SÀI GÒN NHỎ
Việt Nam chống tham nhũng: 10 năm nhìn lại thấy gì?
Hiếu Chân
Hôm 30 Tháng Sáu, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) vừa tổ chức hội nghị
tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ở đó ông “Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chống tham nhũng đã trở thành phong
trào, xu thế không thể đảo ngược, cán bộ, người dân đánh giá cao, quốc
tế ghi nhận”. Theo tài liệu của hội nghị, trong 10 năm qua, với tội phạm tham nhũng tiêu cực, Việt Nam đã khởi tố điều tra 19,546 vụ / 33,868 bị can; truy tố 16,699 vụ / 38,031 bị can và xét xử 15,857 vụ / 30,355 bị cáo (xem chi tiết trong ảnh đính kèm). Riêng tội tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2,657 vụ / 5,841 bị can, truy tố 2,628 vụ / 6,199 bị can, xét xử sơ thẩm 2,439 vụ / 5,647 bị cáo.
Giai đoạn này đảng CSVN cũng đã thi hành kỷ luật hơn 2,700 tổ chức đảng,
gần 168,000 đảng viên, trong đó có hơn 7,390 đảng viên bị kỷ luật do
tham nhũng; trong đó kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương
ĐCSVN quản lý, có 33 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng, hơn 50 sĩ
quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Với “thành tích” đó ông Trọng cho rằng, tham nhũng đã “từng bước được
kiềm chế, ngăn chặn”. Và ông khẳng định: “Chưa bao giờ công tác
đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách
mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây”.
Nhưng theo quan sát của chúng tôi, trên các mạng xã hội, hầu như không
ai thấy tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn. Một ví dụ:
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và
Chiến lược (VESS), nhận định trong vụ Việt Á, tham nhũng không còn là
tham nhũng đơn thuần nữa mà đã chuyển sang hình thái “lũng đoạn nhà
nước”, trong đó các cơ quan công quyền cấu kết với nhau, có phân công
phân nhiệm chặt chẽ để trục lợi trên số phận bi thảm của nhân dân. “Chiêu
trò trục lợi của chính quyền cộng sản đã phát triển rất cao, thành những
bộ máy trục lợi”, ông Thành viết và không phải chỉ ông Thành nhận
định như vậy. Giữa phát biểu của ông Trọng và nhận định của TS Thành, rõ
ràng đánh giá của ông Thành gần với sự thật hơn, đáng tin hơn.
Do nhận định sai về tình hình thực tế, ông Trọng đã phát biểu rất tự tin
và… hoang tưởng: “Nhờ làm tốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu
tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy
phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc
phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại, củng cố niềm
tin của nhân dân. Đồng thời, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực
xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử
lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Sự hoang tưởng và tầm hiểu biết kém của ông về tệ nạn tham nhũng của
ông, chúng tôi đã không ít lần vạch ra trên trang báo này; thiết tưởng
không cần nhắc lại để khỏi phiền lòng độc giả “biết rồi, khổ lắm, nói
mãi”. Nhưng lần này, ông và các nịnh thần của ông cứ lải nhải chuyện
chống tham nhũng bằng cách “nêu gương”, “dựa vào tổng bí thư”, vào “giáo
dục tu dưỡng đạo đức” làm chúng tôi không cầm lòng được.
Báo Tuổi
Trẻ tường thuật: “Thời gian tới, Tổng bí thư yêu cầu phải kiên trì
giáo dục để cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết
trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có
hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tổng bí thư dẫn ra một số lời dạy từ cha
ông như để nhắc nhở chung: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới
bằng ba chữ Tài”. “Có tài mà cậy chi tài, chữ “Tài” liền với chữ
“Tai” một vần”. Tránh tình trạng “chân mình còn lấm bê bê, lại
cầm bó đuốc đi rê chân người”; “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”; “cấp
trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”.”
Ông là người theo chủ nghĩa cộng sản, tôn thờ chủ nghĩa duy vật lịch sử,
vật chất quyết định ý thức, lẽ ra ông phải hiểu rằng mọi hiện tượng xã
hội đều có nguyên nhân vật chất của nó; bệnh tham nhũng có nguyên nhân
từ tha hóa quyền lực; quyền lực không được kiểm soát sinh ra tham nhũng
chứ không phải do cán bộ đảng viên không biết trọng liêm sỉ, không giữ
danh dự, không biết xấu hổ khi có hành vi tham nhũng. Phát biểu của ông
nghe đậm màu sắc phong kiến, duy tâm một cách ấu trĩ!
Có một thời, các chế độ phong kiến Trung Hoa và Việt Nam đi theo học
thuyết chính trị của Khổng Tử, đề cao “đức trị” – lấy đạo đức để cải hóa
con người. Nhưng vài ngàn năm trước, nhiều bậc thức giả ngay tại quê
hương của Khổng đã nhận ra sai lầm trong cái học thuyết chính trị của
ông ta, việc đề cao đạo đức, quân tử chỉ tạo ra đạo đức giả, ngụy quân
tử và những thành phần này có nguy cơ thống trị xã hội.
Đại văn hào Trung Hoa, ông Lỗ Tấn, nói rằng, kinh sách thánh hiền vạn
quyển giở ra chỉ thấy có một chữ “ăn thịt người”! Ngay từ thuở
xưa, người ta đã đề ra học thuyết “pháp trị” – cai trị bằng pháp luật –
để đối kháng với quan niệm “đức trị” của Khổng, vốn được coi là nền tảng
tư tưởng của chế độ phong kiến phương Đông, cung cấp cho các triều đại
vua quan công cụ tư tưởng để ngu dân và tước bỏ quyền làm chủ xã hội của
họ.
Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đi theo thể chế cộng
hòa, pháp trị được nâng lên thành “pháp quyền” (rule of law) mà
nguyên tắc cốt lõi là không ai được đứng trên luật pháp. Pháp quyền –
đặt căn bản trên hệ thống luật pháp do các đại biểu của dân soạn thảo
(lập pháp), hệ thống chính quyền điều hành xã hội theo luật lệ đã ban
hành (hành pháp) và hệ thống tòa án các cấp (tư pháp) giám sát việc thực
thi pháp luật và phân xử các hành vi vi phạm pháp luật một cách trung
thực, vô tư và độc lập với mọi tổ chức chính trị.
Đảng của ông là đảng toàn trị “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”,
biến lập pháp thành gánh hát rối, hành pháp thành guồng máy bóc lột và
tư pháp thành công cụ đàn áp mà cứ mở miệng là “đạo đức” với “liêm sỉ”!
Ở thời này, kẻ nào đặt tay lên ngực và thề “trung thành tuyệt đối” với
đảng cộng sản – một tập đoàn mafia chính trị tầm cỡ, bán nước hại dân –
thì kẻ đó không còn đạo đức hay liêm sỉ gì nữa.
Chế độ của ông dựa trên những kẻ vô đạo đức, thiếu liêm sỉ đó. Để được
sử dụng và thăng tiến trong guồng máy cai trị của ĐCSVN, người dân không
nhất thiết phải có tài năng và đức độ, thậm chí ngược lại. ĐCSVN chỉ
dùng những người trung thành, hoặc làm ra vẻ trung thành với đảng và chế
độ, không có ý kiến khác, tiếng nói khác, vì “phản biện” bị coi là “phản
động” và phải chịu sự trừng phạt nặng nề. Những quan chức các cấp của
đảng không phải chịu trách nhiệm với dân, với nước, với cử tri như họ
thường huênh hoang mà chỉ răm rắp lấy lòng cấp trên kể cả bằng cách hối
lộ, đút lót – được lòng cấp trên thì có tất cả cho dù có bị cả xã hội
cười chê và lên án.
Có đôi lúc ông Trọng cũng nói tới “kiểm soát quyền lực”, “cái lồng
nhốt quyền lực”, nhận biết tính chất tha hóa con người của quyền lực
và muốn để lại dấu ấn cá nhân như là “người đốt lò vĩ đại” thanh
trừng các quan chức tham nhũng ở Việt Nam. Nhưng do bị nhồi sọ trong hệ
tư tưởng cộng sản – thực chất là mô hình nhà nước đảng trị của Stalin,
Mao Trạch Đông trước đây và Tập Cận Bình hiện nay, một thứ chủ nghĩa
phong kiến hiện đại – ông ta coi pháp luật chỉ như một thứ trang sức để
mị dân và thế giới bên ngoài, đặt cương lĩnh của đảng lên trên Hiến
pháp.
Học theo ông Tập bên Tàu, ông Trọng lên án tư tưởng đa nguyên chính trị,
thể chế tam quyền phân lập – những thành tựu lớn của khoa học chính trị
– là những “âm mưu của thế lực thù địch” chống phá đảng của ông,
chế độ của ông. Ông chưa bao giờ thật tâm và có tầm hiểu biết cần thiết
để đề ra và xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực bằng nhà nước pháp
quyền thật sự.
Ăn theo ông Trọng, các tay chân của ông như Phan Đình Trạc, ủy viên Bộ
Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương, cũng nói leo: “Sự gương
mẫu, quyết liệt của lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trước hết là
Tổng Bí thư là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo
nên động lực to lớn và do đó là nhân tố hàng đầu quyết định thành công
trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực”, Trạc nói tại hội
nghị hôm 30 Tháng Sáu.
Người ở ngoại quốc có thể không biết Ban Nội chính Trung ương mà Trạc
phụ trách có cái tên nghe có vẻ hiền lành nhưng là một tổ chức “siêu
quyền lực”, là một ban của ĐCSVN bao trùm và chi phối mọi hoạt động của
guồng máy công an-an ninh, kiểm sát (công tố viện) và hệ thống tòa án.
Tất cả những vụ án chính trị-kinh tế đều phải theo sự chỉ đạo của ban
này. “Phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của
quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho
tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp,” Trạc nói tại hội
nghị, nhưng ai cũng biết đây là lối mị dân quen thuộc của ĐCSVN, ai ngây
thơ tin mà chống tham ô lãng phí sẽ sớm bị tay chân của Trạc cho vào nhà
đá.
Tham nhũng ở Việt Nam là câu chuyện chưa có hồi kết, là chứng ung thư ăn
mòn mọi tiềm lực của dân tộc. Đảng CSVN của ông Nguyễn Phú Trọng không
phải là giải pháp cho tệ nạn tham nhũng mà là gốc gác sinh ra tệ nạn đó,
không thể sửa chữa cho dù có đảng có tổ chức bao nhiêu hội nghị tổng kết
cũng vậy. |