Về một nhà khoa học, một người bạn

Hoàng Dương Tuấn

Anh Nguyễn Hoàng Hà, giáo sư trường tổng hợp Satskatchewan, Canada, đã mãi mãi ra đi ngày 4 tháng 9 năm 2022. Không chỉ riêng tôi mà gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò anh vẫn còn sững sờ, bàng hoàng và không tin nổi anh không còn nữa. Ngày 30 và 31 tháng 8, Hà vẫn còn viết emails cho tôi tâm sự rằng anh rất mệt về tinh thần và cần thời gian hồi phục nên không thể tham gia bài báo mới với tôi như đã hứa. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi nghe Hà than phiền vể sức khỏe. Trước đó 1 tuần, Hà vẫn rất hào hứng nói sẽ chỉnh sửa sớm bài báo hợp tác với anh. Ngay vào đầu tháng 8, Hà thông báo tin vui là anh sẽ đi Việt Nam từ 12 đến 22 tháng 8, và ngay sau chuyến đi anh sẽ giao lưu nghiên cứu 1 năm ở Ottawa có vợ và con trai út đi cùng (con gái anh hiện đã là sinh viên ở đó). Cuối tháng 5, khi tôi tâm sự gia đình đang tự sửa nhà có nhiều việc chân tay rất nặng Hà khuyên “Anh chị để ý chăm sóc sức khỏe nhé. Tuổi của anh em mình bây giờ cũng không làm được việc nặng và cường độ cao được, cần có đủ thời gian nghỉ cho lại sức.”

 

Gia đình Hà-Hạnh khi đến sân bay Sydney 28/09/2007

Hà sinh năm 1973, kém tôi 9 tuổi, nhưng chúng tôi là bạn và đồng nghiệp gần gũi 15 năm nay, từ khi anh sang giao lưu nghiên cứu chỗ tôi ở Sydney năm 2007. Khi đó Hà đã là giáo sư chính thức (full professor) ở tuổi 34. Điều cảm nhận đầu tiên của tôi là Hà làm mọi việc từ nghiên cứu tới gia đình, sức khỏe rất khoa học và chỉnh chu. Với 3 con nhỏ: Namca 8 tuổi, Nammi 4 tuổi, Namvinh 3 tháng, nhưng anh không bao giờ có tác phong đầu bù tóc rối kiểu có con mọn như tôi. Bữa trưa của anh bao giờ cũng đuợc chuẩn bị cẩn thận, để trong hộp rất bắt mắt, không quấy quá rồi ăn vội như tôi. Khi bàn luận về chuyên môn, anh khái quát vấn đề nhưng vẫn đủ sâu để những người thiên về làm Toán tối ưu như tôi nắm bắt đuợc để cùng nhau giải quyết. Nhờ những ưu thế bổ xung cho nhau này mà chúng tôi đã có nhiều bài báo chất lượng về những giải thuật tối ưu cho xử lý tín hiệu trong truyền thông không dây. Bài báo đầu tiên của chúng tôi đăng năm 2008, và bài báo cuối cùng mới gửi đăng giữa tháng 7 năm nay 2022. 15 năm hợp tác với nhiều thế hệ học trò nối nhau tốt nghiệp cũng đủ dài để chúng tôi cùng qua những cung bậc cảm xúc thăng trầm của nghể làm nghiên cứu. Như chúng tôi thường trao đổi, những người nghiên cứu thực sự và đàng hoàng như ngày một khó, bởi chuẩn mực về liêm chính khoa học ngày càng bị số đông làm xuống cấp. Thế giới khoa học ngày càng chật chội và bon chen. Hầu như không nhận đuợc những lời phê bình hay góp ý có ích về bài báo gửi đăng. Các góp ý chỉ chăm chăm đòi trích dẫn bài của mình, hay tìm cách dìm hàng để bao che những kết quả vô nghĩa hay chôm đuợc từ đâu đó. Rất nhiều bài với kết quả sâu sắc và bao quát bị cố tình không trích dẫn để các tác giả qua vòng kiểm duyệt đăng những kết quả đã biết. Tiếc thay, những hành vi ăn cắp trong khoa học như thế rất khá phổ biến hiện nay. Với số đông đã coi những chuyện như vậy là tự nhiên như hơi thở thì thiểu số còn lại vô cùng vất vả và nhiều lúc chán nản. Ngay hồi đầu tháng 7 năm nay, Hà còn trao đổi với tôi “Vâng, hệ thống phản biện của các tạp chí IEEE càng ngày càng tệ, em nghĩ sớm muộn sẽ cần có thay đổi lớn và triệt để”.

Thật vinh dự cho tôi là bài báo đuợc trích dẫn nhiều nhất của anh là bài “Fast global optimal power allocation in wireless networks by local D.C. programming” (Phân bố năng lượng nhanh chóng và tối ưu toàn cục cho mạng không dây bằng qui họach d.c. cục bộ) đăng năm 2011 ở tạp chí IEEE Transactions on Wireless Communications của các tác giả Hà Hoàng Kha-Hoàng Dương Tuấn-Nguyễn Hoàng Hà. Đây là bài đầu tiên của chúng tôi về ứng dụng của qui hoạch không lồi và cũng là bài đầu tiên chỉ ra rõ ràng và sáng sủa lớp bài toán tối ưu toàn cục khá phổ biến trong mạng không dây có thể giải nhanh trên thực tế bằng thuật toán cục bộ. Chúng tôi hoàn thành bài này khá sớm nhưng phải mất rất nhiều thời gian đến khi đăng, do những phê bình vớ vẩn của những người đánh giá. Có những lúc tưởng chừng như bài sẽ bị từ chối, dù chúng tôi trả lời khá rõ. Nhờ những trả lời của chúng tôi mà biên tập viên (associate editor), mặc dù không có chuyên môn về tối ưu hóa, đã tin cậy chúng tôi. Sau khi trao đổi trực tuyến với tôi lần cuối, họ đã nhận đăng bài báo.

Là một người thầy và cũng từng là người trò, tôi thường đánh giá tình cảm chân thành có trước có sau qua quan hệ của một người với thầy cũ. Tôi rất ấn tượng với quan hệ rất gần gũi, đầm ấm của gia đình Hà-Hạnh với thầy cũ của anh giáo sư Ed Shwedyk và gia đình ông. Ed và vợ cũng đi nghỉ ở Sydney khi gia đình Hà sống ở đây nên tôi đuợc gặp Ed, một người hiền lành và dễ chịu. Sau đó tôi đuợc nghe Hà kể gia đình anh và vợ chồng Ed cùng nhau đi nghỉ một thời gian ở vùng xung quanh Sydney. Hà cũng kể cho tôi con gái Ed sinh con tự nhiên ở dưới nước. Truớc chuyến cuối cùng đi Ottawa, Hà đã lái xe đi thăm Ed cách chỗ anh 780 km.

Tôi rất ngưỡng mộ cách sống và giáo dục con cái của gia đình Hà-Hạnh. Không như rất nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài noi mẹ Hổ Amy Chua bắt ép trẻ con học đủ thứ, như bắt chúng làm những gì mà bố mẹ không làm đuợc, Hà-Hạnh khá thoải mái trong chuyện dạy dỗ các con, để các con có những tuổi thơ tuyệt vời. Trẻ con hạnh phúc gì hơn? Cha mẹ tự hào gì hơn? Tôi thấy tụi trẻ nhà Hà-Hạnh khi Namca 8 tuổi trắng trẻo thư sinh, Nammi 4 tuổi còn tranh đồ chơi với anh, và Namvinh 3 tháng còn đang bú sữa. Bỗng một ngày nhận đuợc thiệp giáng sinh có ảnh của gia đình Hà-Hạnh thấy Namca đã cao như bố và to hơn bố, Nammi đã cao hơn mẹ, và tôi không thể nhận ra Namvinh luôn. Theo thời gian Hà kể Namca đi làm thêm để tự trả tiền xăng cho xe của cu cậu. Cậu chọn trường ở Vancouver vì ở trường đó có đội bóng cậu thích chơi. Khi gặp tôi ở Hà nội cuối năm 2017, Hà nói Namca đang đi du lịch cùng bạn ở Hàn quốc. Hà khoe Nammi đá bóng rất giỏi, tập luyện nhiều lần hàng tuần với những bài tập nâng cao thể lực nặng. Rồi anh gửi cho tôi link bài báo về cầu thủ bóng đá nữ Nammi Nguyen. Namvinh cũng thích chơi bóng như chị. Tháng 7 năm 2019, gia đình Hà có chuyến đi Úc và Hà rất vui nói với tôi 2 bạn trẻ này rất thích đuợc đi xem trực tiếp trận bóng ở Melbourne. Gia đình Hà-Hạnh cũng hay lái xe đi chơi xa, cắm trại. Nhiều lần Hà kể cho tôi những chuyến lái xe xa như từ chỗ gia đình anh đến Phoenix, vừa đi vừa nghỉ dọc đường nên mấy ngày mới tới nơi.

Truớc Covid, tôi có dịp trao đổi qua emails với bố của Hà-chú Tân, nghe chú tâm sự và gửi tự bút kỷ niệm một thời làm báo của chú: “Lứa tuổi chúng tôi may mắn được học hành dưới thời hai bộ trưởng đáng kính là Thày Tạ Quang Bửu và Thày Nguyễn Văn Huyên cùng với các thày cô, các  Thầy: Hoàng Tụy , Hoàng Chúng, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Sính...tất cả đều có kiến thức uyên thâm + cái tâm sáng ngời nên mặc dù chiến tranh nhưng chất lượng học tập  của sinh viên vẫn là học thật, khi ra trường đều làm tốt mọi công việc được giao và đều là những người tử tế”. Chú kể khi mới chuyển về Hà nội, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng thật may mắn là 2 người con (Hà và chị Hà) đều cố gắng học giỏi. Qua Hà, chú biết tôi, và đến thăm ba tôi. Tôi vẫn nhớ hồi tháng 8 năm 2008 khi dự hội nghị quốc tế ở Hội An, Hà rất lo cho sức khỏe của chú Tân. Lúc đi chơi cùng gia đình tôi, Hà gọi điện liên tục cho chị để nghe tình hình sức khỏe của chú. Sau cô chú đã sang sống cạnh Hà. Trước ngày đi Ottawa, Hà đã gọi điện cho một học trò nhờ để ý đến cô chú khi gia đình anh sống ở xa.

Hà đã ra đi thanh thản, trút bỏ gánh nặng trần đời. Chúng tôi, những nguời bạn hữu của Hà sẽ giúp anh hoàn thành những mong uớc, hoài bão, lý tưởng anh ấp ủ trước lúc ra đi.

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 20-9-22