH đặc sắc TQ và CNM kỷ nguyên mới, một mặt xúc tiến “một vành đai – một con đường” để tranh giành thị trường thế giới, tất cả đã tạo ra một bước phát triển mới chưa từng có trong lịch sử TQ: Thế kỷ 21 ngày càng mang nhiều dấu ấn TQ, vấn đề TQ ngày nay trở thành vấn đề của cả thế giới! Thực tế này khẳng định sức sống dai dẳng của đế chế Trung Hoa 5000 năm, nó đã ra khỏi giấc ngủ 100 năm khi thành lập CHNDTH 1949, và hôm nay đang muốn vươn lên ôm cả thế giới trong vòng ảnh hưởng của nó.

- Trong khi đó ngoại giao CHXHCNVN lại lấy bảo vệ sự tồn tại quốc gia trong chế độ toàn trị của ĐCSVN làm gốc nhân danh độc lập dân tộc gắn với CNXH, ý thức hệ sai lầm của CNML lại trở thành ngọn cờ và định hướng cho quốc gia, trên thực tế dẫn tới đặt lợi ích đảng lên trên lợi ích tổ quốc. Cho nên ngoại giao CHXHCNVN luôn luôn trong trạng thái hoặc phải “leo dây”, hoặc phải theo ai / chống ai. Cho đến hôm nay ngoại giao CHXHCNVN chưa đặt ra cho mình mục tiêu chiến lược: Giành cho tổ quốc Việt Nam chúng ta chỗ đứng nào trong thế giới hiện tại. Vì không có khả năng đặt ra được mục tiêu chiến lược của quốc gia như vậy, ngoại giao CHXHCNVN không dựa vào nhân dân[5], không nuôi dưỡng sức mạnh của dân để phát huy truyền thống quốc gia, thậm chí chế độ toàn trị hôm nay đối nghịch và đang đánh mất dân. Một nền ngoại giao như đang có không thể đảm đương nhiệm vụ quốc gia nó phải làm. Toàn bộ thành tích ngoại giao đạt được 43 năm độc lập thống nhất vẫn chỉ là bảo vệ quốc gia trong sự tồn tại của chế độ toàn trị. So với Trung Quốc, có thể nói: ở nước ta thực chất hay cốt lõi đó là ngoại giao đảng giữ đất nước trong “định hướng XHCN” và trong chế độ toàn trị, chứ không phải là nền ngoại giao vì một quốc gia Việt Nam phải giành được chỗ đứng phải có trong thế giới của cục diện quốc tế mới hôm nay! Nguy hiểm hơn nữa, hình như cho đến hôm nay ý thức hệ đã khiến cho ĐCSVN chưa một lần nhận ra đế chế Trung Hoa đã ra khỏi giấc ngủ 100 năm từ năm 1949, thậm chí còn tự nguyện lựa chọn con đường Thành Đô để dựa dẫm, lầm lẫn coi đế chế đã thức dậy này như một đồng minh ý thức hệ, và 43 năm độc lập thống nhất vừa qua đã đi trên một con đường sai lầm: Không nhằm vào mục đích chiến lược tối thượng của quốc gia là phải trở thành một nước phát triển, cùng đi với cả thế giới, để có thể chung sống hòa bình, thực hiện được hữu nghị thật, hợp tác thật với Trung Quốc. Việt Nam không phải là Trung Quốc trước hết vì lẽ này! Tuy đã bỏ phí mất 43 năm độc lập thống nhất đầu tiên, song bằng mọi giá Việt Nam từ nay trở đi phải tìm đường thực hiện mục tiêu chiến lược tối thượng của quốc gia vừa nói trên, không bao giờ là quá muộn! Từ thế hệ chúng ta hôm nay trở đi, cả nước cha truyền con nối, nguyện đời đời phải trung thành thực hiện mục tiêu chiến lược tối thượng này của quốc gia!

Xem Đoạn 5 tiếp theo



[1] Xem Trần Quang Cơ “Hồi ức và suy ngẫm”, https://lehonghiep.files.wordpress.com/2015/06/hoi-ky-tran-quang-co.pdf

[2] Tôi đã viết một quyển sách về đề tài này, một nhà xuất bản đã nhận in, sau đó lại từ chối. Tôi giữ bản thào làm kỷ niệm… Có lẽ tôi sẽ lưu lại trên mạng.

[3] Có thể xem việc đàm phán biên giới Việt – Trung là một trong rất nhiều ví dụ điển hình ngoại giao CHXHCNVN không cần dân, không lấy dân làm hậu phương và làm hậu thuẫn trong đấu tranh giải quyết vấn đề chiến lược này! Cũng có thể xem đây là một dẫn chứng ngoại giao CHXHCNVN không bước được ra ngoài cái bóng của Trung Quôc,

[4] Tham khảo:  Trong cuốn “The risk of America’s New Nationalism – World War Trump” NY – 2018, tác giả Hall Gardner cho rằng vấn đề Bắc Triều Tiên – Trung Quốc gây ra nguy cơ chiến tranh lớn trên Thái Bình Dương / Biển Đông, Nga tuy có quan hệ nhất định với Việt Nam song có những biểu hiện cho thấy sẽ không bảo vệ Việt Nam trong tình hình chiến tranh xảy ra (trang 179); tình hình càng trở nên phức tạp do Trung Quốc và Nga đang cố dựng lên một liên minh nhằm vào chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ ( to push the China-Russia marriage of convenience to a proto-alliance in opposition to the US and its allies.)

[5] Có thể xem việc đàm phán bthuẫn iên giới Việt – Trung là một trong rất nhiều ví dụ điển hình ngoại giao CHXHCNVN không cần dân, không lấy dân làm hậu phương và làm hậu trong đấu tranh giải quyết vấn đề chiến lược này! Cũng có thể xem đây là một dẫn chứng ngoại giao CHXHCNVN không bước được ra ngoài cái bóng của Trung Quôc,