Một đời sống tinh thần ngổn ngang

Hà Nội tháng 2- 1973


Vương Trí Nhàn

 (nhật ký ghi từ 50 năm trước)

Trích từ cuốn sách chưa xuất bản

“Nhật ký chiến tranh Hà Nội - Quảng Trị - Hà Nội 1972 – 1975”

 

     5/2

     Trong lúc này vẫn không thể quên được các vấn đề cơ bản như vấn đề trí thức.

    Nhàn: Tôi khổ tâm lắm. Tôi không dám tin gì cả.

    Khải: Tất nhiên, mọi chuyện ngày mai có thể là vẫn thế thôi. Nhưng tôi cũng mong rằng ông sai, tôi sai, nghĩa là mọi chuyện lại thay đổi theo kiểu khác. Ví dụ như về cái chuyện hòa bình này nhớ. Hôm qua tôi ngồi ở nhà Nguyễn Thành Long, ngồi bàn, thấy không ngờ hòa bình lại có thể gọn ghẽ như vậy. Thế có phải là có gì ngoài mong ước không. Lãnh đạo một cuộc chiến tranh như thế này khó lắm chứ. Thằng Mỹ nó cũng biết không phải nó đứng bên bờ vực thẳm, mà là mình bên bờ vực thẳm. Nó biết rằng mình đã bị lừa nhiều rồi. Rằng mình rất cay mấy tay kia (Cụ Hồ hồi 46: Thà ngửi phân tây còn hơn dọn cứt cho thằng Tàu, nhưng biết bao giờ hết mùi). Rằng cơ sở kinh tế của mình khốn khó. Thế nhưng mà nó vẫn chịu mình.

     - Thế nghĩa là có một cái gì đấy thuộc về bí mật của giới lãnh đạo Bắc Việt? Tôi cũng nghe thằng Chu nói rằng ông Duẩn rất ghê, đến nỗi Chu chỉ sợ ông ấy bị lật.

   - Không, cái ông này nói thì bao giờ cũng có những khía cạnh mới (như ông ấy nói về sử, dân tộc mình nhuộm răng đen, không bó chân, làm cho nó khác người Trung quốc) cho nên, vấn đề không phải chỉ là nói, vấn đề là làm cơ!

    - Tôi thấy cái cách làm ăn như của mình không được. Phải tạo điều kiện cho giới trí thức làm nhiệm vụ kích thích, nhiệm vụ nói lên một tiếng nói thách thức....

    - Không, ông ơi, chính những người như Kíssingger lại nói nhiều đến quyền lực. Tay mưu sĩ ấy rất thích đe dọa, rất coi thường quần chúng. Quần chúng là cái gì đâu, Quốc hội Mỹ làm được việc gì đâu.

   - Dẫu sao thì vẫn phải nói đến trí thức. Ví dụ như trong tác phẩm của anh, hay nói đến chuyện khôn dại là đúng thôi. Điều tôi lo ngại chỉ còn là chỗ này. Làm sao để người ta khôn cái khôn lớn, chứ không phải là sự tính toán lặt vặt.

     - Đúng, chỗ ấy thì đúng. Chính là tôi thấy dân mình lại quá ít suy nghĩ, quá ít trí tuệ. Người mình hay thay đổi lắm, nông nổi, nhẹ dạ, cả những người ghê gớm nhất cũng hay thay đổi. Còn tin vào cái gì được nữa? Cho nên tôi cứ nghĩ được cái gì, biết cái ấy. Tôi không thể nào xây dựng được điển hình.

    - Sao có lúc, anh nói rằng ông Đồng rất tuyệt vời. Rồi có lúc, các anh lại nói ông ấy rất vớ vẩn (có mỗi cái trò: "Các đồng chí viết không bằng tôi!")

    - Thì ông phải biết rằng chúng tôi là cái dân văn nghệ bốc phét. Có lúc tôi vui, có lúc tôi buồn. Khi tôi khen người này hết lời. Cũng có lúc tôi lại chê thẳng cánh. Chúng tôi là như thế. Bao nhiêu chuyện tôi nói với ông, lẽ ra đều nên viết ra cả.

    ... Cái thân anh văn nghệ báo chí ở cái xứ Đông Nam Á da vàng mũi tẹt này thì khổ lắm. Như vừa rồi Kíssingger sang Thái Lan ở sân bay xuống, nó không thèm tiếp các nhà báo, nó mới thả một lô chó ra, chó cứ sua các nhà báo đi thôi.

  

     6/2

    Chiều nghe ông Đồng nói chuyện.  Một sự loanh quanh, không biết chính sách là hoà bình hay chiến tranh. Một sự răn đe, rằng cẩn thận không có Nhân văn Giai phẩm.

    Bùi Bình Thi: Đề phòng giai cấp lãnh đạo Bắc Việt ngủ lì trên thắng lợi!

    Nhàn: Có nhiều chuyện, hồi trước chịu được, bây giờ không chịu được.

    Khải: Thế thì anh chết thôi. Anh có thấy không, hiện nay các nước nó bò sát mặt đất mà ca ngợi mình (Bà Gandi: Thử xem người châu Âu mà đổ máu như vậy, thì người ta có chịu không?). Mà càng như thế, tức là càng chứng tỏ đường lối của mình là đúng đắn. Anh mà nói ngược, anh lại càng bỏ mẹ. Rồi nay mai, còn học chính trị, còn là nhồi nhét mọi chuyện vào đầu óc.

 

    Ông Lê Duẩn vào trong 559: Bây giờ mà đòi hỏi địa vị, hưởng lạc là tàn ác.

    Ông Tố Hữu: Hôm qua không đi miền Nam tội một -- hôm nay tội mười

...

   Tôi biết sống sao đây? Những hiểm hoạ trong thời bình sẽ rất khủng khiếp. Cái ác trong hoà bình sẽ biến hóa khôn lường. Nhưng biết làm sao được, mọi chuyện là vậy.

 

    10/2

   2 tuần sau hoà bình.  Cán bộ trung cấp tập họp, nghe nói về vụ chống Đảng.

     Khải: Xem mới thấy các ông ấy, khi phun ra nhau, cũng khủng khiếp lắm.

    - Thế họ có gì là xấu, hay họ chỉ khác về quan điểm?

    - Bán bí mật cho nước ngoài, phản bội, phản quốc, thế là xấu quá rồi còn gì? Ở các nước khác, người ta còn mang xử công khai nữa!

     -- ...

     - Cho nên, tôi chỉ thấy tốt hơn hết là anh nên yên tâm với công việc đã có. Không nên biết nhiều. Biết nhiều quá, lại sinh ra thắc mắc. Yên chí làm một người lao động bình thường.

     - Tôi cũng nghĩ rằng chính quyền này là chính quyền của các anh, hết những ông Lê Duẩn, Trường Chinh, lại đến các ông Nguyễn Lam, Vũ Quang. Lớp già như thế nào, thì lại đẻ ra lớp trẻ như vậy.

    - Phải, nghĩ thế là phải.

    - Nhưng nhỡ ra, chính giữa các ông ấy nổ ra mọi chuyện thì sao?

    - Không, không thể có chuyện gì cả, vì trong số đó, đã có một thiên tài rồi.

     -…

    -  Nghĩ mọi chuyện lắm lúc cũng không biết đằng nào mà ho he cả. Nó là cả một guồng máy. Người khá nhất trong những người vừa qua, rồi cuối cùng cũng thành một người vô hiệu.

 

      Đôi lúc, tôi cảm thấy như có vẻ mình nghe được một điều gì đấy thuộc về đời sống tinh thần của đất nước nói chung. Tất cả hôm nay sẽ là như hôm qua, như chiến tranh, như trong mãi tận chiến trường. Nhưng vẫn là có những dấu hiệu của cái gì đó khang khác. Mấy ví dụ sau đây là dấu hiệu của cái khác đó. Người ta đang bất mãn, đang đòi hỏi, người ta đang muốn đánh giá lại, suy xét lại mọi thứ. Cái yêu cầu của cấp dưới thì bao giờ cũng hơi quá lên một ít. Yêu cầu của trên lại chỉ muốn giữ một sự chỉ đạo, chỉ huy đúng như hôm qua khồng có gì thay đổi cả.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-2-23