VIỆT NAM THỜI BÁO
15-11-22

https://vietnamthoibao.org/vntb-ho-so-tai-sao-ba-nhan-phai-hoi-lo/

Tại sao bà Nhàn phải hối lộ?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Phía tố tụng đang chăm chăm về “bà Nhàn AIC lấy tiền từ đâu để hối lộ?”. Lẽ ra đầu tiên cần phải làm rõ vì sao bà Nhàn AIC lại phải hối lộ?

 Nếu bà Nhàn cố tình dùng tiền bạc để làm hư hỏng cán bộ đảng viên, lũng đoạn chính sách của Đảng và Nhà nước, thì bà Nhàn cần phải được truy cứu vào nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sinh năm 1969, được đào tạo khoa bảng. Năm 2015, bà được Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên Bang Nga (Viện IASS) trao tặng hai danh hiệu: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014 và phần thưởng Ngôi sao Vernadski. Bà là viện sĩ, tiến sĩ và cũng là người phụ nữ đầu tiên của khu vực châu Á và Việt Nam được Viện IASS trao tặng hai danh hiệu danh giá này.

Năm 2017, bà được tạp chí Forbes Việt Nam xếp trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Tháng 11 năm 2018, bà được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio trao tặng Huân chương Mặt trời mọc – Tia sáng Vàng với Nơ thắt hoa hồng (The Order of the Rising Sun, Gold Rays with Rosette).

Huân chương Mặt trời mọc là tước hiệu cao quý nhất của Nhật Bản dành cho những cá nhân trong nước và người nước ngoài có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên Huân chương Mặt trời mọc được trao cho một cá nhân dưới tuổi 50, trước bà Nhàn, chưa từng có cá nhân nào kể cả người nước ngoài hay người Nhật Bản được trao tặng Huân chương ở độ tuổi này.

Hồ sơ vụ việc đang được Bộ Công an tung ra cho báo chí nói rằng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – người thành lập “đế chế” AIC – trong quá trình phát triển đã tham gia và trúng thầu cung cấp thiết bị y tế, giáo dục khắp các địa phương.

Theo kết luận, Công ty AIC chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế, là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ một trung tâm xuất khẩu lao động trực thuộc công ty của Bộ Giao thông vận tải.

Bà Nhàn là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc AIC – công ty có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 5 tỉ đồng, đến lần thay đổi thứ chín tăng lên 1.000 tỉ đồng. Để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổng trị giá 665 tỉ đồng, bà Nhàn đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo từ tỉnh ủy đến sở, ngành.

Cùng với đó, bà Nhàn còn thành lập ban thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương (hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) làm trưởng ban. Ban này có chức năng thực hiện việc thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của cựu chủ tịch AIC.

Mọi việc thu chi đều được ghi chép vào sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban nhưng không được hạch toán vào phần mềm kế toán của AIC.

Kết quả điều tra cho thấy ban thư ký tài chính do bà Nhàn lập ra và trực tiếp chỉ đạo chính là điểm xuất phát của dòng tiền được lãnh đạo AIC mang đi hối lộ quan chức Đồng Nai. Nguồn tiền ban này có được là từ việc nâng khống giá thiết bị do các công ty sân sau chuyển về.

Từ năm 2011 – 2020, một số nhân viên của AIC đã nhận tiền từ quỹ của ban và chuyển đến tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh – nhân viên của một công ty khác do bà Nhàn lập ra và điều hành. Mỗi lần nhận được chỉ đạo, Phương Anh rút tiền mặt để giao cho bà Nhàn và thuộc cấp mang đi “bôi trơn”, chi “ngoại giao” cho các cá nhân là lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư.

Với các cách thức trên, tại Đồng Nai, bà Nhàn đã hối lộ hơn 43 tỉ đồng cho bí thư, chủ tịch, giám đốc Sở Y tế và “biếu quà” 1 tỉ đồng cho giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư. Kết quả điều tra xác định toàn bộ số tiền này đều có nguồn gốc từ ban thư ký tài chính AIC.

Qua xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định Hoàng Thị Phương Anh có năm tài khoản tại ba ngân hàng. Từ năm 2011 – 2020, tổng số tiền các nhân viên ban thư ký tài chính đã chuyển vào ba tài khoản của Phương Anh là 464 tỉ đồng.

Hai tài khoản tại hai ngân hàng khác của Phương Anh được chuyển vào 31,5 tỉ đồng. Tổng số tiền các nhân viên của ban đã chuyển cho Phương Anh là 495,5 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ sao kê tài khoản tại các ngân hàng, trích xuất dữ liệu còn lưu trong USB cá nhân của nhân viên ban thư ký tài chính thể hiện số tiền bà Nhàn đã hối lộ ba cựu quan chức Đồng Nai.

Theo kết luận điều tra, ngoài việc ‘lại quả’ hàng chục tỉ đồng cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn công phu cài cắm ‘quân xanh’ để AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng 16 gói thầu.

Có một chi tiết đáng lưu tâm trong kết luận ở trên, năm 2010, ông Trần Đình Thành khi ông đang là phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã điện thoại cho bà Nhàn đề nghị giúp Đồng Nai xin vốn trung ương hỗ trợ cho dự án bệnh viện và được bà Nhàn đồng ý.

Năm 2010, khi ấy Thủ tướng chính phủ là ông Nguyễn Tấn Dũng. Các phó thủ tướng giai đoạn từ 2006 – 2013 gồm có Nguyễn Sinh Hùng (thường trực 2006 – 2011), Phạm Gia Khiêm (1997 – 2011), Trương Vĩnh Trọng (2006 – 2011), Hoàng Trung Hải (2007 – 2016), Nguyễn Thiện Nhân (2007 – 2013).

Từ danh sách trên cho thấy có 3 chính khách đủ thẩm quyền trong việc “xin vốn trung ương” là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách Văn hóa, Xã hội, Khoa học, Giáo dục, Y tế.

Liệu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có phải dùng tiền bạc để ‘lobby’ chính sách giúp tỉnh Đồng Nai “xin vốn trung ương hỗ trợ cho dự án bệnh viện”?

Ghi nhận thực tế, theo quy định dự án bệnh viện Đồng Nai được hỗ trợ vốn trái phiếu chính phủ 30% của tổng mức đầu tư dự án, là gần 890 tỉ đồng. Tương ứng mức bố trí tối đa cho dự án này là hơn 266 tỉ đồng. Tuy nhiên dự án đã được bố trí hơn 336 tỉ, tức cao hơn khoảng 70 tỉ so với quy định.

Ngoài nguồn vốn bố trí trên, trong giai đoạn 2014 – 2015, Bộ Tài chính đã tạm ứng 500 tỉ đồng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách tỉnh Đồng Nai để bệnh viện thanh toán cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Toàn bộ số vốn ứng trước vốn trái phiếu chính phủ và vốn kho bạc nhà nước – theo cơ quan điều tra thì đã được tỉnh Đồng Nai hoàn trả theo quy định.