Chiến Trường Tiếp Theo Trong Chiến Tranh
Thương Mại Của Trump: Việt Nam
(The Next
Battleground in Trump’s Trade War: Vietnam)
Alexander Hitch[1]
Người dịch: Một thân hữu của viet-studies
Trong khi các căng thẳng thương mại đang leo
thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã thu hút sự chú ý, một tay chơi mới nổi
trong thương mại toàn cầu đã âm thầm gặt hái những lợi ích, trở thành
một lựa chọn thay thế cho các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi
cung ứng của mình và đề phòng tác động của bất ổn chính trị đang tăng
lên.
Việt Nam, một trong
những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đã mở cửa thị trường
trong những năm gần đây, bằng cách tham gia hiệp định thương mại CPTPP
[Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership,
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương], là chỗ
đáp của các công ty và các mạng lưới nhà cung cấp đang chạy khỏi Trung
Quốc, và gần đây ký một hiệp định thương mại tự do với EU.
Một kết quả của thành
công này: Thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ đã tăng vọt
từ 31.98 tỷ USD năm 2016 lên 39.49 tỷ USD trong năm 2018 và tăng tới 39%
cho đến tháng Sáu năm nay. Chính quyền Trump đã để ý, tuôn ra hàng tràng
về chuyện Việt Nam 'thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc' như thế nào và
nhất thiết phải làm sao đó để giảm 'thâm hụt thương mại không thể chịu
được này'.
Đối
chính quyền Trump và cân bằng cán cân thương
mại, quá khứ có thể là tiền đề cho hiện tại[2]:
Việc đánh thuế hàng hóa đối với Việt Nam đang sắp xảy đến. Nhưng có hai
vấn đề với quá trình hành động này. Thứ nhất, thâm hụt thương mại vẫn là
một cách tồi để đánh giá một mối quan hệ thương mại. Thứ hai, áp dụng
với Việt Nam, thuế quan sẽ gây rủi ro cho các mục tiêu an ninh quan
trọng của chính quyền đối với Trung Quốc.
Về cán cân thương mại,
trong khi Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất thường thâm dụng lao động,
một nguyên do lớn cho sự tăng trưởng thâm hụt thương mại gần đây [giữa
Mỹ và Việt Nam] có khả năng là do trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc
qua Việt Nam.
Gian lận trung chuyển –
quá trình dán nhãn lại hoặc sửa đổi tối thiểu đối với hàng hóa ở một
nước thứ ba để tránh thuế quan – đã khiến các nhà hoạch định chính sách
của Mỹ lo ngại trong nhiều năm liên quan đến hàng hóa do Trung Quốc sản
xuất. Dữ liệu về trung chuyển thì không đồng nhất, nhưng bằng chứng cho
thấy các công ty tìm cách tránh thuế quan của Mỹ đang sử dụng Việt Nam
làm khu vực để tiến hành khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng.
Bởi vì các vấn đề trung chuyển giờ đây đã vướng mắc vào tranh chấp giữa
hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Việt Nam có thể bị kẹt giữa hai làn
đạn.
Tuy nhiên, còn có các
sức mạnh khác. Một sự đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tăng ở Washington
cho rằng một Trung Quốc không được kiểm soát đặt ra một mối đe dọa an
ninh lớn, và những quan hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và Việt Nam được coi là ngày
càng quan trọng trong việc cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu
vực.
Để làm được điều đó,
Việt Nam đã được đưa vào trong việc hình thành nên Hiệp định thương mại
đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (nay là CPTPP mà không có
Mỹ) để củng cố các quan hệ đối tác chính trị và kinh tế với các nước
trong khu vực. Đúng trong năm 2016, Mỹ đã chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí
của mình đối với Việt Nam và gần đây đã cung cấp tàu tuần tra cho lực
lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Về phía mình, Việt Nam cảnh giác với
ảnh hưởng của nước láng giềng phía bắc ở Biển Đông và đã phát triển mối
quan hệ an ninh với các cường quốc khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản.
Việt Nam có thể không
phải là đối tác hoàn hảo, tất nhiên. Đây là một quốc gia độc đảng vẫn
còn ngăn chặn bất đồng chính kiến và quản lý một nền kinh tế có kiểm
soát, với các doanh nghiệp nhà nước tương tự như các doanh nghiệp gây
phiền phức cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ về Trung Quốc.
Chính quyền Trump cũng
khó có thể dung thứ cho một quốc gia thậm chí còn xa xôi lạnh nhạt hơn
so với các đồng minh an ninh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đã
được đưa vào tầm ngắm thương mại của chính phủ [Mỹ] vì lý do an ninh
quốc gia không rõ ràng.
Cũng vậy cả thôi, cố
gắng khắc phục cán cân thương mại thông qua thuế quan sẽ chỉ khiến người
chơi chủ chốt thêm xa lánh ở một khu vực mà Mỹ hy vọng duy trì ảnh hưởng
của mình.
Thay vào đó, chính quyền
Trump nên làm việc một cách xây dựng với Việt Nam để hạn chế trung
chuyển và trong quá trình đó tăng cường mối quan hệ an ninh. Điều này có
thể được thực hiện bằng cách tham dự với chính phủ Việt Nam về chính
sách phát triển và thương mại khu vực, đồng thời tạo cơ hội thảo luận
trên những lo ngại chung về Trung Quốc. Cách tiếp cận như vậy sẽ làm
giảm sự chú ý sai lầm của tổng thống Trump vào thâm hụt thương mại và có
khả năng đưa Việt Nam lại gần hơn với quỹ đạo của Mỹ.
Nhưng với thông báo áp
thuế đối với phần còn lại của hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ, hiếm ai
có thể nín thở chờ rằng Việt Nam sẽ được tha.
[1]
Alexander Hitch: Trợ lý nghiên cứu về kinh tế toàn cầu
(2017-nay) tại Hội đồng toàn cầu vụ (Council of Global Affairs)
Chicago. Có hai bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh tại
University of Chicago Booth School of Business (2017-2019) và xã
hội học thị thành tại Đại học Chicago (2010-2011), tốt nghiệp
Đại học Wisconsin-Madison chuyên ngành lịch sử (2005-2010).
[2]
Nguyên văn
'what’s past is likely prologue': bắt nguồn từ câu 'What's past
is prologue' trong vở kịch 'The Tempest' (Giông tố) của
Shakespeare, nghĩa là 'Những gì trong quá khứ mới chỉ là sự khởi
đầu', thường được sử dụng với nghĩa 'lịch sử đặt bối cảnh cho
hiện tại'. (Người dịch)
|