SAIGON NHỎ (California)
Triển vọng u ám của kinh tế Việt Nam
Hiếu Chân
Xã hội Việt Nam trong những ngày tới sẽ không chỉ tang thương vì
dịch bệnh, vì thất nghiệp, vì thiếu đói – hậu quả của việc chống dịch
COVID theo cách ngu xuẩn và độc ác của nhà cầm quyền – mà còn rất ngột
ngạt, bức bối như trước một cơn bão lớn! Sự
kiện nóng trong nước suốt mấy ngày qua là hàng chục ngàn người dân bồng
bế nhau rời Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai trở về quê nhà ở miền Tây,
miền Trung, miền Bắc. Phần lớn họ đi xe gắn máy; nhiều người đi xe đạp
hoặc lếch thếch đi bộ, vượt hàng trăm hàng ngàn cây số, dưới mưa, trong
nắng, màn trời chiếu đất trông rất thảm. Khổ nạn của những gia đình
“nhập cư” phải rời bỏ miền đất hứa đã được miêu tả – nhiều khi rất cảm
động – trên các trang mạng xã hội và cả trên báo chính thống của nhà
nước. Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Chu, một trí thức trong nước, viết trên Facebook:
“Trong mấy ngày qua đã có hàng vạn người bằng mọi cách kiên quyết về
quê. Đến nỗi 500 người đã quyết định đi bộ từ Bình Dương qua Đắk Nông để
về Hà Giang xa những 1,800 km. Trong đó có cả phụ nữ mang thai. Chứng tỏ
người dân đã ở bước đường cùng.” Vì
người dân đã ở bước đường cùng nên cuộc tháo chạy của họ khỏi thành phố
– thậm chí họ phải quỳ giữa đường lạy sống bọn công an, dân phòng của
chế độ để được đi về, có nơi xảy ra xô xát – là hoàn toàn cảm thông
được, người dân ở cạnh quốc lộ đã đem cơm nước, xăng dầu ra đặt ở ven
đường để hỗ trợ người di tản.
Nhưng cuộc chuyển dịch của hàng chục ngàn người cũng đặt ra nhiều hậu
quả đáng lo: dịch bệnh sẽ theo chân người về phát tán ra các địa bàn
nông thôn, còn các trung tâm công nghiệp sẽ rơi vào cảnh thiếu lao động
trầm trọng mà báo chí trong nước gọi một cách hoa mỹ là “đứt gãy thị
trường lao động”. Báo Vietnamnet của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt
Nam đăng bài báo động: “Hàng vạn người kéo nhau về quê, lấy ai cứu
doanh nghiệp” (!) Tuy không lý giải được gốc rễ của vấn đề người
lao động bỏ về quê, bài báo đã nêu lên một thực tế bế tắc ở các tỉnh
được coi là trung tâm công nghiệp của Việt Nam, gồm Sài Gòn, Đồng Nai,
Bình Dương và Long An. Bộ
Công an Việt Nam, không rõ lấy số liệu ở đâu, nói rằng hiện có 3.5 triệu
người dân các địa phương cả nước làm việc tại bốn tỉnh thành nói trên,
trong đó 2.1 triệu người muốn về quê. Việc hàng triệu lao động đồng loạt
bỏ việc chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng, thậm chí có
thể dẫn tới một vụ sụp đổ bi thảm của guồng máy kinh tế Việt Nam trong
những tháng tới. Sở
dĩ như vậy vì nền kinh tế Việt Nam dựa trên sức lao động của người công
nhân tha hương, kết hợp với vốn liếng, kỹ thuật và quản trị thị trường
của các ông chủ nước ngoài. Bây giờ nguồn lao động giá rẻ không còn,
hoặc thiếu hụt trầm trọng, thì nền kinh tế đó sẽ khó mà vận hành được. Từ
khi thực hiện cái gọi là “đổi mới” từ năm 1985 đến nay, nhà cầm quyền
Việt Nam “trải thảm đỏ” để mời gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
(foreign direct investment – FDI). Các nhà tư bản nước ngoài lũ lượt kéo
tới Việt Nam mở nhà máy sản xuất đủ loại mặt hàng bán ra thị trường thế
giới, tận dụng lực lượng lao động đông đảo, trẻ tuổi và đồng lương thấp
để thu lợi tối đa. Sự bùng nổ của khu vực kinh tế FDI góp phần đưa Việt
Nam trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, kéo dài, có lẽ chỉ
kém Trung Quốc và một vài nước khác. Đến
nay, khu vực FDI đã chiếm tới hơn hai phần ba quy mô kinh tế của Việt
Nam; và Việt Nam đã có những sản phẩm quan trọng như máy điện thoại
thông minh Samsung, máy in Canon, chip bán dẫn Intel, tai nghe Airpod và
nhiều mặt hàng dệt may, giày dép của các thương hiệu nổi tiếng. Số liệu
thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam chứng minh thực tế đó: trong sáu
tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất nhập cảng $288.68 tỷ hàng hóa; trong
đó các công ty FDI có trị giá $200.18 tỷ, chiếm 70% tổng giá trị thương
mại của cả nước. Đó là số liệu trước khi nhà cầm quyền ban hành lệnh
phong tỏa các thành phố để chống dịch, làm tê liệt cả guồng máy sản xuất
và kinh doanh ở “vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” như hiện nay.
Trong khu vực FDI, phần lớn lợi nhuận rơi vào túi các ông chủ tư bản,
hầu hết là người Singapore, Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc,
người lao động Việt Nam chỉ nhận được phần ít ỏi cho công sức của mình.
Tuy vậy, sự bùng nổ FDI cũng giúp người lao động trong nước có được công
việc làm; hàng triệu người từ nông thôn đã kéo lên thành phố, sống chen
chúc trong các khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, chấp nhận làm việc cật lực
với đồng lương bèo bọt chỉ mong dành dụm được chút tiền gửi về nhà phụng
dưỡng cha mẹ già, lo cho con cái đi học. Có
thể nói không sợ quá lời rằng sự “phồn vinh” của các đô thị Việt Nam
hiện nay được xây dựng chủ yếu trên mồ hôi nước mắt của hàng triệu công
nhân tha hương trong các nhà máy FDI và hàng triệu nông dân trồng lúa,
nuôi cá ở các vùng đất nước.
Chiến lược chống dịch COVID-19 “như chống giặc” ngu xuẩn của nhà cầm
quyền Việt Nam trong mấy tháng qua đã phá nát sự phồn vinh giả tạo đó.
Chống dịch nhưng chỉ dựa vào dây thép gai, dùi cui và súng AK47, dựa vào
một đám sai nha đông đúc, ngu dốt và độc ác, nhà cầm quyền Việt Nam
phong tỏa chặt từng khu nhà, từng hẻm phố, cấm ngặt mọi sự di chuyển
suốt bốn tháng qua. Cách chống dịch đó đã đẩy hàng ngàn công ty, nhà máy
tới chỗ ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, mất thu nhập.
Trong thời gian phong tỏa các công ty phải thực hiện “ba tại chỗ”, sắp
xếp để công nhân làm việc, ăn ngủ ngay tại nhà máy, xa cách cộng đồng cư
dân bên ngoài, phải thực hiện xét nghiệm tìm virus cho công nhân mỗi
tuần. Không thể đáp ứng yêu cầu quái đản này của nhà cầm quyền, nhiều
công ty quyết định đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng; nhiều công ty
FDI quyết định chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam, sang các nước
láng giềng hoặc quay trở lại Trung Quốc – nước mà họ mới rời đi để đa
dạng hóa nguồn cung và tránh cuộc thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu từ thời
Tổng thống Donald Trump. Công
ty Nike Inc. chẳng hạn, sản xuất khoảng một nửa số giày dép của mình tại
Việt Nam qua các nhà thầu và mạng lưới nhà máy sử dụng hàng trăm ngàn
công nhân. Tuần trước đại diện của Nike cho biết họ đã mất 10 tuần sản
xuất do đóng cửa vì lệnh phong tỏa, nghĩa là khoảng 100 triệu đôi giày
Nike đã không được xuất xưởng; nguồn cung giày Nike sẽ thiếu hụt trầm
trọng trong tám tháng tới. Matt Friend, Giám đốc tài chính của Nike, nói
công ty đang tối đa hóa năng lực sản xuất giày dép ở các nước khác và
chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi
như Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại
Việt Nam thực hiện hồi cuối Tháng Tám với gần 100 đại diện của các công
ty trong lĩnh vực sản xuất cho thấy một phần năm đã chuyển hoạt động sản
xuất ra khỏi Việt Nam. Cuộc tháo chạy khỏi Việt Nam của các nhà đầu tư
gần đây đã trở thành tin nóng trên các tờ báo kinh doanh nổi tiếng thế
giới như Financial Times, Bloomberg, Nikkei Asia Review và
Wall Street Journal. Khi
biện pháp phong tỏa được nới lỏng từ ngày 1 tháng Mười, một số nhà máy
rục rịch mở cửa trở lại nhưng phải đối mặt với vô vàn trở ngại: thiếu
thợ, thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu và đơn đặt hàng đã chuyển đi nơi
khác trong thời gian họ đóng cửa. “Việc mở cửa trở lại và tăng trở
lại quy mô sản xuất đầy đủ sẽ mất nhiều thời gian,” ông Matt Friend
của Nike cho biết. Với những công ty đã chuyển đi nước khác, mời gọi họ
quay lại hầu như là điều không thể.
Người lao động bỏ về quê sau hơn bốn tháng vật vã trong vòng vây phong
tỏa ở đô thị, không việc làm, không thu nhập chắc cũng sẽ không sớm tính
tới chuyện quay trở lại thành phố sống cuộc sống bần hàn và bấp bênh của
người tha phương cầu thực. Nhìn từ phía chủ hay phía thợ, triển vọng của
việc làm ăn ở Việt Nam đều bế tắc. Xem
ra, nỗ lực suốt ba chục năm mời gọi đầu tư nước ngoài để phát triển kinh
tế, giải quyết việc làm cho người lao động đã bị chính phủ của ông Phạm
Minh Chính hủy hoại chỉ trong vài tháng do những quyết định chống dịch
sai lầm và thiên về bạo lực. Thay vì dành số vaccine ít ỏi mà quốc tế
viện trợ tiêm chủng cho những người lao động đang nắm mạch máu kinh tế
của đất nước, chế độ Hà Nội đã ưu tiên cho công an, quân đội, nhà báo và
quan chức – những kẻ bảo vệ quyền lực của họ – để rồi bây giờ phải chứng
kiến một tương lai tối tăm, kinh tế đình trệ, nhà máy ngừng hoạt động,
người dân thất nghiệp và đói, không biết đến bao giờ và bằng cách nào để
khôi phục trở lại.
Chính quyền cộng sản ở Việt Nam thường xuyên ca ngợi thành tích kinh tế,
coi mức tăng trưởng GDP là yếu tố biện minh cho sự độc quyền chính trị
của họ. Bây giờ, với nền kinh tế ngấp nghé bờ vực sụp đổ, đời sống người
dân ngấp nghé bờ vực thiếu đói, nói gì người dân cũng không tin thì nhà
cầm quyền Hà Nội không còn căn cứ nào để tuyên truyền, chắc chắn họ sẽ
gia tăng bạo lực, đàn áp thẳng tay những ý kiến đối lập, những tâm trạng
bất mãn, những mầm mống phản kháng. Xã
hội Việt Nam trong những ngày tới sẽ không chỉ tang thương vì dịch bệnh,
vì thất nghiệp, vì thiếu đói mà còn rất ngột ngạt, bức bối như trước một
cơn bão lớn! |