NGƯỜI VIÊ%T
https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/hoi-thao-ve-vnch-nen-dan-chu-sinh-ra-trong-chien-tranh/
Hội thảo về VNCH, nền dân chủ sinh ra trong chiến tranh
Nguyễn Hòa/Người Việt (tường trình từ Oregon)
EUGENE, Oregon (NV) – Trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, tại Đại
Học Oregon, thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, diễn ra một cuộc hội
thảo về Việt Nam Cộng Hòa mang tên: Việt Nam Cộng Hòa, những vấn đề,
những thách thức và tầm nhìn (Studying Republican Vietnam: Issues,
Challenges, And Prospects). Cuộc
hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á và Thái Bình Dương tổ chức. Tham
dự hội thảo có khoảng 150 người trong đó có nhiều chuyên gia trong lĩnh
vực nghiên cứu về Việt Nam tham dự. Có một số viên chức cao cấp của
chính thể Việt Nam Cộng Hòa tham dự là hai cựu tổng trưởng: ông Hoàng
Đức Nhã, Bộ Thông Tin-Chiêu Hồi và ông Nguyễn Đức Cường, Bộ Thương
Mại-Kỹ Nghệ.
Trong ngày đầu tiên, các diễn giả trình bày và và tranh luận về những
ngày đầu nhà nước Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, sau khi cuộc chiến
Đông Dương lần thứ nhất kết thúc vào năm 1954, với rất nhiều khó khăn.
Khó khăn chính trị Diễn
giả đến từ Đại Học Connecticut là bà Nu-Anh Tran cho rằng, những chính
trị gia của nền Cộng Hòa đầu tiên tại miền Nam Việt Nam đã do dự khi
chọn mô hình chính trị nào cho Việt Nam Cộng Hòa. Cuối cùng nhóm thắng
thế là nhóm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với một mô hình không hoàn
toàn là dân chủ, với sự hạn chế một số quyền tự do. Bên
cạnh đó, diễn giả Yen Vu, từ Đại Học Cornell, đã phân tích các trước tác
của một tác giả là ông Trần Văn Tùng, một người Việt sống tại Pháp. Ông
Trần Văn Tùng đã tìm kiếm một ý tưởng để xây dựng một nhà nước Việt Nam
không cộng sản, ngay từ khi người Pháp ký thỏa hiệp Elysee tại Paris,
trao độc lập cho Quốc Gia Việt Nam. Ông đã thành lập Đảng Dân Chủ Việt
Nam vào năm 1955, với những tư tưởng cộng hòa, nhân bản, phát triển thế
hệ trẻ của nước Việt Nam. Diễn
giả cho rằng khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, tại miền Nam không
chỉ có hai lựa chọn, hoặc Ngô Đình Diệm, hoặc cộng sản, mà còn có một mô
hình khác, nhưng đã không được chọn lựa. Khi
phân tích những tác phẩm của ông Trần Văn Tùng, tác giả thấy rằng sự va
chạm của xã hội Việt Nam và phương Tây, đã đưa ra một nhu cầu về quyền
tự do cá nhân, một cách nhanh chóng. Sự
nhanh chóng này cũng được bà Martina Nguyen, từ trường Baruch College,
đưa ra khi nghiên cứu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cuối thời Pháp thuộc. Theo
bà Martina Nguyen, nhóm văn chương độc lập này đã cổ võ cho một mô hình
để thay đổi xã hội Việt Nam theo hướng quan tâm tới bất công xã hội, cổ
vũ dân chủ và tự do. Mặc dù sau đó Tự Lực Văn Đoàn đã chấm dứt tồn tại,
nhưng những hoạt động của họ thực sự là một dự án chính trị cho nền Cộng
Hòa của Việt Nam. Sự
ảnh hưởng về quyền tự do cá nhân lên các cư dân thành thị tại miền Nam
Việt Nam đã tạo nên xung đột với mô hình chính trị mà nhóm của Tổng
Thống Ngô Đình Diệm chọn lựa để cai trị miền Nam. Khó
khăn của cuộc di cư trốn chế độ Cộng Sản miền Bắc Sau
khi Hiệp Định Geneva được ký kết vào năm 1954, miền Bắc Việt Nam trở
thành một quốc gia Cộng Sản, chỉ do một đảng Cộng Sản cai trị. Có
hơn 800 ngàn người dân miền Bắc di cư vào Nam để tránh chế độ toàn trị
của miền Bắc. Cuộc
di cư này, theo diễn giả Jason Picard, một nhà nghiên cứu độc lập, đã
đặt xã hội miền Nam vào trong một tình trạng khó khăn. Một mặt phải lo
nơi ăn chốn ở cho một số lượng lớn dân cư, mặt khác phải giải quyết
những bất hòa xảy ra giữa cư dân địa phương và những người mới đến.
Một số thành quả kinh tế Mặc
dù Việt Nam Cộng Hòa đã gặp rất nhiều khó khăn về chính trị như vậy,
nhưng theo diễn giả Nguyễn Đức Cường, cựu tổng trưởng Thương Mại và Kỹ
Nghệ, Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được một số thành quả đáng kể về kinh tế. Ông
Nguyễn Đức Cường nêu ra một số đánh giá cho rằng đã có lúc nền kinh tế
Việt Nam Cộng Hòa đạt tốc độ tăng trưởng đến 4%, và theo nhận định của
một số nhà quan sát thì đã đạt đến ngưỡng cửa tăng tốc trở thành một
quốc gia phát triển. Việt
Nam Cộng Hòa đã thực hiện thành công việc cải cách điền địa bằng chương
trình người cày có ruộng, với hai mục đích: làm cho những tá điền được
làm chủ ruộng đất, và biến nông dân thành những nhà hoạt động thương mại
trên những sản phẩm nông nghiệp của mình.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa được đặt nền tảng trên thị
trường tự do và những công ty tư nhân. Các ngân hàng đã tiến tới việc
cấp tín dụng nhỏ cho nông dân.
Nhưng theo ông Cường, chiến tranh đã làm sự phát triển này bị ngừng lại,
và cuối cùng thất bại với sự sa sút của nền kinh tế bị lạm phát cao
trong những năm cuối cùng trước khi Sài Gòn bị sụp đổ.
*** Tranh luận về những năm cuối của VNCH và TT Nguyễn Văn Thiệu
Trong ngày thứ hai của buổi hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), hôm 15
Tháng Mười, một vấn đề được tranh luận khá sôi nổi là thời gian cuối
cùng của VNCH, và những hành động cũng như cá tính của Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu. Tham
gia thuyết trình có ba nhà nghiên cứu là ông Sean Fear, đến từ Đại Học
Leeds, Anh Quốc; ông David Prentice, Đại Học Oklahoma, Hoa Kỳ; ông
Edward Miller, Đại Học Dartmouth, Hoa Kỳ; và ông George Veith, Đại Học
Monash, Úc. Điều
mà ông David Prentice đưa ra chưa được những người viết sử ở nhiều phía
khác nhau nói tới. Đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có ý tưởng về
“Việt Nam hóa chiến tranh” từ lâu, trước khi người Mỹ rút quân và đưa ra
ý tưởng này. Ý
tưởng “Việt Nam hóa chiến tranh” từ trước đến nay hay được nói tới như
là một ý tưởng của người Mỹ. Ông
David Prentice điểm lại sơ lược tiểu sử của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu,
người từng có kinh nghiệm với những người Cộng Sản khi ông tham gia vào
mặt trận Việt Minh, trong những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống
Pháp. Ông Thiệu tham gia mặt trận Việt Minh để chống Pháp, nhưng đã rời
bỏ mặt trận này vì thấy rằng nó bị những người Cộng Sản kiểm soát. Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có trực giác rằng cần phải giảm sự hiện diện
của người Mỹ trong cuộc chiến chống Cộng Sản, và sau trận Tết Mậu Thân
năm 1968 kết thúc, ông càng khẳng định trực giác của mình. Ông
David Prentice đã dẫn ra một sự kiện sau Tết Mậu Thân là Tổng Thống
Thiệu đã nói với Quốc Hội VNCH rằng: “Mọi thứ từ nay chỉ dựa trên chúng
ta mà thôi.”
Ngoài ra ông cũng từng phản đối việc tái oanh tạc miền Bắc Việt Nam, vì
cho rằng điều đó gây ra phản ứng bất lợi từ công chúng Mỹ chống chiến
tranh, sẽ cản trở viện trợ tài chính và quân sự cho VNCH, trong khi miền
Bắc vẫn nhận viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc.
Nhưng cuối cùng những cố gắng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thất
bại khi người Mỹ tiến hành đàm phán bí mật với miền Bắc Việt Nam, và
chính phủ của ông cũng đã thất bại khi không kiểm soát được miền nông
thôn, không tổ chức thu thuế được, để có thể tự túc về mặt tài chánh cho
quốc gia.
Trong khi đó, diễn giả George Veith trình bày về thất bại của Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu, khi ông không giữ được quan điểm cứng rắn của mình là
đòi hỏi toàn bộ các lực lượng Cộng Sản phải rút ra khỏi miền Nam, vì
những áp lực quá lớn từ chính quyền Mỹ của Tổng Thống Nixon, với đe dọa
cắt toàn bộ viện trợ. Kết quả là hòa đàm Paris đã được ký kết, đảm bảo
sự rút toàn bộ quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, nhưng lực lượng
Cộng Sản lại không rút đi. Điều
này đã góp phần gây bất lợi cho quân đội VNCH, khi các lực lượng Cộng
Sản bắt đầu tấn công quân sự trở lại sau khi hòa đàm Paris ký kết vào
Tháng Giêng, năm 1973. Điều
gây tranh cãi nhất là bài thuyết trình của ông Sean Fear.
Trong bài thuyết trình, ông Sean Fear nhấn mạnh đến cuộc bầu cử tổng
thống năm 1971 của VNCH, trong cuộc bầu cử này, Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu là một ứng cử viên duy nhất. Ông
Sean Fear trích dẫn tài liệu nói rằng chính giới Mỹ đã rất bất bình về
cuộc bầu cử này, như ông Henry Jackson, một thượng nghị sĩ rất có ảnh
hưởng của Đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Mỹ. Ông Jackson vốn là một người
ủng hộ chính sách Việt Nam của Tổng Thống Nixon, giữ viện trợ tài chính
và quân sự cho VNCH, nhưng sau cuộc bầu cử 1971 của VNCH, đã thay đổi ý
kiến. Bình
luận về những vấn đề này, ông Hoàng Đức Nhã, từng là cố vấn thân tín của
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói với báo Người Việt. “Tôi
thấy những nhà nghiên cứu đó đã dựa trên những tài liệu lưu trữ, nhưng
không biết cái bối cảnh của vấn đề, và đó là cái thiếu sót của những
giáo sư này. Có những vấn đề mà VNCH đã làm rất tốt.” Về
cá nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, các tác giả Mỹ và Anh tại buổi hội
thảo cho rằng, ông là một người khó “nắm bắt,” mặc dù là một gương mặt
quan trọng trong suốt thời gian mà người Mỹ cho ra những quyết sách về
chiến tranh Việt Nam theo cách nhìn của họ. Nói
về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã cho Người Việt biết:
“Điểm mạnh của Tổng Thống Thiệu là cố gắng giữ vững miền Nam Việt Nam
trong bối cảnh quân đội phải chiến đấu với những phương tiện càng ngày
càng thiếu thốn. Khuyết điểm của ông là đã quá tin người Mỹ với lời hứa
sẽ tiếp tục giúp đỡ.” Trả
lời câu hỏi, có phải cho đến hiện nay những ý kiến về chiến tranh Việt
Nam vẫn chỉ được nhìn bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài, mà đặc biệt là
người Mỹ, trong khi những người miền Nam Việt Nam vẫn chưa được cất lên
tiếng nói? Ông
Hoàng Đức Nhã đồng ý và nói rằng, đó là lý do vì sao ông cố gắng đến
những cuộc hội thảo như cuộc hội thảo này |