Nhớ đồng chí LÊ VĂN NHUNG
Bí thư Tỉnh ủy An Giang (năm 1976 – 1986)

Nguyễn Minh Đào

 

     Tháng 5 năm 1977 tôi công tác Văn phòng Tỉnh đội nhận quyết định chuyển ngành sang Văn phòng Tỉnh ủy làm cán bộ nghiên cứu, phó văn phòng và chánh văn phòng dưới thời đồng chí Lê Văn Nhung –  bí danh Lê Việt Thắng, thường gọi Tư Thắng làm bí thư Tỉnh ủy (năm 1976 – 1986). Trong tình hình những năm đầu sau giải phóng vô vàn khó khăn, đồng chí Lê Văn Nhung có những đóng góp quan trọng nhiều mặt, nổi bật là phát triển sản xuất nông nghiệp.

     Là tỉnh thuần nông đầu nguồn nước ngọt, đất đai màu mở… Nhưng cơ sở vật chất - kỷ thuật nghèo nàn, ngân sách tỉnh luôn mất cân đối. Sản lượng lương thực năm 1976 chưa đầy 300 ngàn tấn, hàng năm thiếu ăn khi giáp hạt phải nhận gạo cứu trợ từ trung ương, đến năm 1987 tỉnh đưa sản lượng lương thực đạt gần 450 ngàn tấn. Thành quả đó là nổ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, đứng đầu là đồng chí bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung trong quá trình đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, tăng vụ, tăng diện tích; ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật trên đồng ruộng thâm canh, tăng năng suất, tăng sản lượng cây trồng… Tạo dựng nền móng ban đầu, dần dần trở thành một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc như ngày nay.

     Với phong cách lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sâu sát của đồng chí bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung. Hồi ấy, trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các ban ngành tỉnh và huyện – thị đặt đồng chí biệt danh “anh Tư cụ thể”, “anh Tư nông dân”… Công tác Văn phòng Tỉnh ủy, tôi tháp tùng giúp việc đồng chí một tháng đôi ba lần đi kiểm tra tình hình hoạt động các huyện – thị và cơ sở; thăm đồng ruộng tiếp xúc nông dân, hay đi thị sát chiến trường thăm bộ đội đang đánh nhau với Khmer đỏ bảo vệ biên giới Tây Nam… Đồng chí bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung cái gì cũng phải năm bắt cụ thể, rõ ràng như 1 với 1 = 2. Tôi nhiều lần chứng kiến trong các cuộc họp, hay khi tiếp xúc cán bộ nghe báo cáo tình hình, đồng chí cán bộ nào lơ mơ báo cáo đại khái chung chung, ấp a ấp úng bị đồng chí truy vấn một hồi đổ mồ hôi hột!

     Từ những năm tháng đáng nhớ ấy, đến nay diện mạo An Giang đã hoàn toàn thay đổi. Người xưa, cảnh cũ đã lùi sâu trong ký ức! Đồng chí bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung thân thương không còn nữa! Nhưng những gì đồng chí đóng góp cho An Giang trên cương vị bí thư Tỉnh ủy trong buổi đầu Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, mãi mãi in sâu trong tâm khảm cán bộ, đảng viên và người dân An Giang.

      Là một trong những trợ thủ của đồng chí Lê Văn Nhung ở Văn phòng Tỉnh ủy 5 - 6 năm liền gần gũi, gắn bó cùng đồng chí trong công tác và trong cuộc sống đời thường. Tôi nhận thấy đồng chí Lê Văn Nhung là người cộng sản mẫu mực, sống khiêm tốn, giản dị, cần kiệm, liêm khiết… Đối với cấp trên đồng chí tuyệt đối phục tùng, chấp hành chỉ thị, nghị quyết triệt để; đối với cấp dưới tấm lòng đồng chí rộng mở, bao dung, khách quan, vô tư; đối với dân biểu hiện tinh thần trách nhiệm, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và lắng nghe tiếng nói của dân…

     Chúng ta đều biết, 10 năm đầu sau giải phóng miền Nam nước nhà chìm trong khủng hoảng kinh tế - xã hội, khó khăn chồng chất khó khăn, lòng tin quần chúng đối với Đảng giãm sút…! Đó là hệ quả những sai lầm về đường lối, chánh sách đối nội, đối ngoại của Đảng! Trong tình hình như vậy, những người cộng sản Việt Nam chân chính thiết tha với vận mạng dân tộc và có trách nhiệm với dân như đồng chí bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung, trong cương vị lãnh đạo của mình đồng chí luôn đối mặt với những khó khăn khi tiếp thu, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết Trung ương, nhất là chánh sách cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội đối với các thành phần kinh tế… Tôi hiểu rõ tâm trạng đồng chí luôn ray rức, trăn trở! Bởi các chủ trương, nghị quyết ấy thường đụng chạm, tổn hại đến lợi ích sống còn của người dân, không thực hiện được Trung ương sẽ bắt tội. Nhưng càng thực hiện, mâu thuẩn xã hội ngày càng nãy sinh gay gắt, kinh tế lún sâu vào khủng hoảng không lối thoát, đời sống người dân ngày càng bần cùng, lòng người không yên…!

     Còn nhớ, khi tôi về làm bí thư Thị ủy Châu Đốc từ tháng 8 năm 1983 đến tháng 10 năm 1986, cũng là lúc “cao trào” cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tôi cùng Thị ủy tiếp thu và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết Tỉnh ủy, mong muốn các chủ trương, nghị quyết ấy đi vào cuộc sống, làm biến đổi thực trạng kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân thị xã. Nhưng càng dốc sức làm, tinh hình càng tồi tệ, dân tình bất bình, ca thán! Châu Đốc là thị xã biên giới, từ bao đời mua bán sầm uất, vậy mà những năm ấy chợ búa tiêu điều, phố phường vắng lặng, hàng hóa khan hiếm…! Quá bức bách, trong một lần về Văn phòng Tỉnh ủy họp, tôi gặp riêng đồng chí bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung nói với đống chí: “Chú Tư ơi, mình xây dựng chủ nghĩa xã hội là đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân, nhưng làm kiểu này làm sao đạt được điều đó chú Tư?! Tôi thấy mình có lỗi với dân, dân tin mình, không khéo mình đánh mất niềm tin của dân…! Đồng chí bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung nhìn tôi nét mặt đượm buồn, đồng chí chậm rãi nói: “Tôi cũng thấy như vậy, nhưng tỉnh là cấp trực thuộc Trung ương, không thể làm trái chỉ thị, nghị quyết trung ương được. Tư Đào ở cấp huyện, thực tế thấy cần phải làm gì thì cứ làm đi, nhưng phải khéo và từ từ thôi…”.

     Được đồng chí bí thư Tỉnh ủy “bật đèn xanh”, tôi như mở cờ trong bụng, về báo cáo Ban thường vụ Thi ủy và đề xuất những việc cần làm trước mắt, nhằm làm dịu sự căng thẳng trong dân do chánh sách cải tạo gây ra. Sau khi thực hiện những giải pháp “cởi trói”, chỉ một thời gian ngắn chợ Châu Đốc người mua kẻ bán tấp nập, hàng hóa phong phú, đa dạng… thị xã khoát trên mình bộ mặt mới!

     Chuyện thứ hai tôi khó quên, khi nhắc đến đồng chí bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Nhung. Đó là chuyện di dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang (cũ) gần cuối năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam diển ra ác liệt. Trong lúc tỉnh đang dồn sức vừa đối phó với Khmer đỏ ngoài biên giới, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị trong nội địa sau kháng chiến chống Mỹ, bao nhiêu khó khăn tưởng chừng không vượt qua được! Đùng một cái, Trung ương ra lệnh di dời khẩn cấp toàn bộ dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang. Đồng chí bí thư Tỉnh ủy, cũng như trong Tỉnh ủy, các ban ngành, đoàn thể tỉnh và 2 huyện biên giới không ai tán thành chủ trương này, nhưng vẫn phải chấp hành lệnh triệt để!

     Cuộc di dân Khmer không nhanh gọn như kế hoạch, đầu năm 1979 quân ta đánh chiếm Phom Phenh vẫn chưa xong. Nhận thấy hiểm họa Khmer đỏ không còn, tỉnh đề nghị trung ương không tiếp tục di dân Khmer nữa, nhưng trung ương không chấp nhận. Trong khi tiến hành cuộc di dân Khmer đầy nước mắt, nhiều lần tôi cùng đi với đồng chí bí thư Tỉnh ủy, đồng chí trực tiếp chứng kiến nỗi đau của người dân Khmer khi phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn chắt chiu tạo dựng bao đời! Tôi thấy đồng chí thẫn thờ xúc động, chỉ thị cán bộ tổ chức cuộc di dân phải thấu hiểu, chia sẽ nỗi đau của người dân như của chính mình, cố gắng làm những gì có thể để hạn chế tổn thất tài sản, của cải của người dân…!

     Những năm đồng chí Lê Văn Nhung làm bí thư Tỉnh ủy An Giang để lại trong tôi, cũng như nhiều đồng chí cùng thời lòng kính trọng, mến thương với những dấu ấn, những kỷ niệm còn lưu lại trong tiềm thức không phai mờ!

                                              Bài viết tháng 7 năm 2010       

                           Sao y, chỉnh sửa bổ sung ngày 5 tháng 2 năm 2021

                                             Mùa dịch bệnh COVID-19

                                                  Nguyễn Minh Đào

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 5-2-21