THỜi BáO (Đức)
7/12/22

Ngành Ngoại giao bốc cháy, hàng loạt đại sứ xộ khám, nhà Bùi Thanh Sơn và Phạm Bình Minh bao giờ bén lửa?

Ngày 4/12, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Vũ Ngọc Minh – cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola; bị can Lý Tiến Hùng – cựu Đại sứ Việt Nam tại Nga, hiện là chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; bị can Vũ Hồng Quang – Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam.

Ngoài ra, Cơ quan an ninh còn khởi tố ba người khác về tội đưa hối lộ, gồm: bà Nguyễn Thị Hiền – lao động tự do; ông Đào Minh Dương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vijasun và ông Nguyễn Thế Dũng – Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn du lịch thương mại Sang Trọng. Riêng bị can Phạm Thị Kim Ngân – quan chức thuộc Phòng trị sự, tạp chí Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ – bị khởi tố điều tra về tội môi giới hối lộ.

Như vậy, cho đến nay, ông Tổng đã cho Tô Lâm bắt khoảng 30 người, trong đó có nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Trước đây, ông Tô Anh Dũng, 58 tuổi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đã xộ khám. Ông Dũng từng là cấp phó cho ông Phạm Bình Minh và ông Bùi Thanh Sơn. Ông này bị điều tra về tội nhận hối lộ. Ngoài ra, hồi cuối tháng 9, Trợ lý của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh là ông Nguyễn Quan Linh cũng bị bắt tạm giam.

Vụ án Việt Á đang bùng cháy, và cứ sau mỗi lần bùng lên, ngọn lửa lại tiến gần hơn tới nhà ông Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực và ông Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trợ lý là người cực kỳ thân cận của Phó Thủ tướng bị bắt, thì Phó Thủ tướng không thể thoát tội. Bởi vì, nếu chủ soái mà không cho phép, thì kẻ giúp việc không bao giờ dám làm bậy.

Đối với ông Phạm Bình Minh, ông này phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm của cấp dưới. Cấp dưới là đại sứ, là thư ký, là thứ trưởng đều đã bị kết tôi và bị bắt, thì tại sao ông Phạm Bình Minh lại vô can? Tương tự như vậy, cấp dưới của ông Bùi Thanh Sơn từ cấp đại sứ đến cấp phó đều đính sai phạm, thì ông Bùi Thanh Sơn làm sao vô can?

Với những vụ bắt bớ trong những tháng vừa qua cho thấy, ông Phạm Bình Minh và ông Bùi Thanh Sơn là hai “trùm cuối” của vụ chuyến bay giải cứu. Vậy mà hiện nay, hai ông này vẫn chưa bị ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện những hình phạt tương xứng. Người thừa hành thì bị trừng trị, kẻ chủ mưu thì nhởn nhơ, vậy Nhà nước này công bằng ở đâu? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Cũng có ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có thói quen đốt nhà từ dưới đốt lên. Tức là ông cho bắt hết những người từ cấp bậc nhỏ nhất, rồi sau đó mới bắt lên dần và cuối cùng là tóm trùm cuối. Không biết sự kỳ vọng này của nhiều người dân có được ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện hay không.

Hiện nay, các tờ báo đồng loạt dùng danh xưng “cán bộ đại sứ quán” mà không hề nói thẳng chức vụ “đại sứ” của hai người mới bị bắt. Cán bộ là danh từ chung, chỉ bất kỳ ai từ cấp chuyên viên cho đếp cấp hàm đại sứ. Cấp hàm đại sứ là người chịu chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và Thứ trưởng. Như vậy, các tờ báo dùng từ “cán bộ đại sứ quán” là để tránh sự liên quan đến ông Phạm Bình Minh và ông Bùi Thanh Sơn? Điều này cho thấy, vẫn chưa có lệnh cho phép động đến hai nhân vật cao nhất trong ngành Ngoại giao.

Cho dù báo chí che đậy ngọn lửa của lò ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng ai cũng thấy ngọn lửa hiện nay đang tiến đến rất gần nhà ông Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực và nhà ông Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Câu hỏi của người dân bây giờ là, bao giờ nhà ông Phạm Bình Minh và nhà ông Bùi Thanh Sơn bén lửa? Câu trả lời này dành cho ông Tổng Bí thư.

Bảo Trâm – Thoibao.de (Tổng hợp)