VỚI THẦY TRƯƠNG TỬU
Ninh Viết Giao
Tôi có hân hạnh được làm quen với Thầy Trương Tửu từ đầu 1953. Hồi ấy có một năm Bộ Giáo dục chuyển năm học sang năm trời. Học hết lớp 8 cấp 3 năm học 1950-1951, học sinh phải học bổ túc một học kỳ vào cuối năm 1952 để chuyển sang năm trời cũng là năm học. Nhưng chỉ 1 năm, Bộ Giáo dục thấy ngay cái bất hợp lý của nó, lại bỏ năm học là năm trời mà chuyển lại năm học phải bắc cầu qua 2 nửa năm trời như cũ. Tốt nghiệp cấp 3 vào cuối 1952, chúng tôi lứa học sinh cấp 3 hồi ấy, lại phải học một học kỳ 4 tháng bổ túc nữa. Nói là học bổ túc song thực tế là ôn lại, đi sâu, mở rộng những bài đã học theo chương trình trong năm học mà chỉ các môn chính. Có môn thầy giáo lên lớp hệ thống, củng cố lại những bài đã học theo chương trình rồi ra bài tập cho học sinh về nhà làm. Còn nói chung, chúng tôi học theo lối tự quản nghĩa là bạn nào học khá môn nào đó, lớp giao cho về ôn kỹ, nắm vững rồi đến giờ lên lớp, thuyết trình trước anh em. Đó là đối với các môn khác. Riêng môn Văn, học kỳ ấy các thầy dạy văn như thầy Bạch Năng Thi, thầy Vũ Bình,… đi chỉnh huấn ở Việt Bắc. Hiệu trưởng cấp 3 Nguyễn Thượng Hiền, thầy Nguyễn Văn Định cho nhân viên văn phòng gọi tôi và bạn Ngô Bá Cao lên phòng làm việc. Thấy chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, thầy ôn tồn nói: “Các thầy dạy văn ở trường ta đi Việt Bắc dự lớp chỉnh huấn dài ngày cả rồi. Các lớp 8 và 9 không có ai hướng dẫn. Nhà trường biết 2 anh học khá, chịu khó ôn bài, hệ thống bài đã học, tuần một đêm, mỗi đêm 3 tiết, lên lớp hướng dẫn cho anh chị em”. Nhìn chúng tôi ngơ ngác lộ vẻ lo sợ, thầy nói tiếp: “ Hai anh đừng ngại, nhà trường đã chuẩn bị cả rồi, có các anh bên Cao đẳng sư phạm như Lại Đức Khái, Nguyễn Văn Thành, Trần Văn Nhâm,… nhất là thầy Trương Tửu giúp đỡ”. Biết là không thể từ chối, bạn Ngô Bá Cao nhận phụ trách lớp Chín, tôi lớp Tám. Thế là từ đó tôi có hân hạnh được gặp, được tiếp xúc với thầy Trương Tửu. *** Như vậy, bên cạnh trách nhiệm phải đảm bảo đầy đủ mọi công việc của một học sinh lớp 9 bổ túc, tôi còn phải ôn lại môn Văn lớp Tám, chọn những vấn đề chủ yếu, lên một kế hoạch 16 bài để hướng dẫn trong 16 tuần. Tôi phải soạn giáo án hướng dẫn những bài mà lúc bấy giờ là hóc búa đối với trình độ non nớt của tôi, như: ca dao, truyện kể, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà Huyện Thanh Quan, truyện Lục Vân Tiên,… Cứ mỗi tuần một bài, soạn xong, tôi phải gặp anh Khái, hoặc anh Thành, anh Nhâm,… để xin các anh góp ý, sửa chữa, bổ sung,… rồi về soạn lại, sau đó mới lên chợ Đu(1) gặp thầy Trương Tửu, trình bày với thầy để xin thầy bày dạy, chỉ vẽ cho. Hồi đó, nghĩ đến Thầy Trương Tửu, tôi thấy thầy cao vời vợi. Thầy đã viết bao tác phẩm như: Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Văn chương bình dân Việt Nam,… Thầy đã từng tranh luận với Thiếu tướng Nguyễn Sơn về Truyện Kiều. Những buổi nói chuyện thơ văn của thầy ở Hà Nội trước cách mạng rồi ở Cầu Bố, Rừng Thông, Thiệu Hoá, Nông Cống, Thọ Xuân,… (Thanh Hoá) trong những ngày kháng chiến chống Pháp, khán giả đông nghịt. Dư luận trong giới trí thức và học sinh khen thầy viết hay, nhất là viết những bài phê bình văn học mà nói chuyện cũng rất hấp dẫn,… Cho nên lần đầu tiên từ Ngò lên chợ Đu, tôi phải nhờ anh Nhâm (đã tốt nghiệp CĐSP) đi cùng, để giới thiệu tôi với Thầy. Gần trưa chúng tôi đến nhà thầy. Cả nhà thầy đang ăn cơm. Thật ngạc nhiên là thấy tôi, thầy nói: “Giao đấy à! Sao đến chậm thế, ngồi ăn cơm luôn thể!”. Thì ra thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Định đã có thư giới thiệu tôi với thầy. Anh Nhâm nói: “Mình không phải giới thiệu nữa nhé”. Hôm đó, không ngủ trưa, thầy đã tận tình góp ý về kế hoạch lên lớp hướng dẫn của tôi. Rồi thầy bày dạy cho tôi cách ôn tập, mở rộng bài đầu tiên là “Ca dao Việt Nam” từ bố cục của giáo án, những điểm cần nhấn mạnh, những khái niệm cần xác định rõ, nhất là phải bình giảng được một số câu cho hay. Thầy bảo: “Những 3 tiết, tức 180 phút, mà lại tập trung 2 lớp Tám làm một, hơn 100 học sinh, cậu phải hướng dẫn làm sao cho học sinh đỡ buồn ngủ dưới ánh đèn lù mù chứ! Vả lại, đây cũng là một cách tập sự để sau này ra làm thầy giáo đấy!”. Tôi như uống lấy lời thầy, chăm chú lắng nghe những lời góp ý và bày dạy của thầy. Đêm đầu tiên đến lớp hướng dẫn, tôi run lập cập, nhất là lại có cả anh Thành, anh Khái, anh Nhâm cũng đến nghe. Cùng là học sinh nhưng tại sao tôi lại dám đứng trên bục giảng dưới mái đình làng Ngò, dù gọi là hướng dẫn song thực ra là lên lớp cho học sinh. Hơn 100 khuôn mặt tuy dưới một lớp học nhưng đều là bạn học một trường, một cấp học, tất cả đều chăm chú nhìn tôi: chờ đợi, dò hỏi. Lúc đầu tôi nói không ra câu, dần dần tôi cũng trấn tĩnh lại. Được thầy góp ý, bày dạy tỉ mỉ, chu đáo; bài hướng dẫn về “Ca dao Việt Nam” của tôi hôm ấy có nội dung phong phú, nhiều điểm mới. Các bạn học sinh im lặng lắng nghe, ghi chép. Hết 180 phút, các anh Thành, Khái, Nhâm chạy lên đứng quanh tôi, khen tôi: “Được lắm. Không ngờ Giao lại khá đến thế!”. Từ đó, không kể trời khô nắng hay mưa lạnh, cứ tuần một buổi, tôi mượn xe đạp của bạn hay cuốc bộ từ Ngò lên nhà thầy ở vùng chợ Đu nghe lời bày dạy, chỉ bảo của thầy để về soạn lại bài giảng, lên lớp hướng dẫn cho bạn bè mà là học sinh. Tôi nhớ nhất là những hôm thầy bày dạy cho tôi về Cung oán ngâm khúc, về Chinh phụ ngâm, về Truyện Kiều và thơ Nguyễn Công Trứ. Vốn đã thích văn, nhờ những buổi thầy bày dạy ấy, tôi mê văn hơn, say sưa với môn văn hơn, sự hiểu biết về văn học được nâng cao hẳn lên. Hết học kỳ học bổ túc lớp Chín đầu năm 1953, tưởng là sẽ không hoặc ít được gặp thầy. Nhưng rồi Nhà nước cho mở tiếp lớp Dự bị Đại học. Vốn khá Toán, tôi nộp đơn thi vào Khoa học xã hội, trúng tuyển, tôi lại được học với Thầy không chỉ năm học Dự bị đại học ở xã Dân Quyền bên phải Cầu Kè ở Thiệu Hoá, Thanh Hoá mà cả 2 năm sau, Đại học sư phạm Văn khoa, ở Hà Nội. Những ngày học Dự bị đại học ở Thanh Hoá, mỗi tuần thầy lên lớp giảng về Văn học Việt Nam một đêm, không phải 3 tiết mà 4 tiết. Dưới ánh đèn lù mù, chúng tôi khi ngồi trong đình, khi ngồi ngoài sân, trước mắt là chiếc bàn xếp, nghe thầy đứng sau chiếc bàn nhỏ, chẳng cần đèn mà cũng chẳng có bài soạn hay giáo án, sang sảng giảng bài. Lựa chừng hết một tiết, thầy cho chúng tôi nghỉ mười phút rồi lại giảng tiếp. Qua 3 năm học với thầy, tôi thấy khi nào lên giới giảng bài thầy cũng đứng. Ở Thanh Hoá, mỗi lần gặp tôi, thầy đều nói: “Giao không lên chợ Đu chơi, cô Lai (tên vợ thầy) nhắc đấy”. Trong năm học 1953-1954, tôi có lên nhà thầy vài lần. Nhớ nhất là tháng 10 năm 1953, Thanh Hoá bị lụt to, nước rút, tôi và Hà Thúc Chỉ rủ nhau lên nhà thầy thăm thầy cô, được thầy cô chiêu đãi bữa cơm ngon lành. Ra về cô lại dúi cho mấy cân gạo. Cảm động quá, thầy cô thương trò quá, tinh ý quá, hai chúng tôi, nước mắt lưng tròng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, quân và dân ta về Thủ đô. Thầy trò chúng tôi cũng được về Thủ đô. Tại giảng đường ở đường Lê Thánh Tông, thầy lại lên lớp, chúng tôi lại tiếp tục được nghe thầy giảng bài. Hai năm học ở Thủ đô, nhất là năm thứ ba, hầu như chủ nhật nào 3 chúng tôi (Giao, Chỉ và một bạn bên khoa Sử là Phạm Cúc) cũng đi bộ hay đi tàu điện đến 53 Hàng Gà, nhà thầy. Học bổng có hạn, chỉ 13g gạo với mấy đồng bạc, hồi đó được Đảng và Nhà nước cho như vậy là quý lắm, nhưng chúng tôi đang sức ăn và cũng đang ra sức học, bụng lúc nào cũng thấy muốn ăn. Phần lớn sinh viên ở nông thôn trong mấy năm học đó, gia đình đều được “nâng lên” thành phần địa chủ, cha mẹ có cung cấp cho con được chút gì đâu. Đi học từ Khu Học xá lên đường Lê Thánh tông, ngửi thấy mùi phở, mùi xôi sáng, thèm lem lẻm, nhưng khốn nỗi trong túi không có tiền. Thầy biết điều đó, nên chủ nhật nào thầy cũng dặn lên nhà thầy chơi, lên để thầy cô “chiêu đãi” cho một bữa. Thương 3 chúng tôi, thầy không nói ra điều đó, cứ nói có việc này, có việc kia, và khi thấy 3 chúng tôi vào nhà, thầy nói như reo lên: “Ba cậu đến rồi, có việc này đây, hãy nghỉ tí rồi ăn cơm, ta sẽ bàn sau”. Nhưng rồi chẳng mấy khi thầy bàn bạc với chúng tôi hay nhờ chúng tôi làm việc gì cả. Có 3 lần, thầy đưa ra vấn đề gọi là bàn với chúng tôi là lần thầy chuẩn bị viết Giáo trình môn Văn Đại học, lần thầy đưa ra đề cương viết lại Nguyễn Du và Truyện Kiều, và lần cũng đưa ra đề cương viết lại “Văn chương bình dân Việt Nam”. Tôi nhớ nhất mấy lần. Tết 1955, biết gia đình tôi “được lên” địa chủ, 26 tháng Chạp, gặp tôi, thầy nói: “Tết này Giao không về Thanh phải không, mà có về được cũng không nên về. Nhớ lên thầy ăn Tết và hưởng lộc của Thủ tướng”. Tôi và 2 bạn cũng hoàn cảnh như tôi, giữa buổi sáng mùng Hai đến chúc Tết thầy cô, thầy bảo người nhà dọn cỗ Tết ra, ba chúng tôi ngồi vào bàn. Cùng ăn Tết với gia đình thầy đầm ấm vui vẻ, nhưng tâm tư tôi cứ nghĩ đến bố mẹ và người thân ở nhà, có gì ăn không hay là chỉ thắp mấy nén hương với chén nước lạnh trong căn nhà gọi là “quả thực” của nông dân để lại. Có lẽ 2 bạn cũng có tâm trạng như vậy. Thấy mặt chúng tôi không vui, thầy nói chuyện dân Hà Nội ăn Tết, các nhà văn viết về Tết ở Hà Nội trước đó. Thầy cũng kể chuyện tiếu lâm, chuyện đời thường cho chúng tôi vui. Quá trưa, trời se lạnh, đổ mấy hạt mưa xuân, thầy bảo chúng tôi đừng đi đâu nữa, lên gác nghỉ, chiều sẽ hưởng lộc của Thủ tướng. Chiều mùng Hai Tết, khoảng 16 giờ, chúng tôi xuống nhà, thấy trên cái bàn giữa phòng lớn, một chai rượu tây, một hộp bánh kẹo, một túi thuốc lá,… đã được bày sẵn. Những bạn thân của thầy, những người thân trong gia tộc thầy,… đã ngồi sẵn. Thấy chúng tôi đi nhẹ nhàng xuống nhà, thầy lên tiếng: “Nào các cậu sinh viên ngồi vào ghế đi. Chiều nay, nhà thầy ăn Tết”. Thầy giới thiệu chúng tôi với khách và người thân trong gia tộc và ngược lại rồi thầy bảo người nhà mở chai rượu tây, bày bánh kẹo và thuốc lá ra đĩa. Cầm chai rượu, thầy rót vào ly mỗi người một chút. Rót hết lượt, thầy cầm một ly, đứng lên nói: “Đây là quà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng biếu các giáo sư trong dịp Tết, nào chúng ta hãy mừng xuân và chúc mọi người trong chúng ta mạnh khoẻ. Chúng ta rất cảm ơn Thủ tướng và cũng chúc Thủ tướng mạnh khoẻ”. Nói xong, thầy đi đến từng người chạm ly. Tất cả những người ăn Tết ở nhà thầy chiều hôm ấy đều đứng dậy cầm ly để thầy chạm ly và chúc Tết thầy, chúc Tết gia đình thầy. Chạm ly xong, thầy mời mọi người ăn bánh kẹo và hút thuốc lá. Ba chúng tôi chỉ nhấp tí rượu và ăn bánh kẹo. Ngoài đường tiếng guốc khua rộn rã. Trong nhà thầy, những người có mặt nói chuyện cũng rộn rã. Ba chúng tôi im lặng ngồi nghe. Một lúc sau cỗ bàn lại dọn ra, buổi chiều thịnh soạn hơn buổi sáng. Thầy bảo: “Bánh chưng và bánh cốm Hà Nội ngon lắm đấy, ba cậu ăn thử xem sao!”. Bánh cốm Hà Nội thì ngon rồi, còn bánh chưng, bánh chưng gói bằng gạo nếp cái quê tôi cũng ngon, song quả thực bánh chưng Hà Nội năm ấy ngon hơn nhiều. Chập choạng tối, ba chúng tôi chúc Tết thầy cô lần nữa rồi chào ra về. Nắm chặt bàn tay chúng tôi, thầy chúc lại và dặn: “Mai mùng Ba đến nhà thầy nữa nhé! Có biết là mùng ba Tết là ngày như thế nào không?”. Hai bạn đang lúng túng, tôi đáp: “Dạ thưa thầy, “mùng Một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy” ạ!”. Thầy nói đúng. Rời khỏi nhà thầy một đoạn, ba chúng tôi mỗi người đi một ngả. Riêng tôi, biết về đâu trong những ngày tết, dân Hà Nội hay kiêng cữ này. Phải về Khu Học xá thôi. Trời đã tạnh mưa, đường phố Hà Nội vẫn ướt át, trời vẫn se lạnh. Tôi bước chầm chậm trên các vỉa hè Hà Nội, từ Hàng Gà qua Hàng Da tới Hàng Bông đến Bờ Hồ rồi thẳng qua Hàng Bài, phố Huế, xuống Bạch Mai. Lòng tôi vô vàn cảm ơn thầy đã tạo cho tôi ăn cái tết đầu tiên xa nhà mà cũng ấm áp, vui vẻ. Thầy là đạo cha đạo mẹ, thương học trò như con, cảm thông sâu sắc với nỗi lòng của học trò trong cái ngày đầu xuân mà thầy biết, trong đáy sâu thẳm của tâm can chúng nó chẳng vui vẻ tí nào. Đi dọc các dãy phố, mùi thơm của hương trầm quyện với mùi thơm của hoa huệ từ trong các căn nhà thoang thoảng đưa ra, tiếng pháo đôi lúc vẫn còn nổ ran hoặc đì đẹt. Nhìn vào các ngôi nhà, gia đình nào cũng đang sum họp ăn uống hoặc chuyện trò. Một không khí ấm cúng làm xao xuyến lòng tôi. Mà tôi lại đi lang thang trên các hè phố Hà Nội giữa cái đêm mùng Hai tết không mấy người qua lại này. Tôi nhớ đến ông tôi, bố tôi, mẹ tôi, các em tôi, nhớ căn nhà thân thuộc của gia đình tôi,… Đêm nay như thế nào đây?! Về đến khu Học xá, tôi nằm vật xuống giường, nước mắt đầm đìa, thật xúc động biết ơn thầy Trương Tửu và vẫn bâng khuâng nhớ đến ông tôi, bố mẹ tôi, gia đình tôi. Lần 2 vào tháng 3 năm 1956, Thầy đi tham quan Trung Quốc, mua quà về, thầy cũng mời một số bạn bè và gọi một số sinh viên thân mến. Hôm ấy, bạn bè sinh viên đông hơn, tôi cũng có mặt và thấy thầy rất vui. Thầy kể chuyện về những điều tai nghe mắt thấy bên Trung Quốc, các trường đại học bên Trung Quốc lúc đó, các nhà văn Trung Quốc mà thầy được gặp như Quạch Mạt Nhược, Lão Xá,… nhất là tướng Nguyễn Sơn. Thầy nói: “Nguyễn Sơn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bắc Kinh, thế mà cũng “trốn” ra gặp mình và đoàn Giáo sư Việt Nam. Thấy mình, “lão” phấn khởi lắm, hàn huyên bao nhiêu chuyện trong cái thời gian ở Thanh Hoá của Giao. Lại uống rượu nữa chứ, mặc dù “lão” bị bác sĩ cấm ngặt. Tôi hỏi: “Thưa thầy, thế tướng Nguyễn Sơn có tranh luận với thầy về Truyện Kiều không?”. “Thời gian đâu mà tranh luận, nhưng “lão” nói: có nhiều ý kiến mới về Truyện Kiều, hôm nào gặp riêng Trương Tửu sẽ trao đổi”, − Thầy trả lời. Từ ngày có hân hạnh được quen biết thầy và được thầy thương yêu, hôm ấy tôi thấy thầy thật sự vui vẻ. Thầy bảo bọn sinh viên chúng tôi có mặt hôm ấy: “Uống rượu đi, ăn bánh kẹo đi, các cậu. Rượu Mao Trạch Đông, bánh kẹo Mao Trạch Đông đấy!”. Lần 3 vào cuối tháng 8 năm 1956. Tốt nghiệp Đại học sự phạm Văn khoa đầu tháng 7 năm 1956, do học khá, là một trong 10 sinh viên được Ban Giám hiệu giữ lại để làm Tập sự trợ lý giảng dạy. Nhưng sau nhà trường rút xuống 6, tôi và ba bạn nữa, kẻ ra dạy sư phạm trung cấp, người ra dạy cấp 3. Trước ngày nhận quyết định của Bộ Giáo dục vào Khu Bốn lớp chúng tôi được dự một lớp Bồi dưỡng về cải Cách giáo dục ở trường cấp 3 Chu Văn An, chuyển hệ thống giáo dục phổ thông từ 9 năm lên 10 năm. Sau đó chúng tôi được Bộ Giáo dục cho đi tham quan ở Hải Phòng, Hòn Gay, Cẩm Phả, Cửa Ông và vịnh Hạ Long. Đầu tháng 9/1956, trước vài hôm lên đường vào Vinh, tôi đến chào thầy và hỏi ý kiến của thầy khi về dạy cấp 3. Thầy bảo: “ Cậu học khá, lại có năng khiếu và cần cù chịu khó, nếu ở lại Hà Nội thì đi vào lãnh vực nghiên cứu văn học hiện đại, bây giờ về địa phương thì đi vào văn học dân gian”. Trầm ngâm suy nghĩ một lúc thầy nói tiếp: “Trong văn học dân gian có một loại hình chưa ai khám phá, đó là câu đố. Ra dạy cấp 3, cậu nên dành thời gian để sưu tập và tìm hiểu câu đố”. Rồi thầy gọi với vào phòng trong: “Bà Tửu ơi, Giao lên chào để vào Vinh dạy học đấy. Bà kiếm gì để “liên hoan” Giao đi!”. Tiếng cô Lai vọng ra: “Có ngay, có ngay”. Buổi cơm trưa hôm ấy, tôi khắc ghi những lời thầy dặn tôi ra đời làm nghề dạy học phải cư xử ăn ở với đồng nghiệp, với học sinh, với phụ huynh học sinh,… như thế nào. Tiễn tôi ra cửa, nắm lấy tay tôi, bất giác thầy bảo: “Cải cách ruộng đất đã sửa sai rồi đấy, qua Thanh Hoá nhớ về thăm gia đình nhé!”. Sững người lại, tôi nhìn thầy, không ngờ thầy lại chu đáo đến thế. Nhưng ngày vào Vinh, tôi không làm được điều thầy dặn. Bởi hành trang của tôi còn có 2 bồ sách và trong túi chỉ đủ tiền ăn đường. Mãi hơn tháng sau khi được Ban Giám đốc Giáo dục Liên khu IV bổ về dạy cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng và đã nhận tháng lương đầu tiên, tôi mới ra Thanh Hoá, về thăm nhà. Ôi! Tâm trạng của người con xa nhà hơn 2 năm, nay về thăm nhà sau sửa sai Cải cách ruộng đất! Gia đình xuống thành phần trung nông, ông đã mất, những người ruột thịt còn đó, nhưng… tôi oà khóc. Về dạy cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, tôi được Ban Giám hiệu cử làm Tổ trưởng chuyên môn môn Văn. Năm học 1956 - 1957, trên miền Bắc, mỗi tỉnh chỉ có một trường cấp 3, học kỳ I, tháng nào tôi cũng phải ra Hà Nội họp tổ trưởng chuyên môn môn Văn để phản ánh tình hình giảng dạy môn Văn và tiếp thu sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục. Họp xong là tôi đến 53 Hàng Gà thăm Thầy. Nhưng rồi sau đó, cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm diễn ra, bao lời đồn thổi về thầy và các thầy Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường,… bị liên lụy như thế nào và tôi cũng bị ảnh hưởng. Nặng nề lắm! Một lần ra Hà Nội gặp bạn Cao Huy Đỉnh học cùng lớp, đang làm Trưởng ban Văn học dân gian ở Viện Văn học, tôi hỏi về thầy, bạn Cao Huy Đỉnh nói: “Thầy Trương Tửu và một số thầy khác bị lôi thôi rồi, không được dạy Đại học nữa, Giao chưa nên đến thăm thầy…”. Tôi biết 2 chữ “chưa nên” như thế nào, “chưa nên” đến thăm thầy, nhưng tôi vẫn đi qua phố Hàng Gà, đứng nhìn số nhà 53, lòng nặng trĩu tình thương thầy và nỗi ái ngại cho thầy. Bao lần khác tôi đều như vậy. Nhưng có một buổi chiều mùa đông năm 1968, trời lạnh lẽo và xám xịt, tôi đánh bạo vào thăm thầy. Nhà dưới, nhà trên có nhiều giường bệnh. Thầy đang làm nghề châm cứu để kiếm sống. Tôi chào thầy và cô. Thấy tôi vào, thầy dừng tay chữa bệnh cho bệnh nhân, đưa mắt đăm đăm nhìn tôi rồi hỏi: “Giao đấy à? Cậu qua cửa có ai hỏi gì không? Có ai nhìn thấy cậu không?”. Tôi thưa với thầy là “không”. Thầy hỏi tiếp: “Lâu nay ra sao? Có “bị” gì không? Tôi thưa với thầy là “cũng hơi hơi thôi ạ!”. Trong khi thầy nói chuyện với tôi bằng giọng vô cùng xúc động thì có hàng chục bệnh nhân nhìn thầy, kẻ chờ khám bệnh, người chờ chữa bệnh. Cầm bàn tay tôi, thầy nói: “Hôm nay là ngày khám bệnh và chữa bệnh, Giao thấy đấy, thầy bận lắm. Này nhé, chiều thứ năm (bởi hôm đó là thứ ba) đến nhà thầy được không?”. Cô Lai dặn với theo: “Nhớ Giao nhé!”. Chiều thứ năm, họp xong, trời vẫn lạnh, vẫn xám xịt lại thêm mấy hạt mưa lâm thâm, tôi vội vã đến nhà thầy. Thầy đang ngồi cạnh cái bàn mà mấy năm trước thầy trò cùng chuyện trò, cùng ăn cơm. Tưởng là thầy sẽ kể lại những nỗi đắng cay, gian truân, giông bão vừa trải qua để thầy phải “bẻ bút”, nhưng không, thầy né tránh, coi như tôi đã biết cả rồi, chỉ kể qua loa, rồi hỏi về tôi: “Dạy dỗ học trò ra sao? Gia đình như thế nào? Có sưu tầm nghiên cứu được gì không? Tôi lựa lời thưa với thầy về công tác giáo dục mà tôi đã đảm nhiệm, một số công trình nghiên cứu về văn học dân gian mà nghe lời thầy tôi đã biên soạn đã cho xuất bản như: Câu đố Việt Nam (1958), Hát phường vải (1961), Hát giặm Nghệ Tĩnh (1963, cộng tác với ông Nguyễn Đổng Chi),… rồi hoàn cảnh gia đình cũng đã trở nên tốt đẹp. Thầy khen tôi có nhiều cố gắng. Chỉ cô Lai nói một câu: “Mấy năm qua thầy khổ tâm lắm đấy Giao ạ!”. Chia sẻ sâu sắc với thầy bao nỗi xót xa của một Giáo sư, một nhà nghiên cứu phê bình văn học thông minh, tài ba, sắc sảo, đứng hàng đầu của quốc gia, đang ở độ chín mùi, đang có dự định viết bao công trình về nghiên cứu văn học, thế mà phải “bẻ bút”, lại né tránh nói lại những nỗi chua xót đó, lòng tôi tê điếng. Sắp đến giờ tàu chạy, tôi phải ra ga để vào Vinh. Chia tay thầy hôm đó, vừa gạt nước mắt vừa nghẹn ngào nói mấy tiếng: “Em về thầy nhé, cô nhé!”. Sau đó tôi có đến 53 Hàng Gà một lần nữa nhưng cửa đóng. Rồi chiến tranh phá hoại miền Bắc do Mỹ gây ra, bom đạn ác liệt, đường sá cách trở, từ Nghệ An xa xôi, tôi ít ra Hà Nội. Năm 1975, sau đại thắng mùa xuân, đất nước được thống nhất, tôi mới ra Hà Nội. Đến nhà thầy thăm thầy, thấy tôi cả thầy và cô đều reo lên: “Giao đấy à? Mấy năm bom đạn không can gì chứ? Gia đình ra sao? Vợ con có khoẻ không?”. Cô Lai nói: “Thầy nhắc đến Giao luôn đấy!”. Thầy mặc bộ quần áo bà ba màu nâu nhạt, tóc vẫn cắt kiểu tăng-gô, vẫn để ria mép, trông thấy già hơn một chút, song giọng nói vẫn sang sảng. Tôi cũng lựa lời thưa với thầy là trong mấy năm bom đạn, tôi và gia đình vẫn an toàn. tôi khoe với thầy là ở Nghệ An được ông Bí thư Tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng chiếu cố cho một đặc ân là đi rong ruổi trong khắp làng xã để sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá, văn nghệ dân gian trong 4 năm, nhờ đó mà đã ra thêm được mấy đầu sách như: Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh, Truyện cổ Thái, Ca dao xứ Nghệ, v.v… Thầy khen tôi giỏi, được “đi” như vậy là hạnh phúc đấy. Đó là năm 1985. Thầy nói: “Mình đang nghiên cứu khí công, yoga, dưỡng sinh, Phật học, thực hành luyện tập yoga, dưỡng sinh,…”. Thầy bày cho tôi mấy phương pháp tập luyện như sáng mai ngủ dậy nằm trên giường tập các động tác đạp và quay pê-đan xe đạp, kéo gầu nước, thở hít không khí sao cho có tác dụng. Năm 1989, được bầu vào Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lần nào ra họp tôi cũng đến nhà thầy thăm thầy, nhất là từ ngày thầy không ở 53 Hàng Gà nữa, xuống C5 Hoàng Cầu. Năm 1994, một lần đến thăm thầy, sau một hồi trò chuyện, thầy nói: “Trong số sinh viên cũ, thầy thấy Giao cần cù, chịu khó, đã có nhiều công trình sưu tập, nghiên cứu về văn hoá văn nghệ dân gian được công bố; cậu có thể ra Hà Nội sống với thầy vài năm được không, ở hẳn nhà thầy, thầy nuôi cho. Gần đây thầy nghĩ được nhiều ý hay lắm về tục ngữ Việt Nam, những khi thầy trò đàm đạo, trao đổi với nhau, thấy có ý gì hay, cậu ghi lấy, cố gắng viết cuốn “Tục ngữ, túi khôn của người Việt Nam”. Tôi thưa với thầy là hiện đang làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, nhiều công trình đang đeo đuổi. Nhưng sẽ cố gắng thu xếp, ra Hà Nội lần sau, sẽ thưa với thầy. Giữa năm 1995, trong người tôi có dấu hiệu bị bệnh hiểm nghèo, ra bệnh viện K Hà Nội kiểm tra rồi đến thăm thầy, thầy ái ngại cho bệnh tình của tôi và bày cho cách chữa bệnh. Nhưng lúc này tôi cũng ái ngại cho sức khoẻ của thầy vì mắt thầy đã kém, tai cũng đã nghễnh ngãng, nhiều bữa phải ăn cháo. Năm 1996, 1997, 1998, cứ 3 tháng ra Hà Nội vào bệnh viện K kiểm tra bệnh tình và lấy đơn thuốc về điều trị, là tôi đến thăm thầy. Ngày 20/11/1999, ngày Nhà giáo Việt Nam, kiểm tra xong, tôi vội vàng đến thăm thầy thì thầy đã yếu lắm rồi, bảo cô Tâm vắt cho cốc nước cam, thầy uống mãi mới hết. Nói chuyện một hồi, thầy nắm chặt tay tôi, thì thào nói: “Mình yếu lắm rồi Giao ạ! Có lẽ đận này khó qua khỏi”. Rời nhà thầy hôm ấy, mươi hôm sau tôi lại phải ra Hà Nội nằm điều trị nội trú tại bệnh viện K. Tôi có biết đâu ngày 16/12/1999, ngày tôi phải lên bàn mổ cũng là ngày thầy qua đời. Thương thầy quá, ngày hôm sau, y tá thay băng xong, tôi trốn ra khỏi bệnh viện, thuê xe ôm xuống Hoàng Cầu thắp nén tâm hương viếng thầy. Gặp anh Trịnh Hiệt, anh Trịnh Hiệt biết tôi mới mổ xong, không cho tôi đến gần linh cữu thầy, anh nói sẽ thay Giao thắp hộ cho nén tâm hương, Giao ngồi ngoài cổng thôi. Tôi ngồi ngoài cổng, bao người đến viếng thầy rồi ra, riêng tôi ngồi mãi, đeo đuổi một ý nghĩ: cuộc đời của thầy, một thiên tài trong làng Văn Việt Nam, nhưng như thân phận của không ít trí thức cổ kim, trải nhiều sóng gió và bất hạnh. Cái vinh quang của thầy là thầy có bản lĩnh đã vượt qua được bao bất hạnh để lại nhiều công trình sẽ đứng mãi với thế gian. Không rõ những người đầy đọa thầy và những trí thức khác như thầy có ân hận không, có phải trả giá không? Trước khi thanh thản sang thế giới vĩnh hằng, thầy không nghĩ điều đó, nhưng tôi và một số bạn như tôi nghĩ điều đó. Riêng tôi, tôi vô cùng ân hận một điều, là cái chiều mùa thu năm 1994, thầy bảo tôi ra Hà Nội ở với thầy để cùng biên soạn cuốn “Tục ngữ, túi khôn của người Việt Nam”. Thầy nói như là trối trăng, gửi gắm, nhưng tôi đã không thực hiện được. Cả suy nghĩ của thầy về nhóm Hàn Thuyên và Nhà xuất bản Hàn Thuyên, không biết thầy có kể cho ai nghe để người ấy biên soạn một công trình mà thầy đã tâm đắc chủ trì từ 1941 đến 1946 không? Rồi nữa, về nhân cách, tôi thấy thầy vững và thẳng như cây tùng cây bách, còn tôi có lúc hèn nhát, ra Hà Nội qua nhà thầy mà không dám vào nhà thầy trong lúc thầy rất cần gặp gỡ người thân để ngỏ bầu tâm sự, thì tôi chỉ lảng qua, nhìn ngó cái số 53 Hàng Gà, vì đang cố gắng phấn đấu vào Đảng. Xin thầy hãy thứ tha. Thầy đã đi vào cõi hư vô, nhưng tôi vẫn mường tượng thấy Giáo sư Trương Tửu, đầu đội mũ phớt, tay cầm ba-toong, ngẩng cao đầu, hiên ngang đi giữa sân trường Đại học ở phố Lê Thánh Tông và giữa đường đời./. Vinh, tháng 10 năm 2008 N.V.G.
(1) Thầy Trương Tửu từ Hà Nội cùng cả gia đình đi kháng chiến vào Thanh Hoá, lúc đầu ở Quần Tín (Thọ Xuân) với một số văn nghệ sĩ, khi dạy Dự bị đại học chuyển về vùng chợ Đu (Thiệu Hoá).
Lên trang này ngày 7-12-08 |