THỜI BÁO

22-1-23

Cuối năm, Phạm Minh Chính củng cố phòng tuyến cuối cùng để “nghênh chiến” Tổng Trọng?

Ông Vương Đình Huệ được ông Nguyễn Phú Trọng dọn đường rất cẩn thận. Từ đầu năm 2021, khi mà ông Vương Đình Huệ thua trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng với Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Phú Trọng đã đi từng bước, xây dựng nền tảng cho ông Vương Đình Huệ không khác gì một “thái tử”.

Ông Vương Đình Huệ có nhiều đối thủ cùng chạy đua vào ghế Tổng Bí thư. Tuy nhiên, ông Huệ chỉ có 2 đối thủ đáng gờm, ở ngay trong Tứ Trụ. Còn lại thì không ai có thể thắng được ông Huệ. Như vậy sau hơn 2 năm, ông Nguyễn Phú Trọng đã bứng bay một trụ, trụ còn lại ông Nguyễn Phú Trọng đang từ từ tính kế.

Ngồi ở ghế Thủ tướng, nắm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, với hơn 30 bộ và cơ quan ngang bộ. Ông Phạm Minh Chính nắm trong tay quyền lực lớn, chứ không như ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ là hữu danh vô thực. Số ban ngành trong Ban Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng ít hơn số bộ trong Chính phủ. Tuy nhiên, những người đứng đầu các ban trong Ban Bí thư phần lớn là Ủy viên Bộ Chính Trị. Riêng trong Ban Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng nắm 7 Ủy viên Bộ Chính Trị. Cho nên, ông Nguyễn Phú Trọng bao giờ cũng trên cơ ông Phạm Minh Chính.

Ông Nguyễn Phú Trọng ngoài việc đang nắm trong tay những ban bệ với quyền lực lớn, ông còn hưởng lợi thế từ cơ chế trong Đảng. Đó là, Đảng đề ra chủ trương, Chính phủ thi hành. Ông đề ra chủ trương, và luôn cho rằng, chủ trương của mình là đúng. Nếu xảy ra mọi sai lầm thì đổ lỗi tại phía thi hành. Chính vì cơ chế này mà khi họp Bộ Chính trị, bên Chính phủ sẽ bị quy kết tội, chứ không bao giờ quy kết tội bên Đảng. Như vậy là bên Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng có thể “độc quyền chân lý”.

Một khi ông Nguyễn Phú Trọng bứng được trụ Chủ tịch nước, thì đấy cũng là hồi chuông báo động cho trụ Thủ tướng. Thoibao.de nhận được tin cho biết, ông Tổng lên kế hoạch ra năm sẽ nhắm vào trụ Thủ tướng. Nếu đây là tin đúng, thì ông Thủ tướng Phạm Minh Chính cần phải gia cố thành trì, để trụ vững trước những đợt tấn công của ông Tổng Bí thư.

Vụ án Việt Á, vụ án Chuyến bay giải cứu, vụ Cục Đăng kiểm, đều phải có trách nhiệm của ông Phạm Minh Chính. Bởi 3 vụ án đó xảy ra xuyên qua 2 đời thủ tướng. Tuy nhiên, có người đánh giá, với 3 vụ án đó e không đủ mạnh để bứng được trụ Thủ tướng. Vậy ông Nguyễn Phú Trọng cần đòn hiểm nào mới khoan thủng trụ Thủ tướng? Đó chính là vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí của quân đội. Đây là yếu huyệt lớn nhất của ông Phạm Minh Chính.

Tin tức từ bên trong cho biết, ban đầu, ông Trọng muốn Tô Lâm ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Tuy nhiên, Tô Lâm thoái thác rằng, ông còn nhiệm vụ bắt Nguyễn Thị Thanh Nhàn về quy án, nên ông muốn ở lại Bộ Công an. Đó là lý do làm ông Trọng cũng trở nên khó xử, nên ông tạm hoãn. Bởi vì, ông Trọng cũng đang rất muốn Tô Lâm bắt được Nguyễn Thị Thanh Nhàn, để ông giải quyết nốt bài toán lớn có liên quan đến Phạm Minh Chính.

Bộ Công an thì nằm gọn trong tay của ông Nguyễn Phú Trọng, trong khi đó, Bộ Quốc phòng thì ông Nguyễn Phú Trọng và ông Phạm Minh Chính đang tranh chấp ảnh hưởng. Hôm ngày 9/1, ông Phạm Minh Chính đã củng cố nhân sự cho Tổng Cục tình báo Quân đội (tức Tổng cục 2).Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa, điều này làm cho ông Phạm Minh Chính phải xem xét, củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa ông với quân đội. Mối quan hệ của ông Phạm Minh Chính trong Bộ Quốc phòng được xem là phòng tuyến cuối cùng chống lại sự tấn công của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những ngày cuối năm, ông Phạm Minh Chính đã tranh thủ đi thăm binh chủng tăng thiết giáp của Bộ Quốc phòng. Đối với ông Phạm Minh Chính lúc này, ông cần củng cố thế lực của ông ở các đơn vị tác chiến, bởi bên Chính ủy, ông Nguyễn Phú Trọng nắm rất chắc.

Trận chiến nhổ trụ đợt hai này xem ra sẽ có nhiều diễn biến hay trong năm 2023.

 Tú Ngọc – Thoibao.de (Tổng hợp)