“Giải Cứu” Đồng Bằng Sông Cửu Long:
Quách Hạo Nhiên
---
Phần Cuối
Đề Xuất Và Gợi Ý Một Số Giải Pháp
ĐBSCL hôm nay đã không còn những lợi thế về điều kiện tự nhiên như
trước. Nếu như trước đây, người dân “sống chung với lũ” thì nay phải
sống chung với hạn mặn. Hay nói khác đi, trước đây là sự thích ứng trong
hoàn cảnh “khủng hoảng thừa” (nguồn tài nguyên nước ngọt và đất phù sa
tích tụ sau mỗi mùa nước nổi hàng năm) thì nay là “khủng hoảng thiếu”.
Vì là “khủng hoàng thiếu” nên việc thích ứng hôm nay khó khăn hơn rất
nhiều. Thế nên, câu chuyện “Thuận Thiên” ở ĐBSCL nhất định phải được
tiếp cận với tinh thần “bảo tồn để phát triển” chứ không nên tiếp tục
“khai thác để phát triển” trong sự hoang phí hoặc đối phó với tầm nhìn
ngắn hạn.
Thay đổi tư duy và nhận thức của tầng lớp lãnh đạo quốc gia trong cái
nhìn về ĐBSCL
ĐBSCL là xương sống của nền kinh tế nông nghiệp nhưng oái oăm thay cũng
là “vùng trũng” của cả nước đặc biệt là về hạ tầng giao thông, văn hóa,
giáo dục, y tế... Đây là một thực tế mà ai cũng nhìn thấy.
Để
ĐBSCL thoát khỏi lời nguyền - cái nghịch lý “đất giàu người nghèo” quan
trọng và trước hết phụ thuộc vào nhận thức của tầng lớp lãnh đạo quốc
gia. Theo đó, có một số vấn đề quan trọng mang tính nguyên tắc chung
liên quan đến việc xây dựng và triển khai các chính sách vĩ mô đối với
ĐBSCL trong thời gian tới là:
Thứ nhất,
xóa bỏ cái nhìn định nhìn định kiến vùng miền trong quy hoạch và phát
triển chung về ĐBSCL. Đặc biệt là vấn đề huy động và ưu tiên tập trung
nguồn lực về tài chính cho ĐBSCL trong thời gian tới. Dĩ nhiên kèm theo
là cơ chế kiểm soát minh bạch, chặt chẽ, tránh những “rơi rớt” dọc đường
do thói quen “ăn không chừa một
thứ gì của dân”.
Thứ hai,
việc “bảo tồn để phát triển” ĐBSCL được nhanh chóng cụ thể hóa bằng hệ
thống chính sách liên quan đến việc bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên
nước ngọt và hệ sinh thái nước ngọt hiện có. Với tinh thần này, ĐBSCL
thời gian tới tuyệt đối không phát triển công nghiệp nặng mà tập trung
phát triển công nghiệp nhẹ liên quan đến công nghệ chế biến nông sản và
các phụ phẩm nông nghiệp. Nghiêm cấm việc khai thác cát trên hai con
sông Tiền, sông Hậu. Bên cạnh đó,
là tổng rà soát việc xả thải ở các khu công nghiệp khắp các tỉnh
ĐBSCL, đặc biệt là với Nhà mấy giấy Lee & Man (Hậu Giang) [1]; nhiệt
điện than ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) [2]. Trong tương lai, nếu không
kiên quyết xử lý vấn đề xả thải ra môi trường nước ở các khu công nghiệp
và 2 cơ sở này thì toàn bộ hệ sinh thái nước ngọt vùng ĐBSCL chắc chắn
sẽ bị phá hủy.
Thứ tư,
xây dựng chính sách đãi ngộ, “đặt hàng” các nhà khoa học, các chuyên gia
về nông nghiệp và môi trường
trong nước và quốc tế liên quan đến vấn đề nghiên cứu, ứng dụng khoa học
và công nghệ nhằm xây dựng và triển khai các giải pháp về kỹ thuật để
bảo tồn nguồn nước ngọt như: xây hồ chứa tích trữ nước ngọt vào mùa mưa;
kiện toàn hệ thống đê bao tích hợp với việc rửa mặn (giảm độ mặn) ở các
cửa khẩu, tuyến sông lớn; nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, cây/con giống
thích nghi với hạn mặn…
Cuối cùng,
phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, tổ chức quốc tế có uy tín về môi
trường và biến đổi khí hậu; các quốc gia có chung nguồn nước sông Mê
Kông nhằm tiếp tục đối thoại, đấu tranh với nhà cầm quyền Trung Quốc
trong vấn đề chia sẻ thông tin về các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Luật hóa việc sản xuất nông nghiệp từng bước thay đổi nhận thức và tư
duy của người dân trong vấn đề này
Được biết vừa qua, ông Lê Minh Hoan – Thứ trưởng Bộ NN&PTNN (nguyên cựu
Bí thư tỉnh Đồng Tháp) khi trả lời báo chí có nói rằng, trong tương lai
người nông dân hoặc bất cứ ai “muốn
sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép”.
Từ góc nhìn sản xuất nông nghiệp gắn với ý thức bảo vệ môi trường, bảo
vệ hệ sinh thai nước ngọt; cùng với đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực
phẩm, nâng cao giá trị nông sản, tôi cho rằng quan điểm của trên của ông
Lê Minh Hoan rất nên được đón nhận và chia sẻ với cái nhìn tích cực nhất
thay vì vội vàng phê phán bằng cái nhìn thiếu thiện chí
“trồng vài cây cam, cây xoài cũng phải xin phép”.
Nếu xem sản xuất nông nghiệp là một nghề như bao ngành nghề khác trong
xã hội thì đã đến lúc bà con nông dân cũng cần trang bị cho mình bên
cạnh kinh nghiệm, kỹ thuật là nhận thức liên quan đến vấn đề “đạo đức
nghề nghiệp”. Thật khó để bênh vực và bào chữa cho hành vi “hai luống
rau” trong cùng một khu vườn vốn khá phổ biến hiện nay. Nghĩa là, luống
để gia đình mình ăn thì rất sạch, rất an toàn, còn luống bán ra cho
người khác dùng thì mặc kệ. Thậm chí, không ít người vì lợi ích của bản
thân còn mang những trái mít, sầu riêng, thanh long… “nhúng” thuốc bảo
quản trước khi bán cho chính đồng bào mình mà các cơ quan truyền thông
từng phản ánh.
Vấn đề này, nhìn rộng ra, phải chăng còn là một trong nhiều nguyên nhân
gây ra tình cảnh “được mùa mất
giá” để rồi cả xã hội phải chung tay “giải cứu” mà chúng ta đã từng
chứng kiến thời gian qua. Bởi với cách làm trên, sản phẩm nông nghiệp
của chúng ta chỉ tiêu thụ trong nội địa hoặc một vài thị trường “quen
thuộc”, có phần “dễ dãi” chứ khó có thể thâm nhập vào những thị trường
với những yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến các quy chuẩn về bảo vệ môi
trường (hủy hoại hệ sinh thái nước ngọt) và nhất là an toàn vệ sinh thực
phẩm.
Thế nên, dù xót xa cho sự vất vả của bà con nông dân nhưng thiển nghĩ
cũng không nên cảm tính, để rồi vô tình thỏa hiệp hay bỏ qua cho sự bảo
thủ, lạc hậu chỉ thấy cái lợi trước mắt mà bất chấp những hệ lụy lâu dài
về sau.
Dĩ nhiên, ở chiều ngược lại cũng không nên quá ảo tưởng xem“giấy
phép sản xuất nông nghiệp” như “cây đũa thần” trong một sớm một
chiều có thể thay đổi cả một nền nông nghiệp vốn còn nhiều bất cập hiện
nay. Thậm chí là cái nhìn cục bộ, duy ý chí mang nặng tính phong trào,
hình thức bề nổi…để nó lại trở thành một thứ
“giấy phép con” - không những
là một bước lùi mà còn làm cho bà con nông dân khổ sở và vất vả hơn.
Từ
đây, thiển nghĩ, “giấy phép sản
xuất nông nghiệp” nên được tiếp cận ở phương diện nhận thức và tư
duy mang tầm chiến lược, vĩ mô thậm chí là mục tiêu quốc gia để củng cố
và phát triển nền nông nghiệp nước nhà trong thời gian tới. Cụ thể ở các
phương diện như sau:
Một là,
tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vấn đề
sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; quy trình thu hoạch, bảo quản,
tiêu thụ nông sản gắn với ý thức bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh
thực phẩm…theo quy chuẩn quốc gia và quốc tế…
Hai là,
xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện để ngày càng có nhiều doanh
nhân, tập đoàn chọn nông nghiệp làm ý tưởng khởi nghiệp cũng như phát
triển nền nông nghiệp nước nhà theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật vào trong toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu
thụ; từ đó góp phần thay đổi thói quen và tập quán canh tác lạc hậu,
manh mún hiện nay của đại bộ phận bà con nông dân…Song song đó là chính
sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật công nghệ cũng như định hướng về đầu ra…cho
người dân với quy mô gia đình, vừa và nhỏ…
Cuối cùng,
quy hoạch tiến đến đến luật hóa việc trồng lúa.
Như đã nói ở phần trước, cây lúa là sở trường là thế mạnh của
Việt Nam. Việc người dân miền Tây lâu nay làm lúa nhưng không giàu, lỗi
trước hết là thuộc về chính quyền Nhà nước trong các chính sách có liên
quan về chất lượng giống/gạo, quy trình sản xuất, giá thành đầu tư và
nhất là thị trường tiêu thụ. Thế nên, một tư duy đúng để giải quyết bất
cập và nghịch lý này là phải làm sao trong thời gian tới chính quyền Nhà
nước phải hỗ trợ người dân để họ giàu lên từ việc trồng lúa chứ không
phải khuyên họ từ bỏ sở trường và thế mạnh của mình trong khi việc
“chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp” vẫn chưa co sự chuẩn bị kỹ càng. Và để
giải quyết vấn đề này, thiển nghĩ, đã đến lúc cần phải
luật hóa việc trồng lúa nhằm
nâng cao chất lượng giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Liên quan đến vấn đề này, tôi đồng ý với quan điểm của GS Võ Tòng Xuân
cũng nhiều nhà khoa học khác, đó là, thời gian tới chúng ta cần quy
hoạch lại diện tích trồng lúa một cách căn cơ và khoa học hơn. Cụ thể,
với vị trí địa lý là các tỉnh đầu nguồn của vùng ĐBSCL, nhất là không bị
xâm nhập mặn, việc trồng lúa để cần được tập trung về hai tỉnh An Giang
và Đồng Tháp, một phần nào đó là Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long…Tuy vậy,
theo quan điểm của tôi, đã đến lúc chấm dứt tình trạng trồng lúa 3 vụ để
đất đai có thời gian “nghỉ ngơi”.
Tóm lại, một thái độ và tinh thần cầu thị, trách nhiệm trong tư duy và
nhận thức để cùng mở ra một hướng đi mới cho nền nông nghiệp nước nhà
trong bối cảnh và điều kiện mới là rất cần thiết. Tuy vậy, trước khi
triển khai cần có một lộ trình chuẩn bị căn cơ, dài hạn, cẩn trọng đặt
trong cái nhìn tổng thể nhằm hướng đến sự chuyên nghiệp hóa, công nghệ
hóa nền nông nghiệp. Đặc biệt, tránh cái nhìn cục bộ, duy ý chí hoặc tệ
hơn là dùng truyền thông để PR, “dọn đường” cho sự thăng quan tiến chức
của một vài cá nhân trong giai đoạn tranh giành và chuyển giao quyền
lực.
5. Tổng kết
Nguy cơ tan rã ĐBSCL đang ngày một hiện hữu. Dù muốn dù không việc “giải
cứu” ĐBSCL trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức và tầm nhìn
về quản trị quốc gia của nhà cầm quyền.
Về chuyện này, khách quan và công tâm mà nói, thời gian gần đây, sau khi
được nhiều người góp ý, phản biện, tầng lớp “lãnh đạo chóp bu” có vẻ đã
biết lắng nghe; bước đầu có sự cầu thị và thay đổi, sửa sai. ĐBSCL vì
thế, đã được chú ý và quan tâm nhiều hơn so với trước đó. Riêng vấn đề
này cần ghi nhận công lao của ông Nguyễn Xuân Phúc trong tư cách người
đứng đầu Chính phủ. Nhưng mừng đó mà cũng lo đó. Ông Phúc nhiệm kỳ tới
chắc chắn không còn ngồi ở ghế thủ tướng để tiếp tục triển khai, giám
sát Nghị quyết 120. ĐBSCL, vì thế lại phải chờ và phụ thuộc vào nhận
thức và tài “thao lược” của một ê kíp Chính phủ mới. Nếu nhưng người mới
vẫn tiếp tục bả thủ, không vượt qua cái nhìn định kiến vùng miền hoặc
“tư duy nhiệm kỳ” thì mọi chuyện rất có thể đâu sẽ lại vào đấy.
Ở phương diện khác, muốn “giải cứu” ĐBSCL thì tinh thần và trách nhiệm
của các nhà khoa học trong tư cách của những trí thức – kẻ sĩ chân chính
là vô cùng quan trọng. ĐBSCL muốn phát triển cần có sự phối hợp nhịp
nhàng giữa các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: kỹ thuật,
công nghệ, môi trường, lịch sử, văn hóa… nhằm tham vấn cho giới lãnh đạo
bằng thái độ cầu thị; tránh sự chủ quan, cảm tính…hay tệ hơn chỉ vì
tiền, vì phải giải ngân các đề tài, đề án mà bán rẻ phẩm cách.
Nói
tóm lại, suy cho cùng, không riêng gì việc “giải cứu” ĐBSCL, quốc gia
này, dân tộc này muốn phát triển trường tồn điều quan trọng nhất là tất
cả chúng ta (theo trình tự “Đảng ta”, tầng lớp trí thức, dân chúng) có
tự trọng, có biết xấu hổ và nhất là có dám thay đổi sau khi đã nhận ra
những sai lầm, sự ích kỷ của bản thân và phe nhóm mình hay không?
“Thuận thiên” không phải chỉ phụ thuộc vào “ý trời”, “mệnh trời”, hay
quy luật của tự nhiên một cách giản đơn và máy móc mà “thuận thiên”
trước hết là phải “tự hiểu mình” để ứng xử, hành xử theo quy luật của
Con Người. Vì con người cũng là một phần của thế giới tự nhiên; trước
khi hòa giải, hòa hợp với tự nhiên con người cần phải hòa hợp, hòa giải
với chính mình bằng trí tuệ và các giá đạo đức mang tính nền tảng và phổ
quát.
------
Nguồn tham khảo:
[1]:
“Dân kêu cứu vì ô nhiễm từ nhà
máy giấy Lee & Man”.
https://tuoitre.vn/dan-keu-cuu-vi-o-nhiem-tu-nha-may-giay-lee-man-1288934.htm
[2]:
“Trà Vinh: người dân bức xúc ô
nhiễm tro bụi từ nhà máy nhiệt điện”.
https://baotainguyenmoitruong.vn/tra-vinh-nguoi-dan-buc-xuc-o-nhiem-tu-tro-bui-nha-may-nhiet-dien-271381.html
CT, 24/03/2021
Q.H.N
|