Blog VOA
9/9/19

Thấy gì từ ‘chính sách hình sự đặc biệt’ của ông Trọng?

Phạm Chí Dũng

Bộ Công an Việt Nam vừa ‘kiến tạo’ một khái niệm mới cứng: ‘chính sách hình sự đặc biệt’ dành cho Phạm Nhật Vũ - cựu chủ tịch AVG, và Trương Minh Tuấn - cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông, trong bản kết luận điều tra vụ AVG được công bố vào đầu tháng 9 năm 2019.

Điểm rất đặc biệt là khái niệm ‘đặc biệt’ trên không nằm trong bất kỳ quy định nào của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Chính khái niệm ‘chính sách hình sự đặc biệt’ được lồng ghép một cách tùy tiện và độc đoán như thế đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ và cho rằng Bộ Công an đã hành xử vô pháp khi tự ý đưa vào kết luận điều tra ‘quy định’ đó.

Nhưng Bộ Công an đã căn cứ vào đâu để kiến nghị ‘chính sách hình sự đặc biệt’ áp dụng cho Phạm Nhật Vũ và Trương Minh Tuấn?

‘Ăn ít’ và ‘ăn nhiều’

Theo kết luận điều tra, Phạm Nhật Vũ được đánh giá là “đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ số tiền cả gốc và lãi, chi phí dự án góp phần tối đa làm giảm thiệt hại cho nhà nước. Ngoài ra gia đình bị can Vũ được cho là có công với cách mạng, bản thân bị can có nhiều đóng góp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Hội chất độc màu da cam và các hoạt động an sinh xã hội…”

Còn cựu Bộ trưởng thông tin kiêm Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương Trương Minh Tuấn thì được cho là “thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác và tự nguyện nộp lại tiền hưởng lợi bất chính”.

Trong khi đó, Nguyễn Bắc Son chỉ “được xem xét các tình tiết giảm nhẹ vì có nhiều thành tích trong công tác, có mong muốn nộp khắc phục số tiền nhận hối lộ”.

Tuy nhiên nếu căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự với khung án tử hình dành cho hành vi nhận hối lộ từ 500 triệu đồng trở lên, thì cả Nguyễn Bắc Son lẫn Trương Minh Tuấn đều không phải ‘dựa cột’, bởi số tiền nhận hối lộ của hai quan chức này lần lượt là 3 triệu USD và 200.000 USD - theo kết luận điều tra Bộ Công an.

Thế nhưng theo rất nhiều dư luận, những con số nhận hối lộ trên vẫn là quá nhỏ so với số tiền thực đã ‘ngậm’ của hai bị can Son và Tuấn.

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ bị thất thoát, tức phải đến hàng ngàn tỷ đồng.

Một cơ sở có tính thuyết phục rất cao về ‘tỷ lệ ăn chia’ trên là vụ Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao. Công bố này do chính kết luận điều tra của Bộ Công an thể hiện vào năm 2018.

Còn Trương Minh Tuấn là quan chức đã thực hiện ‘nhiệm vụ’ trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Trương Minh Tuấn cũng là quan chức bị dư luận nghi ngờ về việc đã nhận một ngôi biệt thự trị giá hàng triệu USD của Phạm Nhật Vũ - em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng nhiều ‘cục gạch’ (‘cục gạch’ là tiếng lóng trong đời sống riêng của giới quan chức Việt Nam khi đưa và nhận hối lộ. Mỗi ‘cục gạch’ có giá trị 100.000 USD).

Vì sao mỗi nẻo đời một số phận?

Trong số các quan chức bị tống giam thuộc vụ AVG, ‘thiền sư’ Phạm Nhật Vũ tuy là một trong những kẻ chủ mưu nhưng té ra lại có số phận ‘ngon’ hơn cả. Lý do: Vũ là em ruột của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng - chủ Tập đoàn Vingroup. Vượng không chỉ là người giàu nhất Việt Nam và đã được Tạp chí quốc tế Forbes xếp vào danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới, mà còn có ‘quan hệ đặc biệt’ với rất nhiều quan chức cao cấp trong Bộ Chính trị đảng - những mối quan hệ được dư luận cho rằng có thể khiến xoay chuyển phần lớn cục diện một chính sách điều hành kinh tế, thậm chí có thể tác động cả về ‘quan điểm chính trị’ hay ‘tổ chức nhân sự’.

Hơn nữa, nhiều nguồn tin cho biết Phạm Nhật Vượng đã bỏ tiền túi của mình để ‘khắc phục hậu quả’ cho Phạm Nhật Vũ trong vụ AVG, và đó là hành động ‘ói ra’ đầu tiên và làm gương cho những quan chức khác phải bắt buộc làm theo nếu muốn được giảm nhẹ tội hoặc thoát tội. Tất nhiên hành động đó của Phạm Nhật Vượng đã làm cho Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương Nguyễn Phú Trọng tạm hài lòng, bởi việc bắt phải ‘ói ra’ chính là một chủ trương lớn và cũng là một trong những điều kiện cần rất quan trọng của Trọng khi chỉ đạo lượng án và ‘án bỏ túi’ đối với các quan chức tham nhũng đã bị bắt. Trong bối cảnh tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hiện thời ở Việt Nam mới chỉ nhích lên được con số 13% từ tỷ lệ dưới 10% trước đây - còn cách quá xa tỷ lệ yêu cầu 50%, bất cứ món tiền ‘khắc phục hậu quả’ nào có giá trị ngàn tỷ đồng trở lên đều được đảng hoan nghênh. Số tiền đó sẽ được dùng để chi phí nuôi đảng và nuôi bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức, với ít ra 30% trong số đó là ăn không ngồi rồi và thực thi nhiệm vụ ‘hành là chính’.

Noi theo ‘tấm gương’ Phạm Nhật Vũ, đến lượt cựu Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trương Minh Tuấn. Đến lúc này, Tuấn không còn gân cổ ‘chống diễn biến hòa bình’ và đòi thanh trừng ‘thế lực thù địch’ trong hệ thống báo chí quốc doanh và giới văn nghệ sĩ nữa, mà đã phải ‘ói ra’ 200.000 USD (theo kết luận điều tra Bộ Công an).

Vả lại nếu so với thủ trưởng Nguyễn Bắc Son đầy thủ đoạn luôn biết ‘chùi mép’ khi nhận hàng đống đô la nhưng không hề đặt bút ký phê duyệt hợp đồng vụ AVG, Trương Minh Tuấn ‘ăn’ ít hơn hẳn dù phải đưa đầu ra ký duyệt hợp đồng thảm họa này. Cộng thêm ‘thành tích công tác’ của Tuấn, mà thực chất Tuấn đã từng là ‘gà’ của Nguyễn Phú Trọng, được ông Trọng đưa lên ghế Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông vào năm 2016 và sau đó còn được cho kiêm chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, rất có thể Trương Minh Tuấn đã được Nguyễn Phú Trọng rủ lòng thương xót để không những không bị ‘dựa cột’ hay chịu án chung thân mà còn có thể hưởng mức án nhẹ nhàng khi ra tòa.

Còn Nguyễn Bắc Son thì sao?

Cho tới giờ, Son chỉ mới hé miệng ‘khắc phục hậu quả’ có 500 triệu đồng, trong khi số tiền ‘ăn chia’ vụ AVG của Nguyễn Bắc Son có thể còn cao hơn chứ không chỉ 3 triệu USD như kết luận điều tra của Bộ Công an - quá đủ để Son phải nhận hàng chục án tử hình.

Hẳn cái thói ăn thì quá đậm, quá tham nhưng ‘nhả’ lại quá ít của Son đã khiến Nguyễn Phú Trọng không thể hài lòng, nếu không muốn nói là ghét cay ghét đắng. Cũng bởi thế, số phận của Nguyễn Bắc Son, cho dù sắp tới có phải ‘ói ra’ bằng hết, cũng khó được nương nhẹ hay hưởng ‘chính sách hình sự đặc biệt’ như Phạm Nhật Vũ và Trương Minh Tuấn.

Cũng cần bổ sung, tính từ ‘đặc biệt’ đã trở nên nổi bật trong nền chính trị độc đảng và độc tài ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt tại đại hội đảng 12 khi lần đầu tiên đảng tự đưa ra quy định về ‘trường hợp đặc biệt’ để xem xét cho những quan chức đã quá tuổi bộ chính trị được tiếp tục ngồi tiếp và ‘cống hiến’, chẳng hạn như Tổng bí thư Tọng và Thứ trưởng công an Bùi Văn Nam.

Không loại trừ khả năng tính từ ‘đặc biệt’ trên đã được phiên bản từ hoạt động chính trị sang hoạt động lượng án hình sự, thậm chí còn được chỉ đạo bởi đích thân Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương Nguyễn Phú Trọng - để cuối cùng biến thành một ‘kiến tạo’ bị coi là tuyệt đối vô pháp trong kết luận điều tra vụ AVG của Bộ Công an Việt Nam