NGƯỜI VIỆT
Làm việc ở nhà quàn: ‘Nghề chọn mình chứ không phải mình chọn
nghề’ Ngọc
Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Có lẽ chưa bao giờ nghe một ai nói rằng
“ước mơ của tôi khi lớn lên là được đi làm ở nhà quàn” hay “tôi thích
sau này sẽ làm việc nơi các đám tang.” Anh
Sean Hadad, giám đốc nhà quàn Peek Funeral Home ở thành phố Westminster,
cũng vậy. Anh nói, “Tôi không chọn vào đại học để đi làm cho một nhà
quàn.” Hay
như cô Linda Nguyễn Trần, người chuyên lo việc sắp xếp các lễ tang cho
Peek Funeral Home cũng thế, “Khi sanh ra có lẽ ông Trời cho mỗi người
một cái nghề để làm, nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề, mà
cũng không mấy ai chọn nghề này.” Thế
nhưng, anh Sean và cô Linda lại là những người “có duyên” làm công việc
mà không phải ai cũng có đủ can đảm và tự tin để vượt qua những nỗi sợ
hãi mơ hồ, lẫn niềm cảm thông vô bờ để có thể nhìn
những gương mặt đau buồn, đưa tang từ ngày này qua ngày khác, năm
này qua năm khác.
Nghề chọn mình Dáng
người nhỏ nhắn, mảnh dẻ, thường mặc áo lam, hay áo măng-tô (manteau),
tóc trắng “như bà tiên” cắt chải gọn gàng… Đó là hình ảnh quen thuộc của
cô Linda Trần trong mắt nhiều đồng hương gốc Việt sống quanh vùng Little
Saigon hay Orange County, đặc biệt với những ai đã từng một lần phải
bước chân đến nhà quàn Peek Family để thu xếp “công việc” cho người
thân. Tuy
nhiên, đằng sau dáng vẻ của một người tưởng chừng như khắc khổ, kiệm
lời, cô Linda thực ra lại là người nói chuyện khá hóm hỉnh. “Hồi
xưa mới qua Mỹ, tôi cũng đi làm hãng như mọi người. Tôi có một người em
vô đây làm. Sau đó em tôi giới thiệu tôi vào làm công việc
‘receptionist.’ Khi đó cộng đồng người Việt của mình mới phát triển
thôi,” cô Linda bắt đầu câu chuyện bằng giọng dịu dàng như ru. Vẫn
với giọng nói tỉnh rụi, người phụ nữ ăn chay trường này tiếp tục kể
chuyện lần đầu đối diện “xác chết” trong nhà quàn. “Họ
mướn tôi vào làm lúc đó vì họ cần người biết nói tiếng Việt. Nhớ bữa đó
bà Mỹ làm chung kêu tôi đi đến mở cửa hết mấy phòng quàn xem có ai trong
đó không. Do tiếng Mỹ của tôi ‘quá giỏi’ nên tôi nghe thì cứ nghĩ trong
đầu là bà kêu đi xem coi có mấy người lau dọn ở đó không để gọi lên cho
bả. Tôi đi mở cửa phòng thứ nhất không có ai. Phòng thứ hai, không có
ai. Phòng thứ ba. Vừa mở cửa tôi tá hỏa, vì tôi cũng sợ ma mà! Trong
phòng có cái quan tài còn mở nắp, bên trong là một ông Mỹ trắng bệt, mặc
bộ vest đen, thắt cái nơ đỏ nổi bật trên chiếc sơ mi trắng. Lúc đó, nói
thiệt là hình ảnh của Dracula tôi từng coi trên phim như thế nào, thì
lúc bấy giờ tôi thấy nó như đang ở trước mắt mình.” “Tôi
đóng cửa lại chạy đi mà cái chân không thể nào bước được. Hai tay tôi
bám vào vách tường mà chân như cứ khuỵu xuống. Lúc đó mới hiểu ông bà
nói bị quíu giò là sao. Sợ không diễn tả nổi. Tối đó về không sao ngủ
được, vì cứ nhắm mắt lại là lại thấy hình ảnh người nằm trong quan tài,”
cô nhớ lại kỷ niệm đầu tiên của mình ở nơi làm việc mà người sống kề bên
người chết. Cô
cũng kể lại lần đầu nhìn người ta làm công việc tẩm liệm cho một cô gái
trẻ bị ung thư tử cung, trang điểm cho một người mất vì ung thư vòm
họng, cũng như khi nhìn nội tạng của một người vừa qua đời được sửa sang
như thế nào… “Đó
là lý do tôi không ăn hamburger và rồi ăn chay trường luôn từ đó,” cô
cười nói một cách hiền lành. Theo
dòng hồi ức, cô Linda dần trở nên bớt sợ không khí làm việc ở nhà quàn
là khi nhìn thấy một cô gái gốc Việt còn rất trẻ, “khi vào làm cổ chỉ
khoảng ngoài 20 thôi, giờ cổ đang dạy cho một trường đại học ở đây về
ngành giải phẫu học. Lúc đó cổ làm công việc tắm rửa, tẩm xác cho người
mất, cổ làm rất giỏi và chỉ làm ban đêm, làm một mình mà thôi.” Tuy
nhiên, “sự kiện” khiến cô Linda “thức tỉnh” để không bao giờ còn cảm
thấy nỗi sợ hãi vô hình nào nữa là sau khi cô trực tiếp “đụng” vào thi
hài một cách “tình cờ ngẫu nhiên.” “Lần
đó bà Mỹ làm chung nhờ tôi xuống phụ quấn khăn mỏ quạ cho một bà người
Bắc lớn tuổi qua đời. Bà Mỹ ‘giả bộ’ quấn quấn mà không biết cách, trong
khi tôi là dân gốc Bắc nên biết phải làm như thế nào. Nhìn bà Mỹ làm,
tôi chịu không được, nên kêu bả để tôi làm. Khi làm tôi không nghĩ là
mình đang quấn tóc cho một người chết, chỉ nghĩ làm sao cho đẹp mà thôi.
Rồi bà Mỹ lại nhờ tôi mang thêm đôi bông tai cho thi hài đó… Cứ vậy, đến
lúc xong rồi thì bà mới hỏi tôi cảm thấy việc đụng vào người chết có gì
ghê gớm đáng sợ không.”
“Người sống và chết chỉ khác nhau ở chỗ người thở, người không thở,
người lạnh, người nóng, vậy thôi. Nhưng người sống còn làm phiền mình,
chứ người chết không có làm phiền mình, mình làm gì họ cũng ‘ok’ hết. Bà
Mỹ nói với tôi như vậy. Tôi nghe xong, tự dưng như thức tỉnh. Từ đó
không còn cảm thấy sợ gì nữa hết,” cô cho biết. Cô
kể thêm cũng bằng giọng tỉnh rụi, “Lúc đầu vô làm buổi tối sợ quá tôi
bèn tập nghe Chú Đại Bi. Một anh làm chung kêu tôi ‘mở lớn lên cho mọi
người cùng nghe.’ Tôi hỏi lại ‘Có ai đâu, chỉ tôi và anh thôi mà?” Anh
đồng nghiệp nói ‘Còn nhiều người chung quanh cô đó.’ Tôi nghĩ cũng đúng.
Mình không thấy họ nhưng có lẽ họ thấy mình. Vậy là tôi mở lớn lên. Cứ
vậy từ từ hết sợ. Cho đến giờ thì chắc họ sợ tôi hơn.” Theo
lời cô, do là người có tuổi đủ để hiểu biết nhiều về các phong tục tập
quán ma chay của người Việt Nam, nên cô Linda từng bước giúp phác thảo
các nghi thức cho tang lễ một cách đầy đủ là như thế nào, theo từng tôn
giáo khác nhau ra sao, để cho các lễ tang của người Việt tổ chức tại
Peek Funeral Home càng lúc càng chu đáo, chỉn chu hơn. Bên
cạnh phần lớn việc tiếp khách, hướng dẫn, góp ý với khách về cách thực
hiện tang lễ sao cho vừa tươm tất, trang nghiêm, vừa phù hợp với túi
tiền từng gia đình, cô Linda cũng chứng kiến những điều ít ai nghĩ đến,
như cảnh chị em trong một gia đình đánh nhau ngay tại nhà quàn chỉ vì
bất bình chuyện chia nhau vài ngàn tiền đám tang, người nói ít kẻ nói
nhiều, buộc cô phải gọi cảnh sát đến; hay trong một đám tang khác, bảo
vệ được mướn tới để ngăn không cho một thành viên nào đó trong gia đình
bước chân vô nhìn mặt người đã khuất. “Còn
chuyện người đến mặc cả từng chút một cũng rất thường, chưa kể có người
đến làm đám tang cho mẹ xong rồi ký check lủng trả, sau đó đổi số điện
thoại, đổi địa chỉ để mình khỏi đòi tiền luôn. Nói chung có rất nhiều
chuyện đau lòng xảy ra,” cô cho biết. Nói
về cô Linda, người ta còn biết chuyện cô thường tìm kiếm những phương
cách để làm sao có tiền giúp thêm cho những người trong cơn thắt ngặt
thiếu tiền làm đám cho người thân, một trong những cách đó là “đi xin
tiền.” Cô
kể về một kỷ niệm, “Lần đó tôi ra đứng trong khu chợ ABC, chỗ Mì La Cay,
mặc quần áo vest lịch sự, và mang tấm bảng xin tiền cho một đám tang,
còn thiếu $1,732. Ông đi qua, bà đi lại, người cho $5, người cho $10.
Sau đó, có một ông vẻ bề ngoài sang trọng ngó tôi xong phán một câu ‘Ăn
mặc đẹp vậy đứng xin tiền không biết mắc cỡ hả?’ Tôi nghe vậy bèn trả
lời là tôi không có mắc cỡ, vì tôi không xin cho tôi, mà việc này nên
nhờ cộng đồng giúp đỡ. Ông ta lầu bầu thêm vài câu khó nghe rồi bỏ đi.
Tuy nhiên, không hiểu sao lát sau ông ta quay lại đưa $500 nói muốn góp
vô.”
“Người Việt mình ở đây có nhiều hoàn cảnh tội lắm, nên tôi nghĩ mình cứ
làm trong khả năng mình có thể làm và chưa bao giờ cảm thấy hổ thẹn, hay
mắc cỡ gì hết,” người phụ nữ có ánh mắt ấm áp nói cùng nụ cười nhẹ
nhàng.
Học quản lý khách sạn, nhà hàng,
nhưng lại bén duyên… nhà quàn “Tôi
không học để đi làm cho một nhà quàn,” anh Sean, giám đốc Peek Funeral
Home, nói một cách vui vui bằng tiếng Việt rành rỏi. Cơ
duyên làm việc với cộng đồng Việt Nam nơi đây khởi đầu bằng thời gian
anh sang Úc để làm việc thiện nguyện cho một giáo hội.
“Công
việc tôi làm là dạy tiếng Anh cho người Việt Nam trong giáo hội. Đó là
lý do tôi có hai năm học tiếng Việt để có thể làm tốt công việc của
mình,” anh cho biết. Sau
thời gian làm thiện nguyện ở Úc, Sean trở về Mỹ học quản lý nhà
hàng-khách sạn và sang Việt Nam làm việc ở Hà Nội và Sapa trong vai trò
giám đốc cho một hệ thống kinh doanh khách sạn tại đây. “Tôi
làm việc ở Việt Nam được 4 năm thì quay về Mỹ, và không muốn tiếp tục
làm trong lãnh vực khách sạn nữa. Một người bạn trong nhà thờ từng làm
cho công ty này giới thiệu tôi đến đây. Và tôi bắt đầu công việc là
chuyên lo giấy tờ cho những người muốn chôn cất trong nghĩa trang,” Sean
cho biết. Bằng
lối nói chuyện thân thiện, cởi mở, anh chia sẻ, “Làm khách sạn hay nhà
quàn đều là công việc phục vụ. Tuy nhiên, thời gian làm ở Sapa thì chỉ
toàn là khách du lịch, hầu hết đều trong tâm trạng đi chơi vui vẻ. Còn
làm ở đây là phục vụ cho những người có người thân qua đời, tâm trạng họ
rất khác.”
“Nhưng tôi lại thấy việc này hợp với tôi vì tôi rất thích giúp cho những
người khác, nhất là khi họ đang gặp khó khăn, họ cần người hướng dẫn cho
họ làm những công việc mà họ không tự làm được,” anh nói. Giám
đốc Peek Funeral Home giải thích thêm, “Tiểu bang Cali rất chặt chẽ về
pháp luật, mà giấy tờ liên quan đến chuyện người mất lại rất là nhiều,
mà thường thì không ai biết về chuyện này. Khi có người thân mất, họ đâu
có muốn mất thời gian lo giấy tờ, mà chỉ muốn sắp xếp một tang lễ sao
cho trang nghiêm, và tốt nhất mà họ có thể làm, để kiếm được sự bình an
một chút. Cho nên tôi lo phần giấy tờ mà cũng có cơ hội giúp cho họ có
được một tang lễ tốt đẹp.” Làm
việc ở nhà quàn được 6 năm, khi nghe hỏi “có điều gì khiến anh sợ khi
làm việc ở đây không?” người đàn ông Mỹ nói tiếng Việt không chút lơ lớ
mỉm cười, “Thực ra tôi cũng theo đạo, và cũng tin rằng mỗi người có linh
hồn bên trong nên không có sợ.” “Đời
thường, ra ngoài mình cũng gặp nhiều kiểu người khác nhau, người thì vui
vẻ thân thiện, người thì hơi khó khăn, thì với thế giới của người mất
cũng vậy thôi. Nhưng thật sự tôi cũng chưa có kinh nghiệm gặp chuyện gì
để phải sợ hết,” anh nói một cách nhẹ nhàng. Anh
tiếp tục giãi bày, “Nói chung khi một người qua đời, thì người đến đây
tiếp xúc với mình là thân nhân, là những người thương yêu họ, muốn được
tổ chức đám tang chu đáo cho họ. Mà khi họ là người được thương yêu,
không ai muốn làm điều gì hại họ, thì mình cũng chả có gì phải sợ. Tôi
tin là linh hồn họ quanh quẩn ở đây một thời gian trước khi họ đi đầu
thai theo Phật Giáo hay lên thiên đàng theo Thiên Chúa Giáo. Tôi tin
điều đó, nhưng không sợ. Tôi nghĩ thân xác chỉ là cái vỏ thôi, linh hồn
mới là cái chính.”
Người đàn ông chọn công việc khá đặc biệt này tâm sự, “Người ta nói rằng
phải có một loại người đặc biệt mới làm việc ở đây. Đó phải là người ít
cảm xúc, không bị xúc động khi gặp những chuyện buồn thì mới được. Nhưng
thực ra thì tôi rất là nhớ những trường hợp mà mình cảm thấy cảm thông
với sự mất mát của họ, đôi lúc tôi cũng khóc cùng với họ.” Sean
cho rằng anh luôn cảm thấy “rất là khó khi làm việc với những gia đình
có con nhỏ qua đời.” “Những trường hợp các em nhỏ mất làm đám tang tại
đây, tôi đều nhớ hết,” anh nói trong sự cố gắng kìm nén những hình ảnh
đáng thương nào đó đang hiện về. Tuy
nhiên, theo anh Sean, cũng có những “đám tang vui hơn,” đó là đám tang
của những ông bà cụ sống đến 105, 106 tuổi. “Họ
vui đến phúc cuối cuộc đời luôn. Những đám tang đó chỉ thấy cười chứ
không thấy khóc, hay buồn cả. Tôi nhớ có người con nói ‘Bà già tôi sống
đến 105 tuổi, đến lúc chết vẫn còn cười tươi.’ Nhìn vào đám tang họ là
mình biết là họ đã sống cuộc sống tràn đầy hạnh phúc như thế nào, rất
vui vẻ, nhiều người thân, cháu chắt con cái trong trường hợp đó không có
gì phải buồn, sự ra đi của họ giống như bước kế tiếp trong hành trình
của họ mà thôi,” anh kể bằng giọng “ngưỡng mộ.” Và
hy vọng, “Nhìn những người đó, tôi muốn sau này mình cũng được như vậy.”
(Ngọc Lan) |