Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá
(NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2005)
Vương Trí Nhàn


 

Chương 6 

                                             

NGÔ TẤT TỐ VÀ MỘT CÁCH
THÍCH ỨNG TRƯỚC THỜI CUỘC

 

Vương Trí Nhàn

 

 

 

Sự  lựa chọn của một thế hệ nhà nho đương thời

 

Hoà ước Pátenôtre được ký kết vào năm 1884, từ đó dưới hình thức được chia là ba kỳ khác nhau, nước Việt Nam thực tế hoàn toàn rơi vào tay người Pháp. Từ 1883 cho đến khi kết thúc thế kỷ XIX, chỉ còn có 15 năm. Song đấy lại chính là quãng thời gian chuẩn bị cụ thể cho sự phát triển của thế kỷ sau. Đứng về mặt văn hoá mà xét, 15 năm cuối thế kỷ XIX ghi nhận buổi chào đời của hàng loạt nhà trí thức sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của đất nước nửa đầu thế kỷ XX:

1887 - Bùi Kỷ, Phan Khôi

1889 - Tản Đà, Nguyễn Văn Tố

1892 - Phạm Quỳnh

1893 - Ngô Tất Tố

1895 - Trần Tuấn Khải

1896 - Khái Hưng

 

(ấy là không kể một vài trí thức quan trọng khác, đã sinh trước 1884, như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh đều sinh 1882)

 

Trong tiểu sử, hành trạng của các nhà trí thức này, người ta đọc ra một nét chung: Họ vốn là những người tiếp xúc với nền cựu học, từ khi mới lọt lòng mẹ. Hán học là truyền thống của gia đình họ. Nhiều người trong họ tự mình lại đã lều chõng đi thi, đỗ đạt đàng hoàng nữa. Theo lẽ thường họ sẽ kế nghiệp ông cha, trở thành những nho sĩ phục vụ cho chế độ phong kiến.

 

Nhưng vận nước đã thay đổi, những con người vốn đã sâu cây bén rễ trong một nền văn hoá này, nay phải chuyển sang sống và làm việc ở một nền văn hoá khác.

 

Đây quả thực là một thử thách lớn. Chính cha ông của họ cũng chỉ thích ứng chậm chạp, sau một thời gian tìm đủ mọi cách từ chối.

 

Trong cái gọi là kho tàng truyện tiếu lâm Việt nam, có một loạt truyện liên quan đến hai nhân vật Ba Giai- Tú Xuất. Đọc kỹ ta thấy đây là những truyện chỉ mới được sáng tác và lưu truyền từ cuối thế kỷ XIX, đầu XX. Trước một hoàn cảnh thay đổi quá đột ngột , các trí thức cũ như Ba Giai, Tú Xuất hoàn toàn tuyệt vọng. Họ không tin vào cái gì nữa. Sau sự sụp đổ của lý tưởng là sự tan rã của tính cách. Khi dành cho mình cái quyền tha hồ dong chơi và thả sức chòng ghẹo chế giễu mọi người, họ đã lưu manh hoá. Đây là một kết cục đáng buồn chờ đợi sẵn những con người không thích ứng với hoàn cảnh.

 

Một kiểu không thích ứng khác: các ông đồ chán đời, ngồi bó gối bất lực, “đắp tai cài chốc”, không muốn nhìn, không muốn biết chuyện gì xảy ra trước mắt mình.

 

Số người có lối sống thụ động và thanh cao kiểu này, chắc chắn là đông nhất. Nhiều người trong họ lúc đó đã hưởng ân vua lộc nước, tính cách đã hình thành và đã ổn định, nên thích ứng là chuyện không thể đặt ra.

 

So với lớp trí thức cựu trào thuộc loại cha chú, như Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, thì những người như Bùi Kỷ, Doãn Kế Thiện, Phan Khôi, Nguyễn Văn Tố … có điều kiện hơn để thay đổi, để nhập với trào lưu mới của thời đại. Nhập như thế nào? Với những người tương đối còn trẻ, trong khi vẫn nhận từ gia đình lối giáo dục theo nền nếp cũ thì đồng thời, họ cắp sách đến trường do người Pháp mở, cốt sao thâu thái lấy văn hoá phương Tây bắt đầu từ những kiến thức sơ giản. Lớn tuổi hơn một chút (hoặc chuyển mình chậm hơn một chút), thì họ tự học. Phạm Quỳnh trong một bài viết trên Nam Phong đã kể là có ông đồ nọ, nhiều mặc cảm quá, sợ người ta cười, xấu hổ, phải đóng thật chặt cửa, mỗi khi học chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Quả thật chưa ai nói hết, bằng sự thích ứng ấy, khó khăn đến là ngần nào! Có nhớ lại tính cách bảo thủ của các trí thức nho học mà bấy lâu đã được truyền tụng như một huyền thoại, thì chúng ta mới thông cảm với họ. Dẫu sao, cuối cùng, thì lẽ tuỳ thời của đạo Khổng, “tuỳ thời chi đại nghĩa” đã tỏ ra có lý hơn cả. Sự sống đã thắng: trước mặt chúng ta, là một lớp trí thức đặc biệt, một thứ con lai của hai nền văn hoá Đông Tây, vừa mới gặp gỡ. Tự do đảm nhiệm khá tốt vai trò khai phá mở đường xây dựng nền văn hoá mới, trước khi lớp người hấp thụ văn hoá Tây phương là chủ yếu, như Nhất Linh, Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ, Thạch Lam … sẽ tiếp tục xây nên những lâu đài văn hoá rực rỡ.

 

Trong số những người phải làm cái việc thích ứng nói trên, có Ngô Tất Tố. Sự chuyển mình của ông nếu có nặng nề hơn những người khác, thì cũng là chuyện dễ hiểu. Một mặt, ông đã thấm quá sâu nền văn hoá cũ. Ông đã từng mang lều chõng đi thi. Ông đã từng có cái danh đầu xứ mà mỗi lần nói tới người ta phải kiêng nể. Mặt khác, với nền văn hoá mới, ông không có điều kiện tiếp nhận cơ bản. Trong hồi ký  Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng, có thời gian cùng làm việc với Ngô Tất Tố từng kể lại là ở ông có chất thày đồ cổ lỗ đến như thế nào. Nhưng đằng sau vẻ tội nghiệp, câu chuyện Ngô Tất Tố học tiếng Pháp với Vũ Bằng có nét gì đó khiến cho người ta kính trọng. Có lẽ cả cuộc đời ông, ông đã mò mẫm học, cần mẫn học, học ngay giữa đồng nghiệp và bè bạn như vậy. Nhìn lại hình ảnh của Ngô Tất Tố giữa những người cùng thế hệ: so với ông, một Tản Đà chẳng hạn, có gì đó chín hơn, nhuần nhị hơn trong thành tựu nghệ thuật; một Phan Khôi chẳng hạn, có chút gì đó thật kỳ quái, gây ấn tượng; còn sau ông, một Khái Hưng lại hoàn toàn chuyển sang trường phái mới, đến mức ít người nhớ là Khái Hưng sinh 1896, nghĩa là kém ông đầu xứ Tố có ba tuổi. Song chỗ độc đáo của Ngô Tất Tố là ông cứ lẳng lặng mà đi, vui vẻ mà làm. Và do đó, đi khá xa, làm được khá nhiều việc. Đọc các bài tiểu phẩm người ta thấy đối với đạo Khổng, cái môi trường tinh thần mà từ đó ông trưởng thành lên, ông cũng có cái nhìn phê phán và cả những lời chế giễu. Bởi ông không chỉ nhìn nó từ trong ra mà đã có cái thế đứng ngoài rất hiệu nghiệm. Những chuyển biến đó rồi sẽ in dấu lại trong nghệ thuật. Trong khi về mặt tính cách người ta thấy Ngô Tất Tố gắn liền với lớp người trưởng thành từ đầu thế kỷ (những Phan Kế Bính, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Duy Tốn…) thì tác phẩm của ông lại thường được xếp cạnh tác phẩm Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng nghĩa là thuộc về một giai đoạn chín đẹp của thế kỷ này, những năm 30 huy hoàng.

 

Nhân đây, xin phép được nhắc qua tới thiên tiểu thuyết, giàu chất tự truyện của ông, cuốn Lều chõng.

 

Mỗi khi đề cập tới Lều chõng, các nhà nghiên cứ ở ta thường đã tập trung nhấn mạnh ý nghĩa chống đối của nó, cho là ở đó, Ngô Tất Tố đã “phê phán chế độ khoa cử một cách sâu sắc” (Từ điển văn học), hoặc “phanh phui ra trên mặt giấy tất cả những mặt trái, những chuyện ti tiện thấp hèn của tầng lớp trí thức của một chế độ” (Lời giới thiệu Ngô Tất Tố, tác phẩm, tập I). Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng chúng tôi muốn nói rõ hơn một chút: Mặc dù sự khuôn phép trong thi cử được miêu tả trong Lều chõng như một cái gì cực kỳ vô lý, song trong cái khung tưởng rất chật hẹp đó, nhân vật Đào Vân Hạc của Ngô Tất Tố vẫn phóng túng trong ăn nói, cư xử, vẫn đùa rỡn hồn nhiên với đám cô đầu Hà Nội, nói chung là vẫn thanh thoát tự do trong cách sống. Được viết khi tác giả đã ở vào lứa tuổi trẻ. Cái nhìn lưu luyến với quá khứ ở đây quả có nhiều phần chứng tỏ người trong cuộc vẫn sống cái tình cảm nước đôi của những cuộc chia tay mà Nguyễn Du đã mô tả:

 
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng

 

Nó không bao hàm một sự than tiếc xoàng xĩnh “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”. Ngược lại, nó cho thấy sự cắt đứt của Ngô Tất Tố - mà cũng là của nhiều người đương thời - với quá khứ, sự thích ứng với hoàn cảnh mới, nền văn hoá mới, là quyết liệt, song cũng là có tình có lý đến như thế nào.

 

Tính cách chuyên nghiệp hay là con đường phát triển của nghề văn trong xã hội hiện đại

 

Một trong những dấu hiệu chứng tỏ sự thích ứng cao độ của Ngô Tất Tố với hoàn cảnh là tính cách chuyên nghiệp của ngòi bút mà tác giả Tắt đèn, Việc làng tự nhận lấy và muốn làm thật tốt.

 

Chúng ta đều biết rằng một đồng nghiệp, hơn nữa, một người bạn, người dắt dẫn Ngô Tất Tố đến với nghề văn là Tản Đà. Trong nhiều bài thơ của mình ,Tản Đà thường kêu to lên những nỗi niềm chua xót của kẻ phải sản xuất thường xuyên để có “thơ văn bán phố phường”. Còn Ngô Tất Tố, ông chỉ không kêu lên thôi, chứ nỗi chua xót mà Tản Đà nói, ông hoàn toàn chia sẻ. Bởi lẽ, từ cách làm nghệ thuật theo lối tài tử, tuỳ hứng mà làm, làm cho vui, làm khi trà dư tửu hậu, nay các ông phải viết theo đơn đặt hàng, viết như đi cày, viết thật đều đặn cho các báo, tóm lại là trở thành những cây bút chuyên nghiệp mà xã hội phong kiến xưa không có, và chỉ xã hội thuộc địa được xây dựng theo mô hình chủ nghĩa tư bản mới có. Có điều, kêu thì kêu vậy, mà các ông vẫn làm thật tốt. Làm để kiếm sống, nuôi gia đình. Mà cũng làm để chứng tỏ sự tự trọng; cái gì người ta làm được thì mình cũng sẽ làm được. Một nhà nghiên cứu Tản Đà quen thuộc là Văn Tâm, gần đây đã gọi ra rất đúng cái chất “phiêu lưu tên lính đội tiên phong” của Tản Đà.[1] Tiên phong không chỉ trong chủ đề tư tưởng mà cả trong thể loại được ông sử dụng. Làm thơ, viết tiểu thuyết, du ký, hài đàm, viết lời cho xẩm, dịch thuật, chú thích lại Truyện Kiều, cái gì Tản Đà cũng làm và làm một cách độc dáo. Về phần mình, Ngô Tất Tố cũng không chịu kém. Khởi nghiệp từ việc dịch một tác phẩm Tàu là Cẩm hương đình, tiếp đó, ông đi làm báo, viết không biết bao nhiêu là bài nhàn đàm, phiếm luận mà ngày nay chúng ta gọi là tiểu phẩm. Rồi đến khi, thấy anh em đồng nghiệp viết tiểu thuyết có thể nói được nhiều điều tâm huyết và có bạn đọc rộng rãi, thì máu nghề nghiệp nổi lên, ông cũng cho in Tắt đèn, Lều chõng. Kế đó, ông quay sang khảo cứu, dịch thuật. Việc gì cũng làm chu đáo, kỹ lưỡng, làm bằng hết khả năng mình có thể có. Giống như một cầu thủ bóng đá, sẵn sàng đá ở mọi vị trí được huấn luyện viên phân công, Ngô Tất Tố khi đã gắn bó với nghề cầm bút, thì lấy việc được viết làm vui, và có thể viết tất cả mọi mục trên một tờ báo.

 

“Thói quen chuyên nghiệp” này không phải không có lúc bị hướng vào chỗ lầm lạc. Trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng từng kể hồi đầu Cách mạng trong cảnh tranh tối tranh sáng, mấy anh em làm văn làm báo cũ đã có lúc bị rủ rê đi làm thuê cho tờ Trung Việt tân văn “tuyên truyền cho chế độ Trung Hoa trắng và đề cao quân đội Tàu nói chung và đoàn quân của Lư Hán”. Hai nhà báo làm công việc bao sân thường xuyên lo bài vở cho Trung Việt tân văn, là hai cây bút cự phách của làng báo Việt Nam trước đây, Phùng Bảo Thạch và Ngô Tất Tố.[2] Cũng may mà tờ Trung Việt tân văn chỉ ra được ít lâu rồi tự động đóng cửa, và nói tới Ngô Tất Tố sau Cách mạng  người ta chỉ nhớ tới việc năm 1945 ông ở quê, tham gia Uỷ ban giải phóng xã, tiếp đó đi kháng chiến, liên tục nhiều năm giữ cương vị phụ trách chi hội văn nghệ Việt Bắc, đồng thời lại viết Buổi chợ trung du, lại có bản dịch Trời hửng, Doãn Thanh Xuân, có vở chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác. Nhắc lại những chuyện này để thấy không phải các nhà văn ở ta nhất là những nhà văn đã trưởng thành từ trường văn trận bút thời tiền chiến bao giờ cũng chủ động được phương hướng chính trị của ngòi bút. Trong sự xô đẩy của trường đời, nhiều khi họ đã làm những công việc mà khi ráp lại để bên cạnh nhau, người ta sẽ thấy chúng đầy mâu thuẫn. Điều căn bản có thể công nhận ở họ, đó là một khao khát tồn tại sống, làm việc và những đốm sáng của lương tri khiến cho khi tính gộp cả lại, vẫn thấy nổi lên trên trang viết của họ tinh thần dân chủ và những giá trị nhân bản không thể bàn cãi.

   

   Sau bao đau xót vất vả, dẫu sao, cuối cùng, sự thích ứng ở Ngô Tất Tố cũng đã nên công, cũng đã hoàn thiện. Nói như Vũ Ngọc Phan “ông vào số những nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê bình, có trí xét đoán có tư tưởng mới” (Nhà văn hiện đại). Qua trường hợp của Ngô Tất Tố, người ta được chứng kiến khả năng thay đổi của một lớp người trí thức, nhất là người ta có dịp hiểu thêm về tính dung hoà như một nét đặc thù của tâm thức dân tộc. Theo Trần Quốc Vượng kể lại, có lần ai đó hỏi Hoàng Xuân Hãn đại ý có phải đặc tính của dân tộc này là dung hoà để thích ứng với mọi hoàn cảnh không, Hoàng Xuân Hãn đã gật đầu “có thể lắm”.[3] Trong cuốn Có một nền văn hoá Việt Nam, Hoài Thanh cũng viết một câu tương tự: “Người Tây ngạc nhiên thấy ta hôm qua chỉ biết có Tứ thư, Ngũ kinh, mà hôm nay bỗng tin theo những thuyết rất mới mẻ. Học thuật, tư tưởng không phải là những căn bản tinh thần của dân tộc ta. Tư tưởng nào có lợi cho đời sống dân tộc thì ta theo, nhưng một khi tình thế đổi thay, tư tưởng ấy trở nên có hại cho đời sống chung ta sẽ trút bỏ dễ dàng không tiếc hối”.[4] Cả hai nhận xét nói trên, của Hoàng Xuân Hãn, và của Hoài Thanh đều có thể tìm ở nhà nho thức thời Ngô Tất Tố một minh chứng xác đáng.

     
Ngòi bút tình cảm

 

Trong thiên hồi ký Ngô Tất Tố như tôi đã biết in ra từ 1962, Tiêu Viên Nguyễn Đức Bính từng phác hoạ mấy nét chân dung tác giả Tắt đèn:

 

“Ngô Tất Tố với chiếc ó the đã sờn, chiếc khăn xếp không có tuổi, cây ô đen tương đối, đôi giày trăng trắng gọi là, đủng đỉnh từ nhà quê ra thành phố”

 

Sở dĩ đoạn phác hoạ ấy đáng tin cậy, vì nó cho thấy không chỉ phong thái bề ngoài, mà còn cả cốt cách Ngô Tất Tố. Có vẻ như ông không có tuổi. Ông đứng ngoài thời gian, đứng ngoài mốt. Trong một xã hội nhố nhăng lộn xộn, ông dễ dàng lẩn đi, né tránh mọi phiền phức, chỉ để hết tâm sức vào công việc. Điều quan sát này lại càng đúng nếu ta nhìn kỹ vào cách viết của ông. Trong văn chương, ông không thuộc loại người quá tẩn mẩn chăm sóc hình thức, và để nhiều công sức vào việc tìm tòi các phương cách biểu hiện. Mải miết với những sứ mệnh xã hội mà con người nhà nho còn ở tít sâu trong ông, buộc ông phải giữ bằng được - và có lẽ cũng là mải miết với việc kiếm ống - ông không bao giờ ngả sang phía duy mỹ. Sở dĩ ông không thể chịu được Thơ mới, vì theo ông, không việc gì phải quá lo lắng đến hình thức, cứ thơ Đường luật mà làm đã đủ lắm rồi. Người ta có thể chê ông là cổ điển, là thủ cựu, song lại phải kính trọng là ông đã tự trọng, không hùa theo đám đông, dù đó là đám đông có một y phục hiện đại.

 

Cách viết của ông đơn sơ, chân thực và trước tiên, đó là cách viết mực thước cổ điển, mà vẫn rất tình cảm.

 

Song chính vì vậy, nó là một thứ văn chương thời nào người ta cũng đọc được.

 

Điều này thấy rõ nhất ở cuốn sách được phổ biến rộng rãi của ông: Tắt đèn

 

Đó là một thiên tiểu thuyết mà tôi nhớ là cũng như bè bạn cùng tuổi khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để chuẩn bị cho các bài giảng văn, tôi đã phải đọc và thường rất xúc động, nhất là đến đoạn cái Tý dặn dò các em trước khi theo mẹ đến nhà Nghị Quế thì nhiều phen tôi đã ứa nước mắt. Về sau, trên đường đời, bản thân tôi còn có dịp đọc thêm biết thêm những gì khác với Tắt đèn. Ngay trong văn xuôi 1930-45, bên cạnh Ngô Tất Tố, còn có nhiều tác giả khác với những trang sách có sắc thái thẩm mỹ khác: cái dẽ dàng hồn hậu ở Thạch Lam; cái ôm trùm rộng lớn ở Vũ Trọng Phụng; những khám phá tâm lý nhiều chất hiện đại ở Nam Cao. Song những giọt nước mắt khi đọc Tắt đèn thì không bao giờ tôi quên. Để có một tác phẩm lớn, có lẽ là còn cần tới nhiều yếu tố khác, chưa ai có thể nói là biết đầy đủ; còn như đối với một tác phẩm chân chính thì cái khả năng gây xúc động này chính là yêu cầu thứ nhất./.

 

                                                                                               1993

 

Đã in Tạp chí văn học 1994, số 1

                                      

 


[1] Xem bài Tản Đà - Nhà văn hoá tiền đạo, in trong Góp lời thiên cổ sự, H. , 1992

[2] Chi tiết do nhà báo Hoàng Phong phát hiện trong bài tham luận đọc tại  Hội thảo 100 năm sinh Ngô Tất Tố, 17-12-1993

[3] Trần Quốc Vượng Việt Nam, một trăm năm giao thoa văn hoá Đông Tây

[4] Có một nền văn hoá Việt Nam, bản in 1946, tr. 28

 

Trở về trang mục lục Vương Trí Nhàn
Trở về trang Văn Hoá & Giáo Dục