FB Tâm Chánh
Anh Huỳnh Bửu Sơn Và Các Anh Thứ Sáu
Tâm Chánh
Nghe tin anh Huỳnh Bửu Sơn ra đi, thật sững sờ. Cũng đột ngột như lúc
anh Trần Bá Tước ra đi. Hay như khi anh Phan Tường Vân, anh Lâm Võ Hoàng
rời khỏi. Các anh đều để lại để lại nỗi tiếc nhớ đến bàng hoàng. Nhóm
Thứ Sáu mới vừa đó mà như hun hút. Mới đó mà bỗng như chưa kịp.
Bây giờ nhiều phái xí phần công lao với công cuộc đổi mới, nhiều chuyện
kể nghe cứ u u minh minh. Nhưng khó ai có thể phủ nhận vai trò của Nhóm
Thứ Sáu trong hành trình quay cỗ xe chính sách trở lại với thị trường và
công cuộc tự do hoá nền kinh tế.
Từ bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, cho đến thực hành quyền tự chủ doanh
nghiệp, đến tự do kinh doanh; từ thu hút đầu tư nước ngoài đến vận động
sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh của doanh
nghiệp bản địa; từ xoá bỏ độc quyền nhà nước về ngoại thương đến cải
cách ngân hàng, hình thành thị trường tiền tệ, thị trường tài chính, xử
lí nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp; từ phát triển đô thị TPHCM đến phát
triển đồng bằng sông Cửu Long…
Nhiều thành viên của nhóm Thứ Sáu về sau được ông Kiệt mời tham gia Tổ
tư vấn của Thủ tướng. Trong đó có anh Huỳnh Bửu Sơn.
Có lẽ vậy mà người ta định danh nhóm Thứ Sáu của ông Kiệt.
Nhưng thực ra nhóm này không phải là một cơ quan, tổ chức trực thuộc của
ai, do ai thành lập. Mà là một nhóm “trà lá” suy nghĩ và thảo luận phi
chính thống, phi nhà nước, nhưng chính thức gặp gỡ nhau mỗi chiều thứ
sáu, chính thức được bí thư thành ủy nhiều lần dự nghe.
Rồi về sau nhóm chuyển sang trà lá vào chiều tối thứ ba để ra thành nội
dung báo Sài Gòn Tiếp Thị, hay vào chiều thứ năm góp cho nội dung báo
Lao Động (bộ cải tiến sản xuất ở phía Nam ).
Các anh là những trí thức, công chức cao cấp của chế độ cũ, ở lại trong
chế độ mới, ở lại với Sài Gòn. Các anh nhiều lần nhắc đến, gợi về một
phạm trù có vẻ như không hề tồn tại trong xã hội lấy đấu tranh giai cấp
làm động lực phát triển: Lương tâm chức nghiệp. Các anh đóng góp cho xã
hội mới bằng chính thứ chức nghiệp ấy.
Không phải để được trọng dụng. Không phải để được chia lợi ích. Cũng
chẳng để duy trì một “chỗ đứng”, mưu cầu một địa vị xã hội kiểu nào. Các
anh không ngừng suy nghĩ, thảo luận đề xuất giải pháp để dân chúng đừng
khổ, chính quyền bớt trật. Mà thảo luận, đề xuất theo cách rất Sài Gòn,
không màu mè, vòng vo, không lí sự viển vông, cũng không sợ mích lòng
người có quyền. Ai nghe thì
các anh sẵn sàng tận lòng góp ý.
Các anh gắn bó với ông Võ Văn Kiệt, vì ông Kiệt lắng nghe cả đến thái độ
tự trọng của các anh.
Họ cùng làm việc với ông Kiệt nhiều năm từ hồi ông Kiệt ở Sài Gòn rồi ra
Hà Nội, nhưng có lẽ cho đến khi ông Kiệt về hưu họ mới có một chuyến du
ngoạn cùng nhau dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, xúm xít cùng nhau mỗi cảnh
đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất nước. Có lẽ chuyến đi đó là chuyến đi
duy nhất có đầy đủ họ với nhau. Chuyến đi của những người bạn tri âm.
Sau ông Kiệt người ta cũng tỏ ra trọng vọng các anh. Có lần tôi chứng
kiến các anh muốn chủ động góp ý cho một lãnh đạo vào hàng tứ trụ đất
nước. Họ được niềm nở mời đến nhà riêng của vị lãnh đạo đó vào một sáng
chủ nhật. Các anh cẩn thận hẹn nhau ở một quán phở gần nhà vị lãnh đạo,
ăn sáng xong mới cùng qua. Chỉ sau một thoáng gặp gỡ, họ nhận ra mình ít
có cơ hội để nói, thế là chóng vánh cùng nhau rút lui, dù chủ nhân chuẩn
bị cả tiết mục mời cơm thịnh soạn. Hỏi lại các anh mới nói cảm nhận phớt
qua rằng vị lãnh đạo không có tâm thế lắng nghe mà chỉ là để phủ dụ.
Dễ nhận ra nhiều ứng xử của các anh kiểu như vậy.
Như chính chuyện anh Huỳnh Bửu Sơn giữ kho vàng của ngân hàng quốc gia
chính quyền Sài Gòn nghiêm cần bàn giao đầy đủ, trọn vẹn cho chính quyền
mới vào tiếp quản.
Đó chẳng phải là câu chuyện được kể để các anh truyền tụng công lao. Các
anh nhiều lần nói với nhau về cái các anh gọi là phận sự, chức nghiệp.
Làm theo lương tâm chức nghiệp, chính là phẩm hạnh của một trí thức mà
các anh hay đi “họp Nhóm Thứ Sáu” để gìn giữ và truyền thừa.
Mồng sáu tây tới này là đám giỗ ông Sáu Dân một người bạn tri âm của của
các anh. Ơi, chắc anh Huỳnh Bửu Sơn sẽ gặp ông Sáu, cùng cười ngất nghe
anh Lâm Võ Hoàng “thiệu” câu góp ý thường xuyên với chính quyền rằng,
“tuyệt đối né tránh con đường duy nhất đúng”.
Chắc có cả anh Phan Tường Vân, Trần Bá Tước cùng “sinh hoạt”. |