CỐT CÁCH VĂN HÓA CỦA MỘT THẦY THUỐC CÁCH MẠNG
Bài phát biểu khai mạc buổi tọa đàm của nhà văn Bích Ngân, Chủ
tịch Hội Nhà văn TP.HCM
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng với những tên tuổi Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn
Văn Hưởng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Thiện Thành...tạo nên một thế hệ
đặc biệt
ưu tú trong đội ngũ thầy thuốc cách mạng Việt Nam.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp
sinh năm 1911 tại Tân Thủy, Ba Tri, Bến Tre.
Sau khi tốt nghiệp Trường Y khoa Đông Dương ở Hà Nội, bác sĩ Trần Hữu
Nghiệp đã sang Pháp tu nghiệp rồi về Mỹ Tho mở phòng mạch vào năm 1937.
Khi kháng chiến Nam bộ bùng nổ, bác sĩ
Trần Hữu Nghiệp đã đi theo tiếng gọi non sông, và trở thành
Hiệu trưởng
đầu tiên
của Trường
Cán bộ Y tế trung ương.
Bác sĩ Trần
Hữu Nghiệp được
phong tặng
danh hiệu Nhà giáo Nhân dân
năm 1988. Ông mất năm 2006 tại TP.HCM, hưởng đại thọ 96 tuổi.
Cuộc đời đầy lý tưởng và nhiều trải nghiệm của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã
là một cuốn sách thực sự lôi cuốn và hấp dẫn cho công chúng. Thế nhưng,
đáng quý hơn, chính ông đã cầm bút và để lại cho hậu thế nhiều trang
viết có giá trị
về
lịch sử và văn chương, mà tác phẩm “Thời gian trong mắt tôi” là một ví
dụ tiêu biểu.
Xưa nay, thầy thuốc cầm bút không phải
là
hiếm hoi. Ý thức viết của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thể hiện qua bút danh
Hằng Ngôn mà ông thường sử dụng. Từ cuốn sách “Phép nuôi con” ra mắt năm
1943, đến khi từ giã dương gian, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có gần chục tác
phẩm được công chúng đón nhận. Trong đó, “Thời gian trong mắt tôi” được
xem là tác phẩm quan trọng nhất của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, vì bao gồm
cả những trang hồi ký, tùy bút, biên khảo mà ông tâm đắc.
“Thời gian trong mắt tôi” được Nhà xuất bản Văn Nghệ in lần đầu vào năm
1993, bây giờ được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tái bản với diện mạo
trang nhã hơn.
Sau 30 năm,
gần 400
trang của “Thời gian trong mắt tôi” vẫn còn nguyên vẹn sự thú vị và sự
thuyết phục dành cho bạn đọc. Bởi lẽ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã viết
bằng tấm lòng một thầy thuốc cách mạng và khí chất của một kẻ sĩ Nam bộ.
Ngay cả khi hoài niệm cố hương, ông cũng hướng thao thức về phía cộng
đồng: “Phải đi chu du khắp nơi trong nước gần phân nửa cuộc đời, rồi nhớ
lại sinh hoạt quê tôi thời thơ ấu, tôi mới nhận thức được rằng ở quê tôi
nhân dân vừa hiền lành vừa kiên cường đối phó với nghịch cảnh”.
Là một người được đào tạo bài bản theo y học phương Tây, nhưng bác sĩ
Trần Hữu Nghiệp luôn đề cao phẩm chất thầy thuốc cổ truyền của dân tộc
Việt Nam. Ông noi gương các bậc tiền bối như Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác và
nhất là danh sư Nguyễn Đình Chiểu đồng hương Bến Tre: “Tưởng là đạo
thuốc thâm u/ Hay đâu Y cũng trong Nho một nhà”.
Vì vậy, dù sự nghiệp cá nhân nhiều vinh hiển, ông vẫn nhìn thế hệ thầy
thuốc kế cận bằng ánh mắt
gần gũi, thương yêu:
“Tôi nhớ đến nụ cười rạng rỡ trên môi bao nhiêu đồng nghiệp, bác sĩ, y
tá, hộ lý, mà hằng ngày tôi gặp ở các bệnh viện trong thời buổi đời sống
còn nhiều chật vật khó khăn”.
Cuốn sách “Thời gian trong mắt tôi” chứa
đựng
ba nội dung cốt lõi.
Thứ nhất, là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế giai đoạn
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Thứ hai, là cuộc sống dấn thân cống hiến của những trí thức yêu nước.
Thứ ba, là mối quan hệ đồng điệu giữa trái tim thầy thuốc và rung động
văn chương.
Bằng ngôn từ giản dị và kiến giải sâu sắc, những trang viết “Thời gian
trong mắt tôi” cho thấy chân dung bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được hun đúc từ
một tâm hồn phóng khoáng và một tinh thần văn hóa.
Qua lối kể chuyện chân thật và nhẹ nhàng, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp gợi mở
nhiều suy tư về những ân tình cần được gìn giữ và nâng niu. Nhiều trang
văn của ông có ý nghĩa như những trang sử của ngành y tế. Chẳng hạn,
hoạt động y tế những năm tháng ở vùng Đồng Tháp Mười “đi không dấu, nấu
không khói, nói không tiếng”, được ông ghi lại tỉ mỉ: “Bạc tiền không
có, bởi bà con trong ấp chiến lược cũng nghèo xơ xác như mình, nên ban
đêm phải phân công người đi nhổ bàng (một loại cói) hoặc tìm mật ong
trên cây tràm, nhờ đồng bào bán đi rồi mua gạo cho mình. Đến mùa nước
về, giường bệnh là những mô đất đắp cao dàn trải nilong và bàng. Để nghi
trang dưới sự kiểm tra thường xuyên của trực thăng, không thể cất chòi
xây nóc, khi trời mưa phủ nilong lên người mà chịu trận, còn nắng trưa
thiêu đốt thì đã quen rồi”.
“Thời gian trong mắt tôi” cũng nhắc đến nữ hộ sinh Huỳnh Minh Phụng ở
Vĩnh long, nữ hộ sinh Mai Thị Phiêu ở Trà Vinh, y tá Nguyễn Thị Sen ở
Bến Tre, y sĩ Nguyễn Văn Ba ở Hậu Giang, bác sĩ Lê Văn Trí ở Châu Đốc,
dược sĩ Phạm Thị Yên ở Sài Gòn... đã gạt bỏ mọi riêng tư để đi với cách
mạng và đi cùng nhân dân. Họ đã ngã xuống âm thầm và lặng lẽ, nhưng vẻ
đẹp của họ để lại xứng đáng để người đời sau ghi nhớ và biết ơn. Bác sĩ
Trần Hữu Nghiệp khẳng định: “Trên mặt đất trải dài nhiều con đường, dòng
kinh, làng ấp, cụm dừa nước hay lùm cây, đang ấp ủ bao nhiêu thổn thức,
tiếng thở dài và niềm kiêu hãnh, chưa chịu hở môi. Nếu tôi là nhà sử học
trẻ tuổi, tôi sẽ tìm đến đó, nhặt đề tài cho các luận án phó tiến sĩ hay
tiến sĩ. Đề tài được minh họa bằng vô vàn sự thật vẽ bằng máu và nước
mắt của quá khứ, có thể gây bâng khuâng, xúc động cho các vị giáo sư,
viện sĩ chấm thi, những nhà khoa học thường ngày nhìn xem sự vật với đôi
mắt bình thản”.
“Thời gian trong mắt tôi”, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn dành tình cảm hết
sức đặc biệt cho những đồng nghiệp lỗi lạc: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác
sĩ Nguyễn Văn Hưởng và xa hơn là lương y Nguyễn Đình Chiều và danh y Hải
Thượng Lãn Ông. Và để đúc kết về tài năng phẩm hạnh của người thầy
thuốc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp mượn lời bác sỉ kiêm văn hào Nhật Bản
Watanabê viết trong tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng”, đó là “ Người thầy
thuốc chân chính phải vừa là một triết gia, vừa là kẻ tuyên truyền đạo
lý làm người”
Ngoài lĩnh vực y học mà bản thân am tường, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng
dành sự quan tâm cho nhiều khía cạnh khác của xã hội. Ông bàn về “Rượu
trong sử và văn học Việt Nam”. Ông luận về kẻ sĩ qua “Chuyện đời xưa và
chuyện thời nay”. Ông phân tích “Bài học của cách mạng Pháp 1789”. Ông
“Nghĩ về lời thề người Đảng viên”...
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã vĩnh biệt chúng ta 17 năm. Thế nhưng, với cuốn
sách “Thời gian trong mắt tôi”, thì ông vẫn còn hiện diện với chúng ta,
trò chuyện với chúng ta bằng cốt cách văn hóa của một thầy thuốc cách
mạng.
Và chúng tôi tin, “Thời gian trong mắt tôi” sẽ tiếp tục đồng hành với
độc giả trong suốt thế kỷ 21 và nhiều năm sau nữa, như một sự chia sẻ tử
tế, như một sự gửi gắm trong sáng, như một sự khuyên nhủ
ân cần,
bao dung.
Sáng
19/2/2023 |