TIẾNG DÂN
Vì sao Phật giáo Việt Nam có xu hướng ngày càng mê tín?
Văn Tâm
Cuốn theo vòng xoáy ràng buộc lợi ích
Ngày nay, đa số người đi chùa để cầu xin Phật ban cho tiền bạc, đậu một
kỳ thi, khỏi bệnh tật hay thăng tiến được một chức vụ nào đó. Người ta
còn cúng những số tiền rất lớn mong Phật ưu tiên cho ước mong của mình.
Năm 2021, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo
hội Phật giáo Việt Nam, vẫn lên tiếng khẳng
định: “Giáo hội hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính
pháp.” [1]
Trong khi đó, vào năm 2008, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hiện là người lãnh
đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lại
cho rằng: “Nói về gia tài Phật giáo Việt Nam, tôi nói đó là một cơ
đồ đã mục có thể sập […] người ta coi ông Phật cũng như ông Địa. Nghĩa
là thờ Phật để cầu buôn may bán đắt, cầu cho đừng bệnh tật, cho trúng số
đề.” [2]
Đạo Phật cho rằng việc cầu xin để đạt quyền lực hay tiền tài là một thực
hành mê tín, đi ngược lại với giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên, vì sao việc
thực hành Phật giáo tại Việt Nam lại ngày càng có xu hướng mê tín?
Cuộc đổi đời của các nhà sư
Sau năm 1975, các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam gần như bị hạn chế tuyệt
đối. Chính quyền đóng cửa các ngôi chùa, hoặc cho phép mở cửa vài ngày
trong tháng dưới sự giám sát rất nghiêm ngặt.
Thậm chí, đến năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nơi tập hợp
những nhà sư chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền về tôn giáo, được
thành lập thì đạo Phật vẫn còn rất khó khăn.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã
kể rằng trong những năm 1980, chùa của ông có lúc không còn gạo để
ăn: “Có đêm, ông thầy quản lý lên kêu, mình hết gạo rồi thầy ơi! Tôi làm
sao kiếm được gạo đây? Tôi cũng chả biết […] Rồi sau đó thầy trụ trì tức
thầy Đức Chơn cũng phải đi cúng […] Rồi có hôm mấy thầy lên thưa, thầy
trụ trì tối nay không thấy về, chả ai biết ra sao. Sáng ra thấy về, hỏi
thầy đi đâu vậy? Nói, thì vô “sở” ngồi vì hành nghề trái phép.” [3]
Đến năm 2007, thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi về nước đã nhận
địnhrằng một số nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xem như
những người đang làm ăn, “như đang có một cái nghề”, không còn là đại
diện cho nền đạo đức ngày xưa nữa. [4]
Và “những người làm ăn” ấy ngày nay đã được công chúng công nhận là
những người ăn nên làm ra với những ngôi chùa không khác gì các công ty
kinh doanh. Chuyện gì đã xảy ra trong thập niên 1990 làm thay đổi cuộc
đời của các nhà sư?
Tín ngưỡng dân gian trỗi dậy
Trong thập niên 1980, xã hội Việt Nam đã bị xô dạt mạnh nhất với hàng
loạt các biến chuyển ở quy mô lớn. Nền kinh tế bao cấp thất bại đã vùi
người dân xuống bùn lầy của nghèo đói. Sự cấm cản giao tiếp với thế giới
tư bản đã làm đất nước đi thụt lùi. Hàng trăm nghìn người đã tìm cách
vượt biên, rất nhiều người chết mất xác ngoài biển. Niềm tin của người
dân vào tương lai bị thách thức hàng ngày.
Trong bối cảnh mong manh như vậy, người dân phó
thác số phận của mình vào các đấng tâm linh siêu nhiên, nổi bật nhất
là các đền thờ dân gian như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Thiên Hậu, các vị
thần linh trong thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn,
v.v.). [5]
Năm 1982, một cán bộ Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đã lên
án hàng loạt hình thức tâm linh trên báo Giác Ngộ: “[…] Hoạt động
của hội ‘Bà Chúa xứ Nương Nương’ sử dụng kiểu đồng bóng cải tiến. Hồn
con vật nào nhập vào ai, người ấy phải cử động như con vật đó. Hội ‘Đền
thánh Phủ Giày’ vẫn giữ cách sinh hoạt bốc bát nhang và chữa bịnh bằng
tàn nhang, nước thải. Khi các cuộc tổ chức vượt biên xuất hiện thì việc
bói toán đều có những gợi ý chỉ có vượt biên mới làm ăn phát tài […]”.
[6]
Đến khi Việt Nam chính thức trở lại nền kinh tế thị trường thì các hoạt
động tâm linh còn sôi nổi hơn nữa. Người dân “làm ăn” trong tâm thế bất
an khi luật pháp chưa phát triển, các thiết chế kinh tế tư bản chưa vững
chắc, thì việc dựa dẫm vào thần linh là điều dễ hiểu. Từ Bắc vào Nam,
những chuyến hành hương đến các đền thờ tín ngưỡng dân gian để “giao
dịch” với các thần linh bùng nổ, không thể nào ngăn cản.
Năm 1990, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết 24 về
công tác tôn giáo, xác
định: “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo
là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều
điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới.” [7]
Đến lúc này, chính quyền bắt đầu chấp nhận các hoạt động tâm linh mà họ
từng lên án. Những hoạt động tâm linh này được cho là mang đến một khí
thế mới cho đất nước, tạo ra sự đoàn kết dân tộc trước các mối lo sợ khi
mở cửa với thế giới, thúc đẩy sự gắn bó đối với quê hương, thu hút người
Việt ở nước ngoài trở về Việt Nam. Từ đây, tín ngưỡng dân gian từng được
coi là mê tín dị đoan trong một thời gian dài bỗng trở thành “bản sắc
dân tộc”. Các cơ sở tín ngưỡng bắt
đầu được chính quyền trực tiếp quản lý, khai thác phục vụ nhiều mục
đích cả về kinh tế, văn hóa và chính trị. [8]
Có thể nói rằng những tín ngưỡng tâm linh dân gian được cho là mê tín,
thiếu hiểu biết ấy đã đưa người dân đi qua một giai đoạn khó khăn của
lịch sử. Tuy nhiên, trong thị trường tâm linh sôi động thời mở cửa, Phật
giáo vẫn còn giữ được truyền thống tu học, hướng dẫn người dân thực hành
giáo lý, chưa tổ chức các
lễ hội Phật giáo đầy màu sắc như hiện nay. [9]
Phật giáo thành công cụ chính trị
Năm 2003, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục ra Nghị
quyết 25 về công tác tôn giáo, trong đó có một số chủ trương đáng
chú ý như chống các “tà đạo”, còn gọi là các tôn giáo mới, xây dựng khối
đại đoàn kết dân tộc, đối ngoại bằng tôn giáo nhằm phản bác những chỉ
trích của thế giới về tự do tôn giáo tại Việt Nam. [10]
Vào lúc này, Việt Nam đang cần chứng tỏ với thế giới về tình hình tự do
tôn giáo. Phật giáo có thể là một lựa chọn hợp lý cho các mục tiêu vừa
nêu.
Phật giáo vốn là tôn giáo có bề dày lịch sử ở Việt Nam nên rất dễ thu
hút quần chúng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn là thành viên của Mặt
trận Tổ quốc, không bị ảnh hưởng từ các yếu tố nước ngoài, như Công giáo
hay Tin Lành, nên chính quyền sẽ rất dễ điều khiển.
Mặt khác, dù các lễ hội tín ngưỡng dân gian đang rất phát triển, nhưng
các lễ hội này thường tổ chức manh mún, không có một cơ quan quản lý
chung, không có chức sắc chuyên nghiệp, dễ sa đà vào tình trạng mê tín
dị đoan nặng nề, dễ nảy sinh ra các tôn giáo mới tạo gánh nặng cho việc
quản lý của chính quyền.
Do vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức được quản lý tập trung
và các nhà sư lãnh đạo giáo hội do chính quyền lựa chọn, trở thành một
giải pháp hoàn hảo. Nhiệm vụ của Phật giáo vì thế mang tính chính trị rõ
rệt, đó là cần phải thu hút đông đảo quần chúng để chứng tỏ tình hình tự
do tôn giáo tại Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc, thông qua đó tuyên truyền
chính sách của nhà nước về việc tuân thủ pháp luật, bảo vệ chế độ, góp
phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc có lợi cho chính quyền.
Tuy nhiên, giáo lý của Phật giáo rất đồ sộ, phức tạp, một người muốn
thực hành tốt đạo Phật cần phải bỏ thời gian và công sức đáng kể. Trong
khi đó, nhiệm vụ chính trị vừa nêu đòi hỏi phải thực hiện nhanh chóng, ở
một quy mô rộng lớn. Do vậy, một trong những giải pháp để dung hòa các
mục tiêu khác nhau là Phật giáo được định hướng “nhập thế” theo con
đường gắn chặt với các tín ngưỡng dân gian. Giáo hội Phật giáo Việt Nam
đã chủ trương tổ chức các lễ hội không phải là truyền thống của đạo
Phật, không lên án hoặc gián tiếp thúc đẩy việc người dân cầu xin tiền
tài, quyền lực nhằm cạnh tranh với các tín ngưỡng dân gian, và khiến
người dân ngày càng lệ thuộc vào Phật giáo.
Ràng buộc trong vòng xoáy lợi ích
Từ những năm 2000, những dự án du lịch tâm linh Phật giáo đồ sộ bắt đầu
được xây dựng tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Bà Nà (Đà Nẵng), Bái Đính (Ninh
Bình), v.v. Cho đến nay, hàng loạt các công trình tâm linh khổng lồ xuất
hiện nhan nhản ở khắp các tỉnh, thành.
Việc người dân càng lệ thuộc vào Phật giáo đã giúp chính quyền ổn định
chính trị, ngược lại, chính quyền cho giáo hội thêm không gian hoạt động
nhưng ràng buộc trong một vòng xoáy lợi ích. Giáo hội Phật giáo Việt Nam
nhiều năm trở lại đây đã công khai nhận lãnh sứ mệnh xây dựng khối đại
đoàn kết dân tộc qua các khẩu hiệu như “tốt đời đẹp đạo”, “đạo pháp –
dân tộc – chủ nghĩa xã hội”, “ích đạo, lợi đời”, v.v.
Trong văn
kiện Đại hội Phật giáo Khóa IX (2022 – 2027), giáo hội còn định
hướng rằng tăng ni, Phật tử sẽ “nâng cao hiệu quả phối hợp” với các đoàn
thể xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan nhà nước. Ngoài ra, việc
thực hiện liên kết, liên doanh với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp
nhằm “tạo nguồn tự chủ tài chính” cho các hoạt động Phật sự của giáo hội
được đề cập trong định hướng “lan tỏa triết lý Phật giáo trong xây dựng
văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân”. [11]
Do vậy, những ngôi chùa khổng lồ với sự hậu thuẫn của nhà nước và dẫn
dắt lợi ích từ phía doanh nghiệp đã khiến việc thực hành Phật giáo tại
Việt Nam ngày càng có xu hướng mê tín. Mặc dù về hình thức, du lịch tâm
linh mang lại nguồn lợi lớn, thay đổi bộ mặt nhiều địa phương, nhất là
các khu vực nông thôn, đồi núi, nhưng đó chỉ là tức thời, cục bộ. Lợi
ích kinh tế to lớn nhất vẫn xoay quanh mối quan hệ tay ba giữa các nhà
sư, doanh nghiệp, và chính quyền. Nó khiến nhà chùa và nhà nước ngày
càng gắn bó hơn.
Rõ ràng, xu hướng mê tín trong việc thực hành đạo Phật như hiện nay
không mang lại lợi lạc cho người dân về lâu dài. Đạo Phật đã nói rõ rằng
sự tham lam vật chất chính là con đường dẫn tới đau khổ.
_____
*Chú thích:
1. Tạp chí Tuyên giáo. (2021, April 7). Giáo hội Phật giáo Việt Nam
vững vàng đường hướng dân tộc – đạo pháp – chủ nghĩa xã hội. https://web.archive.org/web/20230203034849/https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-vung-vang-duong-huong-dan-toc-dao-phap-chu-nghia-xa-hoi-132805
2. Định hướng tương lai với thế hệ tăng sĩ trẻ. (2008, May 12).
Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a27487/dinh-huong-tuong-lai-voi-the-he-tang-si-tre-ngay-nay
3. Xem [2].
4. Khi nhà nước làm hư nhà sư. (2022, August 20). Luật Khoa tạp
chí. https://luatkhoa.com/2022/08/khi-nha-nuoc-lam-hu-nha-su/
5. Việt Nam sau 30/4/1975: “Mê tín dị đoan” trở thành “bản sắc dân
tộc” như thế nào – Kỳ 2. (2020, May 3). Luật Khoa tạp chí. https://luatkhoa.com/2020/05/viet-nam-sau-30-4-1975-me-tin-di-doan-tro-thanh-ban-sac-dan-toc-nhu-the-nao-ky-2/
6. Việt Nam sau 30/4/1975: “Mê tín dị đoan” trở thành “bản sắc dân
tộc” như thế nào – Kỳ 1. (2020, April 26). Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2020/04/viet-nam-sau-30-4-1975-me-tin-di-doan-tro-thanh-ban-sac-dan-toc-nhu-the-nao-ky-1/
7. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban
Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo. (2019, May
27). Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. https://web.archive.org/web/20230203035408/https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-ix/nghi-quyet-so-25-nqtw-ngay-1232003-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-ve-cong-tac-ton-giao-3474
8. Tín ngưỡng và công tác Quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng
hiện nay. (2022, May 10). Sở Nội Vụ Tỉnh Bình Thuận. https://web.archive.org/web/20230203035851/https://snv.binhthuan.gov.vn/1316/32261/66135/616540/ban-ton-giao/tin-nguong-va-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-hoat-dong-tin-nguong-hien-nay.aspx
9. Đằng sau dự thảo về tiền công đức: Khi chính quyền làm “trùm” kinh
doanh tâm linh. (2022, May 12). Luật Khoa tạp chí. https://luatkhoa.com/2022/05/khi-chinh-quyen-lam-trum-kinh-doanh-tam-linh/
10. Xem [7].
11. VĂN KIỆN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX: CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU, PHƯƠNG
HƯỚNG HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHIỆM KỲ IX (2022 – 2027). (2022, November).
Giáo Hội Phật Giáo Đà Nẵng. https://phatgiaodanang.vn/tin-tuc/van-kien-dai-hoi-phat-giao-khoa-ix-chuong-trinh-muc-tieu-phuong-huong-hoat-dong-phat-su-nhiem-ky-ix-2022-2027.html |