CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ
Hồi ký
Nguyễn Minh Đào
Chương I:
Tuổi thơ với quê hương.
Chương III
SỨ MẠNG THẦM LẶNG
Trở về làng
quê sau nhiều năm xa cách, tôi sống với gia đình đang ở nhờ nhà ngoại.
Lúc bấy giờ các tỉnh Nam Bộ lực lượng vũ trang các giáo phái Hòa Hảo,
Cao Đài, Thiên Chúa, Bình Xuyên chiếm đóng theo kiểu cát cứ song song
với chánh quyền Sài Gòn. Để tạo thế họp pháp, Ba đưa tôi vào Tịnh Biên
nhờ người quen làm việc ở chánh quyền xã An Phú làm giấy thông hành cho
tôi. Nhưng cảnh giác âm mưu khủng bố người kháng chiến cũ, tôi và các
cậu, anh rể tôi đều là cán bộ kháng chiến được cử ở lại vẫn phải sống
bán họp pháp, ban đêm luôn thay đổi chổ ngủ.
Không thể kéo dài tình cảnh này, Ba đưa tôi tạm lánh mặt ở tiệm vàng Bữu
Quang thị trấn Tri Tôn học làm thợ bạc, ông chủ tiệm bà con xa với Ba
tôi. Tôi ở đây khoảng hai tháng, bàn với Ba tìm cách sống họp pháp ở quê
nhà để giử liên lạc với tổ chức và tìm việc làm giúp gia đình đời sống
đang khó khăn. Ba thông qua mối quan hệ quen biết với giới chức trong
Ban trị sự Hòa Hảo xã Nhơn Hưng vận động cho tôi dạy học ở ngôi trường
gần chùa Hòa Thạnh, ấp Tây Hưng có một phòng học bằng cây lá do bà con
trong ấp góp công sức dựng lên. Tôi là giáo viên duy nhất dạy đến ba
lớp, từ lớp năm đến lớp ba tiểu học với ba bốn mươi học sinh. Ban trị sự
Hòa Hảo xã trả lương tháng cho tôi 100 kg gạo và 400 đồng tiền Bảo Đại,
giúp gia đình tôi thoát cảnh chạy ăn từng bữa. Nhưng chỉ được vài tháng,
chánh quyền Sài Gòn đánh đổ giáo phái Hòa Hảo, tôi vẫn tiếp tục dạy học
tùy lòng hảo tâm cha mẹ học sinh đóng học phí, mức thu giảm sút nhiều.
Năm 1955, chánh quyền Sài Gòn đổi giấy căn cước toàn miền Nam. Tổ chức
đưa tôi làm thơ ký trong đoàn đổi giấy căn cước quận Tịnh Biên, để làm
giấy căn cước cho cán bộ kháng chiến cũ. Được đi lại nhiều nơi trong
quận có công xa đưa rước, tiếp xúc với nhân viên chánh quyền, thế họp
pháp của tôi được củng cố vững vàng hơn.
Tạm tạo được “vỏ bọc”, tôi bắt đầu tham gia công tác do Chi bộ xã Nhơn
Hưng lãnh đạo. Theo tình hình nhiệm vụ cách mạng khi ấy, chủ yếu là vận
động nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-neo, gầy dựng cơ sở
cách mạng… Tôi nhớ những lần chi bộ giao tôi kẻ vẻ khẩu hiệu, viết
truyền đơn cùng cậu Mười tôi đi rải, dán ở xóm Bà Bài, Bến Lúa, Miểu Bà…
nhân những ngày lể kỷ niệm, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của đồng
bào.
Những năm đầu sau 1954, chánh quyền Sài Gòn củng cố xây dựng bộ máy
chánh quyền cơ sở Pháp để lại, chi bộ xã Nhơn Hưng chọn quần chúng tốt
vận động cày cấm vào. Trong đó có chú ruột thứ út tôi làm xã trưởng, anh
rể bà con chú bác tôi làm ủy viên tài chính… Nhờ đó, tổ chức và
hoạt động cách mạng ở xã Nhơn Hưng phát triển khá thuận lợi.
Năm 1956, Ban cán sự đảng quận Tịnh Biên đóng bí mật nhà Ngoại tôi, bí
thư Ban cán sự những năm 1954 – 1959 là đồng chí Năm Mạo, tên thật Võ
Văn Nhứt, bí danh Hồng Châu và các đồng chí thành viên khác là Huỳnh
Kiên Cát (Ba Cát), Võ Hoàng Sa (Bảy Sa), Lâm Minh Thái (Hai Thái), Đặng
Văn Tôn (Ba Thanh), Nguyễn Hồng Sơn (Tư Sơn), Dương Thị Bình (Tư Bình)…
Văn phòng làm việc trong căn hầm bí mật dưới nền chuồng gà phía trước
sân nhà về phía bên phải. Trước đó, tôi biết các cậu tôi đào hầm bí mật
giữa đêm khuya, nhưng nơi nào và bao nhiêu hầm tôi không rõ, về sau mới
biết ngoài căn hầm dưới nền chuồng gà, còn một hầm cá nhân trong buồng
ngủ nhà Ngoại và một số hầm ngoài vườn. Một buổi tối, cậu Út nhỏ dẫn tôi
xuống căn hầm dưới nền chuồng gà, căn hầm xây khá kiên cố bằng gạch vôi
rộng hơn 1,5 mét vuông, kê một chiếc bàn nhỏ thấp vừa một người ngồi
viết… Cậu Út nhỏ lấy chiếc radio cũ một băng chừng hơn gang tay, xài
viên pin khối to gắp đôi chiếc radio, cậu rà sóng bắt đài Tiếng nói Việt
Nam, tuy âm thanh không được tốt, nhưng cậu cháu tôi lắng nghe một cách
say sưa, như uống từng lời phát thanh viên, từng lời ca tiếng nhạc vào
tim mình! Cậu cháu tôi sống dằn dặt trong tâm trạng ngày Nam đêm Bắc,
mong cách mạng miền Nam sớm thành công, đất nước thống nhất ra thăm miền
Bắc xã hội chủ nghĩa, thăm Bác Hồ. Từ đó, cậu Út nhỏ thường đưa tôi
xuống hầm nghe đài, hay tiếp với cậu in bột tài liệu, hoặc làm công việc
văn phòng lặt vặt… Mỗi khi cậu cháu tôi xuống hầm, bao giờ ông hoặc bà
Ngoại cũng ngồi trước nhà canh chừng, nếu có người lạ ra ám hiệu báo
động, khi cần đậy nấp hầm ngụy trang kín đáo.
Bộ phận văn phòng do
đồng chí Hai Mạnh Hà phụ trách, cậu Út nhỏ – ông Đặng Chí Kiên làm cán
bộ. Thỉnh thoảng tôi có tham gia công việc văn phòng như in tài liệu, kẻ
vẽ khẩu hiệu, đi thư… Các đồng chí lãnh đạo huyện ăn ở bí mật bất hợp
pháp, hoặc bán hợp pháp nơi nào tôi không rõ, thỉnh thoảng thấy tới nhà
ngoại ban đêm hội họp, hay đến ban ngày ngụy trang làm công việc gì đó
như đi kiếm thuốc nam chẳng hạn, để gặp gở làm việc riêng với đồng chí
nào đó, có khi ngoài vườn, có khi trong gian buồng nhà ngoại, xong lặng
lẽ ra đi. Chỉ có đồng chí Mạnh Hà có mặt nhà ngoại và nhà tôi thường
xuyên hơn. Ông bà con bên ngoại, tôi gọi bằng cậu, có khiếu nói chuyện
hài hước, vui tính, gần gũi mọi người. Một buổi trưa, ông Mạnh Hà ở nhà
tôi, ông quản Lũy ủy viên cảnh sát Hội đồng hương chính xã từ đâu đến
bất ngờ gặp ông Mạnh Hà, hai ông thoáng ngỡ ngàng bắt tay chào hỏi. Ông
quản Lũy nói: “Xin anh hãy cẩn thận…” Ông quản Lũy họ Đặng cùng
họ má tôi, tôi gọi bằng cậu, ông có cảm tình với cách mạng. Tôi nhớ,
cuối năm 1975 khi tôi công tác ở Tỉnh đội mang quân hàm đại úy, trong
dịp đi công tác đến thị trấn Tịnh Biên tình cờ gặp ông, ông với tôi tay
bắt mặt mừng, ông nói: “Cậu chúc mừng cháu! Đúng là trời không phụ
lòng người có chí”.
Xã Nhơn Hưng, cũng như nhiều xã khác trong huyện Tịnh Biên, đồng bào có
truyền thống yêu nước, gắn bó với cách mạng kể từ Cách mạng tháng Tám
năm 1945 và trong suốt cuộc hành trình 9 năm kháng chiến chống Pháp xăm
lược. Xã có 4 ấp, 2 ấp Đông Hưng và Tây Hưng tiếp giáp 2 xã Thới Sơn,
Xuân Tô đồng bào bao đời sống rải rác từng xóm trong vườn cây sầm uất,
với đường ngang ngõ tắt. Lòng dân và địa hình thuận lợi là hai yếu tố
các đồng chí lãnh đạo quận khi ấy chọn ấp Đông Hưng làm địa bàn đứng
chân lãnh đạo phong trào cách mạng nhân dân quận nhà.
Ngoại tôi – cụ ông Đặng Văn Hợi và cụ bà Phan Thị Phi có 3 người con
liệt sĩ. Bà được Nhà nước truy tặng “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng”. Những năm
đầu kháng chiến chống Pháp, trong tình thế cách mạng đầy gian khó, ông
bà bất chấp hiểm nguy thường xuyên nuôi chứa cán bộ, bộ đội trong nhà.
Sau Hiệp định Giơ-neo-vơ năm 1954, cách mạng miền Nam mong manh như
“ngàn cân treo sợi tóc”, ông bà ngoại tôi một lần nữa thể hiện lòng kiên
trung với cách mạng, sẳn sàng hy sinh tất cả khi cách mạng cần. Những
năm 1954 – 1957, các cậu tôi làm cách mạng, cậu thứ Sáu Đặng Hữu Hào hy
sinh năm 1946, còn lại 4 cậu tham gia kháng chiến được cử ở lại, trừ cậu
thứ Bảy Đăng Văn Tôn bất hợp pháp ăn ở bí mật, cậu Mười Đặng Văn Ngưng,
cậu Út lớn Đặng Văn Tiếng, cậu Út nhỏ Đặng Văn Mật, bí danh Đặng Chí
Kiên sống công khai hợp pháp nhà Ngoại.
Sau Hiệp định Giơ-neo-vơ năm 1954, từ khu tập kết Cà Mau tôi trở về quê
nhà xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) sinh sống với gia đình
trong cảnh nghèo khó, Ba tôi xoay sở làm ăn liên tiếp thất bại, nợ nần
chồng chất! Má tôi làm bánh, nấu xôi giải nắng dầm mưa gánh bán rong đầu
làng cuối xóm, chắt chiu từng đồng lo toan cuộc sống gia đình! Tôi, cùng
anh rể thứ Ba và các em tôi tới mùa đi cắt lúa mướn, hay trồng rẫy
khoai, dưa… Làm bất cứ việc gì bằng sức lao động của mình, những mong
chia sẻ phần nào gánh nặng cuộc sống gia đình với Ba Má tôi.
Tháng 12 năm 1957 tôi làm nhân viên Văn phòng Ban cán sự Đảng quận Tịnh
Biên (về sau là Huyện ủy Tịnh Biên) trú đóng bí mật nhà Ngoại tôi ở ấp
Đông Hưng, xã Nhơn Hưng. Tôi trúng tuyển quân dịch, nhân dịp này ông Năm
Mạo bí thư Ban cán sự quyết định đưa tôi vào quân đội Sài Gòn làm công
tác nội tuyến. Trước khi lên đường, ông chỉ đạo Chi bộ văn phòng Ban cán
sự kết nạp tôi vào Đảng. Lể kết nạp được cử hành trong nhà tôi, do ông
Mạnh Hà bí thư Chi bộ văn phòng Ban cán sự chủ trì, cùng có mặt hai đảng
viên giới thiệu là hai người cậu dìu dắt tôi tập tễnh trên đường cách
mạng, là cậu Mười Đặng Văn Ngưng và cậu Út Đặng Chí Kiên. Lá cờ Đảng
rộng hơn gang tay treo trên vách lá đơn sơ, tôi trịnh trọng đứng dưới cờ
tuyên thệ. Ước nguyện bao năm đứng vào hàng ngũ Đảng của tôi nay thành
hiện thực!
Sau lể kết nạp Đảng mấy hôm, ông Năm Mạo bí thư Ban cán sự triệu tôi đến
gặp ông tại khu vườn nhà cậu Ba Phương, nhà cùng xóm nhà Ngoại tôi. Ông
Năm Mạo làm việc với tôi gần một tuần, phổ biến tình hình nhiệm vụ cách
mạng miền Nam; Tập huấn yêu cầu, nhiệm vụ, phương châm, phương thức công
tác nội tuyến với phương châm “chui sâu, trèo cao”… Sau cùng, ông công
bố quyết định Ban cán sự phong tôi cấp trung đội trưởng, tức chuẩn úy.
Căn dặn tôi những gì cần phải làm và cần phải tránh, với tình cảm và
trách nhiệm của người lãnh đạo, của bậc cha chú đối với một đảng viên,
một đứa cháu trước lúc đi xa. Quảng đời binh nghiệp của tôi bắt đầu từ
đó.
Một năm làm lính quân dịch, tôi trãi qua hai tháng huấn luyện cơ bản ở
quân trường Quang Trung. Sau đó, họ đưa tôi học tiếp khóa kế toán binh
đoàn ở Thủ Đức hai tháng và phân bổ tôi về Sở quân nhu quản trị số 6
thành Hanh Thông Tây - Gò Vấp làm kiểm số viên, cho đến ngày mãn hạn
quân dịch giải ngủ tháng 12 năm 1958. Thời gian và hoàn cảnh khách quan
chưa cho phép tôi có thể làm được gì nhiều, ngoài việc vận động một số
anh em binh sĩ cùng đơn vị cảm tình cách mạng, đoàn kết giúp đở nhau
trong cuộc sống, đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt ở quân
trường…
Trước khi giải ngũ, tôi nghỉ phép về nhà liên lạc với tổ chức mới biết
bà Ngoại qua đời vì bệnh hiểm nghèo! Tôi rất đau buồn! Nghe gia đình kể:
Ngày tôi lên đường đi quân dịch bà Ngoại đi chợ, khi về biết được bà
khóc, gọi tên Ngô Đình Diệm chửi bắt cháu bà đi lính. Ông bà Ngoại tôi
là quần chúng chí cốt của Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến, ngoài công
nuôi chứa cán bộ, bộ đội, đóng góp tiền của… Ông bà Ngoại hiến dâng năm
người con trai cho Đất nước, ba người hy sinh. Bà được Chủ tịch nước
truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Giải ngũ quân dịch trở về gia đình tôi đang sống ở Đường Cũi Giữa, kinh
Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Một
tháng sau cậu tôi đến truyền đạt quyết định của Huyện uỷ Tịnh Biên, giao
nhiệm vụ tôi tiếp tục công tác nội tuyến lần thứ hai trong lực lượng bảo
an tỉnh An Giang (sau là địa phương quân). Sau khi làm xong thủ tục nhập
ngũ, tôi thụ huấn hai tháng tại Trung tâm huấn luyện bảo an tỉnh (điểm
Báo An Giang ngày nay).
Mãn khóa huấn luyện, họ đưa tôi về đồn Vàm Cống, trưởng đồn giao làm thơ
ký đồn và giử kho súng. Em tôi – Nguyễn Minh Nhị được tổ chức giao nhiệm
vụ liên lạc với tôi, cùng cậu Út tôi vài lần đến thăm. Có lần cậu Út
đến, hai cậu cháu ngủ qua đêm trước cửa kho súng, tôi báo cho cậu biết
số súng trong kho và hệ thống bố phòng của đồn. Tôi đề nghị được làm nội
ứng cho bộ đội đánh đồn xin ra ngoài chiến đấu. Cậu Út cho biết Đảng
chưa có chủ trương, khuyên tôi kiên nhẫn. Một buổi sáng, tôi thơ thẩn đứng trước cửa đồn nhìn khách tấp nập xuống xe qua phà, tôi nhận ra một bà nét mặt quen quen. Thì ra chị Sáu Mỹ Tân, hồi kháng chiến chị công tác chung với tôi ở Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc Long Châu Hà. Lẽ ra tôi không nên nhìn chị, nhưng tình đồng chí lâu ngày mới gặp, giục tôi muốn gặp thăm chị. Tôi đi nhanh xuống phà đứng gần chị, thấy tôi mặc áo lính chị quay mặt đi, tôi đi theo chị hỏi nhỏ: “Chị Sáu mạnh khỏe hả?”. Chị buộc quay lại: “Xin lỗi cậu là ai?” – “Tôi là Đáo đây (tên thật của tôi). Chị đừng ngại, tôi vẫn như xưa chị à !”. Chị Sáu Mỹ Tân buộc phải nhìn tôi, nhưng trông chị có vẻ bất an!
Cuối năm
1959 Tỉnh đoàn Bảo an tuyển lính các đại đội thành lập một đại đội đưa
đi huấn luyện bổ túc tại Trung tâm huấn luyện Thất Sơn, về sau có tên
Trung tâm huấn luyện Chi Lăng. Đại đội trưởng giao tôi làm thơ ký đại
đội. Về phép gặp cậu Út, tôi đề nghị làm nội ứng cho bộ đội đánh chiếm
Trung tâm huấn luyện Chi Lăng. Cậu Út tôi khuyên hãy kiên nhẫn thực hiện
nhiệm vụ “chui sâu trèo cao”!
Sau khóa huấn luyện họ bổ nhiệm tôi về Phòng chiến tranh tâm lý và Phòng
kế hoạch Tỉnh đoàn bảo an An Giang. Sau cùng họ thuyên chuyển tôi về Khu
1 bảo an Nam phần, là cơ quan chỉ huy lực lượng bảo an sáu tỉnh miền
Tây, trú đóng gần sân bay Sóc Trăng, sau dời về Cái Răng – Cần Thơ. Tôi
về báo cáo tổ chức, các đồng chí cho đây là cơ hội tôi có thể “chui sâu,
trèo cao”, động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiện vụ. Nơi đây, họ giao
nhiệm vụ tôi kẻ vẽ khẩu hiệu trang trí các phòng làm việc và làm thơ ký
đánh máy. Trong cơ quan chỉ có tôi là binh nhì còn lại là hạ sĩ quan và
sĩ quan, làm việc văn phòng như một công chức. Lợi dụng công việc mình
làm tôi đánh cấp một số tài liệu mật chuyển cho tổ chức. Tôi vẫn nôn
nóng muốn ra ngoài cầm súng chiến đấu. Một hôm em Nguyễn Minh Nhị đến
thăm, tôi nói: “Em về báo cáo xin ý kiến cho anh ra ngoài chiến đấu…”.
Một tuần sau không chờ ý kiến tổ chức, nhân ngày chủ nhật nghỉ làm việc,
tôi ra bến xe Cần Thơ “đào thoát”. Kết thúc hành trình hơn ba năm hai
lần công tác nội tuyến trong quân đội Sài Gòn.
Về gia đình tôi vẫn đang sinh sống ở kinh Tám Ngàn là vùng giải phóng,
lực lượng kháng chiến địa phương thấy tôi lạ mặt, dáng vẻ dân thành thị
nghi ngờ làm dọ thám cho địch định “làm thịt” tôi, may sao các đồng chí
lãnh đạo tỉnh, huyện biết được can ngăn. Về sau tôi mới biết chuyện nầy,
hú hồn! Hơn một tháng, Huyện uỷ Tịnh Biên gọi tôi về văn phòng đang trú
đóng núi Dài xã Ba Chúc. Ông Năm Mạo bí thư Huyện uỷ triệu tập cuộc họp
kiểm thảo tôi, quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và kéo dài thời kỳ
đảng viên dự bị mà không nói thời gian, về khuyết điểm vi phạm kỷ luật
đảng, tự ý bỏ nhiệm vụ công tác nội tuyến Đảng giao. Sau đó, Huyện uỷ
phân công tôi làm trưởng Tổ quân báo huyện.
Những
năm tháng công tác huyện Tịnh Biên tôi có nhiều bạn chiến đấu. Đặc biệt
có hai người bạn chí cốt để lại trong tôi niềm thương nỗi nhớ mãi khôn
nguôi! Đó là anh Chín Tiều, khi tôi làm trưởng tổ quân báo huyện, anh
làm trưởng Văn phòng Huyện đội. Tôi với anh gần gũi thân tình, cùng chia
ngọt sẻ bùi trong cuộc sống đầy khó khăn gian khổ! Tôi nhớ, có lần anh
đi công tác xã Lê Trì, khi về cơ quan rũ tôi ra ngoài lôi trong bọc ra
một chai bia con cọp và một hộp sữa đặc cùng một cái chậu nhỏ. Anh khui
chai bia và hộp sữa đổ hết trong chậu khuấy hòa tan, anh mời tôi cùng
uống với anh, tôi uống ngon chưa từng thấy! Về sau anh làm cán bộ Ban An
ninh tỉnh phụ trách vùng, có nhiều thành tích được phong Anh hùng Quân
đội. Khi tôi về Tỉnh đội công tác được tin anh hy sinh! Người thứ hai là
anh Năm Hà, được Huyện đội bổ nhiệm làm phó cho tôi. Anh là con em một
gia đình cách mạng chí cốt xã Thới Sơn. Suốt thời gian công tác huyện
Tịnh Biên, mẹ và chị anh nuôi chứa tôi xem như người thân. Trong công
tác anh rất nhanh nhẹn, tháo vát và chân tình với bạn bè, đồng chí. Khi
có lính càn quét anh là người chạy nhanh nhứt, bạn bè cho anh nhát gan,
đặt biệt danh “quan thượng thỏ”. Anh hy sinh vì vướng lựu đạn gài của bộ
phận cùng ở với anh trong lõm căn cứ xã Thới Sơn. Thật đau lòng!
Mùa nước năm 1961, tôi được cử đi dự hội nghị Quân báo Khu 8 ở căn cứ
Đồng Tháp Mười, cùng với anh Mười Thành Công, trưởng Tiểu ban Quân báo
Tỉnh đội. Hai chúng tôi xuất phát từ núi Dài trên chiếc xuồng nhỏ, theo
đường dây giao liên xuống đồng tràm Huệ Đức - căn cứ huyện Châu Thành.
Đêm hôm sau, giao liên dẫn ra ém ngủ đêm nhà cơ sở mật phía trên cầu
Quay chừng một cây số trên bờ sông Hậu. Mờ sáng, chúng tôi cải trang làm
nông dân đi cắt cỏ, ba lô dấu dưới khoan xuồng, để trên mấy bó cỏ ngụy
trang. Một cô giao liên công khai bơi xuồng đi trước dẫn đường, đi qua
một số đồn dân vệ đến vùng giải phóng huyện Chợ Mới. Ở đó nghỉ mấy ngày,
một cô giao liên công khai khác tiếp tục dẫn đường, vượt qua sông Tiền
phía trên đồn Phong Mỹ vài trăm thước lúc nữa đêm, chờ trời rạng sáng cô
giao liên chỉ hướng chúng tôi tự đi vào cánh đồng nước mênh mông, xa xa
nhìn thấy những rặng cây, cô bảo đi vào đó sẽ gặp cán bộ, bộ đội hỏi tìm
nơi cần đến.
Lần mò đi tìm hơn một ngày, chúng tôi gặp cơ quan Quân báo Khu 8. Hội
nghị đã bế mạc, các đồng chí lãnh đạo làm việc riêng với chúng tôi. Hơn
một tuần sau chúng tôi sắp sửa quay về An Giang, nhận tin buồn anh rể
thứ Ba của tôi – Anh Trần Ngọc Quế, bí danh Ba Nhân hy sinh, cùng với
một tiểu đội bộ đội địa phương tỉnh do anh chỉ huy, bảo vệ bà Nguyễn Thị
Định trên đường công tác từ An Giang về miền Tây, đến xóm Cốc Đạo Cậy xã
Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú bị địch truy đánh. Trên đường về, chúng tôi
đến xóm Cốc Đạo Cậy lúc nữa đêm, được đồng bào dẫn đi xem nơi diển ra
trận đánh không ngang sức. Quân ta không tới 10 tay súng, bám trên gò
tre nhỏ giữa đồng nước, đương đầu với địch đi trên giang thuyền. Anh Ba
Nhân chỉ huy anh em chiến đấu bảo vệ đoàn bà Nguyễn Thị Định rút đi an
toàn, diệt một số tên địch. Chúng tôi đến đó sau trận đánh vài ngày, còn
lưu lại dấu dết những cành tre bị bắn gãy đổ chưa khô lá, những đám lúa
mùa còn nhàu nát và thoang thoảng trong gió mùa thuốc súng. Một bác nông
dân chứng kiến cuộc chiến đấu sinh tử của quân ta kể lại diển biến từ
đầu đến cuối, luôn nhắc đến người chỉ huy dũng cảm, chỉ huy anh em chiến
đấu kiên cường đến người cuối cùng! Tôi nghe mà lòng quặn thắc một nỗi
đau!
Đầu năm 1962, ông Võ Văn Đầy, tức Bảy Thà làm bí thư Huyện ủy thay ông
Năm Mạo được điều về tỉnh. Trong một lần trò chuyện với ông Bảy Thà, ông
cho biết Ban thường vụ Huyện ủy vừa làm việc về công tác cán bộ, quyết
định tôi là “cán bộ sơ cấp Đảng”, đang đề nghị Tỉnh ủy chuẩn y. Tôi nói,
tôi chưa được công nhận đảng viên chánh thức. Ông hỏi tại sao vậy? Tôi
trình bày mọi chuyện với ông. Sau cùng ông nói: “Vậy từ nay Huyện ủy
công nhận đồng chí là đảng viên chánh thức”. Từ đó trong lý lịch tôi
ghi kết nạp đảng tháng 12 năm 1957, chánh thức tháng 1 năm 1962, tôi làm
đảng viên dự bị 4 năm!
Năm 1963 Huyện ủy, Huyện đội giao tôi kiêm nhiệm làm trưởng Văn phòng
huyện đội, sau đó làm trưởng Văn phòng huyện ủy. Tôi đi kháng chiến 11
tuổi học hành dang dở, nhờ có chút năng khiếu “cạo giấy”, nên cuộc đời
làm cách mạng của tôi có nhiều năm làm công tác văn phòng, khởi đầu ở
huyện Tịnh Biên.
Ngày 31 tháng 7 năm 1964, sau khi được gia đình đôi bên và Ban thường
vụ Huyện ủy chấp nhận, tôi làm lể thành hôn với cô gái công tác cùng cơ
quan với tôi. Vợ chồng tôi chung sống đến ngày “răng long tóc bạc” hôm
nay. Cuộc hôn nhân thời chiến của chúng tôi kể ra khá lãng mạn, đong đầy
kỷ niệm! Lể tuyên hôn được tổ chức nhân bế mạc hội nghị cán bộ Huyện ủy,
do ông Mạnh Hà bí thư chi bộ làm chủ lể. Sau bữa cơm thân mật buổi
chiều, mọi người quây quần trong hội trường, có trang trí bàn thờ Tổ
quốc, cô dâu chú rể “đứng hầu” hai bên nghe ông chủ lể “thuyết giáo”,
sau cùng tôi hứa hẹn… Nghi lể vừa xong chốt lát, bổng nghe tiếng pháo
đề-pa từ trận địa pháo Ba chúc, đạn rít qua đầu nổ ầm ầm chung quanh.
Mọi người nhanh chóng chạy tản ra. Hầm trú ẩn không đủ, nhường cho người
già, phụ nử, trẻ em, tôi và các bạn trẻ nằm phơi trên mặt đất. Địch bắn
hàng chục quả pháo, có mấy quả nổ rất gần, mãnh đạn văng sát chổ tôi
nằm, tiện đứt cành cây gãy đổ trước mặt, rất may không có quả nào rơi
trúng nơi hành lể. Trận bắn pháo không bình thường, Ban An ninh huyện
phát hiện tên gián điệp nữ ở xóm Ô Cạn bắt điều tra, thị khai thấy anh
em ta mượn nồi niêu, chén bát chuẩn bị lể cưới cho tôi báo với đồn Phổ
Đà Ba Chúc: “Việt cộng đang hội họp, ăn uống đông người…” và chỉ
điểm chúng bắn pháo. Tên gián điệp đền tội làm tay sai cho địch!
Vợ tôi khi ấy làm y tá Văn phòng Huyện đội. Sau ngày cưới được điều về
Văn phòng Huyện ủy làm nhân viên đánh máy. Khi mang thai về gia đình tôi
ở kinh Tám Ngàn sinh một bé trai kháu khỉnh. Ba Má tôi làm lể mừng cháu
nội đầy tháng, tôi về dự lòng tràn ngập niềm vui! Trở về cơ quan mấy
hôm, được tin con tôi bệnh chết. Tôi bàng hoàng đau xót! Hình ảnh đứa
con bé bỏng yêu thương cứ lảng vảng trong đầu tôi! Ba đưa vợ tôi về cơ
quan tiếp tục công tác. Thương nhớ con, nhất là ban đêm bầu sữa căng
tròn, vợ tôi nhớ con khóc rấm rứt cả tháng! Năm 1965, máy bay địch ném
bom trúng nhà tôi tan hoang, may mắn cả nhà kịp chạy thoát! Ba Má tôi
góp nhặt những gì còn lại xuống chiếc ghe nhỏ, cùng mấy đứa cháu ngoại
sống bập bềnh trên dòng kinh Lương An Trà.
Giửa năm 1968 tôi nhận quyết định điều động về Văn phòng Tỉnh đội làm
trợ lý chiến sự - chức năng như chánh văn phòng và được phong cấp đại
đội chánh trị bậc phó, tức thiếu uý. Các cơ quan tỉnh khi ấy trú đóng
đồi Tức Dụp (núi Tô). Đến cơ quan Tỉnh đội được anh Vũ Khắc Sương Tỉnh
đội trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ và hướng dẫn tôi đến chổ ở dành cho
tôi. Đó là một hốc đá nhỏ, nằm trong dãy lò ảng tầng tầng lớp lớp của
đồi Tức Dụp. Vài ngày sau tôi nếm mùi trận bom đầu tiên của địch, có mấy
quả rơi trên đầu, tiếng nổ chát chúa, khói bụi mù mịt len theo kẹt đá
vào tận hang sâu nơi cơ quan trú ẩn. Khi ấy địch đánh phá đồi Tức Dụp
chưa ác liệt. Hàng ngày vào đầu giờ làm việc buổi sáng, tôi chui khỏi
hang hít thở không khí ban mai trong lành, đi nhởn nhơ ngắm cảnh sang
Văn phòng Tỉnh ủy họp giao ban. Hôm nọ, đi ngang khu vực Dân y tỉnh, tôi
thấy có một bệnh nhân nữ gương mặt khá xinh, chừng 18, 19 tuổi, nằm trên
bộ vạt tre kê dưới vòm hang đá nhỏ bên vệ đường. Cô mặc chiếc quần đen
nhàu nát, trên người chỉ đắp chiếc khăn rằn, sau lưng có mấy vết loét
sâu. Cô luôn rên rĩ la hét, cười nói lảm nhảm như người mất trí. Tôi hỏi
những người biết chuyện kể: Cô quê Cà Mau, đi thanh niên xung phong vận
tải súng đạn từ biên giới Campuchia qua An Giang về miền Tây. Trong một
trận địch càn quét núi Tô, cô bị sốt rét nặng, đồng đội đem giấu dưới
hang đá, không rõ vì sao người ta bỏ rơi cô. Gần mười ngày sau, anh em
nhân viên một cơ quan tỉnh phát hiện cô trong tình trạng đói lả, thân
thể lở loét, đem về Dân y tỉnh cứu chữa. Tôi hỏi bác sĩ trưởng dân y về
khả năng cứu chữa cô gái, ông cho biết trong điều kiện của ta hiện nay
khó có thể chữa lành các vết
loét…!
Giữa năm
1968 Sư đoàn 1 Anh hùng – Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, được Bộ tư
lệnh Miền điều động về đứng chân chiến trường Bảy Núi, xây dựng đầu cầu
mở hành lang chuyển Sư đoàn về miền Tây. Cuối năm 1970 tôi là trung úy
trợ lý tuyên huấn Ban chánh trị Tỉnh đội, được cử đi cùng Ban chỉ huy
Tiền phương Tỉnh đội vừa thành lập do anh Trần Thế Lộc, thường gọi Bảy
Phong – tỉnh đội phó phụ trách, về Bảy Núi lãnh đạo, chỉ huy các
đơn vị bộ đội địa phương tỉnh có mặt như Đại đội 381 đặc công, Đại đội
385 trợ chiến và Tiểu đoàn A.11 (Quân khu 8 biệt phái) hoạt động độc lập
hoặc phối hợp với bộ đội chủ lực. Lúc nầy địch đánh phá phong tỏa biên
giới trên tuyến kinh Vĩnh Tế rất quyết liệt. Chúng tôi hành quân từ căn
cứ B3 – Vạt Lài, huyện An Phú tới núi Som (Campuchia) tiếp giáp biên
giới huyện Tịnh Biên, mất gần hai tháng mới “dùi” qua được kinh Vĩnh Tế
về núi Dài – xã Ba Chúc. Lúc đầu trú đóng Ô Vàng – xã Lê Trì, sau bám
trụ đồi Ô Tà Sóc – núi Dài xã Lương Phi.
Gần cuối năm 1971 tôi nhận lệnh đi học trường Trần Phú Khu 8, hoàn thành
nhiệm hơn 9 tháng cùng đồng chí, đồng đội sống, chiến đấu đầy hy sinh
gian khổ trên đổi Ô Tà Sóc nóng bỏng! Những năm trước tôi có viết hồi ký
nhan đề “Trên đồi Ô Tà Sóc năm xưa” đăng trên Báo An Giang và
trang Facebook của tôi về ngọn đồi này.
Tháng 3 năm 1973, tôi vẫn công tác Ban Chánh trị Tỉnh đội, được cử đi
học khóa bồi dưởng cán bộ chánh trị viên tiểu đoàn Trường Quân Chính
Quân khu 8, trú đóng trên đất Campuchia cách biên giới tỉnh Long An rất
xa. Cùng đi có các đồng chí Út Lê (Bùi Văn Huấn, sau là thượng tướng phó
chủ nhiệm Tổng cục Chánh trị), Tư Hờn (chết bệnh) và Bảy Sửu (hy sinh
trong kháng chiến). Tháng 9 năm 1973 tôi được đề bạt cấp tiểu đoàn chánh
trị bậc phó, tức thượng úy. Giữa năm 1973 tỉnh An Giang chia tách thành
hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà, tôi công tác tỉnh Long Châu
Tiền làm phó chủ nhiệm Ban Chánh trị Tỉnh đội.
Năm 1974, các cơ quan tỉnh trú đóng Kế Sách, ven sông Sở Thượng trên đất
Campuchia, cách biên giới đối diện thị trấn Hồng Ngự không xa. Năm ấy là
năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh đội tổ chức Đại hội Chiến sĩ
thi đua trong khí thế phấn khởi chưa từng có, trước những chiến thắng
dồn dập của ta trên khắp chiến trường miền Nam. Địa điểm đại hội tại
chòm cây vừng, nơi cơ quan Ban Chánh trị Tỉnh đội trú đóng. Chúng tôi cử
một số anh em tìm mua khung nhà cũ bằng gổ vuông của dân Campuchia đem
về cất hội trường rất khang trang, bàn ghế làm bằng ván, trang trí khẩu
hiệu, cờ, hoa rất đẹp, ban đêm chạy máy đèn sáng rực… Đại hội tiến hành
cuối tháng 6 năm 1974, vừa xong thì mùa nước đến. Mùa khô năm 1975, tình
thế cách mạng biến chuyển rất nhanh, ta vào trận quyết chiến lược cuối
cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 30 tháng 4 năm
1975.
Sau giải phóng, tỉnh Long Châu Tiền lấy thị trấn Tân Châu làm tỉnh lỵ.
Các cơ quan Tỉnh đội trú đóng khu vực chi khu quận Tân Châu của quân đội
Sài Gòn. Đại hội Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh
Long Châu Tiền năm 1975 tổ chức tại rạp hát Tân Châu. Đây là lần đầu
đồng bào vùng mới giải phóng chứng kiến ta tổ chức lể hội cấp tỉnh.
Chúng tôi cố gắng chuẩn bị mọi mặt chu đáo tiến hành đại hội thật trọng
thể, gây ảnh hưởng chánh trị tốt trong đồng bào!
Tháng 12 năm 1975 tôi được thăng cấp đại úy. Hồi đó, tỉnh Long Châu Tiền
sĩ quan cấp đại úy đến cao nhất trung tá đếm trên đầu ngón tay. Lần đầu
tiên khoát quân phục, đeo quân hàm kết hợp trông rất đỉnh đạt, khác hẳn
anh bộ đội ở rừng ngày nào!
Sau Đại hội chiến sĩ thi đua, tôi mới có thời gian nghĩ phép mấy hôm về
thăm quê sau bao năm xa cách. Ngồi trên xe jeep đi từ Tân Châu sang phà
Châu Giang qua Châu Đốc, vào Nhà Bàn theo con đường lộ đá quen thuộc
xuống Cây Mít, lòng tôi lâng lâng một niềm vui khó tả…! Tôi ghé xóm chùa
Bà Bảy quê ngoại viếng mồ mả ông bà, thăm bà con bên ngoại và ra xóm Cây
Mít thăm bà con bên nội.
Năm 1976 tỉnh An Giang được tái lập, tôi vẫn là phó chủ nhiệm Ban Chánh
trị Tỉnh đội, sau là Phòng Chánh trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Nhiều năm
gắn bó lực lượng vũ trang tỉnh nhà trong công tác chánh trị quen người,
quen việc. Đùng một cái các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Tỉnh đội tham
khảo tôi chuyển ngành sang Văn phòng Tỉnh ủy. Các đồng chí nói: Các
ngành dân – chính – Đảng đang thiếu cán bộ, Văn phòng Tỉnh ủy cần một
cán bộ có khả năng nghiên cứu phụ trách Khối quân sự - an ninh, nhất là
theo dõi chiến tranh biên giới Tây Nam đang leo thang ngày càng khốc
liệt, phục vụ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Đáng chú ý, có một lý do “bất khả
kháng”: Đồng chí Nguyễn Văn Hơn, tức Sáu Hơn chánh trị viên Tỉnh đội An
Giang (cũ) và chánh trị viên Tỉnh đội Long Châu Tiền – Thủ trưởng trực
tiếp nhiều năm của tôi, chuyển ngành khi tỉnh An Giang vừa tái lập làm
phó bí thư và bí thư Tỉnh ủy nói cho tôi biết: Tôi không thể tiếp tục
công tác Tỉnh đội, vì khi Bộ tư lệnh Quân khu 8 thăng cấp đại úy cho tôi
có nói với đồng chí phải cho tôi chuyển ngành, vì Bộ Quốc phòng không
xét thăng cấp cho tôi từ thiếu tá trở lên, do tôi có mấy năm là công tác
nội tuyến trong quân đội Sài Gòn (?!). Nhân chuyện này, đồng chí Sáu Hơn
kể lại chuyện hồi năm 1973, khi tôi đang học Trường Quân chính Quân khu
8, phát hiện lý lịch tôi có “vấn đề làm công tác nội tuyến”, yêu cầu
Tỉnh đội triệu tôi về không cho học. Đồng chí Sáu Hơn đấu tranh với Quân
khu không đồng ý, vì tôi làm công tác nội tuyến do Đảng phân công, đâu
phải do tôi tự ý! Thấy lý lịch chính trị của mình có vấn đề “gút mắc”
như vậy tôi rất buồn! Nhưng với niềm tin đối với Đảng và tính tổ chức kỷ
luật đã thấm trong máu, tôi không hề có thái độ tiêu cực, vẫn yên tâm và
tiếp tục phấn đấu lao vào nhiệm vụ mới. Quảng đời binh nghiệp của
tôi kết thức từ đó! Tác giả gởi cho viet-studies ngày 24-2-21 |