Khai bút đầu Xuân

 Về Giáo Dục Làm Người

Nguyễn Minh Đào

 

Tôi sống qua 85 mùa Xuân dưới các thể chế chánh trị - xã hội trên đất nước này. Xuân Nhâm Dần 2022 đến, tôi rất vui vì thấy đất nước đang phát triển bền vững, tình người sâu nặng; Nhưng day dứt trăn trở vì tội ác lộng hành, tệ tham nhũng – tiêu cực như con bệnh nan y…

Nay dù đến tuổi “gần đất xa trời” tôi vẫn thấy mình còn nặng nợ với đời. Theo sức mình, tôi cố gắng làm những gì có thể như tham gia hoạt động xã hội – từ thiện cùng cộng đồng chung tay cứu giúp những mãnh đời bất hạnh giảm bớt thương đau! Hay tham gia mạng xã hội góp tiếng nói phản biện trên tinh thần xây dựng, đấu tranh loại trừ cái xấu làm lành mạnh đời sống xã hội.

Khai bút đầu Xuân tôi viết bài này nói về giáo dục làm người – Một chủ đề tôi hằng quan tâm.

*

Trên báo chính thống và mạng xã hội nhan nhản tin bài về tội phạm diễn ra đó đây, có những tội phạm khiến người đọc rùng mình ghê sợ! Như Lê Anh Tuấn sanh năm 1995 ở xã Vinh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đâm chết cha ruột vì không cho mượn xe máy; như Nguyễn Thế Triều sanh năm 1983 ngụ xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang chặt đầu mẹ già chôn xác dưới mương; như Nguyễn Văn Linh sanh năm 1968 ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đâm chết mẹ chỉ vì 400.000 đồng; như một nữ sinh đại học ở Bà Rịa – Vũng Tàu đầu độc cha ruột chết rồi đổ xi măn giấu xác; như vụ cháu bé 3 tuổi bị găm vào đầu 9 cái đinh…; Mới nhất là ngày cận Tết Nhâm Dần tên Chau Đương 23 tuổi ngụ xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang dùng kéo đâm chết mẹ ruột.

Đạo làm con từ xưa lấy hiếu đễ với cha mẹ làm đầu. Những ai hỗn láo xấc xược với cha mẹ, hay bỏ mặc cha mẹ khi về già không phụng dưỡng bị người đời lên án tội bất hiếu nguyền rủa khinh ghét. Ngày nay, xãy ra những vụ con giết mẹ cha tàn độc như trên, quả là tận cùng của tội ác ngày xưa tôi chưa từng nghe thấy. Cùng các loại tội phạm khác diễn ra khắp đó đây!

Còn nhớ, trước chiến tranh hay trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp đuổi Mỹ, nhiều năm tôi sống và hoạt động cách mạng trong vùng giải phóng do Nông hội quản lý xã hội như chánh quyền ngày nay, cuộc sống người dân còn khó khăn nhưng rất an lành, nhà không đóng cửa ngoài đường không mất của rơi, người với người ứng xử nhau trong tình làng nghĩa xóm, tôi không nghe thấy đánh lộn, hay chửi bới nhau bao giờ… Thế nhưng, tôi không hiểu vì sao ngày nay đất nước hòa bình, đời sống vật chất và văn hóa của người dân cải thiện nhiều, dưới sự lãnh đạo – quản lý hệ thống chánh trị từ trung ương đến cơ sở đất nước lại nông nỗi này ?!

Dân ta có câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, “Cha mẹ sanh con trời sanh tánh”... Chỉ rõ bản chất con người sanh ra vốn dĩ hiền lành lương thiện. Nhưng khi trưởng thành vào đời không ít người trở nên hiểm ác? phải chăng do môi trường xã hội và do chất lượng nền giáo dục không coi trọng giáo dục làm người? Như lời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela nói rất chí lý: “Thất bại của nền giáo dục là sự suy vong của một quốc gia. Hủy diệt một quốc gia không cần bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và dung túng gian lận thi cử. Bệnh nhân mất mạng chỉ vì thầy thuốc học từ đó mà ra – Nhà sập chỉ vì kỷ sư học từ đó mà ra – Tiền của mất sạch chỉ vì nhà kinh tế, nhà kế toán học từ đó mà ra – Nhân tính mất hẳn chỉ vì những nhà tôn giáo học từ đó mà ra – Công lý không còn chỉ vì quan tòa học từ đó mà ra”…

Sau năm 1954 tôi từng làm giáo viên tiểu học ở quê nhà, trong sách giáo khoa môn khoa học xã hội như Giáo dục Công dân có những bài dạy nội dung thiết thực dể hiểu như: “Con ơi muốn nên thân người/Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/…; Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/…; “Thương người như thể thương thân/Thấy người hoạn nạn thì thương/Thấy người tàn tật lại càng trông nom/ Thương người già yếu ốm mòn/…

Ca dao ngày xưa có câu: “ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy/Nghĩ sao cho bỏ những ngày ấu thơ”. Cha mẹ sinh con, dưỡng nuôi con nên vóc nên hình, người thầy cùng cha mẹ tiếp tục dạy dổ con trưởng thành làm người có ích. Cha - Mẹ - Thầy là ba ngôi vị cao quí nhất trong cuộc đời mỗi con người, thể hiện trong câu thành ngữ: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Sách Quốc văn giáo khoa thư xưa có bài về tấm gương một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân rảnh việc về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ đang ngồi trong lớp dạy học. Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”. Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp…”.

Những bài thơ, những câu ca dao, bài văn xuôi ngắn gọn trong sách giáo khoa ngày xưa dạy những điều thiết thực dể hiểu, dể nhớ đi vào tiềm thức con người thuở còn thơ, dần dần hình thành nhân cách làm người khi trưởng thành. Cùng với giáo dục trong gia đình, ông cha răn dạy con cháu nghiêm khắc theo gia phong lể tiết lấy hiếu nghĩa làm đầu; “Gọi dạ, bảo vâng…/Ăn coi nồi, ngồi coi hướng/”…

Các trường phổ thông ngày nay treo khẩu hiệu nơi trang trọng “Tiên học lễ, hậu học văn”, khẩu hiệu nầy tôi thấy ở các trường học từ thời tôi học vở lòng. Không biết các thầy cô giáo ngày nay có dạy học trò chử “lễ” hay không và dạy như thế nào, chứ ngày xưa thầy cô giáo dạy học trò chử “lễ” rất cụ thể, như: Ở nhà phải vâng lời cha mẹ, ông bà, đi phải thưa, về phải trình; ra đường gặp người lớn tuổi hay đám ma phải nhường đường, giở nón cuối đầu; với bạn trang lứa không được xưng hô mầy tao, mi tớ, không được gây gổ, đánh lộn…

Tôi nghĩ, đây là tinh hoa của nền giáo dục nước nhà ngày xưa nhưng ngày nay chúng ta phủ nhận, xem đó là phong kiến, là cổ hủ.

Nhiều thập niên qua nền giáo dục nước nhà từ nhà trường, gia đình và xã hội buông lõng giáo dục làm người, chánh trị hóa nền giáo dục, gây ảnh hưởng xấu đời sống xã hội, nếu không muốn nói làm hỏng một bộ phận thế hệ con người Việt Nam ngày nay, làm cho đời sống xã hội bất an, tội ác lộng hành, đạo đức suy đồi, những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam bị hủy hoại, lòng người phân rẽ,… Là nổi day dứt, trăn trở khôn nguôi với những ai quan tâm đến vận nước và tương lai dân tộc!! Phải chăng bắt nguồn từ “lổ hỏng” của nền giáo dục?!

Tôi nghĩ, đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo thực trạng nền giáo dục nước nhà, truy tìm căn nguyên, tìm giải pháp tối ưu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp xu thế thời đại, kế thừa và phát huy tinh hoa nền giáo dục ngày xưa, xem giáo dục làm người là trung tâm, ngăn ngừa tội ác, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội.

Long Xuyên, Tết Nhâm Dần 2022

N.M.Đ

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 10-2-22