KIẾN NGHỊ VỀ THỰC HIỆN ĐÚNG
DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

           

Thưa các bạn làng Phây,

Vừa qua, tôi có trình lên TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng & BCT Đảng CSVN và Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam kiến nghị với nội dung nói trên.

Kiến nghị trình Quốc Hội tôi đã gửi tới bà Chủ tịch và tất cả các vị Lãnh đạo QH, cũng như tới các vị Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách 63 tỉnh, thành trong cả nước, với lời đề nghị làm ơn giúp cho sao và gửi tới tất cả các vị Đại biểu QH trong Đoàn.

Tôi đã nhận được công văn số 299/BDN ngày 13-8-2019 của Ban Dân nguyện của QH, do Trưởng Ban Nguyễn Thanh Hải ký, thông báo “Chủ tịch Quốc hội đã nhận được thư kiến nghị” và “ xin trân trọng gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe của Chủ tịch Quốc hội đến ông cùng toàn thể gia đình” .

Hôm nay, đúng ngày giỗ lần thứ 55 Ông nội tôi, người đã luôn răn dậy tôi “ Nhân bất học bất tri lý”,  “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “ Giấy rách phải giữ lấy lề” và Trung ương Đảng và Quốc hội sắp họp, tôi xin chia sẻ toàn văn kiến nghị đã trình QH.

Xin mời bạn nào quan tâm:

 


                                                                  

 “ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

ĐỘC LẬP – TỰ  DO – HẠNH PHÚC

                                                                      

                Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2019

                Kính gửi :    -  Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch và các vị Phó Chủ tịch Quốc hội

                                        nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;                                                                                        

                                     -  Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Trưởng ban Dân nguyện;

                                     -  Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký,

                                        Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; 

                                    -  Các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV.

            Trước hết, tôi xin gửi tới Bà Chủ tịch và các Quý vị lời chào trân trọng.

            Tôi là Nguyễn Đình Bin, cử tri, hiện cư trú tại phòng …, Nhà …, Khu ĐTM Mỹ Đình, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội.*

            Thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân đã được hiến định, sau khi đã suy nghĩ, cân nhắc nung nấu từ rất lâu, hôm nay tôi viết kiến nghị này kính trình lên Quốc hội xem xét.

            Tôi nghĩ: nay là thời điểm thích hợp để nêu lên và giải quyết vấn đề này, nhân dịp sắp tới Giỗ lần thứ 50 Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là kỷ niệm 74 năm Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu Thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc ta, và đúng nửa thế kỷ thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.

            Thưa Bà Chủ tịch và các Quý vị,

            Chúng ta đều đã biết:

Về việc riêng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc:

 “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì điện táng càng tốt hơn.

Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.

            Vậy mà, lời “ yêu cầu” ấy của Người, 50 năm đã trôi qua, đến nay vẫn chưa được thực hiện, do “Bộ Chính trị Ban chấp hành TƯ Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác” (thông báo của Bộ Chính trị khóa VI ngày 19/8/1989).

 Trước tình hình thực tế đó, tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét một giải pháp để vừa thực hiện được đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại vẫn tôn trọng và tiếp tục thực hiện được tinh thần cốt lõi quyết định nói trên của Bộ Chính trị khóa III, mà lại thực hiện một cách tốt hơn.

Giải pháp này sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp, đồng thời khắc phục được một số khiếm khuyết của cách làm cho đến nay, và tôi tin sẽ là giải pháp vĩnh viễn.

Tôi xin phép trình bầy cụ thể giải pháp này như sau:

1)- Thực hiện đúng Di chúc, tiến hành hỏa táng thi hài Chủ tịch hiện đang được gìn giữ tại Lăng, chia tro thành ba phần đều nhau, để vào ba quách và an táng đúng như Người đã “ yêu cầu”.

2)- Làm tượng sáp Chủ tịch đang nằm ngủ để thay thế thi hài Người hiện tại trong Lăng. (Công nghệ  làm tượng sáp trên thế giới nay đã đạt mức tuyệt hảo, hệt như người thật).

3)- Giữ gìn Lăng như hiện tại. Lăng sẽ là Đền thờ, Tượng đài, Di tích lịch sử quốc gia rất đặc biệt, gắn với các sự kiện lịch sử oai hùng, khắc ghi công trạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, nơi nhân dân ta và bạn bè quốc tế tiếp tục được đến thăm viếng Người, để mãi mãi tôn vinh Người.

4)- Chọn ba ngọn đồi ở ba miền Bắc, Trung, Nam, tốt nhất, đẹp nhất theo phong thủy và cảnh quan, lại thuận tiện cho mọi người tới thăm viếng, để an táng ba quách đựng tro hài cốt Người và xây dựng Đền thờ Người thật tôn nghiêm, thể hiện đúng công lao to lớn, đạo đức mẫu mực, nhân cách thanh cao của Người.

Đương nhiên mọi việc nói trên sẽ được thực hiện theo đúng thủ tục tâm linh truyền thống của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân dân ta tôn thờ như một vị Thánh. Ở nước ta cũng như trên thế giới có cả tượng Phật nằm. Nên, tượng sáp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang nằm ngủ, được thực hiện theo đúng thủ tục tâm linh truyền thống của dân tộc như vừa nói đối với tượng Phật, tượng các vị thánh, vĩ nhân… thì cũng linh thiêng như các tượng khác của Người đang được thờ tại các Đền, Chùa, Khu di tích lịch sử, Bàn thờ…trên đất nước ta.  Không có điều gì phải băn khăn cả.

Thực hiện giải pháp này sẽ đem lại các điều tốt đẹp sau:

1)- Sau 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cuối cùng, lời Người “ yêu cầu” về việc riêng trong Di chúc đã được thực hiện, khắc phục được khiếm khuyết cho đến nay là đã không làm như vậy. Và thế là nay Người được toại nguyện.

2)- Cũng theo tín ngưỡng dân gian, từ nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sẽ thực sự được “ mồ yên, mả đẹp”, thực sự được siêu thoát và yên nghỉ vĩnh hằng Nơi miền Cực lạc. Như vậy, sẽ không còn điều gì phải ưu phiền nữa. Quốc sẽ được Thái, Dân sẽ được An.

3)- Sẽ tiết kiệm cho ngân sách quốc gia hàng năm ( không cần chi phí để giữ gìn thi hài Người nữa, Ban quản lý Lăng sẽ gọn nhẹ hơn nhiều, chỉ cần một bộ máy đủ để bảo vệ, quản lý Lăng và hướng dẫn khách đến viếng). Như thế, cũng là làm theo lời dậy của Người về thực hành “cần, kiệm…”. Dùng khoản tiết kiệm được ấy để hàng năm làm các việc thể hiện được tình cảm đặc biệt của Người ghi trong Di chúc dành cho các cụ phụ lão và các cháu thiếu niên, nhi đồng, thì lại càng có ý nghĩa cao đẹp và thiết thực biết bao.

4) Nhân dân ta và bạn bè trên thế giới đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lăng sẽ được chiêm ngưỡng Người như lúc Người sinh thời, một niềm hạnh phúc mà cho đến nay không thể có được với thi hài Người hiện tại. Hơn nữa, mọi người sẽ được đến quanh năm chứ không phải như tới nay, hàng năm Lăng phải đóng cửa một thời gian để bảo dưỡng thi hài Người.

5) Ngoài Lăng ở Thủ đô Hà Nội, nhân dân ta và bạn bè quốc tế sẽ có thêm ba Đền thờ Người nữa để đến thăm viếng ở ba miền đất nước, lại thuận tiện hơn cho người bản địa, đúng theo mong muốn và quan điểm quần chúng của Người. Hơn thế nữa, đó sẽ là ba địa danh lịch sử mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh tôn vinh Người mà còn cả về văn hóa, tham quan, du lịch.

6)- Việc làm này rất hợp lòng dân, thể hiện rõ tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội, đã lắng nghe và đáp ứng đúng nguyện vọng sâu xa, chính đáng từ rất lâu rồi của nhân dân, sẽ tác động mạnh mẽ, góp phần khôi phục niềm tin, nâng cao uy tín của Quốc hội và Lãnh đạo đất nước trước quốc dân và thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh đang tiến tới Đại hội Đảng XIII, việc làm này, cùng với đẩy mạnh chống tham nhũng, sẽ tạo ra một không khí phấn khởi mới trong cả nước, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta hăng hái tham gia thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Tôi cũng hiểu Quốc hội đã có chương trình làm việc năm nay, với rất nhiều quốc gia đại sự, và việc này không nằm trong chương trình nghị sự. Song, thực tế cuộc sống cho thấy luôn luôn xuất hiện vấn đề không lường trước đòi hỏi phải được giải quyết. Tôi thiển nghĩ: nửa thế kỷ đã trôi qua, các điều kiện thực sự đã chín muồi, và nay là thời điểm thích hợp nhất, tốt nhất để giải quyết việc này, như tôi đã lý giải ở trên. Và làm việc này cũng là tiếp tục tinh thần đổi mới liên quan đến ngày qua đời và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Bộ Chính trị khóa VI đã khởi xướng, khi quyết định công bố ngày giờ thật sự Chủ tịch qua đời và toàn văn Di chúc của Người, được nhân dân ta rất hoan nghênh.

Tôi tin tưởng rằng: Nếu Quốc hội đưa ra trưng cầu dân ý thì chắc chắn sẽ được cử tri nhiệt liệt hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.

Thưa Bà Chủ tịch và các Quý vị,

Tôi nhận thức rõ đây là một việc hết sức hệ trọng và vô cùng nhậy cảm. Song tôi vẫn mạnh dạn trình lên Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước kiến nghị này, là do được khích lệ và thôi thúc bởi :

- Lòng tôn kính và biết ơn vô hạn của bản thân và gia đình tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Những điều tốt đẹp việc làm này sẽ mang lại cho đất nước, cho nhân dân, cho Quốc hội và Lãnh đạo nước nhà, theo thiển nghĩ của tôi, như đã trình bầy ở trên.

- Tinh thần đổi mới mà Quốc hội thể hiện ngày càng mạnh mẽ.

Vậy, xin kính trình Quốc hội xem xét và quyết định theo thẩm quyền hiến định.

Tôi mong sẽ được biết ý kiến của Quốc hội về kiến nghị này.

Xin chúc sức khỏe Bà Chủ tịch, các vị Lãnh đạo và toàn thể các Quý vị Đại biểu Quốc hội.

                                                                             Trân trọng,

                                                                        Nguyễn Đình Bin

                                                                              ( đã ký )

Trân trọng đề nghị ông Nguyễn Hạnh Phúc làm ơn cho sao và chuyển giúp kiến nghị này tới tất cả các Quý vị Đại biểu Quốc hội. Xin chân thành cảm ơn.                                                                                                                                                                             

                                                                     --------------------------

*Sinh ngày 10-7-1944, tại thôn Thượng Đỗ, xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cuối 1953 vào Đội thiếu niên kháng chiến chống Pháp tại quê vùng du kích. 15 tuổi vào Đoàn Thanh niên Lao Động Việt Nam. Vừa tròn 18 tuổi vào Đảng Lao động Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII. Một trong 10 người được phong hàm Đại sứ đợt đầu tiên. Nguyên: Thứ trưởng Thường trực, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài; Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao; Phó Bí thư Đảng ủy Khối Đối ngoại TW ( trực thuộc Ban Bí thư); Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên các Ban chỉ đạo TƯ về Thông tin đối ngoại và Giải quyết hậu quả chất độc da cam. Đại sứ tại Nicaragua kiêm nhiệm Ecuador và tại Pháp kiêm nhiệm Bồ Đào Nha.”

Cảm ơn bạn đã quan tâm.