NGƯỜI VIỆT
17-1-23
Ai sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc, hay để trống?
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều
lời bàn luận và đồn đoán về chuyện những ai sẽ được ngồi vào ghế chủ
tịch nước thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc hay chính ông Nguyễn Phú Trọng,
tổng bí thư đảng, kiêm nhiệm.
Qua những diễn biến dồn dập về tình hình chính trị Việt Nam mấy tuần lễ
trở lại đây, ông Nguyễn Xuân Phúc đã “xin thôi” chức vụ chủ tịch nước
“theo nguyện vọng cá nhân.” Thông Tấn Xã Việt Nam nói ông Phúc xin thôi
vì “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu…”
Hai ông phó thủ tướng, ba ông bộ trưởng “có vi phạm, khuyết điểm gây hậu
quả nghiêm trọng” không thấy nêu tên trong bản tin vừa kể.
Tuy nhiên, người ta biết hai ông phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ
Đức Đam đã được “cho thôi chức” để nghỉ hưu non. Các ông bộ trưởng
Nguyễn Thanh Long (Bộ Y Tế) và Chu Ngọc Anh (chủ tịch Hà Nội, Bộ Khoa
Học và Công Nghệ) đi tù, còn ông Mai Tiến Dũng (chủ nhiệm Văn Phòng
Chính Phủ) mới bị “kỷ luật” chưa biết số phận ra sao. Tất cả đều liên
quan đến mấy đại án tham nhũng đang được điều tra.
Không thấy Quốc Hội Việt Nam loan báo gì nhưng Thông Tấn Xã Việt Nam hôm
Thứ Ba, 17 Tháng Giêng, đưa tin Quốc Hội sẽ có cuộc họp bất thường ngày
18 Tháng Giêng để “xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền
của Quốc Hội.”
Theo Hiến Pháp Việt Nam, chức vụ từ chủ tịch nước xuống tới cấp bộ
trưởng và tương đương đều được Quốc Hội chuẩn thuận theo lệnh đảng. Cho
nên, “cưa” ghế của họ cũng đều phải bỏ phiếu.
Trong cuộc họp Quốc Hội dự trù này, sau khi đã “nhất trí” cho ông Nguyễn
Xuân Phúc về vườn rồi, ai được điền thế ngay hay cái ghế chủ tịch nước
còn bỏ trống? Giới phân tích tình hình chính trị Việt Nam nhìn thấy có
thể có ba khả năng xảy ra.
Thứ nhất, ông Nguyễn Phú Trọng có thể kiêm nhiệm như ông từng làm khi
ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời vào Tháng Chín, 2018, trong lúc đang
là chủ tịch nước.
Thứ hai, có thể cho bà Võ Thị Ánh Xuân, phó chủ tịch nước, làm quyền chủ
tịch nước tạm vài tháng đợi Quốc Hội chính thức họp vào Tháng Năm tới
đây.
Thứ ba, một trong mấy người tín cẩn của ông Nguyễn Phú Trọng được đôn
lên.
Theo phân tích gia Lê Hồng Hiệp, hiện là một chuyên viên tại Viện Nghiên
Cứu ISEAS – Yusof Ishak Institute ở Singapore, viết trên tạp chí Fulcrum
thì ứng viên hàng đầu thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc là ông Tô Lâm, bộ
trưởng Công An và là ủy viên Bộ Chính Trị đã hai khóa. Ông quan nổi
tiếng thế giới vụ “ăn thịt bò dát vàng” ở London, Anh, hiện là người rất
được ông Nguyễn Phú Trọng hài lòng và tin cậy trong chiến dịch “đốt lò”
(đánh tham nhũng).
Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tổ Chức
Trung Ương, cũng có thể hy vọng được đôn lên thay. Tác giả Lê Hồng Hiệp
còn cho rằng khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị loại, ông Vương Đình Huệ, hiện
là chủ tịch Quốc Hội, có thể được “chuyển ghế” và là một trong vài người
sẽ có cơ hội leo lên ghế tổng bí thư thay ông Trọng sau này.
Theo ông Hiệp, tuy ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, cũng là một trong vài
người có khả năng tranh ghế chóp bu đảng, nhưng lại vướng tai tiếng liên
quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tập đoàn AIC, hiện đã bỏ trốn và
bị án vắng mặt 30 năm tù. Cũng có tin đồn đãi ông Chính đã nộp đơn xin
từ chức, nhưng chuyện này được tạm gác lại chờ qua Tết, bởi vì hai trong
bốn ghế “tứ trụ” bị thay thế một lượt thì kinh khủng quá.
Ông Lê Hồng Hiệp viết trên Twitter rằng: “Nhiều phần họ sẽ để cho Phó
Chủ Tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân tạm thời làm quyền chủ tịch nước, chờ cho
đến kỳ họp Quốc Hội chính thức diễn ra vào Tháng Năm. Trong trường hợp
này, họ có ba tháng để lựa chọn người thích hợp.”
Phân tích gia Alexander Vuving, giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Á Châu-Thái
Bình Dương ở Honolulu, Hawaii, viết trên Twitter cho rằng: “Tổng Bí Thư
Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm luôn ghế chủ tịch nước trong trường hợp
ông Tô Lâm không qua được phiếu bầu tín nhiệm của Quốc Hội.”
Theo nhận xét của ông Zachary Abuza, giáo sư tại Học Viện Chiến Tranh ở
Washington, DC, trường đào tạo các lãnh đạo quân sự chính trị tương lai
cho nước Mỹ, nếu ông Tô Lâm được đôn lên ghế chủ tịch nước, “tứ trụ” của
Việt Nam sẽ có hai người đều có gốc công an (Phạm Minh Chính và Tô Lâm).
Đây là một chỉ dấu bất an trong nội bộ đảng.
Sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị gạt ra ngoài, Bộ Chính Trị nay chỉ còn
16 người. Theo đó, năm ủy viên là công an hoặc từng là công an. Ông
Abuza còn cho rằng Thượng Tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Công An,
được đẩy lên thay ông Tô Lâm ngồi vào ghế bộ trưởng Công An khi họ Tô
leo lên ghế “tứ trụ” và Tướng Quang cũng được cho vào ngồi trong Bộ
Chính Trị. Trường hợp này, Bộ Chính Trị có 6/17 thành viên đều là gốc
công an.
Có thể nói, các diễn biến bất ngờ ở thượng tầng đảng và nhà nước Việt
Nam những ngày đầu năm 2023 và kể cả năm 2022, chưa bao giờ người ta
thấy tình hình lại hỗn loạn như thế. Có tới 539 đảng viên cấp cao bị ném
“vào lò” hoặc bị kỷ luật trong năm 2022 gồm từ phó thủ tướng, bộ trưởng
trở xuống thuộc nhiều lãnh vực khác nhau.
Tương lai đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ từ từ ổn định sau các đợt đánh tham
nhũng “bất kể người đó là ai” và “không có vùng cấm” hay một “mùa Xuân Ả
Rập” sẽ diễn ra từ những cơn lốc xoáy ngầm ở bên trong? Không ai biết,
nhưng sân khấu chính trị Việt Nam hiện đang diễn ra bất thường và bất
ngờ. (TN) [đ.d.] |