Loạt bài về Phạm Xuân
Ẩn
Kỳ 1
1. Câu chuyện đời ông có không suôn sẻ? Thông qua nữ đạo diễn phim tư liệu Lê Phong Lan, tôi gặp Larry Berman - giáo sư khoa học chính trị Trường đại học California, Davis. Cuộc gặp diễn ra ở một nhà hàng lẩu cá kèo bình dân ở đường hẻm cạnh chùa Xá Lợi. Tôi nhớ đúng dịp World Cup 2006 (?). Giáo sư Larry không ăn thịt nên chúng tôi luôn chọn lẩu cá. Câu chuyện luôn bị cắt quãng vì tiếng hò la của các bàn bên cạnh đang xem đá banh. Sau này, mỗi khi sang Việt Nam, sau khi tiếp xúc với thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, ông có nhiều cuộc gặp với tư cách là nhóm những người viết về Phạm Xuân Ẩn và cần chia sẻ. Khi đó, giáo sư Larry đang gấp rút khâu cuối cho cuốn “Điệp viên hoàn hảo”. Ông luôn lo sợ một điều (đã xảy ra trong thực tế): người tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn đang đau ốm nặng, có thể chết bất cứ lúc nào mà không kịp thấy cuốn sách. Cuộc trao đổi với giáo sư Larry Berman thường xoay quanh các trở ngại phải vượt qua khi làm sách và sau nữa là cùng nhau xem xét, đánh giá các sự kiện, có khi cùng nhau đoán thử xem việc này, ý nghĩ nọ. Giáo sư Larry có nhiều câu hỏi, tại sao từ sau giải phóng, ông Ẩn không được phép sang Mỹ dù có nhiều lời mời? Vì sao lãnh đạo ngành tình báo chọn Ẩn sang Mỹ học báo chí? Giữa nghề làm tình báo và làm nhà báo, liệu ông Ẩn thích công việc nào hơn? Ông Ẩn lấy vợ do tình yêu hay do tổ chức sắp xếp như một số trường hợp thường gặp trong kháng chiến có nhiều cặp thành vợ chồng do tổ chức giới thiệu? Thậm chí sau ngày ông Ẩn mất, vào tháng 9-2007, khi sang Việt Nam chuẩn bị cho cuốn “Điệp viên hoàn hảo” được dịch và xuất bản tại Nhà xuất bản Thông tấn, giáo sư bùi ngùi thương tiếc và hỏi: Liệu tính cách như ông Ẩn, chắc gì ông đã thích mình được chôn nơi long trọng của các vị tướng, hay là ông thích mình được như một người dân thường? Còn bạn đọc khắp nơi cũng còn nhiều điều muốn biết. Sau khi Báo Tuổi Trẻ trích đăng một số kỳ từ cuốn “Điệp viên hoàn hảo” của Larry Berman, bạn đọc vẫn chưa thỏa mãn. Một đề nghị từ Báo Tuổi Trẻ yêu cầu tôi có thể viết thêm gì nữa để đăng tiếp theo nhưng tôi nói những gì tôi rõ nhất đã viết trong cuốn sách nhỏ của tôi rồi - “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời”. Bạn đọc hỏi: Câu chuyện đời ông sau giải phóng có phải không suôn sẻ, bị nghi kỵ, thậm chí như một thứ “quản thúc” có người theo dõi không (như lời một số đài, báo phương Tây)... Vợ con ông đã ra đi rồi sau đó trở về như thế nào? v.v... 2. Larry Berman: “Có khi tôi phải bỏ chạy” Tất cả những câu hỏi đó chỉ càng chứng tỏ cho dù đã có nhiều sách báo viết về ông thì ông cũng đã mang theo khá nhiều điều chúng ta không thể biết được. Để viết cuốn sách của mình, giáo sư Larry Berman đã sang Việt Nam 25 lần, đã lục tìm bao nhiêu tài liệu mật ở Mỹ, phỏng vấn cả trăm người quen biết Phạm Xuân Ẩn (phần lớn những người quen thân nhất trong đời hoạt động của ông đều sống ở Mỹ và một số nước) - Nếu bạn đọc cuốn “Điệp viên hoàn hảo” bản tiếng Anh (Perfect Spy) in tại Mỹ sẽ thấy phần phụ lục các tài liệu tham khảo (phần này không có ở bản tiếng Việt) công phu như thế nào. Tất cả người viết về Việt Nam sẽ không có được bề dày tư liệu lớn đến thế. Giờ đây dù đã có Yahoo và Google và những người từng hoạt động, từng có liên quan công tác với ông Ẩn và kể cả người thân yêu ruột thịt của ông cũng không thể cung cấp trọn vẹn tài liệu về một người hoạt động đơn tuyến như Phạm Xuân Ẩn đã phải sống suốt cuộc đời dài đơn độc trong lòng đối phương. Ở Việt Nam, giáo sư nhận được nhiều sự giúp đỡ từ tài liệu, tiếp xúc, cho đến cả nhân viên khách sạn Quê Hương Liberty 2 “đã luôn đảm bảo cà phê và trà nóng có sẵn mang đến cho tôi lúc 4 giờ sáng để tôi có thể bắt đầu viết” (Lời cảm ơn trong cuốn “Điệp viên hoàn hảo”). Còn chính tôi được chứng kiến, được biết là sự giúp đỡ của nữ đạo diễn Phong Lan. Chị tạo điều kiện cho giáo sư tiếp xúc với các đồng đội của ông Ẩn, tổ chức chuyến đi để quay phim các đồng đội trong nhóm tình báo cùng đi Củ Chi thăm chiến trường xưa. Chị đã đưa cả tôi và giáo sư Larry xuống Long An thăm và phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ba, nữ anh hùng, người giao thông liên lạc khi xưa chuyển tài liệu cho Phạm Xuân Ẩn. Trong căn nhà có vườn cây lá sum suê, giáo sư được thấy tình cảm đầm ấm của người Việt Nam như thế nào. Sau bữa ăn trưa với lẩu cá nấu chua tại hiên nhà, trước khi ra xe, ông được bà Ba tặng cả một nải chuối lớn vừa chặt sau vườn. Tôi nghĩ không phải chỉ có cuộc tiếp xúc lần này ông giáo sư Mỹ mới hiểu về Việt Nam. Ông đã viết nhiều sách về Việt Nam rồi. Nhưng chắc chắn mỗi cuộc tiếp xúc như thế tất nhiên làm giàu thêm sự hiểu biết đó. Trong cuốn sách của mình và cả trong các cuộc trao đổi bên lề với chúng tôi, tất nhiên ông có cái nhìn của một người Mỹ với các quan điểm riêng chưa chắc giống chúng tôi nhưng có một điều chung nhất giúp chúng tôi mau chóng hiểu nhau. Đó là sự quan tâm yêu kính Phạm Xuân Ẩn, một người anh hùng của Việt Nam, một nhân cách Việt. Và sau nữa là cùng chung nỗi khó khăn khi lao động tìm kiếm tài liệu và suy xét (tất nhiên nỗi khó khăn này không giống nhau. Ông gặp khó “kiểu Mỹ”, còn tôi gặp khó “kiểu Việt Nam”). Có lần ông nói vui trong bữa ăn rằng ông cố gắng khách quan theo phong thái người làm sử, rồi thế nào cũng gặp phản ứng mãnh liệt ở Mỹ. Tôi hỏi: “Phản ứng mãnh liệt và hoạn nạn ông có thể gặp tới cỡ nào?”. Ông cười vui: “Có khi phải “bỏ chạy” khỏi Mỹ để sang Việt Nam...” Tôi cũng đùa lại: “Nếu vậy ông cứ chạy sang đây, tôi sẽ dùng lương hưu trí để nuôi ông, rồi cả hai chúng ta sẽ cùng... đi ăn mày!”. Tuy vậy, sau khi cuốn sách của ông xuất bản ở Mỹ được hoan nghênh nhiệt liệt. Trong lần gặp lại sau cùng tại Sài Gòn tháng 9-2007 giáo sư cho biết đã bán hết 20.000 cuốn ngay đợt đầu vừa ra mắt. Sau năm tháng sẽ tái bản, sẽ ra ấn bản bìa mềm giá 10-15 đôla. Hiện cuốn bìa cứng giá 25 đôla. Để đưa cuốn sách đến công chúng, nhà xuất bản đã bố trí cho ông đi một vòng nước Mỹ, đến các trường đại học để nói chuyện về cuốn sách. Sang Việt Nam, ông cũng có nhiều cuộc thuyết trình ở trường đại học, trả lời nhiều phỏng vấn báo chí. Họ biết làm book event. Vào dịp sách của ông xuất bản ở Việt Nam, báo chí có trích đăng dài kỳ. Tôi nghĩ ông Larry Berman tuy vất vả nhưng vẫn là người may mắn nhất trong số các tác giả (mà theo tôi biết thì có ba người nước ngoài và năm tác giả Việt Nam) viết sách, làm phim tài liệu về Phạm Xuân Ẩn. Nhà văn Nguyễn Khải và Chu Lai lấy mẫu để viết tiểu thuyết hư cấu. Nhà báo Hoàng Hải Vân viết sách tư liệu nhân vật từ các bài báo của anh. Chị Lê Phong Lan làm phim tài liệu. Những tác giả Việt Nam đều phải vượt qua nhiều khó khăn. Riêng tôi, có khá nhiều điều chưa viết ra hết được.
. Kỳ 2: Ông Ẩn trông đợi gì ở Larry Berman?
Giáo sư Berman có nhiều câu hỏi, tại sao từ sau giải phóng, ông Ẩn không được phép sang Mỹ dù có nhiều lời mời? Vì sao lãnh đạo ngành tình báo chọn Ẩn sang Mỹ học báo chí? Còn ông Ẩn tự đánh giá lúc gặp các nhà lãnh đạo tình báo ở căn cứ Phú Hòa Đông: Tôi cho mình thuộc loại “phản động ghê gớm”. 3. Cách mạng chi cho Ẩn một tháng bao nhiêu? Cuộc trao đổi với giáo sư Larry Berman thường xoay quanh các trở ngại phải vượt qua khi làm sách và sau nữa là cùng nhau xem xét, đánh giá các sự kiện, có khi cùng nhau đoán thử xem việc này, ý nghĩ nọ. Giáo sư Berman có nhiều câu hỏi, tại sao từ sau giải phóng, ông Ẩn không được phép sang Mỹ dù có nhiều lời mời? Vì sao lãnh đạo ngành tình báo chọn Ẩn sang Mỹ học báo chí? Giữa nghề làm tình báo và làm nhà báo, liệu ông Ẩn thích công việc nào hơn? Ông Ẩn lấy vợ do tình yêu hay do tổ chức sắp xếp như một số trường hợp thường gặp trong kháng chiến có nhiều cặp thành vợ chồng do tổ chức giới thiệu? Thậm chí sau ngày ông Ẩn mất, vào tháng 9-2007, khi sang Việt Nam chuẩn bị cho cuốn “Điệp viên hoàn hảo” được dịch và xuất bản tại Nhà xuất bản Thông tấn, giáo sư bùi ngùi thương tiếc và hỏi: Liệu tính cách như ông Ẩn, chắc gì ông đã thích mình được chôn nơi long trọng của các vị tướng, hay là ông thích mình được như một người dân thường? Ông Ẩn có một người chỉ huy trực tiếp nữa có thể biết được rành câu chuyện. Cách đây nửa thế kỷ, ông Ẩn bước vào hoạt động làm báo cho phương Tây sau khi đi học ở Mỹ về. Người đó là đại tá Xuân Mạnh, tức Mười Nho - lúc đó là trưởng ban tình báo Sài Gòn. Ông Mười Nho là người đã làm báo cáo thành tích để nhà nước phong Anh hùng lực lượng vũ trang cho Phạm Xuân Ẩn. Ông tâm sự: “Khi giáo sư Larry Berman xin gặp tôi, Ẩn giới thiệu, nói trước là: Ổng sẽ khai thác ông đó! Tôi cười: Khai thác tôi sao được! Tôi có suy nghĩ thế này: Một người Mỹ viết về tình báo Việt Nam thì tôi chưa đánh giá được suy nghĩ, ý đồ của ông ấy. Nhưng qua tất cả những gì các tác giả Mỹ viết về Việt Nam mà tôi đã đọc, tôi thấy phần lớn họ không đánh giá được đúng vào vấn đề căn bản. Người thì viết lý do thất bại là thiếu này, thiếu kia, quân số, vũ khí, sao không giúp miền Nam cao hơn nữa, tại sao không đánh áp đảo miền Bắc hơn nữa, rồi đưa quân vào đến mức độ nào. Thất bại vì không đưa vào nửa triệu quân, chi phí quân sự không bó hẹp mấy ngày một tỷ. Kể cả McNamara thì cũng chỉ đánh giá về quân sự mà không thấy được điều họ không thể “trị” được chính là tình yêu nước, nền văn hóa của một dân tộc vĩ đại”. Ông Mười Nho còn kể lại câu hỏi của giáo sư Larry Berman: Thời kỳ làm chỉ huy, ông chi cho Ẩn một tháng bao nhiêu? “Tôi biết, các anh sẽ hỏi tình báo Việt Nam được chi bao nhiêu, tốn bao nhiêu để thành vĩ đại. Tôi đã trả lời giáo sư rằng: Chúng tôi chả có tiền. Có khi Ẩn còn phải gửi tiền cho chúng tôi mua máy ảnh và các phương tiện nghiệp vụ. Chưa khi nào chúng tôi gửi tiền cho Ẩn. Đó là điều các ông không hiểu”. Những tài liệu Mỹ tổng kết, phân tích Mỹ thua vì đánh giá trật Việt Nam. Tại sao Ẩn hoạt động trong nguy hiểm kéo dài từ 1949 đến 1975, xung quanh là địch, là CIA, là công an, cảnh sát mà Ẩn can đảm, thông minh lấy được những tài liệu Bộ tổng Tham mưu ngụy chưa có mà đã có ở trên bàn tướng Giáp? Đã có đánh giá nào của Mỹ đúng về những điều này chưa?”. 4. Thầy Hai Sài Gòn Ông Mười Nho là một trong số nhiều cán bộ lãnh đạo đã góp phần trực tiếp vào hoạt động của Phạm Xuân Ẩn. Ông hồi tưởng: “Khi tôi ở Phnom Penh, chuẩn bị về miền Nam hoạt động, có xây dựng một số học sinh, sinh viên yêu nước. Vào năm 1960, khi tôi và anh Cao Đăng Chiếm về lại Sài Gòn, đã tìm tới anh Sáu Dân (tức nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) lúc đó là bí thư khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Về công tác Đảng, tôi trực thuộc thẳng với bí thư, về chuyên môn thuộc Ban địch tình Xứ ủy lúc đó anh Mai Chí Thọ trưởng ban, Cao Đăng Chiếm phó ban. Trong số các sinh viên, học sinh cơ sở của tôi, có cậu quan hệ với nhóm chị Phương Điền, cán bộ phụ nữ khu Sài Gòn-Chợ Lớn (sau giải phóng chị là Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM). Cậu này cho biết nhóm trí thức hoạt động của chị Phương Điền có Tám Thảo đang được Hai Trung (tức anh Ẩn) dạy tiếng Anh cho”. Lúc đó, ông Mười Nho chưa biết Hai Trung đã là tình báo của cách mạng đã vào Đảng. Chỉ biết đó là một nhà báo, thành phần gia đình tốt, đi học ở Mỹ về. Đó là thời kỳ Phạm Xuân Ẩn đã là nhà tình báo nhưng ngay phía cách mạng cũng nhiều người không được biết. Ông Mười Nho gặp Tám Thảo để tìm hiểu thêm con người của Ẩn. Tám Thảo lúc đó đã hoạt động liên lạc, là một người chủ chốt của lưới tình báo... Xinh đẹp, con nhà nòi, sang trọng, nói tiếng Anh, cô rất dũng cảm. Tám Thảo báo cáo với ông Mười Nho về tính tình, con người của Hai Trung. “Cô dẫn anh ta lên đây gặp được không? Tôi hỏi Tám Thảo, rồi chính tay tôi viết lá thư mời với danh nghĩa chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Đó là vào khoảng giữa năm 1961” - ông Mười Nho kể lại. Cuộc gặp gỡ ở căn cứ vùng Phú Hòa Đông - Củ Chi. Phạm Xuân Ẩn ở đó làm việc, trao đổi, phân tích tình hình trong suốt ba ngày với ông Sáu Dân, ông Cao Đăng Chiếm. Có cả cát-xét ghi âm nhưng sau khi nghe kỹ, phải đốt liền vì lý do bảo mật. Trong một cái chòi sát bờ sông Sài Gòn, mọi việc ăn ở, sinh hoạt lúc đó do anh Hai Thương lo (anh hùng Nguyễn Văn Thương - sau này là nhân vật của cuốn sách nổi tiếng “Người bị CIA cưa chân sáu lần”). “Anh Hai Thương là người lo bữa ăn, bắt cá dưới sông, đi xin rau củ của đồng bào chứ không chợ búa gì, còn phụ trách luôn cả việc nước nôi, dẫn cả Phạm Xuân Ẩn đi tắm”. Hình ảnh đầu tiên của ký giả Phạm Xuân Ẩn mà ông Mười Nho nhớ tới bây giờ: “Ẩn tự lái xe lên gửi ở đồn Phú Hòa Đông, chắc là có giới thiệu là người của ông Trần Kim Tuyến đi làm nhiệm vụ. Cô Tám Thảo giao Ẩn cho một liên lạc rồi đi. Người liên lạc đó dẫn Ẩn tới gặp chúng tôi. Ẩn rõ ra là một nhà báo: áo sơ mi đỏ, quần kaki Mỹ, mang giày đàng hoàng, hút thuốc bằng chiếc píp lớn, hoàn toàn là dân Sài Gòn. Tôi, Mười Nho này - chỉ giới thiệu thế là anh em ôm nhau thân thiết. Anh Sáu Dân, anh Cao Đăng Chiếm mừng lắm. Chúng tôi làm việc liên tục bất kể trưa, tối”. Nghe Ẩn báo cáo, lãnh đạo thấy rõ với mối quan hệ rộng lớn, khá phức tạp, anh có thể làm tốt nhiệm vụ nhưng phải có khả năng đề phòng cao, an toàn tuyệt đối. Ẩn cũng tự phân tích: “Tôi cho mình cũng thuộc loại “phản động ghê gớm”, vô chỗ ông Nhu lúc nào cũng được. Các tướng của Sài Gòn muốn được cất nhắc, được biết đến, muốn Reuters đưa vài câu thì lại nhờ Ẩn”. Chính trong vị trí và mối quan hệ rộng lớn, nhiều cơ hội hoàn thành nhiệm vụ mà cũng đầy hiểm nguy ấy, ban lãnh đạo hôm ấy đã giao nhiệm vụ cho Ẩn thật rõ ràng và thật thấu đáo. 5. Ông Sáu Dân: “Cậu này có tầm cỡ tình báo quốc tế” Ẩn đã được giao nhiệm vụ thế nào qua buổi làm việc quan trọng đó? “Đảng, cách mạng cần những tin tức mang tầm chiến lược: những chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch lớn của Mỹ đối phó với cách mạng miền Nam như thế nào? Ẩn cũng được giao nhiệm vụ cụ thể, cách thức liên lạc như thế nào? Những tình huống khẩn cấp sẽ liên lạc ra sao? Nhiều vấn đề bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Phạm Xuân Ẩn cũng được xem xét, trong đó có việc quan trọng là chọn người liên lạc”. (Lời ông Mười Nho). Ban đầu, lãnh đạo đã tổ chức cho ông Ẩn một liên lạc 24 tuổi, gia đình cách mạng. Người này chạy xe lam chở hàng từ Trảng Bàng về chợ Sài Gòn. Nhưng ông Ẩn suy tính các điều kiện lâu dài, thấy anh này trẻ tuổi, dễ bị bắt đi lính thì phức tạp. Phải tìm được kiểu người “bảo đảm về chính trị, bị đánh thà chết không khai”. Vì công việc này không được phép đổ vỡ, khai báo. Ông Mười Nho báo cáo yêu cầu này lên ông Võ Văn Kiệt và được ông chọn cho chị Nguyễn Thị Ba. Ông Mười Nho kể lại: “Chính vào lúc đó anh Sáu Dân đã nói một câu thật đặc biệt và sau này diễn ra đúng như vậy. Anh Sáu bảo: Cậu này làm tình báo cho cách mạng ngang hàng với cỡ tình báo quốc tế. Phải làm thế nào bảo đảm cho bằng được, không được bể liên lạc”.
Kỳ 3: “Điệp viên hoàn hảo” chưa lý giải được năm chuyện
Tại bàn café ở hẻm nhỏ đường Lê Văn Sỹ Tết Mậu Tý 2008 vừa qua, ông Mười Nho trả lời rõ năm chuyện mà dư luận thắc mắc. Ông nói đó cũng là năm chuyện ông thấy chưa thỏa đáng ở cuốn “Điệp viên hoàn hảo” của giáo sư Larry Berman và các nhà báo phương Tây. Ông Mười Nho cũng nhớ mãi thắc mắc của giáo sư Larry Berman: Một người như Ẩn, sống suốt đời trong điều kiện cao cấp, vật chất đầy đủ, ở thế giới đối phương, làm sao chịu đựng nổi khó khăn sau giải phóng, nhất là với nội bộ khe khắt. Có lẽ đây là điều khiến tác giả phương Tây thường suy diễn và nhận định rằng Ẩn đã có thời kỳ buồn nản, bất mãn. 6. Những chuyện nhạy cảm Tôi đến thăm ông Mười Nho cùng bác sĩ Lâm. Nhưng vì đau mắt đỏ sợ lây sang ông ở tuổi đã cao nên đề nghị ông ra tiếp tôi, cùng trò chuyện tại một bàn café quán cóc ở ngõ hẻm. Ông gọi café nhưng tôi xin phép không đụng vào ly chén nào, tôi không uống gì, chỉ muốn nghe chuyện ông kể về Phạm Xuân Ẩn. - Hỏi: Chi tiết ông Ẩn có ý muốn vượt biên, sự thật thế nào anh có biết không ạ? + Ông Mười Nho: Ẩn mất rồi, sẽ không nghe được anh nói rõ chuyện này. Tôi sẽ lý giải theo cách của tôi: có thể khi Ẩn đau nặng, nói thế nào đó gây hiểu lầm. Khi Ẩn đau nặng, tôi có đến nhà khuyên hai vợ chồng nên thu xếp để đi nước ngoài trị bệnh. Nên tìm nơi tốt nhất như Pháp hoặc Singapore. Tôi cũng nói với bác sĩ Lâm có người bạn là bác sĩ ở Pháp về, thử hỏi thăm xem bệnh về nghẽn mạch phổi thì chữa ở đâu. Có thể Ẩn nói ý này chăng. . Chuyện anh nói mới xảy ra năm 2006. Nhưng chuyện vượt biên thì phải là thời kỳ khủng hoảng kinh tế-xã hội những năm sau giải phóng kia! + Tôi không tin. Ẩn là người trung thực, anh ấy không muốn làm gì sai trái cho cá nhân. . Việc thứ hai: Phạm Xuân Ẩn có bị nghi kỵ, theo dõi hay không? Vì ngay thời gian tôi tiếp xúc với anh Ẩn, anh ấy bảo: Lát nữa chị ra cổng là vào sổ đen đấy! Nói vậy với vẻ cười cười, không rõ? + Ẩn hay nói câu đó thật. Các ông đến tôi bị theo dõi đấy. Tôi nói với Ẩn: anh ở trong ngành thì biết, có một thời kỳ bất cứ người nước ngoài nào đến Việt Nam, đi đâu đều bị kiểm tra cả. Đó là chức năng ở một thời kỳ nhất định sau chiến tranh. Tôi có hỏi con gái tôi, là công an phường nơi Ẩn sinh sống, xem thực hư thế nào. Cháu kể là thỉnh thoảng có rẽ thăm chú Ẩn, chú cười trêu: Nga lại kiểm tra chú à? Cháu trả lời là chú biết cả rồi sao lại hỏi vậy ạ... Tất cả những theo dõi kiểm tra lúc đó không phải với mình Ẩn. Cả xã hội lúc đó vậy.
. Việc thứ ba: Phạm Xuân Ẩn có bị nghi ngờ không, vì đã sống quá lâu với đối phương, hoàn toàn đơn tuyến? + Nếu có thì cũng là người ở bên ngoài. Còn tất cả những người lãnh đạo cao cấp đều rất hiểu và chăm sóc Ẩn. Anh Phan Bình, Cục trưởng Cục Nghiên cứu tình báo thời chống Mỹ thường hỏi tôi thời kỳ sau giải phóng: Đời sống Trung ra sao? Trước làm cho Mỹ, lương cao thế, giờ tiêu chuẩn chế độ này làm sao sống? Có lúc anh còn mời cả Ẩn tới nhà để hỏi thăm cụ thể: Cậu chịu nổi không? Chịu dần thay đổi phù hợp thực tế mới được không. Anh ấy nói với tôi: Cậu xem theo sát thế nào, nó sống tằn tiện, dù khó khăn nhưng phải đủ. Tôi cũng nói chuyện với Ẩn, biết lương đại tá không bao nhiêu, Ẩn chỉ đi cái xe PC-50 của Nhật. Chả một cái, tôi một cái giống nhau. Không có xăng mà đi nữa chớ. Tổ chức có hỗ trợ nhưng không đủ, vì cả nước cùng thiếu thốn. Tôi thấy Ẩn là người tin yêu, quan tâm. Ẩn không khi nào nghĩ không được đối xử xứng đáng. Ẩn còn bảo: Chính các anh hoạt động từ trước cách mạng mà đâu được chăm lo như tôi. Cậu ấy thấy. Tôi là cấp trên mà sao bằng Ẩn được, Ẩn không là người bất mãn cá nhân, nhưng có thể có nhiều suy nghĩ về thời cuộc. Thời kỳ chậm chuyển đổi chính sách kinh tế sau giải phóng, “chả” có trao đổi lo lắng với tôi. Cái này là suy nghĩ lo âu mà Ẩn là người nói thật, không mất lòng tin là định tính, phẩm chất của Ẩn, nếu không hiểu kỹ Ẩn, sẽ không đánh giá đúng lời lẽ thẳng thắn của anh. Khi đất nước mở cửa đổi mới, Ẩn bảo: trời ơi, bây giờ vầy, giá năm 75-76 thế này thì không có thuyền nhân bỏ nước đi ông hé? Tôi thấy cậu ta rất trung thực... 7. Bao nhiêu phần trăm tài liệu của Phạm Xuân Ẩn có giá trị? Xin nhắc lại ở đây lời ông Mười Nho về những nhận định của cấp trên ông Ẩn trong lần gặp đầu tiên ở căn cứ Phú Hòa Đông, mà trong kỳ 2 (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 1-5-2008) chưa đăng hết: Sau cảm nhận của ông Võ Văn Kiệt rằng Phạm Xuân Ẩn nếu làm tình báo cho cách mạng sẽ ngang hàng với tình báo quốc tế, ông Cao Đăng Chiếm, nguyên Phó ban Địch tình Xứ ủy nói: Anh này trung thực, phát huy lòng trung thành cách mạng ấy, anh sẽ làm hết mình được. Còn tôi (Mười Nho) lúc đó nhận xét: “Một người tin cậy được. Khởi đầu của anh ấy được tiếp xúc làm việc với toàn những đồng chí lãnh đạo có uy tín giúp đỡ rèn luyện như: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Mười Hương... Những cán bộ trực tiếp với anh đều là các cán bộ cốt cán, uy tín rộng ở Sài Gòn như Nguyễn Vũ, Tư Tùng, Tư Cang. Quá trình làm việc, tiếp xúc, rèn luyện, chỉ đạo rất tốt, chưa một tình báo nào có được. Ẩn luôn nói tới những người này với một tình cảm yêu mến và có ấn tượng sâu sắc.
Có thể yên trí hoàn toàn về mặt được đào luyện tốt. Còn về phẩm chất của Ẩn thật đặc biệt. Một người được đưa đi học, rất giỏi nghề, không thiếu gì các lời mời mọc có tiền tài danh vọng, được làm báo là nghề Ẩn yêu thích, nhưng Ẩn vẫn trung thành với nhiệm vụ nguy hiểm. Anh ấy có suy nghĩ dám chấp nhận hy sinh. Con người trung tín trước sau như một. Ở Mỹ về trong tình thế chưa biết sống chết thế nào khi chỉ huy Mười Hương đang ở trong tù, anh ấy kiên nhẫn và cẩn thận tìm nguồn liên lạc. Khi nhận được thư mời do tôi viết dưới danh nghĩa luật sư Nguyễn Hữu Thọ là anh vui mừng lên ngay. Cái đó biểu hiện lòng sẵn sàng tự giác cách mạng, do căn bản có cơ sở tư tưởng nhận thức chứ không vì cái gì khác. Đó là những điều kiện rất phù hợp cho một nhà tình báo chiến lược. Khi tôi nhận xét báo cáo những ý kiến này, các anh lãnh đạo đều rất nhất trí”. Ông Mười Nho điểm lại: Ta biết hết cụ thể các chiến thuật chiến lược quân sự, kể cả những chương trình cải tổ, bảo vệ ấp chiến lược cho tới cả các kế hoạch của trận chiến cụ thể. 100% đạt yêu cầu chính xác trong đó 80% tài liệu có giá trị về mặt chiến lược và 20% số còn lại có thể đánh giá thuộc loại tham khảo có giá trị chiến lược phục vụ tốt cho nghiên cứu dài hạn. Số lượng lớn và chất lượng cao là nhận xét tổng quát tin tức Phạm Xuân Ẩn cung cấp và phân tích. Ẩn không chỉ là một điệp viên lấy được tài liệu, mà là nhà tình báo chiến lược, phân tích đánh giá nhận định thực tế xuất sắc. Đánh giá của cấp trên về Phạm Xuân Ẩn là vậy. Nhưng vẫn còn phải làm rõ chuyện nhạy cảm thứ tư và thứ năm mà GS Larry Berman chưa lý giải thỏa đáng trong quyển Điệp viên hoàn hảo: Vì sao sau giải phóng Ẩn được mời đi dự hội thảo ở Mỹ nhưng không được cho phép đi? Ẩn ra Hà Nội học chính trị có phải là đi... cải tạo không? Và còn nữa những chuyện rất riêng tư: Việc ông Ẩn cưới vợ, bà Thu Nhàn, là do Ẩn chọn hay do tổ chức bố trí? Ông Ẩn đã là Mỹ con, không thể quen sống dưới chế độ cộng sản... Tôi cũng đem ra hỏi kỹ ông Mười Nho... Kỳ 4: Chính Mỹ dạy cậu làm tình báo đấy!
Trong cuộc trò chuyện, khi nói về dư luận chung
quanh quyển sách của mình, GS Larry Berman thổ lộ: GS Larry Berman lý giải: Bởi vì ông Ẩn “đã làm tôi thay đổi quan điểm trước đây. Trước đây tôi cũng nhìn theo quan điểm Mỹ - sự can thiệp sẽ đem dân chủ đến cho Việt Nam. Càng trao đổi với ông Ẩn, tôi càng sáng ra, hiểu ra nhiều”. Và cuốn sách ấy “Điệp viên hoàn hảo” đã đến tay bạn đọc Việt Nam. Nó có quan điểm, “cách nhìn nhận, đánh giá của tác giả còn có chỗ khác biệt với chúng ta” (trích Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Thông tấn). Tuy vậy, theo tôi, cuốn sách này mô tả tương đối đầy đủ hành động và nhiều mối quan hệ của những người hiện sống ở Mỹ mà những người viết ở Việt Nam có mơ cũng không với tới tài liệu sống đó được. 8. Trở lại với những chuyện nhạy cảm và riêng tư Cuộc gặp với ông Mười Nho vào Tết Mậu Tý vẫn còn tiếp tục với những chuyện mà theo ông, quyển “Điệp viên hoàn hảo” chưa giải đáp thỏa đáng. Hỏi: Việc thứ tư: Rõ ràng có chuyện Phạm Xuân Ẩn sau giải phóng có được mời đi dự hội thảo ở Mỹ nhưng không được đi? Ông Mười Nho: Tôi luôn luôn có một mối lo ngại: Cho Ẩn đi nước ngoài có sợ bị ám sát hay phục kích bắt cóc để biết thêm nhiều bí mật tình báo hay không dù chiến tranh đã qua đi. Nhất là thời kỳ trước đây, Ẩn vẫn sống trong im lặng, chưa được biết rõ như bây giờ. Chính cậu ấy cũng nói cho tôi biết: Bên Mỹ mời qua. Nhưng chưa thể nắm chắc được, bảo đảm được chuyến đi có an toàn hay không. Hỏi: Việc thứ năm: Phạm Xuân Ẩn ra Hà Nội học chính trị có phải là đi... cải tạo không? Ông Mười Nho: Cán bộ cao cấp đều phải học như vậy. Không học, không thành cán bộ cao cấp. Học thường là một năm. Chuyên sâu lý luận thì hai đến ba năm. Đó là chế độ cho cán bộ cao cấp, học ở trường Nguyễn Ái Quốc hoặc trường lý luận quân đội. “Chả” thường nói giỡn với tôi: Mới đi cải tạo về. Tôi hỏi: Cải tạo tốt không? “Chả” gật đầu: Tốt. Cha đó hay giỡn. Hỏi: Nhưng hình như Phạm Xuân Ẩn là ông “Mỹ con” không quen sống trong chế độ cộng sản? Ông Mười Nho: Thì có chuyện lặn sâu, leo cao vào đối phương, sống cuộc sống khác. Nhưng nhìn lại gốc gác sâu xa, từ kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, phải gùi gạo bắt cá, sản xuất tự túc chút đỉnh, có lúc xin cơm đồng bào, nằm vạt giường bằng cành cây đau xương. “Chả” làm hết rồi. Hồi gặp gỡ, làm việc ở Phú Hòa Đông, Ẩn là nhà báo của Mỹ nhưng biết hết việc địch bao vây, lập ấp chiến lược, kỹ càng đến mức tính toán cấp chỉ đủ mấy lạng muối cho dân, không có dư cung cấp cho Việt cộng. Ẩn hỏi: Anh em ăn gì, đủ gạo không, đủ muối không... ? Hỏi: GS Larry muốn biết ông Ẩn lấy vợ do tự chọn hay tổ chức bố trí? Ông Mười Nho: Cuộc hôn nhân do Ẩn lựa chọn, không ai can thiệp. Ẩn báo cáo ra cứ về gia đình và tư cách đạo đức của cô Thu Nhạn. Chính tôi xin phép anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) để gửi mừng đám cưới một cây vàng. Là vì khi tôi cưới vợ, Hà Nội cũng tặng một cây vàng. Tôi nghĩ mình sao, Ẩn vậy.
9. Sách. Báo. Trái tim ông Ẩn ở đó Từ những ngày sách còn chưa xong, GS Larry Berman bảo với tôi và đạo diễn Phong Lan rằng rất sung sướng được gặp những người yêu quý ông Ẩn, viết về ông Ẩn, “tôi sẽ cảm thấy không trống trải”. Ông còn kể vui: Nhiều bạn cứ thấy ông đi Việt Nam suốt, nói chắc kiếp trước ông là người Việt Nam. GS tìm hiểu đời Phạm Xuân Ẩn và thích nhất đoạn đời nào của nhân vật này? Tôi hỏi và GS nói rằng thích nhất hai đoạn đời: thời kỳ tuyệt vời đi học ở Cali và phần làm điệp viên ẩn mình không ai biết, nhiều chuyện sống để dạ chết mang theo. Còn đoạn đời nào của ông Ẩn thấy khó viết nhất? “Đó là một đoạn đời cuốn hút từ sau 1975 nhưng không thể viết nhiều vì sợ có rắc rối. Giai đoạn 1975-1979, Ẩn gần như sống cô lập, không làm gì, tiếp xúc ai. Với một người như Ẩn thì điều đó thật kinh khủng ! Tất nhiên, đó là lúc ông chơi đá gà, nuôi chó. Ông Ẩn luôn bị giằng xé giữa hai nghề: tình báo và nhà báo dù ông làm rất giỏi cả hai. Nhưng sau khi Việt Nam thống nhất, ông ấy hy vọng làm báo một thời kỳ mới nhưng không thực hiện được”. GS Berman còn cho tôi xem và giải thích ý nghĩa tấm hình lúc đó dự định sẽ in bìa sách “Điệp viên hoàn hảo”: Thấy không, đây là đời ông Ẩn: sách, tờ báo Time và tác phẩm về cụ Hồ, cái máy chữ, tay kẹp điếu thuốc lá. Đó đúng là ông Ẩn thật mà tôi biết. Nhưng khi sách in ra ở Việt Nam, tấm hình đã được cắt nhỏ lại, không còn rõ cuốn sách “Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa”, cũng không còn hình chiếc máy chữ, lẫn điếu thuốc lá cầm nơi tay. “Sách. Báo. Trái tim ông Ẩn ở đó. Ông muốn làm nhà báo” - GS Larry còn kể khi đến thăm, không thấy tường treo cái huân chương nào. Hỏi để đâu, ông Ẩn: Có. Tôi cất. Cho xem được không? Ông Ẩn: Có. Muốn coi thật không thì tôi cho coi. Mãi đến lần thăm sau này, khi ông Ẩn đau nặng sắp mất, nằm trên lầu không xuống phòng khách tiếp như mọi khi, GS Larry mới được lên lầu và nhìn thấy huân chương treo ở đó. Nhà tình báo giải thích, vẫn đùa đùa: Có lý do gì phải treo dưới nhà?
Thật ra, theo tôi nghĩ, trên đó mới là thế giới riêng tư nhất của ông. Ở đó, mới có tấm hình vợ chồng ông trong ngày cưới. Có lẽ đó là những gì thiêng liêng nhất, không thích phô ra. GS Larry hỏi thăm tôi khi tôi viết cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời” có suy nghĩ gì, tôi bảo rằng: Cuốn sách viết trong hoàn cảnh rất khó khăn. Nếu ông Ẩn hoạt động đơn tuyến thì tôi cũng chạnh nghĩ mình đang viết “một cách đơn tuyến”. Chỉ có điều khiến tôi sung sướng là dù chưa đầy đủ, tôi đã lần đầu tiên “lôi” được ông ra ánh sáng cho công chúng thấy ông. GS Larry cười: “Đúng là bà làm cái việc nhiều rủi ro đấy. Tôi là người Mỹ sống ở thể chế khác, tôi đưa được nhiều vấn đề bà không đưa được. Tôi viết nhiều điều cũng sẽ gây ngạc nhiên với bà. Thí dụ cuộc tranh cãi giữa tôi và Ẩn là: Khi tôi đưa vấn đề: Ông có gián tiếp chịu trách nhiệm về những cái chết của lính cả hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam hay không. Về việc này, GS đã viết trong Điệp viên hoàn hảo ở trang 496: “... Vẫn còn nhiều sự tức giận từ phía những người cho rằng Phạm Xuân Ẩn phải chịu trách nhiệm... Nhưng tôi nghĩ, sự tức giận ấy đã làm lu mờ đi một thực tế rằng Phạm Xuân Ẩn đang bảo vệ đất nước của ông. Wendy Larsen, đã từng có thời gian ở cùng với Phạm Xuân Ẩn khi chồng bà làm Trưởng phân xã Tạp chí Time ở Sài Gòn, đã viết thư cho tôi: Tôi muốn nghĩ rằng nếu ở trong tình huống đó, có lẽ tôi chỉ thể hiện được một phần trăm sự can đảm mà Phạm Xuân Ẩn đã làm cho đất nước của ông”. 10. Hồi ức của ông Mười Hương Tôi có dịp làm việc với ông Mười Hương (Trần Quốc Hương - nguyên bí thư TW Đảng), là một trong những người hoạt động tình báo lâu năm nhất, có thời gian là đầu mối chỉ huy trực tiếp các nhà tình báo nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn. Tôi có viết một cuốn sách về ông, lấy tựa đề là “Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo” nhưng không hiểu từ khâu nào, có lẽ từ các bài đăng dài kỳ trên báo chí, đã bị biên tập cho “giật” hơn là “Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại”. Tôi cho cái tít này không khiêm tốn như bản chất của ông Hương và tôi rất muốn khi tái bản sẽ được trở về cái tít ban đầu của tôi. Ông Mười Hương nhớ lại và kể với tôi những suy nghĩ của ông về Phạm Xuân Ẩn. “Lúc tôi vào Nam, cậu Ẩn đang làm thư ký nhà đoan của Pháp. Nhưng lúc ấy TW đã thấy rõ sự can thiệp của Mỹ. Nếu Ẩn cứ đi theo con đường cũ, giỏi lắm leo lên đến đại tá, không phải chỗ ngon. Tụi này là cơ quan chính trị, nó mà thanh trừng lẫn nhau, dễ chết lây sang Ẩn...”. Kỳ 5: Vì sao ông Ẩn chọn nghề
báo?
Không ít người phương Tây tỏ ra không tin vào phương thức làm tình báo của Phạm Xuân Ẩn và thêu dệt nên nhiều huyền thoại. Họ nói gì ? Ông Mười Hương đã tham gia công tác Đội trực thuộc Thường vụ Trung ương Đảng từ giữa năm 1943 đến trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bảo vệ Trung ương Đảng, cận vệ của Tổng Bí thư Trường Chinh. Ông cũng là người được trung ương và Bác Hồ cử vào công tác tình báo tại miền Nam từ năm 1954. Ông từng bị bắt giam và tra tấn tại Tòa khâm ở Huế của đám mật vụ miền Trung của Ngô Đình Cẩn, đã có cuộc đấu trí nổi tiếng với Ngô Đình Nhu. 11. Chỉ có con đường làm báo ! Khi Phạm Xuân Ẩn đưa ông Mười Hương tới chơi nhà đám bạn Mỹ, ông thấy cả gia đình họ quý Ẩn. Ông Mười Hương kể: “Tôi nói với Ẩn: cậu dựa vào thằng Giai (tướng chế độ cũ Phạm Văn Giai, người bà con với ông Ẩn), dù thân với Nguyễn Văn Hinh, thì Giai đưa cậu giỏi lắm lên đến chuẩn tướng rồi cũng là đi hầu thôi em ạ. Phải làm việc gì mà nghe ngóng được nhiều, nói chuyện cả với bên dưới là cu li, bên trên nói với thủ tướng cũng được. Thế thì chỉ có báo thôi. Cậu thấy ông Hồ sống được làm cách mạng cũng bằng nghề tân văn ký giả. Cái báo chí nó đi tới đâu cũng được, nó hỏi ai cũng phải trả lời”. Ông Mười dặn Phạm Xuân Ẩn: phải học lên cao. Chưa có tú tài phải tìm trường nào không đòi tú tài. Về để viết báo chí Mỹ, làm phóng viên thượng hạng chứ không phải về làm báo chí lá cải. Phải hiểu rõ văn hóa Mỹ, học được cái hay của người Mỹ để có thể nghĩ và viết như người Mỹ. “Cho nên suốt cuộc đời của Ẩn sau này, cách ứng xử của cậu ấy tôi ưng lắm. Kết hợp với văn hóa cốt lõi nhân nghĩa Việt Nam, mới ra được con người như Ân”. Ông Mười Hương còn nhắc ông Ẩn: “Văn hóa Mỹ nhiều cái hay lắm. Chính cụ Hồ vận dụng để làm cách mạng, phục vụ đất nước. Văn hóa tư bản tôn trọng cá nhân, cậu học kỹ- cái đó sẽ bảo vệ cậu. Chính Mỹ dạy cậu làm tình báo đấy” - ông nói. 12. Những tiếc nuối và tài liệu ngược dòng Nữ đạo diễn Phong Lan thì tiếc nhiều sau khi làm xong bộ phim tài liệu về Phạm Xuân Ẩn. Càng về sau tiếp xúc càng hiểu ông hơn, nhưng thời hạn thúc bách và ông ra đi giữa chừng. Chứ nếu không, phim còn có thể hay hơn nữa. Tất cả chúng tôi đều tiếc, nhưng may mắn hơn cả: cuốn sách của tôi in năm 2002 khi nhà tình báo còn sống. Ông đã đọc cuốn sách của tôi, chứ không kịp xem phim và đọc “Điệp viên hoàn hảo”. Tôi nhớ có đọc một bài do Báo Lao Động phỏng vấn ông khi ông còn khỏe. Có một câu hỏi liên quan đến sách của tôi. Nhà báo hỏi: trong số tất cả những cuốn sách trong ngoài nước đã viết về ông, ông thích cuốn nào nhất. Ông trả lời đại ý: cuốn “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải tương đối đúng. Tương đối đúng thôi - tôi hiểu sự thành công của tôi chỉ mới dừng ở mức vẽ nên được tính cách ông tương đối giống. Tôi hy vọng nhiều người tài giỏi sẽ tiếp tục viết sách, làm phim về con người này. Tôi cũng đọc thêm nhiều tài liệu nói ngược dòng. Thí dụ có người ở hải ngoại viết rằng: “Việt Nam Cộng hòa không có hồ sơ của điệp viên Phạm Xuân Ẩn vì việc ông làm điệp viên cho Hà Nội mới được tiết lộ năm 1976. Đây là một khó khăn cho các nhà nghiên cứu, vì Cộng sản Việt Nam ít khi tiết lộ những tài liệu chính xác về các điệp viên của họ. Từ 1976 đến nay đã có khá nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về nhân vật này. Chẳng hạn như: báo Việt ngữ: “Người Việt thầm lặng” trên Báo Tuổi Trẻ. “Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, những điều chưa biết” trên Báo Nhân Dân ngày 21-9-2002. “Gần nửa thế kỷ phân tích thời cuộc” Báo Lao Động. “Cuộc sống hai mặt của ký giả điệp viên Phạm Xuân Ẩn” của Việt Báo. Tài liệu Anh ngữ: “The Spy who loved both sides” của David Usborne trên Independent số ngày 21-5-1997. “The spy who loved us” của Thomas A. Bass trên The New Yorker số ngày 23-5-2005. “My collegue, the spy” của Terence Smith trong Columbia Journalism Review July/August 2005 v.v... Tuy nhiên, đa số chỉ viết một cách chung chung hoặc huyền thoại hóa. Mãi đến khi cô Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn và viết cuốn “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” chúng ta mới được cung cấp nhiều chi tiết hơn về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn”.
13. Tôi... hư cấu? Tuy vậy, tài liệu phản bác này lại cho rằng cuốn sách của tôi là do một “tập thể chuyên viên Bộ Công an biên soạn vì phải là những người có biết lịch sử chiến tranh Việt Nam mới có thể viết thêm phần hư cấu này được. Rồi lấy những lời cốt lõi rồi huyền thoại hóa để tuyên truyền và cho cô Nguyễn Thị Ngọc Hải đứng tên”. Đọc đến đây tôi bật cười vì công việc của tôi cũng khá là “bí ẩn” đấy nhỉ! Vị tác giả tài liệu này còn vạch ra phê phán một số chi tiết. Cho rằng từ năm 1950 Trung (tên gọi khác của ông Ẩn) đã tổ chức các cuộc biểu tình đầu tiên chống Pháp rồi sau chống Mỹ. “Lúc đó đã làm gì có Mỹ mà chống” (Tôi nghĩ: Mỹ can thiệp vào Việt Nam còn sớm hơn thế nhiều. Ngay ở cuộc chiến Điện Biên Phủ do Pháp thua cũng do Mỹ bỏ ra 80% chi phí. Và chính ngay lúc này Đảng Cộng sản đã nhìn thấy kẻ thù sắp tới chính là Mỹ. Các cán bộ tình báo đầu tiên lúc ấy như ông Mười Hương mà tôi biết, đã không được dự trận Điện Biên mà phải đi về đồng bằng tuyển người gài vào Nam chuẩn bị chống Mỹ, nên đã tìm ra Vũ Ngọc Nhạ...). Có nhiều chi tiết nữa được thắc mắc về việc Hai Trung chưa có bằng Tú Tài, chỉ làm nhân viên quan thuế, làm thông dịch viên cho Phòng 5 là phòng phụ trách tuyên truyền tại Bộ tư lệnh Pháp, cấp bậc nhỏ, làm sao có tin tình báo được, làm sao Ẩn móc nối với tướng Lansdale và trung tá Lucien Conein được. Tài liệu trên viết: “Về chuyện chuyển tin, nói Phạm Xuân Ẩn làm việc suốt đêm để chụp các tài liệu rồi sau đó ngụy trang những cuộn phim đó giống như nem Ninh Hòa hoặc giấu trong bụng những con cá sắp sình ươn, kế đến được đặt trong những chiếc giỏ cho giống như đồ mang đi cúng đám ma. Xong đâu vào đó, hừng sáng, Ẩn dắt con chó bẹc-giê vào trường đua Phú Thọ, đặt những cuộn phim được ngụy trang trong đó vào một tổ chim cao ở trên cây. Đối với số lớn tài liệu, Ẩn đặt những cuộn phim ở bên dưới bia mộ mà ông cho là ngôi mộ gia đình. Một đôi khi vợ của Ẩn phải đi theo chồng, trong một khoảng cách không xa để nhỡ Ẩn bị tóm, bà ta có thể báo động cho các giao liên. Để chuyển tin tức, tài liệu từ thành ra mật khu, kể cả liên lạc bằng vô tuyến điện với Trung ương cục miền Nam và Bộ tư lệnh quân Bắc Việt, Ẩn được yểm trợ bởi hàng chục cán bộ quân báo. Trong số 45 cán bộ giao liên mang tài liệu của Ẩn ra mật khu, có 27 tên đã bị bắt và bị giết chết. Chúng tôi được một số thành viên trong đoàn công tác đặc biệt kể cho nghe cách thức họ phát hiện các giao liên của Việt Cộng chuyển tin. Chúng tôi thấy công việc chuyển tin của điệp viên cộng sản không đơn giản như đã mô tả trên. Do đó, chúng không tin Phạm Xuân Ẩn đã chuyển tin theo kiểu nói trên. Có lẽ những chuyện này là do người viết phịa ra. Phạm Xuân Ẩn phải có những đường dây và những phương thức khác để chuyển tin, nhưng Bộ Công an không muốn tiết lộ nên đã phịa ra những câu chuyện nói trên...”. Đọc những lời phản bác đó, tôi không khỏi mỉm cười. Lại càng thấy nhiều chuyện thần kỳ, bất ngờ thông minh của tình báo Việt Nam, đã sử dụng điều nghe phi lý mà lại hiệu quả, đến nỗi mà sự thật rành rành vẫn có người không tưởng tượng nổi... Kỳ 6: Những tranh cãi đến từ phương Tây
Một người đảng viên cộng sản từ năm 1952 phải sống hoàn toàn một cuộc đời khác, khá đơn độc. Lúc nào cũng đeo sẵn thuốc độc ở cổ áo để phòng bị bắt là chết ngay - Cuộc hy sinh ấy thật là kinh khủng. Tiện đây tôi xin kể lại chuyến tôi và chị Phong Lan dẫn GS Larry Berman vào ngày 11-10-2006 xuống tận nhà bà Ba, người đã chuyển tài liệu của ông Ẩn giao cho. Giáo sư Larry đã phỏng vấn chính bà Ba, cách bà chuyển tài liệu đi như thế nào. Bà Ba còn làm mẫu cho ông giáo sư xem. 14. Nhân chứng sống Giáo sư đã hỏi các câu hỏi sau: “Bà nghĩ gì về công việc và con người ông Ẩn?”; “Trong quá trình làm việc, lúc nào gặp nguy hiểm nhất?”; “Bà gặp ông Ẩn thời kỳ chưa có điện thoại, làm thế nào để có cuộc hẹn kế tiếp?”; “Bà đã chuyển tin tức cho ai, như thế nào?”; “Có dấu hiệu gì cấp báo cho Ẩn biết, chẳng hạn như có bẻ cành cây?”; “Có phải có lần đi trên đường Đồng Khởi bà đánh rơi đồ nữ trang, Ẩn cúi xuống nhặt giùm và đưa cho bà tài liệu về đường Chín Nam Lào, Chiến dịch Lam Sơn?” v.v... Bà Ba chẳng có vẻ gì là trả lời phỏng vấn, bà cứ trò chuyện kiểu hồn nhiên của một người già không lễ nghi. “Làm tình báo khó khăn, trong lòng giặc đâu cho ở yên. Tôi gặp ổng đều đều. Ổng trí thức. Lên xe trao hàng, trò chuyện năm phút thôi đâu dám nói nhiều. Sai sót ổng phê. Thương dữ lắm. Được một người vậy đâu có dễ, nhiều lúc giặc theo dõi, phải đi tới đi lui cũng chưa đón đường gặp ổng, nếu mình bỏ đi thì coi như hỏng việc. Thành ra tôi vẫn chờ quanh đó, mươi phút sau mới nói tránh chỗ hẹn khác, và ông lên xe đi. Gặp ổng khó khăn lắm, phải đúng giờ. Không ai biết nhà cửa ai. Gặp ngoài đường không. Hẹn nhau một tháng ba kỳ, có ngày dự bị. Có khi hộp thơ, có khi chạy vô chợ, nói mấy câu đi. Mấy chỗ vô xóm lao động dễ trà trộn nhưng không hợp dễ lộ vì ổng sang trọng không vào xóm lao động được. Khi có bất thường thì đón chỗ ổng chở con đi học. Thấy xe ông, đâu dám gọi. Phải xáp vô. Ngày hẹn rủi không gặp, phải đi ngày dự bị. Vậy mà không có khi nào đứt hết....”. Từ cái ngày đầu tiên được giới thiệu đến gặp Phạm Xuân Ẩn vào năm 1961, ôm bó hoa và con búp bê đến nhà thờ Huyện Sỹ, đến nay bà đã ngoài 90 tuổi. 15. Tranh cãi về việc giúp Trần Kim Tuyến ra đi Một tình tiết gây nên tranh cãi là việc ông Ẩn cứu Giám đốc Sở nghiên cứu Chính trị (thực chất là Sở Mật vụ thời Đệ nhất Cộng hòa miền Nam) Trần Kim Tuyến. Bạn đọc vào Google gõ “Phạm Xuân Ẩn” có thể tìm rất nhiều bài viết của các nhà báo phương Tây viết về ông Ẩn và gần đây nhất, khi ông Ẩn mất, có một bài của đài RFA phỏng vấn nhà báo Mỹ Dan Southerland. Dan Southerland hiện là Tổng Giám đốc Chương trình Đài châu Á tự do. Ông Dan Southerland dành hẳn một phần nói về tài năng, một phần nói về “thất vọng và bất mãn”, một phần nói về tại sao Phạm Xuân Ẩn giúp bác sĩ Trần Kim Tuyến rời khỏi Việt Nam. Dan Southerland nhận định: “Có thể kết luận việc ông Ẩn nhiệt tình giúp bác sĩ Trần Kim Tuyến ra khỏi Việt Nam (đêm 29-4) là chỉ thuần về ơn nghĩa và tình bằng hữu, mà chuyện này có thể đã khiến ông mất sự tin cậy của Hà Nội”. Tôi không rõ nhận định “mất sự tin cậy...” có đúng không. Nhưng tôi đã thầm kiểm tra bằng các phỏng vấn hai người chỉ huy của ông Ẩn, hai người hoàn toàn đáng tin cậy về phẩm chất chính trị (mà tôi nghĩ nếu có sự mất tin cậy thì trước hết phải là hai ông này mới có quyền quyết định). Đó là đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương, cả hai đều là những người “Cộng sản bự”. Đại tướng Mai Chí Thọ trả lời rất vắn tắt cũng như ông Mười Hương, có vẻ như không có chuyện ly kỳ gì ở chi tiết này: Ẩn cứu Tuyến là một biểu hiện rất đặc biệt, con người trung hậu như vậy nhất định sẽ thành công trong sự nghiệp. Đó là nhân-quả. Đại tướng còn nói rộng ra nữa về cuộc khủng hoảng lòng tin và nếu không quan tâm vấn đề con người đạo đức, nhân văn mà lại còn phát triển theo tư bản chủ nghĩa thì thế nào cũng vướng mắc vào hệ lụy của nó. Ông Trần Quốc Hương thì đánh giá rất cao: “Có thể nói cán bộ lúc đó ở nước mình không ai hiểu Mỹ bằng cậu Ẩn. Giả sử có bắt Tuyến cũng không để làm gì. Cả bộ máy đối phương mình bắt hết rồi, tài liệu còn đầy đủ cả. Ẩn xử trí thế là phải, đúng đạo lý”. Nhưng ông nói thêm: “Không hiểu sao sau này không cho cậu ấy đi Mỹ. Bảo vệ cậu ấy, hay là thế nào. Không có gì chính thức cả, nhưng tôi chỉ suy đoán mấy ông lãnh đạo nào đó nhát. Về phía cá nhân, cũng có ông nghi cậu Ẩn chứ không phải không có đâu!”.
Chiếc xe của Phạm Xuân Ẩn hiện đang trưng
bày tại Bảo tàng 16. Có hay không “phức tạp thời hậu chiến”? Những tranh cãi về Phạm Xuân Ẩn cũng thường đến khi xem xét cuộc đời ông, một đoạn dài sau 1975. Trên trang BBC ngày 21-9-2006 khi ông Ẩn vừa mất một ngày, cũng có bài “Phạm Xuân Ẩn - điều còn chưa nói” cũng để ra một phần viết về “Phức tạp thời hậu chiến”. Trong đó có câu: “Từ 1975 đến 1987 nhà chức trách đặt một lính gác bên ngoài nhà của vị cựu điệp viên... ”. Thậm chí có tác giả đang sống ở Cali còn gọi ông là “tướng hồi hưu sa cơ”... Thông tin đầy tính suy diễn chủ quan như thế đã dấy lên cuộc tranh luận của người đọc khắp nơi trên thế giới, thể hiện trong các đoạn comment hưởng ứng sau các bài trên mạng. Người thì chua chát vì “sau chiến tranh ông không được đối xử công bằng”. Thậm chí có người ký là Trangpark còn “sỉ vả”: “Sao phải cấm tiếp xúc với người nước ngoài nhỉ. Nếu điều này là thật thì Cộng sản thời ấy “gà” thật! Người ta đã mất cả đời làm cho mình. Khi không làm nữa thì không tin tưởng”. Có người ký Đăng Vân - Busan thì: “Tôi cho rằng phản ứng của CS là bình thường. Chiến sĩ tình báo cũng đều phải chịu những thiệt thòi như vậy”. Còn bạn Nguyễn Anh: “Tất cả các nhà tình báo đều phải trải qua một thời kỳ kiểm tra khắt khe. Điều này là nguyên tắc bắt buộc của tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới, không riêng gì của Việt Nam”. Trong cuốn “Điệp viên hoàn hảo”, giáo sư Berman cho biết: “Phạm Xuân Ẩn nói với tôi, ông chưa bao giờ gọi đó là cuộc cải huấn. Phạm Xuân Ẩn nói: “... Đó là một học viện chính trị. Tôi cần phải đến đó vì tôi chẳng biết gì về chủ nghĩa Mác-Lênin và duy vật biện chứng. Tôi đã có một cuộc sống khác trong suốt thời gian tôi thi hành nhiệm vụ bí mật của mình. Cuộc sống đó giờ đây đã chấm dứt, tôi hiểu nhiều về hệ thống Mỹ hơn là hệ thống này... Tôi đã cố gắng để là một học viên tốt, nhưng do tôi đã biết quá nhiều, nên thay đổi là rất khó khăn”. “Giáo sư biết không, đây là lần đầu tiên tôi sống dưới chế độ Cộng sản...”. Tôi nghĩ, những dòng này là trung thực nhất. Khi tôi làm việc trò chuyện với ông Ẩn, tôi có hỏi điều này - trong nghề báo gọi đó là câu hỏi nhạy cảm - Tôi hỏi: Anh có buồn giận không khi còn có những hiểu lầm và nghi ngờ sau rất nhiều năm cống hiến sinh tử như vậy? Ông thậm chí chẳng mấy quan trọng khi nghe câu hỏi mà tôi cho là “ghê gớm” này. Ông vừa dẩu môi huýt sáo với một chú chim ở trong cái lồng đang cầm trên tay, vừa nói nhanh: Cái nghề nó vậy! Chỉ có bốn chữ đó thôi. Không giải thích thêm. Thái độ bình thản này cho thấy một nhân cách cao quý và hiểu đời của người thông thái. Không có lời nào bất mãn oán thán, mà chỉ có trào lộng. Thậm chí khi đọc đến dòng “Lần đầu tiên tôi sống dưới chế độ Cộng sản” tôi cảm thấy đau lòng xót thương. Ông đã rất thật có lần nói với tôi đại ý là lúc đó đến những từ chính trị, chức tướng, tên gọi thông dụng của chế độ, ông cũng chưa biết dùng. Kỳ 7: Trò chuyện với bà Thu Nhạn và lời cuối
GS Larry Berman khẳng định: Trong 10,
15 năm qua, có rất ít người Mỹ ghét VN. Nếu phải ghét thì lẽ ra
người VN ghét Mỹ. Trên tờ báo của Mỹ The Barnacle số ra ngày 14-5-1958 tức là cách nay đúng nửa thế kỷ, có đăng bài viết bình luận phim của chàng sinh viên báo chí Phạm Xuân Ẩn lúc đang học ở Orange Coast College. Tình cờ hoặc có thể nói đó là một sự tiên báo của trời đất thế nào, chàng sinh viên Ẩn giới thiệu bộ phim “Người Mỹ thầm lặng”. Bài báo của ký giả Phạm Xuân Ẩn có cái tít: “Bộ phim đưa lại cái nhìn không đúng về cuộc sống châu Á”. Và sau này, ông Ẩn nói với GS Larry Berman: “Người Mỹ chẳng coi lịch sử VN ra gì. Họ nghĩ họ hoạch định tương lai chúng tôi”. GS Berman cho tôi biết: Sách của tôi sẽ trích câu này của ông Ẩn, đó là câu nói có tính tổng kết về sự ngạo mạn của Hoa Kỳ. 17. Những tâm sự kiệm lời Một câu hỏi khác nữa của GS Larry: Có nên để ông Ẩn đi hoạt động tiếp bên Mỹ sau giải phóng hay là để ông ở lại thì tốt hơn? Tôi nói quan điểm của mình: Về tài năng, nghề nghiệp, nếu ông Ẩn đi nữa thì tôi tin là ông vẫn sẽ tiếp tục có chiến công lớn hơn. Lúc giải phóng, vợ và bốn con ông đã đi trước rồi. Nhưng nếu nghĩ về khía cạnh nhân đạo thì nên để ông được sống ở đất nước giải phóng. Về mặt con người, nên để ông được hưởng cuộc đời bình thường như ông hằng ao ước. Không nên “khai thác” quá mức, bắt một người hy sinh quá mức. Câu chuyện vợ con ông đi di tản, rồi lại về, cũng là một câu hỏi. Tôi muốn hỏi bà Thu Nhạn vợ ông nhưng bà không bao giờ trả lời chính thức. Bà bảo: Chính bà cũng không biết, không dám biết sâu vào công việc của ông. Là đề phòng lỡ bà có bị bắt, bị tra tấn đến chết đi nữa, có muốn khai cũng chẳng biết gì nhiều mà khai. Bà chỉ kể với cách tâm sự vào một ngày khi tôi và bác sĩ Bùi Lâm đến thăm. Lúc đó bà mới ngoài 30 mà đã bốn đứa con. “Đi đâu người ta cũng tưởng năm chị em. Các gia đình khác đi di tản còn có ông chồng để khai lo thủ tục giấy tờ, giao dịch. Tôi phải lo cả”. Có khi bà phải nghe người ta nói tiếng Pháp, rồi bà trả lời bằng tiếng Anh. Lo cuộc sống mới lạ xứ người cho bốn con nhỏ học hành, di chyển luôn, bà ở Mỹ rồi sang Pháp. Chạy tới chạy lui xin phép cả Liên Hiệp Quốc. Được sự giúp đỡ của bà Germaine Lộc Swanson và có lương của chồng ở tòa báo Time nhưng bà đã phải lo toan vất vả. Thậm chí khi ở Pháp chờ ngày về lại VN, bà cũng chuyển nhà cho gần chợ có hàng hóa nông sản VN. Trời lạnh tới 10-12 độ nhưng bà thường xuyên phải cho các con... đi bơi, vì những đứa trẻ tuổi sàn sàn chín, mười, mười một không thể ngồi yên trong nhà mà không có hoạt động gì. Khi trở về cũng chỉ theo một bức điện ngắn gọn, đại ý là “về nước cùng tất cả các con”. Đến lúc về lại Sài Gòn trong những năm sau giải phóng còn chưa ổn định, danh tánh của chồng vẫn chưa được làm rõ trong chế độ mới, các khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người tìm mọi cách vượt biển ra đi. Nhiều người biết bảo: Đến thăm bà Thu Nhạn, đến thăm... bà điên đi! Người ta bán hết, lo tiền vàng để ra đi không được, bả đi thoát cả năm mẹ con mà lại... tự dẫn xác về. Bà điên!
Phạm Xuân Ẩn để râu mép để
tránh bị phát hiện 18. Luôn là chính mình khi bị thử thách, ngờ vực Tôi cũng được quen biết qua ông Ẩn, một người bạn thân của ông, cũng là một nhà tình báo tài giỏi: ông Trần Ngọc Hiền. Ông là cán bộ quân báo từ năm 1946. Người Huế, ông nội là thượng thư bộ Lễ. Em gái của ông nội lấy cụ Phan Đình Phùng, bà nội là cháu nội Tôn Thất Thuyết. Thời kháng chiến chống Mỹ, ông Hiền là chiến sĩ tình báo, bị địch bắt và đã có cuộc đấu trí nổi tiếng với 21 chuyên gia của CIA. Trong tài liệu của nhà văn Nguyễn Khải, có một đoạn liên quan đến ông Hiền (được gọi là nhân vật Quang) như sau: “Tháng 4-1969 Quang bị người của Tổng nha cảnh sát bắt ở một địa điểm gần Cầu Bông, do thay đổi người liên lạc và người liên lạc mới đã bị bắt cùng với bản báo cáo của Quang gửi ra “cứ”. Kẻ bày binh bố trận cho vụ bắt bó này là nguyên ủy viên thường vụ thị ủy Huế thời đánh Pháp. Hắn tên là Chơn bị địch bắt rồi đầu hàng, rồi làm đội trưởng đội điều tra của Tổng nha. Trong lần thẩm vấn thứ nhất, Chơn đã nói thẳng: Chúng tôi giết anh làm gì, chúng tôi sẽ để các đồng chí của anh giết anh. Nếu họ không giết, chỉ ngờ thôi thì còn khốn nạn hơn cái chết nhiều”. Quang ngẫm nghĩ một lúc và trả lời: Cái chuyện này thì tôi tin... Tôi có thể thua, thua hoàn toàn như anh nói nhưng cái danh dự một trí thức cộng sản đi theo cách mạng sẽ mãi mãi không bị hoen ố, trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. (Trôi theo tự nhiên - Kỳ 2) Tôi đã biết ông Hiền do gặp ở nhà ông Ẩn. Mỗi dịp Tết về, tôi đều gửi chút quà mừng tuổi không chỉ tới ông Ẩn mà bao giờ cũng gửi luôn cả ông Hiền. Lúc đó ông Hiền đã bị bệnh ung thư và khi ông mất, tôi mới biết ông cũng chịu những thiệt thòi oan khuất của nghề nghiệp. Như nhà văn Nguyễn Khải đánh giá: Ông Hiền và ông Ẩn đều có những đức tính tiêu biểu của tầng lớp trí thức VN thế kỷ 20, luôn là chính mình khi phải đối mặt với những thử thách không chỉ từ phía địch và cả ở phía ta khi tổ chức ngờ vực do những tin tức không chính xác hoặc cố tình thêu dệt. 19. Nỗi buồn cuối cùng Nguyễn Khải viết: “Đó là những chuyện thật buồn lúc cuối đời của nhiều người làm cái nghề bạc bẽo là nghề tình báo. Viết về họ như một nghĩa vụ, như lời cảm ơn của những thế hệ sau với những cống hiến thầm lặng của họ cho sự tái sinh của Tổ quốc. Viết về họ là viết về nhiều chuyện phải nghĩ thêm, phải nói tiếp”. Tôi thích những dòng này như một lời cảm ơn nhà văn Nguyễn Khải đã nói hộ tôi những suy nghĩ khi tôi tìm tòi viết về Phạm Xuân Ẩn và nhiều nhân vật khác. Đến hôm nay, khi đón Xuân Mậu Tý 2008, những người tôi kính trọng, đồng thời cũng là những nhân vật trong sách báo tôi viết như đại tướng Mai Chí Thọ, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, điệp viên Hoàng Đạo, nhà tình báo Trần Ngọc Hiền và nhà văn Nguyễn Khải, tất cả đều đã ra đi. Tôi viết thêm phần hai “Những chuyện thật thà” này để tưởng nhớ họ và cả những chiến sĩ vô danh khác mà tôi không thể biết hết. TP Hồ Chí Minh, mùng 2 Xuân Mậu Tý 2008 Tái bút: 18 giờ chiều 5-5, khi kỳ cuối của loạt bài “Những chuyện thật thà” này chuẩn bị lên khuôn, tôi chợt nhớ đến câu trả lời cuối cùng mà ông Ẩn nói với tôi trên giường bệnh. Tôi đề nghị tòa soạn cho phép bổ sung: (Trích nhật ký): ”Ông Ẩn buồn vì điều gì nhất? Vào 2003, tại BV Quân đội 175, ông vào bệnh viện lần đầu trong đời (và lần thứ hai vào năm 2006, ông mất tại đó), tôi lại thăm. Ông còn vui vẻ kể rằng: Chẳng khi nào chịu nằm bệnh viện trừ năm 1941 nằm hai ngày cắt amidal Trong lúc nói vui đủ thứ chuyện, tôi hỏi: Đến bây giờ điều gì còn làm anh phải buồn? Ông ngó qnanh và đáp khô khan: “Vào BV, dòm thấy nhiều cảnh. Có người mẹ 38 tuổi, làm nghề trông người bệnh nuôi năm đứa con. Đồng bào còn nhiều người nghèo. Tài giỏi, giàu có, tiến sĩ… kệ cha anh! Nhưng anh không hiểu thế không được. Đừng phung phí. Buồn là buồn ở chỗ còn dòm thấy cảnh đó. Nhắm mắt không yên tâm cái đó. Thực tế khách quan đừng tránh né. Dòm tận đó mới động viên được những đứa khác”.
6-5-2008 |